Seasonal Marketing & 6 bước lập kế hoạch để có chiến dịch bùng nổ

28/12/2022
606

Seasonal marketing đã được nhiều nhãn hàng áp dụng thành công trong suốt chiều dài lịch sử ngành marketing.

Năm 1970, KFC mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản. Năm 1974, hãng triển khai chiến dịch “Kentucky for Christmas” và bắt đầu mở bán những combo gà rán trong xô đựng khổng lồ. Chiến dịch cực kỳ thành công và tạo nên truyền thống ăn gà rán vào lễ Giáng Sinh tại Nhật Bản, và giáng sinh là phải có những xô gà rán KFC. Theo công bố của hãng, chỉ trong 5 ngày từ 20-25/12/2018, KFC đạt doanh thu 69 triệu USD và đón tiếp lượng khách gấp 10 lần ngày thường.

Năm 1983, một nhóm sinh viên tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) đã nghĩ ra ngày độc thân 11/11 để cùng nhau tụ tập ăn mừng. Ngày này nhanh chóng được hưởng ứng trên quy mô lớn trong cộng đồng thanh thiếu niên Trung Quốc. Ngày 11/11/2009, sàn thương mại điện tử Alibaba đã thực hiện một chương trình khuyến mại lớn dành riêng cho người độc thân để kích thích mua sắm online. Chỉ sau 10 năm, ngày độc thân 11/11 đã trở thành lễ hội mua sắm toàn cầu, vượt qua cả Black Friday hay Cyber Monday. Năm 2021, Alibaba công bố doanh thu mua sắm trong lễ độc thân đạt 76,1 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục của các sàn thương mại điện tử từ trước đến nay.

Đây chỉ là hai trong số nhiều ví dụ xuất sắc của seasonal marketing, chiến dịch giúp các doanh nghiệp bùng nổ doanh số và nhận diện thương hiệu. Hãy cùng MISA tìm hiểu kỹ hơn chiến dịch hiệu quả này và áp dụng ngay với doanh nghiệp của bạn nhé.

I. Seasonal marketing là gì?

1. Định nghĩa

Theo cách hiểu phổ biến nhất, seasonal marketing là một hình thức marketing dựa trên các sự kiện diễn ra hàng năm, được nhiều người biết tới. Những sự kiện này có thể ở quy mô toàn thế giới, hoặc một quốc gia, hay chỉ thuộc về một tôn giáo nào đó.

Starbucks tung ra Bộ sưu tập giới hạn mỗi mùa lễ hội khiến người hâm mộ “khao khát” sở hữu (Nguồn: Starbucks)
Starbucks tung ra Bộ sưu tập giới hạn mỗi mùa lễ hội khiến người hâm mộ “khao khát” sở hữu (Nguồn: Starbucks)

2. Phân loại

Có thể phân loại các sự kiện thường được sử dụng cho chiến dịch seasonal marketing thành ba dạng:

Sự kiện chính thống

Là các sự kiện và ngày lễ được công nhận trên phạm vi toàn thế giới hoặc toàn quốc, ví dụ ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Quốc khánh, ngày Tết, Noel, lễ Tạ Ơn … 

Đặc trưng của những ngày lễ này là được biết đến rộng rãi, người dân có nhu cầu chi tiêu, mua sắm cao gấp nhiều lần ngày thường và chiến dịch seasonal marketing gắn với thời điểm này sẽ phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp.

Sự kiện không chính thống

Là các sự kiện, ngày lễ được nhiều người quan tâm nhưng ở phạm vi hẹp hơn và không được công nhận chính thức là ngày lễ, như ngày của Cha, ngày của Mẹ, ngày Trái Đất, ngày độc thân … 

Đặc trưng của những ngày lễ này là chỉ được công nhận trong một số nhóm quốc gia hoặc cộng đồng riêng biệt và gắn với một đối tượng cụ thể. Do đó, chiến lược seasonal marketing theo sự kiện không chính thống sẽ chỉ phù hợp với một số doanh nghiệp và dòng sản phẩm nhất định, không phù hợp với số đông.

Sự kiện khác

Là các sự kiện, ngày lễ được chính các doanh nghiệp, các marketers sáng tạo ra với mục đích bán hàng, ví dụ double day (9/9, 10/10, 11/11 …). 

Đặc trưng của những sự kiện này là được tổ chức với mục đích thương mại, là “lí do” để khuyến mại sâu mà không làm mất giá trị thương hiệu, cũng như tạo thói quen, kích thích khách hàng mua sắm thường xuyên.

Alibaba đã biến ngày độc thân 11/11 trở thành ngày hội mua sắm toàn cầu (Nguồn: Alibaba Group)
Alibaba đã biến ngày độc thân 11/11 trở thành ngày hội mua sắm toàn cầu (Nguồn: Alibaba Group)

Như vậy có thể thấy, ba dạng sự kiện kể trên tương ứng với ba mức độ cần lưu tâm về thời điểm cho chiến dịch seasonal marketing:

  • Mức độ 1 là các sự kiện chính thống sẽ gần như bắt buộc phải triển khai. 
  • Mức độ 2 là các sự kiện không chính thống, có thể làm hoặc không triển khai, tuỳ thuộc độ phù hợp giữa thương hiệu với sự kiện.
  • Mức độ 3 là các sự kiện khác, để tổ chức được đòi hỏi doanh nghiệp phải thực sự đầu tư để giáo dục thị trường, tạo thói quen cho người tiêu dùng trước, sau đó mới khai thác được vào chiến dịch. Mức độ 3 có thể xem là “đỉnh cao” của seasonal marketing.

Vậy để không bỏ lỡ các sự kiện trong năm, hãy tạo một lịch sự kiện riêng trong cả năm, phân sự kiện theo 3 cấp độ như trên. Mẫu lịch năm tham khảo : 

Mẫu lịch chia theo 52 tuần, ghi rõ sự kiện và chú thích (Nguồn: kensacreative.com)
Mẫu lịch chia theo 52 tuần, ghi rõ sự kiện và chú thích (Nguồn: kensacreative.com)

II. 6 bước lập kế hoạch cho chiến dịch Seasonal Marketing bùng nổ

Mỗi dịp lễ Tết, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn tận dụng cơ hội để triển khai seasonal marketing, nhưng không phải chiến dịch nào cũng gặt hái được thành công và mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Khác biệt ở đây chính là bước lập kế hoạch và sự chuẩn bị cho chiến dịch đó. Hãy tham khảo 6 bước lập kế hoạch cho chiến dịch seasonal marketing ngay sau đây.

Bước 1: Xác định mối liên quan giữa thương hiệu và sự kiện

Sau khi đã có lịch sự kiện theo năm, cần phân loại các sự kiện đó để xác định được những thời điểm nào cần tập trung làm marketing. Đây là căn cứ đầu tiên và cũng là căn cứ quan trọng nhất nhằm khoanh vùng được sự kiện hoặc ngày lễ nào sẽ nằm trong kế hoạch marketing của thương hiệu. 

Mối liên quan chặt chẽ, sáng tạo giữa thương hiệu và sự kiện sẽ tạo nên những hiệu ứng truyền thông rõ ràng, dễ hiểu và dễ tiếp cận với công chúng. Quan trọng nhất, những sự kiện có liên quan mật thiết với thương hiệu có thể khơi gợi cảm xúc, sự liên tưởng, tăng tỷ lệ chuyển đổi và kích thích hành vi mua sắm của khách hàng.

Thực tế, không có công thức nào xác định cụ thể số lượng sự kiện cần đưa vào kế hoạch. Marketers có thể sử dụng cách liệt kê toàn bộ các sự kiện và mối liên quan với thương hiệu để xếp theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, dựa vào thói quen và hành vi mua sắm của khách hàng với sản phẩm trong mùa vụ đó và loại bỏ dần những sự kiện được đánh giá là ưu tiên thấp, hiệu quả ít, cho đến khi đạt được cơ cấu chi phí phù hợp.

Ví dụ: thương hiệu bánh Thu Hương bakery hàng năm thường triển khai 2 chiến dịch seasonal marketing lớn nhất là Trung Thu với các hộp bánh nướng, bánh dẻo và Tết với set quà kết hợp bánh kẹo, rượu, các loại hạt. 

Thế mạnh của Thu Hương bakery là các hộp quà với mức giá từ trung bình đến cao (350.000đ đến 1.500.000đ), phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần chú trọng để chuẩn bị và dồn lực truyền thông, làm thành công hai chiến dịch này là đã giải quyết tốt cả bài toán doanh thu, lợi nhuận và thương hiệu.

Trung Thu là vụ mùa bán hàng lớn nhất trong năm của Thu Hương Bakery (Nguồn : thuhuongbakery.com.vn)
Trung Thu là vụ mùa bán hàng lớn nhất trong năm của Thu Hương Bakery (Nguồn : thuhuongbakery.com.vn)

Nhưng với các nhãn hàng mỹ phẩm, số lượng ngày lễ, sự kiện khách hàng quan tâm nhiều hơn, từ Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, ngày Valentine, ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Noel, cho tới chào hè, chào thu, vào đông. 

Có rất nhiều lý do để phụ nữ tự mua hoặc được tặng mỹ phẩm, đồng thời sản phẩm cho mỗi mùa loại có đặc trưng khác nhau, do đó mỹ phẩm sẽ phù hợp với nhiều chiến dịch seasonal marketing hơn.

Sau khi đã liệt kê các sự kiện và sắp xếp các thứ tự ưu tiên, bạn cần thiết lập những mục tiêu cụ thể cho chiến dịch seasonal marketing.

Bước 2: Thiết lập những mục tiêu cụ thể

Rất nhiều người làm kế hoạch gặp khó khăn trong việc đặt mục tiêu cho chiến dịch seasonal marketing. Mục tiêu quá thấp sẽ không có nhiều chi phí tương ứng để triển khai và có thể không đạt được tới quy mô mong muốn, nhưng mục tiêu quá cao sẽ gây sức ép lên marketing và sales. 

Vì thế, để thuyết phục và tăng sự tin tưởng, cần thiết lập mục tiêu dựa trên những căn cứ nhất định như: 

  • Mục tiêu kinh doanh tổng thể cả năm, mục tiêu theo tháng, quý chia nhỏ.
  • Tính khả thi về mặt sản xuất và kinh doanh.
  • So sánh với số liệu cụ thể của 5 năm gần đây nhất và xu hướng thị trường hiện tại.
Tết là mùa quan trọng của ngành thời trang mà áo dài là nguồn doanh thu chủ lực (Nguồn: kenh14.vn)
Tết là mùa quan trọng của ngành thời trang mà áo dài là nguồn doanh thu chủ lực (Nguồn: kenh14.vn)

Ví dụ: Nhân dịp Tết, công ty đặt mục tiêu đạt 500.000.000đ doanh thu bán áo dài trong tháng 12. Chi phí quảng cáo 25%, tỉ lệ chốt 20%, giá bán 1 sản phẩm trung bình là 250.000đ. Vậy cách xác định mục tiêu của phòng marketing là : 

  • Từ mục tiêu 500.000.000đ và giá bán sản phẩm 250.000đ, vậy cần bán 2.000 sản phẩm.
  • Tỷ lệ chốt 20%, vậy cần mang về 10.000 data trong 31 ngày, tương đương 323 data/ngày
  • Chi phí quảng cáo 25% tương đương 125.000.000đ trong 31 ngày, tương đương 4 triệu/ ngày.
  • Chi phí/1 data là 12.500đ.
  • Chi phí này thấp hơn nhiều so với chi phí trung bình của ngành và của các năm trước. Do vậy phòng marketing kiến nghị tăng giá bán sản phẩm, đồng thời tối ưu để tăng tỷ lệ chốt (đưa vào kế hoạch cụ thể).

Ngoài các yếu tố theo công thức, cần quan tâm tới nền tảng truyền thông và kênh bán. Các trang như Facebook, Youtube hay Google thường có giá thầu quảng cáo biến động theo thời điểm. Các ngày lễ, Tết có lượng quảng cáo nhiều, chi phí quảng cáo luôn tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. 

Sau khi đã có số liệu, cần đưa kế hoạch thành một câu lệnh hoàn chỉnh. Lưu ý rằng, mục tiêu càng rõ ràng, cụ thể và có căn cứ thì kế hoạch sẽ có tính thuyết phục càng cao và dễ nắm bắt. 

Bên cạnh đó, một chiến dịch seasonal marketing sẽ cần sự phối hợp của nhiều nhân lực và bộ phận khác nhau, vì thế một mục tiêu cụ thể sẽ giúp tất cả thành viên có chung một đích đến và mỗi phòng ban cũng dễ dàng chia nhỏ được mục tiêu của mình để đạt được mục tiêu chung. 

Để đảm bảo tính khả thi, người làm kế hoạch có thể tham khảo cách xác định mục tiêu theo mô hình SMART gồm :

  • S – Specific : Cụ thể, dễ hiểu.
  • M – Measurable : Đo lường được
  • A – Attainable : Có thể đạt được
  • R – Relevant : Thực tế
  • T – Time-Bound : Thời gian hoàn thành

Để đảm bảo không bỏ sót các yếu tố quan trọng, có thể sử dụng công thức viết mục tiêu gồm các câu trả lời cho bộ câu hỏi : 

  • Ai?
  • Làm gì?
  • Với cái gì?
  • Bao nhiêu?
  • Khi nào?
  • Bằng cách nào?
  • Với ai?
  • Ở đâu?
  • Để đạt được gì?

Ví dụ cùng một mục tiêu cụ thể có 2 cách viết sau : 

  • Cách 1 : Đạt 500.000.000đ doanh thu bán áo dài trong tháng 12.
  • Cách 2 : Phòng marketing phối hợp phòng sale online triển khai chiến dịch bán áo dài Tết 2023 từ ngày 1/12 đến 31/12/2022 độc quyền trên trang facebook chính thức (tích xanh) của công ty, đạt 500.000.000đ và 2.000 đơn hàng thông qua chạy quảng cáo.

Rõ ràng với cách viết 2, các bộ phận đều có thể hiểu. Như phòng vận đơn sẽ biết cần chuẩn bị nhân lực để đóng gói và chuyển đi 2.000 đơn hàng, phòng sale sẽ biết cần phân bổ nhân sự để bán được 2.000 đơn hàng thông qua việc tiếp nhận, xử lý 10.000 data.

Sau khi xác định được mục tiêu đủ cụ thể, cần cân nhắc tiếp tới các yếu tố về thị trường và khách hàng.

>> Xem thêm: Hướng dẫn xây dựng mục tiêu bán hàng dựa trên những kỳ vọng dài hạn

Bước 3: Phân tích xu hướng thị trường

Ở bước này, phân tích xu hướng thị trường sẽ giúp người làm kế hoạch bổ sung thêm các chi tiết để hoàn thiện

Thuận lợi của seasonal marketing so với những chiến dịch khác là khách hàng thường có những mối quan tâm chung, thói quen và hành vi tương đồng hướng đến sự kiện đó. Nhưng đồng thời seasonal marketing cũng có khó khăn là bản chất sự kiện không thay đổi, lặp lại từ năm này sang năm khác. 

Vì thế, điều cần phân tích sâu nhất là những khác biệt ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi, sở thích của khách hàng ở từng thị trường trong năm đó, biểu hiện qua xu hướng. Xu hướng này có thể dẫn dắt hành vi và là động lực hoặc rào cản mua sắm của khách hàng. 

Ví dụ: Tết 2023 ở nhiều quốc gia là năm con Mèo, nhưng ở Trung Quốc và Hàn Quốc lại là năm Thỏ, do đó khách hàng ở hai quốc gia này sẽ có xu hướng yêu thích các mặt hàng có linh vật con thỏ hơn là mèo. Các sự kiện năm mới, trang trí cửa hàng, bao gói sản phẩm cũng sử dụng thỏ làm hình mẫu chính.

Hoặc ví dụ Tết năm 2022 xu hướng là áo dài voan chất liệu mỏng nhẹ do thời tiết ấm áp, nhưng Tết năm 2023 xu hướng lại là áo dài gấm do dự báo rét đậm, rét hại. Chúng ta khó có thể dự đoán chính xác thời tiết những ngày Tết, nhưng khi tung ra tin truyền thông này, các mặt hàng áo dài gấm chắc chắn sẽ bán chạy hơn áo dài voan. 

Mở rộng hơn, xu hướng thị trường còn bao gồm những sự thay đổi trong sở thích của khách hàng có thể ảnh hưởng đến hoạt động marketing như xu hướng short video, xu hướng công nghệ, xu hướng mua sắm online, xu hướng tự động hoá …

Tiếp đó, chúng ta cần nắm rõ thói quen của khách hàng mục tiêu để làm căn cứ cho hoạt động truyền thông.

Bước 4: Phân tích hành vi của khách hàng mục tiêu

Mỗi mùa seasonal marketing là thời điểm tất cả các nhãn hàng đều tiến hành các hoạt động truyền thông “dồn dập”, dẫn tới “bão hoà” thông tin. Do đó, điều đầu tiên cần tìm hiểu trong phần này là hành vi tiếp cận thông tin của khách hàng mục tiêu để điều phối chi phí marketing hợp lý, tránh lãng phí.

Nội dung để phân tích hành vi tiếp cận thông tin thường bao gồm: 

  • Kênh tiếp cận
  • Hình thức tiếp cận
  • Dạng truyền thông (ngắn hay dài, video hay bài viết)
  • Số lượt hiển thị tối thiểu/tối đa
  • Vai trò của người quen hoặc KOL dẫn dắt trong việc truyền đạt thông tin có ảnh hưởng như thế nào đến quyết định mua. 

Qua đó, doanh nghiệp sẽ xác định được đâu là kênh truyền đi thông tin chính, đâu là các kênh vệ tinh để phân bổ phù hợp.

Đặc trưng của các sản phẩm đi theo chiến dịch seasonal marketing là vòng đời ngắn và nổi lên theo mùa vụ, do đó không phải sản phẩm nào cũng đủ uy tín để chinh phục được khách hàng và khiến họ ra quyết định mua ngay. 

Để thuyết phục được người tiêu dùng, nhãn hàng cần tìm ra lý do khách hàng tin tưởng sản phẩm của mình, và mỗi người lại có một thói quen khác nhau: tin do đã dùng thử, tin vì được bạn bè hoặc các hội nhóm giới thiệu, tin bởi được chuyên gia khuyên dùng … Tìm ra thói quen tin tưởng sản phẩm của khách hàng chính là chìa khóa mở ra điểm chạm hiệu quả nhất.

Không chỉ đánh giá sản phẩm, khách hàng ngày nay còn thường tìm kiếm và đánh giá về thương hiệu để biết điều gì hay yếu tố gì sẽ khiến họ tin tưởng và ra quyết định mua, gồm nhiều mặt từ hình tượng người dẫn đầu, văn hoá doanh nghiệp, uy tín trên thị trường, lịch sử kinh doanh. 

Ví dụ vào Trung Thu, nhiều người Hà Nội sẵn sàng xếp hàng để mua một hộp bánh Bảo Phương, người Hải Phòng lại muốn có một hộp bánh Đông Phương, bởi họ tin rằng những thương hiệu lâu đời sẽ sản xuất được những sản phẩm đậm chất truyền thống. 

Trong khi phân tích hành vi khách hàng có thể tìm ra cách thức để tác động mạnh về mặt truyền thông thì phân tích thói quen mua sắm của khách hàng là yếu tố quyết định tới 60% sự thành công của doanh số bán. 

Nhiều sản phẩm đặc thù như bộ quà Tết, lịch, hộp rượu … chỉ bùng nổ trong một thời gian ngắn, và doanh thu dịp Tết có thể chiếm tới 40% doanh thu cả năm. Do đó nắm bắt được thói quen mua sắm của khách hàng chính là căn cứ để tính toán thời điểm đạt đỉnh và các điểm chạm của khách hàng với thương hiệu và sản phẩm. 

Điều quan trọng nhất trong phân tích thói quen mua sắm là tính chu kỳ. Ví dụ đến dịp Tết, các doanh nghiệp sẽ bắt đầu thanh toán lương thưởng vào khoảng ngày 23 – 25 (âm lịch) và người lao động thường về quê, bắt đầu nghỉ Tết từ 29 (âm lịch). 

Như vậy, thời điểm 23 – 28 (âm lịch) sẽ là cao điểm mua sắm, và sau ngày 29 sẽ giảm dần ở các trung tâm thành phố, tăng dần về các tỉnh thành. Nắm được chu kỳ đó giúp doanh nghiệp phân bổ nhân sự phục vụ đúng, đủ nhằm tận dụng để thu được lợi nhuận cao nhất, tăng giảm quảng cáo phù hợp để tối ưu chi phí.

Bước 5: Liệt kê các điểm chạm

Căn cứ trên xu hướng và thói quen của khách hàng, có thể phác thảo hành trình mua sắm từ thời điểm bắt đầu bị tác động bởi yếu tố mùa vụ, sự kiện đến thời điểm phát sinh nhu cầu, tìm kiếm thông tin, cân nhắc và ra quyết định mua của người tiêu dùng. 

Mỗi bước trong hành trình đó đều trải qua các điểm chạm, và doanh nghiệp cần đảm bảo mọi điểm chạm đều được tối ưu, thể hiện cùng một thông điệp và mang màu sắc thương hiệu rõ nét.

Đặc trưng của seasonal marketing là sự kiện được công chúng biết tới rộng rãi và lặp lại hàng năm, do đó những màu sắc mới, sự đột phá và sáng tạo chỉ có thể đến từ các điểm chạm mới. 

Năm 2020, Cocacola đã tổ chức một chiến dịch seasonal marketing dịp Noel lớn nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. 

Chiến dịch với hàng dài xe tải logo đỏ đi qua nhiều quốc gia mang theo những bài hát Giáng Sinh và dàn hợp xướng hát trực tiếp, những trạm thu gom vỏ lon đã qua sử dụng và được quy đổi thành tiền ủng hộ người vô gia cư. Hãng cũng nắm bắt được xu hướng tiếp cận thông tin online của khách hàng, từ đó đưa ra một chiến dịch tiếp cận người dùng thông qua nền tảng Snapchat.

Thú vị hơn, hãng hợp tác với ứng dụng Waze sử dụng hình ảnh ông già Noel để chỉ đường tới nơi bán Coca Cola gần nhất. Bằng cách đó, người tiêu dùng có thể thấy Coca Cola xuất hiện ở khắp nơi với hàng ngàn điểm chạm và mỗi điểm chạm lại mang tới một cảm xúc khác nhau. Khách hàng được đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, đồng thời được chia sẻ và lan tỏa hạnh phúc, đúng với tinh thần của ngày Noel và của thương hiệu đang hướng tới. 

Để liệt kê hết các điểm chạm, có thể chia làm 3 hướng 

  • Hướng thứ nhất: Đi theo các kênh bán hàng từ online đến offline. Banner, poster, pop-up, giao diện website, trang thanh toán… cho tới quầy kệ bán hàng, trưng bày bên trong gian hàng, những câu chuyện được truyền tải qua sản phẩm. 

    Thời điểm gần ngày sự kiện, người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng thoải mái hơn, do đó hãy tận dụng để tặng voucher, khuyến khích mua theo combo để tăng giá trị đơn hàng, từ đó tăng doanh thu.

  • Hướng thứ hai: Đi theo các kênh truyền thông, gồm quảng cáo truyền hình, báo chí, trang mạng xã hội, OOH, frame thang máy, tờ rơi …
  • Hướng thứ ba: Thông qua chiến thuật referral marketing (tiếp thị giới thiệu) hay còn gọi là quảng cáo truyền miệng. Đây là chiến thuật phù hợp với seasonal marketing hơn bất kỳ hình thức nào khác, bởi những ngày lễ hội là thời điểm đoàn tụ, gặp gỡ, không thể thiếu những câu chuyện để chia sẻ. 

Hãy tạo cơ hội, một “lý do” để khách hàng nói về nhãn hàng và sản phẩm, qua đó để lan tỏa thông điệp nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

Ví dụ, app học tiếng anh cho trẻ em Edupia tung chương trình quà tặng Noel, theo đó phụ huynh đã mua và sử dụng app, nếu giới thiệu thành công phụ huynh khác mua cho con thì cả 2 bé sẽ được nhận 2 buổi phỏng vấn 1 – 1 để test trình độ với giáo viên. 

Đây là lợi ích cho cả 2 phía, được nhiều phụ huynh quan tâm, yêu thích, giúp cho quá trình “giới thiệu” của phụ huynh trở nên tự nhiên, đơn giản và hiệu quả cao hơn những thời điểm khác. Nhận thức được rủi ro sai lệch do thông điệp được truyền qua một bên trung gian, Edupia chú trọng cung cấp thông tin chính xác để phụ huynh hiểu và có những chia sẻ đúng nhất, thực chất nhất.

Bước 6: Sáng tạo concept chiến dịch

Bước cuối cùng, sau khi đã có đầy đủ mục tiêu, phân tích thông tin và căn cứ, hãy sắp xếp tất cả các nội dung đó thành một concept cụ thể cho chiến dịch seasonal marketing, gồm:

  • Thời gian: Bao gồm cả giai đoạn chuẩn bị – trước – trong – sau chiến dịch. Như đã phân tích, giai đoạn chuẩn bị là quan trọng nhất với chiến dịch seasonal marketing.
  • Địa điểm: Từ phân tích về điểm chạm, chọn lọc và đưa ra địa điểm – “sân chơi” chính cho chiến dịch cùng với hình thức thể hiển tượng ứng như trưng bày, trang trí, tone and mood …
  • Thông điệp: Từ thói quen tiếp cận thông tin của khách hàng và mối liên hệ giữa thương hiệu với sự kiện để đưa ra thông điệp đảm bảo ấn tượng, sáng tạo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ lan tỏa.
  • Kênh truyền thông và kịch bản truyền thông: từ thông điệp, điểm chạm, thói quen và xu hướng, lựa chọn kênh truyền thông và kịch bản truyền thông hướng đến khơi dậy cảm xúc cho khách hàng.
  • Điểm nhấn: Mỗi sự kiện cần một điểm nhấn chính, đó có thể là một lễ hội ngoài trời, livestream quay số may mắn hoặc một lễ trao giải thưởng. Điểm nhấn chính là nút thắt để gợi khách hàng nhớ về sự kiện và thương hiệu.
  • Chương trình khuyến mãi – quà tặng: Với tinh thần của ngày lễ, sự kiện là sự vui vẻ và chia sẻ, đừng quên những quà tặng, khuyến mại độc quyền để kích thích mua sắm và gia tăng quyền lợi cho khách hàng.

Sau khi xây dựng xong concept, kế hoạch seasonal marketing đã khá đầy đủ. Sử dụng thành thạo 6 bước phân tích này cùng một lịch sự kiện đầy đủ sẽ giúp bạn luôn sẵn sàng và chủ động trước bất cứ chiến dịch seasonal marketing nào. 

Để giúp bạn đọc có thêm công cụ hữu ích, hãy cùng MISA tham khảo 10 chiến thuật hiệu quả nhất có thể lồng ghép với chiến dịch seasonal marketing, bao gồm:

  1. Làm mới bao bì: màu sắc, hình ảnh chuẩn sự kiện, thêm công năng (biếu tặng, có thể tái sử dụng)
  2. Sáng tạo câu chuyện, thông điệp gắn với sự kiện và kể với khách hàng qua các điểm chạm
  3. Quà tặng đính kèm sáng tạo, giúp lan tỏa nhận diện thương hiệu: lịch Tết, bao lì xì, voucher ưu đãi, đồ lưu niệm
  4. Kết hợp mua sắm và trải nghiệm giải trí: minigame, điểm chạm quầy thu ngân, hidden box
  5. Quảng cáo đa kênh, tối đa điểm chạm
  6. Sử dụng short video, animation, music marketing truyền tải không khí lễ hội sôi động
  7. Chương trình tổng kết mua sắm trong năm, tri ân khách hàng
  8. Liên kết truyền thông chéo, tặng voucher vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, nhà hàng
  9. Luôn bắt trend nhanh nhất
  10. Tận dụng các thời khắc đặc biệt như giao thừa, sáng đầu năm, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ… để kết nối với khách hàng qua SMS brandname, email marketing,…

III. Tổng kết

Seasonal marketing là một chiến thuật được yêu thích và có hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thành công. 

Doanh nghiệp cần lưu ý hai điểm mấu chốt để có chiến dịch seasonal marketing bùng nổ: 

Một là chiến dịch phải tạo được ấn tượng đủ rõ nét, thông qua việc xác định mối liên kết giữa thương hiệu với sự kiện đủ mạnh, đủ sáng tạo và khác biệt. 

Hai là tất cả các điểm chạm, thông điệp, hình ảnh, màu sắc phải đồng bộ với nhau và đồng bộ với cá tính thương hiệu để trải nghiệm của khách hàng được mượt mà hơn.

Hi vọng rằng với những chia sẻ trên, quý độc giả đã có được cái nhìn tổng quan về seasonal marketing – một hình thức marketing hiệu quả vượt trội, và có sự chuẩn bị tốt cho mùa lễ hội này. Chúc Quý doanh nghiệp và các độc giả của MISA có những chiến dịch seasonal marketing thành công rực rỡ và bùng nổ doanh số.

Tác giả: Lương Hà

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả