Các quy định của pháp luật về nội dung hợp đồng lao động

11/07/2022
1002

Pháp luật quy định như thế nào về nội dung hợp đồng lao động để hợp đồng có hiệu lực? Mời doanh nghiệp tham khảo bài viết sau đây của MISA AMIS để được giải đáp về vấn đề này.

I. Khái quát về khái niệm hợp đồng lao động

khái niệm hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Lao động năm 2013 thì khái niệm hợp đồng lao động được hiểu là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, các điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ mà mỗi bên phải thực hiện trong quan hệ lao động.

Nếu hai bên thỏa thuận hợp đồng bằng tên gọi khác nhưng có những nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì vẫn được coi là hợp đồng lao động.

>>> Xem thêm: Hợp đồng lao động là gì? Phân tích khái niệm hợp đồng lao động

II. Phân tích yêu cầu về nội dung của hợp đồng lao động

Nội dung của hợp đồng lao động bao gồm các điều khoản mà người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận với nhau trong hợp đồng. Nội dung hợp đồng lao động phản ánh các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ lao động.

Phần nội dung trong hợp đồng lao động thường gồm 2 loại điều khoản đó là: điều khoản cơ bản và điều khoản tùy nghi. Cụ thể như sau:

1. Điều khoản cơ bản trong nội dung hợp đồng lao động

điều khoản cơ bản trong nội dung hợp đồng lao động

Điều khoản cơ bản trong hợp đồng lao động là những điều khoản phản ánh nội dung cơ bản của hợp đồng, tức là chúng phải có mặt trong tất cả các loại hợp đồng. Thậm chí trong một số trường hợp, nếu thiếu đi các điều khoản này thì hợp đồng lao động coi như chưa được giao kết, chẳng hạn như các điều khoản về công việc phải làm, tiền lương…

Vì các lý do trên mà pháp luật lao động các nước bao giờ cũng ra những quy định về các điều khoản cơ bản trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội, văn hóa của mỗi quốc gia mà số lượng các điều khoản cơ bản trong quy định có sự khác nhau song thường tập trung ở các điều khoản: tên công việc; thời hạn của hợp đồng; thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi; địa điểm làm việc; an toàn lao động; chính sách bảo hiểm xã hội…

Trong pháp luật lao động Việt Nam, nội dung của hợp đồng lao động cần tuân theo quy định tại Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019 như sau:

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

3. Đối với người lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp thì tùy theo loại công việc mà hai bên có thể giảm một số nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết.

4. Chính phủ quy định nội dung của hợp đồng lao động đối với người lao động được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Theo đó, nội dung này được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, ví dụ:

Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo Khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

– Thông tin về tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động được quy định như sau:

a) Tên của người sử dụng lao động: đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo tên của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; đối với tổ hợp tác thì lấy theo tên tổ hợp tác ghi trong hợp đồng hợp tác; đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo họ tên của người đại diện hộ gia đình, cá nhân ghi trong Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu được cấp;

b) Địa chỉ của người sử dụng lao động: đối với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thì lấy theo địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; đối với tổ hợp tác thì lấy theo địa chỉ trong hợp đồng hợp tác; đối với hộ gia đình, cá nhân thì lấy theo địa chỉ nơi cư trú của hộ gia đình, cá nhân đó; số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có);

c) Họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động: ghi theo họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Bộ luật Lao động.

– Thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động và một số thông tin khác, gồm:

a) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có), số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 18 của Bộ luật Lao động;

b) Số giấy phép lao động hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với người lao động là người nước ngoài;

c) Họ tên, địa chỉ nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người đại diện theo pháp luật của người chưa đủ 15 tuổi.

2. Điều khoản tùy nghi trong nội dung hợp đồng lao động

yêu cầu nội dung hợp đồng lao động

Điều khoản tùy nghi trong hợp đồng là những điều khoản không bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động. Các bên có thể thỏa thuận điều khoản tùy nghi trong hợp đồng lao động trên cơ sở điều kiện, khả năng thực tế của mỗi bên.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù điều khoản tùy nghi không bắt buộc phải có trong hợp đồng nhưng nếu các bên đã thoả thuận và trình bày trong hợp đồng thì bắt buộc phải thực hiện. Chẳng hạn như các điều khoản tùy nghi về tiền ăn trưa, tiền thưởng hiệu quả công việc,…

Hợp đồng lao động thông thường gồm 02 loại điều khoản nêu trên, tuy nhiên trong một số trường hợp, tùy theo tính chất và đặc trưng của từng công việc mà pháp luật cho phép các bên được quyền thỏa thuận tăng hoặc giảm một số điều khoản trong hợp đồng.

Chẳng hạn như đối với những người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo mật thông tin công nghệ kinh doanh, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, khi giao kết hợp đồng lao động, các bên có thể giảm bớt một số nội dung chủ yếu của hợp đồng và thỏa thuận bổ sung nội dung về phương thức giải quyết tranh chấp trong trường hợp thực hiện hợp đồng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hỏa hoạn, thời tiết (theo Khoản 2, 3 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019).

Ngoài ra, hợp đồng lao động còn có thể kèm theo phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng lao động được coi là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động. Phụ lục hợp đồng lao động thường được áp dụng để quy định chi tiết một số điều khoản hoặc để bổ sung, sửa đổi nội dung hợp đồng lao động. Cụ thể là:

– Nếu phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng lao động nhưng lại đến cách hiểu khác về hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.

– Nếu phụ lục hợp đồng lao động dùng để sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải trình bày rõ ra những điều khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Lưu ý:

– Nếu một phần hoặc toàn bộ nội dung trong hợp đồng lao động quy định quyền và lợi ích của người lao động thấp hơn mức được quy định trong pháp luật lao động, thỏa ước lao động của tập thể, nội quy lao động đang được doanh nghiệp áp dụng hoặc làm hạn chế các quyền khác của người lao động thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó phải được sửa đổi, bổ sung.

– Nếu phát hiện hợp đồng lao động có nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Lao động năm 2019, thì Thanh tra lao động hướng dẫn và yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Nếu các bên không sửa đổi, bổ sung thì Thanh tra lao động hoàn toàn có quyền buộc hủy bỏ các nội dung đó; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên được giải quyết theo các quy định của pháp luật.

Trên đây là phần phân tích các yêu cầu của pháp luật lao động về nội dung hợp đồng lao động. Hy vọng rằng những kiến thức này sẽ giúp doanh nghiệp ký hợp đồng với người lao động một cách phù hợp nhất.

Xem thêm các bài viết trước đó

Xem thêm các bài viết tiếp theo

1. Chủ thể của hợp đồng lao động được pháp luật quy định thế nào
2. Pháp luật quy định về hợp đồng lao động như thế nào?

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả