Hợp đồng thương mại được coi là chìa khóa giải quyết các vấn đề trong kinh doanh, trao đổi và mua bán hàng hóa, bởi lẽ nó giúp đảm bảo mọi giao dịch đều được thực hiện đúng quy định của pháp luật và buộc các bên phải có trách nhiệm với quyền và nghĩa vụ của mình. Vậy hợp đồng thương mại là gì? Pháp luật quy định về hợp đồng thương mại như thế nào?
I. Khái quát về hợp đồng thương mại
1. Hợp đồng thương mại là gì?
Hợp đồng thương mại được hiểu là sự thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ thương mại và xúc tiến thương mại.
Ví dụ về hợp đồng thương mại: Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa 2 công ty; Hợp đồng bán hàng xuất khẩu…
>>> Xem thêm: Thông tin về khái niệm hợp đồng và các loại hợp đồng phổ biến hiện nay
2. Các loại hợp đồng kinh doanh thương mại phổ biến
Hiện nay, hợp đồng thương mại thường được phân thành 3 loại sau:
Các loại hợp đồng thương mại phổ biến | |
✅HĐ mua bán | Là loại hợp đồng không có yếu tố quốc tế; hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (gồm xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu) và hợp đồng mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa (hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn). |
✅HĐ dịch vụ | Là loại hợp đồng cung ứng dịch vụ liên quan đến mua bán hàng hóa (gồm hợp đồng trong các xúc tiến thương mại, trung gian thương mại, các hoạt động thương mại khác) và các hợp đồng cung ứng dịch vụ chuyên ngành (như hợp đồng dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, du lịch,…). |
✅HĐ trong hoạt động đầu tư đặc thù khác | Điển hình là hợp đồng giao nhận thầu xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng dự án khu đô thị mới, dự án hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, nhà ở,…) |
3. Quy định về nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thương mại
Điều 10 đến Điều 15 của Luật Thương mại năm 2005 quy định 06 nguyên tắc cơ bản khi thực hiện các hoạt động thương mại cũng như khi ký kết và thực hiện hợp đồng thương mại như sau:
- Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của thương nhân trong hoạt động thương mại;
- Nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận trong hoạt động thương mại;
- Nguyên tắc áp dụng thói quen trong hoạt động thương mại được thiết lập giữa các bên;
- Nguyên tắc áp dụng tập quán trong hoạt động thương mại;
- Nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng;
- Nguyên tắc thừa nhận giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại.
II. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại là những hợp đồng riêng trong lĩnh vực thương mại: Khi thoả mãn các điều kiện về chủ thể, mục đích và hình thức hợp đồng thì hợp đồng thương mại mang tính chất của một hợp đồng kinh tế. Các đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại bao gồm: Chủ thể; Đối tượng và Hình thức của hợp đồng.
1. Chủ thể của hợp đồng thương mại
Căn cứ theo Luật Thương mại, chủ thể của hợp đồng thương mại là thương nhân, có thể là tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại độc lập, có giấy phép kinh doanh, cá nhân hoặc tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại.
Thương nhân là chủ thể của hợp đồng thương mại có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài (trong hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế). Ngoài chủ thể là thương nhân, các tổ chức, cá nhân không phải là thương nhân cũng có thể trở thành chủ thể của hợp đồng thương mại trong những trường hợp pháp luật quy định cụ thể.
2. Đối tượng của hợp đồng thương mại
Đối tượng của hợp đồng thương mại chính là hàng hóa mà các bên sẽ mua bán với nhau hoặc công việc, dịch vụ mà một bên sẽ thực hiện, cung cấp cho bên còn lại. Các bên sẽ nêu cụ thể thông tin có liên quan của hàng hóa gồm: chủng loại hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm kỹ thuật,…
– Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là việc thực hiện công việc hay cung ứng dịch vụ, các bên cần quy định rõ công việc/dịch vụ này là gì, những công việc/dịch vụ nào được xem là ngoài phạm vi và sẽ tính thêm phí, cách thức cung cấp ra sao, do ai thực hiện, thực hiện vào thời điểm nào, tại địa điểm nào,…
– Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng thương mại là hàng hóa, tùy thuộc hàng hóa mà các bên mua bán là hàng hóa đặc định (ví dụ như 01 tài sản cụ thể nào đó) hoặc cùng loại (chẳng hạn như hàng hóa sản xuất hàng loạt).
3. Hình thức của hợp đồng thương mại
Điều 24 Luật thương mại 2005 quy định: Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc xác lập bằng hành vi cụ thể. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.
Ngoài ra, Luật thương mại 2005 cũng cho phép thay thế hình thức văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
>>> Tham khảo thêm: Hợp đồng điện tử là gì và quy định của pháp luật về loại hợp đồng này
4. Nội dung của hợp đồng thương mại
Nội dung của hợp đồng thương mại là tổng hợp tất cả các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận với nhau, các điều khoản này bao gồm cả quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên khi tham gia.
Pháp luật đề cao sự tự do thỏa thuận của các bên, tuy nhiên nội dung của hợp đồng cũng phải đủ các điều khoản cơ bản và đúng với quy định pháp luật. Một số nội dung cần có trong hợp đồng thương mại như:
– Đối tượng của hợp đồng: là tài sản hiện hành hoặc tài sản được hình thành trong tương lai, các công việc được làm hoặc không được làm;
– Số lượng, chất lượng của đối tượng hợp đồng;
– Giá cả, phương thức thanh toán, thời gian thanh toán, địa điểm thanh toán;
– Thời gian, địa điểm thực hiện hợp đồng;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
– Các điều khoản phạt vi phạm hợp đồng;
– Các nội dung khác.
Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng mà các bên có thể thỏa thuận tất cả các điều khoản mà hai bên cảm thấy cần thiết hoặc có thể bổ sung thêm điều khoản mới hoặc bỏ đi. Ngoài ra, để làm rõ nội dung của hợp đồng thì các bên có thể lập thêm phụ lục hợp đồng.
Lưu ý: Các điều khoản của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của các điều khoản trong hợp đồng. Nếu điều khoản trong phụ lục hợp đồng trái với nội dung hợp đồng thì điều khoản trong phụ lục không có hiệu lực, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Phụ lục có giá trị pháp lý như hợp đồng chính.
>>> Tham khảo thêm: Phụ lục hợp đồng là gì? Nguyên tắc ký phụ lục hợp đồng theo quy định của pháp luật
III. Thời điểm giao kết hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại được coi là đã được giao kết tại thời điểm sau đây:
– Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.
– Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.
– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.
– Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.
– Kể từ thời điểm hợp đồng thương mại được giao kết, hợp đồng phát sinh hiệu lực hoặc theo thỏa thuận giữa các bên hoặc pháp luật có quy định khác. Khi đó, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung theo thỏa thuận của các bên hoặc pháp luật có quy định khác.
Về địa điểm giao kết hợp đồng, pháp luật có quy định cho phép các bên có quyền tự thỏa thuận về địa điểm, nếu không thỏa thuận được thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên đã đưa ra lời đề nghị giao kết hợp đồng.
IV. Thực hiện hợp đồng thương mại
Khi hợp đồng thương mại được giao kết hợp pháp và đã có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo đúng cam kết trong hợp đồng. Việc thực hiện hợp đồng phải diễn ra với tinh thần trung thực, hợp tác và cùng có lợi, tin cậy lẫn nhau giữa các bên trong quan hệ hợp đồng.
– Các bên phải thực hiện đúng các điều khoản, nội dung của hợp đồng đã cam kết về đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại hàng hóa, dịch vụ; thời hạn thực hiện hợp đồng; thời hạn và phương thức thanh toán cùng các thỏa thuận khác.
– Các bên không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng, mà pháp luật quy định việc thực hiện hợp đồng.
>>> Bài viết liên quan: Tìm hiểu về thực hiện hợp đồng và quy định của pháp luật về thực hiện hợp đồng
Nếu trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản mà gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, thì một bên có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn nhất định. Theo đó, khi có những điều kiện sau thì hợp đồng được coi là thay đổi cơ bản:
– Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
– Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
– Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
– Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
– Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Trong trường hợp nếu các bên không thể thỏa thuận được việc thay đổi hợp đồng, một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án:
– Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
– Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Lưu ý: Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
V. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại
Có 02 trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại là: Hủy bỏ hợp đồng; Đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Trường hợp chấm dứt hợp đồng thương mại | |
✅Hủy bỏ hợp đồng | Theo quy định của pháp luật hiện hành, một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại cho bên kia trong các trường hợp sau:
Các trường hợp có quyền hủy bỏ hợp đồng được quy định cụ thể là: Hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ; Hủy bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện; Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng. |
✅Đơn phương chấm dứt hợp đồng | Theo đó, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. |
>>> Xem thêm: Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại được quy định thế nào
VI. Sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại
Theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật thương mại 2005, bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Điều này có nghĩa là hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn tới việc vi phạm hợp đồng thì bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm.
