Chiến lược kinh doanh của Co.opmart chi tiết nhất

27/05/2022
3005

Chiến lược kinh doanh của Coopmart được đánh giá là vô cùng hiệu quả và đã giúp hệ thống siêu thị này trở thành một trong những chuỗi siêu thị bán lẻ lớn như ngày hôm nay.

Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu rõ hơn về chiến dịch kinh doanh của doanh nghiệp này qua bài viết dưới đây.

I. Giới thiệu về siêu thị Coopmart

Co.opmart (còn được gọi là Co.op Mart, Co-opmart hay Coopmart) là một trong những hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam. Siêu thị này trực thuộc Liên hiệp các Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).

Trong quá trình hình thành và phát triển cho tới nay, sở hữu hơn 130 điểm bán là các siêu thị và đại siêu thị, Co.opmart hiện là doanh nghiệp có nhiều siêu thị nhất Việt Nam.

Giới thiệu về Coopmart
Coopmart là một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam

Vào năm 1989, trong bối cảnh mô hình kinh tế Hợp tác xã kiểu cũ đã lỗi thời và dần lâm vào tình thế khủng hoảng, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương chuyển đổi Ban Quản lý Hợp tác xã Mua bán trở thành Liên hiệp Hợp tác xã mua bán Thành phố Hồ Chí Minh, tên gọi khác là Saigon Co.op.

Saigon Co.op với vai trò là tổ chức kinh tế Hợp tác xã có 2 chức năng chính là kinh doanh trực tiếp, đồng thời tổ chức những phong trào Hợp tác xã tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Từ năm 1992 – 1997, với mục tiêu gia tăng nguồn lực và phát triển nhân sự, Saigon Co.op đã liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để học hỏi thêm những kinh nghiệm quản lý kinh doanh.

Sự ra mắt của siêu thị đầu tiên trong hệ thống siêu thị Co.opmart đã đánh dấu sự kiện nổi bật nhất của Saigon Co.op vào ngày 9/2/1996. Với sự giúp đỡ đến từ Hợp tác xã của Nhật, Singapore và Thuỵ Điển, cùng với loại hình kinh doanh bán lẻ mới, phù hợp với định hướng phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, Saigon Co.op đã khởi đầu chặng đường phát triển mới.

II. Phân tích mô hình SWOT của Co.opmart

Để trở thành một trong những hệ thống siêu thị lớn như ngày hôm nay, Co.opmart đã biết tận dụng điểm mạnh, khắc phục điểm yếu cũng như chớp lấy thời cơ kịp thời trong những hoạt động kinh doanh của mình.

Về cơ bản, Co.opmart có những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức chính như sau:

1. Điểm mạnh của Coopmart (Strengths)

1.1. Đẩy mạnh nhãn hàng riêng

Nổi tiếng là nhãn hàng riêng của Saigon Co.op, lợi thế về nhãn hàng riêng chính là điểm mạnh của Co.opmart. Nhãn hàng riêng này xuất hiện trên tất cả sản phẩm nhằm thu hút khách hàng, tạo danh tiếng, đảm bảo với khách hàng về uy tín và chất lượng sản phẩm.

Trước khi cho ra mắt bất kỳ sản phẩm mới nào, Saigon Co.op cũng nghiên cứu, chọn lọc và kiểm định cẩn thận để đảm bảo cho khách hàng về chất lượng và củng cố niềm tin nơi khách hàng.

Nhãn hàng riêng là lợi thế lớn của Coopmart
Nhãn hàng riêng là lợi thế lớn của Coopmart

1.2. Chất lượng tốt, được khách hàng tín nhiệm

Với chất lượng sản phẩm tốt, những sản phẩm của Co.opmart luôn được khách hàng tín nhiệm và tin dùng.

Khi đề cập đến chất lượng sản phẩm, bà Phạm Thị Thanh Tuyền – Giám đốc Phòng Hàng nhãn riêng cho biết: “Chất lượng luôn là một trong những tiêu chí hàng đầu mà sản phẩm của Co.opmart đã đặt ra, hàng hóa được sản xuất trên tiêu chuẩn do Saigon Co.op xây dựng với sự cam kết của nhà cung cấp. Việc kiểm soát hàng hóa được quản chặt từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, quá trình sản xuất đến khi đưa vào kinh doanh.”

2. Điểm yếu của Coopmart (Weaknesses)

2.1. Chưa tận dụng được sức mạnh của Internet

Một trong những điểm yếu của Co.opmart phải kể đến việc chưa tận dụng được sự phát triển của Internet. So với những đối thủ khác như Vinmart hay Topmarket, Co.opmart vẫn chưa thực sự triển khai hiệu quả hình thức mua hàng online và các hình thức thanh toán linh động.

2.2. Cơ sở vật chất không được nâng cấp thường xuyên 

Một điểm yếu nữa mà Co.opmart cần cải thiện đó là về cơ sở vật chất. Do hệ thống làm lạnh tại nhiều siêu thị trong chuỗi đã xuống cấp, khiến khách hàng cảm thấy không thoải mái và chịu nóng trong nhiệt độ nóng của mùa hè. Bên cạnh đó, một số siêu thị có nhà vệ sinh chưa được sạch sẽ, thơm tho và là một điểm trừ lớn trong mắt khách hàng.

3. Cơ hội của Co.opmart (Opportunities)

3.1. Nhu cầu mua sắm tại siêu thị vẫn là thị hiếu chung

Với sự tiện lợi cùng nhiều mặt hàng đa dạng, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng mua hàng ở siêu thị hơn là mua ở chợ. Điều kiện tài chính và chất lượng sống của người Việt cũng đã phát triển hơn trước, dẫn đến nhu cầu lựa chọn sản phẩm tại siêu thị cũng cao hơn. Nhu cầu của khách hàng tăng chính là một cơ hội để Co.opmart xây dựng thêm những chiến lược kinh doanh của mình.

3.2. Thị trường bán lẻ hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư

Hiện nay, một trong những thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư nhất chính là thị trường bán lẻ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế 11 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào thị trường bán lẻ, bán buôn đạt 9 tỉ USD, chiếm 2,2% tổng vốn cả nước. Vì vậy, sự phát triển của thị trường bán lẻ chính là cơ hội để Co.opmart phát triển hơn nữa.

Thị trường bán lẻ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư là cơ hội trong chiến lược kinh doanh của Coopmart
Thị trường bán lẻ hấp dẫn thu hút nhà đầu tư là cơ hội trong chiến lược kinh doanh của Coopmart

4. Thách thức của Coopmart (Threats)

4.1. Mức độ cạnh tranh cao

Chính vì sự phát triển của thị trường bán lẻ nên Co.opmart cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh cao từ các đối thủ lớn như Vinmart, Topmarket, Lotte,… Ngoài ra, Co.opmart cũng phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh thay thế như chợ, quầy tạp hoá và cửa hàng tiện lợi.

4.2. Lạm phát và tốc độ tăng giá

Tốc độ lạm phát và tăng giá của các mặt hàng do ảnh hưởng của lạm phát cũng là một trong những thách thức lớn mà Co.opmart phải đối mặt. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực lạm phát lớn, với nguyên nhân từ sự cộng hưởng của nhu cầu tăng đột biến và nguồn cung không đủ lớn để đáp ứng được tổng nhu cầu của thị trường.

III. Chiến lược kinh doanh của Coopmart

Bằng cách xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, Co.opmart đã trở thành một trong những hệ thống siêu thị bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Vậy chiến lược kinh doanh của Co.opmart hiệu quả và sắc bén như thế nào?

1. Triết lý kinh doanh của Coopmart

Trong quá trình phát triển, triết lý kinh doanh quan trọng nhất, là “kim chỉ nam” định hướng những hoạt động kinh doanh.

Triết lý kinh doanh của Co.opmart: “Với lòng tận tâm phục vụ và khát khao vươn lên, Co.opmart khẳng định Thương hiệu siêu thị dẫn đầu tại Việt Nam và phát triển ra khu vực, nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng và cộng đồng”.

2. Mục tiêu chiến lược kinh doanh của Coopmart

Mục tiêu chính trong chiến lược kinh doanh của Co.opmart là nỗ lực cải tiến nhằm mang lại sự hài lòng và những lợi ích thiết thực cho khách hàng và cộng đồng.

Với mục tiêu kinh doanh này, Co.opmart đã không ngừng phát triển sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng và giữ chân khách hàng ở lại lâu nhất có thể.

Mục tiêu trong chiến lược kinh doanh của Coopmart là giữ chân khách hàng ở lại lâu nhất
Mục tiêu trong chiến lược kinh doanh của Coopmart là giữ chân khách hàng ở lại lâu nhất

3. Thay đổi nhận diện & định vị lại thương hiệu để phát triển kinh doanh

Hướng đến mục tiêu triển khai chiến lược kinh doanh phát triển bán hàng đa kênh và đa khu vực, việc thay đổi nhận diện và định vị thương hiệu của nhãn hàng riêng được cho là cần thiết đối với Saigon Co.op.

Vì vậy, từ năm 2019, công ty này đã quyết định định vị lại nhãn hàng riêng để cung cấp những dịch vụ tốt hơn đối với các phân khúc khách hàng mục tiêu. Hiện tại, Saigon Co.op đã có 3 dòng hàng riêng, bao gồm:

  • Co.op Finest (dòng hàng dành cho phân khúc khách hàng cao cấp)
  • Co.op Select (dòng hàng dành cho phân khúc khách hàng phổ thông)
  • Co.op Happy (dòng hàng tiết kiệm).

Với sự tư vấn của các chuyên gia về xây dựng chiến lược thương hiệu nổi tiếng trên thế giới – Công ty Landor, Co.opmart đã xuất hiện trước mắt khách hàng với diện mạo hoàn toàn mới sau quá trình 2 năm chuẩn bị.

Chuyển tiếp từ sắc đỏ và xanh – 2 màu vốn đã quen thuộc với khách hàng sang sắc hồng thắm chính là biểu tượng cho sự nhiệt huyết, đồng hành cùng với sắc xanh dương biểu tượng cho niềm tin mạnh mẽ, quyết tâm mang lại chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng.

Phân tích chiến lược kinh doanh của Co.opmart
Phân tích chiến lược kinh doanh của Coopmart

4. Tập trung nghiên cứu hành vi người tiêu dùng

Co.opmart rất chú trọng vào hoạt động nghiên cứu & phát triển trong chiến lược kinh doanh, cụ thể là hoạt động nghiên cứu hành vi người tiêu dùng.

Để nắm bắt những nhu cầu thay đổi theo thời gian của khách hàng, Co.opmart sở hữu riêng một đội ngũ nhân sự chuyên nghiên cứu thị trườngnghiên cứu hành vi tiêu dùng của khách hàng để từ đó nghiên cứu và phát triển những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất với mong muốn của khách hàng.

5. Quản trị nhân sự hiệu quả

Một trong những hoạt động quan trọng nhất trong chiến lược kinh doanh của Co.opmart là quản trị nhân sự.

Yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của Saigon Co.op chính là nhờ chiến lược quản trị nhân sự hiệu quả và niềm tin vào sức mạnh tập thể. Hiện nay, trong tổng số lao động của Saigon Co.op hơn 10.000 người, lực lượng trẻ lao động trực tiếp chiếm hơn 80%.

Bên cạnh đó, công tác nhân sự và chính sách cho người lao động hằng năm đều có nhiều chuyển biến tích cực. Saigon Co.op đã xây dựng chính sách đào tạo và chú trọng về chất lượng nhân sự.

Hầu hết nhân sự của Saigon Co.opmart đều được đào tạo bài bản và thành thạo nghiệp vụ. Với mục tiêu nâng cao tay nghề chuyên môn cho nhân sự, Saigon Co.op cũng đã thành lập Trung tâm Huấn luyện nghiệp vụ.

6. Mở rộng mạng lưới & đa dạng hóa mô hình bán lẻ

Co.opmart không ngừng mở rộng hệ thống siêu thị trên toàn quốc, với hơn 130 siêu thị và đại siêu thị, nhằm tiếp cận và phục vụ khách hàng ở nhiều khu vực.

Bên cạnh siêu thị truyền thống, Co.opmart phát triển các mô hình như Co.opXtra (đại siêu thị), Co.op Food (cửa hàng thực phẩm), và Co.op Smile (cửa hàng tiện lợi) để đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng.

Co.op Mart đa dạng hóa mô hình bán lẻ
Co.op Mart đa dạng hóa mô hình bán lẻ

7. Chiến lược công nghệ và đổi mới

Co.opmart đã áp dụng các giải pháp công nghệ trong quản lý kho, bán hàng và chăm sóc khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Cùng đó, thương hiệu này cũng mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, đáp ứng xu hướng mua sắm hiện đại và tiện lợi cho khách hàng.

IV. Chiến lược marketing của Coopmart

1. Chiến lược sản phẩm chú trọng chất lượng

Co.opmart cung cấp hơn 85% hàng hóa là sản phẩm trong nước, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Cùng đó, Co.opmart thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt từ khâu nhập hàng đến khi bày bán, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.

2. Chiến lược giá cạnh tranh

Co.opmart định giá phù hợp với thị trường, thường xuyên có các chương trình khuyến mãi và ưu đãi cho khách hàng thân thiết.

Với các nhãn hàng riêng của mình như gạo Jasmine, khăn giấy Napkin, nước rửa chén, thực phẩm đông lạnh và quần áo, với giá thấp hơn từ 3% đến 20% so với giá thị trường. Chính sách này giúp tăng tính cạnh tranh về giá cả, đồng thời đảm bảo chất lượng, thu hút sự ưa chuộng của người tiêu dùng

3. Chiến lược promotion tập trung vào khuyến mãi, ưu đãi & hậu đãi

Co.opmart tổ chức các chương trình khuyến mãi vào các dịp lễ, Tết, cung cấp dịch vụ gói quà miễn phí và nhiều ưu đãi khác, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.

Siêu thị cũng triển khai các chương trình như “Khách hàng thân thiết”, “Thẻ thành viên”, “Thanh toán thẻ tín dụng” và “Bán phiếu quà tặng”, giúp nắm bắt thông tin khách hàng để gửi thông tin khuyến mãi, dịch vụ hoặc chúc mừng sinh nhật, tạo mối quan hệ mật thiết với khách hàng.

Co.opmart promotion
Co.opmart tập trung vào khuyến mãi, ưu đãi & hậu đãi

Cùng đó, dịch vụ khách hàng và hậu mãi cũng được Co.opmart chú trọng. Siêu thị cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi của khách hàng.

4. Chiến lược phân phối nội địa hóa

Co.opmart thực hiện chiến lược “nội địa hóa”, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước.

Co.opmart hợp tác chặt chẽ với các nhà sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng hàng hóa, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường.

V. Tạm kết chiến lược kinh doanh của Co.opmart

Với những chiến lược kinh doanh hiệu quả, Co.opmart đã dần trở thành một trong những hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam. Hy vọng qua bài viết này, anh/chị có thể hiểu rõ hơn về chiến lược kinh doanh của Coopmart và áp dụng thành công phần nào vào chiến lược riêng của doanh nghiệp mình.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả