Ngày công chuẩn tính lương là gì? Cách tính ngày công chuẩn theo tháng

22/08/2024
10860

Ngày công chuẩn tính lương liên quan trực tiếp đến lương và phúc lợi của nhân viên. Vì thế cả HR và người lao động đều cần hiểu rõ về vấn đề này. Vậy ngày công chuẩn là gì, quy định của Luật Lao Động và cách tính ra sao? Hãy cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu ngay trong nội dung dưới đây.

1. Ngày công chuẩn là gì?

Ngày công chuẩn tính lương là ngày công chuẩn theo đúng quy định của Luật Lao Động về thời gian làm việc trong một ngày. Theo quy định của Bộ luật lao động 2019, ngày công chuẩn là làm đủ 08 tiếng trong 01 ngày, không vượt quá 24 hoặc 26 ngày trong 01 tháng.

ngày công chuẩn tính lương
Tìm hiểu khái niệm và quy định về ngày công chuẩn tính lương

Cụ thể hơn, bạn đọc có thể tham khảo Điều 105 Bộ Luật Lao Động 2019:

  1. Thời gian làm việc bình thường của lao động không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  2. Công ty/ doanh nghiệp có quyền quyết định bạn sẽ làm việc theo ngày hay theo tuần, nhưng trước khi quyết định, họ phải thông báo cho bạn biết. Nếu làm việc theo tuần, mỗi ngày người lao động sẽ làm việc không quá 10 tiếng và tổng cộng trong một tuần không quá 48 tiếng.
  3. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện quy định tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
  4. Công ty/ doanh nghiệp phải đảm bảo rằng nơi làm việc của người lao động an toàn. Nếu công việc của người lao động có liên quan tới những thứ có hại cho sức khỏe như hóa chất độc hại hoặc tiếng ồn lớn, công ty sẽ phải có những quy định bảo vệ người lao động.

2. Tiền lương tháng có được tính căn cứ theo số ngày công không?

Mỗi công ty có cách trả lương khác nhau, nhưng đều phải có thỏa thuận rõ ràng trong hợp đồng lao động. Lương của người lao động sẽ được tính toán cụ thể dựa trên số ngày làm việc trong tháng như đã ghi trong hợp đồng. Điều này đảm bảo rằng người lao động luôn nhận được số tiền xứng đáng với công việc của mình.

ngày công chuẩn tính lương
Tiền lương và ngày công có liên quan chặt chẽ

Để hiểu rõ hơn quy định về hình thức trả lương, bạn đọc hãy tham khảo dựa vào Khoản 1 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

Tùy vào tính chất công việc và điều kiện sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trong hợp đồng lao động về lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, theo sản phẩm và trả lương khoán như sau:

Tiền lương theo thời gian sẽ được tính dựa trực tiếp vào thời gian người lao động làm việc. Cho dù người lao động được trả lương theo tháng, theo tuần, theo ngày hay theo giờ, số tiền người lao động nhận được sẽ tỷ lệ thuận với số giờ người lao động đã làm việc, theo đúng như những gì đã ghi trong hợp đồng, cụ thể:

  • Tiền lương tháng được trả theo tháng làm việc;
  • Tiền lương tuần được trả cho theo tuần làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương tuần được xác định bằng tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần;
  • Tiền lương ngày được trả theo ngày làm việc. Trong trường hợp hợp đồng lao động được  thỏa thuận tiền lương theo tháng thì tiền lương ngày được tính bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp lựa chọn. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tuần thì tiền lương ngày được tính bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc trong tuần theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
  • Tiền lương giờ được trả theo 1 giờ làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động thỏa thuận tiền lương theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ được tính bằng tiền lương ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trên 1 ngày theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Lao động.
  • Tiền lương theo sản phẩm được tính & trả lương cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm, căn cứ vào mức độ hoàn thành mục tiêu như số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao.
  • Tiền lương khoán được trả cho người lao động hưởng lương khoán, mức tính tiền lương khoán sẽ căn cứ vào khối lượng, chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.

Bạn đang tìm kiếm phần mềm quản lý chấm công – tính lương để tự động tính ngày công để tính lương, xin vui lòng để lại thông tin liên lạc tại đây, MISA AMIS sẽ liên hệ và hỗ trợ bạn:


3. Cách tính ngày công chuẩn tính lương theo tháng

Căn cứ tại Tại Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:

Thời giờ làm việc bình thường

  1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
  2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

……

Đồng thời, tại Điều 111 Bộ luật Lao động 2019, ngày nghỉ và mức lương có quy định như sau:

Nghỉ hằng tuần

  1. Theo quy định này, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày.

Theo đó, thời gian làm việc bình thường của lao động sẽ không quá 8h/ngày và không quá 48h/tuần. Trường hợp thời giờ làm việc theo tuần thì thời gian làm việc không quá 10h trong 1 ngày và không quá 48h/tuần. 

Nhà nước luôn khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện 40h/tuần đối với người lao động. Người lao động được nghỉ trung bình ít nhất 4 ngày/tháng.

Theo quy định trên, không có quy định cụ thể số ngày công làm việc trong tháng nhưng với quy định làm việc 8h/ngày, trường hợp doanh nghiệp chọn 1 tuần làm việc 40h thì sẽ tương ứng với ngày công tiêu chuẩn tháng là không quá 24 ngày. Nếu doanh nghiệp chọn 1 tuần làm việc không quá 48h thì sẽ tương ứng với ngày công chuẩn theo tháng không quá 26 ngày (nếu tính 8h/ngày) và không quá 23 ngày (nếu tính 10/ngày)

3.1 Các tính ngày Công chuẩn theo ngày làm việc thực tế

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đang áp dụng cách tính ngày công chuẩn theo công thức như sau:

Ngày công chuẩn tính lương = Tổng số trong tháng – ngày nghỉ hằng tuần – ngày nghỉ của doanh nghiệp/tổ chức

Ưu điểm của cách tính này là trả đúng và đủ theo từng tháng, chuẩn theo thỏa thuận. Tuy nhiên, mỗi tháng số ngày có thể khác nhau và ngày nghỉ cũng khác nhau, người sử dụng lao động cần linh động theo từng tháng để xác định đúng số ngày công.

3.2 Công chuẩn cố định

Công chuẩn cố định cũng là phương pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng vì đơn giản và dễ tính. Với phương pháp này, doanh nghiệp tự xác định ngày công chuẩn của tháng, ví dụ 24 công, 26 công.

Cách tính 1:

Lương tháng = (Lương + Phụ cấp nếu có) / số ngày công chuẩn x số ngày làm việc thực tế

 

Cách tính 2:

Lương tháng = (Lương + Phụ cấp nếu có) / 26 x số ngày làm việc thực tế (Doanh nghiệp tự lựa chọn ngày công chuẩn là 24 hoặc 26)

 

Một số doanh nghiệp không quy định ngày công chuẩn mà quy định giờ làm việc và mức lương cơ bản.

Ví dụ: nhân viên được thỏa thuận trả lương cơ bản là 7.000.000 đồng với thời gian làm việc từ 8h sáng đến 17h30 chiều, nghỉ trưa 1,5 giờ. Hàng tuần làm việc từ thứ 2 đến hết sáng thứ 7.

Nếu tháng có 30 ngày, gồm 4 ngày chủ nhật, 4 ngày thứ 7 thì nhân viên đi làm đủ 24 ngày sẽ được trả đủ lương cơ bản.

4. Cách tính ngày công trong tháng có ngày nghỉ lễ, Tết

Hàng năm người lao động đều được nghỉ lễ, Tết theo quy định của Nhà Nước. Vậy những ngày nghỉ này có tính vào công chuẩn không và tính như thế nào? Đầu tiên bạn cần biết những ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương được quy định trong Điều 112 Bộ Luật Lao Động 2019:

  • Nghỉ Tết Dương Lịch: 01 ngày vào 01/01 dương lịch
  • Nghỉ Tết Âm Lịch: 05 ngày, lịch nghỉ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét căn cứ tùy vào tình hình thực tế
  • Ngày Chiến thắng: 01 ngày vào 30/04 dương lịch
  • Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày vào 01/05 dương lịch
  • Ngày Quốc khánh: 02 ngày – nghỉ ngày 02/09 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau.
  • Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày vào 10/03 âm lịch
  • Lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.
ngày công chuẩn tính lương
Ngoài nghỉ lễ người lao động còn có thể được nghỉ bù nếu dịp lễ trùng ngày nghỉ hàng tuần

Nếu người lao động nghỉ làm việc vào những ngày trên thì số ngày công làm việc trong tháng vẫn được giữ nguyên. Những dịp nghỉ lễ, tết được coi là những ngày nghỉ hưởng nguyên lương, do đó số công làm việc trong tháng vẫn được giữ nguyên (nếu tháng đó có ngày nghỉ lễ).

Theo Thông tư 147/2020/TT-BLĐTBXH:

Tiền lương theo ngày được trả cho một ngày làm việc xác định trên cơ sở tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của pháp luật mà doanh nghiệp chọn và áp dụng.

Như vậy, số ngày công bạn làm việc trong tháng sẽ không bao gồm những ngày lễ, Tết. Mặc dù bạn vẫn được hưởng lương đầy đủ trong những ngày này, nhưng chúng sẽ không được tính vào tổng số ngày làm việc của bạn trong tháng. Quyết định về công chuẩn là do doanh nghiệp tự lựa chọn theo từng tháng

5. Kết luận

Trên đây là những thông tin liên quan đến ngày công chuẩn tính lương để doanh nghiệp và người làm nhân sự áp dụng cho doanh nghiệp của mình, luôn đảm bảo tính đúng và tuân theo luật … Thỏa thuận về lương và công chuẩn cần được thỏa thuận rõ ràng giữa công ty và nhân sự viên. Công chuẩn hàng tháng cần được tính toán chính xác, hợp lý để đảm bảo quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả