Xu hướng truyền thông thương hiệu với Music Marketing 

18/05/2023
1822

Âm nhạc là một hình thức kết nối cảm xúc đặc biệt giữa khách hàng và thương hiệu. Chính vì thế, Music marketing đang trở thành xu hướng để viral thương hiệu một cách ấn tượng và độc đáo. Bạn đọc có thể tham khảo cách xây dựng chiến lược music marketing theo một số chia sẻ của bài viết dưới đây. 

1. Music Marketing là gì trong truyền thông thương hiệu?

Music marketing là các hoạt động sử dụng âm nhạc để truyền tải thông điệp của thương hiệu. Đây là một hình thức marketing hiệu quả để tiếp cận, kích thích sự tương tác, tạo thiện cảm với khách hàng nhờ vào âm nhạc. 

Ngoài ra, trong ngành công nghiệp giải trí, music marketing còn chỉ hoạt động marketing cho các sản phẩm âm nhạc hay nghệ sĩ. Tuy nhiên, phạm vi bài viết này sẽ đề cập đến hình thức music marketing cho thương hiệu. 

2. Tại sao Music Marketing là xu hướng truyền thông của thương hiệu 

Theo báo cáo “Thói quen nghe nhạc của người Việt” của Qandme, âm nhạc là loại hình giải trí chính của người Việt với 75% người nghe mỗi ngày. Rất nhiều người thực hiện các công việc khác trong khi nghe nhạc. Nhờ khả năng kết nối cảm xúc và truyền tải thông điệp một cách tuyệt vời, Music Marketing đang trở thành một xu hướng truyền thông được nhiều thương hiệu sử dụng. 

Vai trò của Music marketing
Vai trò của Music marketing

2.1 Tăng khả năng tiếp cận và tương tác với khách hàng

Một trong những lý do chính để sử dụng âm nhạc trong hoạt động marketing là khả năng tiếp cận và tương tác với đối tượng mục tiêu. Sản phẩm âm nhạc có khả năng dễ dàng lan truyền trên nhiều nền tảng và tạo ấn tượng sâu sắc với khách hàng. Không chỉ bởi sự ảnh hưởng mạnh mẽ của KOLs/ Celebrities khi kết hợp cùng với âm nhạc mà còn vì tính chất dễ kích thích não bộ của giai điệu trong âm nhạc. 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, não bộ con người xử lý âm nhạc giống như xử lý thông tin lưu trữ trong trí nhớ và cảm xúc. Chính vì thế, music marketing còn giúp tăng cường nhận diện thương hiệu và đánh dấu ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng, tạo ra sự gắn kết với khách hàng một cách dễ dàng. 

Cùng với đó, khi các nghệ sĩ – những người đại diện cho thương hiệu cùng thực hiện các sản phẩm âm nhạc, với có lượng fan hâm mộ đông đảo, họ đồng thời cũng thu hút khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp. Điều này làm cho music marketing trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong các chiến dịch marketing, từ những chiến dịch xã hội nhỏ đến các chiến dịch lớn đi cùng sự phát triển của thương hiệu. 

Ví dụ như chiến dịch “Đi để trở về” của Bitis kết hợp với ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã mang về 3.500.000 lượt tương tác và gần 300.000 lượt đề cập tên thương hiệu sau 1 tuần ra mắt. 

Chiến dịch Đi để trở về của Bitis kết hợp với ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã mang lại tiếng vang lớn cho thương hiệu.
Chiến dịch Đi để trở về của Bitis kết hợp với ca sĩ Soobin Hoàng Sơn đã mang lại tiếng vang lớn cho thương hiệu.

2.2 Tăng tình yêu với thương hiệu

Sự xuất hiện của giai điệu âm nhạc trong các thông điệp truyền thông không chỉ giúp thương hiệu kết nối dễ dàng hơn với khách hàng, mà còn tăng cường tình yêu thương hiệu. Theo một nghiên cứu của Havas Media Group, 73% người dùng tin rằng âm nhạc có thể cải thiện hình ảnh thương hiệu, và khi thương hiệu được lồng ghép với âm nhạc có 70% khách hàng đánh giá cao hơn so với đối thủ cạnh tranh. 

Khi sử dụng âm nhạc để tiếp cận khách hàng, thương hiệu có thể xây dựng một không gian trò chuyện 1-1 giữa thương hiệu và từng đối tượng mục tiêu. Đó là lý do khiến 62% khách hàng cảm thấy gắn kết với thương hiệu hơn cũng theo báo cáo của Havas Media Group. 

Như vậy, music marketing không chỉ giúp tăng tương tác và nhận diện thương hiệu mà còn giúp xây dựng sự gắn kết và tình yêu thương hiệu với khách hàng, cũng là một phần quan trọng trong chiến lược xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.

2.3 Thông điệp và truyền tải thông điệp độc quyền

Bằng cách sử dụng các bài hát, video âm nhạc và các sự kiện âm nhạc độc quyền, thương hiệu có thể truyền tải thông điệp một cách sáng tạo, độc đáo và khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu có thể tạo ra ca từ và giai điệu riêng biệt giúp thương hiệu dễ dàng được ghi nhớ và tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm trí khách hàng.

Một ví dụ điển hình cho sự kết hợp giữa âm nhạc và marketing giúp truyền tải thông điệp của thương hiệu là Ca khúc “Nhanh lên nhé!” với sự hợp tác của Vietnam Airlines và SpaceSpeakers – một nhóm nghệ sĩ hàng đầu tại Việt Nam, với các thành viên nổi tiếng như SOOBIN, Binz, Touliver, SlimV và Rhymastic. Bài hát này đã được chọn làm ca khúc chủ đề cho Vietnam Airlines với mục đích truyền tải cảm hứng đi du lịch và khám phá trải nghiệm sau đại dịch Covid-19.

Bằng cách kết hợp âm nhạc với một hãng hàng không, SpaceSpeakers đã tạo ra một bản nhạc độc đáo và gợi nhắc đến việc bay cao, bay xa và khám phá thế giới. Ca khúc này không chỉ là một bài hát thú vị, mà còn là một phương tiện truyền tải thông điệp mạnh mẽ về việc phục hồi kinh tế và khám phá các điểm đến mới.

MV Ca khúc “Nhanh lên nhé” với sự hợp tác giữa Vietnam Airlines và SpaceSpeakers
MV Ca khúc “Nhanh lên nhé” với sự hợp tác giữa Vietnam Airlines và SpaceSpeakers

Ngoài ra, Music Marketing còn giúp thương hiệu truyền tải thông điệp của mình một cách hiệu quả hơn. Khi thương hiệu kết hợp với các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp trong việc sản xuất âm nhạc, thông điệp sẽ được truyền tải một cách tinh vi hơn nhờ có thêm yếu tố nghệ thuật .

Ví dụ, Coca-Cola đã hợp tác với Avicii và các nhà sản xuất nổi tiếng như Martin Garrix để sáng tác ca khúc “Taste the Feeling” trong chiến dịch quảng cáo toàn cầu năm 2016. 

Với giai điệu vui vẻ kết hợp với hình ảnh quảng cáo giản trị đặc trưng theo từng quốc gia, ca khúc đem đến cảm giác gần gũi, hạnh phúc, tươi mới và đầy sảng khoái khi thưởng thức. Bài hát đã được sử dụng trong các video quảng cáo của Coca-Cola trên các kênh truyền thông, từ truyền hình đến mạng xã hội, và cả trong các sự kiện trực tiếp tại nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Các hình thức Music Marketing 

Music marketing có thể được thể hiện qua nhiều hình thức như hợp tác âm nhạc (music partnership), tổ chức sự kiện âm nhạc (music event) và quảng cáo bằng âm nhạc (Music in advertising). 

Các hình thức music marketing
Các hình thức music marketing

3.1 Music partnership: Hợp tác âm nhạc 

Music Partnership là hình thức hợp tác giữa một thương hiệu và một nghệ sĩ hoặc nhóm nhạc để sản xuất sản phẩm âm nhạc có liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu. Đây là một cách thức truyền thông thương hiệu và tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ.

Một thương hiệu đã mưa làm gió trên mạng xã hội với hình thức này là Tiki với chiến dịch “Tiki đi cùng sao Việt”. Gần 100 dự án nghệ thuật của nghệ sĩ Việt có sự đồng hành của Tiki. Rất nhiều MV đạt Top 1 youtube trending ngay khi ra mắt như Hơn cả yêu của Đức Phúc, Em gì ơi của K-ICM & Jack, Lửng lơ của Masew & Bray,… 

Các sản phẩm âm nhạc trong dự án Tiki đi cùng sao Việt trên youtube
Các sản phẩm âm nhạc trong dự án Tiki đi cùng sao Việt trên youtube

Ưu điểm của hình thức này là:

  • Tăng tính tương tác và nhận diện thương hiệu thông qua âm nhạc và nghệ sĩ hợp tác 
  • Tạo ra những sản phẩm âm nhạc độc đáo, tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu. 
  • Nâng cao giá trị thương hiệu thông qua tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ.
  • Thành công của sản phẩm âm nhạc ghi dấu ấn của thương hiệu 

Tuy nhiên có một số hạn chế khi sử dụng music partnership:

  • Chi phí đầu tư cao trong việc sản xuất các sản phẩm âm nhạc, chỉ phù hợp với các thương hiệu có ngân sách marketing lớn và tệp đối tượng mục tiêu rộng. 
  • Không phải tất cả các nghệ sĩ đều phù hợp với thương hiệu hoặc sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu lựa chọn không đúng sẽ ảnh hướng đến hình ảnh, đặc trưng của thương hiệu 
  • Rủi ro nhất định liên quan đến scandal của nghệ sĩ. 

3.2 Music event: Sự kiện âm nhạc 

Music Event là hình thức thương hiệu tổ chức các sự kiện âm nhạc như concert, festival, hay tài trợ cho các buổi biểu diễn nghệ sĩ. Thông qua đó thu hút sự chú ý của đối tượng mục tiêu, kêu gọi tham gia và tương tác với thương hiệu. Rất nhiều thương hiệu đã tạo dấu ấn với hình thức này như bia Heineken, bia Tiger, Pepsi,… 

Điển hình là sự kiện Tiger Remix 2023 gần đây của thương hiệu bia quốc tế Tiger với sự tham gia của nghệ sĩ đình đám Kpop CL của nhóm 2NE1. Đây là chuỗi bữa tiệc âm nhạc quy mô lớn để chào đón năm mới 2023 của Tiger với thông điệp “Khai xuân bản lĩnh”. Bên cạnh CL, sự kiện có sự tham gia của rất nhiều ca sĩ đang hot hiện nay như Hà Anh Tuấn, Tăng Duy Tân, Đen, Tóc Tiên, Hoàng Thuỳ Linh, Rhymastic,… Nhờ đó, Tiger Remix đã đặc biệt thu hút sự chú ý của các bạn trẻ và giới truyền thông. 

Sự kiện Tiger Remix 2023- Nguồn sưu tầm
Sự kiện Tiger Remix 2023- Nguồn sưu tầm

Có thể thấy, các sự kiện âm nhạc hoành tráng kết hợp giữa âm thanh ánh sáng độc đáo thường mang tới sự bùng nổ cho thương hiệu nhờ vào việc:

  • Tạo ra trải nghiệm, khoảnh khắc đáng nhớ và ấn tượng cho khách hàng mục tiêu như.
  • Tăng tính tương tác của thương hiệu thông qua hoạt động giao lưu chia sẻ trong sự kiện 
  • Nâng cao giá trị thương hiệu thông qua việc quảng bá và quảng cáo sản phẩm và dịch vụ trước trong và sau sự kiện.
  • Tăng sức nóng cho thương hiệu khi giới truyền thông săn đón đưa tin. 

Mặc dù hình thức này mang lại độ phủ sóng thương hiệu cao nhưng không phải thương hiệu nào cũng làm được. Bởi chi phí đầu tư cho việc tổ chức sự kiện âm nhạc là rất cao bao gồm  chi phí địa điểm, thuê nghệ sĩ đến tổ chức. Ngoài ra, có thể gặp phải các vấn đề về an ninh và quản lý đám đông. Thương hiệu hãy cân nhắc thật kỹ nguồn lực hiện tại để thực hiện music event. 

3.3 Quảng cáo bằng âm nhạc 

Quảng cáo bằng âm nhạc là hình thức sử dụng âm nhạc làm chất liệu để xây dựng nội dung trong marketing và truyền thông. Ví dụ như bài hát thương hiệu, bài hát trong các chiến dịch quảng cáo, giai điệu nhận diện tại điểm bán hay để hướng dẫn sử dụng sản phẩm dịch vụ,… Đây là hình thức tốn ít chi phí và phù hợp với đa số thương hiệu hơn hai hình thức trên. 

Năm 2016, thương hiệu Điện máy xanh bùng nổ trên mạng xã hội với trào lưu “Bạn muốn mua tivi đến Điện máy xanh”. Với hình ảnh vui nhộn độc đáo, giai điệu bắt tai, ca từ ngắn gọn, dễ nhớ và lặp đi lặp lại quảng cáo của thương hiệu này đã đạt 3,4 triệu lượt tương tác và hơn 300 nghìn lượt chia sẻ. Bài hát đã trở thành niềm cảm hứng cho nhiều nội dung hot trend trên mạng xã hội. 

Sử dụng âm nhạc trong quảng cáo mang nhiều ưu điểm có thể kể đến như:

  • Có thể triển khai thường xuyên và liên tục đổi mới sáng tạo 
  • Dễ dàng lan truyền trên các phương tiện truyền thông 
  • Hạn chế rủi ro liên quan đến sức ảnh hưởng của nghệ sĩ 
  • Tối ưu chi phí hơn hình thức music partnership và music event 
  • Tạo dấu ấn riêng cho thương hiệu 

Bên cạnh đó, hình thức này cũng có một số điểm hạn chế đó là: 

  • Thông điệp quảng cáo quá trực tiếp dễ mất thiện cảm của khách hàng 
  • Hiệu ứng lan tỏa không nhanh và mạnh như việc sử dụng sức mạnh của nghệ sĩ 

>> Xem thêm: Sự khác nhau giữa Marketing và quảng cáo các Marketers nên biết

4. Các bước xây dựng chiến lược music marketing 

Âm nhạc được xem là một món ăn tinh thần con người. Mỗi người sẽ có khẩu vị âm nhạc rất khác nhau. Vì vậy, để sáng tạo ra các sản phẩm trong music marketing vừa hài lòng khách hàng mục tiêu vừa đáp ứng mục tiêu thương mại của thương hiệu là điều không hề dễ dàng. Việc lên chiến lược music marketing một cách chi tiết là rất cần thiết. Nội dung tiếp theo sẽ chia sẻ các bước để xây dựng một chiến lược bài bản. 

Các bước xây dựng chiến lược music marketing 
Các bước xây dựng chiến lược music marketing

4.1 Phân tích bối cảnh 

Bước đầu tiên và cũng là một trong những bước quan trọng nhất trong xây dựng chiến lược music marketing là phân tích bối cảnh xoay quanh 3 yếu tố cốt lõi: thương hiệu, cạnh tranh và khách hàng. Việc phân tích này sẽ giúp thương hiệu lựa chọn một hình thức music marketing và thông điệp phù hợp. 

Bộ phận brand team cần vạch ra những câu hỏi và trả lời những vấn đề được liệt kê trong bảng sau: 

  • Về thương hiệu
  • Về cạnh tranh
  • Về khách hàng
1. Thương hiệu/sản phẩm đang gặp vấn gì?: Doanh số, thị phần, nhận diện,… 

2. Giá trị, tính cách thương hiệu nào đã và chưa được thể hiện 

3. Hoạt động nào chưa hiệu quả và vì sao?

4. Chuyển động của thị trường  

1. Những đối thủ nào đang hoạt động mạnh mẽ và chiếm thị phần của thương hiệu 

2. Đối thủ cạnh tranh đang có những hoạt động nào 

1. Khách hàng có sự thay đổi hành vi nào ảnh hưởng đến hoạt động của thương hiệu

2. Xu hướng hành vi, ở thích của khách hàng là gì? 

3. Xu hướng nào đang ảnh hướng đến khách hàng. 

Những dữ liệu trên càng chi tiết thì khả năng giải đúng đề bài của thương hiệu càng cao. 

4.2 Thiết lập mục tiêu (marketing và truyền thông)

Mục tiêu cho chiến lược music marketing được đưa ra dựa trên đề bài đặt ra bên trên. Thông thường, có 2 nhóm mục tiêu đi đôi vơi nhau như sau: 

  • Mục tiêu truyền thông: Liên quan đến các chỉ số về nhận diện thương hiệu, tình yêu thương hiệu, kết nối thương hiệu và khách hàng mục tiêu 
  • Mục tiêu marketing: Liên quan đến các chỉ số về doanh số, thu hút khách hàng mới, giới thiệu sản phẩm mới 

4.3 Xác định đối tượng mục tiêu và insight 

Ở bước này, đối tượng mục tiêu cần được hình dung rõ ràng về độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, khu vực,… Họ có sở thích và hành vi như nào? Nghiên cứu và lựa chọn một insight có tính liên kết nhất đến vấn đề đặt ra khi phân tích vấn đề. 

Ví dụ, trong chiến dịch “Đem tiền về cho mẹ” của Honda kết hợp với ca sĩ Đen, thương hiệu lựa chọn đối tượng mục tiêu là khách hàng trẻ và trung thành với thương hiệu. Họ là những người quan tâm và mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho gia đình của mình. Chiếc xe máy là “người bạn đồng hành” trên con đường đạt mục tiêu và đi qua những “cơm áo gạo tiền” thường ngày. Trên hành trình này, nhóm khách hàng mục tiêu thường bị gánh nặng tâm ý đồng trang lứa, trăn trở về sự thành công, thất bại. Đây cũng chính là insight được Honda khám phá ra và đưa vào thông điệp bài hát. 

4.4 Xây dựng chiến lược và thông điệp

Dựa trên sự thấu hiểu khách hàng và insight đưa ra, thương hiệu xác định thông điệp/ creative idea là gì? Truyền tải thông điệp bằng hình thức và phương tiện truyền thông nào? 

Để dễ hình dung, chúng ta tiếp tục bàn về chiến lược và thông điệp trong chiến dịch “mang tiền về cho mẹ”. Vì đối tượng là người trẻ và có thói quen sử dụng mạng xã hội để xem yêu thích MV ca nhạc của nghệ sĩ nên Honda đã khai thác hình ảnh, sự ảnh hưởng, chất nhạc của Đen để tập trung vào khía cạnh cảm xúc, nỗi lo lắng của người con xa quê trong chiến dịch. Câu nói “Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ” đã viral mạnh mẽ vì chạm vào được insight bên trong khách hàng. 

Loạt ảnh chế “Mang tiền về cho mẹ”- Nguồn sưu tầm
Loạt ảnh chế “Mang tiền về cho mẹ”- Nguồn sưu tầm

4.5 Lập kế hoạch hoạt động thực thi 

Căn cứ vào chiến lược và thông điệp bên trên, người lập hoạch sẽ phát triển các hoạt động liên quan. Có những hình thức nào được sử dụng. Nội dung chi tiết của mỗi hình thức là gì? Có những phương tiện truyền thông nào để phát tán chiến dịch? Ai là người thực hiện? Dự kiến ngân sách là bao nhiêu? Thời gian thực hiện ra sao? Các hình thức này liên quan với nhau như thế nào. Đó là tất cả các vấn đề cần làm rõ trước khi đưa vào thực hiện. 

4.6 Đo lường và phân tích kết quả 

Đây là bước quan trọng để đánh giá tính hiệu quả của hoạt động music marketing. Tùy thuộc vào mục tiêu đã thiết lập ban đầu mà thương hiệu đo lường và đánh giá dựa trên những chỉ số khác nhau. 

Có thể kể đến một số chỉ số đo lường phổ biến, cần quan tâm như: lượt tương tác, lượt thảo luận trên mạng xã hội, sự hài lòng/tình yêu thương hiệu, doanh số. Để có được dữ liệu trên bạn đọc có thể tham khảo các bên Social listening hoặc khảo sát trực tiếp đối tượng tham gia. 

Quản lý chiến dịch Marketing hiệu quảDùng thử MISA AMIS aiMarketing miễn phí ngay

5. Case study: Chiến dịch #Dân_chơi_sớm của Heineken 

Với sức nóng của chương trình Rap Việt mùa đầu tiên, Heineken đã nhanh chóng bắt trend và tung ra chiến dịch “Dân chơi sớm” để quảng cáo cho dòng sản phẩm mới có nồng độ cồn 0% với thông điệp “say xỉn là vô trách nhiệm”.

Chiến dịch “Dân chơi sớm” của Heineken sử dụng music marketing để quảng cáo cho dòng sản phẩm mới có nồng độ cồn 0% 
Chiến dịch “Dân chơi sớm” của Heineken sử dụng music marketing để quảng cáo cho dòng sản phẩm mới có nồng độ cồn 0%

5.1 Bối cảnh chiến dịch 

Ra mắt đầu năm 2020 tại Việt Nam, dòng sản phẩm mới của Heineken với nồng độ cồn 0,0%, được phát triển với kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một thức uống có lợi cho sức khỏe mà vẫn phù hợp khi tiệc tùng. Tuy nhiên, sản phẩm này đã vấp phải một rào cản lớn trong nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam về việc uống phải “say” thì mới “vui” hay “không say không về”. Do đó, bài toán đặt ra là làm thế nào để thay đổi nhận thức trong văn hóa uống bia của giới trẻ gắn liền với yếu tố “vui vẻ”, “thú vị” mọi lúc, mọi nơi và không cần lo lắng về việc say xỉn 

5.2 Mục tiêu 

Trong bối cảnh trên, thương hiệu Heineken xác định 2 mục tiêu chính như sau: 

  • Mục tiêu truyền thông: Thay đổi nhận thức về văn hóa uống bia, nêu bật lợi thế của sản phẩm mới 0% nồng độ cồn. 
  • Mục tiêu marketing: Tăng doanh số sản phẩm mới.

5.3 Khách hàng mục tiêu và insight 

Heineken 0.0 nhắm đến thế hệ GenZ và thế hệ Millennials đang đi làm, có lối sống lành mạnh, đón đầu xu hướng, tư duy cởi mở và thái độ cầu tiến. Họ là thế hệ NOW của thời kỳ kỹ thuật số mong muốn được thỏa mãn nhu cầu ngay lập tức. Mạng xã hội là môi trường cung cấp cho họ thông tin cập nhật, nguồn giải trí và phương tiện liên lạc. Thế hệ Now hướng tới những điều tốt nhất và ngưỡng mộ những điều tốt nhất nên KOLsInfluencer trên mạng xã hội chính là tiếng nói giá trị nhất để lan tỏa tinh thần “Không gì là không thể” của Heineken 0.0 với thông điệp “NGAY BÂY GIỜ bạn có thể ăn mừng bất cứ lúc nào”.

5.4 Chiến lược tiếp cận và thông điệp 

Tận dụng nền tảng truyền thông xã hội, Heineken khởi động chiến dịch “Now You Can Celebrate Anytime” (Bây giờ bạn có thể ăn mừng bất cứ lúc nào), nhằm giáo dục các dịp tiêu dùng phù hợp với sản phẩm. Tinh thần và thông điệp “Không gì là không thể được truyền tải qua MV “Dân chơi sớm” – bản parody dựa trên bài rap rất hot của JustaTee. MV đề cao thái độ vui vẻ trong nhiều trường hợp. Để viral thông điệp này, thương hiệu đã sử dụng đòn bẩy là influencer/KOL để lan truyền một cách nhanh chóng. 

5.5 Hoạt động thực thi 

Hoạt động thực thi được chia làm ba giai đoạn: 

  • Giai đoạn 1 – Teasing: Đăng các bài đăng mang tính chất “trêu chọc” trên mạng xã hội của JustaTee và các KOL có lượng fan hùng hậu nhằm thu hút sự chú ý và khơi gợi sự tò mò của người dùng trên mạng xã hội. Nhờ sự tương tác liên tục, nhất quán giữa các KOL, người dùng đã háo hức tham gia cuộc thảo luận về chủ đề này.
  • Giai đoạn 2 – Tung MV: Ngay khi tung MV, nhiều nội dung từ cộng đồng Lead KOL, micro KOL xuất hiện dày đặc nhằm cổ vũ “Dan Choi Som” đồng thời gửi gắm thông điệp “Không gì là không thể. Bây giờ bạn có thể ăn mừng bất cứ lúc nào”. Các bài đăng về các dịp kỷ niệm khác nhau phù hợp với Heineken 0% nồng độ cồn được đưa ra dày đặc như làm việc, du lịch, tập thể dục…
  • Giai đoạn 3: Heineken mang đến cho người tiêu dùng cơ hội trở thành Dân chơi và sở hữu huy hiệu trên Mạng xã hội. Mỗi người dùng có thể tạo nhận diện dân chơi của riêng mình, chẳng hạn như “Dân chơi cuồng công việc”, “Dân chơi thể thao”, “Dân chơi nghiện ăn uống”… Nhận diện này thể hiện những nét độc đáo và khác biệt, dễ chia sẻ giúp thông điệp của Heineken được lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, đặc biệt từ lóng “dân chơi” đã trở thành từ lóng thời thượng.

5.6 Kết quả 

Nhờ sự thấu hiểu sâu sắc về insight người tiêu dùng, chiến dịch của Heineken đã đạt được những kết quả vượt trội:

– Top 12 Music Trending Youtube chỉ sau 10 ngày phát hành

– Top 2 Chiến dịch BSI tháng 11/2021 & Top 6 Chiến dịch BSI Tháng 12 năm 2021, với 443K Buzz

– Thu hút hơn 10.800 lượt gửi cho “Nhận diện dân chơi”, vượt 400% KPI

– Hơn 90 bài đăng xã hội kiếm được từ các trang/nhóm cộng đồng trên Mạng xã hội

Kết luận

Music marketing là một hình thức mang lại hiệu quả cao trong truyền thông thương hiệu. Tuy nhiên để xây dựng một chiến lược music marketing thành công không dễ dàng vì phải cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thương mại. Hy vọng bài viết trên đây của MISA sẽ là nguồn cảm hứng cho những người làm marketing muốn sáng tạo với âm nhạc. 

Tác giả: Trần Thị Như

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả