Tuyển dụng nhân viên marketing thế nào để khai thác được khả năng và tố chất của ứng viên? Bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên marketing dưới đây sẽ giúp nhà tuyển dụng:
- Phân loại và sàng lọc được ứng viên chất lượng
- Hiểu được những câu hỏi nào phù hợp với từng vị trí phỏng vấn, từng vòng phỏng vấn
- Tuyển đúng người, phù hợp với môi trường và văn hóa doanh nghiệp
Cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu kỹ hơn sau đây.
Câu hỏi phỏng vấn dành cho vị trí digital marketing
Nhân viên digital marketing là người làm marketing trên môi trường số, bao gồm lên chiến lược, lập kế hoạch, thực thi và đo lường hiệu quả marketing trên các kênh truyền thông số.
Hiểu rõ mô tả công việc của nhân viên digital marketing sẽ giúp NTD đưa ra những câu hỏi phỏng vấn ứng viên thích hợp. Sau đây là những câu hỏi phỏng vấn thông dụng cho vị trí này:
#1. Bạn hiểu digital marketing là gì?
Câu hỏi này kiểm tra xem ứng viên có có am hiểu về các hoạt động digital marketing hay không. Các công việc mà một nhân viên phải đảm nhiệm và khả năng tổng quát, chắt lọc thông tin của ứng viên.
Không ít người ứng tuyển vào vị trí này nhưng thiếu am hiểu về truyền thông, quảng cáo trên môi trường số. Chính bởi vậy, câu hỏi này sẽ giúp NTD có nhận định chính xác về việc ứng viên có kiến thức cơ bản về vị trí công việc hay không.
#2. Kể lại một chiến dịch marketing mà bạn đã tham gia và tâm đắc với nó. Kết quả mà chiến dịch ấy đã đạt được là gì?
Câu hỏi này giúp NTD xác định ứng viên có kinh nghiệm làm việc thế nào, thành tựu đạt được là gì? Kết quả của các chiến dịch digital marketing có thể thống kê, đo lường bằng các chỉ số. Một người có thể am hiểu các con số, tự tin nói về chúng chứng tỏ đây là ứng viên đáng được coi trọng.
Nếu những con số thực sự ấn tượng và chiến dịch marketing thực hiện tốt thì NTD có thể đánh giá thêm về những khía cạnh khác của ứng viên:
- Có khả năng sáng tạo?
- Khả năng ứng biến với những thay đổi?
- Khả năng dự đoán thị trường?
- Khả năng thực thi và theo đuổi mục tiêu?
#3. Bạn thường sử dụng những công cụ nào để hỗ trợ công việc?
Giúp NTD xác định ứng viên có am hiểu về các công cụ phục vụ công việc hay không. Vị trí này thường ưu tiên những ai thành thao các phương tiên, công cụ như:
- Công cụ media: Photoshop, AI, Premier,…
- Công cụ gửi email, landing page…
- Các công cụ phục vụ hoạt động SEO, SEM, quảng cáo Facebook, quảng cáo Google Adwords,…
#4. Điểm yếu và điểm mạnh của bạn là gì? Thế mạnh lớn nhất của bạn trong công việc?
Xác định tính trung thực của ứng viên và những khả năng, điểm mạnh của ứng viên. Giữa nhiều ứng viên khác nhau, người có nhiều điểm mạnh hơn sẽ là cơ sở giúp NTD chọn lọc ra những người nổi bật nhất.
#5. Nếu công ty dành cho bạn ngân sách 200 triệu/tháng để quảng bá sản phẩm X với mong muốn đem về doanh thu 1 tỷ đồng, bạn sẽ chi tiêu số tiền đó thế nào?
Đây là một tình huống kiểm tra trực tiếp khả năng phân tích vấn đề của ứng viên và cách giải quyết của họ trong thời gian ngắn. Mỗi người sẽ có cách trả lời cho tình huống này khác nhau dựa trên sự tư duy logic và kinh nghiệm họ từng làm việc. Doanh nghiệp nên căn cứ vào khả năng phân tích vấn đề, sự logic trong câu trả lời của ứng viên để đánh giá họ.
#6. Lý do gì khiến bạn nghỉ việc tại công ty cũ?
Hầu hết các cuộc phỏng vấn ứng viên có kinh nghiệm đều sử dụng câu hỏi này để đánh giá ứng viên có thực sự phù hợp với doanh nghiệp hay không. Biết lý do nghỉ việc của ứng viên giúp nhà tuyển dụng:
- Biết được mục tiêu, định hướng nghề nghiệp của ứng viên
- Xem nguyên nhân ứng viên nghỉ việc có phải các lý do: chán nản trong công việc, không thích ứng với môi trường, văn hóa doanh nghiệp, xích mích với sếp/đồng nghiệp… Căn cứ vào đây để đánh giá thái độ của ứng viên và cách ứng xử của họ trong môi trường doanh nghiệp.
#7. Chúng tôi đang kinh doanh sản phẩm X. Theo bạn, chân dung khách hàng mà sản phẩm X hướng tới là những ai?
Câu hỏi xác định ứng viên có hiểu biết về insight khách hàng hay không, nắm bắt được lý thuyết marketing để áp dụng vào thực tiễn không.
Khi đặt ra câu hỏi này, NTD cũng dễ dàng biết được ứng viên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc phỏng vấn chưa, có tìm hiểu về công ty, sản phẩm, thị trường,… trước buổi phỏng vấn.
#8. Bạn sẽ làm gì khi thương hiệu X của công ty bị khách hàng tố là hàng giả trên mạng xã hội?
Hãy đặt ra câu hỏi này khi bạn muốn kiểm tra khả năng xử lý tình huống của ứng viên và kinh nghiệm xử lý khủng hoảng của họ. Câu hỏi này sẽ sàng lọc được những ứng viên mang trong mình sự nhanh nhạy, giải quyết vấn đề.
#9. Nếu công ty có một sự kiện ra mắt sản phẩm vào dịp cuối năm, bạn sẽ giúp gì được cho sự kiện này?
Hãy đặt ra những câu hỏi giúp ứng viên có khả năng bộc lộ ý tưởng, khả năng và thái độ của họ. Nếu ứng viên trả lời: “Tôi có thể truyền thông trên các kênh digital trước, trong và sau sự kiện. Ngoài ra tôi sẵn sàng hỗ trợ khâu tổ chức nếu công ty cần đến sự góp sức của tôi” thì đây ắt là một ứng viên sáng giá.
#10. Bạn có giỏi trong việc chịu áp lực công việc và deadline?
Chịu được áp lực công việc về mặt hiệu quả (KPIs) và thời gian là kỹ năng, phẩm chất cần có ở một người làm marketing. Những bản tin cần cập nhật liên tục, quảng cáo cần được theo dõi ngay cả khi hết giờ làm, sẵn sàng làm việc khi khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội, các kênh social xảy đến.
Hãy lựa chọn một người có khả năng chịu được áp lực công việc và sự sẵn sàng cho công việc cho vị trí này.
#11. Bạn thường dành thời gian buổi tối để làm gì?
Để biết ứng viên có phải một người biết cách sắp xếp, sử dụng thời gian và là người có lối sống khoa học không, NTD có thể sử dụng câu hỏi này để có thêm thông tin. Tuy chỉ là 1 câu hỏi thuần túy về cuộc sống không gây áp lực cho ứng viên, nhưng câu trả lời sẽ cho bạn thấy rất nhiều khía cạnh về tính cách, thói quen, tinh thần cầu thị của người tham gia phỏng vấn.
#12. Bạn có câu hỏi nào cho chúng tôi không?
Đừng quên đặt ra câu hỏi này để ứng viên có thêm cơ hội hiểu về công ty, vị trí làm việc hay bất cứ điều gì họ đang băn khoăn nhé.
#13. Bạn mong muốn mức lương bao nhiêu khi làm việc tại vị trí này?
Chắc chắn rồi, câu hỏi này giúp NTD biết được mong muốn về thu nhập của ứng viên có nằm trong ngân sách, quỹ lương cho vị trí này hay không.
Ngoài những câu hỏi kể trên, bạn cũng có thể vận dụng linh hoạt những câu hỏi khác để khai thác các thông tin về tính cách, sở trường, kinh nghiệm của ứng viên. Hãy vận dụng linh hoạt theo diễn biến của cuộc phỏng vấn để khai thác tối đa những gì mà bạn muốn biết từ ứng viên nhé.
Bộ câu hỏi phỏng vấn vị trí nhân viên Product Marketing
Khác với vị trí digital marketing, nhân viên Product marketing có mô tả công việc khác và cũng có bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên marketing sản phẩm riêng. Dưới đây là một số ví dụ:
- Bạn biết gì về mô hình 4P trong marketing?
- Theo bạn, marketing và bán hàng khác nhau như thế nào?
- Bạn đã từng lên kế hoạch launching một sản phẩm mới chưa? Hãy kể các bước bạn triển khai kế hoạch đó.
- Bạn biết gì về thị trường mục tiêu cho dòng sản phẩm X?
- Bằng cách nào để bạn có được thông tin về đối thủ cạnh tranh sản phẩm X?
- Những điểm mạnh nào của bạn giúp thực hiện công việc tốt hơn?
- Tại sao chúng tôi nên chọn bạn cho vị trí này?….
Trên đây là bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên marketing thông dụng nhất mà nhà tuyển dụng thường dùng. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích thật nhiều cho quá trình tìm kiếm nhân viên marketing tại doanh nghiệp bạn.
Đọc thêm:
>> Phần mềm quản lý tuyển dụng số Việt Nam
>> Top 5 xu hướng tuyển dụng nhân sự mới chiêu mộ mọi nhân tài
>> Quy trình lập và triển khai kế hoạch tuyển dụng nhấn sự hiệu quả