Bí quyết tối ưu hoá chiến lược kinh doanh cho công ty xây dựng

18/05/2023
1768

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về cơ cấu nền kinh tế năm 2022, ngành xây dựng tại Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ với tỷ trọng 38,26%. Nhìn chung, trong những năm gần đây, ngành xây dựng ở Việt Nam đang có những bước tiến lớn về mặt chất lượng và quy mô, dù vậy cũng đang gặp phải những thách thức cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, để phát triển và đạt được những thành công trong ngành xây dựng, các doanh nghiệp cần có những chiến lược kinh doanh rõ ràng và hiệu quả.

Vậy, đâu sẽ là chiến lược kinh doanh tối ưu cho các doanh nghiệp xây dựng? Hãy cùng MISA tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

Mục lục Hiện

1. Khái niệm và các loại hình công ty xây dựng

1.1 Khái niệm

Công ty xây dựng là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, với nhiệm vụ thiết kế, xây dựng, sửa chữa và bảo trì các công trình xây dựng như nhà ở, tòa nhà, cầu đường, cơ sở hạ tầng… Công ty xây dựng còn có thể thực hiện các công việc liên quan như tư vấn, giám sát, quản lý dự án, cung cấp vật liệu và thiết bị xây dựng.

1.2 Các loại hình công ty xây dựng

  • Nhà thầu xây dựng: Là công ty chuyên về việc thi công xây dựng các công trình. Nhà thầu xây dựng thường làm việc dưới sự chỉ đạo của chủ đầu tư và theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Ví dụ: Công ty CP Xây dựng số 1 Hà Nội (Hancorp).
  • Tổng thầu: Là công ty có khả năng vận hành toàn bộ quy trình xây dựng, từ việc thiết kế, lập kế hoạch, tư vấn giải pháp cho đến thi công, lắp đặt và bàn giao công trình. Tổng thầu làm việc với chủ đầu tư trực tiếp và đảm bảo thực hiện theo đúng tiến độ và yêu cầu của dự án. Ví dụ: Công ty Cổ phần Tổng thầu Sông Đà (Song Da Corporation).
  • Chủ đầu tư xây dựng công trình: Là cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm chủ động về việc đầu tư, quản lý và thiết kế công trình. Chủ đầu tư có thể thuê một nhà thầu hoặc tổng thầu để thực hiện công trình. Ví dụ: Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Bình Dương (Becamex IDC).
  • Nhà phát triển dự án: Là công ty chuyên về việc phát triển và quản lý các dự án bất động sản từ việc tìm kiếm đất, thiết kế, quản lý thi công đến tiếp thị và bán hàng. Nhà phát triển dự án thường là chủ đầu tư và có quyền kiểm soát toàn bộ quá trình xây dựng dự án. Ví dụ: Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Đất Xanh (DXG), Tập đoàn Sun Group.
  • Nhà quản lý xây dựng chuyên nghiệp: Là công ty chuyên cung cấp dịch vụ quản lý xây dựng chuyên nghiệp và hiệu quả cho các công trình xây dựng. Nhà quản lý xây dựng chuyên nghiệp có thể giúp đảm bảo việc quản lý chất lượng, an toàn và hiệu quả về chi phí cho các công trình xây dựng. Ví dụ: Công ty Cổ phần Quản lý Xây dựng Sông Đà (Sudico).
  • Nhà quản lý chương trình: Là các công ty hoặc tổ chức chuyên về việc quản lý nhiều dự án xây dựng cùng một lúc, thường là các dự án lớn hoặc các dự án có liên quan đến nhau. Các công việc của nhà quản lý chương trình bao gồm lập kế hoạch, quản lý tiến độ, giám sát chi phí, quản lý rủi ro, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động, và nhiều hơn nữa. Ví dụ: Artelia, Arup, Aurecon, CPG Vietnam.
  • Thi công trọn gói: Là một dạng hình thức hoàn thiện một công trình từ thiết kế, mua sắm vật liệu và trang thiết bị, thi công xây dựng cho đến khi nghiệm thu và bàn giao cho khách hàng. Các nhà thầu EPC (EPC – Engineering, Procurement, Construction) hoạt động trên nhiều lĩnh vực như điện, nước, công nghiệp, dầu khí, và cả xây dựng nhà ở. Ví dụ: PV E&C, Lilama, FLC Group, Bitexco, Hoa Binh Corp.
  • Nhà tài trợ dự án: Là một loại hình công ty xây dựng đóng vai trò cung cấp nguồn vốn cho dự án xây dựng. Nhà tài trợ dự án thường là một tổ chức tài chính hoặc ngân hàng, đầu tư vào dự án xây dựng và hưởng lợi từ các lợi nhuận mà dự án mang lại. Ví dụ: Vingroup, Bitexco, Sun Group.

2. Chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ 

Sản phẩm dịch vụ là cốt lõi của bất kỳ ngành công nghiệp nào, đặc biệt là ngành công nghiệp xây dựng, vì nó gắn với uy tín của chủ doanh nghiệp cũng như sự an toàn của khách hàng. Dưới đây là một số gợi ý về chất lượng dịch vụ các doanh nghiệp có thể cân nhắc.

Chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ cho công ty xây dựng
Chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ cho công ty xây dựng

2.1 Đảm bảo chất lượng sản phẩm

Đảm bảo chất lượng sản phẩm là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong ngành xây dựng. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp xây dựng cần tuân thủ các quy trình kiểm soát chất lượng và đảm bảo rằng sản phẩm của mình đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và quy định pháp luật liên quan. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ, trang thiết bị và quản lý chất lượng.

Cụ thể, đây sẽ là nhiệm vụ của tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình hình thành nên sản phẩm xây dựng, bao gồm: Chủ đầu tư, nhà thầu, các tổ chức và cá nhân liên quan trong công tác khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, bảo hành và bảo trì, quản lý và sử dụng công trình.

Điển hình, Vinaconex là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam. Vinaconex đặc biệt chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Họ đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 (các nguyên tắc, nguyên lý và yêu cầu để thiết lập được một hệ thống quản lý chất lượng trong doanh nghiệp) và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 (tiêu chuẩn hệ thống quản lý cơ bản quy định các yêu cầu đối với việc xây dựng và duy trì EMS, giúp kiểm soát các khía cạnh môi trường của tổ chức, giảm tác động và đảm bảo tuân thủ pháp luật). Đồng thời xây dựng một hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm khép kín, từ khâu chọn nguyên vật liệu cho đến quá trình sản xuất, kiểm tra và bàn giao sản phẩm cho khách hàng.

Chứng nhận ISO 9001 và ISO 14001 của Vinaconex - (Nguồn: vinaconex25.com.vn)
Chứng nhận ISO 9001 và ISO 14001 của Vinaconex – (Nguồn: vinaconex25.com.vn)

Coteccons là một doanh nghiệp xây dựng thành công khác tại Việt Nam. Họ cũng đã thành lập một bộ phận quản lý chất lượng riêng để đảm bảo rằng các sản phẩm của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như yêu cầu của khách hàng. Bộ phận này thường xuyên tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, từ khâu lập kế hoạch cho đến giám sát hiệu suất của nhà máy và các công trình đang triển khai.

Với những chiến lược đảm bảo chất lượng sản phẩm hiệu quả như vậy, các doanh nghiệp xây dựng có thể tăng đáng kể sự tin tưởng của khách hàng và nâng cao định giá thương hiệu của mình.

2.2 Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho các doanh nghiệp xây dựng kinh doanh thành công là khả năng cung cấp dịch vụ tốt cho khách hàng. 

Trước hết, các doanh nghiệp cần phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để có thể cung cấp cho họ các sản phẩm và dịch vụ phù hợp. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ khảo sát khách hàng, tìm hiểu thị trường, phân tích dữ liệu về nhu cầu khách hàng.

Sau khi hiểu rõ nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp có thể đầu tư để cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Các hoạt động cần được thực hiện để nâng cao chất lượng dịch vụ bao gồm tăng cường đào tạo nhân viên, tối ưu hóa quy trình phục vụ khách hàng, tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tăng cường quản lý phản hồi khách hàng và tạo ra các giải pháp giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả.

Ví dụ, VinCons đã tạo ra một quy trình phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, đồng thời cung cấp đào tạo liên tục cho nhân viên về kỹ năng phục vụ khách hàng. 

Tôn chỉ của tập đoàn này là “Tạo nên những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tối ưu, mang lại sự hài lòng cho khách hàng ở mức độ cao nhất”. Công ty cũng tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và dịch vụ, và tạo ra các giải pháp giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả cho khách hàng. Tất cả những nỗ lực này đã giúp cho VinCons có được danh tiếng tốt trên thị trường và thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng.

Tôn chỉ và hành động của Vingroup - (Nguồn: vingroup.net)
Tôn chỉ và hành động của Vingroup – (Nguồn: vingroup.net)

2.3 Đào tạo và phát triển nhân viên

Để đảm bảo rằng nhân viên của mình đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải cung cấp cho nhân viên của mình những kỹ năng cần thiết để hoàn thành công việc của mình một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.

Cần đào tạo cho nhân viên các kỹ năng mới như sử dụng công nghệ thông tin, thiết kế và quản lý dự án. Đặc biệt, việc đào tạo về an toàn lao động cũng rất quan trọng để đảm bảo cho nhân viên có môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến tai nạn lao động.

Ngoài ra, việc phát triển kỹ năng mềm cho nhân viên cũng rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Các kỹ năng mềm bao gồm khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo, vv. Những kỹ năng này giúp cho nhân viên có thể làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tạo sự tín nhiệm với khách hàng.

3. Chiến lược tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng 

Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt, tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng. Dưới đây là một số chiến lược tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng gợi ý cho doanh nghiệp, bao gồm nghiên cứu và phân tích thị trường, thiết lập kênh tiếp cận và tiếp thị đa kênh và tổ chức các chương trình ưu đãi.

3.1 Nghiên cứu và phân tích thị trường

Trước khi tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng, các doanh nghiệp xây dựng cần phải nghiên cứu và phân tích thị trường một cách kỹ lưỡng. Bằng cách đánh giá các thông tin về nhu cầu của khách hàng, xu hướng của thị trường, tình hình kinh tế, chính sách, các doanh nghiệp cạnh tranh và những điểm mạnh yếu của mình so với đối thủ, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội xác định được khách hàng tiềm năng và hướng phát triển của mình.

Việc nghiên cứu và phân tích thị trường không chỉ giúp các doanh nghiệp xây dựng có được cái nhìn toàn diện về thị trường mà còn giúp định hướng chiến lược phù hợp với nhu cầu của khách hàng, tạo sự khác biệt và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

3.2 Thiết lập kênh tiếp cận và tiếp thị đa kênh

Sau khi đã nghiên cứu và phân tích thị trường, các doanh nghiệp xây dựng cần xác định các kênh tiếp cận và tiếp thị phù hợp với khách hàng tiềm năng. Để đạt hiệu quả cao nhất, các kênh tiếp cận và tiếp thị cần được đa dạng hóa, bao gồm cả kênh truyền thông truyền thống và kênh truyền thông trực tuyến.

Thông thường, các doanh nghiệp xây dựng tiếp cận khách hàng tiềm năng chính qua các buổi đấu thầu và chương trình triển lãm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi tiếp cận sang các kênh tiếp thị truyền thông trực tiếp như tạp chí, báo, truyền hình, đài phát thanh, sự kiện và các kênh truyền thông trực tuyến như website, mạng xã hội, quảng cáo trên các trang web liên quan đến lĩnh vực xây dựng để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình là một ví dụ rất rõ ràng của việc thành công thiết lập các kênh tiếp thị đa kênh. Đối với truyền thông trực tiếp, tập đoàn Xây dựng Hoà Bình rất chú trọng vào các chương trình từ thiện, trong đó phải kể đến chương trình “Chạy vì trái tim” được tập đoàn đồng hành tài trợ liên tiếp trong vòng 9 năm, tạo ra tiếng vang rất lớn. 

“Chạy vì trái tim” là chiến dịch chạy bộ gây quỹ được khởi xướng từ năm 2013 mang thông điệp ý nghĩa “Nối nhịp tim – Vươn mầm sống”, mục đích mang lại cuộc sống khỏe mạnh và tương lai tươi sáng, chữa lành cho hàng trăm trái tim bé nhỏ kém may mắn. Sau 8 năm phát động, chương trình đã chung tay cứu sống hơn 1.300 bệnh nhi. Trong năm 2023, “Chạy vì trái tim” đã gây được nguồn quỹ lớn với tổng số tiền hơn 5,4 tỷ đồng. 

Đây cũng là năm thứ 9 liên tiếp Hòa Bình tiếp tục đồng hành cùng Chủ đầu tư Gamuda Land trong vai trò nhà tài trợ chính tại hoạt động thiện nguyện ý nghĩa này, góp phần tiếp những bước chạy thật dài, chắp cánh ước mơ cho trẻ em nghèo mắc phải bệnh tim bẩm sinh.

Chương trình từ thiện “Chạy vì trái tim” do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đồng tài trợ  -(Nguồn: hbcg.vn)
Chương trình từ thiện “Chạy vì trái tim” do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đồng tài trợ – (Nguồn: hbcg.vn)

Không chỉ vậy, bên cạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng rất coi trọng việc làm hình ảnh trên các trang web trực tuyến. Tần suất xuất hiện trên các trang báo điện tử lớn như cafef, vnexpress của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình có thể nói là khá thường xuyên. Bằng cách đa dạng hoá các kênh truyền thông, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đã thành công nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt công chúng.

Các bài báo về Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình - (Nguồn: cafef.vn)
Các bài báo về Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình – (Nguồn: cafef.vn)

3.3 Tạo động lực cho khách hàng tiềm năng thông qua các chương trình khuyến mãi và ưu đãi

Đối với các công ty xây dựng sở hữu loại hình chủ đầu tư, việc thúc đẩy mong muốn mua hàng của các khách hàng tiềm năng qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi cũng là một yếu tố cần thiết. Đó có thể là gói quà tặng thiết kế khi mua nhà, gói tài trợ nội thất, voucher mua ô tô, voucher nghỉ dưỡng,…

Một doanh nghiệp khá thành công với chiến lược này là tập đoàn Phục Hưng Holdings – nổi tiếng với các dự án như Starlake – Daewoo, Mỹ Đình Pearl,… Cụ thể, nhân dịp ra mắt dự án Florence Mỹ Đình vào năm 2018, tập đoàn Phục Hưng Holdings đã tung ra khuyến mãi hấp dẫn dành cho khách hàng, chẳng hạn như ưu đãi tour du lịch Maldives trị giá 50 triệu, hỗ trợ vay 65% với lãi suất 0%,…

Chiến dịch này đã thu hút được nhiều sự quan tâm của khách hàng cũng như giới truyền thông, khiến tần suất được nhắc tên của tập đoàn Phục Hưng Holdings tại thời điểm đó tăng mạnh.

Ví dụ về chương trình khuyến mãi của tập đoàn Phục Hưng Holdings - (Nguồn: phuchung.com.vn)
Ví dụ về chương trình khuyến mãi của tập đoàn Phục Hưng Holdings – (Nguồn: phuchung.com.vn)

4. Chiến lược xây dựng thương hiệu và quản lý danh tiếng

Thương hiệu là một yếu tố quan trọng trong kinh doanh bất động sản và ngành xây dựng. Việc xây dựng thương hiệu tốt có thể giúp xác định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, tạo sự tín nhiệm và niềm tin của khách hàng, đồng thời có thể làm tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

4.1 Thiết kế logo và màu sắc thương hiệu

Logo là biểu tượng đại diện cho doanh nghiệp,  giúp khách hàng nhận diện được thương hiệu của doanh nghiệp. Logo của doanh nghiệp nên được thiết kế làm nổi bật lên tính cách của thương hiệu, cũng như có thể khiến khách hàng dễ nhận diện. 

Một ví dụ thành công trong việc lựa chọn logo đó là công ty xây dựng Handico. Handico sử dụng biểu tượng nhà ở kết hợp với hình mũi tên thể hiện mục tiêu luôn phát triển, khát vọng bay cao, vươn đến thành công rực rỡ, đồng thời font chữ Handico được lựa chọn cũng mang tính cứng cáp, thể hiện sự uy tín, giàu trách nhiệm của doanh nghiệp. 

Logo HANDICO - (Nguồn: handico.com.vn)
Logo HANDICO – (Nguồn: handico.com.vn)

Ngoài ra, màu sắc cũng là một yếu tố quan trọng trong thiết kế thương hiệu, vì nó có thể tạo nên cảm xúc và ý nghĩa cho khách hàng. Cụ thể, với logo của Handico, họ lựa chọn màu chủ đạo là Xanh biển đậm – biểu tượng cho sự tin tưởng và uy tín. Có thể nói, đây là một trường hợp logo rất chuyên nghiệp và mang đầy tính biểu tượng, dễ đi vào tâm trí khách hàng.

4.2 Xây dựng và quản lý website và các kênh truyền thông xã hội

​​Hiện nay, internet và các kênh truyền thông xã hội đã trở thành công cụ quan trọng trong việc tiếp cận và tương tác với khách hàng cũng như xây dựng hình ảnh thương hiệu. Để tận dụng được các kênh truyền thông đó, các doanh nghiệp xây dựng cần đầu tư quản lý website và các kênh truyền thông xã hội. Đó có thể là việc xây dựng website đầy đủ thông tin, hay cập nhật tin tức thường xuyên trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube,…

Để hiểu rõ hơn về việc xây dựng và quản lý các kênh truyền thông trực tiếp, các doanh nghiệp có thể tham khảo Công ty Xây dựng Coteccons. Coteccons đã xây dựng 1 trang web rất tối ưu, có đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, các kênh truyền thông, các tin tức về doanh nghiệp, cũng như thông tin liên lạc. Điều này khiến khách hàng dễ dàng tìm hiểu thông tin về Coteccons, cũng như theo dõi các dự án mà Coteccons đảm nhận.

Giao diện trang web của Coteccons - (Nguồn: coteccons.vn)
Giao diện trang web của Coteccons – (Nguồn: coteccons.vn)

Không chỉ đầu tư xây dựng trang web, Coteccons còn rất tích cực hoạt động trên các trang mạng xã hội. Cụ thể, doanh nghiệp này luôn cập nhật tin tức hàng ngày trên trang Facebook công ty và thu hút rất nhiều tương tác. Đây là một cách rất tốt để nhắc nhở khách hàng về các dự án thành công của công ty, khiến hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng trở nên uy tín và chuyên nghiệp hơn.

>> Có thể bạn quan tâm: Xây dựng chiến lược marketing 4P cho bán lẻ vật liệu xây dựng

4.3 Đầu tư vào chiến dịch quảng cáo và PR

Bên cạnh việc xây dựng và quản lý các kênh mạng xã hội, việc đầu tư vào quảng cáo và PR cũng là một yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn, cũng như có thể tạo một hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng. 

Đối với các chiến dịch quảng cáo, các doanh nghiệp có thể cân nhắc một vài hình thức như: Quảng cáo thang máy, Quảng cáo báo chí, Quảng cáo TVC, Chạy quảng cáo trên Google, Facebook, Kết hợp hình ảnh với các KOLs hay Influencers,..Tương tự, đối với các chiến dịch PR, hoạt động được khuyến khích là Tổ chức các chương trình tài trợ, từ thiện hay Thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường. 

5. Chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ 

Chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ là một phần quan trọng của hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, giúp tạo ra giá trị và tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Dưới đây là một số hoạt động doanh nghiệp áp dụng để phát triển sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

5.1 Nghiên cứu và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các công ty xây dựng với loại hình chủ đầu tư cần phải nghiên cứu và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tìm hiểu về thị trường, khách hàng và các sản phẩm và dịch vụ đang có trên thị trường; làm cơ sở cho việc phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu nhiều nhóm khách hàng. 

Một ví dụ cho việc mở rộng phân khúc thành công đó là dự án Vinhomes Smart City – sự kết hợp giữa Coteccons và tập đoàn Vingroup. Trước đây, Vinhomes được biết đến như là một doanh nghiệp bất động sản ở phân khúc từ trung bình khá đến cao với các dự án như Vinhomes Central Park ở TP. Hồ Chí Minh và Vinhomes Riverside ở TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, từ năm 2016, Vingroup đã quyết định triển khai một bước tiến mới, cho ra mắt sản phẩm nhà ở giá rẻ, trở thành nhà phát triển bất động sản hoạt động toàn diện trên cả nước. Có thể nói, chiến lược kinh doanh này của tập đoàn Vingroup vừa mang tính sáng suốt, nắm trước tình hình, vừa thể hiện được quan điểm kinh doanh vô cùng văn minh, bởi nó giải quyết được bài toán nhà ở cho xã hội trong giai đoạn thị trường bất động sản đang rất khan hiếm căn hộ bình dân.

Thậm chí, nhìn thấy thành công của Vingroup, Novaland cũng là tập đoàn tiếp theo triển khai thêm phân khúc bất động sản bình dân này. Tóm lại, để đáp ứng được toàn diện nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp xây dựng cần liên tục cập nhật chiến lược kinh doanh và sẵn sàng với sự đổi mới.

Hình ảnh khu đô thị Vinhomes Smart City - (Nguồn: smartcity.vinhomes.vn)
Hình ảnh khu đô thị Vinhomes Smart City – (Nguồn: smartcity.vinhomes.vn)

5.2 Tạo sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của mình trên thị trường

Để tạo sự khác biệt cho sản phẩm và dịch vụ của mình trên thị trường, các doanh nghiệp xây dựng cần xác định được điểm mạnh của sản phẩm và dịch vụ của mình so với đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Điều này giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển được một chiến lược phát triển sản phẩm và dịch vụ hiệu quả, tạo nên sự khác biệt và thu hút được khách hàng.

Hiện nay, có 4 chiến lược khác biệt hoá phổ biến được các doanh nghiệp xây dựng sử dụng, đó là:

  • Chiến lược khác biệt về giá cả: Các doanh nghiệp thường đưa ra một mức giá thấp hơn hoặc cao hơn vượt trội so với đối thủ. Việc đưa ra mức giá thấp sẽ thu hút được nhiều người mua hàng hơn, tuy nhiên việc đưa ra mức giá cao hơn lại có thể tạo ra cảm giác chất lượng hàng tốt hơn và người sở hữu nó sẽ có địa vị cao cấp hơn.
  • Chiến lược khác biệt về sản phẩm: Các doanh nghiệp sẽ tìm cách làm nổi bật sản phẩm của mình vượt trội hẳn về một tính năng nào đó hoặc một đặc điểm ngoại hình như: cách thiết kế, phong cách,…
  • Chiến lược khác biệt về dịch vụ: Nếu không tìm được đặc điểm nổi bật của sản phẩm, doanh nghiệp có thể cố gắng phát triển những dịch vụ đi kèm hấp dẫn để tăng khả năng khách hàng sẽ mua sản phẩm.
  • Chiến lược khác biệt về hình ảnh: Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố: chất lượng sản phẩm tốt, dịch vụ khách hàng tận tâm và mức giá phù hợp mặt bằng chung của thị trường, từ đó tạo nên hình ảnh thương hiệu vừa độc đáo lại vừa dễ nhớ để kết nối với khách hàng.

5.3 Tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện có để tăng tính cạnh tranh và giảm chi phí sản xuất

Để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp xây dựng cần tối ưu hóa các sản phẩm và dịch vụ hiện có của mình. Việc này giúp cho doanh nghiệp có thể giảm được chi phí sản xuất, tăng tính hiệu quả trong công việc và đưa ra những sản phẩm và dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. 

Một cách tối ưu để có thể giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh đó là tích hợp thiết kế và thi công, nhà thầu ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để nhận dự án đầu tư xây dựng theo mô hình trọn gói. Mô hình này được gọi là thiết kế thi công (Design & Build contract – DB). Với mô hình trên, doanh nghiệp có thể nhận được các lợi ích như sau:

  • Tiết kiệm thời gian: Một hợp đồng duy nhất bao gồm cả Thiết kế và Thi công sẽ giúp hạn chế được việc thay đổi thiết kế hay chọn lại vật liệu so với cách làm cũ. Việc gộp thiết kế và thi công sẽ giúp thúc đẩy sự hợp tác theo một nguyên tắc chung và nhất quán ngay từ lúc bắt đầu đến kết thúc dự án.
  • Tối ưu vốn đầu tư: Với mô hình DB, doanh nghiệp sẽ có nhiều giải pháp để xử lý công việc việc như chọn vật liệu, giải pháp kết cấu, biện pháp thi công sẽ làm giảm chi phí thi công dự án. Chủ đầu tư thay vì phải quản lý nhiều hợp đồng khác nhau (thiết kế và thi công) thì chỉ cần quản lý một hợp đồng, nên việc kiểm soát dự án là dễ dàng hơn.
  • Chủ động trong khâu thiết kế, quản lý tiến độ dự án: Mô hình DB giúp giảm thiểu những công đoạn không còn cần thiết như phải phân chia ra nhiều gói thầu nhỏ để quản lý hay tranh chấp trong quá trình thực hẹn, gây ảnh hưởng tới tiến độ chung.
  • Chất lượng thi công tốt hơn: Đội ngũ xây dựng và thiết kế cùng làm việc đáp ứng nhu cầu hiệu suất, không phải yêu cầu thiết kế tối thiểu, có nhiều sáng kiến ​​để cung cấp một giải pháp tốt hơn so với các công ty chỉ có quan điểm làm việc 1 phía.

Ví dụ về công ty xây dựng áp dụng thành công mô hình DB phải kể đến Coteccons. Coteccons là doanh nghiệp áp dụng mô hình DB từ năm 2013 và đã rất thành công, vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho chủ đầu tư vừa gia tăng giá trị gói thầu cho nhà thầu xây dựng.

6. Chiến lược phân phối sản phẩm và dịch vụ 

Bên cạnh việc nâng cao, cải tiến và quảng bá sản phẩm, chiến lược phân phối cũng là một chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp xây dựng không nên bỏ qua. Các doanh nghiệp cần phải lựa chọn được kênh phân phối phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình và đảm bảo rằng sản phẩm và dịch vụ của mình được tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả với khách hàng.

6.1 Lựa chọn các kênh phân phối hiệu quả và phù hợp với sản phẩm và dịch vụ của mình

Việc lựa chọn kênh phân phối phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu và đánh giá kỹ các kênh phân phối khác nhau như bán hàng trực tiếp, qua đại lý, qua website, qua trung gian, qua hệ thống bán lẻ để đưa ra quyết định hợp lý. Ví dụ, sản phẩm xây dựng công trình lớn thường được phân phối qua đại lý hoặc thầu phụ, trong khi sản phẩm xây dựng cho người dân thường được phân phối qua hệ thống bán lẻ.

Một ví dụ phải kể đến là tập đoàn Novaland. Cùng với việc hợp tác với các đơn vị uy tín để phân phối sản phẩm, Novaland liên tục mở rộng nhiều trung tâm giao dịch, khu nhà mẫu với ý tưởng thiết kế độc đáo, đặc trưng với từng loại hình sản phẩm tại các vị trí trọng điểm của TP.HCM và một số tỉnh thành. Bằng việc mở rộng các kênh phân phối đồng thời áp dụng công nghệ để bán các dự án trực tuyến, Novaland đã đạt được những thành tích rất đáng kể, duy trì tình hình kinh doanh ổn định kể cả sau mùa dịch Covid.

Chương trình ký kết Đại lý phân phối sản phẩm bất động sản Novaland
Chương trình ký kết Đại lý phân phối sản phẩm bất động sản Novaland

6.2 Tạo mối quan hệ đối tác và hợp tác với các đối tác phân phối để tăng khả năng tiếp cận thị trường

Để tăng khả năng tiếp cận thị trường, các doanh nghiệp xây dựng cần tạo mối quan hệ đối tác và hợp tác với các đối tác phân phối. Việc này giúp cho doanh nghiệp có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, đưa sản phẩm và dịch vụ của mình đến gần hơn với khách hàng và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Novaland là một ví dụ cho việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các đối tác phân phối và các đối tác kinh doanh. Novaland luôn chú ý giữ quan hệ với các đối tác như tập đoàn Hoà Bình, Ricons Construction, An Phong Construction và Coteccons. 

6.3 Đầu tư vào hệ thống phân phối và vận chuyển để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ được phân phối đến khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả

Hệ thống phân phối và vận chuyển là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phân phối sản phẩm và dịch vụ đến khách hàng. Để đảm bảo sản phẩm và dịch vụ được phân phối đến khách hàng một cách tối ưu nhất, đây chính là một lĩnh vực mà các doanh nghiệp xây dựng cần đẩy mạnh đầu tư để cải thiện chất lượng. 

Trên thị trường, Vinaconex là một công ty xây dựng thành công trong việc xây dựng hệ thống phân phối và vận chuyển quy chuẩn. Về hệ thống phân phối, Vinaconex có các văn phòng đại diện tại nhiều địa điểm trên cả nước, từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đến các tỉnh miền trung, miền nam và miền Tây. Điều này giúp Vinaconex có thể tiếp cận được với khách hàng ở nhiều vùng miền khác nhau, đồng thời tăng tính cạnh tranh của công ty trên thị trường bất động sản.

Về vận chuyển, Vinaconex sử dụng các phương tiện vận tải hiện đại và đa dạng, bao gồm xe tải, container, tàu thủy và máy bay để chuyển hàng từ nhà máy sản xuất đến các văn phòng đại diện hoặc các công trình xây dựng. Để tối ưu hóa quy trình vận chuyển, Vinaconex cũng áp dụng các phương pháp quản lý và theo dõi hàng hoá như đảm bảo an ninh, đúng tiến độ và giảm thiểu sự cố trong quá trình vận chuyển. 

Với một hệ thống phân phối và vận chuyển chuyên nghiệp, doanh nghiệp này đã đưa sản phẩm và dịch vụ của mình đến với khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố giúp Vinaconex tăng tính cạnh tranh trên thị trường và phát triển bền vững.

Bạn đang gặp khó khăn trong việc quản lý bán hàng Thử ngay miễn phí MIS AMIS CRM

7. Kết luận

Tóm lại, việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ với khách hàng tiềm năng, xây dựng thương hiệu và quản lý danh tiếng, phát triển sản phẩm và dịch vụ, cùng với chiến lược phân phối sản phẩm và dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo đà phát triển cho doanh nghiệp xây dựng, bất kể là doanh nghiệp mới vào thị trường hay doanh nghiệp lâu năm. 

Hy vọng bài viết trên đây đã đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về các chiến lược kinh doanh cho công ty xây dựng để có thể tận dụng và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tác giả: Hoàng Diệu Linh

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả