Lifebuoy là một trong những thương hiệu toàn cầu thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh và được người tiêu dùng đón nhận. Để đạt được thành công này, Lifebuoy đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả. Hãy cùng phân tích và tìm hiểu chiến lược Marketing của Lifebuoy trong bài viết dưới đây.
l. Giới thiệu tổng quan về tập đoàn đa quốc gia Unilever và Lifebuoy
Theo Wikipedia, Unilever là một tập đoàn toàn cầu nổi tiếng thế giới trên lĩnh vực sản xuất và các sản phẩm tiêu dùng nhanh bao gồm các sản phẩm chăm sóc vệ sinh cá nhân và gia đình, thức ăn, trà và đồ uống từ trà.
Hiện nay Unilever đang kinh doanh 3 dòng sản phẩm chính là:
- Dòng thực phẩm dùng cho chế biến và ăn uống
- Dòng sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân
- Dòng sản phẩm giặt tẩy cho quần áo và đồ dùng trong nhà.
Về Lifebuoy
Lifebuoy là một trong những nhãn hiệu lâu đời nhất của tập đoàn Unilever – một nhãn hiệu ‘toàn cầu’ thật sự ngay cả trước khi cụm từ ‘thương hiệu toàn cầu’ được tạo ra. Xà phòng khử trùng hoàng gia Lifebuoy được ra đời vào năm 1894, là một sản phẩm có thể dễ dàng mua được bấy giờ để mang lại điều kiện vệ sinh tốt hơn cho mọi người dân. Ngay sau khi ra đời, xà phòng Lifebuoy đã được bán ở nhiều nơi trên thế giới, đến với những nước như Ấn Độ – nơi mà đến tận hôm nay vẫn là thị trường dẫn đầu của Lifebuoy.
Trong suốt lịch sử 110 năm của Lifebuoy, nhãn hiệu giữ sự nhất quán trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng thông qua vệ sinh. Lifebuoy luôn giữ lời hứa cốt lõi về bảo vệ sức khỏe và cam kết hỗ trợ cuộc sống người tiêu dùng như một sự đảm bảo khi sức khỏe bạn bị đe dọa.
ll. Phân tích thị trường mục tiêu và định vị thương hiệu của Lifebuoy
1. Thị trường mục tiêu
Thị trường mục tiêu là sự phân khúc khách hàng vào từng nhóm nhất định phù hợp với chiến lược, mục tiêu của từng doanh nghiệp. Hay nói cách khác, thị trường mục tiêu bao gồm những khách hàng tiềm năng thực sự quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Nhóm khách hàng cụ thể này là nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn tiếp cận thông qua các hoạt động và chiến dịch marketing của mình. Đây là nhóm khách hàng có khả năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hơn là với những nhóm khách hàng khác. Đối với nhóm khách hàng mục tiêu, họ có chung những đặc điểm như: nhân khẩu học, trình độ học vấn, thu nhập, tâm lý và hành vi,…
Đối tượng khách hàng chính của Lifebuoy là những người phụ nữ nội trợ, họ luôn quan tâm đến sức khỏe và vệ sinh trong gia đình. Ngoài ra, họ cũng là những người thường xuyên mua sắm những đồ dùng thiết yếu cho ngôi nhà của mình.
2. Định vị thương hiệu
Theo như Philip Kotler – 1 chuyên gia nổi tiếng trong ngành Marketing, định nghĩa định vị thương hiệu như sau: “Định vị thương hiệu là tập hợp các hoạt động nhằm mục đích tạo ra cho sản phẩm cũng như thương hiệu một vị trí nhất định (so với đối thủ cạnh tranh) trong tâm trí của khách hàng”.
Nói đến định nghĩa định vị thương hiệu, theo Marc Filser “định vị thương hiệu là nỗ lực đem lại cho sản phẩm một hình ảnh riêng, dễ đi vào nhận thức của khách hàng. Hay cụ thể hơn, là điều mà doanh nghiệp muốn khách hàng liên tưởng tới mỗi khi thương hiệu của mình được nhắc tới”.
Với định vị “Lifebuoy- Nhãn hiệu sạch khuẩn số 1 thế giới”. Lifebuoy đã thành công khi xây dựng là một thương hiệu xà phòng/ nước rửa tay, bảo vệ người dùng khỏi 99.9% vi khuẩn gây bệnh, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, đáp ứng nhu cầu an toàn của người tiêu dùng.
lll. Phân tích mô hình SWOT của Lifebuoy
Mô hình SWOT là một công cụ nổi tiếng được nhiều doanh nghiệp biết đến và áp dụng bởi tính hữu ích trong việc giúp các nhà quản lý phân tích các yếu tố quan trọng bên trong và ngoài doanh nghiệp để từ đó thiết lập nên các chiến lược cũng như kế hoạch kinh doanh phù hợp.
SWOT là viết tắt của 4 từ: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức) – là một mô hình nổi tiếng giúp doanh nghiệp có thể phân tích cũng như xây dựng được chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả.
Thông qua phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ mục tiêu của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra, từ đó có những chiến lược bán hàng phù hợp để có thể tăng doanh thu.
Về phân tích SWOT của Lifebuoy, thương hiệu này có một số điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục cũng như cơ hội có thể nắm bắt và thách thức cần đối mặt như sau.
1. Strengths (Điểm mạnh)
- Uy tín thương hiệu: Lifebuoy đã thành công trong việc đạt được sự tin tưởng của khách hàng trên thị trường trong gần 100 năm. Phương pháp tiếp cận và giao tiếp lấy sức khỏe làm trung tâm đã giúp Lifebuoy có được sự tín nhiệm và một phần lớn khách hàng trung thành.
- Giá cả phải chăng: Lifebuoy đã định giá đa dạng để phù hợp với mọi loại thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn.
- Phân phối rộng rãi: Lifebuoy có một kênh phân phối mạnh mẽ trên toàn thế giới, giúp sản phẩm có mặt tại các quốc gia xa nhất. Lifebuoy đã nỗ lực để có mặt tại các thị trường nông thôn, nơi có nhu cầu thực sự cao về sản phẩm.
- Mở rộng dòng sản phẩm: Lifebuoy đã thành công trong việc mở rộng dòng sản phẩm của mình bằng cách đưa ra các sản phẩm thành công như nước rửa tay, sữa tắm và gel rửa tay sát khuẩn.
2. Opportunities (Cơ hội)
- Thu nhập người dân ngày càng tăng cao: Thu nhập khả dụng của người dân trên khắp thế giới đang tăng lên và người ta kỳ vọng tiêu thụ trong ngành hàng tiêu dùng sẽ tăng và cuối cùng sẽ làm tăng doanh số bán hàng.
- Người dân ngày càng chú trọng vào thông điệp sản phẩm: Unilever đã tập trung vào việc cung cấp các thông điệp xã hội thông qua việc quảng cáo các sản phẩm. Lifebuoy cũng là một trong nhiều sản phẩm được quảng bá với cùng với thông điệp xã hội.
- Người dân ngày càng nâng cao nhận thức về sức khỏe: Nhận thức về sức khỏe trên toàn cầu ngày càng tăng, điều này có thể mang lại lợi thế cho Lifebuoy.
3. Threats (Thách thức)
- Cạnh tranh gay gắt: Lifebuoy chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm địa phương cũng như toàn cầu.
- Xu hướng sử dụng các sản phẩm thảo dược tăng cao: Nhận thức về các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược đang tăng lên trên toàn cầu, điều này có thể ảnh hưởng đến thị trường của Lifebuoy vì về cơ bản, Lifebuoy là một sản phẩm dựa trên hóa chất.
lV. Phân tích chiến lược Marketing Mix của Lifebuoy
Kế hoạch Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu, phân bổ nguồn lực, xây dựng định hướng triển khai,.. để từ đó thu hút khách hàng tiềm năng, tối ưu chuyển đổi và tăng doanh thu bán hàng. Vậy làm thế nào để xây dựng kế hoạch Marketing hiệu quả? Một bản kế hoạch marketing hoàn chỉnh cần có những nội dung nào? Đăng ký nhận trọn bộ Mẫu kế hoạch Marketing tại form dưới đây.
Lifebuoy là một trong những thương hiệu toàn cầu thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh và được người tiêu dùng đón nhận. Để đạt được thành công này, Lifebuoy đã triển khai những chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P một cách hiệu quả.
Vậy chiến lược Marketing của Lifebuoy là gì? Lifebuoy đã triển khai chiến lược Marketing Mix như thế nào?
1. Chiến lược Marketing của Lifebuoy về sản phẩm (Product)
Sản phẩm luôn là cốt lõi của mọi doanh nghiệp, và một sản phẩm tốt cần đáp ứng được nhu cầu cũng như mong muốn của khách hàng, nếu không sẽ bị đối thủ giành mất thị phần hay thậm chí bị đào thải khỏi thị trường.
Lifebuoy bắt đầu sản phẩm của mình từ xà phòng carbolic, với hình dáng màu đỏ độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ tới người tiêu dùng. Hiện nay, danh mục sản phẩm của thương hiệu này không chỉ dừng lại ở xà phòng, mà còn mở rộng ra hầu hết các sản phẩm chăm sóc cá nhân như:
- Xà phòng
- Nước rửa tay
- Sữa tắm
Ngoài ra, Lifebuoy còn khuyến khích người tiêu dùng giảm thiểu rác thải nhằm mục đích bảo vệ môi trường. Với mục tiêu đó, thương hiệu này đã cho ra mắt các dòng sản phẩm đựng bằng túi để người tiêu dùng có thể tái chế lại các chai đựng cũ của Lifebuoy, từ đó cũng giúp họ tiết kiệm hơn so với trước kia. Động thái này của Lifebuoy là hoàn toàn khôn khéo nhất là trong bối cảnh bảo vệ môi trường là chủ đề được mọi người quan tâm.
Vào năm 2020, toàn thế giới đang hứng chịu sự bùng nổ của đại dịch COVID-19. Khi đó nhu cầu của người tiêu dùng là cần một sản phẩm khử khuẩn nhỏ gọn, tiện lợi, có thể mang theo đến bất kỳ đâu nhằm giúp họ hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus ở nơi đông người. Hiểu được vấn đề này, Lifebuoy ngay lập tức cho ra mắt các dòng sản phẩm nước rửa tay khô với 2 dạng chính:
- Gel rửa tay – cho mọi nhu cầu vệ sinh tay khi không có nước.
- Nước rửa tay dạng xịt – không chỉ dùng tay, đến những nơi mà tay có thể tiếp xúc như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, tay nắm cửa,…
Bên cạnh đó, Lifebuoy còn tung ra các sản phẩm hưởng ứng những ngày đặc biệt ở Việt Nam như Tết. Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong các lễ hội truyền thống của Việt Nam, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới. Với người dân Việt Nam, họ coi trọng những ngày này, và có tâm lý dành dụm tiền kiếm được trong năm để sắm sửa đón mừng năm mới. Vì thế, đây là thời điểm người tiêu dùng chi tiêu nhiều nhất trong năm.
Bằng cách thay đổi bao bì, phù hợp với không khí lễ hội, Lifebuoy đã thu hút lượng người mua đáng kể trong những ngày này.
2. Chiến lược Marketing của Lifebuoy về giá (Price)
Giá (Price) là một trong bốn yếu tố cấu thành quan trọng trong marketing mix. Nó đóng vai trò quyết định trong việc mua hàng của người tiêu dùng, còn đối với công ty, giá có vai trò quyết định việc cạnh tranh trên thị trường. Việc đưa ra chiến lược giá trong marketing có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến doanh số và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Theo McKinsey, chỉ cần cải thiện yếu tố giá 1% sẽ làm tăng lợi nhuận lên 6% . Điều đó có tác động hơn cả việc giảm 1% chi phí biến đổi (làm tăng lợi nhuận 3,8%) hoặc giảm 1% chi phí cố định (làm tăng 1,1% lợi nhuận).
Vì không có sự khác biệt trong thị trường hàng tiêu dùng nhanh, yếu tố chất lượng hay tùy biến cũng hạn chế thế nên yếu tố cạnh tranh chính là giá cả. Chính vì vậy, để có thể cạnh tranh được với đối thủ, cũng như giữ vững thị phần của mình, Lifebuoy đã áp dụng chiến lược định giá sản phẩm thâm nhập thị trường (Penetration Pricing Strategy).
Định giá xâm nhập là một chiến lược marketing được các doanh nghiệp sử dụng để thu hút khách hàng đến với một sản phẩm hoặc dịch vụ mới bằng cách đưa ra mức giá thấp so với thị trường trong lần chào bán đầu tiên. Giá thấp hơn giúp một sản phẩm hoặc dịch vụ mới xâm nhập thị trường và thu hút khách hàng từ đối thủ cạnh tranh. Định giá xâm nhập thị trường dựa trên chiến lược sử dụng giá thấp ban đầu để thu hút nhiều khách hàng biết đến một sản phẩm mới.
Mục tiêu của chiến lược định giá xâm nhập thị trường là lôi kéo khách hàng dùng thử sản phẩm mới và củng cố thêm thị phần với hy vọng giữ chân khách hàng ở lại khi giá bán tăng trở lại mức bình thường. Các ví dụ về chiến lược định giá này có thể kể đến các website về tin tức trực tuyến khi họ cung cấp một tháng miễn phí cho dịch vụ đối với những khách hàng đăng ký sử dụng hoặc một ngân hàng cung cấp tài khoản miễn phí trong sáu tháng.
Hiện tại, mức giá của Lifebuoy rất đa dạng từ 13.000-300.000 đồng tuỳ theo dung tích của sản phẩm, nhưng nhìn chung giá rẻ hơn các sản phẩm cùng loại để giành khách hàng chiếm lĩnh thị trường.
Đọc thêm: 10 chiến lược định giá phổ biến trong Marketing
3. Chiến lược Marketing của Lifebuoy về hệ thống phân phối (Place)
Thông qua việc sử dụng đúng hệ thống phân phối, một công ty có thể tăng doanh số và duy trì những số liệu tích cực trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là một thị phần lớn hơn và tăng doanh thu và lợi nhuận.
Xác định vị trí chính xác là một hoạt động quan trọng mà nó được tập trung vào việc tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu vào đúng thời điểm.
Là sản phẩm chăm sóc sức khỏe gia đình số 1 Việt Nam, Lifebuoy sử dụng kênh phân phối rộng rãi để đưa sản phẩm ra khắp cả nước đáp ứng nhu cầu rộng rãi của người mua. Năm 1995, Unilever vào Việt Nam và quyết định tạo ra một hệ thống tiếp thị và phân phối toàn quốc, bao quát hơn 100.000 địa điểm.
Unilever đã đưa khái niệm tiêu thụ bán lẻ trực tuyến, sử dụng nhân viên bán hàng đến từng cửa hàng bán lẻ theo tuyến, những nhân viên này có nhiệm vụ chào các đơn hàng mới, giao hàng và cấp tín dụng cho các đơn hàng tiếp theo. Các điểm bán lẻ được cấp tủ bày hàng năm sử dụng tối đa không gian trong cửa hàng của họ và đem đến tính bắt mắt cho sản phẩm.
Ngoài ra, công ty còn giúp đỡ các hãng phân phối dàn xếp các khoản cho vay mua phương tiện đi lại, đào tạo quản lý và tổ chức bán hàng. Với hệ thống các nhà phân phối rộng khắp, lực lượng bán hàng đông đảo của Unilever, với hơn 300 nhà phân phối, 130.000 cửa hàng bán sỉ và bán lẻ, hơn 256 siêu thị tạo điều kiện cho người dùng ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam có thể mua được sản phẩm.
Lifebuoy hiện sử dụng kênh phân phối gián tiếp qua các trung gian: nhà phân phối, các cơ sở bán lẻ: siêu thị, tạp hoá.
- Các nhà phân phối sỉ và lẻ: là hệ thống kênh phân phối truyền thống của sản phẩm. Là dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho gia đình, Lifebuoy được đưa vào các hệ thống bán lẻ rộng rãi trên khắp cả nước.
- Kênh phân phối siêu thị: là hệ thống kênh phân phối hiện đại của sản phẩm. Rất dễ dàng tìm thấy các sản phẩm của Lifebuoy tại hệ thống các siêu thị lớn như Big C, Coop Mart, …
- kênh phân phối tại các địa điểm trường học. Lifebuoy thường nhắm đến đối tượng là các trẻ em năng động và cần quan tâm đặc biệt đến vấn đề sức khoẻ, nên hệ thống phân phối tại các điểm trường học rất phổ biến.
4. Chiến lược Marketing của Lifebuoy về xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Xúc tiến là một hoạt động kinh doanh cần thiết để bắt kịp nhịp độ với thị trường tiêu thụ. Chiến lược xúc tiến của Lifebuoy khá chú trọng vào quảng cáo, thương hiệu này sử dụng nhiều hình thức quảng cáo khác nhau có thể kể đến như:
Quảng cáo trên các kênh truyền hình
Xà phòng rửa tay Lifebuoy được chiếu trên truyền hình để nhiều người xem và biết đến sản phẩm. Không những vậy, các quảng cáo của Lifebuoy thường được chiếu vào các khung giờ vàng trên các kênh truyền hình lớn, được đông đảo người dân theo dõi như VTV3, VTV1, VTC14… Lifebuoy còn sẵn lòng chi tiền tài trợ cho các chương trình thu hút người xem như The Voice Kids.
Xuất hiện trên báo và tạp chí
Tờ rơi quảng cáo sản phẩm được kẹp vào tạp chí hay in trên báo. Hình thức này chỉ đánh vào một số khách hàng có thói quen đọc báo giấy và tạp chí.
Quảng cáo qua Internet
Quảng cáo được đăng trên các trang web nổi tiếng, có nhiều lượng truy cập. Những quảng cáo này thường là những đoạn clip ngắn hay các logo-banner, chủ yếu đánh vào giới trẻ và các nhân viên văn phòng, những người sử dụng Internet thường xuyên.
Quảng cáo ngoài trời
Các biển quảng cáo được đặt trên các tuyến đường, trước cửa siêu thị, băng rôn tại các cửa hàng, đại lý, tại các điểm chờ xe buýt…
Ngoài ra, thương hiệu này cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm tăng nhu cầu của người tiêu dùng. Các hình thức khuyến mãi của Lifebuoy thường là những hoạt động giảm giá, tặng quà (sổ tay, khăn, bút…).
Những hoạt động xã hội cũng được Lifebuoy quan tâm, vì đây chính là hoạt động xúc tiến hữu hiệu nhất của nhãn hàng này, giúp Lifebuoy xây dựng lòng tin vững chắc với người tiêu dùng.
Một số chiến dịch thành công của Lifebuoy như: Chiến dịch “Cảnh báo trước dịch bệnh”: “Hệ thống cảnh báo dịch bệnh tự động” đã được vinh danh ở hạng mục “Best In Show” – giải thưởng ngành (Industry Awards) tại Smarties Vietnam 2019.
Tổng kết
Lifebuoy là một trong những thương hiệu toàn cầu thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh và được người tiêu dùng đón nhận. Để đạt được thành công này, Lifebuoy đã triển khai những chiến lược Marketing một cách hiệu quả.
Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp tới các bạn những thông tin chi tiết như:
- Giới thiệu tổng quan về về tập đoàn đa quốc gia Unilever và Lifebuoy
- Phân tích thị trường mục tiêu và định vị thương hiệu của Lifebuoy
- Phân tích mô hình SWOT của Lifebuoy
- Phân tích chiến lược Marketing Mix của Lifebuoy
Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích từ chiến lược marketing của Lifebuoy, từ đó giúp triển khai các chiến lược marketing hiệu quả cho doanh nghiệp của mình!