Tuy nhiên, quy định trên lại chỉ nghi nhận sự kiện bất khả kháng là căn cứ miễn trách nhiệm mà không quy định cụ thể thế nào là sự kiện bất khả kháng và điều kiện áp dụng. Xét theo mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, trong đó luật thương mại là luật riêng trong lĩnh vực thương mại, còn Bộ luật dân sự là luật chung, có thể dẫn chiếu quy định của Bộ luật Dân sự về sự kiện bất khả kháng để áp dụng trong lĩnh vực thương mại.
1. Thế nào là sự kiện bất khả kháng?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Theo đó, sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại có thể được hiểu là sự kiện nằm ngoài phạm vi kiểm soát của hợp đồng, các chủ thể không thể lường trước được tại thời điểm 2 bên giao kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng cho đến trước thời điểm hàng vi vi phạm.
Hậu quả của sự kiện bất khả kháng đó không thể khắc phục mặc dù các bên đã áp dụng mọi biện pháp và khả năng cho phép nhưng không thể thực hiện nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng.
2. Điều kiện để sự kiện được coi là trường hợp bất khả kháng
Sự kiện bất khả kháng là một căn cứ để miễn trách nhiệm hợp đồng thương mại khi thoả mãn các điều kiện:
– Sự kiện khách quan sau khi các bên đã giao kết hợp đồng thương mại.
– Có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước hoặc không thể khắc phục.
– Là nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm hợp đồng thương mại.
Tuy nhiên, trong Bộ luật Dân sự 2015 lại không quy định tiêu chí xác định cụ thể cho từng yếu tố, việc đánh giá một sự kiện có đảm bảo các yếu tố của một sự kiện bất khả kháng hay không phụ thuộc vào quan điểm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp (Tòa án hoặc Trọng tài Thương mại) khi có tranh chấp xảy ra.
3. Một số sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại
Sau đây là một số trường hợp cụ thể được xem là sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng:
– Các sự kiện tự nhiên như: động đất, bão, lũ, lụt, sóng thần, hỏa hoạn,…
– Các sự kiện xã hội như: bạo động, nổi loạn, đình công, cấm vận, thay đổi chính sách Chính phủ, chiến sự, chống đối, phá hoại, cấm vận, bao vây, phong tỏa, bất cứ hành động chiến tranh nào hoặc hành động thù địch cộng đồng cho dù chiến tranh có được tuyên bố hay không,…
– Các sự kiện xảy ra do các bên thỏa thuận trong hợp đồng: thiếu nguyên liệu, mất điện, lỗi mạng vi tính, bên cung cấp chậm trễ trong việc giao hàng,…
Hiện nay pháp luật còn quy định chung chung, chưa bảo quát các trường hợp thực tế, do vậy khi soạn thảo hợp đồng cũng cần có các thỏa thuận rõ ràng về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng thương mại và nghĩa vụ của bên vi phạm khi có sự kiện bất khả kháng xảy ra.
4. Hệ quả của việc xảy ra sự kiện bất khả kháng trong hợp đồng thương mại
Theo Khoản 2 Điều 351 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Như vậy, trong trường hợp xảy ra vi phạm hợp đồng thương mại do có sự kiện bất khả kháng thì bên vi phạm hợp đồng được:
– Miễn trách nhiệm nếu nghĩa vụ không được thực hiện, không được thực hiện đầy đủ hoặc không được thực hiện đúng như trong hợp đồng.
– Kéo dài thời hạn thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng bị chậm trễ.
Khi một bên vi phạm hợp đồng thương mại do sự kiện bất khả kháng thì họ phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với bên còn lại về sự kiện bất khả kháng này trong thời hạn hợp đồng hoặc luật áp dụng quy định nếu không có quy định nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia hợp đồng.
Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về hợp đồng thương mại. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số như hiện nay, phần mềm hỗ trợ ký hợp đồng thương mại đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thay thế cho hợp đồng giấy truyền thống bởi một số lợi ích đáng kể như:
MISA tự hào là đơn vị cung cấp nền tảng hợp đồng điện tử AMIS WeSign tiên phong và uy tín nhất, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về giải pháp hỗ trợ ký kết hợp đồng điện tử ưu việt này, doanh nghiệp hãy click ngay vào nút dưới đây để đến với bài viết. Ngoài ra, bạn cũng có thể để lại thông tin trong biểu mẫu bên dưới để được tư vấn trực tiếp. Bộ phận tư vấn của MISA sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất. |
Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế. |
Xem thêm các nội dung liên quan
>>> Mẫu hợp đồng thương mại được cập nhật mới nhất hiện nay
>>> Hợp đồng thương mại tiếng Anh và những điều cần biết
>>> Hợp đồng thương mại vô hiệu khi nào? Hệ quả pháp lý xảy ra
>>> Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định thế nào
>>> Vi phạm hợp đồng thương mại và các biện pháp xử lý
Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.