Lợi thế cạnh tranh là một nhân tố quan trọng quyết định thành bại và vị thế của một doanh nghiệp trên thị trường. Việc xác định được lợi thế cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải thấu hiểu và đánh giá được tất cả các hoạt động để thiết kế, sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm của mình. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu về mô hình Value Chain hay còn gọi là mô hình chuỗi giá trị. Bài viết này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp một góc nhìn đa chiều về mô hình này.
Tổng quan về mô hình chuỗi giá trị (Value chain model)
Mô hình Value Chain là gì?
Mô hình Value Chain hay chuỗi giá trị là một quy trình được sử dụng để phân tích các chức năng cốt lõi của một doanh nghiệp nhằm giảm thiểu chi phí và tối đa hóa giá trị của sản phẩm, dịch vụ trong mọi lĩnh vực. Khái niệm này được nhà kinh tế học Michael Porter đưa ra trong cuốn sách Lợi thế cạnh tranh: Tạo dựng và Duy trì Hiệu suất Vượt trội.
Mô hình chuỗi giá trị là một công cụ hữu ích để xác định năng lực cốt lõi và lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp.
Các thành phần tạo nên mô hình Value Chain
Michael Porter chia các hoạt động cấu thành chuỗi giá trị của một doanh nghiệp thành 2 mảng: các hoạt động chính (primary activities) và các hoạt động bổ trợ (support activities)
Hoạt động chính
Đây là các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp. Các hoạt động này cũng là các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
- Hoạt động hậu cần bên trong (Inbound Logistics): Các hoạt động liên quan đến việc tiếp nhận, lưu kho và quản lý hàng tồn kho các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào.
- Hoạt động vận hành (Operations): Bao gồm tất cả các hoạt động nhằm chuyển các yếu tố đầu vào thành sản phẩm hoàn chỉnh như triển khai sản xuất, quản lý chất lượng, vận hành và bảo trì thiết bị,…
- Hoạt động hậu cần bên ngoài (Outbound Logistics): Các hoạt động liên quan đến phân phối, bao gồm đóng gói, phân loại và vận chuyển.
- Marketing và bán hàng (Marketing and Sales): Các hoạt động liên quan đến marketing và bán sản phẩm hoặc dịch vụ như định giá, quảng cáo, xúc tiến bán,…. Đây là hoạt động có vai trò quan trọng, nếu thực hiện không tốt sẽ khiến cho ba hoạt động phía trên bị ảnh hưởng
- Dịch vụ (Service): Các hoạt động diễn ra sau khi hoàn tất giao dịch bán hàng nhằm tăng cường hoặc duy trì giá trị của sản phẩm như lắp đặt, sửa chữa, điều chỉnh sản phẩm, giải quyết các thắc mắc và khiếu nại…
Hoạt động bổ trợ
Những hoạt động này góp phần thúc đẩy sự hiệu quả của những hoạt động chính, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Các hoạt động bổ trợ bao gồm:
- Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp (Firm Infrastructure): quản trị tổng quát, lập kế hoạch, tài chính – kế toán, pháp lý… Cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ các hoạt động trong dây chuyền giá trị kể cả các hoạt động chính cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.
- Quản trị nguồn nhân lực (Human resources management): Bao gồm nhiều hoạt động liên quan đến tuyển dụng, thuê lao động, huấn luyện, phát triển và vấn đề thu nhập của tất cả các loại nhân sự. Quản lý nguồn nhân lực hỗ trợ các hoạt động chính cũng như các hoạt động hỗ trợ khác.
- Phát triển công nghệ (Technological development): gồm nhiều hoạt động có thể tập hợp lại trên diện rộng thành những nỗ lực để cải tiến sản phẩm và quy trình như: thiết kế, phát triển kỹ năng sản xuất, quy trình tự động hoá.
- Mua sắm (Procurement): Đây là hoạt động thu mua các yếu tố đầu vào được sử dụng trong dây chuyền giá trị của doanh nghiệp. Công tác thu mua đầu vào bao gồm nguyên liệu thô, các nguồn cung ứng và những sản phẩm để tiêu thụ khác cũng như các tài sản.
Phân tích mô hình Value Chain
Thế nào là phân tích mô hình Value Chain?
Phân tích mô hình Value Chain là quá trình quan sát và đánh giá từng hoạt động kinh doanh liên quan đến việc tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ hoàn chỉnh. Mục đích của phân tích chuỗi giá trị là tìm ra các lĩnh vực cần cải thiện trong chuỗi giá trị nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể đạt được lợi thế cạnh tranh dưới các hình thức như:
- Giảm chi phí: Bằng cách nâng cao hiệu quả của từng hoạt động trong chuỗi giá trị, giúp giảm chi phí vận hành.
- Khác biệt hóa sản phẩm: Đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn vào các hoạt động như nghiên cứu và phát triển, thiết kế hoặc tiếp thị để giúp sản phẩm nổi bật hơn trên thị trường.
Thông thường, việc nâng cao hiệu suất của một trong bốn hoạt động hỗ trợ có thể mang lại lợi ích cho ít nhất một trong các hoạt động chính.
Tại sao doanh nghiệp cần phải phân tích mô hình Value Chain
Tối ưu hóa hoạt động kinh doanh: Chuỗi giá trị cho phép phân tích sâu sắc từng khía cạnh của doanh nghiệp, từ đó nhận diện cơ hội cải thiện và tối ưu hóa.
Đưa ra các đánh giá tổng quan về năng lực của doanh nghiệp: Phân tích chuỗi giá trị cung cấp cái nhìn toàn diện về những lợi thế nổi trội của doanh nghiệp để khai thác và điểm kém hiệu quả để cải thiện.
Hiểu mối liên kết giữa các hoạt động: Cung cấp cái nhìn rõ ràng về mối liên kết và sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các hoạt động trong doanh nghiệp. Ví dụ, bao bì thân thiện với môi trường được sử dụng trong hoạt động outbound logistics có thể được bộ phận marketing quảng bá như một minh chứng cho trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tạo lợi thế chi phí: Tối ưu hóa hoạt động để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả chiến thắng đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Quy trình phân tích mô hình Value Chain
Bước 1. Xác định các hoạt động trong chuỗi giá trị
Bước đầu tiên trong việc thực hiện phân tích chuỗi giá trị là hiểu rõ tất cả các hoạt động (hoạt động chính và hoạt động bổ trợ) liên quan đến việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Nếu danh mục sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp rộng, việc thực hiện quy trình này là rất quan trọng.
Bước 2: Xác định giá trị và chi phí của từng hoạt động
Tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định các giá trị mà từng hoạt động trong chuỗi có thể đem lại cho sản phẩm, dịch vụ và những chi phí liên quan.
Ví dụ, việc sử dụng một loại vật liệu nhất định để sản xuất sản phẩm có làm nó bền hơn hoặc đem lại cho khách hàng cảm giác sang trọng hơn không?
Tương tự, việc hiểu rõ các chi phí liên quan đến từng bước trong quy trình là rất quan trọng. Bằng cách xác định và cắt giảm các khoản chi không cần thiết, doanh nghiệp có thể vẫn có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng với mức giá cạnh tranh.
Bước 3: So sánh chuỗi giá trị của bạn với đối thủ cạnh tranh
“Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”, việc tìm hiểu về đường đi nước bước của đối thủ cạnh tranh cũng là rất quan trọng để có thể tìm ra những điểm doanh nghiệp cần cải thiện hoặc phát triển.
Mặc dù khó có thể biết được tất cả toàn bộ hoạt động trong mô hình Value Chain của đối thủ cạnh tranh nhưng doanh nghiệp có thể hình dung thông qua các chuẩn đối sánh (benchmarking) như:
Chuẩn đối sánh quy trình: So sánh tất cả các quy trình của doanh nghiệp với đối thủ cạnh tranh để tối ưu hóa việc quản lý quy trình làm việc và vận hành.
Chuẩn đối sánh chiến lược: Đánh giá mô hình kinh doanh và chiến lược của đối thủ cạnh tranh để xác định các khoảng trống trên thị trường và những lĩnh vực cần cải thiện, đồng thời củng cố chiến lược kinh doanh.
Chuẩn đối sánh hiệu suất: So sánh kết quả kinh doanh với đối thủ cạnh tranh bằng cách sử dụng các chỉ số cụ thể về hiệu quả, hiệu suất và năng suất.
Bước 4: Xác định cơ hội đạt lợi thế cạnh tranh
Sau khi đã xác định các hoạt động chuỗi giá trị, giá trị và chi phí của chúng, doanh nghiệp tiến hành xác định những nơi có thể đạt được lợi thế cạnh tranh tốt nhất. Để đơn giản hóa quá trình phân tích chuỗi giá trị, doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu tạo dựng lợi thế cạnh tranh rồi phân tích từng hoạt động để đạt được mục tiêu đó.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp lựa chọn lợi thế cạnh tranh của mình là khác biệt hóa, doanh nghiệp cần phải xác định được cấu phần nào trong chuỗi giá trị mang lại cơ hội tốt nhất để thực hiện điều đó? Giá trị được tạo ra có đủ để doanh nghiệp cân nhắc việc đầu tư thêm thời gian và nguồn lực hay không?
Còn nếu doanh nghiệp chọn chi phí làm lợi thế cạnh tranh thì doanh nghiệp cần phải nỗ lực phối hợp và tìm ra các cơ hội tiết kiệm chi phí trong tất cả các cấu phần của chuỗi giá trị. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh chuỗi giá trị bằng việc loại bỏ các bước công việc tốn kém và hoàn toàn bỏ qua một số hoạt động tạo thêm chi phí sản xuất trong chuỗi.
Tối ưu chuỗi giá trị
Thông qua việc phân tích và hiểu về mô hình Value Chain, doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định để tối ưu hoá, cải tiến chuỗi giá trị để có thể củng cố vị thế của mình trên thị trường. Doanh nghiệp có thể kể cân nhắc một số hướng đi như sau:
Đầu tư vào công nghệ
Sử dụng các công nghệ như AI và dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích xu hướng và tự động hóa quy trình kinh doanh. Việc dự báo nhu cầu và đánh giá hiệu suất theo thời gian thực sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh chuỗi cung ứng và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Một ví dụ tiêu biểu cho việc đầu tư vào công nghệ để tối ưu hoá hoạt động inbound và outbound logistics là sự ứng dụng AI của Amazon trong quản lý kho và giao hàng để giảm thời gian giao nhận tối thiểu.
Ở Việt Nam, việc ứng dụng AI để tối ưu hoạt động cũng được lan rộng nhanh chóng. Điển hình, công ty công nghệ MISA còn phát triển trợ lý số AVA vào các phần mềm để hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, trong phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM, trợ lý số AVA giúp doanh nghiệp có thể gia tăng năng suất, hiệu quả vận hành và phát triển bền vững.
Phát triển quan hệ hợp tác
Tăng cường mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng giúp doanh nghiệp tối ưu hoá chuỗi cung ứng và duy trì lòng trung thành. Một chuỗi giá trị bền vững phải được xây dựng dựa trên độ tin cậy giữa các bên.
Chẳng hạn, Unilever đã thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với nhà cung cấp để đảm bảo cung ứng nguyên liệu bền vững.
Tích hợp hệ sinh thái
Việc gia tăng sự kết nối chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng như nhà cung cấp, khách hàng, và đối tác kinh doanh tăng khả năng chia sẻ tài nguyên và đồng bộ hoạt động.
IKEA là một ví dụ điển hình khi tích hợp chuỗi cung ứng và chuỗi bán hàng để tối ưu hoá chi phí và cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng
Để có thể cung cấp các giải pháp linh hoạt và cá nhân hóa nhằm gia tăng sự hài lòng và gắn bó lâu dài, doanh nghiệp nên tận dụng hệ thống CRM để hiểu rõ hơn nhu cầu và mong muốn khách hàng, từ đó xây dựng được mối liên hệ tốt hơn với các khách hàng hiện tại, tăng lượng khách hàng và có thể làm ăn lâu dài với những khách hàng cũ.
Hệ thống MISA AMIS CRM là một pháp chuyển đổi số toàn diện giúp số hóa quy trình bán hàng chỉ trong một nền tảng duy nhất.
Khi sử dụng MISA AMIS CRM, doanh nghiệp có thể: Quản lý dữ liệu khách hàng tập trung, nâng cao chất lượng chăm sóc; Theo dõi KPI & hoạt động sales rõ ràng, minh bạch; Liên thông dữ liệu Kế toán – Bán hàng chính xác, linh hoạt; Quản lý phân phối hiệu quả, tối ưu hóa ra quyết định;…
Ngoài phiên bản Web, AMIS CRM còn hỗ trợ phiên bản mobile giúp nhân viên kinh doanh có thể bán hàng và chăm sóc khách hàng mọi lúc mọi nơi ngay trên chính thiết bị smartphone của mình.
Case study: Mô hình chuỗi giá trị của Grab (Grab Value Chain Model)
Grab – một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam, chuyên cung cấp các dịch vụ vận chuyển, giao hàng và thanh toán kỹ thuật số. Để lý giải thành công của Grab, chúng ta sẽ cùng đi sâu phân tích mô hình chuỗi giá trị của Grab.
Hoạt động chính
Hoạt động hậu cần bên trong
- Đa dạng nhà cung cấp: Grab hợp tác với nhiều nhà cung cấp và đối tác từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau bao gồm các công ty bảo hiểm, dịch vụ chuyển phát nhanh, cửa hàng tạp hóa, tài xế, khách sạn và nhà hàng. Mạng lưới đối tác lớn giúp công ty giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ một nhà cung cấp nào và củng cố vị thế của mình trên thị trường.
- Bộ quy tắc ứng xử minh bạch, bài bản cho nhà cung cấp: Để quản lý mạng lưới nhà cung cấp và đối tác lớn, Grab đã thiết lập một bộ quy tắc ứng xử rõ ràng dành cho các nhà cung cấp. Họ phải tuân thủ các quy định và quy tắc ứng xử để tiếp tục hợp tác với thương hiệu. Nếu không, công ty công nghệ này sẽ chấm dứt hợp đồng.
Hoạt động vận hành
Grab sở hữu một đội ngũ chuyên gia công nghệ và kỹ sư tài năng, bao gồm các điều phối viên, cộng tác viên, giám đốc kinh doanh, giám đốc dự án,… Họ đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau để giải quyết các vấn đề của khách hàng; xem những vấn đề đó như cơ hội và tận dụng chúng để mang lại lợi thế cho công ty. Mục tiêu của họ là tìm ra những phương pháp sáng tạo và độc đáo để thực hiện các hoạt động một cách trơn tru.
Hoạt động hậu cần bên ngoài
- Đa dạng lựa chọn dành cho phương tiện di chuyển: Grab cung cấp nhiều loại phương tiện và lựa chọn di chuyển cho du khách và người dùng. Khách hàng khi sử dụng dịch vụ của grab có thể chọn GrabBike, GrabCar, GrabCar Plus,… tuỳ thuộc vào nhu cầu.
- Đa dạng dịch vụ vận chuyển: Grab cũng cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ vận chuyển dành cho khách hàng của mình như: GrabExpress Siêu Tốc, GrabExpress Siêu Rẻ, GrabExpress Tiết Kiệm, GrabExpress Ba Gác, GrabExpress Mua Hộ (Grab Assistant),…
Marketing và bán hàng
Khi triển khai các chiến dịch truyền thông marketing, Grab luôn áp dụng nghệ thuật kể chuyện (storytelling) để truyền tải thông điệp một cách gần gũi và dễ dàng chạm đến cảm xúc của người tiêu dùng. Những chiến dịch tiêu biểu có thể kể đến là: chiến dịch “Thở nhịp Việt Nam”, chiến dịch “Đừng bỏ bữa”,…
Thương hiệu công nghệ này sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau như truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng mạng xã hội, influencer marketing và các kênh truyền thông khác để kết nối và tương tác với khách hàng.
Dịch vụ
Grab cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7, đảm bảo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Khách hàng khi có bất kỳ khiếu nại nào có thể liên hệ trực tiếp với nhà cung cấp hoặc với Công ty TNHH GrabTaxi.
Hoạt động bổ trợ
Cơ sở hạ tầng
Grab đã xây dựng một mạng lưới cơ sở hạ tầng rất lớn bao gồm các tài xế, nền tảng thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng, dịch vụ tài chính, công nghệ và các phương tiện vận chuyển cũng như cho thuê khác. Cơ sở hạ tầng được tổ chức tốt giúp công ty thực hiện các hoạt động khác nhau một cách trơn tru, bao gồm giao hàng đúng hạn, giao dịch liền mạch, vận hành cửa hàng trực tuyến và các chức năng thương mại điện tử.
Quản trị nguồn nhân lực
Grab đã tuyển dụng khoảng 6.000 nhân viên để quản lý các hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ tài chính và giao hàng. Bộ phận quản lý nhân sự của công ty công nghệ này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, dân tộc hay bất kỳ sự khác biệt và phân biệt đối xử nào khác.
Phát triển công nghệ
Grab đầu tư rất nhiều nguồn lực để nghiên cứu và phát triển. Công ty đang tập trung vào phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu, phát triển ứng dụng,…
Hoạt động thu mua
Grab rất thận trọng và đề cao tính bền vững cũng như những chuẩn mực đạo đức khi thực hiện các hoạt động thu mua. Trên thực tế, công ty đã thiết lập các bộ quy tắc rõ ràng để yêu cầu các nhà cung cấp thực hiện các hoạt động kinh doanh có đạo đức và tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền.
Thông qua việc phân tích chuỗi giá trị của Grab, ta có thể thấy sự bài bản và chặt chẽ trong quá trình tổ chức các hoạt động trong chuỗi. Điều này cũng một phần nào đó lý giải cho sự thành công của họ trên thị trường gọi xe công nghệ Việt.
Tổng kết
Có thể nói mô hình Value Chain như một lăng kính thấu thị giúp cho doanh nghiệp có được một cái nhìn sâu rộng về quy trình kinh doanh cũng như năng lực của mình. Thông qua việc đánh giá, phân tích, doanh nghiệp có thể xác định được lợi thế cạnh tranh để trở nên vượt trội và nổi bật hơn so với đối thủ.
Mô hình Value Chain cũng là một bức tranh tổng quát mà qua đó cho doanh nghiệp có thể đưa ra những quyết định tối ưu hoá các cấu phần nào trong chuỗi giá trị. Bằng cách kết hợp yếu tố công nghệ như AI, Big Data hay hệ thống CRM để cải tiến mô hình Value Chain doanh nghiệp không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường mà còn vươn lên khẳng định vị thế trên thị trường.