Chiến lược kinh doanh của Uniqlo – Thương hiệu thời trang toàn cầu

26/06/2022
2851

Trong thế giới Fast-Fashion đầy cạnh tranh – Nơi đã từng bị thống trị bởi Zara và H&M, chính nhờ triết lý dị biệt và chiến lược kinh doanh sắc bén, Uniqlo đã vươn mình trở thành thương hiệu thời trang toàn cầu có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc.

1. Bước ngoặt của một công ty gia đình

Bắt đầu tại Ube – Một thị trấn nhỏ ở miền Tây Nhật Bản, từ một cửa hàng quần áo “cha truyền con nối” vốn chỉ sản xuất nhỏ, năm 1984, Yanai Tadashi quyết tâm mở cửa hàng đầu tiên của mình với cái tên Unique Clothing Warehouse, sau rút gọn thành UNIQLO.

Ban đầu chỉ là nhập khẩu quần áo của các thương hiệu thể thao nổi tiếng tại Mỹ; trải qua hơn 1 thập kỷ hoạt động dưới sự điều hành của Yanai Tadashi, UNIQLO trở thành nhà bán lẻ tăng trưởng nhanh nhất Nhật Bản. Dẫu vậy, trái ngược với thành công vang dội đó, cái tên UNIQLO vẫn chỉ gợi nhớ tới một thương hiệu mang tính địa phương, giá rẻ đối với người tiêu dùng Nhật lúc bấy giờ.

Thông qua chiến dịch khảo sát năm 1995 “Hãy nói về UNIQLO và nhận 1 triệu yên”, thương hiệu này đã nhận lại hơn 10.000 lời phàn nàn về tất cả mọi thứ từ sản phẩm cho tới dịch vụ. Việc UNIQLO “Chỉ được biết tới vì giá rẻ, nhưng chất lượng thấp” đã tác động mạnh mẽ tới Yanai, khiến việc tái định vị thương hiệu UNIQLO trở thành sứ mệnh quan trọng mà CEO này hướng tới. Yanai Tadashi quyết định để kiểm soát và đảm bảo được chất lượng, UNIQLO cần quay lại làm chủ từ khâu sản xuất cho tới cung ứng sản phẩm.

Chiến lược kinh doanh Uniqlo
Logo nổi bật của Uniqlo xuất hiện tại các trung tâm mua sắm sầm uất.

Năm 1998 được coi là đánh dấu sự đổi mới của thương hiệu UNIQLO – khi lần đầu tiên một thương hiệu thời trang nội địa, vượt qua những ông lớn của Mỹ như Nike hay Adidas mở cửa hàng đầu tiên tại khu vực đông đúc nhất thủ đô Tokyo. Với việc cho ra mắt dòng sản phẩm chiến lược áo lông cừu vốn chỉ dành cho những khách hàng “không quan tâm về giá” mà chú trọng vào tính năng sản phẩm, công ty sản xuất và bán lẻ thời trang này đã bán được hơn 2 triệu chiếc chỉ trong vòng 12 tháng.

Nhờ cú hit này, UNIQLO đã vươn tầm trở thành thương hiệu bán lẻ thời trang Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới. Sau cuộc sáp nhập vào Fast Retailing, tính đến năm 2020 UNIQLO là công ty thời trang đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Zara thuộc công ty mẹ Inditex và H&M. Để đạt được thành công đó, Yanai Tadashi và thương hiệu của mình đã sử dụng một chiến lược kinh doanh đầy quyết liệt nhưng không thiếu phần khéo léo.

2. Tầm nhìn và triết lý kinh doanh của UNIQLO

Từ cuộc cách mạng công nghiệp, ngành dệt may luôn giữ một vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia. Fast-Fashion xuất hiện đã vận dụng tối đa chiến lược “Sự lỗi thời có kế hoạch” nhằm thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm của mình thường xuyên hơn. Thay vì chạy theo xu hướng đó, Uniqlo đã truyền cảm hứng cho thế giới với triết lý đậm chất Nhật Bản, được biết tới với cái tên LifeWear.

LifeWear được giới thiệu là phong cách thời trang có thiết kế hướng đến mục đích mang lại cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người. Dựa trên nhu cầu thực tế của cuộc sống, những trang phục hằng ngày đơn giản nhưng chất lượng cao, cùng với sự tinh tế trong từng chi tiết sẽ không ngừng được đổi mới, phát triển để mang tới sự thoải mái và tiện dụng tối đa.

Chiến lược kinh doanh Uniqlo
Triết lý LifeWear trên trang web của Uniqlo (Nguồn: Uniqlo)

Không để thông điệp này chỉ là câu chuyện nhằm xây dựng thương hiệu, Uniqlo đã nỗ lực để triết lý LifeWear được thể hiện qua tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty: Từ việc không ngừng nghỉ nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu trải nghiệm mua sắm, cho tới nỗ lực truyền thông đem giá trị “Simple made better” của LifeWear đến gần hơn với chính nhân viên và người tiêu dùng.

phần mềm quản lý bán hàng misa amis crm
Phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM chăm sóc khách hàng hiệu quả

2.1 Văn hóa doanh nghiệp “vị nhân sinh”

Với quy mô của một tập đoàn tỷ đô, câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để công ty 38 năm tuổi này có cho mình một đội ngũ nhân viên đông đảo, nhưng vẫn thấm nhuần triết lý kinh doanh cốt lõi, bất chấp sự khác biệt về màu da hay nền văn hóa? Fast Retailing đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp của mình dựa trên tính kỷ luật, sự bình đẳng, minh bạch, cởi mở và trân trọng mọi sáng kiến.

Bên cạnh đó, nhằm xây dựng được trải nghiệm đồng nhất của khách hàng tại mọi nơi trên thế giới, Uniqlo đã đầu tư rất nhiều vào nguồn nhân lực.

Để trở thành một nhân viên tại cửa hàng UNIQLO, bạn phải trải qua 3 tháng đào tạo dưới sự chỉ dạy của quản lý cấp trên. Từ những kỹ năng đơn giản như gấp quần áo, trả thẻ tín dụng cho khách hàng khi thanh toán bằng 2 tay, giao tiếp bằng ánh mắt, cho tới những kiến thức về các dòng vải, tính năng để tư vấn cho khách hàng.

Tất cả phải được hoàn thiện một cách tốt nhất. Tại Tokyo, CEO của UNIQLO còn xây dựng một trường đại học Uniqlo với ước mơ đào tạo 1500 nhà quản lý cửa hàng mới mỗi năm. Không chỉ tập trung vào đào tạo, thương hiệu này còn luôn thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ quyền lợi của nhân viên. Cụ thể, tại các nhà máy của UNIQLO, các nhân viên hiếm khi phải làm việc quá giờ mà không có kế hoạch thông báo từ trước.

Hệ thống làm sạch không khí cũng luôn được trang bị hiện đại để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Có thể thấy, Uniqlo không chỉ mong muốn “mang tới cuộc sống tốt hơn” cho khách hàng của mình, mà ngay trong nội bộ doanh nghiệp triết lý ấy đã được thực hiện một cách nghiêm túc.

2.2 Doanh nghiệp “xanh” với xã hội và môi trường

Trong 23 Nguyên tắc Quản lý của Yanai Tadashi, ông có một niềm tin mạnh mẽ rằng “Giá trị của thương hiệu về bản chất chính là giá trị mà thương hiệu đó mang lại cho xã hội”. Để hiện thực hóa mong muốn này của mình, UNIQLO đã triển khai không ít chính sách nhằm cải thiện môi trường và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Tại Nhật Bản, hầu như mọi cửa hàng UNIQLO đều có ít nhất 1 nhân viên là người khuyết tật làm việc. Tại Việt Nam, với dự án Re.UNIQLO kết hợp với Quỹ Hy Vọng – Quỹ xã hội từ thiện hoạt động vì cộng đồng do Báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần FPT quản lý, hãng thời trang bán lẻ của Nhật đã sử dụng quần áo cũ được quyên góp, làm mới lại và gửi tặng tới những trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Và trên toàn thế giới, Uniqlo cũng hướng tới việc thu mua nguyên liệu thô một cách có trách nhiệm như không thu mua lông vũ từ các vùng nguyên liệu có dấu hiệu ngược đãi động vật hoặc sử dụng phương pháp chuốt lông sống; tôn trọng quyền lợi của nông dân trồng bông, khi không ép giá, tạo điều kiện để họ trồng trọt và khai thác cây bông một cách bền vững.

Ngày nay, cùng với thực trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt trong ngành thời trang may mặc, người tiêu dùng càng có ý thức và quan tâm hơn về vấn đề này. Chính vì vậy ngoài việc quần áo có hợp thời trang hay không, chất lượng thế nào, giá thành ra sao, họ còn đòi hỏi trách nhiệm với môi trường của các nhãn hàng may mặc.

Dự án Uniqlo đồng hành cùng quỹ Hy vọng. (Nguồn Uniqlo)
Dự án Uniqlo đồng hành cùng quỹ Hy vọng. (Nguồn Uniqlo)

Trong bối cảnh đó, UNIQLO với triết lý “Phát triển bền vững” đã thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường một cách nghiêm túc. Thông qua sự cải tiến công nghệ trong khâu sản xuất như phương pháp BlueCycle, Fast Retailing trong năm 2020 đã giúp giảm 15% lượng nước sử dụng trong nhà máy và giảm 10% khí thải nhà kính do các cửa hàng trưng bày sản phẩm tạo ra.

Ngoài ra, UNIQLO cũng đưa ra đáp án giải quyết bài toán tái chế rác thải thời trang từ khá sớm. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nguyên liệu mới, công ty này không chỉ thu gom quần áo cũ của khách hàng phục vụ cho công tác thiện nguyện, mà còn nghiêm túc lên kế hoạch tái sử dụng một cách bài bản và dài hạn.

Vào mùa thu đông 2020, Uniqlo đã tung ra thị trường chiếc áo khoác từ lông vũ tái chế 100%. Không chỉ dừng lại ở đó, UNIQLO còn tham gia tuyên chiến với rác thải nhựa: Cuối năm 2019, những chiếc áo polo nam dành riêng cho các vận động viên chuyên nghiệp được may bằng vải DRY-EX ra đời. Đây được coi là sự kiện mang tính cách mạng của nền dệt may, khi 75% vải DRY-EX được sản xuất từ chai nhựa.

Roger Federer quảng bá dòng sản phẩm polo từ chất liệu Dry-Ex Polo
Roger Federer quảng bá dòng sản phẩm polo từ chất liệu Dry-Ex Polo

Có thể thấy, triết lý dị biệt được thể hiện một cách đồng bộ và nhất quán đã giúp Uniqlo tạo ra dấu ấn đặc biệt giữa muôn vàn thương hiệu thời trang ngày nay. Bên cạnh đó để thực hiện hóa giấc mơ mang thương hiệu Nhật chinh phục thế giới, Yanai Tadashi đã triển khai chiến lược kinh doanh của Uniqlo với những bước đi thật sự sắc bén và hiệu quả.

3. Mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm của Uniqlo

Sự thành công của Uniqlo, theo nhiều chuyên gia, bắt nguồn từ mô hình kinh doanh lấy khách hàng làm trung tâm.

>> Đọc thêm: Hiểu về Customer Centric (Lấy khách hàng làm trung tâm)?

Nghiên cứu được công bố năm 2017 của Deloitte&Touche đã chỉ ra rằng các công ty lựa chọn mô hình lấy khách hàng làm trung tâm có lợi nhuận cao hơn 60% so với các công ty khác.

Hiểu khách hàng, triển khai chiến lược kinh doanh dựa trên khách hàng là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ lâu dài giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Có thể thấy từ nhưng ngày đầu với chiến lược tập trung tài nguyên phát triển sản phẩm cốt lõi, mô hình kinh doanh của UNIQLO đã có nhiều sự biến đổi.

Giờ đây mong muốn và nhu cầu của khách hàng đã trở thành định hướng chính mà UNIQLO áp dụng cho mọi chiến lược và hoạt động kinh doanh của mình, bao gồm quá trình lên kế hoạch phát triển sản phẩm, sản xuất, truyền thông và bán hàng.

Mô hình kinh doanh UNIQLO. (Nguồn: Uniqlo)
Mô hình kinh doanh UNIQLO. (Nguồn: Uniqlo)

3.1 Chiến lược tích hợp theo chiều dọc tại UNIQLO

Giai đoạn suy thoái kinh tế rất lớn ở Nhật và trên thế giới những năm 90 đã tạo lực đẩy cho UNIQLO. Xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng đã ảnh hưởng tới doanh thu của nhiều thương hiệu may mặc – loại hàng hóa không được coi là thiết yếu. Lúc bấy giờ, sản phẩm có giá thành rẻ, thiết kế có tính ứng dụng cao được cho là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới quyết định mua sắm.

Lấy cảm hứng từ NEXT – Chuỗi bán lẻ đầu tiên của Anh cung cấp các sản phẩm tốt với giá thành thấp, nhà sáng lập Yanai Tadashi đã học hỏi và vận dụng ngay chiến lược tích hợp theo chiều dọc vào hoạt động kinh doanh của mình.

Theo định nghĩa của Investopedia, “Tích hợp theo chiều dọc” được hiểu là chiến lược theo đó một công ty sẽ kiểm soát hoàn toàn một hoặc nhiều giai đoạn từ khâu cung cấp nguyên liệu, sản xuất, phân phối cho tới điểm bán lẻ. Ưu điểm của phương pháp kinh doanh này là giúp các doanh nghiệp như UNIQLO có thể quản lý chất lượng một cách chặt chẽ, chủ động nắm bắt lợi nhuận thượng nguồn và hạ nguồn qua đó đảm bảo mặt hiệu quả sản xuất, tăng cường chuỗi cung ứng và giảm chi phí sản xuất.

Khi áp dụng tại Uniqlo, chiến lược tích hợp theo chiều dọc này đã phát huy thế mạnh của mình. Nó cho phép Uniqlo bổ sung hàng trong kho chỉ trong vài ngày và cải tiến sản phẩm trong vòng vài tuần. Uniqlo cho biết họ không sở hữu bất kỳ nhà máy nào. Mà thay vào đó, thương hiệu xứ Phù Tang sẵn sàng thuê hàng loạt nhà máy trên khắp châu Á để sản xuất sản phẩm cho mình. Yanail cũng là một trong những ông chủ thời trang người Nhật đầu tiên tìm tới những nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc.

Thông qua sự linh hoạt trong quan hệ đối tác lâu dài, tin cậy với các nhà cung cấp được lựa chọn kỹ càng, Uniqlo đã có trong tay dây chuyền cung ứng hàng triệu sản phẩm mà không tốn quá nhiều công sức. Nhờ đó thương hiệu thời trang nhanh Nhật Bản đã thực hiện được lời hứa của mình “cung cấp những sản phẩm chất lượng cao, với giá cả phải chăng cho mọi đối tượng người tiêu dùng”. 58% sản phẩm Uniqlo chỉ có giá từ 0$-20$. Sản phẩm nằm trong phân khúc giá trên 50$ chỉ chiếm khoảng 10% tại Uniqlo.

Phân khúc giá thành sản phẩm của UNIQLO
Phân khúc giá thành sản phẩm của UNIQLO so với đối thủ, 2021. (Nguồn: Edited)

3.2 Chiến lược sản phẩm theo nhu cầu khách hàng

Để duy trì được thị phần và tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường thời trang, nhiều thương hiệu tổ chức hoạt động kinh doanh tập trung vào giảm giá thành sản phẩm, thay đổi thiết kế bắt kịp xu hướng, trong khi chất lượng ít được quan tâm.

Vấn đề nan giải đối với UNIQLO lại không phải chiến lược giá cả, mà nằm ở việc tạo nên một cá tính thời trang trên nền những sản phẩm cơ bản mang sắc thái trung lập. Thấm nhuần hơi thở của triết lý Lifewear, UNIQLO đã chọn công nghệ để tạo nên sự khác biệt của mình.

Ngay những năm 1990, Yanai Tadashi đã hợp tác với công ty công nghệ nổi tiếng với loại sợi carbon sử dụng trong những chiếc máy bay Dreamliner của Boeing – Toray Industries. Thành tựu đầu tiên là những chiếc áo lông cừu thương hiệu UNIQLO được may bằng loại vải sợi chữ C độc đáo, giúp giữ ấm hơn 1,5 độ C. Từ đó tới nay, tại Toray có hơn 1000 nhà nghiên cứu không ngừng sáng tạo ra các loại vật liệu sợi mới. Những bậc thầy về vật liệu vải (còn được gọi là các Takumi) sẽ thăm các nhà máy sản xuất vải của UNIQLO tại Trung Quốc và Nhật Bản, qua đó kịp thời tư vấn và hỗ trợ để đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao mà hãng đã đề ra.

UNIQLO đã định nghĩa lại trang phục mặc hằng ngày thông qua việc sớm áp dụng những đổi mới trong công nghệ. Một số dòng vải sáng chế nổi bật phải kể đến như HeatTech – loại vải biến độ ẩm của mồ hôi thành nhiệt giữ ấm cơ thể; AIRism – Chất liệu vải làm mát, lớp bên trong nhanh khô hay loại vải chống nắng mang tên UV Protection.

HeatTech - loại vải biến độ ẩm của mồ hôi thành nhiệt giữ ấm cơ thể
HeatTech – loại vải biến độ ẩm của mồ hôi thành nhiệt giữ ấm cơ thể (Nguồn: Uniqlo

Quan trọng hơn hết, UNIQLO chọn cho mình một định hướng phát triển sản phẩm rõ ràng. Danh mục sản phẩm của hãng so với H&M hay Zara là một con số khiêm tốn. Chỉ tập trung vào những kiểu dáng cơ bản đồng nghĩa với việc quần áo UNIQLO không bị giới hạn theo mùa thời trang hay sợ bị lỗi mốt. Chúng dễ mặc tới mức phù hợp với mọi đối tượng và nhiều mục đích sử dụng. Những bộ trang phục thường ngày thoải mái năng động đó có thể được sử dụng ở mọi hoàn cảnh: Trong cuộc họp trực tuyến hay khi ngồi thư giãn trên ghế sofa và nhâm nhi bữa tối. Vì lý do đó, lượng khách hàng ghé thăm UNIQLO có tần suất ổn định hơn rất nhiều so với các mô hình thời trang nhanh truyền thống.

chiên lược kinh doanh của uniqlo
Tổng số sản phẩm trên trang thương mại điện tử của các hãng thời trang 2021. (Nguồn: Edited)

Nếu các thương hiệu như H&M, Zara dựa vào xu hướng do các nhà mốt cao cấp công bố để lên kế hoạch thiết kế, thì UNIQLO lại đặt nhu cầu của khách hàng làm mục tiêu sản xuất. Bộ phận R&D của UNIQLO là nơi phụ trách phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, đồng thời xác định các nhu cầu mới và phát sinh trên thị trường. Theo đó, các trung tâm này của UNIQLO luôn không ngừng nghiên cứu các xu hướng thời trang toàn cầu và phát triển các chất liệu mới. Với khả năng tích hợp kinh doanh theo chiều dọc đã nêu tại phần trước, tất cả thói quen mua sắm, nhu cầu của khách hàng sẽ dễ dàng được phân tích. Qua đó, UNIQLO sẽ ưu tiên những sản phẩm được khách hàng yêu thích để lên đơn hàng và sản xuất. Hành động này không chỉ giúp người dùng tìm được đúng thứ họ cần mà công ty cũng tối ưu chi phí sản xuất, giúp kinh doanh bền vững hơn.

phần mềm quản lý bán hàng misa amis crm
Phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM chăm sóc khách hàng hiệu quả

3.3 Chiến lược truyền thông thương hiệu “Made for all”

Với thị trường mục tiêu trải rộng cả nam và nữ, trong độ tuổi từ 18-40, không phân biệt màu da, vùng lãnh thổ, yêu thích lối sống tối giản và đề cao giá trị sử dụng; việc thực thi truyền thông thương hiệu của UNIQLO là không hề đơn giản. Chọn một bộ chiến thuật linh hoạt, thương hiệu Nhật Bản đã tìm ra cách để kể cho khách hàng về triết lý khác biệt của mình.

Như đã đề cập ở trên, UNIQLO bước vào cuộc chơi cạnh tranh trong thế giới thời trang bằng điểm mạnh là sản phẩm chất lượng tốt với giá thành hợp túi tiền. Điều này giúp UNIQLO dễ dàng phát triển mở rộng thương hiệu. Tuy nhiên việc tạo dấu ấn và xây dựng cá tính của một thương hiệu giá rẻ trên diện rộng lại vô cùng khó khăn.

Để giải quyết bài toán hóc búa này, trước hết UNIQLO đã chọn một phương pháp Marketing rất truyền thống nhưng vô cùng hiệu quả: Hợp tác với những vận động viên và nhà thiết kế nổi tiếng. Xuyên suốt hành trình phát triển thương hiệu, UNIQLO có nhiều dự án hợp tác với nhiều đại sứ thương hiệu khác nhau. Cụ thể: Công ty đã làm việc với các vận động viên hàng đầu thế giới – là những nhân vật đại diện cho cá tính mạnh mẽ kiên cường và là nguồn cảm hứng sống lạc quan tích cực như nhà vô địch quần vợt Roger Federer, tay golf huyền thoại Adam Scott v.v. Việc hợp tác với các vận động viên – những người hay gắn với các thương hiệu thể thao cao cấp, đã giúp UNIQLO nâng tầm những trang phục tưởng như đơn giản nhưng chứa đựng công nghệ sáng tạo chất liệu tân tiến. Quần áo UNIQLO nhờ đó mà được biết tới nhiều hơn trên toàn thế giới.

Đại sứ thương hiệu toàn cầu của Uniqlo (Nguồn: Uniqlo)
Đại sứ thương hiệu toàn cầu của Uniqlo (Nguồn: Uniqlo)

Sau khi đã khẳng định giá trị thương hiệu của mình với những ngôi sao hàng đầu trong làng thể thao. Năm 2005, với sự gia nhập của Katsuta Yukihito, trưởng phòng R&D, UNIQLO mong muốn tiến thêm một bước để mang phong cách thời trang tối giản tới gần hơn khách hàng quốc tế. UNIQLO bắt đầu thu hút các nhà thiết kế khác nhau trên toàn thế giới có chung hệ giá trị “càng đơn giản càng tốt” với nhãn hàng. Những tên tuổi đình đám phải kể đến như Jil Sander- Nhà thiết kế theo chủ nghĩa tối giản và Tomas Maier – ngôi sao của nhà mốt Bottega Veneta. Để tăng sức hấp dẫn cho các thiết kế, tôn vinh các giá trị địa phương, UNIQLO còn mạnh dạn hợp tác với các nghệ sĩ bản địa tại từng quốc gia mà thương hiệu này đặt chân tới.

Ở Việt Nam, Uniqlo đã hợp tác cùng nhiều họa sĩ nổi tiếng như Vũ Anh Tuấn, Vườn Illustration, Tòhe để cho ra mắt 3 bộ sưu tập với họa tiết UTme! độc đáo. Chính việc biến những trang phục đơn giản thành những thiết kế tinh tế mang giá trị nghệ thuật và thời trang cao đã mở ra cơ hội để giới mộ điệu biết đến và thêm yêu thương hiệu thời trang Nhật Bản này.

Bộ sưu tập hợp tác giữa Uniqlo và nghệ sĩ Việt Nam (Nguồn: Uniqlo)
Bộ sưu tập hợp tác giữa Uniqlo và nghệ sĩ Việt Nam (Nguồn: Uniqlo)

Tiếp nỗi nỗ lực tiến ra thị trường quốc tế, UNIQLO đã kết hợp cả Digital Markting trong chiến lược quảng bá thương hiệu của mình. Từ việc chọn lựa kênh truyền thông chủ lực một cách linh hoạt đã thể hiện sự đầu tư nghiên cứu để thực sự am hiểu khách hàng mục tiêu của UNIQLO tại mỗi quốc gia khác nhau. Ví dụ, tại thị trường Anh và Mỹ, Twitter và Facebook là hai nền tảng được chọn mặt gửi vàng để kết nối thương hiệu với khách hàng. Trong khi ở Trung Quốc, Renren mới là nền tảng truyền thông xã hội được nhãn hàng sử dựng để tiếp cận người tiêu dùng tại quốc gia tỉ dân này.

Chọn lựa được kênh truyền thông phù hợp là bước tiền đề để UNIQLO triển khai nhiều chiến dịch nhận diện thương hiệu độc đáo, đặc biệt dành cho giới trẻ. Năm 2007, lần đầu tiên hãng triển khai chiến dịch truyền thông “Uniqlock” nhằm nâng cao nhận thức thương hiệu UNIQLO trên phạm vi thế giới. Sử dụng cách thức truyền tải thông điệp qua Music-Dance-Clock, UNIQLO đã tạo nên một chiếc đồng hồ gắn liền với điệu nhảy “Core of Woomin” được biên đạo một cách chỉn chu. Tương ứng với khoảng thời gian khác nhau, các vũ công trong video cũng diện các trang phục UNIQLO phù hợp. Tính từ ngày đầu ra mắt tới hiện tại, chiến dịch này đã mang về cho UNIQLO Giải thưởng quảng cáo xuất sắc nhất năm 2008 của One Show Interactive, Giải thưởng Tokyo Interactive Ad Awards (TIAA) ở Nhật Bản.

Tiếp nối thành công đó, năm 2019 chiến dịch #UTPlayYourWorld ra đời. Với mục đích quảng bá bộ sưu tập in đồ họa đặc biệt, chiến dịch này đã đánh dấu sự hợp tác giữa UNIQLO và nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất với giới trẻ hiện nay – Tiktok. Bằng tính năng trải nghiệm tương tác trực tiếp và nhập vai của Tiktok, khuyến khích khách hàng thể hiện các bộ trang phục Uniqlo UT, #UTPlayYourWorld muốn nhấn mạnh tính sáng tạo của thương hiệu này tại thị trường toàn cầu.

Chiến dịch #UTPlayYourWorld đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa Uniqlo và Tiktok (Nguồn: Uniqlo)
Chiến dịch #UTPlayYourWorld đánh dấu sự hợp tác chính thức giữa Uniqlo và Tiktok (Nguồn: Uniqlo)

Chiến lược thương hiệu đa dạng ở cách thể hiện, thống nhất về thông điệp đã giúp chiếc logo màu đỏ trắng từng bước ghi dấu ấn trong mọi tầng lớp khách hàng. Điều này cho thấy sự thành công của UNIQLO trong việc gia tăng độ phủ thương hiệu ở nhiều quốc gia trên thế giới.

3.4 Kết nối khách hàng với giá trị cốt lõi thương hiệu

Song song việc tiếp cận khách hàng thông qua nhiều chiến dịch định vị thương hiệu, team Marketing của UNIQLO còn chọn cho mình một hướng đi khác biệt để mở ra sự kết nối giữa thương hiệu và khách hàng. Một lần nữa để truyền tải triết lý Lifewear, đội ngũ truyền thông của UNIQLO luôn chọn cách PR thương hiệu gắn liền với các hoạt động cộng đồng như quyên góp quần áo cho người tị nan, hỗ trợ các dự án bảo vệ môi trường v.v. Sự đồng cảm của khách hàng với thương hiệu đã giúp UNIQLO có một chỗ đứng vững vàng trong ngành thời trang may mặc.

Đặc biệt, để sợi dây kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng ngày càng bền chặt, UNIQLO còn mong muốn đưa triết lý LifeWear vào mọi ngóc ngách cuộc sống của khách hàng. Sử dụng những chất liệu từ những lát cắt cuộc sống, ấn phẩm LifeWear Magazine lần đầu tiên ra mắt năm 2019 với nhiều câu chuyện sâu sắc, nội dung phong phú đã thu hút sự quan tâm từ hàng triệu Fan hâm mộ UNIQLO trên thế giới. Không chỉ là một ấn phẩm truyền thông thương hiệu thông thường, mỗi số chủ đề Lifewear mang lại nhiều hơn cả là những thông điệp tích cực, khơi gợi cho độc giả cảm hứng sống và niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn.

Ấn phẩm LifeWear số thứ 6
Ấn phẩm LifeWear số thứ 6

Từ những câu chuyện phía sau sản phẩm, những cá nhân có ảnh hưởng mà thương hiệu hợp tác, những nội dung truyền thông xã hội được bản địa hóa – UNIQLO đã chọn để kể câu chuyện thương hiệu của mình một cách rõ ràng và đảm bảo truyền đạt chính xác tới cộng đồng.

3.5 Trải nghiệm khách hàng hướng tới sự hoàn hảo

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành bán lẻ, xuyên suốt hành trình mua sắm, tất cả nhận thức của khách hàng về trải nghiệm của họ với doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng. Tự hào là thương hiệu “bán” chất Nhật cho cả thế giới, UNIQLO luôn nỗ lực từng ngày để mang tới dịch vụ hoàn hảo nhằm nâng tầm trải nghiệm khách hàng.

Những kệ trưng bày sản phẩm tại cửa hàng Uniqlo luôn ngăn nắp.
Những kệ trưng bày sản phẩm tại cửa hàng Uniqlo luôn ngăn nắp.

Tính tới năm 2021, UNIQLO có tổng cộng hơn 2300 cửa hàng tại Nhật Bản và các thành phố lớn trên toàn thế giới. Dựa trên nguyên tắc tập trung vào khách hàng, UNIQLO đã thiết kế để có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mua sắm hoàn hảo nhất. Tại tất cả các cửa hàng của thương hiệu này dù ở quốc gia nào, khách hàng cũng sẽ được đón tiếp bằng câu chào đồng thanh của nhân viên từ cửa.

Tiếp theo, họ sẽ được nhận làn shopping và tự do khám phá không gian mua sắm mang đậm phong cách tối giản với những lối đi rộng, hệ thống tủ kệ gỗ sáng màu, ưu tiên ánh sáng ấm áp. Thay vì gây ấn tượng bởi muôn vàn kiểu dáng mẫu mã trang phục, cửa hàng UNIQLO lại tạo sự phong phú cho mình bằng cách sắp xếp và bài trí vô cùng thông minh. Những kệ quần áo được xếp kịch trần, sự đa dạng về màu sắc, chất liệu vải của mỗi thiết kế được trưng bày đã khiến việc tối giản trong phong cách thiết kế của UNIQLO không hề gây nhàm chán cho khách hàng. Đan xen trong không gian ngập tràn sản phẩm đó, người tiêu dùng còn được tự tay khám phá những thí nghiệm ở quầy giới thiệu dòng vải mới.

Nếu cần nơi dừng chân nghỉ mệt, UNIQLO cũng cung cấp cho khách hàng một khoảng không gian “Comfort zone” với ghế sofa và đồ đồ chơi trẻ nhỏ. Chặng cuối của hành trình sẽ kết lại ở quầy thanh toán được phân khu trật tự, với màn hình led cùng những thước phim giới thiệu về UNIQLO và nụ cười của nhân viên thu ngân.

Không những vậy, với mong muốn tiếp cận gần hơn tới giới trẻ – Thế hệ gen Z – UNIQLO còn mang tới trải nghiệm cá nhân hóa khi mua hàng.

Thương hiệu này cho phép khách hàng sáng tạo nên áo thun phù hợp với sở thích và mang đậm dấu ấn cá nhân, bằng cách lựa chọn hình ảnh, sticker, chữ viết, họa tiết do hãng gợi ý hoặc tự tay vẽ để in lên chiếc áo thun trắng cơ bản. Có thể nói, đến cửa hàng UNIQLO bạn sẽ nhận được trải nghiệm mua sắm đậm chất Nhật: đông đúc nhưng trật tự.

Không gian trải nghiệm tại cửa hàng Uniqlo.
Không gian trải nghiệm tại cửa hàng Uniqlo.

Tuy vậy, sự trải nghiệm tuyệt vời tại cửa hàng mua sắm của UNIQLO đã bị hạn chế với khi COVID xảy ra vào cuối năm 2019.

Trong bối cảnh các quốc gia phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, việc các cửa hàng phải tạm đóng cửa đã thúc đẩy UNIQLO nhanh chóng hoàn thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng cả trên nền tảng trực tuyến. Nếu tại Châu u và Mỹ, thương hiệu này đã phát triển hệ thống bán lẻ thông qua Website từ rất lâu.

Thì theo báo cáo tài chính UNIQLO năm 2021, tại thị trường quan trọng thứ 2 của UNIQLO – Đông Nam Á, phải tới tháng 9 công ty mới triển khai thương mại điện tử ở Indonesia, tháng 11 tại Việt Nam. Với 10% tổng doanh thu tới từ thương mại điện tử, UNIQLO đã lên kế hoạch củng cố tổ chức và nâng cấp nền tảng thương mại điện tử để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng không giảm khi mua sắm online.

Qua đó, thương hiệu thời trang nhanh Nhật Bản này hy vọng tăng tỷ lệ doanh thu bằng thương mại điện tử lên 30% trong những năm tới.

Trong thế giới thời trang đầy màu sắc, mỗi một ngày trôi qua lại có thêm một ý tưởng mới xuất hiện, một thương hiệu mới được trình làng. Nhưng chắc chắn, trong khi các nhà bán lẻ khác đang loay hoay giải quyết những hệ lụy của đế chế “thời trang nhanh” như ô nhiễm môi trường, bất công trong lao động; thì UNIQLO với chiến lược kinh doanh độc đáo, triết lý khác biệt của mình đã ở đó âm thầm lấp đầy khoảng trống không chỉ trong tủ quần áo, mà cả trái tim của hàng triệu khách hàng trên thế giới.

4. Bộ công cụ tối ưu hoạt động kinh doanh MISA AMIS CRM

phần mềm quản lý bán hàng misa amis crm
Phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM – Nâng cao sự hài lòng của khách hàng
  • Là nhà quản lý kinh doanh, bạn luôn trăn trở những vấn đề như:
  • Làm thế nào để quản lý lượng lớn dữ liệu khách hàng tập trung, tránh thất thoát?
  • Làm sao để quản lý đội ngũ sales, nhân viên đi thị trường hiệu quả?
  • Làm sao để có báo cáo tình hình kinh doanh tức thì để kịp thời ra quyết định?

Làm sao để tối ưu các quy trình, tránh chồng chéo, số liệu không đồng nhất giữa bộ phận Marketing – Kế toán – Bán hàng?

Những vấn đề trên sẽ được giải quyết khi sử dụng công cụ MISA AMIS CRM. Với MISA AMIS CRM:

  • Quản lý tập trung mọi data khách hàng
  • Quản lý & giám sát sale hiệu quả
  • Quản lý hàng hóa, tồn kho, danh mục hàng hóa dễ dàng
  • Tối ưu các quy trình tạo báo giá, lên đơn hàng, phê duyệt
  • Báo cáo hiệu quả bán hàng đa chiều

ĐĂNG KÝ 15 NGÀY DÙNG THỬ MIỄN PHÍ

Tin bài liên quan:

Bài viết được tổng hợp và biên soạn bởi Viện Đổi mới doanh nghiệp MISA (MIBI), để cập nhật các thông tin hữu ích mời anh/chị truy cập kho tài nguyên miễn phí về Khóa học/Video/Ebook tại Viện đổi mới doanh nghiệp MISA.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả