6 yếu tố được doanh nghiệp quan tâm nhất khi chọn agency truyền thông

02/03/2023
340

Theo báo cáo “The Agency Market in 2020 và Projections 2021” của Ad World Master, thị trường Agency quảng cáo toàn cầu sẽ tăng từ 317,63 tỷ USD năm 2020 lên 455,38 tỷ USD năm 2025 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khoảng 6,9%. Tại Việt Nam, thống kê của marketingai cho biết 26% doanh nghiệp đang sử dụng các agency trong hoạt động truyền thông. 

Tỉ lệ này ngày càng tăng lên do trong các năm tới, nhiều doanh nghiệp dự kiến giảm mạnh chi phí cho nhân sự cố định và thuê agency để triển khai các dự án trọng tâm hoặc ngắn hạn. Đây chính là tiền đề để các agency có sự tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn này.

Giữa hàng ngàn agency truyền thông trên thị trường hiện nay, để tạo sự chú ý và khiến khách hàng lựa chọn không dễ. Đâu là điều doanh nghiệp quan tâm nhất khi lựa chọn agency truyền thông? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.

6 yếu tố quan trọng khi lựa chọn agency truyền thông
6 yếu tố quan trọng khi lựa chọn agency truyền thông

1. Đánh giá thực tế của người đã sử dụng hoặc bạn bè giới thiệu

Sự giới thiệu của bạn bè hoặc người có uy tín trong ngành luôn là tiêu chí hàng đầu được xem xét khi doanh nghiệp tìm kiếm, lựa chọn agency truyền thông. Các doanh nghiệp nhận định rằng, điều này sẽ giúp họ rút ngắn thời gian tìm kiếm, lựa chọn agency, giảm thiểu rủi ro về chất lượng làm việc. 

Số liệu từ SoDA Report 2015 cho biết, có 7 nhóm lý do chính để doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với agency ngay trong quá trình triển khai, như yêu cầu vượt quá khả năng agency có thể đáp ứng (18,8%), vượt ngân sách do agency mất kiểm soát chi phí (17,4%), doanh nghiệp không hài lòng với chiến lược agency đưa ra (11,6%) …

Tất cả các vấn đề này đều không thể nhìn thấy trong quá trình pitching đầu tiên, mà chỉ thực sự lộ diện khi bắt tay vào triển khai chi tiết. Do đó, gợi ý từ những người đã sử dụng dịch vụ là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Bởi không chỉ đánh giá về chất lượng dịch vụ, hiệu quả công việc, họ còn có thể chia sẻ những nhận định, so sánh với các agency khác cùng ngành để doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan hơn. 

Nếu agency có kết quả công việc xuất sắc, khách hàng cũ sẽ yêu thích và trở thành khách hàng trung thành, mua dịch vụ nhiều lần, đem lại nguồn doanh thu ổn định. Và nếu agency nghiêm túc xây dựng quy trình chăm sóc để khuyến khích khách hàng cũ giới thiệu khách hàng mới, đây sẽ là bước nhảy vọt cho doanh thu và uy tín của agency trên thị trường.

Đặc biệt với các agency truyền thông, việc “truyền thông” tốt về chính mình thông qua khách hàng cũ chắc chắn là cách thuyết phục khách hàng mới tốt nhất.

Khảo sát của RSW/US năm 2015 cho biết, thông qua các khách hàng cũ giới thiệu, agency có thể tăng được tới 69% lượng khách hàng mới. Đây là con số cực kì lớn giữa một thị trường agency đầy tính cạnh tranh như hiện nay. 

Nguồn “khách hàng cũ giới thiệu” và “mạng lưới mối quan hệ” đem lại lượng khách hàng mới giá trị nhất cho Agency (Ảnh: RSW/US)
Nguồn “khách hàng cũ giới thiệu” và “mạng lưới mối quan hệ” đem lại lượng khách hàng mới giá trị nhất cho Agency (Ảnh: RSW/US)

Do đó, các Agency cần cực kỳ chú trọng chăm sóc, tạo mối quan hệ với khách hàng cũ, không chỉ để duy trì đơn hàng hiện tại, mà còn tạo ra nguồn khách hàng mới đầy tiềm năng trong tương lai gần.

2. Kết quả công việc thực tế

Đối với các agency truyền thông, kết quả công việc thực tế, sự thành công, bùng nổ của mỗi chiến dịch, sự kiện chính là một lần agency quảng cáo về mình. Không phải ngẫu nhiên mà sau những sự kiện lớn của VPBank, Heineken, Tiger … những agency đứng sau được săn lùng rầm rộ và uy tín tăng lên đáng kể.

Những lễ hội thu hút hàng chục vạn khán giả, sự sôi động bùng nổ trên mọi trang mạng xã hội, dư âm và hiệu ứng tích cực đến nhận diện thương hiệu … chính là bằng chứng dễ thấy nhất, thuyết phục nhất để agency chứng minh năng lực của mình, và cũng là một trong những yếu tố được doanh nghiệp quan tâm nhất khi lựa chọn agency truyền thông.

Veba khẳng định vị thế trên thị trường với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức countdown Heineken (Ảnh: veba.com.vn)
Veba khẳng định vị thế trên thị trường với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức countdown Heineken (Ảnh: veba.com.vn)

Vậy nếu agency còn mới, quy mô nhỏ, chưa có đối tác lớn nào thì sao? Lời khuyên là hãy tập trung vào một khía cạnh chuyên môn mà agency mạnh nhất và làm nổi bật điều đó.

Trên thực tế, nhiều agency lớn không làm tất cả các hoạt động trong một chiến dịch truyền thông, mà vẫn thuê các agency nhỏ khác “gia công” sản phẩm cho mình. Đây vừa là cơ hội và cũng là bệ phóng cho các agency nhỏ, vì chỉ khi đảm nhiệm vị trí được giao một cách xuất sắc, agency mới có cơ hội mở rộng mối quan hệ và vươn đến những hợp đồng lớn hơn.

Cần lưu ý rằng, các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến sự “trung thực” trong những kết quả mà agency đưa ra. Trong thời đại thông tin công khai rộng rãi như hiện nay, không khó để doanh nghiệp kiểm tra những con số, kết quả agency đưa ra.

Do đó, agency không nên quá thổi phồng kết quả, mà thay vào đó, hãy tập trung vào quá trình đạt được kết quả và tiềm năng, thế mạnh của mình để thuyết phục khách hàng.

3. Các giải thưởng đã đạt được

Trong lĩnh vực truyền thông, một agency giỏi phải vừa làm truyền thông tốt cho khách hàng, vừa làm hình ảnh tốt cho mình. Đó là lý do vì sao khách hàng luôn quan tâm đến các giải thưởng mà agency đạt được. Một số giải thưởng danh giá cho các agency có thể kế đến như Agency of the Year Awards; Cannes Lions; Smarties vietnam;…

T&A Ogilvy là cái tên quen thuộc của các giải thưởng trong ngành Agency khu vực Châu Á nhiều năm qua (Ảnh: brandviet)
T&A Ogilvy là cái tên quen thuộc của các giải thưởng trong ngành Agency khu vực Châu Á nhiều năm qua (Ảnh: brandviet)

Được xướng tên và chiến thắng ở các giải thưởng truyền thông cấp khu vực và thế giới mang rất nhiều ý nghĩa cho agency.

Một là minh chứng cho agency đã có các chiến dịch nổi bật, tạo được hiệu ứng lớn và tác động tích cực đến sự tăng trưởng hiệu quả truyền thông thương hiệu của đối tác.

Hai là agency có mạng lưới mối quan hệ đủ mạnh để được biết tới, tự giới thiệu được mình và nằm trong danh sách xét giải.

Ba là agency có sự chuẩn bị chu đáo, mang tính chiến lược hướng tới giải thưởng, thể hiện cách làm việc khoa học, hiệu quả và hướng tới mục tiêu.

Tuy nhiên, không phải giải thưởng nào cũng có giá trị với khách hàng. Đối với agency truyền thông, đó sẽ là các giải thưởng liên quan đến campaign, digital, media, PR hoặc creative.

Agency có thể tập trung vào các tiêu chí của từng giải thưởng, sau đó có chiến lược để đạt những tiêu chí đó và tiến gần hơn với danh hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường.

4. Hình ảnh người dẫn đầu

Case study Schannels & Ogilvy Việt Nam

Schannels là kênh thông tin, giải trí dành cho giới trẻ rất được yêu thích. Năm 2019, Schannels đã đạt 1 tỷ lượt view; 2,79 triệu người follow kênh youtube và 17 triệu lượt xem mỗi tháng.

Thời điểm mới bắt đầu, Schannels nổi tiếng với các clip review, bóc hộp, đánh giá về các thiết bị công nghệ rất vui nhộn, chuyên môn cao, nhận được sự tin tưởng từ phía người xem và các nhãn hàng.

