OT không còn là thuật ngữ xa lạ đối với người lao động và những người làm công tác nhân sự. Làm OT là gì? Cách tính lương OT như thế nào để đảm bảo quyền lợi? Bài viết dưới đây từ MISA AMIS HRM sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về OT và lương OT để tránh bị thiệt thòi khi làm thêm giờ.
1. Làm OT là gì?
OT là viết tắt của Over Time, có nghĩa là làm thêm giờ, làm ngoài giờ, tăng ca. Khi người lao động làm việc thêm giờ ngoài khung giờ hành chính được quy định để tăng năng suất, đảm bảo tiến độ công việc thì được gọi là làm OT. Việc hiểu đúng khái niệm này là cần thiết, giúp người lao động đảm bảo quyền lợi cho chính mình khi tính công lương.
Đây là hình thức làm việc thường gặp tại các doanh nghiệp Logistics, Hospitality, F&B, Agency với mục đích đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công việc trong thời gian gấp gáp và đạt kết quả tốt hơn.
Ví dụ về làm OT: Tại doanh nghiệp X, giờ làm thông thường là 8 tiếng/ngày, từ 8 giờ sáng đến 17h30 chiều, nghỉ trưa 1 giờ 30 phút, từ thứ 2 đến hết sáng thứ 7, tổng cộng 44 giờ/tuần. Tuy nhiên do cuối năm nhiều công việc chưa xử lý xong, nhân viên bộ phận marketing thường làm OT đến 19 giờ tối.
Làm thêm giờ có thể do quản lý phân công, hoặc người lao động tự nguyện đề xuất với công ty. Tuy nhiên dù được sắp xếp theo cách nào, OT cần có sự đồng thuận từ các hai phía, được ghi nhận rõ ràng trong biên bản tăng ca, làm thêm giờ hoặc bảng chấm công.
Bên cạnh đó khi làm OT, người lao động sẽ được nhận mức lương OT tương ứng, ngoài mức lương tương ứng đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động bao gồm lương cơ bản, lương KPI và các khoản phụ cấp khác nếu có.
2. Quy định về thời gian làm thêm giờ
Theo hướng dẫn tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, làm thêm giờ phải có sự đồng ý của người lao động:
Trừ các trường hợp quy định tại Điều 108 Bộ luật Lao động 2019, các trường hợp khác khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải được sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm về các nội dung sau đây: Thời gian làm thêm; Địa điểm làm thêm; Công việc làm thêm
Bộ Luật Lao Động 2019 đã quy định rõ về thời gian làm việc và đây là những điều cần lưu ý:
- Thời gian làm việc không quá 08 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.
- Thời gian làm việc ca đêm được tính từ 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
- Thời gian làm việc tăng ca không được vượt quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày. Nếu tính theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày, không quá 40 giờ trong 01 tháng.
- Doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, được quyền quy định thời gian làm việc theo giờ, ngày, tuần. Thời gian làm việc không quá 10 giờ/ngày và 48 giờ/tháng.
- Người lao động tại các doanh nghiệp dịch vụ phải được nghỉ bù sau khi làm thêm giờ, tăng ca liên tục 7 ngày trong một tháng. Nếu không được nghỉ bù thì họ sẽ được nhận lương làm thêm giờ.
Cũng theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP, đối với một số ngành nghề và trường hợp đặc biệt, người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm. Cụ thể như sau:
- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản.
- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp, thoát nước.
- Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
- Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.
- Trường hợp khác do Chính phủ quy định.
3. Cách tính lương OT cho nhân viên
Đầu tiên để tính lương OT, bạn cần xác định rõ về thời gian và mức hưởng lương làm thêm.
THỜI GIAN LÀM THÊM |
NGÀY LÀM VIỆC (N) |
|||
Ngày thường | Ngày nghỉ | Ngày lễ, tết | ||
Làm thêm ban ngày (từ 6h đến 22h) | N x 150% | N x 200% | N x 300% | |
Làm thêm ban ngày (từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau) | Chưa làm thêm ban ngày | N x 200% | N x 270% | N x 390% |
Đã làm thêm ban ngày | N x 210% | N x 270% | N x 390% |
3.1 Cách tính lương OT ban ngày
OT vào ngày thường, người lao động được hưởng thêm ít nhất bằng 150% đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm:
OT vào ngày ngày nghỉ cuối tuần, người lao động được hưởng ít nhất 200%
OT vào ngày lễ, tết theo quy định sẽ được hưởng ít nhất 300%
3.2 Cách tính lương OT ban đêm
Đối với làm thêm giờ ban đêm, lương OT của người lao động được tính theo công thức sau:
Để nhận được tiền lương xứng đáng với công sức bỏ ra và đảm bảo quyền lợi cá nhân, người lao động cần nắm chắc cách tính lương OT.
4. Doanh nghiệp không trả lương OT bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động chậm trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động có thể bị xử phạt hành chính tùy theo mức độ vi phạm, từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Mức trên áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt sẽ gấp 02 lần.
Trong trường hợp doanh nghiệp, tổ chức không trả lương làm thêm giờ theo đúng quy định, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh thanh tra lao động thuộc cơ quan Nhà nước hoặc Phòng Lao Động Quận tại nơi doanh nghiệp đăng ký địa điểm kinh doanh để giải quyết. Thời hạn giải quyết trong vòng 30 ngày. Trong trường hợp người sử dụng lao động vẫn tiếp tục không thực hiện trả lương đầy đủ, người lao động có quyền tiến hành khởi kiện ra tòa án để đòi quyền lợi chính đáng.
