Chiến lược Marketing của Lemonade: Tham vọng mỹ phẩm Việt
24/10/2024
2093
Chiến lược marketing Lemonade đã giúp thương hiệu vươn lên trở thành một trong những cái tên nổi bật trên thị trường Việt Nam những năm gần đây, thu hút được sự quan tâm của khách hàng trẻ tuổi.
Không chỉ chú trọng vào chất lượng sản phẩm, Lemonade còn xây dựng hình ảnh gần gũi và năng động, phù hợp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, tạo ra một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trước các đối thủ lớn trong ngành mỹ phẩm.
Hãy cùng phân tích chiến lược marketing của Lemonade và đánh giá tiềm năng chiếm lĩnh thị trường của thương hiệu này nhé!
Lemonade Cosmetics ra mắt vào năm 2018 và nhanh chóng thu hút sự chú ý nhờ hình ảnh trẻ trung, năng động, đầy tươi mới, khiến nhiều người lầm tưởng là của brand nước ngoài.
Không ít người đã gõ tìm kiếm” Lemonade của nước nào?” và sau đó vô cùng bất ngờ khi biết đây là thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam được sáng lập bởi Quách Ánh, một chuyên gia trang điểm nổi tiếng trong ngành làm đẹp.
Ngay sau khi ra mắt, Lemonade đã chiếm được cảm tình của công chúng nhờ chiến lược xây dựng thương hiệu thông minh và sự hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của phụ nữ Việt.
Với sứ mệnh mang đến các sản phẩm trang điểm chất lượng cao, phù hợp với làn da châu Á, Lemonade tập trung phát triển các sản phẩm dễ sử dụng, thời trang và an toàn.
Các sản phẩm Lemonade nổi bật
Các sản phẩm chính của Lemonade là mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm hàng ngày, bao gồm son môi, phấn nền, phấn má, phấn mắt, mascara, bút kẻ mắt, chì kẻ mày,… với mức giá trung bình dao động từ 200.000 – 400.000 VNĐ.
Các sản phẩm của Lemonade nhận được nhiều sự quan tâm, review tích cực từ khách hàng. Đặc biệt trong số đó có những sản phẩm đã gây sốt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada và Tiktokshop năm 2023:
Chì Kẻ Mày 2 Đầu đứng đầu doanh thu trên tất cả các sàn thương mại điện tử (chiếm 44,8% thị phần trên Shopee, 51,8% trên Lazada và 64,9% trên Tiktokshop)
Supermatte Cushion top 1 doanh thu trên Shopee (chiếm giữ 16,9% thị phần) và Tiktokshop (chiếm giữ 29.6%)
Matte Addict Concealer là sản phẩm che khuyết điểm Việt Nam duy nhất lọt top 3 doanh thu top đầu trên các sàn Shopee, Lazada, Tiktokshop.
Thành tựu đáng chú ý của Lemonade
Dù mới có mặt trên thị trường vài năm nhưng Lemonade hiện đã là một trong những thương hiệu mỹ phẩm nội địa duy nhất lọt vào top doanh thu cao nhất trên các nền tảng thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, cạnh tranh với các nhãn hàng quốc tế lớn.
Năm 2022, doanh thu của Lemonade Cosmetics được ghi nhận đạt 63.9 tỷ đồng, cao gấp đôi so với năm trước đó. Trong năm 2023, Lemonade bán được 1.500.000 sản phẩm, đạt mức tăng trưởng 200%.
Hãng cũng nhận được nhiều giải thưởng uy tín, khẳng định vị thế trong ngành mỹ phẩm Việt Nam, chẳng hạn như giải “Product of the Year – Sản phẩm Makeup nội địa tốt nhất năm” từ ELLE Beauty Awards 2023 và giải thưởng “Thương hiệu phát triển nhanh nhất” từ Guardian Awards.
Phân tích tổng quan về thương hiệu Lemonade
Khách hàng mục tiêu của Lemonade
Thị trường mục tiêu trong chiến lược marketing Lemonade tập trung phát triển ở khu vực nội địa Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn sôi động.
Dưới đây là chân dung khách hàng mục tiêu của Lemonade dựa trên các yếu tố về nhân khẩu học và hành vi, tâm lý:
Là phụ nữ Việt Nam, độ tuổi từ 18-35 tuổi (trong đó nhóm tuổi 22-26 là đối tượng chính)
Sinh sống tại các thành phố lớn, có điều kiện tiếp xúc với xu hướng làm đẹp mới, có nhu cầu làm đẹp cao.
Thu nhập mức B, ổn định, có khả năng chi trả cho các sản phẩm làm đẹp ở phân khúc mức giá trung bình.
Là sinh viên năm cuối, mới ra trường, đang đi làm. Đây Là nhóm khách hàng trẻ, năng động, quan tâm đến ngoại hình và có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm trang điểm để tự tin hơn trong công việc và cuộc sống.
Độc thân/kết hôn (chưa có con), có nhiều thời gian dành cho bản thân, quan tâm đến việc làm đẹp và sẵn sàng chi tiêu cho các sản phẩm phù hợp.
Tính cách: Nhanh chóng đón nhận các trào lưu, thích màu sắc hiện đại, muốn định hình phong cách bản thân, thể hiện cá tính riêng thông qua phong cách trang điểm.
Nhu cầu: Thích sự tiện lợi, nhanh gọn vì bận rộn, tìm kiếm những loại mỹ phẩm có chất lượng tốt nhưng giá cả phải chăng.
Sự ra đời của Lemonade đã khiến ngành mỹ phẩm trong nước trở nên sôi nổi hơn và có thêm màu sắc mới.
Hai cái tên nổi bật khác là OFÉLIA và mỹ phẩm thuần chay Cocoon. Trong đó, Cocoon là thương hiệu đã phát triển hơn 10 năm trên thị trường, có vị thế vững chãi trong lòng người tiêu dùng Việt và đã bắt đầu vươn ra quốc tế.
Tuy cũng là cái tên “đáng gườm” trong chặng đường đua giành thị phần với các thương hiệu quốc tế nhưng Cocoon không cạnh tranh trực tiếp với Lemonade vì hãng này tập trung cho nhu cầu chăm sóc da và cơ thể, chưa phát triển dòng sản phẩm về trang điểm.
Trong khi đó, OFÉLIA là thương hiệu có nhiều điểm tương đồng với Lemonade về chủng loại sản phẩm và đều có nhà sáng lập là nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực làm đẹp. OFÉLIA gây được tiếng vang nhất định trên thị trường nhờ các sản phẩm son môi đa dạng và được đánh giá là đối thủ trực tiếp với Lemonade trong phân khúc mỹ phẩm Việt.
Ngoài ra, so sánh dựa trên phân khúc khách hàng và tầm giá thì marketing Lemonade đang cạnh tranh trực tiếp với một số thương hiệu nước ngoài như:
Thương hiệu đến từ Âu – Mỹ: Maybelline, L’Oreal.
Thương hiệu Hàn Quốc: Merzy, Clio, 3CE.
Thương hiệu Trung Quốc: Perfect Diary, Judy Doll.
Maybelline, L’Oreal, Merzy, Clio, 3CE, đều là những cái tên đã quen thuộc với chị em phụ nữ thích làm đẹp. Kể từ dịch Covid19, sự phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử đã tạo điều kiện cho các thương hiệu nội địa Trung Quốc như Perfect Diary và Judy Doll tiếp cận và gia nhập thị trường Việt Nam.
Phân tích SWOT của Lemonade
Mô hình SWOT bao gồm 4 yếu tố là Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats, cung cấp góc nhìn hiện trạng của thương hiệu đặt trong bức tranh tổng thể của thị trường.
Phân tích SWOT trong marketing Lemonade sẽ giúp chúng ta có dữ liệu để đánh giá chính xác những chiến lược Marketing mà thương hiệu này đã thực hiện:
Điểm mạnh (Strengths):
Sức ảnh hưởng của người sáng lập: Là chuyên gia trang điểm nổi tiếng với hơn 2 triệu người theo dõi, Quách Ánh có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng làm đẹp, giúp Lemonade dễ dàng tiếp cận khách hàng tiềm năng.
Thấu hiểu sâu sắc thị trường và người tiêu dùng: Lemonade có lợi thế là thương hiệu nội địa, được phát triển bởi chuyên gia trang điểm, hiểu rõ nhu cầu, thói quen và đặc điểm làn da của phụ nữ Việt Nam.
Sản phẩm chất lượng cao, giá thành cạnh tranh: marketing Lemonade tập trung phát triển sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với làn da và khí hậu Việt Nam, với mức giá phù hợp với thu nhập của đối tượng khách hàng mục tiêu.
Sản phẩm đa chức năng, tiện lợi: Lemonade theo đuổi chủ nghĩa công năng, tạo ra các sản phẩm tích hợp nhiều tính năng, giúp người dùng tiết kiệm thời gian trang điểm.
Chiến lược truyền thông hiệu quả: Lemonade triển khai các chiến dịch Marketing sáng tạo, định vị thương hiệu trẻ trung, năng động, gần gũi với người dùng.
Hệ thống phân phối đa dạng: Lemonade phủ sóng cả kênh bán hàng online và offline, giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng.
Điểm yếu (Weaknesses):
Danh mục sản phẩm hạn chế: Hiện tại, marketing Lemonade chỉ tập trung vào sản phẩm trang điểm, chưa phát triển dòng sản phẩm skincare.
Quy mô thương hiệu còn nhỏ: So với các thương hiệu quốc tế và nội địa lâu năm, Lemonade có quy mô nhỏ hơn, nguồn lực tài chính và kinh nghiệm còn hạn chế.
Cơ hội (Opportunities):
Thị trường mỹ phẩm Việt Nam tiềm năng: Thị trường mỹ phẩm Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với nhu cầu ngày càng cao, đặc biệt là các sản phẩm dành cho phụ nữ trẻ.
Xu hướng ưa chuộng thương hiệu nội địa: Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nội địa chất lượng, giá thành hợp lý.
Sự phát triển của thương mại điện tử: Kênh bán hàng online ngày càng phổ biến, giúp Lemonade dễ dàng tiếp cận khách hàng trên toàn quốc.
Thách thức (Threats):
Sự cạnh tranh gay gắt: Thị trường mỹ phẩm Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế với tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm dày dặn.
Sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng: Thị trường mỹ phẩm liên tục thay đổi với các xu hướng mới, đòi hỏi Lemonade phải liên tục cập nhật, đổi mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Chiến lược Marketing Mix theo mô hình 4P của Lemonade
Phân tích chiến lược Marketing của Lemonade theo mô hình 4P sẽ cho chúng ta một khung hình toàn diện để đánh giá hiệu quả những chiến lược tiếp thị của thương hiệu này đem lại.
Chiến lược Marketing của Lemonade về Sản phẩm (Product)
Đặc điểm nổi bật: marketing Lemonade tập trung vào các dòng sản phẩm trang điểm đa chức năng, tiện lợi, phù hợp với làn da và khí hậu của phụ nữ Việt Nam.
Ví dụ: Chì kẻ mày hai đầu, cushion 2 lõi, son kem lì.
Điểm mạnh: Đáp ứng nhu cầu trang điểm nhanh gọn, dễ dàng của phụ nữ hiện đại & phục vụ cá nhân hóa dành riêng cho nhóm khách hàng ở vùng địa lý Việt Nam, điều mà chưa đối thủ cạnh tranh nào làm được.
Chiến lược Marketing của Lemonade về Giá (Price)
Mức giá: Lemonade có mức giá tầm trung, dao động ở mức 200.000 – 400.000 VNĐ cho mỗi sản phẩm. Hãng cũng thường xuyên áp dụng chương trình mua 1 tặng 1 hoặc giảm giá khi mua combo, tặng chéo sản phẩm. Ví dụ như mua son tặng chì, mua cushion tặng chì,..
Điểm mạnh: Giá thành không quá rẻ để bị nhầm lẫn với phân khúc thấp, phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn khách hàng mục tiêu và vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh so với các thương hiệu quốc tế cao cấp.
Chiến lược Marketing của Lemonade về Phân phối (Place)
Kênh phân phối: marketing Lemonade triển khai đa dạng kênh phân phối, bao gồm cả online và offline.
Kênh Online: Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Tiki, hoặc đặt đơn trực tiếp trên các kênh chính thức của hãng như website, Facebook, Instagram,..
Kênh Offline: Các hệ thống bán lẻ lớn như Guardian, Watsons, Aeon Mall, Hasaki, Sammi Shop, thegioiskinfood, v.v.
Điểm mạnh: Phủ sóng rộng rãi, giúp sản phẩm tiếp cận khách hàng dễ dàng ở nhiều địa điểm khác nhau, đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến mạnh mẽ của giới trẻ.
Chiến lược Marketing của Lemonade về Xúc tiến hỗn hợp (Promotion)
Trong chiến lược marketing Lemonade, định vị thương hiệu gắn liền với hình ảnh hiện đại, năng động, gần gũi với giới trẻ.
Để quảng bá sản phẩm rộng rãi đến khách hàng mục tiêu, Lemonade tận dụng tối đa sức ảnh hưởng của người sáng lập là chuyên gia trang điểm nổi tiếng Quách Ánh, kết hợp với các chiến dịch Marketing sáng tạo, thu hút sự chú ý.
Trên kênh Online:
Kênh truyền thông mà Lemonade triển khai mạnh mẽ nhất chính là mạng xã hội (Facebook, Instagram, Youtube, Tiktok).
Ngoài bài đăng quảng cáo sản phẩm, thương hiệu này có rất nhiều hoạt động để tương tác với khách hàng, ví dụ như tổ chức minigame nhận quà, đăng tải video hướng dẫn sử dụng sản phẩm, mẹo trang điểm, cách chọn mỹ phẩm phù hợp,.. Những video này thu về cho Lemonade lượt xem khủng trên nền tảng Tiktok.
Chiến dịch quảng cáo “Cô gái phi thường” của Lemonade cũng nhận được nhiều sự yêu thích của khách hàng nhờ thông điệp tích cực về sự tự tin thể hiện nét độc đáo của nữ giới.
Chiến dịch có sự góp mặt của những nhân vật đặc biệt như Quỳnh Ngô – cô gái có biệt danh “công chúa tuyết” vì mang căn bệnh bạch tạng từ bé, Hà Phương – người mẫu khuyết tay đầu tiên ở Việt Nam, Á Quân Bước nhảy ngàn cân mùa 1 Thủy Tiên,..
Điểm chung của những cô gái này là đều từng tự ti về ngoại hình của bản thân nhưng đã mạnh mẽ vượt qua mặc cảm và tỏa sáng bởi sự độc đáo của riêng mình. Mỹ phẩm và trang điểm chính là công cụ đắc lực của các cô gái trong việc thể hiện nét đẹp riêng đó ra với thế giới.
Bên cạnh đó, livestream, phương thức bán hàng hot nhất hiện nay, cũng là hoạt động được chú trọng trong chiến lược Marketing của Lemonade. Hãng thường xuyên tổ chức các buổi livestream định kỳ và đẩy bán được hàng trăm ngàn sản phẩm trên Tiktok Shop.
Giống như các brand mỹ phẩm khác, Lemonade cũng áp dụng phương pháp hợp tác tiếp thị với các KOLs, Influencers để tiếp cận nhóm khách hàng mục tiêu là giới trẻ. Những nhân vật có tầm ảnh hưởng đã hợp tác với Lemonade có thể kể đến như Châu Bùi, diễn viên Thu Hà Ceri, ca sĩ Đông Nhi, rapper Pháo,..
Ngoài những người nổi tiếng kể trên, Lemonade còn nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều chuyên gia trang điểm (Make Up Artist) và Beauty Blogger thông qua hình thức review sản phẩm hoặc hợp tác trong các sự kiện. Điều này góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng uy tín cho thương hiệu trong mắt khách hàng.
Lemonade là một trong số những thương hiệu mỹ phẩm rất chăm chỉ tổ chức các hoạt động Marketing Offline để tương tác và giao lưu với khách hàng. Tiêu biểu là chuỗi series Workshop “Easy Makeup” hướng dẫn trang điểm bởi những Make Up Artist nổi tiếng.
Thương hiệu này cũng dành được nhiều sự chú ý khi tổ chức sự kiện kiểm chứng hiệu quả và góp ý cho sản phẩm mới ra mắt Supermatte No Makeup Loose Powder với sự xuất hiện của tới 43 chuyên gia trang điểm và Beauty Blogger.
Gần đây nhất, Lemonade có một sự kiện khá thú vị với concept giả lập văn phòng, mời khách hàng hóa thân thành nhân viên làm việc tại Lemonade Office, trải nghiệm thật sự quá trình từ khi team Lemonade lên ý tưởng cho tới lúc ra mắt sản phẩm.
Bài học kinh nghiệm từ chiến lược Marketing của Lemonade
Đối với một thương hiệu mỹ phẩm nội địa mới chỉ vừa qua mốc kỷ niệm 6 năm thành lập thì những thành tựu mà Lemonade đạt được qua chiến lược marketing là khá ấn tượng và là cái tên đầy triển vọng của ngành mỹ phẩm Việt Nam.
Từ những chiến lược Marketing Lemonade đã triển khai, có thể rút ra một số điều đáng học hỏi sau:
Thấu hiểu thị trường và khách hàng mục tiêu: Nhờ kinh nghiệm 15 năm ở vị trí chuyên gia trang điểm của nhà sáng lập Quách Ánh, Lemonade đã đánh trúng hoàn toàn insight về nhu cầu tìm kiếm sản phẩm đa chức năng, tiện lợi, phù hợp với làn da Á Đông của phụ nữ Việt Nam. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp thương hiệu cạnh tranh được với các nhãn hàng quốc tế cùng phân khúc.
Xây dựng thương hiệu gần gũi, năng động: Lemonade đã tạo dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung, năng động, gần gũi với giới trẻ thông qua việc sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và thông điệp phù hợp. Thương hiệu cũng khai thác được tối đa sức ảnh hưởng và mạng lưới mối quan hệ của Quách Ánh để tăng cường uy tín và sự tin tưởng của khách hàng.
Tận dụng sức mạnh của kênh online: Lemonade đã khai thác hiệu quả các kênh online như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website, livestream để tiếp cận khách hàng, quảng bá sản phẩm và bán hàng. Thương hiệu cũng hợp tác với các KOLs, Influencers để tăng cường độ phủ sóng và thu hút sự chú ý của khách hàng mục tiêu là giới trẻ.
Kết hợp hiệu quả giữa online và offline: Việc chú trọng cân bằng giữa 2 kênh này khiến Lemonade tạo được sự kết nối trực tiếp với khách hàng. Điều này giúp thương hiệu tăng cường trải nghiệm khách hàng và xây dựng mối quan hệ bền vững hơn.
Tổng kết về chiến lược Marketing của Lemonade
Chiến lược Marketing của Lemonade cho thấy sức mạnh của việc thấu hiểu và kết nối chặt chẽ với khách hàng thông qua các nền tảng trực tuyến và những hoạt động offline thú vị.
Tuy đã đạt được những thành công ấn tượng, marketing Lemonade vẫn cần tối ưu hóa chiến lược ở phân khúc cao cấp và gia tăng trải nghiệm tại các điểm bán offline để phát triển bền vững hơn.
Nếu tiếp tục duy trì đà phát triển và cải thiện chiến lược tiếp thị, Lemonade hoàn toàn có khả năng trở thành thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu không chỉ trong nước mà còn tại thị trường quốc tế.
Hà Nguyễn hiện là Trưởng phòng Inbound Marketing tại Viện Đổi mới Doanh nghiệp MIBI, Công ty Cổ phần MISA. Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong ngành Marketing, Hà chuyên về chiến lược Inbound Marketing và quản lý các chiến dịch marketing thực chiến. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Truyền thông Marketing tại Communication University of China và là diễn giả tại nhiều hội thảo, workshop về Marketing. Hà cũng là Admin của các cộng đồng Marketing lớn, nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.