Một trong những lý do tạo nên sự tin tưởng này chính là người đứng đầu của Schannel Nguyễn Lạc Huy, nguyên giám đốc Marketing của CellphoneS, cũng là một đơn vị phân phối sản phẩm công nghệ nổi tiếng. 

Hiện nay, Schannels dưới sự dẫn dắt của Nguyễn Lạc Huy đã trở thành một agency truyền thông và quản lý tài năng được rất nhiều thương hiệu lựa chọn, như Oppo, Samsung, Xiaomi …

Hoặc như ví dụ về T&A Ogilvy (Ogilvy Việt Nam), đây là một công ty truyền thông đã có mặt tại Việt Nam hơn 20 năm. Công ty mẹ Ogilvy trực thuộc tập đoàn WPP, được thành lập bởi David Ogilvy năm 1948, sở hữu một mạng lưới sáng tạo tích hợp từ quảng cáo, truyền thông thương hiệu, marketing trên toàn cầu.

David Ogilvy được tạp chí Times lựa chọn là “Thiên tài được săn lùng nhất trong ngành quảng cáo” và là cái tên bảo chứng cho chiến dịch quảng cáo thành công. Nhờ uy tín của người đứng đầu, Ogilvy toàn cầu luôn được các công ty lớn săn đón và mong muốn hợp tác.

Người dẫn đầu & sự thành công của agency

Từ 2 ví dụ trên có thể thấy, người dẫn đầu là yếu tố doanh nghiệp rất quan tâm khi lựa chọn agency truyền thông.

Theo chiều thứ nhất, những người nổi tiếng với chuyên môn tốt, sự lựa chọn tuyển dụng khắt khe, yêu cầu đòi hỏi cao, tất yếu sẽ sở hữu một đội ngũ cộng sự tài năng xuất chúng.

Theo chiều ngược lại, một agency truyền thông tốt với những nhân sự giỏi cần biết cách “đánh bóng” tên tuổi người đứng đầu, tạo nên những câu chuyện hay, hấp dẫn để lôi cuốn khách hàng. Đó chính là cách giúp agency nổi bật giữa rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ khác.

Ngày nay, “người dẫn đầu” tại các agency truyền thông không nhất thiết phải là chủ doanh nghiệp hay người sáng lập. Đó hoàn toàn có thể là một nhân vật nổi bật, có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng, có mạng lưới quan hệ rộng khắp, được giao vai trò phát ngôn hoặc đại diện cho hình ảnh của agency.

Theo tâm lý học, khi khách hàng có một nhân vật cụ thể để quan sát, so sánh, đánh giá, niềm tin của họ sẽ rõ ràng, chắc chắn, và dễ bị thuyết phục hơn so với hình ảnh chung chung về một agency. 

Vì vậy, nếu agency truyền thông có thể xây dựng thành công chân dung người dẫn đầu, agency đó đã có lợi thế khác biệt vượt trội, không thể nhầm lẫn với các đối thủ trong ngành.

5. Văn hoá doanh nghiệp của agency

Tại sao văn hoá doanh nghiệp của agency lại tác động đến hành vi của khách hàng khi lựa chọn agency truyền thông? Bởi văn hoá là tấm gương phản ánh rõ nét các yếu tố bên trong của agency.

Một agency truyền thông “trẻ trung, năng động, mạnh mẽ, dám xông pha” là chưa đủ. Làm thế nào doanh nghiệp có thể cảm nhận được điều đó? Và điều đó có lợi gì cho các campaign truyền thông, cho mối quan hệ hợp tác giữa 2 bên? Hãy nhìn cách Zee Agency thể hiện mình.

Thành lập năm 2016 bởi Quân Nguyễn – Giám đốc Nội dung SaoStar, Zee ghi dấu ấn trong giới quảng cáo với chất đường phố, phóng khoáng đặc trưng. Điều đó thể hiện rõ trong văn hoá doanh nghiệp của Zee: Tôn trọng sự khác biệt, cá tính của từng thành viên, luôn làm “mới” và làm “tới”, làm hết sức và chơi hết mình, đặc biệt nhân viên của Zee có gu thời trang cực kì sành điệu và được thoải mái thể hiện điều đó. 

Đây chính là một trong những điểm thu hút H&M lựa chọn Zee hợp tác khai trương những cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh năm 2017.

Bằng sự am hiểu về thời trang và tâm lý người tiêu dùng, Zee đã khiến màn xuất hiện của H&M tại Việt Nam bùng nổ với 28,000 người chờ đợi bên ngoài cửa hàng trong ngày khai trương, cùng hàng chục triệu lượt tìm kiếm thông tin, xuất hiện dày đặc khắp nơi.

Và Zee cũng trở thành đối tác lâu dài của H&M từ đó. Sự độc bản pha chút “dị” của Zee tạo cho khách hàng cảm giác háo hức, chờ đợi vào những ý tưởng khác lạ, điều bắt buộc phải có ở những agency truyền thông.

Zee Agency và ngày khai trương bùng nổ của HM Việt Nam (Ảnh: kenh14.vn)
Zee Agency và ngày khai trương bùng nổ của HM Việt Nam (Ảnh: kenh14.vn)

Một agency truyền thông có bản sắc riêng sẽ dễ dàng gây ấn tượng với đối tác và làm agency nổi bật giữa các đối thủ. Bản sắc đó nên được gắn vào một cụm từ cụ thể, một hành động rõ rệt và nhất là phải khiến khách hàng hiểu “bản sắc đó sẽ giúp ích gì cho hoạt động truyền thông của tôi”. 

Nhìn về tổng thể, việc xây dựng một văn hoá doanh nghiệp đủ khác biệt và truyền thông được điều đó tới khách hàng đã là một thành công của agency. Khi đó, văn hoá doanh nghiệp có thể trở thành công cụ giúp agency thuyết phục khách hàng và để khách hàng tự tìm đến mình, giảm bớt chi phí cho marketing cũng như tạo được ấn tượng từ bước đầu.

6. Nguyên tắc làm việc của agency

Bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ thì tác phong làm việc của agency cũng là điều rất được khách hàng quan tâm. Một agency làm việc có nguyên tắc, xây dựng được “luật chơi” và tuân thủ luật chơi đó cho thấy tính kỷ luật và dám cam kết của agency, mang lại sự tin tưởng cho khách hàng. Một số nguyên tắc được khách hàng đánh giá cao như:

  • Làm việc dựa trên dữ liệu: Mọi kế hoạch, ý tưởng, giải pháp,… do agency đưa ra phải dựa trên các dữ liệu thực tế hoặc thông qua khảo sát, có căn cứ chứng minh. Agency có nhiều dữ liệu và hiểu các dữ liệu đó sẽ dễ dàng thuyết phục được khách hàng.
  • Làm việc đúng deadline: Tuân thủ các mốc thời gian đã thống nhất giữa hai bên cho các đầu việc hay hạng mục công việc. Agency có tính kỷ luật cao sẽ luôn biết sắp xếp, đưa ra các phương án dự phòng,… để đảm bảo hoàn thành công việc đúng hạn đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. 
  • Nguyên tắc 1 khách hàng: Để tránh những xung đột không đáng có, một số agency áp dụng “nguyên tắc 1 khách hàng”, nghĩa là trong 1 thời điểm chỉ nhận 1 khách hàng ở mỗi lĩnh vực.
    Không phục vụ hai khách hàng ở một lĩnh vực trong cùng một thời điểm. Điều này sẽ giúp khách hàng yên tâm về tính bảo mật cũng như “độc nhất” của dự án phối hợp cùng agency.

Nguyên tắc làm việc của agency có thể thể hiện bằng văn bản hoặc ngay trong các buổi tiếp xúc, trao đổi giữa hai bên. Nguyên tắc làm việc cũng một phần phản ánh văn hoá doanh nghiệp của agency, do đó agency cần liên kết giữa “ADN” của doanh nghiệp với một số nguyên tắc phù hợp để khách hàng ấn tượng. Tuy nhiên agency cũng cần lưu ý rằng việc thực hiện nguyên tắc đó là khả thi và phù hợp với mình. 

Kết luận

Với sự xuất hiện của rất nhiều agency mới trong lĩnh vực truyền thông những năm gần đây, thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt và khách hàng cũng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Nắm được yếu tố khách hàng quan tâm nhất chính là chìa khóa giúp các agency giữ chân khách hàng cũ và thu hút được khách hàng mới, từ đó tạo ra lợi thế khác biệt so với đối thủ cùng ngành.

Hy vọng thông tin trong bài viết đã cung cấp những gợi ý hữu ích, mở ra hướng đi tiềm năng cho các agency để có năm mới 2023 bùng nổ và bứt phá.

Tác giả: Lương Hà

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả