Nghiệp vụ Hàng tồn kho Kế toán vật liệu ngành xây dựng và những điều cần biết

Trong bài viết trước, MISA AMIS đã cung cấp tới bạn đọc những thông tin về đặc điểm vật liệu xây dựng, yêu cầu quản lý và nhiệm vụ của kế toán vật liệu xây dựng. 

Vì chiếm tỷ trọng chi phí lớn, có ảnh hưởng mang tính chất quyết động đến chi phí hoạt động xây dựng, giá thành xây dựng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nên vật liệu xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc tổ chức hạch toán vật liệu xây dựng đúng quy định, phù hợp với từng công trình cũng vì thế mà được mọi doanh nghiệp trong hoạt động trong lĩnh vực này chú trọng. Trong bài viết này, MISA sẽ trình bày một số nội dung liên quan đến hạch toán và một số vấn đề cần lưu ý khi hạch toán vật liệu xây dựng.

>>> Đọc thêm: Đặc điểm và tổ chức quản lý nguyên vật liệu ngành xây dựng

1. Hạch toán vật liệu xây dựng và chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp trong hoạt động xây dựng

1.1. Căn cứ thực hiện

Để thực hiện tốt công tác kế toán vật liệu xây dựng, yêu cầu kế toán cần nắm vững các nội dung sau:

– Chuẩn mực kế toán số 02 “Hàng tồn kho”

– Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán (hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/8/2016 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa) và các quy định của pháp luật có liên quan về vật liệu xây dựng.

– Các tài liệu liên quan đến công trình: Hợp đồng giao nhận thầu, Dự toán công trình, các tài liệu khác …

Hình 1: Hoạt động xây dựng công trình

1.2. Các tài khoản sử dụng

– TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu:

TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

1.3. Hạch toán kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

(*) Khi mua nguyên liệu, vật liệu về nhập kho, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan phản ánh giá trị nguyên liệu, vật liệu nhập kho:

– Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331,… (tổng giá thanh toán).

– Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị nguyên vật liệu bao gồm cả thuế GTGT.

(*) Nhập kho đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu:

– Khi nhập khẩu nguyên vật liệu, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

TK 331 – Phải trả cho người bán

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)

Có TK 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).

Có TK 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).

Có TK 33381 – Thuế bảo vệ môi trường.

– Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (33312).

– Trường hợp mua nguyên vật liệu có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị nguyên vật liệu tương ứng với số tiền trả trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị nguyên vật liệu bằng ngoại tệ chưa trả được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua nguyên vật liệu.

(*) Các chi phí về thu mua, bốc xếp, vận chuyển nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về kho doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331)

Có các TK 111, 112, 141, 331,…

(*) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do thuê ngoài gia công, chế biến:

– Khi xuất nguyên liệu, vật liệu đưa đi gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Khi phát sinh chi phí thuê ngoài gia công, chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)

Có các TK 111, 112, 131, 141,…

– Khi nhập lại kho số nguyên liệu, vật liệu thuê ngoài gia công, chế biến xong, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

(*) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do tự chế:

– Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu để tự chế biến, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Khi nhập kho nguyên liệu, vật liệu đã tự chế, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

(*) Đối với nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện khi kiểm kê đã xác định được nguyên nhân thì căn cứ nguyên nhân thừa để ghi sổ, nếu chưa xác định được nguyên nhân thì căn cứ vào giá trị nguyên liệu, vật liệu thừa, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381).

– Khi có quyết định xử lý nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện trong kiểm kê, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (3381)

Có các tài khoản có liên quan.

– Nếu xác định ngay khi kiểm kê số nguyên liệu, vật liệu thừa là của các doanh nghiệp khác khi nhập kho chưa ghi tăng tài khoản 152 thì không ghi vào bên Có tài khoản 338 (3381) mà doanh nghiệp chủ động ghi chép và theo dõi trong hệ thống quản trị và trình bày trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.

(*) Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu sử dụng vào thi công công trình, ghi:

Nợ các TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

(*) Đối với nguyên liệu, vật liệu thiếu hụt phát hiện khi kiểm kê:

Mọi trường hợp thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu trong kho hoặc tại nơi quản lý, bảo quản phát hiện khi kiểm kê phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân, xác định người phạm lỗi. Căn cứ vào biên bản kiểm kê và quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để ghi sổ kế toán:

– Nếu do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán;

– Nếu giá trị nguyên liệu, vật liệu hao hụt nằm trong phạm vi hao hụt cho phép (hao hụt vật liệu trong định mức), ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Nếu số hao hụt, mất mát chưa xác định rõ nguyên nhân phải chờ xử lý, căn cứ vào giá trị hao hụt, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý)

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Khi có quyết định xử lý, căn cứ vào quyết định, ghi:

Nợ TK 111 – Tiền mặt (người phạm lỗi nộp tiền bồi thường)

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388) (tiền bồi thường của người phạm lỗi)

Nợ TK 334 – Phải trả người lao động (trừ tiền lương của người phạm lỗi)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát nguyên liệu, vật liệu còn lại phải tính vào giá vốn hàng bán)

Có TK 138 – Phải thu khác (1381 – Tài sản thiếu chờ xử lý).

(*) Đối với nguyên vật liệu, phế liệu ứ đọng, không cần dùng:

– Khi thanh lý, nhượng bán nguyên vật liệu, phế liệu, kế toán phản ánh giá vốn ghi:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

– Kế toán phản ánh doanh thu bán nguyên vật liệu, phế liệu, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 131

Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.

(*) Trường hợp mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng ngay (không qua nhập kho) cho hoạt động xây dựng công trình và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 331, 141, 111, 112,…

(*) Trường hợp số nguyên liệu, vật liệu xuất ra không sử dụng hết vào công trình xây dựng, cuối kỳ nhập lại kho, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

(*) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ vật liệu tính cho từng đối tượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu (công trình, hạng mục công trình) theo phương pháp trực tiếp hoặc phân bổ, ghi:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (phương pháp kiểm kê định kỳ)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần vượt trên mức bình thường)

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

(*) Trường hợp doanh nghiệp xây dựng (là đơn vị có tổ chức hạch toán độc lập) nhận vật liệu từ đơn vị cấp trên hoặc được cấp bởi đơn vị nội bộ phục vụ thi công công trình xây dựng, hạng mục công trình theo hình thức khoán, kế toán ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 336 – Phải trả nội bộ

(*) Trường hợp xuất vật tư cho đơn vị nhận khoán có tổ chức hạch toán độc lập:

Nợ TK 136 – Phải thu nội bộ

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

(*) Trường hợp doanh nghiệp xây dựng giao khoán cho đơn vị trực thuộc không tổ chức hạch toán độc lập (không được phân cấp tổ chức hạch toán kế toán riêng), khi doanh nghiệp xây dựng xuất vật liệu cho đơn vị nhận khoán:

Nợ TK 141 – Tạm ứng

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

2. Một số vấn đề cần lưu ý:

2.1. Về thời điểm nhập, xuất vật liệu xây dựng

Thời điểm nhập kho, xuất kho vật liệu xây dựng phải phù hợp với tiến độ công trình, cụ thể:

– Không phát sinh việc nhập kho, xuất kho vật liệu xây dựng khi công trình đã được nghiệm thu hoàn thành.

– Các loại vật liệu xây dựng được nhập kho, xuất kho phù hợp với các bước thi công công trình. Vật liệu sử dụng trước được xuất trước và không thực hiện xuất vật liệu xây dựng khi đã hoàn thành bước thi công công trình đó.

Ví dụ các bước thi công một công trình nhà ở gồm 3 bước sau: 

  • Công tác làm móng 
  • Công tác xây thô (đổ bê tông cột, sàn, xây tường) 
  • Công tác hoàn thiện (trát tường, lát nền, sơn).

Như vậy việc xuất gạch xây tường không thể làm trong công tác hoàn thiện hay không thể xuất sơn tường tại bước xây thô.

>> Xem thêm: 4 vấn đề quan trọng cần lưu ý trong kế toán xây dựng

2.2. Lưu ý về số lượng vật liệu xây dựng sử dụng thực tế

Trong thực tế thi công công trình thì số lượng vật liệu xây dựng sử dụng được ghi nhận vào công trình thường không khớp hoàn toàn với bảng tính vật liệu của dự toán (có thể cao hơn hoặc thấp hơn). 

Để hạn chế việc chênh lệch này, kế toán cần thực hiện một số nội dung sau:

– Ngay từ khi triển khai xây dựng công trình, cần có kế hoạch nhập kho vật liệu cho công trình bao gồm: loại vật liệu xây dựng, số lượng, tiến độ sử dụng …

– Tuân thủ nguyên tắc: Các loại vật liệu không có trong dự toán, không sử dụng cho công trình thì không thực hiện nhập kho, xuất dùng vào công trình

– Kế toán/thủ kho công trình thực hiện nghiêm túc quy định về nhập kho, xuất kho vật liệu xây dựng: 

  • nhập đủ số lượng, đúng chủng loại; 
  • xuất kho đúng chủng loại, đúng số lượng theo yêu cầu thi công. 
  • định kỳ (tháng, quý) thực hiện việc kiểm tra số lượng tồn kho để kịp thời phát hiện việc sai sót hoặc thiếu hụt vật liệu.

– Khi xảy ra mất, hao hụt vật liệu cần xác định rõ nguyên nhân, lập biên bản ghi nhận sự việc để có biện pháp xử lý phù hợp: mất thép, xi măng do nguyên nhân bị trộm cắp; hao hụt cát đá do bị trôi khi mưa lũ …

– Khi kết thúc công trình, thực hiện tính toán, so sánh giữa thực tế sử dụng và bảng vật liệu theo dự toán công trình và xử lý như sau:

+ Trường hợp số lượng vật liệu sử dụng thực tế thấp hơn dự toán: 

Có thể xảy ra khi công tác quản lý vật liệu tốt, tay nghề lao động tốt, tiết kiệm vật liệu. Việc tiết kiệm vật liệu có tác động làm giảm giá thành công trình, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

+ Trường hợp số lượng vật liệu sử dụng thực tế cao hơn dự toán: 

Trường hợp nếu chênh lệch không quá lớn, có thể giải trình nguyên nhân chênh lệch như việc mua vật liệu không tính theo đơn vị lẻ (như mua cát đá theo số lượng tính m3; xi măng tính bao 50kg; gạch lát nền mua theo kiện, kính xây dựng mua theo kích cỡ có sẵn của nhà sản xuất) nên trong quá trình sử dụng thực tế có phát sinh cao hơn. Trường hợp này kế toán có thể ghi nhận toàn bộ số lượng thực tế sử dụng và chuẩn bị căn cứ giải trình khi có yêu cầu.

Ví dụ như dự toán tính 268.137,6 kg xi măng thì do việc mua vật liệu không tính lẻ được thì cũng có thể chấp nhận khối lượng đưa vào công trình cao hơn, giả dụ là 268.200 kg

Trường hợp chênh lệch lớn,  kế toán kết hợp với các bộ phận liên quan cần tìm hiểu nguyên nhân thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp, xem xét có cần điều chỉnh lại dự toán ban đầu nếu chênh lệch cao hơn là hợp lý, cần thiết. Đồng thời, kế toán thực hiện tính toán, tổng hợp và chủ động loại bỏ chi phí không hợp lý khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản mục chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN).

>> Xem thêm: Các lỗi thường gặp khi quyết toán thuế tại công ty xây dựng

2.3. Về thuế, phí bảo vệ môi trường liên quan tới một số vật liệu tự xây dựng tự khai thác tại công trình

Khi thi công công trình, doanh nghiệp xây dựng có thể phát sinh một số loại vật liệu xây dựng tự khai thác trên diện tích đất được giao để thi công như:

– Đá xây dựng do phá đá, dọn mặt bằng sử dụng để làm móng đường; Cát xây dựng khai thác được do nạo vét lòng suối

– Đất, đất lẫn cát đá do san ủi mặt bằng sử dụng làm vật liệu san lấp

Khi phát sinh các trường hợp này thì kế toán cần lưu ý đến việc tính thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường đối với vật liệu xây dựng tự khai thác được, cụ thể:

+ Đối với các loại vật liệu khai thác được như đá xây dựng, cát xây dựng tại mặt bằng công trình được sử dụng làm vật liệu xây dựng thì thực hiện kê khai và nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

+ Đối với đất, đất lẫn cát đá sử dụng làm vật liệu san lấp thì thực hiện kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản và được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại khoản 5, điều 10 thông tư 152/2015/TT-BTC ngày 02/10/2015 của Bộ Tài chính:

“Điều 10. Miễn thuế tài nguyên

Các trường hợp được miễn thuế tài nguyên theo quy định tại Điều 9 Luật thuế tài nguyên và Điều 6, Nghị định số 50/2010/NĐ-CP, bao gồm:

Miễn thuế tài nguyên đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ trên diện tích đất được giao, được thuê; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều.

Đất khai thác và sử dụng tại chỗ được miễn thuế tại điểm này bao gồm cả cát, đá, sỏi có lẫn trong đất nhưng không xác định được cụ thể từng chất và được sử dụng ở dạng thô để san lấp, xây dựng công trình”

Việc quản lý tốt, theo dõi, hạch toán đầy đủ, đúng quy định vật liệu xây dựng góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp tính toán chính xác giá thành công trình, từ đó, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp. 

Khi triển khai thực tế tại các công trình cũng cần nắm bắt thực tế thi công để thực hiện việc nhập kho, xuất kho vật liệu xây dựng cho phù hợp. Kế toán vật liệu xây dựng phải nắm vững được định mức sử dụng vật liệu cho từng công trình để bảo đảm sự phù hợp giữ việc sử dụng vật liệu thực tế và định mức dự toán.

Bài viết này, MISA tiếp tục cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến việc hạch toán vật liệu xây dựng, là nội dung nằm trong số các bài viết về kế toán trong doanh nghiệp xây dựng. Ở bài viết tiếp theo, MISA sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về chi phí nhân công trong doanh nghiệp xây dựng, mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.

Để giúp giải phóng nhân lực, giảm thiểu khối lượng công việc cho người làm kế toán doanh nghiệp xây dựng nói riêng và tất cả loại hình doanh nghiệp nói chung, MISA đã phát triển phần mềm kế toán online MISA AMIS với nhiều tính năng đáp ứng nhu cầu và đặc trưng doanh nghiệp xây dựng:

  • Quản lý hồ sơ công trình.
  • Quản lý tài sản cố định, khấu hao tài sản.
  • Quản lý hoạt động đầu tư xây lắp.
  • Quản trị dòng tiền.

Hiện nay, với thế mạnh về công nghệ, sự tiện dụng trong sử dụng, phần mềm kế toán MISA AMIS đã trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây lắp và xây dựng công trình trên toàn quốc. Anh chị quan tâm và muốn trải nghiệm thử phần mềm kế toán MISA AMIS có thể đăng ký miễn phí: 

>> DÙNG THỬ MIỄN PHÍ – PHẦN MỀM KẾ TOÁN ONLINE MISA AMIS

Người viết: Lê Kim Tiến 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]