Hình ảnh logo thường thể hiện được giá trị “lõi” của doanh nghiệp; đồng thời có thiết kế gây ấn tượng để thu hút khách hàng. Song song với đó, thiết kế logo còn phải đáp ứng tiêu chí hợp phong thủy để đem lại vận may, tài lộc, giúp doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.
1. Logo phong thủy là gì?
Phong thủy là bộ môn khoa học nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến hướng đi của gió (phong) và sự chuyển động của dòng nước (thủy). Học thuyết này được ứng dụng trong cuộc sống với mục đích hỗ trợ cho cuộc sống con người sung túc và hạnh phúc. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ đề cập ở góc độ ứng dụng phong thủy trong thiết kế logo cho các doanh nghiệp.
Logo phong thủy là logo được thiết kế có màu sắc, bố cục, biểu tượng dựa theo học thuyết phong thủy nhằm phù hợp với ngũ hành tương sinh của chủ doanh nghiệp; nhằm tạo ra sự tổng hợp, hài hòa và cân bằng của các yếu tố để người xem có thể nhận diện và ghi nhớ logo dễ dàng. Không chỉ vậy, logo phong thủy còn được sử dụng như một yếu tố thúc đẩy tính hiệu quả và phù hợp với thương hiệu cũng như lĩnh vực mà doanh nghiệp kinh doanh.
2. Có nên thiết kế logo phong thủy?
“Nhất mệnh, nhì vận, tam phong thủy”. Đây là câu nói cửa miệng của người làm kinh doanh, ý chỉ cuộc đời con người được tạo nên bởi rất nhiều những những yếu tố tổng hoà. Trong đó, số mệnh và vận thế là hai yếu tố trực tiếp mà đại đa số trong chúng ta chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Cũng giống như vậy, trong thuật phong thủy, sự phát triển của doanh nghiệp ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có logo.
>> Đọc thêm: Ứng dụng phong thủy trong kinh doanh như nào để doanh nghiệp làm ăn thuận buồm xuôi gió.
2.1 Thu hút tài lộc
Logo phong thủy được nhiều chủ doanh nghiệp xem như một loại “bùa bản mệnh” bổ trợ vận hạn cho doanh nghiệp. Theo đó, những chiếc “bùa” được ứng dụng phong thủy có thể tạo ra nguồn năng lượng tích cực luân chuyển cho doanh nghiệp nói chung và người chủ nói riêng. Chính bởi vậy, nhiều chủ doanh nghiệp tin rằng việc chú trọng thiết kế logo chuẩn phong thủy sẽ là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả trong kinh doanh.
2.2 Giúp việc kinh doanh thuận lợi
Theo quy tắc Âm Dương, sự hài hòa và cân bằng trong mọi việc sẽ mang lại nhiều thuận lợi. Logo thuận theo phong thủy thường tuân theo quy tắc này. Hiểu đơn giản, một logo phong thủy cần có sự cân bằng ngũ hành của hỷ dụng thần khi chọn màu sắc, bố cục và hình thái. Từ niềm tin đó, những chiếc logo đáp ứng được các yếu tố phong thủ sẽ góp phần giúp các hoạt động kinh doanh trở nên thuận lợi và tốt đẹp hơn.
3. Những điều cơ bản khi thiết kế logo phong thủy
3.1 Màu sắc
Trong logo phong thủy, màu sắc luôn là một trong những yếu tố quan trọng khi thiết kế. Chúng thể hiện thông điệp phi ngôn ngữ cho doanh nghiệp, thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả ngôn ngữ và hình dáng hữu hình. Vì vậy đội ngũ marketing có thể cân nhắc lựa chọn màu sắc theo bản mệnh của chủ doanh nghiệp, cụ thể là:
- Kim (màu kim loại): Màu logo nên là màu bản mệnh Kim hoặc màu tương sinh Thổ, tránh các tông màu mệnh Hỏa tương khắc.
- Mộc (màu thực vật): Màu bản mệnh của người mệnh Mộc là xanh dương, xanh lục. Tránh các màu Kim (khắc với Mộc).
- Thủy (màu nước): Màu phù hợp thuộc Thủy và Kim, tránh màu Thổ tương khắc.
- Hỏa (lửa): Màu thiết kế cho chủ doanh nghiệp mệnh Hỏa là đỏ và tím, màu tương sinh thuộc Mộc, màu tương khắc cần tránh thuộc Thủy vì nó sẽ ảnh hưởng đến tình duyên, sức khỏe của người chủ doanh nghiệp.
- Thổ (đất): Chọn màu bản mệnh Thổ và kết hợp với màu tương sinh là Hỏa. Tránh sử dụng màu Mộc.
Ngoài ra, vì lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động cũng thuộc một ngũ hành riêng biệt nên chúng ta có thể cân nhắc chọn màu sắc sao cho phù hợp và hài hòa. Doanh nghiệp có thể tham khảo ý nghĩa các loại màu sắc trong phong thủy, và đánh giá chúng có phù hợp với loại hình doanh nghiệp, sứ mệnh và văn hóa mà doanh nghiệp hướng đến hay không.
- Màu đỏ: tượng trưng cho ngọn lửa, thể hiện sự dũng cảm và hi sinh, cũng là màu của nhiệt huyết và may mắn.
- Màu cam: mang lại tươi vui, sôi động và bắt mắt.
- Màu vàng: là màu của ánh nắng mặt trời, mang ý nghĩa của sự vui vẻ và phấn khởi.
- Màu xanh lá cây: mang ý nghĩa cân bằng, sinh sôi và nảy nở, ngoài ra còn đem lại cảm xúc an toàn.
- Màu xanh dương: thể hiện sự điềm tĩnh, thanh bình, chúng có liên hệ mật thiết với sự thông minh và trí tuệ.
- Màu hồng: là màu sắc của sự nữ tính, nhẹ nhàng, bồng bềnh và lãng mạn.
- Màu đen: màu sắc huyền bí, sang trọng và quyền lực
- Màu nâu: trong phong thủy, màu nâu đem đến ổn định, giúp nuôi dưỡng nguồn năng lượng tốt và ấm áp
- Màu trắng: ngoài ý nghĩa là sự thuần khiết, ngây thơ, màu trắng còn thể hiện sự thịnh vượng, niềm tin, niềm hi vọng.
Hệ thống nhận diện thương hiệu Google đi theo thiết kế phẳng hóa hoàn toàn, với kiểu chữ sans-serif và màu sắc hiện đại hơn so với lối thiết kế đổ bóng và chữ “e” được xoay nghiêng. Logo Google sở hữu 4 sắc màu chính là: Đỏ, xanh lục, vàng, xanh lá cây.
Trong ngũ hành phong thủy, đây là 4 màu bản mệnh lần lượt của Hỏa, Thủy, Thổ, Mộc và tạo thành mối quan hệ tương sinh chặt chẽ: Thủy (xanh lục) sinh Mộc (xanh lá), Mộc sinh Hỏa (đỏ), Hỏa sinh Thổ (vàng), Thổ sinh Kim (vàng). Đồng thời, sự sắp xếp màu sắc xen kẽ đã tạo cảm giác vui tươi, sáng tạo, cân bằng mà không quá chói mắt. Điều này thể hiện đúng với hình ảnh “người bạn” tìm kiếm của mọi người.
? Tải Ebook: |
3.2 Hình dạng
Các hình dáng đại diện cho năm yếu tố phong thủy bao gồm:
- Kim: Tròn
- Mộc: Chữ nhật
- Thủy: Đường lượn sóng
- Hỏa: Tam giác
- Thổ: Vuông
Theo nguyên tắc tương sinh, chúng ta kết hợp hình dáng với nhau như sau:
- Kim với Thủy: Hình tròn, hình zigzag, màu trắng, màu đen
- Mộc với Hỏa: Hình chữ nhật, hình tam giác, màu xanh lục, màu đỏ
- Thủy với Mộc: Hình zigzag, hình chữ nhật, màu đen, màu xanh lục
- Hỏa với Thổ: Hình tam giác, hình vuông, màu đỏ, màu vàng
- Thổ với Kim: Hình vuông, hình tròn, màu vàng, màu trắng
3.3 Biểu tượng
Biểu tượng sẽ thể hiện tính cách thương hiệu rõ hơn cả so với hình ảnh, chúng gợi nhắc đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp và trong phong thủy, biểu tượng còn góp phần kết nối và tạo ra nguồn năng lượng. Mặc dù vậy, doanh nghiệp không nhất thiết phải sử dụng biểu tượng không liên quan đến thương hiệu. Chẳng hạn như biểu tượng quả táo của hãng Apple, hoàn toàn không liên quan tới lĩnh vực thiết bị điện tử, song lại chứa nguồn năng lượng mạnh mẽ và quyết đoán.
3.4 Phương hướng cho logo
Phương hướng là một trong những yếu tố liên kết chặt chẽ với trường năng lượng trong phong thủy. Các hình bát quái cũng là công cụ chính giúp chúng ta phân tích năng lượng trong không gian và chọn phương hướng tốt nhất khi sắp xếp hướng chữ, hướng biểu tượng trong logo.
3.5 Phông chữ
Nếu chọn sử dụng chữ viết trong logo, doanh nghiệp cần xem xét phông chữ cẩn thận. Cũng như 4 đặc điểm trên, logo cần đảm bảo rằng phông chữ (bao gồm màu sắc, hình dáng) dễ nhìn, khoảng cách giữa các chữ cái cũng cần đảm bảo sự luân chuyển giữa các trường năng lượng (tránh dính chữ).
Ngoài ra, khi doanh nghiệp sử dụng phông chữ tiếng Việt thì cũng nên lưu ý đến dấu của từ ngữ. Những dấu sắc, hỏi, ngã, nặng thuộc tính Dương, trong khi vần bằng là huyền hoặc thanh ngang lại thuộc tính Âm. Tổng số nét trong phông chữ là 3, 5, 6, 8, 11, 13 sẽ mang lại điềm lành, an yên. Tất cả điều này phải tạo nên sự hài hòa, cân bằng theo yếu tố phong thủy.
Hãng xe Toyota ban đầu được chủ doanh nghiệp đặt tên là Toyoda. Sau đó, người chủ này đã đổi thành Toyota dù không phát âm rõ như Toyoda. Trong tiếng Nhật chữ Toyota có 8 nét, Toyoda có 10 nét. Người Nhật quan niệm rằng số 8 đem lại sự may mắn và không ngừng lớn mạnh, trong khi con số 10 đã tròn đầy, không thể phát triển tiếp. Từ đó, cái tên Toyota đã ra đời và hiện nay, Toyota đã trở thành một trong những hãng xe hơi hàng đầu thế giới.
MISA tặng bạn cuốn Ebook Phong thủy trong kinh doanh Nguyên tắc thịnh vượng đẩy doanh số (Nhấn vào ảnh để tải ebook miễn phí)
4. Một logo như nào được coi là hợp phong thủy?
Một thiết kế logo chuẩn phong thủy sẽ hội đủ 5 yếu tố sau đây:
4.1 Về màu sắc
Các doanh nghiệp có thể cân nhắc màu sắc logo hợp với bản mệnh của chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, màu sắc logo cũng nên phù hợp với ngũ hành của lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Ví dụ như công ty du lịch thuộc hành Thủy thì màu sắc logo cũng nên thuộc hành Thủy hay hành Kim (tương sinh). Hay một công ty làm trong lĩnh vực spa sẽ tập trung đến các yếu tố thư giãn, phục hồi, tái tạo năng lượng cho khách hàng, vì vậy nên bổ sung màu xanh lam và xanh lá trong logo.
4.2 Về hình dáng, kiểu cách
Hình dáng logo cần phù hợp với học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành và có thể tạo ra nguồn khí (năng lượng) tích cực luân chuyển không ngừng. Đặc tính Âm Dương của logo cũng cần có tác dụng cân bằng cho người chủ doanh nghiệp.
Ví dụ nếu người chủ mệnh Âm (nữ giới) thì logo nên thiết kế yếu tố Dương và ngược lại, chủ doanh nghiệp là mệnh Dương (nam giới) thì logo nên có yếu tố Âm. Đối với các doanh nghiệp không rõ ràng về chủ sở hữu như doanh nghiệp nhà nước thì logo phong thủy cần phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó.
Nếu phân tích theo thuật phong thủy, logo trước đây của ngân hàng “Vietcombank” vẽ trên 1 hình vuông và 3 chữ cái V, C, B thẳng đứng được lồng vào nhau. Nhiều người cho rằng đây là logo thuộc tính Dương cao, xét về phong thủy, điều này thường gây bất an cho người xem – một điều tối kỵ trong ngành dịch vụ tài chính.
Hiện nay, logo mới của Vietcombank được thiết kế với hình dáng “Âm” với hình tam giác có đường bo cong mềm mại, hòa quyện với chữ “Vietcombank” thẳng đứng “Dương”. Bởi vậy, logo được cho là đã có sự cân bằng âm dương và tạo được tính vững chãi, đáng tin cho khách hàng.
4.3 Về kết cấu logo
Nếu mẫu thiết kế được hình thành từ 5 vạch tương ứng với sinh – lão – bệnh – tử thì sẽ được coi là phù hợp phong thủy. Thế nhưng, trong kinh doanh khá nhiều người kỵ số 4 vì mang nghĩa tiêu cực, không tốt đẹp. Chính vì vậy, thiết kế và bố cục logo cũng thường hạn chế chia thành 4 vạch/phần.
4.4 Về hình ảnh
Logo phải rõ ràng và mạch lạc, đường nét hài hòa, có sự tiếp nối để tạo ra luồng khí lưu thông thuận lợi, tránh thiết kế các hình ảnh mang cảm giác bất an, bí bách.
4.5 Về biểu tượng
Nên lựa chọn biểu tượng đáp ứng cả hai yếu tố phong thủy và phù hợp với lĩnh vực doanh nghiệp đang hoạt động. Nên tránh các góc và biểu tượng sắc nhọn. Chẳng hạn, nếu công ty trong lĩnh vực y tế thì biểu tượng thanh kiếm chắc chắn sẽ không phù hợp.
5. Áp dụng thiết kế logo phong thủy theo mệnh của chủ doanh nghiệp
5.1 Người mệnh Kim
Mệnh Kim tượng trung cho kim khí và kim loại trong đất trời. Người mệnh Kim sinh năm 1954, 1955, 1962, 1963, 1970, 1971, 1984, 1985, 1992, 1993, 2001,..
- Màu sắc: Màu trắng (bản mệnh), màu bạc, ánh kim, nâu trầm, cam ấm, vàng đất (tương sinh). Tránh sử dụng màu đỏ, hồng, tím (tương khắc).
- Hình khối: Hình khối tròn, cong hoặc hình bán nguyệt.
- Ý nghĩa: Với quan niệm trời tròn đất vuông, đây chính là hình mẫu lý tưởng thể hiện hình hài trái đất, mặt trời, mặt trăng,…nên được nhiều công ty sử dụng. Đặc biệt, hình tròn không có điểm bắt đầu và kết thúc nên tượng trưng cho sự hoàn hảo, sự hợp tác và thuần nhất.
5.2 Người mệnh Thổ
Mệnh Thổ đại diện cho đất trong thiên nhiên, là nguồn cội của sự sống và nuôi dưỡng cây cối. Người mệnh thổ sinh năm 1939, 1947, 1968, 1969, 1977, 1990, 1998, 1999…
- Màu sắc: màu vàng cam, vàng đất, nâu trầm, trắng, ghi xám, bạc. Tránh chọn màu xanh lục đậm, xanh lá cây hay xanh da trời (tương khắc).
- Hình khối: Hình chủ đạo là hình vuông và hình thoi. Hình tương sinh là tam giác, hình tháp, hình mũi tên, ngọn lửa hay những hình sắc nhọn khác.
- Ý nghĩa: Hình vuông, hình thoi thể hiện sự cân bằng, cân xứng, tạo cảm giác chắc chắn. Màu vàng thể hiện sự ấm cúng, vui tươi và thân thiện.
5.3 Người mệnh Thủy
Mệnh Thủy là tượng trưng của nước và mùa đông nói chung, hay là cơn mưa lất phất hay mưa bão. Người mệnh Thủy sinh năm 1944, 1952, 1966, 1967, 1974, 1982, 1996, 2004,…
- Màu sắc: Xanh lam đậm, xanh đậm, xanh nước biển, đen (bản mệnh), màu trắng, màu bạc, ghi xám (tương sinh). Tránh sử dụng màu vàng, vàng đất, đỏ, hồng, tím (tương khắc).
- Hình khối: Hình sóng nước hay hình bất định (bản mệnh), hình tròn, hình oval, hình cong, hình bán nguyệt (tương sinh).
- Ý nghĩa: Nước là khởi nguyên của vũ trụ và trái đất, thể hiện tính uyển chuyển, thân thiện và năng động. Màu đen tượng trưng cho sự huyền bí, vô tận của vũ trụ. Màu xanh dương, xanh nước biển là màu của sự hòa bình, tươi mát và điềm tĩnh.
5.4 Người mệnh Hỏa
Mệnh Hỏa tượng trưng cho lửa và mùa hè. Các năm sinh của người mệnh Hỏa là 1934, 1948, 1957, 1964, 1978, 1987, 1994,…
- Màu sắc: Màu đỏ, hồng, tím, màu tương sinh xanh lá, màu xanh lục. Tránh sử dụng màu tương khắc là đen, xanh nước biển, xám.
- Hình khối: Hình bản mệnh tam giác, cánh buồm, mũi tên, ngọn tháp, những hình sắc nhọn, hình ngọn lửa, cây xanh, hình chữ nhật dài và hình trụ.
- Ý nghĩa: Tam giác cân thể hiện sự phát triển một cách bền vững. Màu đỏ tượng trưng cho sự đam mê, nhiệt huyết và khát vọng thành công.
5.5 Người mệnh Mộc
Mệnh Mộc tượng trưng cho cây cối, mùa xuân, sự sinh sôi, phát triển. Các năm sinh của người mệnh Mộc là 1942, 1943, 1950, 1958, 1972, 1980, 1988, 1989,…
- Màu sắc: Màu lục, xanh lá cây (bản mệnh), xanh nước biển, đen, xanh đậm (tương sinh). Tránh sử dụng màu trắng và các màu có ánh kim.
- Hình khối: Hình trụ, chữ nhật dài, hình cây xanh (bản mệnh) sóng nước, hình bất định (tương sinh).
- Ý nghĩa: Mầm cây vươn lên mạnh mẽ hay đại thụ vững chãi trước bão táp là ý nghĩa của những mẫu thiết kế logo mệnh mộc. Màu xanh lá cây tượng trưng cho sinh sôi nảy nở, sự tái tạo và đổi mới.
Kết luận
Có thể nói, logo phong thủy là một trong những yếu tố hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh “thuận buồm xuôi gió” và gặp nhiều may mắn hơn trong công việc. Tuy nhiên trong thiết kế logo, bên cạnh việc tuân thủ theo nguyên tắc phong thủy cũng cần đặc biệt chú ý đến những yếu tố cấu thành khác, đặc biệt là thể hiện được giá trị cốt lõi và tính cách thương hiệu, hướng tới sự phát triển bền vững.
Tác giả: Hoàng Thu Thủy
MISA AMIS CRM – Giải pháp quản lý tích hợp Kênh phân phối và Bán hàng DMS + CRM 2 trong 1
Giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận nhờ Khai thác tối đa data khách hàng, Tăng năng suất nhân viên & Tối ưu quy trình. Đầy đủ tính năng:
- Quản lý data khách hàng
- Quản lý đội ngũ sale
- Quản lý kênh phân phối
- Quản lý khuyến mại tích điểm
- Quản lý tồn kho, công nợ, đơn hàng
- Tối ưu quy trình kinh doanh
- Xử lý báo cáo kinh doanh đa chiều
- Quản lý bảo trì bảo hành