Xây dựng nội dung đào tạo dựa trên công thức GLOSS – EASE – OFF

28/07/2023
1613

Xây dựng nội dung đào tạo theo Công thức GLOSS – EASE – OFF được rất nhiều giảng viên áp dụng bởi tính đơn giản nhưng mang lại sự hiệu quả cao trong hoạt động đào tạo phát triển. Với bất kỳ nội dung đào tạo nào, bạn đều có thể triển khai theo các bước trong Công thức GLOSS – EASE – OFF để có được một nội dung thu hút, tạo dấu ấn với người học.

1. Giới thiệu nội dung đào tạo theo Công thức GLOSS

Một khởi đầu tốt vừa tiếp thêm cho bạn có thêm sự tự tin vừa tạo thiện cảm với học viên, khiến họ trở nên hào hứng lắng nghe các nội dung tiếp theo. Dưới đây là 05 BƯỚC mở đầu nội dung đào tạo:

Bước 1: G – Get Attention (Tạo sự chú ý vào chủ đề)

Khi bắt đầu nội dung đào tạo, học viên của chúng ta có thể bị phân tán bởi rất nhiều yếu tố xung quanh. Vậy làm thế nào để giảng viên có thể giúp mọi người tập trung sự chú ý về mình?

Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng:

  • Đưa ra một con số gây sốc: “4.4 triệu! Đây là số lượng video học trực tuyến về Kỹ năng dẫn giảng được tải lên trên một nền tảng chia sẻ video trực tuyến”
  • Kể một câu chuyện ngắn/chuyện vui: “Từ câu chuyện Con lừa và cái áo, dẫn tới việc trong hoạt động quản lý, nhà quản lý rất dễ mắc sai lầm trong việc giao việc phù hợp với năng lực nhân viên và thách thức của công việc đó”
  • Sử dụng câu hỏi/câu đố ngắn: “Theo anh/chị để có được 1 giờ đứng lớp hoàn chỉnh, giảng viên cần mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị? Quy tắc 1:10” 
  • Đặt vấn đề: “Liệu để quản lý hiệu quả, thì các công việc khó chúng ta sẽ luôn giao cho nhân viên có năng lực cao, còn các công việc dễ sẽ do nhân viên có năng lực thấp đảm nhiệm?”
  • Sử dụng đồ vật/hình ảnh minh hoạ: “Cùng tấm hình nhưng mỗi người sẽ có một cách nhìn khác nhau. Tôn trọng sự khác biệt là một trong những điều cần có trong văn hoá doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xây dựng được Văn hoá Tôn trọng sự khác biệt?
Hình ảnh đầu tiên bạn nhìn thấy sẽ dự đoán được tính cách của bạn
Hình ảnh đầu tiên bạn nhìn thấy sẽ dự đoán được tính cách của bạn

Bước 2: L – Link to the section (Liên kết với nội dung chủ đề)

Khi chúng ta gây được sự chú ý từ học viên bằng các phương pháp phía trên, hãy đảm bảo rằng các nội dung đó được liên kết với chủ đề chính trong nội dung bài giảng.

Ví dụ:  

“Theo anh/chị để có được 1 giờ đứng lớp hoàn chỉnh, giảng viên cần mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị? Có một quy tắc được gọi là Quy tắc 1:10 – 1 giờ giảng dạy sẽ cần 10 giờ chuẩn bị. Buổi học hôm nay, tôi và các anh/chị sẽ cùng nhau trả lời câu hỏi chúng ta có cần 10 giờ chuẩn bị hay không? Làm thế nào để chúng ta chuẩn bị cho một lớp học hiệu quả?” 

Bước 3: O – Outcomes (Làm rõ mục tiêu lớp học)

Hãy đảm bảo rằng, tất cả người tham gia trong buổi học đều hiểu và đồng thuận cùng nhau về các mục tiêu cần đạt trong lớp học. Việc làm rõ mục tiêu giúp người học có góc nhìn tổng quan về toàn bộ nội dung bài học, tạo ra sự mong đợi.

Ví dụ: Mục tiêu lớp học

  • Lên kế hoạch tổ chức chương trình đào tạo
  • Nắm được các bước xây dựng nội dung lớp học
  • Nắm được các bước chuẩn bị tổ chức lớp học
Mẹo: Trước khi đưa ra mục tiêu đào tạo được thiết kế sẵn từ đầu, bạn cũng có thể đặt câu hỏi khảo sát về mục tiêu của từng người khi tham gia lớp học là gì? Việc làm này vừa giúp giảng viên khảo sát nhanh được mong muốn của người học, đồng thời hãy giúp người tham gia kết nối các mong đợi đó với nội dung đào tạo.

Bước 4: S – Structure (Nêu lên bố cục nội dung đào tạo)

Khi đã đồng thuận về các mục tiêu mong muốn đạt được trong buổi đào tạo, chúng ta cần đưa ra bố cục nội dung nhằm giúp người học có được cái nhìn tổng quan về những gì sắp diễn ra.

Ví dụ:

Phần 1: Lên kế hoạch tổ chức chương trình đào tạo

Phần 2: Các bước xây dựng nội dung chương trình đào tạo

Phần 3: Hướng dẫn cách bố trí và tổ chức lớp học

Bước 5: S – Stimulate (Kích thích sự quan tâm tới bài giảng)

Khi người học đã có một cái nhìn bao quát về toàn bộ nội dung, người dẫn giảng có thể đưa ra một số câu nói nhằm kích thích sự quan tâm.

Ví dụ: Nào cùng đi vào nội dung bài học để xem xem để có 1 buổi giảng dạy hiệu quả, liệu anh/chị/em chúng ta sẽ mất khoảng bao nhiêu thời gian chuẩn bị nhé.

Giới thiệu nội dung đào tạo theo công thức Gloss
Giới thiệu nội dung đào tạo theo công thức Gloss

2. Trình bày nội dung đào tạo theo Công thức EASE

Bạn còn nhớ trong Công thức GLOSS chúng ta có nhắc tới yếu tố S – Structure (Bố cục nội dung). Ở phần trình bày nội dung, các bạn hãy chia nhỏ bài trình bày thành từng khúc thông tin, và sắp xếp nó nó theo một trong cách sau đây:

  • Từ gần gũi tới mới lạ
  • Từ đơn giản tới phức tạp
  • Từ cụ thể đến trừu tượng, khái quát…

Ở mỗi khúc thông tin, các bạn có thể triển khai thông tin theo 4 bước gợi ý của Công thức EASE như sau:

Bước 1: E – Explain (Giải thích các nội dung đào tạo)

Dựa vào mức độ hiểu biết của học viên về nội dung bài học, bạn có thể tiến hành giải thích cách làm, khái niệm hoặc đưa ra một số câu hỏi để làm rõ vấn đề cho nội dung.

Để việc giải thích đạt hiệu quả, bạn cần ghi nhớ mục tiêu lớp học và xác định được kết quả mình mong muốn là gì. Tránh trường hợp tập trung giải thích các câu hỏi khó nằm ngoài phạm vi hoặc giải thích các vấn đề không đúng trọng tâm.

Bước 2: A – Actions (Thực hành nội dung được hướng dẫn)

Hoạt động thực hành là một trong nội dung quan trọng bắt buộc phải có trong một chương trình đào tạo nhằm kiểm tra và đánh giá được mức độ nắm bắt nội dung của học viên, đồng thời giúp người dẫn giảng kịp thời giải đáp, tháo gỡ các lỗi sai mà học viên gặp phải. Tuỳ vào thời gian và nội dung có thể chỉ yêu cầu thực hành một số các nội dung quan trọng.

Một số phương pháp hoạt động có thể ứng dụng:

  • Thảo luận nhóm
  • Đóng vai
  • Kiểm tra nhanh
  • Diễn thuyết
  • Trò chơi

Ví dụ:

Đóng vai một người dẫn giảng về kỹ năng thuyết trình, bạn hãy tạo sự chú ý của mọi người (G-Get attention) và liên kết với nội dung chủ đề (L-Link to the section) bằng 01 quả bóng bay.

Bước 3: S – Summary (Tóm tắt ý chính trong nội dung hướng dẫn)

Sau quá trình đưa ra lý thuyết và tổ chức hoạt động, việc tóm tắt lại các ý chính giúp cho học viên một lần nữa được nhắc lại các nội dung bài học và ghi nhớ.

Ví dụ:

“Như vậy, để có một phần mở đầu nội dung đào tạo hiệu quả chúng ta cần đáp ứng đủ 5 yếu tố công thức GLOSS, với các chữ cái lần lượt là:…”

Bước 4: E – Example (Đưa ra ví dụ chính xác)

Khi đưa ra nội dung bài giảng và tóm tắt lại các ý quan trọng, trong trường hợp phần thực hành của học viên đạt yêu cầu, giảng viên có thể nhắc lại ví dụ để phân tích. Nếu các ví dụ thực hành đưa ra chưa đạt yêu cầu thì công việc còn lại của giảng viên là làm mẫu 01 ví dụ cụ thể, hoàn chỉnh để chắc chắn rằng các ban học viên tham gia đều được tiếp cận với nội dung chính xác nhất.

Một số lưu ý trong quá trình triển khai nội dung theo Công thức EASE

Với mỗi một Khúc thông tin các bạn hãy áp dụng 1 EASE.

Ví dụ: 

Lớp học về Kỹ năng Xây dựng nội dung đào tạo

Cần chia nhỏ nội dung đào tạo thành các khúc thông tin liên kết với nhau
Cần chia nhỏ nội dung đào tạo thành các khúc thông tin liên kết với nhau

Khúc thông tin 01: Đưa ra khái niệm cần nắm (E1); Thực hành (A1), Tóm tắt ý chính (S1), Hoạt động mẫu (E’1). Hoạt động thực hành có thể giống hoàn toàn hoặc là 1 phần của Hoạt động mẫu tuỳ vào độ khó hành động.

Sau khi thực hiện Thực hiện lần lượt Khúc thông tin 01; Khúc thông tin 02;… tương ứng với EASE 01; EASE 02, các bạn có thể đưa ra thêm một S lớn (Tóm tắt ý chính của toàn bộ nội dung) và E lớn (Làm mẫu toàn bộ quy trình).

Mẹo: Để không gặp tình trạng nội dung đào tạo quá dài, lan man, nặng lý thuyết.

Khi lên nội dung đào tạo, các bạn hãy đi từ Hoạt động mẫu (E-Example) trước, hình dung xem để học viên nắm được cách làm này, thì bạn đó cần thực hành hành động quan trọng nào (A-Action), để thực hiện được hành động đó thì các bạn cần kiến thức gì (E-Explain). Với cách làm này, bạn sẽ lựa chọn được những lý thuyết và bài tập thực hành thực sự cần thiết cho bài giảng của mình.

Trình bày nội dung đào tạo theo Công thức Ease
Trình bày nội dung đào tạo theo Công thức Ease

3. Kết thúc nội dung đào tạo theo Công thức OFF

Khi đã có một phần mở đầu xuất sắc, một phần trình bày nội dung thu hút rồi, sẽ thật tiếc nếu bạn không “OFF” toàn bộ nội dung đào tạo một cách đáng nhớ. Hãy tham khảo 3 bước kết thúc nội dung theo Công thức OFF sau đây:

Bước 1: O – Outcomes (Kết quả thực tế sau chương trình đào tạo)

Giảng viên có thể dựa vào các mục tiêu nêu ra ở phần GLOSS để tổng kết nhanh lại kết quả của buổi đào tạo có đạt được mục tiêu ban đầu đề ra không.

Giảng viên có thể thu lại được kết quả đánh giá đào tạo bằng một số cách:

  • Thực hiện kiểm tra nhanh bằng một số câu hỏi ngắn.
  • Mời từng học viên nêu lên 01-02 nội dung ấn tượng trong chương trình.
  • Mời lần lượt học viên nhắc lại 01 nội dung theo thứ tự được học.

Ngoài ra ở bước này, giảng viên có thể sử dụng phương pháp Q&A để tháo gỡ những khúc mắc còn tranh luận hoặc đơn giản là tổng kết điểm thi đua của các nhóm hoạt động trong xuyên suốt quá trình tham gia.

Bước 2: F – Feedback (Phản hồi về chương trình đào tạo)

Giảng viên sẽ đưa ra phản hồi về các điểm sáng cũng như các điểm có thể làm tốt hơn về nội dung trao đổi và cách học viên tham gia lớp học để lưu ý, nhắc nhở, giúp buổi học sau đạt hiệu quả tốt hơn.

Đây là bước để ghi nhận các đóng góp của  học viên về nội dung và phương pháp giảng dạy thông qua trao đổi trực tiếp hoặc thực hiện điền biểu mẫu góp ý, đánh giá.

Bước 3: F – Future (Công việc cần thực hiện trong tương lai)

Ở bước này, giảng viên sẽ đưa ra các yêu cầu mong muốn học viên thực hiện sau khi kết thúc lớp học. Yêu cầu có thể là làm bài tập kiểm tra, thực hành một hoạt động,..

Ngoài ra, giảng viên cũng có thể giới thiệu các kế hoạch chương trình đào tạo khác sắp diễn ra, hoặc các lớp nâng cao hơn về chính nội dung đang được hướng dẫn.

Kết thúc nội dung đào tạo theo công thức OFF
Kết thúc nội dung đào tạo theo công thức OFF

4. Kết luận

Như vậy việc Xây dựng nội dung đào tạo đầy đủ theo các bước trong Công thức GLOSS – EASE – OFF giúp bài giảng của bạn luôn đảm bảo được sự mạch lạc, thu hút. Khi đã áp dụng nhuần nhuyễn Công thức GLOSS – EASE – OFF, bạn hoàn toàn có thể ứng dụng xây dựng nội dung thuyết trình, diễn thuyết,… cuốn hút người nghe.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả