Chuyển đổi số Hợp đồng số Vi phạm hợp đồng thương mại và các biện pháp xử lý

Vi phạm hợp đồng thương mại là gì? Các biện pháp xử lý khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng thương mại gồm những gì? MISA AMIS mời doanh nghiệp tham khảo bài viết sau đây để có nhìn nhận sâu sắc hơn, đúng đắn hơn về vấn đề này và biết cách áp dụng vào thực tiễn giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại.

I. Khái quát về vi phạm hợp đồng thương mại

vi phạm hợp đồng thương mại

1. Vi phạm hợp đồng là gì?

Vi phạm hợp đồng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng là những nghĩa vụ đã được ghi nhận trong các điều khoản của hợp đồng hoặc được pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó quy định.

2. Vi phạm hợp đồng thương mại là gì?

Theo Điều 3 Luật Thương mại 2005, vi phạm hợp đồng là việc một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định của Luật này.

Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm hợp đồng: Thương lượng – Hòa giải, đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng; yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết; yêu cầu Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự.

3. Hành vi vi phạm hợp đồng thương mại

Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là xử sự của các chủ thể hợp đồng không phù hợp với các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng.

Biểu hiện cụ thể của hành vi vi phạm hợp đồng là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ theo hợp đồng. Cần lưu ý, các bên không chỉ thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng mà còn phải thực hiện cả những nghĩa vụ theo quy định của pháp luật (nội dung thường lệ của hợp đồng).

Vậy nên, khi xem xét một hành vi có là hành vi vi phạm hợp đồng hay không phải căn cứ vào các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng và cả quy định pháp luật có liên quan.

II. Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng thương mại

Luật Thương mại 2005 quy định về phạt vi phạm như sau: “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận”. Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm”.

Từ các quy định này, có thể thấy điều kiện áp dụng phạt vi phạm là: hợp đồng phải có hiệu lực, có hành vi vi phạm hợp đồng, có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.

  • Thứ nhất, hợp đồng phải có hiệu lực: Đây là điều kiện đầu tiên và có tính quyết định của vấn đề phạt vi phạm hợp đồng. Hợp đồng có hiệu lực pháp luật mới làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ tương ứng, trực tiếp giữa các chủ thể giao kết hợp đồng, trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. Do vậy, chế định phạt vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng có hiệu lực pháp luật.
  • Thứ hai, có hành vi vi phạm hợp đồng: Hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ pháp lý cần thiết để áp dụng đối với tất cả các hình thức chế tài do vi phạm hợp đồng trong đó có phạt vi phạm hợp đồng. Hành vi vi phạm hợp đồng là hành vi “không thực hiện”, “thực hiện không đầy đủ” hoặc “thực hiện không đúng” hợp đồng.
  • Thứ ba, có thỏa thuận phạt vi phạm: Khác với các chế tài khác, chế tài phạt vi phạm hợp đồng chỉ có thể được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.

III. Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại

vi phạm hợp đồng thương mại

Khi phát sinh một vụ việc vi phạm hợp đồng thì vấn đề mâu thuẫn và tranh chấp là không thể tránh khỏi, lúc đó, các bên cần lựa chọn các biện pháp xử lý vấn đề sao cho thích hợp và có lợi nhất cho các bên hoặc cho bản thân mình.

Tùy theo tính chất của hành vi vi phạm hợp đồng thương mại, doanh nghiệp có thể tiến hành một hoặc các biện pháp sau:

1. Xử lý vi phạm hợp đồng thương mại bằng thương lượng, hòa giải

Việc thương lượng – hòa giải nhìn chung luôn được khuyến khích khi xảy ra bất cứ một vụ tranh chấp hợp đồng nào nhằm giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất vụ việc. Việc thương lượng hòa giải có thể do các bên chủ động gặp gỡ nhau để giải quyết nhưng nhiều trường hợp phải do Tòa án hoặc cơ quan Trọng tài thương mại hòa giải.

Nhìn chung việc thương lượng – hòa giải nếu đạt được kết quả thì sẽ có nhiều lợi ích cho các bên như không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng… và làm hài lòng các bên tranh chấp.

Thông thường việc thương lượng – hòa giải chỉ đạt kết quả do thiện chí của các bên và chủ yếu việc vi phạm, tranh chấp là do nguyên nhân khách quan hoặc vì hiểu lầm hay hiểu không đầy đủ nội dung hợp đồng.

2. Xử lý vi phạm hợp đồng thương mại bằng cách đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đây là biện pháp bất đắc dĩ sau khi đã thương lượng hòa giải không được nhưng nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả xấu hơn nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng trong khi phía bên kia không chấm dứt việc vi phạm hợp đồng hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm hợp đồng.

Trong trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm hợp đồng thì doanh nghiệp không phải bồi thường thiệt hại cho họ. Đây cũng được coi là hậu quả mà bên vi phạm hợp đồng phải gánh chịu.

>>> Xem thêm: Đơn phương chấm dứt hợp đồng thương mại được quy định thế nào

3. Yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết vi phạm hợp đồng thương mại

Việc yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết vi phạm hợp đồng thương mại là biện pháp cần thiết và hữu hiệu khi không còn biện pháp nào có thể làm thay đổi được tình hình bởi các cơ quan này, nhất là Tòa án, là các cơ quan có thẩm quyền ra các phán quyết bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của bên vi phạm.

Các phán quyết này có hiệu lực pháp lý cao và có tính bắt buộc. Khi yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng chặt chẽ do pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp .

4. Yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự

Đây là biện pháp cứng rắn được áp dụng nếu bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi ký kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm.

Việc lừa đảo được thể hiện qua thủ đoạn gian dối với ý định có trước khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Thông qua việc ký kết hợp đồng có tính gian dối một bên đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của đối tác. Đối với việc lạm dụng tín nhiệm thì các thủ đoạn và ý định chiếm đoạt xảy ra sau khi ký kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Nếu có đủ cơ sở xác định có tội phạm xảy ra thì các cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả lại hoặc bồi thường những tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho bên bị hại.

IV. Mức phạt vi phạm hợp đồng thương mại

vi phạm hợp đồng thương mại

Theo Điều 300 Luật Thương mại 2005, phạt vi phạm hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Về mức phạm vi phạm hợp đồng thương mại, Điều 301 có quy định như sau:

Điều 301. Mức phạt vi phạm

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Ngoài ra, Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thực hiện hợp đồng có thỏa thuận phạt vi phạm:

Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Vậy khi nào áp dụng mức phạt vi phạm hợp đồng theo Luật Thương mại, khi nào theo Bộ luật Dân sự?

– Điểm khác biệt về mức phạt giữa hai điều luật trên là do chủ thể, nội dung, đối tượng của hợp đồng quyết định.

– Trường hợp hợp đồng giao kết vì mục đích tiêu dùng sinh hoạt của hai cá nhân, tổ chức thì sẽ áp dụng Bộ luật dân sự.

– Trường hợp hợp đồng giao kết mà có một trong hai bên chủ thể là thương nhân với mục đích kinh doanh sinh lợi thì sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại.

V. Mối quan hệ giữa bồi thường và phạt vi phạm hợp đồng thương mại

Hợp đồng có thể là hợp đồng thương mại hoặc hợp đồng dân sự do đó khi bàn về mối quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại từ vi phạm hợp đồng cần lưu ý cả quy định của Luật thương mại và Bộ luật dân sự. Cụ thể:

Điều 307 Luật Thương mại 2005 quy định về quan hệ giữa chế tài phạt vi phạm và chế tài bồi thường thiệt hại như sau:

– Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

Trong khi đó, Khoản 3 Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

– Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

– Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Như vậy, căn cứ vào loại hợp đồng cụ thể mà các bên ký kết, mối quan hệ giữa hai chế tài này là không giống nhau.

– Đối với hợp đồng thương mại: trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh ngay cả khi các bên không có thỏa thuận, còn trách nhiệm nộp phạt vi phạm chỉ phát sinh khi các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm trong hợp đồng.

– Đối với hợp đồng dân sự: trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vi phạm hợp đồng thương mại MISA muốn gửi đến các doanh nghiệp. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng thực hiện các công việc của mình và biết được phạm vi quyền hạn để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

 

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

 

Xem thêm các nội dung liên quan

>>> Hợp đồng thương mại là gì? Đặc điểm pháp lý của hợp đồng thương mại

>>> Mẫu hợp đồng thương mại được cập nhật mới nhất hiện nay

>>> Hợp đồng thương mại vô hiệu khi nào? Hệ quả pháp lý xảy ra

>>> Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thương mại được quy định thế nào

>>> Giao kết hợp đồng thương mại là gì? Nguyên tắc, nội dung, trình tự giao kết hợp đồng

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]