Layoff – Sa thải nhân viên là một giải pháp cấp thiết và tức thời trong thời điểm nền kinh tế đầy sự biến động, cùng với sự lạm phát gia tăng, một số ngành nghề bắt đầu trong giai đoạn suy thoái. Vậy layoff là gì và nên đối mặt với tình trạng Layoff hiện nay như thế nào? Doanh nghiệp hãy cùng MISA AMIS HRM tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết Layoff là gì và cách doanh nghiệp và người lao động vượt qua tình trạng Layoff hiện nay nhé!
1. Lay off là gì?
Lay off là một thuật ngữ phổ biến trong lĩnh vực quản lý nhân sự. Khi các doanh nghiệp đang tiến hành tái cấu trúc, cắt giảm chi phí nhân sự hoặc lý do khác, người sử dụng lao động sẽ đình chỉ hoặc buộc người lao động thôi việc không phải do hiệu suất làm việc.
Layoff có thể gây ra sự bất ổn trong đời sống và tài chính của những người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nó thường được xem là một biện pháp cần thiết để tái cơ cấu hoặc cắt giảm chi phí trong các tình huống khó khăn kinh tế.
>>> Xem thêm: Định biên nhân sự là gì? Nguyên tắc định biên nhân sự hiệu quả
2. Ảnh hưởng của Layoff là gì?
Sa thải (Layoff) gây ra nhiều ảnh hưởng đáng kể đến nhân viên và tổ chức. Dưới đây là một số ảnh hưởng phổ biến của việc sa thải ảnh hưởng đến người lao động và doanh nghiệp:
- Mất việc làm: Nhân viên bị sa thải đối mặt với tình trạng mất việc làm, điều này có thể gây ra sự bất an tài chính và tâm lý cho họ.
Mất thu nhập: Sa thải dẫn đến mất đi nguồn thu nhập ổn định, gây khó khăn trong việc trang trải cuộc sống hàng ngày và các khoản vay nợ. - Tác động tâm lý: Sa thải có thể gây ra căng thẳng, lo lắng và sự mất tự tin cho nhân viên bị ảnh hưởng. Họ có thể trải qua cảm giác thất bại, mất niềm tin và khó khăn trong việc tìm lại việc làm mới.
- Tác động đến sức khỏe: Áp lực và căng thẳng từ việc sa thải có thể gây ra các vấn đề sức khỏe về mặt tâm lý và thể chất cho nhân viên, bao gồm tăng nguy cơ stress, trầm cảm, vấn đề về giấc ngủ, cảm giác cô đơn và thậm chí vấn đề về sức khỏe về mặt vật chất.
- Tác động đến tổ chức: Layoff có thể gây ra sự mất mát kiến thức và kỹ năng quan trọng trong tổ chức. Ngoài ra, nó cũng có thể tạo ra không khí lo lắng và không ổn định trong công ty, ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của nhân viên còn lại.
3. Hiện trạng layoff hiện nay
Do tình hình kinh tế đang trải qua suy thoái và ảnh hưởng từ hậu dịch bệnh COVID-19, có rất nhiều công ty trên toàn thế giới hiện nay đang phải thực hiện biện pháp layoff (sa thải nhân viên) để tiết kiệm chi phí và duy trì hoạt động cho tổ chức.
3.1 Layoff tại Việt Nam
Ở Việt Nam, thị trường Bất động sản cũng gặp phải tình trạng ảm đạm rõ rệt do thiếu nguồn cung và tín dụng siết chặt. Hàng loạt công ty đầu tư phát triển bất động sản hay sàn môi giới phải thu hẹp hoạt động và con số nhân sự bị sa thải đã lên đến hàng chục ngàn người.
Theo các chuyên gia lâu năm trong ngành Bất động sản tại Thành phố Hồ Chí Minh : “Trước đây, số tiền lương thưởng một tháng để chi trả cho người lao động có thể lên đến vài chục tỷ đồng. Thế nhưng, hiện không có nguồn hàng, nhân viên không có việc nên doanh nghiệp buộc phải tinh giản hơn 1000 nhân sự để giảm khó khăn về tài chính. Biết điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều nhân viên nhưng thật sự các doanh nghiệp cũng không còn cách nào khác”.
>>> Xem thêm: Top phần mềm chấm công miễn phí tốt nhất hiện nay
3.2 Layoff trên Thế Giới
Hiện nay có không ít công ty về công nghệ nổi tiếng trên thế giới đã và đang tiến hành phương án Layoff. Nổi bật có thể kể đến như:
Meta – Công ty mẹ của mạng xã hội Facebook sa thải gần 11.000 nhân sự.
- Twitter cắt giảm khoảng 3.700 người, chiếm gần 50% nhân sự toàn cầu.
- Stripe – Cổng thanh toán nổi tiếng của Mỹ đã sa thải lên đến 1.100 người.
- Microsoft cắt giảm hơn 1.000 nhân sự.
- Netflix – Dịch vụ phát trực tuyến sa thải 3% nhân sự toàn cầu, khoảng 450 người.
- Theo các chuyên gia trong ngành nhận định, đây có thể chỉ là khởi đầu về tình trạng mất việc của người lao động trong ngành công nghệ.
- Nguyên nhân chính là do các công ty lớn thường phải đối mặt với áp lực cạnh tranh cao và sự thay đổi nhanh chóng trong ngành.
4. Nên đối mặt với tình trạng layoff như thế nào?
Đối với cả doanh nghiệp và người lao động, tình trạng layoff không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên nếu không may rơi vào tình huống này, chúng ta nên làm gì sau khi bị sa thải? Dưới đây là những gợi ý dành cho cả người lao động và doanh nghiệp:
4.1 Đối với người lao động
4.1.1 Đặt quyền lợi bản thân lên hàng đầu
Khi bị sa thải, điều quan trọng là phải nhanh chóng hành động để quản lý tài chính và giữ cho tinh thần vững vàng trong khi điều chỉnh lại sự nghiệp của bạn. Dưới đây là một số hình thức hỗ trợ tài chính bạn có thể nhận được:
- Trợ cấp thôi việc: Doanh nghiệp có thể cung cấp một khoản thanh toán một lần hoặc chia thành các khoản chi trả định kỳ trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này giúp đảm bảo rằng bạn vẫn có nguồn tài chính để trang trải chi phí trong quá trình tìm kiếm công việc mới.
- Trợ cấp thất nghiệp: Bạn có thể làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp từ cơ quan nhà nước hoặc các tổ chức liên kết với công ty. Quy định và điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp có thể thay đổi tùy theo quốc gia và khu vực, vì vậy hãy đảm bảo bạn hiểu rõ quy trình để nhận được hỗ trợ này.
- Hỗ trợ tái định hướng nghề nghiệp: Trong một số trường hợp, công ty có thể cung cấp hỗ trợ hoặc tư vấn giúp bạn thay đổi nghề nghiệp. Điều này có thể bao gồm tài liệu, khóa học hoặc dịch vụ tư vấn để giúp bạn tìm việc làm mới hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực khác.
Bảo hiểm y tế: Hãy kiểm tra xem bạn có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế của công ty sau khi nghỉ việc không. Nếu không, hãy xem xét các lựa chọn bảo hiểm y tế khác như bảo hiểm cá nhân hoặc chương trình bảo hiểm y tế quốc gia. Những quyền lợi này sẽ giúp người lao động đảm bảo tài chính trong thời gian chuyển việc.
4.1.2 Học cách quản lý tài chính hiệu quả
Theo dõi và kiểm soát tình hình tài chính là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng bạn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hãy xem xét lại các mục tiêu tài chính và các khoản như tiết kiệm, quỹ khẩn cấp, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc cùng các nguồn tài chính khác mà bạn đang có.
Để đảm bảo sự vững chắc về mặt tài chính, bạn cần đối chiếu kỹ lưỡng giữa tổng số tiền có và các khoản chi tiêu hàng ngày. Hãy liệt kê chi tiết các khoản chi thiết yếu như y tế, nhà ở, đi lại và ăn uống, đồng thời cân nhắc kỹ các khoản chi không cần thiết.
Bạn nên nhớ rằng tình hình tài chính cá nhân có thể trở nên khó khăn nếu chi tiêu bừa bãi. Vì vậy, hãy suy nghĩ chín chắn trước khi tiêu và tìm cách quản lý tài chính hiệu quả hơn. Bạn có thể bắt đầu bằng việc cắt giảm những khoản chi không cần thiết, tiết kiệm chi tiêu hoặc tìm thêm nguồn thu nhập mới trong thời gian khó khăn này.
4.1.3 Chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân
Khi bị rơi vào trường hợp mất việc, nhiều người lao động sẽ cảm thấy lo lắng và bất an. Vì vậy, việc điều chỉnh lại cảm xúc và tìm kiếm sự hỗ trợ từ mạng lưới xã hội là điều cần thiết. Hãy chủ động chia sẻ với người thân, bạn bè về tình hình hiện tại để mở rộng các mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Đồng thời, hãy tập trung vào việc phát triển bản thân và nâng cao các kỹ năng để tăng tính cạnh tranh trên thị trường lao động.
4.1.4 Tìm kiếm và phát triển các mối quan hệ mới
Thời gian rảnh rỗi sau khi nghỉ việc, thay vì gây ra lo lắng, căng thẳng, lại là cơ hội vàng để bạn đầu tư vào bản thân. Việc mở rộng mối quan hệ không chỉ giúp bạn tìm được việc làm mà còn giúp bạn phát triển các kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và mở mang tầm mắt. Hãy đăng ký tham gia vào các khóa học, hội thảo để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình. Điều này sẽ khiến bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
4.1.5 Học thêm kỹ năng mới để chuẩn bị cho công việc mới
Trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi liên tục, việc có thêm những kỹ năng mới không chỉ giúp gia tăng giá trị bản thân mà còn giúp bạn trở nên nổi bật hơn trong mắt nhà tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Các kỹ năng về công nghệ, dữ liệu, hay các kỹ năng mềm như quản lý thời gian, giao tiếp và lãnh đạo luôn được săn đón, giúp bạn đáp ứng yêu cầu của các công việc mới. Đây cũng là thời điểm lý tưởng để bạn khám phá các cơ hội mới, đánh giá lại bản thân và có thể cân nhắc chuyển sang những lĩnh vực hoặc ngành nghề mà trước đây bạn chưa từng thử sức. Nhìn chung, việc trang bị kỹ năng mới không chỉ cải thiện cơ hội nghề nghiệp mà còn thúc đẩy sự phát triển cá nhân và sự nghiệp trong tương lai.
4.2 Đối với Doanh nghiệp
4.2.1 Giai đoạn trước layoff
Trước hết nhà quản trị nhân sự cần nắm bắt sâu các thông tin liên quan về thị trường, ngành và thực trạng các vấn đề nội tại của Doanh nghiệp trước các biến động bất ổn. Sau đó, HR cùng Ban lãnh đạo, quản lý các cấp phân tích, đánh giá mức độ rủi ro: Mức độ bị ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng tài chính ngắn, trung và dài hạn của công ty.
Cuối cùng, HR cần lập các phương án cắt giảm chi phí nhân sự theo nhiều kịch bản doanh thu công ty và lộ trình cắt giảm từ giảm nhẹ – vừa hay giảm sâu. Một số phương án và trình tự các bước thực hiện cơ bản như sau:
(1) Tái cấu trúc bộ máy tổ chức
Quản lý theo hướng tinh gọn tối đa, ưu tiên giữ vững lực lượng nhân sự nòng cốt cho hoạt động trực tiếp sản xuất & kinh doanh để tạo ra doanh thu, giảm lực lượng nhân sự khối quản lý & văn phòng hỗ trợ.
(2) Đề xuất và chốt các phương án
Nó bao gồm tỷ lệ % tinh giảm định biên nhân sự và khoản chi phí nhân sự (lương, bảo hiểm, thưởng, phúc lợi, chi phí đào tạo,…) cắt giảm được theo các kịch bản về mức độ & phạm vi thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, gồm 02 phương án cơ bản là giảm lương và (hoặc) tinh giảm nhân sự.
Đối với phương án tinh giảm nhân sự, nhà quản trị sẽ cần thực hiện đủ những bước sau để đảm bảo quá trình tinh giảm diễn ra thuận lợi nhất:
- Ngưng tuyển dụng các vị trí không cấp thiết
- Ưu tiên tinh giảm các đối tượng nhân sự: Chưa nhận việc, đang thử việc, hết và sắp hết hạn Hợp đồng lao động (HĐLĐ), nhân sự thâm niên dưới 01 năm, nhân sự không đạt yêu cầu công việc.
- Ngoại trừ nhóm nhân sự không đạt yêu cầu công việc, các nhân sự trong danh sách bị tinh giảm có thể theo một số phương án sau: (i) Nghỉ không lương/ tạm hoãn HĐLĐ (nếu có) trong thời gian 03 – 06 tháng; (ii) Vẫn làm việc & tham gia BHXH nhưng không hưởng lương; (iii) Nghỉ việc hẳn. Công ty cần ưu tiên mời lại làm việc khi khôi phục hoạt động đối với các nhóm (i) và (iii).
- Lên phương án chi phí giải quyết chế độ thôi việc/ mất việc cho người lao động theo đúng thỏa thuận và Luật lao động.
- Thương thảo với đội ngũ cấp quản lý về phương án nghỉ việc tự nguyện để giảm bớt gánh nặng về chi phí lương và chi phí bồi thường thôi việc cho công ty.
4.2.2 Giai đoạn trong layoff
- Truyền thông đến toàn thể nhân viên về các thông tin liên quan, gửi các thông điệp từ Ban lãnh đạo công ty để kêu gọi sự thông hiểu, hợp tác, trấn an và cam kết các phương án hỗ trợ thôi việc cho người lao động.
- Gửi danh sách, thông báo chính thức đến người lao động thuộc nhóm bị tinh giảm.
- Thực hiện các thủ tục hành chính với Công đoàn cơ sở và khai báo danh sách tinh giảm lao động với cơ quan chức năng (nếu cần).
- Thực hiện các thủ tục thôi việc với người lao động (Thỏa thuận tạm hoãn HĐLĐ, Thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn, Thông báo không tái ký HĐLĐ, Quyết định thôi việc,…).
- Giải quyết chi trả lương, chế độ thôi việc cho người lao động theo thỏa thuận và quy định.
- Sắp xếp ổn thỏa công tác tiếp nhận bàn giao công việc. Cập nhật và ban hành những thay đổi về sơ đồ tổ chức, chức năng – nhiệm vụ các phòng ban, mô tả công việc các vị trí sau khi tái cấu trúc đối với lực lượng lao động còn lại.
- Hỗ trợ, hướng dẫn người lao động nghỉ việc các thủ tục hưởng Trợ cấp thất nghiệp, Trợ cấp BHXH một lần,…
- Giải quyết triệt để các vướng mắc của người lao động.
5. Một số câu hỏi thường gặp
Không chỉ dừng lại ở việc hiểu rõ khái niệm Layoff và tình hình việc làm hiện tại, chúng tôi biết bạn còn nhiều câu hỏi khác cần lời giải đáp. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm thấy câu trả lời cho những thắc mắc phổ biến nhất mà người lao động thường gặp phải đối với Layoff.
5.1 Sa thải và buộc thôi việc có giống nhau không
Sa thải và buộc thôi việc đều là hình thức chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên cũng có sự khác nhau giữa hai nội dung này.
Sa thải thường xảy ra trong môi trường doanh nghiệp, cả nhà nước và tư nhân. Đây là hình thức kỷ luật đối với người lao động khi họ vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty. Quyết định sa thải thuộc thẩm quyền của người sử dụng lao động.
Trong khi đó, buộc thôi việc chủ yếu áp dụng cho công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Hình thức kỷ luật này được áp dụng khi công chức, viên chức vi phạm quy định về công vụ và quyết định buộc thôi việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Nguyên nhân dẫn đến sa thải thường liên quan đến lỗi của người lao động, như vi phạm quy định, làm việc không hiệu quả, hoặc có hành vi sai trái. Thủ tục sa thải thường có quy định rõ ràng trong nội quy lao động của doanh nghiệp. Còn buộc thôi việc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả lỗi của công chức, viên chức và các lý do khách quan. Thủ tục buộc thôi việc thường phức tạp hơn và có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
5.2 Người lao động bị sa thải có được nhận đủ lương không?
Thông thường khi bị sa thải, doanh nghiệp vẫn sẽ phải thanh toán cho bạn toàn bộ số tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động, bao gồm cả tiền lương theo quy định của pháp luật. Nếu việc sa thải được thực hiện đúng quy định, bạn vẫn sẽ nhận được khoản tiền xứng đáng với công sức bạn đã đóng góp dựa theo số ngày làm thực tế. Hãy nhớ rằng, công sức của bạn luôn được ghi nhận và bạn xứng đáng được đối xử công bằng.
5.3 Trường hợp người lao động bị sa thải, họ có được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không?
Người lao động bị sa thải vẫn có quyền hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Cụ thể, người lao động phải đã đóng bảo hiểm xã hội liên tục ít nhất 12 tháng trước khi bị chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là, miễn bạn đã đóng bảo hiểm đầy đủ và hợp lệ, bạn hoàn toàn có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp để hỗ trợ trong thời gian tìm việc làm mới.
5.4 Có phải sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng là một?
Sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là hai hình thức chấm dứt hợp đồng lao động khác nhau. Sa thải là một hình thức xử lý kỷ luật, áp dụng khi người lao động vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty. Nó mang tính răn đe và thường không có sự đồng thuận của người lao động. Ngược lại, đơn phương chấm dứt hợp đồng có thể được thực hiện bởi cả người lao động và người sử dụng lao động khi có lý do chính đáng. Đây là một phương án linh hoạt, nhằm bảo vệ quyền lợi của cả hai bên khi tiếp tục hợp tác không còn khả thi.
6. Ứng dụng AMIS Thông tin nhân sự tăng hiệu quả quản lý thông tin nhân sự
Hoạt động Layoff là một trong những phương pháp phổ biến giúp doanh nghiệp tinh gọn đội ngũ nhân sự và loại bỏ lãng phí không đáng có. Tuy nhiên để giải quyết các vấn đề thủ tục trong quá trình layoff được thuận tiện, nhanh chóng cũng như tinh gọn quy trình nhân sự vốn “rườm rà”, “chồng chéo”, ban lãnh đạo cần ứng dụng thêm công nghệ vào hoạt động quản lý hiện nay.
MISA AMIS Thông tin nhân sự là giải pháp công nghệ đến từ Công ty cổ phần MISA, được xây dựng để quản lý hồ sơ và giấy tờ liên quan đến nhân sự cho những doanh nghiệp quy mô lớn. Phần mềm chính là công cụ hiệu quả và đắc lực trong quản lý nhân sự trình độ cao, với những tính năng ưu việt như:
- Lưu trữ toàn bộ thông tin vòng đời của nhân viên từ khi còn là ứng viên phỏng vấn đến khi là nhân viên chính thức, quy hoạch, bổ nhiệm vị trí mới.
- Cập nhật thông tin khen thưởng – kỷ luật- bổ nhiệm – miễn nhiệm nhân viên. Lãnh đạo dễ dàng theo dõi nhân sự đang làm việc tốt, hiệu suất cao.
- CEO chủ động xem xét báo cáo tổng quan về tình hình nhân sự trong công ty mọi lúc mọi nơi trên cả thiết bị di động.
- HR không cần tốn kém thời gian tìm kiếm hồ sơ giấy, dễ dàng truy xuất thông tin nhờ các bộ lọc nâng cao.
- Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn Tier 3, khả năng bảo mật thông tin cao đạt tiêu chuẩn ISO 27001 và ISO 27017
- Cập nhật thường xuyên các Tính năng mới theo nhu cầu thực tế của Doanh nghiệp: Xem cụ thể
6. Kết luận
Như vậy bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn Layoff là gì và những vấn đề liên quan. Đối mặt với tình trạng layoff hiện nay, đòi hỏi sự linh hoạt và thích ứng của cả người làm công tác quản lý nhân sự và người lao động. Đặc biệt nhà quản trị nhân sự cần trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng để giải quyết công tác layoff hiệu quả nhất.