Với hơn 108 nghìn người theo dõi, CEO Thái Vân Linh (Shark Linh) của Skill Bridge đang là một trong những CEO tại Việt Nam có nhiều người theo dõi trên nền tảng Instagram. Đây là nơi cô chia sẻ những bài học kinh nghiệm, những kỹ năng hữu ích giúp các bạn trẻ Việt Nam thành công trên hành trình sự nghiệp. Tài khoản của Shark Linh cũng là một trong những tài khoản nhận được nhiều sự tương tác từ cộng đồng những người hâm mộ. Trung bình, bài đăng của Shark Linh nhận về từ 500 – 1000 lượt tương tác và bình luận.
Vậy đâu là lý do Shark Linh cũng như các CEO khác lựa chọn Instagram trở thành nơi xây dựng thương hiệu cá nhân? Ưu điểm cũng như những điểm cần lưu ý khi xây dựng thương hiệu trên nền tảng Instagram, đặc biệt là đối với các CEO. Cùng đón đọc bài phân tích chi tiết đến từ MISA để có cái nhìn tổng quát về chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân của các CEO trên nền tảng mạng xã hội đa sắc màu này nhé!
Đọc thêm: Xây dựng kênh Instagram bán hàng từ con số 0 cho doanh nghiệp
1. Xây dựng thương hiệu cá nhân trên Instagram là gì?
Được chính thức giới thiệu vào cuối năm 2010, Instagram nhanh chóng trở thành ứng dụng được yêu thích bởi người dùng trên toàn cầu. Với những tính năng như chụp hình, chỉnh sửa và chia sẻ hình ảnh một cách nhanh chóng và dễ dàng đã khiến Instagram trở thành tiêu điểm trên cộng đồng Internet trong thời gian đó.
Được đưa lên kho ứng dụng App Store vào ngày 06/10/2010, trong cuối tuần đầu tiên kể từ khi ra mắt, Instagram đã thu hút được 25,000 người dùng. Theo thống kê của Statista, tính đến năm 2023, trung bình mỗi tháng trên Instagram có khoảng 1,35 tỷ người hoạt động thường trực.
Kể từ khi hình thành và phát triển, Instagram trở thành “sân chơi” cho những người dùng yêu thích những nội dung nhiếp ảnh, đồ họa, du lịch và ẩm thực. Instagram cổ vũ cho tinh thần sáng tạo của người dùng ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Theo đó, người dùng trên Instagram với những nội dung được xây dựng chỉn chu, hình ảnh thú vị và hấp dẫn đã trở thành những nhà sáng lập nội dung giúp tạo lập xu hướng cho giới trẻ.
Ngày nay, Instagram không chỉ thu hút người dùng trẻ mà giờ đây đang thu hút các doanh nhân và các giám đốc điều hành cao cấp – CEO tham gia vào mạng xã hội đầy năng động này. Theo nghiên cứu của Influential Executive, năm 2020 chỉ có 6% trong tổng số CEO của danh sách Fortune 500 tham gia Instagram. Nhưng đến năm 2022, con số này đã tăng lên 14%, nâng tổng số CEO trong danh sách Fortune 500 hiện diện mạng xã hội lên 70 người. Các CEO với những chiến lược của riêng mình đang sử dụng mạng xã hội Instagram trở thành nơi xây dựng thương hiệu cá nhân giúp gia tăng sự ảnh hưởng của họ đến với đại chúng.
Như vậy có thể nói, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên Instagram là quá trình thiết lập bản sắc và cá tính của một cá nhân thông qua những câu chuyện, hình ảnh hay những video ngắn… giúp tạo lập sự khác biệt và gia tăng sự yêu thích với các nhóm công chúng mục tiêu.
Nói cách khác, xây dựng thương hiệu cá nhân là hành trình các cá nhân thể hiện giá trị của mình ra toàn thế giới, đảm bảo rằng sự hiện diện của mình nhận được sự yêu thích của một cộng đồng công chúng nhất định. Từ đó giúp gia tăng tình yêu của công chúng đối với họ so với những cá nhân khác trong xã hội.
Đối với CEO, hành trình này còn mang ý nghĩa khẳng định vị trí và giá trị của doanh nghiệp. Sự hiện diện của các CEO trên Instagram còn cung cấp thông tin về doanh nghiệp của họ, đối tượng mục tiêu của họ là ai, họ đại diện cho điều gì và tại sao nên chọn CEO hay sản phẩm và dịch vụ CEO đó điều hành thay vì đối thủ cạnh tranh.
2. Tại sao các CEO cần xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng Instagram?
2.1 Instagram giúp tiếp cận công chúng mục tiêu tốt hơn
Lý do đầu tiên có thể lý giải việc ngày càng nhiều các CEO tham gia Instagram đó là việc tiếp cận nhóm công chúng mục tiêu của doanh nghiệp một cách rộng khắp, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Là mạng xã hội đứng thứ 4 trên toàn thế giới về số lượng người dùng, Instagram cho phép các CEO đưa hình ảnh của mình cùng hình ảnh của doanh nghiệp đến cộng đồng người dùng rộng lớn với ước tính lên tới 1.6 tỷ người (theo số liệu từ Kepios tháng 4/2023).
Tại thị trường Việt Nam, quảng bá trên nền tảng Instagram cho phép các nhà quảng cáo và doanh nghiệp tiếp xúc và tương tác với hơn 12,10 triệu người dùng. Theo Decision Lab, Instagram cũng là mạng xã hội được xếp ở vị trí thứ 4 về số lượng người dùng hoạt động hàng tháng.
Những con số biết nói này cho thấy tiềm năng to lớn của mạng xã hội Instagram nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Việc đầu tư các chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng này giúp các doanh nghiệp và các doanh nhân tiếp cận một lượng lớn người dùng một cách tự nhiên, nhanh chóng và hiệu quả.
Trong ví dụ kể trên, hình ảnh của Helly Tống và thương hiệu The Yên Concept được đan xen vào với nhau trên trang cá nhân của cô, giúp cho thương hiệu The Yên Concept tiếp cận đến tệp công chúng mục tiêu khổng lồ một cách tự nhiên. Đồng thời điều này giúp lan tỏa giá trị và bản sắc của thương hiệu Yên Concept đến người dùng một cách gần gũi nhất.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
2.2 Instagram giúp hình ảnh doanh nghiệp trở nên tốt hơn
Bên cạnh những con số về khả năng tiếp cận, sự lồng ghép khéo léo hình ảnh của CEO với hình ảnh của doanh nghiệp giúp sản phẩm/dịch vụ doanh nghiệp trở nên đáng tin cậy và được yêu thích hơn trong tâm trí của công chúng mục tiêu.
Ở một góc độ nào đó, CEO được coi như hình ảnh đại diện của nhãn hàng trước công chúng, mức độ yêu thích CEO sẽ góp phần không nhỏ trong nhận thức của người tiêu dùng. Nhiều nghiên cứu đến từ các học giả trên thế giới đã chỉ ra rằng, hình ảnh của CEO có tác động thuận với hình ảnh của thương hiệu của doanh nghiệp. Trong một nghiên cứu gần nhất từ Đại học Utara Malaysia (2018) cho thấy, hình ảnh của CEO được xếp vào cảm nhận hình ảnh thương hiệu.
Theo đó, hình ảnh của CEO trên mạng xã hội hay phương tiện truyền thông nói chung và trên Instagram nói riêng, càng được công chúng đón nhận và yêu thích, hình ảnh doanh nghiệp đó cũng dễ dàng nhận được thiện cảm từ họ hơn so với những thương hiệu khác.
Theo một nghiên cứu từ Nielsen, 92% người dùng sẽ tin tưởng một người mà họ theo dõi hơn là một thương hiệu được quảng bá. Việc xây dựng thương hiệu CEO trên các phương tiện đại chúng nói chung và nền tảng Instagram nói riêng trở thành một hình ảnh đáng tin tưởng, mang tính đại diện cho doanh nghiệp sẽ giúp củng cố niềm tin của người dùng vào thương hiệu.
Sự tin tưởng từ người dùng sẽ đóng góp tích cực vào cảm nhận hình ảnh thương hiệu (perceived brand image), giúp gia tăng tình yêu và lòng trung thành đối với thương hiệu. Từ đó nâng cao giá trị tài sản thương hiệu (brand equity) của sản phẩm/dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất và vận hành.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
2.3 Instagram giúp tương tác với nhóm công chúng mục tiêu tốt hơn
Không chỉ dừng ở việc tiếp cận hay, gia tăng mức độ phổ biến và độ yêu thích hình ảnh của CEO, Instagram còn là một công cụ hiệu quả giúp gia tăng tỷ lệ tương tác giữa CEO và nhóm công chúng mục tiêu.
Một sự thật được chỉ ra bởi Dwivedi – Tiến sỹ chuyên ngành Marketing tại đại học Charles Sturt University, Úc (2015) cho biết, tỷ lệ khách hàng tham gia tương tác với nhãn hàng (brand engagement rate) càng cao, tương ứng với tỷ lệ họ trở thành khách hàng trung thành của nhãn hiệu. Dựa trên sự thật đó, Instagram với những tính năng như bình luận/chia sẻ giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng tương tác với CEO – những người đóng vai trò là đại diện của nhãn hàng.
Chính từ những sự tương tác này giúp cho thu hẹp khoảng cách từ doanh nghiệp đến với người tiêu dùng, giúp cho hình ảnh của sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp dễ dàng bước vào tâm trí khách hàng.
Trên trang cá nhân của mình, Hương Giang thường xuyên có các buổi giao lưu trực tuyến với cộng đồng những người hâm mộ cô. Đây là nơi cô giải đáp các thắc mắc về các sản phẩm (chương trình giải trí/ thực phẩm ăn liền) do cô và công ty sản xuất. Việc trực tiếp tương tác với khách hàng của mình trên trang Instagram giúp cô luôn nhận được sự yêu thích của khán giả.
Bên cạnh đó, đây cũng là kênh giúp cô thu về những góp ý của khách hàng một cách trực tiếp cho các sản phẩm của mình. Từ đó giúp cho cô và công ty có thể đề ra những chiến lược giúp gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
2.4 Instagram giúp hỗ trợ gia tăng doanh số của doanh nghiệp tốt hơn
Dựa trên một nghiên cứu của các giáo sư Đại học quốc gia Đài Loan (2015) cho thấy, người tiêu dùng có khả năng ghi nhớ nhiều hơn đối với các sản phẩm được người nổi tiếng quảng bá – bất kể họ có phải là người hâm mộ thực sự hay không. Nghiên cứu này được đúc kết dựa trên nghiên cứu phản ứng của não bộ con người với việc lựa chọn sản phẩm/ dịch vụ.
Kết quả cho thấy, bộ não của con người nhận ra những người nổi tiếng tương tự như cách nó nhận ra những người mà chúng ta thực sự biết. Điều này dẫn đến việc, nếu tình cờ người tiêu dùng là người hâm mộ/ người theo dõi trên các nền tảng truyền thông, họ sẽ đánh giá cao hơn các sản phẩm mà những người nổi tiếng đang chứng thực – như thể họ đang được nhận lời khuyên từ một người bạn họ thực sự biết.
Ở một góc độ nào đó, CEO được coi là người nổi tiếng đang quảng bá cho sản phẩm/ dịch vụ mà công ty đó cung cấp. Việc xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu cá nhân cho CEO hỗ trợ không chỉ trong việc mang hình ảnh doanh nghiệp đến với người tiêu dùng mà còn giúp gia tăng doanh số của doanh số của doanh nghiệp do mối quan hệ giữa CEO và người tiêu dùng được thu hẹp lại. Người tiêu dùng có xu hướng tin tưởng mối quan hệ này, từ đó dẫn đến việc ưu tiên lựa chọn sản phẩm hay dịch vụ mà CEO đó quảng bá.
Trong ví dụ kể trên, bà Thái Linh đóng vai trò là người đại diện cho doanh nghiệp bà điều hành Skill Bridge. Với việc khéo léo lồng ghép những kinh nghiệm thực tế cho người trẻ Việt trong những nội dung chia sẻ, bà Thái Linh giúp cho doanh nghiệp của mình tiếp cận khách hàng tiềm năng hiệu quả hơn.
Sự kết nối giữa bà Thái Linh và cộng đồng những người hâm mộ mình đã giúp mở ra một kênh quảng bá hiệu quả, giúp gia tăng tỷ lệ tin tưởng & lựa chọn của khách hàng trong các sản phẩm cùng phân khúc.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
3. Chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân CEO trên nền tảng Instagram
Để có thể xây dựng thương hiệu cá nhân của các CEO trên nền tảng Instagram, các doanh nghiệp không chỉ cần nắm rõ cách thức vận hành và tính năng của mạng xã hội này. Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng và đầu tư chiến lược quảng bá hình ảnh cho CEO bao gồm: xác định nhóm công chúng mục tiêu, sản xuất nội dung/ hình ảnh phù hợp với CEO và doanh nghiệp, cuối cùng đó là chiến lược phân phối nội dung hiệu quả cho qua các tính năng của Instagram.
3.1 Xác định thị trường/công chúng mục tiêu
Việc xây dựng thương hiệu cá nhân CEO trên nền tảng Instagram cũng giống như xây dựng thương hiệu sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp trên nền tảng này. Trong đó, thấu hiểu và xác định đâu là công chúng mục tiêu doanh nghiệp và CEO hướng đến có thể giúp cho doanh nhân đề ra những chiến lược phát triển thương hiệu cá nhân phù hợp.
Nhóm công chúng mục tiêu của CEO trên nền tảng Instagram cần có sự phù hợp và tương thích với phân khúc thị trường và khách hàng mục tiêu doanh nghiệp hướng tới. Sự cộng hưởng của hai nhóm công chúng này sẽ giúp cho doanh nghiệp đạt được cả mục tiêu về hình ảnh thương hiệu và doanh thu.
Trong quá trình triển khai truyền thông quảng bá hình ảnh CEO trên Instagram, các doanh nghiệp cũng luôn cần kiểm tra, đánh giá về nhóm những người theo dõi hiện tại. Với sự hỗ trợ của Instagram trong việc trích xuất báo cáo người theo dõi như trên cho phép doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của các nội dung/ video được chia sẻ trên nền tảng này.
Việc theo dõi thường xuyên báo cáo người theo dõi trên trang Instagram của CEO giúp cho doanh nghiệp xác định những nội dung của họ đã hướng đến đúng nhóm đối tượng (độ tuổi, giới tính và địa lý), hay chiến thuật đăng bài của họ đã phù hợp với nhóm công chúng mục tiêu, cũng như tỷ lệ tăng trưởng đã đi theo lộ trình đề ra hay chưa.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
3.2 Xây dựng kế hoạch nội dung
Từ những kết quả được đúc kết về nhóm công chúng mục tiêu, các doanh nghiệp và các doanh nhân có thể đề xuất những kế hoạch nội dung giúp gia tăng tỷ lệ phát triển trên các nền tảng này. Kế hoạch nội dung của các CEO trên Instagram có thể là những thông tin độc quyền thuộc về doanh nghiệp mà họ đang điều hành. Đó có thể là những câu chuyện về sản phẩm/ dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất và vận hành, giúp gia tăng tỷ lệ nhận diện và tình yêu thương hiệu.
Bên cạnh đó, CEO cũng có thể quảng bá hình ảnh, văn hóa của doanh nghiệp, từ đó giúp thu hút những nhân tài tiềm năng giúp cho sự phát triển bền vững của công ty. Không chỉ có vậy, CEO có thể xây dựng những kế hoạch nội dung về việc chia sẻ những bí kíp/ kỹ năng dành cho các bạn trẻ để có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đối với thế hệ kế cận.
3.3 Xây dựng kế hoạch hình ảnh
Điểm khác biệt lớn giữa Instagram với các mạng xã hội khác đó là người dùng trên nền tảng này bị thu hút bởi những hình ảnh/video tạo ấn tượng thị giác tốt. Điều đó cho thấy, cùng với chiến lược nội dung, một trong những yếu tố tạo nên sự thành công của các CEO trên instagram đó là chiến lược hình ảnh ấn tượng.
Trong chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân của mình, các CEO/ Doanh nhân có thể lựa chọn chia sẻ những hình ảnh doanh nhân chỉn chu. Hoặc họ cũng có thể lựa chọn chia sẻ những hình ảnh đời thường của mình. Điều này phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu cũng như nội dung họ xây dựng trên Instagram. Tính nhất quán của chiến lược hình ảnh và nội dung sẽ giúp định hình được cá tính của CEO/ Doanh nhân trên nền tảng Instagram. Từ đó, giúp tạo ra những dấu ấn riêng biệt trên mạng xã hội vô cùng năng động này.
Trong ví dụ kể trên, ông Lê Đăng Khoa là một CEO có chiến lược nội dung đặc biệt. Khác với nhiều CEO khác, ông Khoa luôn đăng tải xen kẽ nội dung kinh doanh, nội dung quảng bá các công ty ông đầu tư và hình ảnh cá nhân đời thường. Sự gần gũi trong chiến lược nội dung này giúp cho ông Khoa luôn nhận được sự yêu thích từ những cộng đồng những người hâm mộ ông.
Cùng với đó, ông cũng có những nội dung giúp truyền động lực và nguồn cảm hứng cho giới trẻ và cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam. Instagram của ông nhận được sự quan tâm của hơn 86,000 người, trung bình mỗi bài đăng của mình ông thu về từ 1000-3000 lượt tương tác.
? Tải Ebook Hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO, quản lý cao cấp |
3.4 Xây dựng chiến lược tiếp cận nội dung
Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ những nội dung, hình ảnh hay video giúp xây dựng thương hiệu cá nhân của các CEO. Mạng xã hội Instagram với những tính năng hữu ích có thể giúp cho các CEO/ Doanh nhân tiếp cận người dùng với nhiều cách thức sáng tạo khác nhau.
Được giới thiệu vào năm 2020, Instagram Reels (Thước phim) được biết đến là tính năng ghi/chia sẻ những thước phim ngắn dưới 1 phút trên nền tảng này. Cùng với đó, Instagram còn đưa vào những thuật toán giúp hỗ trợ phân phối những nội dung này đến người dùng quan tâm dựa trên những thông tin thứ cấp. Nhờ có Reels, các CEO có thể tiếp cận với nhiều người dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Bên cạnh Instagram Reels, CEO/ doanh nhân cũng có thể sử dụng tính năng Instagram Story (Câu chuyện) để chia sẻ lập tức đến những người theo dõi mình. Những nội dung này sẽ được pin (gắn) ở thanh điều hướng phía trên của ứng dụng, thu hút người dùng tìm hiểu và tương tác với nội dung mà CEO chia sẻ.
Đặc biệt, Instagram Story với nhiều tính năng bên trong như: bình chọn, đánh giá hay đưa ra những Q&A cũng là một cách để các CEO hiểu thêm về người theo dõi của mình. Những thông tin này sẽ hỗ trợ CEO trong quá trình định hình và xây dựng thương hiệu cá nhân của mình trên Instagram.
Tải bộ Ebook hướng dẫn xây dựng thương hiệu cá nhân cho CEO & quản lý cấp cao
Cuốn ebook sẽ hướng dẫn chi tiết, cụ thể các bước lên kế hoạch và triển khai, phù hợp với đặc trưng từng kênh mạng xã hội trong xây dựng thương hiệu cá nhân cho các CEO. Qua đó, giúp CEO khẳng định vị thế, gắn kết một cách sâu rộng với cộng đồng mạng và tăng cường giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp mình đại diện.
4. Những lưu ý để xây dựng thương hiệu cá nhân CEO trên nền tảng Instagram
4.1 Sự đồng nhất của thương hiệu và hình ảnh của CEO
Gợi ý đầu tiên cho các CEO/Doanh nhân trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng Instagram đó là tính đồng nhất giữa thương hiệu do CEO lãnh đạo và hình ảnh của CEO. Như đã đề cập ở trên, hình ảnh CEO chính là hình ảnh đại diện của sản phẩm và dịch vụ do họ lãnh đạo. Niềm tin họ tạo dựng với người tiêu dùng cũng chính là niềm tin mà người tiêu dùng đặt vào sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.
Hình ảnh CEO/ Doanh nhân được xây dựng trên nền tảng Instagram còn mang tính đại diện cho văn hóa của doanh nghiệp. Thông qua đó, CEO biểu đạt những giá trị không thể diễn đạt bằng lời hay văn bản đến với những nhân tài tiềm năng cho doanh nghiệp.
Việc đồng nhất giữa hình ảnh doanh nghiệp và hình ảnh của CEO còn giúp mở ra một kênh truyền thông mới cho doanh nghiệp. Ở đó, những hình ảnh về sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp được người dùng biết đến thông qua hình ảnh của CEO một cách gần gũi, giúp cho khả năng tiếp cận, mức độ nhận thức về thương hiệu của sản phẩm/dịch vụ (brand awareness) được nâng cao.
4.2 Tính thống nhất trong nội dung/hình ảnh/video
Không chỉ dừng lại ở tính đồng nhất giữa hình ảnh của CEO và doanh nghiệp, tính thống nhất trong chiến lược nội dung và hình ảnh cũng là một gợi ý quan trọng giúp CEO nổi bật trong quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân trên nền tảng Instagram.
Một hình ảnh chỉn chu, được lặp lại liên tục với những chi tiết tương đồng, màu sắc đặc trưng sẽ giúp cho người dùng ấn tượng và ghi nhớ lâu hơn là những hình ảnh liên tục thay đổi. Những dấu ấn trong quá trình tạo lập hình ảnh cũng giống như những họa tiết trên logo của doanh nghiệp, sử dụng thành thạo, liên tục và hiệu quả sẽ tạo ấn tượng tốt cho người dùng.
Không chỉ dừng ở việc thiết kế, các doanh nghiệp, doanh nhân và CEO cũng cần có một đội ngũ giúp cập nhật về những thông số kỹ thuật về hình ảnh/ video trên nền tảng Instagram. Được thiết kế dành cho các ứng dụng di động, người dùng Instagram sẽ ưu ái những nội dung dễ theo dõi, dễ tìm hiểu như hình ảnh dọc (portrait photo) hay những video dạng dọc (vertical video). Những lưu ý này tuy nhỏ nhưng cũng ảnh hưởng rất lớn đến trải nghiệm của người dùng trên nền tảng này.
Cùng với đó, những tuyến nội dung được xây dựng dựa trên một chủ đề lớn – tạo sự xuyên suốt và kết nối giữa các nội dung là một điều không thể bỏ qua. Những nội dung này giúp định hình được đâu là điều CEO này muốn truyền tải, đâu là những giá trị mà họ muốn lan tỏa đến với cộng đồng.
Lưu ý thêm rằng, đồng nhất trong nội dung còn bao hàm cách thức biểu đạt, đại từ nhân xưng để người đọc có thể tưởng tượng ra được hình ảnh/ tính cách của CEO qua câu chữ. Quá trình này sẽ giúp cho hình ảnh thương hiệu của CEO được nổi bật trên Instagram và những nền tảng mạng xã hội khác.
4.3 Cập nhật xu hướng một cách khéo léo và phù hợp với hình ảnh của CEO
Một trong những gợi ý quan trọng nhất đó là việc CEO cần lựa chọn và cập nhật cho mình những xu hướng truyền thông. Tận dụng những xu hướng đó như những con sóng, việc lựa chọn “con sóng truyền thông” hiệu quả sẽ giúp CEO truyền đạt thông tin đến người dùng hiệu quả.
Ngược lại, việc lựa chọn những xu hướng có phần ít liên quan đến doanh nghiệp hay cá tính của CEO lại dễ khiến người dùng có những cảm xúc tiêu cực dành cho CEO và doanh nghiệp do họ đại diện. Trong nhiều trường hợp, người dùng có thể sẵn sàng lên tiếng về những sự cố “kém duyên dáng” của các CEO khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội nói chung và Instagram nói riêng.
Những hành động này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến với hình ảnh thương hiệu CEO đang gây dựng, và tạo ra những tác động không tốt đến hình ảnh thương hiệu của sản phẩm/dịch vụ do CEO lãnh đạo.
Tổng kết
Xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân cho CEO trên nền tảng Instagram là một chiến lược đầy thách thức và thú vị. Thay vì quảng bá cho một sản phẩm/ dịch vụ, CEO lúc này đóng vai trò là một Marketer quảng bá chính họ trên mạng xã hội này. Những gì họ chia sẻ, những gì họ làm đều được công chúng dõi theo, ủng hộ hay phản bác một cách tức thì. Nhưng cũng nhờ nó mà hình ảnh doanh nghiệp do CEO lãnh đạo đến gần hơn với trái tim của công chúng.
Việc lựa chọn, xây dựng chiến lược thương hiệu cá nhân cho CEO sẽ là một chặng đường đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của cá nhân CEO và những người hỗ trợ họ. Một chiến lược xây dựng thương hiệu cá nhân phù hợp sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm và chinh phục trái tim của những khách hàng tiềm năng.
Tác giả: Đỗ Xuân Dương