5. Vì sao nhiều người chọn làm OT?
Công việc quá nhiều
Trên thực tế lý do OT phổ biến hàng đầu là khối lượng công việc quá nhiều, không thể xử lý hết trong giờ làm việc hành chính. Đặc biệt vào thời điểm cuối năm hoặc sát thời hạn, khi công ty có nhiều dự án thì làm thêm giờ là khó tránh khỏi. Vì thế nhiều người chọn cách ở lại làm muộn hơn để hoàn thành nhiệm vụ và tránh tồn đọng công việc sang hôm sau.
Kiếm thêm thu nhập
Đối với nhiều người, OT lại là cách để nâng cao thu nhập cá nhân. Bởi nhiều doanh nghiệp đưa ra chính sách lương làm thêm giờ khá hấp dẫn cho nhân viên, có thể lên đến 150% – 200% so với giờ làm bình thường. Bên cạnh đó một số nơi áp dụng tăng ca để quy đổi thành ngày nghỉ. Ví dụ mỗi tuần làm thêm tổng cộng 8 giờ thì sẽ có thêm một ngày nghỉ trong năm. Nhân viên có thể cân nhắc chính sách OT của công ty để đăng ký OT phù hợp với nhu cầu cá nhân.
Tính chất công việc
Một số công việc cần phải linh hoạt bất kể thời gian hoặc trực ngoài giờ hành chính. Cụ thể như phóng viên, biên tập viên, video editor, thiết kế đồ họa, phát triển phần mềm, chăm sóc khách hàng…
Nghề phóng viên, biên tập viên cần phải cập nhật thông tin tức thời để đăng bài. Trong khi đó graphic design, video editor, nhân viên IT thường phải tiếp nhận yêu cầu công việc đột ngột, dù làm tự do hay tại văn phòng. OT chính là cách để đảm bảo hiệu quả công việc trong những trường hợp trên.
Các yếu tố khác phát sinh trong quá trình làm việc
Đôi khi các cuộc họp khẩn cấp, các vấn đề phát sinh bất ngờ trong quá trình làm việc sẽ khiến bạn phải OT. Bên cạnh đó sắp xếp thời gian làm việc không hợp lý cũng là một lý do khiến giờ làm việc bị kéo dài.
Ví dụ nếu nhân viên dành nhiều thời gian làm việc riêng như ăn sáng, tán chuyện thì công việc sẽ bị trì hoãn. Họ phải ở lại muộn hơn, làm thêm giờ để đảm bảo công việc được hoàn thành trong thời hạn yêu cầu.
6. Một số tác hại của làm OT
Căng thẳng, mệt mỏi
OT liên tục kéo dài có thể gây ra stress, khiến nhân viên cảm thấy khó chịu, cáu gắt, khó tập trung vào công việc. Tác hại này đã được nhiều chuyên gia về nhân sự và sức khỏe tinh thần cảnh báo.
Nếu người lao động chỉ làm thêm vài buổi trong tuần, kéo dài trong 1 tháng thì có thể năng suất và hiệu quả sẽ đi lên. Tuy nhiên nếu kéo dài hơn không nghỉ ngơi thì người lao động sẽ cảm thấy mệt mỏi, năng suất và hiệu quả có dấu hiệu đi xuống, khó đáp ứng yêu cầu công việc.
Bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe
Làm thêm giờ quá nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến giờ giấc sinh hoạt và có thể gây ra các bệnh về hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ cơ xương khớp, hệ tiêu hóa. Để tránh hệ lụy về sức khỏe, bạn cần lắng nghe cơ thể mình, tránh làm thêm triền miên mà bỏ bữa hoặc bỏ qua các dấu hiệu sức khỏe đi xuống.
Bỏ lỡ nhiều giá trị quan trọng trong cuộc sống
Công việc chỉ là một trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Mỗi người còn rất nhiều điều khác phải quan tâm như gia đình, tình yêu, bạn bè, sức khỏe, phát triển bản thân, sở thích cá nhân… Nếu thời gian cho công việc chiếm quá nhiều quỹ thời gian trong ngày, bạn sẽ không thể cân bằng cuộc sống. Một ngày chỉ xoay quanh công việc dễ trở nên nhàm chán và thiếu đi những niềm vui. Do đó mỗi người nên cố gắng đặt thứ tự ưu tiên cho các vấn đề cá nhân và kiểm soát thời gian hợp lý.
Nguy hiểm rình rập
Làm việc ngoài giờ quá nhiều khiến đầu óc mất tỉnh táo, có thể dẫn đến những sự cố, tai nạn ngoài đường. Bên cạnh đó tại một số khu vực tình hình an ninh chưa tốt vào buổi đêm. Điều này cũng là một mối nguy với những người làm thêm, tăng ca đến khuya muộn mới về. Để tránh những hệ lụy này bạn hãy đặt ra giới hạn cho công việc, ví dụ mỗi ngày chỉ làm thêm tối đa 2 tiếng, ra về trước 8 giờ tối…
7. Kết luận
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ OT là gì và cách tính lương OT theo đúng quy định hiện hành. OT là cơ hội để nâng cao thu nhập nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần nếu kéo dài quá mức. Vì vậy người lao động nên nắm chắc các chính sách OT của công ty, sắp xếp thời gian làm thêm hợp lý để đảm bảo quyền lợi và cân bằng cuộc sống.