Chiến lược marketing của mì Kokomi đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi và trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều người tiêu dùng Việt. Không những thế, theo báo cáo của Masan Consumer, Kokomi ghi nhận doanh số trên 2.000 tỷ đồng, trở thành một trong những thương hiệu mì ăn liền thành công nhất tại Việt Nam.
Vậy Kokomi đã áp dụng những chiến lược marketing nào để trở thành một phần quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam?
I. Giới thiệu về mì Kokomi
Mì Kokomi là một thương hiệu mì ăn liền quen thuộc tại Việt Nam, thuộc phân khúc trung cấp và được sản xuất bởi Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer).
Mì Kokomi được nhiều người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng nhờ hương vị đa dạng và chất lượng ổn định. Sản phẩm nổi bật với sợi mì dai ngon, nước súp đậm đà và giá cả hợp lý.
Kokomi cung cấp đa dạng các hương vị mì, bao gồm:
- Mì Kokomi tôm chua cay
- Mì Kokomi bò hầm rau thơm
- Mì Kokomi gà quay sa tế sốt hành
- Mì Kokomi gà sợi phở
- Mì Kokomi đại
- Kokomi hải sản Kayakay
Trong năm 2023, chiến lược marketing của mì Kokomi khi ra mắt sản phẩm “đại một gói rưỡi” với trọng lượng tăng nhưng giá không đổi, nhận được sự ủng hộ tích cực từ người tiêu dùng.
II. Phân tích SWOT của Kokomi
Việc nhận diện và phân tích các yếu tố SWOT giúp thương hiệu xây dựng chiến lược marketing của mì Kokomi phù hợp, tận dụng điểm mạnh và cơ hội, đồng thời khắc phục điểm yếu và đối phó hiệu quả với các thách thức trên thị trường
1. Điểm mạnh (Strengths):
Thương hiệu uy tín: Kokomi là một trong những thương hiệu mì ăn liền nổi tiếng tại Việt Nam, thuộc sở hữu của Tập đoàn Masan – một trong những tập đoàn hàng tiêu dùng hàng đầu.
Sản phẩm đa dạng: Kokomi cung cấp nhiều loại mì với hương vị phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Hệ thống phân phối rộng khắp: Sản phẩm Kokomi có mặt tại hầu hết các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và tạp hóa trên toàn quốc, giúp tiếp cận dễ dàng đến người tiêu dùng.
2. Điểm yếu (Weaknesses):
Phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu: Phần lớn nguyên liệu sản xuất mì Kokomi được nhập khẩu, dẫn đến chi phí sản xuất cao và phụ thuộc vào biến động thị trường quốc tế.
Chưa tập trung hoàn toàn vào sản phẩm mì gói: Masan là tập đoàn đa ngành, do đó có thể thiếu sự tập trung tối đa vào việc phát triển và cải tiến sản phẩm mì Kokomi.
3. Cơ hội (Opportunities):
Thị trường tiêu thụ lớn: Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền đứng thứ ba thế giới, tạo cơ hội lớn cho Kokomi mở rộng thị phần.
Xu hướng tiêu dùng thực phẩm tiện lợi: Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tiện lợi như mì ăn liền, đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống bận rộn.
4. Thách thức (Threats):
Cạnh tranh gay gắt: Thị trường mì ăn liền Việt Nam có sự tham gia của nhiều thương hiệu lớn như Hảo Hảo, 3 Miền, Gấu Đỏ, tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cho Kokomi.
Xu hướng tiêu dùng lành mạnh: Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe, ưa chuộng các sản phẩm ít chất béo, ít muối, có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền truyền thống.
III. Phân tích chiến lược marketing của mì Kokomi
1. Chiến lược sản phẩm: định vị tầm trung – hướng đến khách hàng phổ thông
Kokomi chọn phân khúc bình dân để tiếp cận đại chúng. Chiến lược marketing của mì Kokomi tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập trung bình và thấp, nhấn mạnh vào giá cả hợp lý nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Ngoài mang đến cho người tiêu dùng lựa chọn “ngon, bổ, rẻ”, Kokomi cũng tạo nên điểm khác biệt với các loại mì khác trên thị trường, nổi bật với sợi mì dai và nước súp đậm đà.
Bên cạnh đó, chiến lược sản phẩm của Kokomi cũng tập trung marketing sản phẩm Kokomi Đại với thế mạnh gấp rưỡi gói mì bình thường như giá không đổi, đúng với điểm đặc trưng “ngon, bổ, rẻ” mà thương hiệu này muốn hướng đến.
2. Chiến lược giá cạnh tranh phù hợp khách hàng mục tiêu
Với mục tiêu tiếp cận rộng rãi, chiến lược marketing của mì Kokomi sử dụng chiến lược giá cạnh tranh, phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng Việt Nam.
Với mức giá hợp lý, thương hiệu dễ dàng tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng và chiếm lĩnh thị phần lớn trong thị trường mì ăn liền. Chiến lược này cho phép Kokomi tận dụng lợi thế về giá để cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu lớn như Hảo Hảo và Gấu Đỏ.
So sánh giá của Kokomi so với các thương hiệu cùng tệp khách hàng:
Thương hiệu | Khối lượng | Giá/sản phẩm |
Kokomi | 90gr | 4.100 vnđ |
Hảo Hảo | 75gr | 4.200 vnđ |
3 miền | 65gr | 3.500 vnđ |
Gấu đỏ | 63gr | 3.500 vnđ |
Vifon | 80gr | 5.100 vnđ |
Miliket | 65gr | 3.500 vnđ |
Có thể thấy giá Kokomi “mềm” hơn các đối thủ mì ăn liền khác. Tuy nhiên với khoảng giá thấp từ 3.500 vnđ – 5.000 vnđ thì chiến lược giá cạnh tranh do Kokomi đưa ra không phải là yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của khách hàng.
Với khoảng giá này, khách hàng thường không quan tâm nhiều đến giá. Thay vào đó, họ quan tâm đến hương vị nhiều hơn. Nhưng đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp Kokomi có thể thâm nhập sâu rộng vào cả các thị trường vùng sâu, vùng xa hoặc khách hàng là quán ăn, bếp ăn, thường xuyên mua hàng với số lượng lớn.
Đọc thêm: 10+ chiến lược định giá sản phẩm mới
3. Chiến lược phân phối đa kênh & phủ rộng
Kokomi áp dụng chiến lược phân phối đa kênh, bao gồm:
Kênh truyền thống: Sản phẩm được phân phối qua các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và đại lý bán lẻ, giúp tiếp cận sâu rộng đến người tiêu dùng ở cả thành thị và nông thôn.
Kênh hiện đại: Kokomi có mặt tại các siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Lotte Mart, VinMart và các cửa hàng tiện lợi như Circle K, FamilyMart, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng hiện đại.
Kênh trực tuyến: Thương hiệu cũng khai thác các nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, giúp người tiêu dùng dễ dàng mua sắm trực tuyến.
Mạng lưới phân phối rộng khắp là điểm mạnh lớn trong chiến lược marketing của mì Kokomi. Thương hiệu mì Kokomi đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy sản phẩm ở bất kỳ đâu.
Với hệ thống phân phối rộng, Kokomi đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. Sự hiện diện rộng rãi cũng giúp Kokomi tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng cũng như đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của thị trường.
4. Chiến lược xúc tiến bán
Kokomi đầu tư mạnh vào các hoạt động quảng cáo trên truyền hình, báo chí và mạng xã hội. Các chiến dịch quảng cáo mì Kokomi thường nhấn mạnh vào những điểm mạnh như “sợi mì dai ngon” và “hương vị đậm đà”, tạo ấn tượng mạnh với người tiêu dùng.
Kokomi khá mạnh tay khi mời những KOL, influencer cực đình đám xuất hiện trong các quảng cáo của mình. Điển hình, thương hiệu đã mời ngay Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa Bình Quốc tế để đại diện cho chiến dịch quảng cáo Mì Kokomi Đế vương mới.
Kokomi cũng hợp tác với Lê Dương Bảo Lâm trong hàng loạt chiến dịch quảng cáo. Theo đó, Lê Dương Bảo Lâm xuất hiện như một đại sứ thương hiệu, đồng hành cùng mì Kokomi trong TVC truyền hình, chiến dịch “Truy tìm cao thủ đội mỳ”, chương trình giải trí 2 ngày 1 đêm, livestream chốt đơn qua Shopee, Lazada, Facebook,…
Tuy nhiên, chiến dịch quảng cáo mì Kokomi cũng vướng phải tranh cãi không đáng có với slogan Dai ngon vàng sáng – Không cần trụng của sản phẩm Kokomi Pro. Một số khách hàng cho rằng thông điệp này nhấn mạnh đến việc Kokomi cho rằng sản phẩm của mình ít chất bảo quản hơn các sản phẩm mì ăn liền khác.
Chiến dịch quảng cáo này không may lại làm khách hàng nhớ đến các quảng cáo đánh vào nỗi sợ mà Masan từng triển khai trước đây như nước mắm không chứa Ure, hay nước mắm không thạch tín.
Ngoài ra, Kokomi cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại hấp dẫn, như tặng kèm sản phẩm hoặc giảm giá, nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.
Lấy ví dụ chiến dịch “Kokomi Đại – Truy tìm cao thủ đội mì” từ 15/12/2023 – 15/01/2024, với giải thưởng cao nhất lên đến 113 triệu đồng, cùng 112 giải thưởng khác nhận được quan tâm của đông đảo khách hàng.
Tạm kết
Nhờ áp dụng một cách hiệu quả các chiến lược marketing về định vị, sản phẩm, giá cả, phân phối, truyền thông và khuyến mãi, Kokomi đã thành công trong việc xây dựng một thương hiệu mì ăn liền mạnh mẽ và bền vững tại Việt Nam.
Các chiến lược marketing của mì Kokomi không chỉ giúp thương hiệu tăng trưởng về doanh số mà còn củng cố hình ảnh thương hiệu thân thiện, tiện lợi trong lòng người tiêu dùng.