Chiến lược Marketing của Be – Siêu ứng dụng dành cho người Việt

06/11/2024
783

Chiến lược Marketing của Be đã giúp thương hiệu này đi từ con số 0 trở thành thương hiệu gọi xe Top-of-Mind trên thị trường Việt? Be đã định vị thương hiệu, tạo khác biệt cạnh tranh giữa những đối thủ lớn trong ngành, tạo các chiến dịch truyền thông độc đáo từ đó thu hút và giữ chân khách hàng như thế nào?

Bài viết này dưới đây giúp bạn có cái nhìn toàn diện về những nỗ lực của Be trên hành trình chinh phục khách hàng Việt Nam.

1. Giới thiệu chung về thương hiệu BE

1.1. Ra đời và phát triển

Sự ra đời và phát triển của Be Group 

Công ty cổ phần Be Group là một công ty công nghệ Việt Nam, được thành lập vào năm 2017, chuyên phát triển và vận hành nền tảng đa dịch vụ. Be Group là một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam với sứ mệnh trở thành cầu nối giữa mọi khách hàng và người cung cấp dịch vụ.

Trong năm 2018, Be đã chính thức lăn bánh với cả hai dịch vụ beBike và beCar ở cả hai thành phố lớn của Việt Nam.

Năm 2019, Be phát triển dịch vụ mới như giao hàng và thanh toán trực tuyến, tạo ra hệ sinh thái đa dạng cho người dùng.

Đến năm 2021, công ty tiếp tục đổi mới công nghệ, hợp tác với ngân hàng và công ty tài chính lớn. Nổi bật, Be Group đã phối hợp cùng VPBank ra mắt ngân hàng số Cake để cung cấp thêm dịch vụ bảo hiểm và tài chính cá nhân.

Be Group là của ai

Be Group được thành lập bởi ông Trần Thanh Hải và bà Nguyễn Hoàng Phương trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang khởi sắc với các ứng dụng đặt xe công nghệ.

Đến năm 2021 bà Vũ Hoàng yến chính thức lên chức Tổng giám đốc của tập đoàn này và đánh dấu một bước ngoặt mới trong dịch vụ của Be Group.

Tuy đối mặt với nhiều thách thức từ cạnh tranh trong ngành nhưng tới nay, Be vẫn kiên định với tầm nhìn trở thành ứng dụng đa dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng một nền tảng công nghệ do người Việt, phục vụ mọi nhu cầu của người dân.

1.2. Tầm nhìn, sứ mệnh

Tầm nhìn

Trở thành nền tảng tiêu dùng số hàng đầu, phục vụ mọi nhu cầu hàng ngày của người Việt, tạo ra một không gian kết nối đa dạng và thuận tiện cho người dùng.

Sứ mệnh

Cam kết đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng hàng ngày với một trải nghiệm chu đáo và hài lòng, dựa vào hệ sinh thái mở và hợp tác với nhiều đối tác, nhằm mang lại giá trị thực cho cộng đồng.

Giá trị thương hiệu

  • Vì cộng đồng
  • Không ngừng đổi mới
  • Tạo điều kiện phát triển
Mạng lưới phát triển dịch vụ Be Group cung cấp
Mạng lưới phát triển dịch vụ Be Group cung cấp (Nguồn: be.com.vn)

1.3. Doanh thu của Be Group

Cùng với Xanh SM, Be đang dần dần chiếm lấy thị trường gọi xe công nghệ, đe dọa vị trí của Grab. Với sự mở rộng về quy mô đội xe và dịch vụ, doanh thu của Be Group không ngừng tăng trưởng.

Theo dữ liệu của Vietdata, năm 2023, Be Group đạt được mức doanh thu thuần gần 1.600 tỷ đồng tuy nhiên lỗ sau thuế gần 1.000 tỷ đồng. Mức lỗ này nhỉnh hơn một chút so với năm 2022 (-957 tỷ). Tính đến cuối năm 2023, ước tính Be group lỗ lũy kế gần 4.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo khảo sát thị trường gọi xe vừa được Q&Me công bố cuối quý I năm 2024, Be hiện giữ vị trí thứ 2 trong cuộc đua thị phần của dịch vụ đặt xe trực tuyến với 32% thị phần người dùng thường xuyên. Trong đó, Be nắm chắc phần thắng phân khúc Gen Z. Cụ thể, khách hàng trong độ tuổi từ 24 – 30 tuổi có đến 43% thường xuyên dùng Be.

thi-phan-cua-be-group
Be giữ vị trí thứ 2 trong cuộc đua thị phần của dịch vụ đặt xe trực tuyến

2. Phân khúc khách hàng mục tiêu của Be

Nếu Grab lựa chọn nhóm khách hàng mục tiêu chính yếu là các nhân viên văn phòng với phân khúc giá trung bình cao, phân khúc khách hàng mục tiêu của Be hướng tới là học sinh sinh viên.

Chiến lược Marketing của Be hướng tới các khách hàng ưu tiên chi phí khi lựa chọn thương hiệu xe ôm công nghệ. Sau khi chiếm lĩnh được thị phần trẻ tuổi, Be tiếp tục đưa ra các chiến lược đa mức giá nhằm mở rộng thị phần với nhóm người mới đi làm và nhân viên văn phòng.

2.1. Nhân khẩu học

  • Độ tuổi: 16 – 35, là nhóm khách hàng trẻ, năng động và thường xuyên sử dụng các dịch vụ công nghệ.
  • Thu nhập: thấp đến trung bình, ưu tiên các dịch vụ chất lượng với giá cả phải chăng.
  • Địa lý: tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.

2.2. Tâm lý

  • Lối sống năng động, thích khám phá các trải nghiệm mới.
  • Họ có xu hướng nhạy cảm với giá cả, tìm kiếm dịch vụ chất lượng với mức giá hợp lý, thường so sánh và đánh giá giá trị dịch vụ để đưa ra quyết định sử dụng.
  • Mong đợi các trải nghiệm dịch vụ thân thiện, chuyên nghiệp và đáng tin cậy(bao gồm các yếu tố: tốc độ phục vụ, sự thân thiện của tài xế, sự thuận tiện trong thanh toán,…).
  • Lòng trung thành không cao, nhiều khả năng cởi mở đón nhận các sản phẩm mới, nhất là trong chương trình ưu đãi/khuyến mãi.

2.3. Hành vi

  • Thường xuyên di chuyển giữa các địa điểm như trường học, nơi làm việc, quán cà phê và các khu vực giải trí, nhu cầu cao sử dụng dịch vụ gọi xe.
  • Ưu tiên sử dụng các dịch vụ đặt hàng /đặt đồ ăn trực tuyến, và ưu tiên các dịch vụ tiện lợi, nhanh chóng.
  • Trước khi sử dụng dịch vụ, họ thường tìm kiếm thông tin qua các kênh truyền thông xã hội, đánh giá từ bạn bè hoặc các đánh giá trực tuyến về dịch vụ.

3. Phân tích chiến lược Marketing của Be tại Việt Nam theo mô hình 4P

Để đạt được những thành tựu và vị thế như hiện tại, Be đã không ngừng cải tiến chất lượng và đa dạng hóa danh mục dịch vụ. Vậy doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược Marketing Mix như thế nào để đạt được những tham vọng của mình?

3.1. Products

Chiến lược phát triển sản phẩm

Be Group, mặc dù là một tân binh trong lĩnh vực xe ôm công nghệ tại Việt Nam, đã nhanh chóng khẳng định vị thế vững mạnh nhờ vào sự đa dạng trong dịch vụ với hệ sinh thái phong phú và đa mức giá.

Các dịch vụ của Be bao gồm các gọi xe di chuyển như BeBike và BeBike Plus cho xe máy, cũng như BeCar và BeCar Plus cho xe ô tô.

Không chỉ dừng lại ở đó, Be còn kết hợp thêm với các doanh nghiệp cung cấp đặt vé máy bay, vé tàu,… vừa gia tăng độ phủ sóng và đa nhiệm của doanh nghiệp, vừa mang lại trải nghiệm tiện lợi cho khách hàng.

Mục tiêu hướng đến của Be là nền tảng đa dịch vụ. (Nguồn: be.com.vn)

Chiến lược đa dạng hóa liên kết

Bên cạnh đó, Be còn cung cấp dịch vụ giao hàng đa dạng thông qua beFood cho giao đồ ăn, và beExpress/beDelivery cho giao hàng nhanh chóng, và mới đây nhất là chiến dịch ra mắt beClean – dịch vụ giúp việc.

Bằng cách không ngừng đổi mới và mở rộng danh mục dịch vụ, Be không chỉ tạo ra một trải nghiệm tiện lợi và hấp dẫn cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ lớn trong ngành.

3.2. Price – Chiến lược định giá cạnh tranh

Nhìn chung, Be Group đã và đang áp dụng chiến lược định giá thấp hơn so với đối thủ cạnh tranh, với mức giá cước thường thấp hơn khoảng 20%.

Ngay những ngày đầu phát triển thương hiệu của Be, họ đã khẳng định giá cước sẽ không thay đổi bất kể là giờ cao điểm hay thời tiết xấu. Trong khi đó, hai ông lớn Grab và Gojek lại thường xuyên tăng giá cước vào những thời điểm cao điểm.

Điều này đã thu hút tệp khách hàng mục tiêu của Be – nhóm người trẻ nhạy cảm với giá. Sau rất nhiều chiến dịch siêu ưu đãi, sức tăng trưởng người dùng của Be vô cùng mạnh mẽ và là bước đà cho thương hiệu ngày càng phát triển.

Giá cước phí BeBike niêm yết trên website.
Giá cước phí BeBike niêm yết trên website. (Nguồn: be.com.vn)

3.3. Place

Be Group chủ yếu phân phối dịch vụ qua ứng dụng di động Be, cho phép khách hàng tải về miễn phí và tiếp cận các dịch vụ như di chuyển (beCar, beBike, beBus), giao hàng (beFood, beDelivery) và du lịch (đặt vé tàu, vé máy bay,…). Ứng dụng có giao diện thân thiện và nhiều tính năng tiện ích, mang đến trải nghiệm người dùng tối ưu.

Be còn hợp tác với doanh nghiệp và nhà hàng để phát triển dịch vụ như đã đề cập. Các doanh nghiệp như XanhSM phối hợp với Be để tiếp cận gần hơn với khách hàng mục tiêu, các nhà hàng là đối tác của thương hiệu cung cấp dịch vụ giao thức ăn qua ứng dụng beFood.

3.4. Promotion

Các chiến lược Marketing của Be nhắm vào truyền thông & quan hệ khách hàng. Họ chủ yếu hướng tới nhóm đối tượng trẻ gen Z – học sinh, sinh viên và người mới đi làm.
Thay vì tập trung vào những thông điệp quảng cáo truyền thống, Be xây dựng hình ảnh thương hiệu trẻ trung, gần gũi và thấu hiểu tâm lý người dùng trẻ.

Truyền thông đa nền tảng – Chiến lược tăng nhận diện thương hiệu của Be

Be đã và đang liên tục thực hiện chiến lược Marketing tăng nhận diện thương hiệu bằng việc liên kết, tài trợ cho các chương trình, sự kiện dành cho sinh viên nhằm quảng bá thương hiệu và tăng độ phủ sóng cả Online lẫn Offline.

Chương trình tài trợ của Be cho các sự kiện sinh viên.
Chương trình tài trợ của Be cho các sự kiện sinh viên. (Nguồn: Facebook)

Ngoài ra, Mascot Văn Be và Thị Be đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược quảng bá và chiến lược Marketing của Be Group, giúp nâng cao độ nhận diện thương hiệu của Be và tạo sự kết nối cảm xúc với khách hàng. Be đã khéo léo xây dựng hình ảnh thân thiện và dễ nhớ dựa trên mối liên tưởng với hình tượng người đàn ông và người phụ nữ truyền thống của Việt Nam.

Hai nhân vật này trong các chiến dịch quảng cáo và truyền thông xã hội không chỉ thu hút sự chú ý mà còn mang lại cảm giác gần gũi cho người tiêu dùng. Các câu chuyện và hoạt động xung quanh mascot Văn Be, Thị Be thường xuyên được đăng tải trên mạng xã hội với nội dung hài hước, bắt trend và giải trí, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái khi tương tác với thương hiệu.

Tận dụng triệt để Meme Marketing & Marketing Stunt

Be đã chủ động trẻ hóa thương hiệu bằng cách sử dụng ngôn ngữ và nội dung phù hợp với Gen Z, kết hợp Meme Marketing để tạo ra các câu chuyện hài hước, thu hút sự chia sẻ từ cộng đồng. Những Marketing Stunt độc đáo của Be như Be gội đầu, Be giường, Be thỏ ngọc,… viral trên MXH và tạo độ lan tỏa mạnh mẽ tới người trẻ.

Gia tăng tính cá nhân hóa cho người dùng

Tháng 9/2024 Be đã ra mắt tính năng cá nhân hóa mới cho người dùng: “BỘ SƯU TẬP ĂN UỐNG CÁ NHÂN BE FOOD” hướng tới nhóm đối tượng mục tiêu Gen Z. Trong chiến dịch, Gen Z có thể tự tạo bộ sưu tập ăn uống, khám phá sở thích của những người xung quanh và thần tượng, giúp họ có những “cheap moment” thú vị với idol của mình.
Thương hiệu liên tục lắng nghe và update các tính năng thú vị, vừa tạo sự tò mò và những thiện cảm cho công chúng mục tiêu của Be.

Quan hệ công chúng – PR của Be

Trong khi Grab có tham vọng đa dạng hóa nhóm khách hàng mục tiêu, từ nhân viên văn phòng tới khách du lịch, định vị thương hiệu khác biệt của Be là trở thành ” siêu ứng dụng Việt”, nhấn mạnh vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam. Điều này giúp các chiến lược Marketing của Be có sự gần gũi và thân thiện với người tiêu dùng nội địa.

Hơn nữa, Be rất chú trọng đến việc lắng nghe, tương tác và phản hồi ý kiến từ khách hàng thông qua các kênh truyền thông và tổng đài hỗ trợ khách hàng. Việc này không chỉ giúp thương hiệu cải thiện dịch vụ mà còn tạo cảm giác khách hàng được trân trọng.

Khuyến mại

Ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty đã dành rất nhiều ưu đãi để hấp dẫn những người dùng mới, như mã giảm giá chuyến đi đầu tiên hoặc các gói combo ưu đãi trên nền tảng. Đây là chiến lược Marketing của Be nhằm lôi cuốn khách hàng mới thử trải nghiệm dịch vụ và tạo ấn tượng tốt ban đầu.

Các mã giảm giá này được duy trì ổn định khi khách hàng sử dụng app Be trong thời gian dài và tham gia các chương trình khách hàng thân thiết, sử dụng dịch vụ các dịp khuyến mãi lễ tết hay các dịch vụ tài chính của các đối tác khác.

Hàng loạt voucher giảm giá của Be dành cho đối tác liên kết Viettel Money.
Hàng loạt voucher giảm giá của Be dành cho đối tác liên kết Viettel Money. (Nguồn: viettelmoney.vn)

Dù ở bất kì nền tảng nào, tính cách thương hiệu của Be luôn được xây dựng một cách nhất quán, luôn nhấn mạnh là “siêu ứng dụng dành cho người Việt” tạo ra sự gần gũi với nhóm công chúng mục tiêu.

Đọc thêm: 5 chiến dịch Marketing thành công ở Việt Nam

4. Phân tích mô hình SWOT của Be Group

4.1. Strengths – điểm mạnh của thương hiệu Be

Thương hiệu Việt dành cho người Việt
Trước hết, Be tự hào là một nền tảng “made in Vietnam”, có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa, thói quen, và nhu cầu của người tiêu dùng Việt.

Yếu tố “thuần Việt” này giúp các chiến lược Marketing của Be Be có sự gần gũi, chiếm được thiện cảm từ người dùng nội địa, và thúc đẩy lòng tự hào dân tộc trong bối cảnh thị trường đang bị các đối thủ quốc tế chi phối.

Dịch vụ đa dạng và hệ sinh thái phong phú

Be sở hữu một hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, từ gọi xe máy, xe ô tô, giao đồ ăn đến dịch vụ giúp việc, dịch vụ bảo hiểm, tài chính và thanh toán điện tử.

Chiến lược Marketing của Be tập trung vào phân khúc khách hàng trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên với mức giá hợp lý cũng là một điểm mạnh khác, cho phép Be nhanh chóng mở rộng thị phần, đặc biệt là trong các thành phố lớn.

Nỗ lực xây dựng độ nhận diện thương hiệu của Be qua truyền thông

Thương hiệu còn nổi bật nhờ các chiến dịch truyền thông sáng tạo và sắc bén. Be không ngại nhắc khéo đối thủ để tạo ấn tượng mạnh, thu hút khách hàng. Cách tiếp cận này giúp định vị thương hiệu của Be như một lựa chọn “vì người tiêu dùng,” đáp ứng được kỳ vọng của những khách hàng đang tìm kiếm sự công bằng và minh bạch về giá cả.

Hai mascot Văn Be & Thị Be của thương hiệu Be.
Hai mascot Văn Be & Thị Be của thương hiệu Be.

4.2. Weakness – điểm yếu

Chất lượng dịch vụ chưa ổn định

Ngoài ra, dù chiến lược định giá thấp đã giúp thương hiệu thu hút nhiều khách hàng trẻ và nhạy cảm với chi phí nhưng đồng thời cũng kéo theo một số phản hồi tiêu cực về trải nghiệm dịch vụ, từ thái độ của tài xế đến độ chính xác của bảng giá.

Be đôi khi gặp khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ nhất quán khiến khách hàng có thể cảm thấy không hài lòng và ảnh hưởng đến lòng trung thành, đặc biệt là khi họ có nhiều lựa chọn trên thị trường.

Nền tảng hiện diện chưa rộng

Độ phủ sóng của Be vẫn còn giới hạn ở một số thành phố lớn, chưa thể cạnh tranh với sự hiện diện rộng rãi của Grab trên toàn quốc. Điều này khiến Be chưa tiếp cận được toàn bộ thị trường tiềm năng và dễ bị các đối thủ lấn át ở những khu vực chưa triển khai dịch vụ.

4.3. Opportunities – cơ hội thị trường gọi xe công nghệ

Tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng số

Với sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu và xu hướng tiêu dùng số hóa, nhu cầu đối với các dịch vụ vận chuyển, giao hàng, và thanh toán qua ứng dụng di động đang không ngừng tăng cao.

Be, với lợi thế là một ứng dụng “thuần Việt”, các chiến lược Marketing của Be có thể khai thác sâu hơn vào nhu cầu này bằng cách tăng cường các dịch vụ đa dạng, phù hợp với văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt.

Xu hướng chuyển đổi sang phương tiện xanh

Khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến môi trường, Be có cơ hội mở rộng các dịch vụ di chuyển “xanh” bằng cách hợp tác với các công ty cung cấp xe điện và phát triển dịch vụ vận chuyển thân thiện với môi trường bên cạnh GSM.

Điều này không chỉ giúp Be đáp ứng nhu cầu hiện đại của người dùng mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

Tiềm năng lớn tại các khu vực chưa khai thác

Ngoài ra, thị trường ngoài các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Be có nhiều cơ hội mở rộng phạm vi hoạt động đến những khu vực tỉnh thành khác, nơi mà cạnh tranh từ các đối thủ chưa thực sự mạnh mẽ.

Việc mở rộng ra các tỉnh thành sẽ giúp các chiến lược Marketing của Be tiếp cận được lượng khách hàng mới và gia tăng thị phần nhanh chóng.

Cơ hội hợp tác và tích hợp dịch vụ

Ngoài các dịch vụ di chuyển và đặt vé máy bay, Be có thể đẩy mạnh các giải pháp du lịch tích hợp, hợp tác với các công ty du lịch và khách sạn để đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Với dịch vụ dọn dẹp/giúp việc, công ty sẽ phát triển hệ sinh thái toàn diện hơn, củng cố vị thế trên thị trường và mở rộng độ phủ sóng thương hiệu.

4.4. Threats – thách thức ngành hàng

Thị trường cạnh tranh gay gắt

Grab, Gojek, và các hãng mới nổi đều cạnh tranh mạnh mẽ về giá và khuyến mãi. Điều này khiến các công ty khó duy trì lợi nhuận, buộc phải chi mạnh cho marketing, từ đó ảnh hưởng đến dòng tiền và tiềm lực tài chính.

Kỳ vọng cao về chất lượng dịch vụ

Khi người dùng ngày càng trở nên quen thuộc với dịch vụ gọi xe công nghệ, yêu cầu về chất lượng dịch vụ cũng tăng lên. Những phản hồi không tốt, dù nhỏ, cũng có thể ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu, đặc biệt trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội ngày càng mạnh mẽ. Trong khi với giá rẻ, các hãng xe có thể khó cân bằng giữa việc kiểm soát chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Chi phí vận hành cao

Các công ty trong ngành phải đầu tư rất nhiều chi phí bao gồm khuyến mãi, hỗ trợ tài xế, duy trì ứng dụng, công nghệ bảo mật. Nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây áp lực tài chính cho

Khó khăn trong các ngành hàng đặc thù

Những lĩnh vực như đặt vé tàu, vé máy bay hay giúp việc là những ngành đã có các doanh nghiệp dẫn đầu với hệ thống, mạng lưới đối tác và uy tín vững mạnh. Để giành thị phần, Be phải cung cấp dịch vụ tốt hơn hoặc có mức giá cạnh tranh, nhưng đòi hỏi rất cao về chi phí đầu tư lẫn chiến lược khác biệt hóa.

5. Chiến lược cạnh tranh – Be đã khác biệt hóa với đối thủ như thế nào?

5.1. Khác biệt hóa về phân khúc giá – Disruptive Strategy
Disruptive Strategy là gì?

Disruptive Strategy là chiến lược các doanh nghiệp sử dụng để phá vỡ thị trường bằng cách giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ dễ sử dụng, giá cả phải chăng, hoặc cải tiến mới, nhắm vào những phân khúc bị bỏ qua hoặc chưa được phục vụ tốt. Qua đó, doanh nghiệp dần chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh với các công ty lớn.

Khác biệt hóa về phân khúc giá của Be

Như đề cập phía trên, Be áp dụng chiến lược đặt giá rất hấp dẫn tận dụng khoảng trống mà Grab và Gojek bỏ qua để thu hút nhóm khách hàng trẻ tuổi. Giá cước của Be thường ở mức cạnh tranh và ổn định hơn trong các khung giờ cao điểm – điều mà ít đối thủ nào đảm bảo.

Sau khi chinh phục thị phần khách hàng trẻ và có độ nhận diện nhất định, Be tiếp tục mở rộng với chiến lược đa mức giá, nhắm tới nhóm khách hàng có thu nhập ổn định. Be đã ra mắt thêm các dịch vụ cao cấp hơn như beCarPlus và beCar Rental.

Điều quan trọng nhất là Be Group không ngừng cải tiến và lắng nghe khách hàng, liên tục tạo thêm các giá trị đáp ứng nhu cầu của họ. Điều đó đã giúp Be duy trì sự hấp dẫn và lòng trung thành của khách hàng.

Đọc thêm: Chiếm lĩnh thị phần với Chiến lược giá thâm nhập thị trường

5.2. Đa dạng hóa dịch vụ – mạng lưới liên kết và tích hợp với nhiều đối tác

Về lợi thế tích hợp và mạng lưới liên kết, Be có một số mạng lưới đối tác rất uy tín và như GSM, VPBank và các đối tác để mang lại các ưu đãi hấp dẫn không chỉ cho khách hàng mà còn cho các tài xế của mình.

Ưu đãi dịch vụ của Be dành cho nhân sự. (Nguồn: be.com.vn)

Tìm hiểu thêm:

6. Lý giải chiến lược marketing của Be Group: làm lố hay độc đáo

Chiến thuật Marketing Stunt của Be Group

Ra mắt những dịch vụ độc lạ để thu hút sự chú ý của khách hàng Be đã sử dụng chiến thuật Marketing Stunt – một hình thức tiếp thị gây ấn tượng thậm chí là giật gân đối với người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Điều hành Xanh Marketing, cho biết để đạt mục tiêu này, cách tiếp thị phải trái với suy nghĩ thông thường của đám đông.

“Như trường hợp của Be, khi nhắc tới một ứng dụng đặt xe công nghệ, mọi người sẽ nghĩ đến dịch vụ đặt xe máy, taxi, đâu ai nghĩ sẽ có thuyền đúng không? Đó chính là cách làm trái với suy nghĩ thông thường của đám đông.

Chưa bàn đến việc những dịch vụ này có thật hay không, bạn có thể thấy rằng mình đã rất tò mò và bị thu hút. Kể cả tôi cũng đã tải app để xem dịch vụ này có thật hay không”, ông Long chia sẻ.

Để có thể làm tốt được Marketing Stunt có hai yếu tố rất quan trọng: thứ nhất là sản phẩm phải có một sản phảm công nghệ đủ tốt, thứ hai là kết nối tốt với các đối tác.

Bên cạnh đó, chiến lược marketing của Be Group còn có thể được giải thích bằng hiệu ứng tâm lý “Salience Bias” (hiệu ứng nổi bật). Đây là hiện tượng mà con người có xu hướng chú ý đến những thông tin nổi bật, độc đáo, mới lạ khác thường so với những thông tin bình thường trước đó.

Thấu hiểu khách hàng và mạnh dạn đánh thắng và insight của họ, Be đã táo bạo, phá cách khi cho ra chuỗi dịch vụ lạ lùng đầy sáng tạo.

Những chiến dịch marketing của Be Group đánh trúng “insight” gen Z

Để có thể chinh phục đối tượng khách hàng của mình thương hiệu đã không ngần ngại đưa ra những chiến dịch marketing của Be vô cùng táo bạo:

  • Tuổi GenZ đầy cô đơn không có ai bên cạnh thì đã có Be đi bộ
  • Nếu khách hàng quá bận rộn không có thời gian làm đẹp, đã có Be Gội Đầu, Be Nail
  • Hay độc đáo hơn nữa còn có Be Ngựa, Be thuyền, Be Restroom…
  • Không những thế trong tháng tư vừa qua Be còn làm loạn lòng khách hàng của mình với dịch vụ Be Giường

Những nội dung sáng tạo của Be đã thu hút mạnh mẽ sự chú ý của khách hàng Gen Z. Mặc dù các dịch vụ chỉ dành cho một số đối tượng nhất định trong thời gian giới hạn, Be vẫn khéo léo khơi gợi sự tò mò và hứng thú từ người dùng qua các nội dung táo bạo, mới mẻ.

Nhờ đó, Be không chỉ mở rộng mạng lưới khách hàng mà còn gặt hái thành công lớn trong việc xây dựng thương hiệu.

Chiến dịch “Thành phố gọi, Be sẵn sàng/ Khi bạn cần, Be sẵn sàng hỗ trợ”

Trong giai đoạn dịch Covid 2021-2022, Be đã triển khai chiến dịch truyền thông đầy ý nghĩa với khẩu hiệu “Thành phố gọi, Be sẵn sàng” và “Khi bạn cần, Be sẵn sàng hỗ trợ.”

Be ra mắt kênh “Cần hỗ trợ,” đóng vai trò cầu nối giữa các mạnh thường quân và những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ không phải đơn độc trong cuộc chiến chống dịch.

Thông điệp nhân văn này càng lan tỏa mạnh mẽ hơn qua sự góp mặt của các nhân vật công chúng như Hoa hậu H’Hen Niê, nghệ sĩ Xuân Bắc, nhạc sĩ Dương Khắc Linh và ca sĩ Sara Lưu.

Chương trình thiện nguyện “Vạn bữa cơm – Be nghĩa tình”

Vừa qua, hình ảnh các bác tài Be trong màu áo vàng rong ruổi khắp phố phường phát cơm cho những hoàn cảnh khó khăn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Từ những chàng thanh niên đến các bác U50, ai cũng nhiệt tình tham gia: người chỉ đường, người trao cơm và bánh, tạo nên một hình ảnh đầy ý nghĩa và nhân ái.

Được biết, đây là hoạt động đầu tiên đánh dấu chuỗi chương trình thiện nguyện được Be Group tổ chức định kỳ hàng tháng, và sẽ được nhân rộng trên phạm vi cả nước trong thời gian tới. Chương trình này đã giúp Be tạo được nhiều thiện cảm với một nhóm cộng đồng.

“Đã Cầm Ly – Để Be Cầm Lái”

“Đã Cầm Ly – Để Be Cầm Lái” là chiến dịch của Be nhằm khuyến khích người dùng đặt sự an toàn lên hàng đầu.

Thông điệp này nhắc nhở mọi người hãy tận hưởng những buổi gặp gỡ, tiệc tùng mà không phải lo lắng về việc lái xe sau khi uống rượu bia. Với dịch vụ đặt xe an toàn và tiện lợi, Be sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành đáng tin cậy, giúp bạn có chuyến đi về nhà an toàn.

Với chiến dịch truyền thông này, Be đã giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về an toàn khi tham gia giao thông.

Be Group đã rất thành công trong việc thu hút sự chú ý của công chúng và cả khách hàng tiềm năng bằng những chiến dịch gây tò mò mạnh mẽ. Cũng nhờ vậy mà sự thảo luận về thương hiệu cũng tăng lên trông thấy.

Tổng kết

Tóm lại, chiến lược Marketing của Be là một Case rất đáng học hỏi cho các doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng.

Việc tận dụng sự am hiểu thị trường Việt Nam, hệ sinh thái dịch vụ phong phú, chiến lược marketing của Be cạnh tranh với các ông lớn quốc tế đã giúp Be xây dựng một vị trí riêng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Việt.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 4 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả