Ma trận BCG là gì? Làm thế nào để khởi tạo ma trận BCG?

05/08/2022
2390

Được tạo bởi Boston Consulting Group, ma trận BCG cung cấp một chiến lược phân tích sản phẩm theo tốc độ tăng trưởng và thị phần tương đối. Vậy ma trận BCG là gì? Làm thế nào để khởi tạo ma trận BCG? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Ma trận BCG Boston Consulting Group
Ma trận BCG Boston

Ma trận BCG là gì?

Ma trận BCG là một mô hình được sử dụng để phân tích các sản phẩm của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các nhà tiếp thị lập kế hoạch chiến lược dài hạn. Thông qua ma trận BCG, các công ty có thể xác định được các cơ hội tăng trưởng mới và đưa ra định hướng đầu tư cho tương lai.

Đối với phần lớn các công ty, không phải tất cả mẫu mã sản phẩm đều bán chạy. Mặt khác, họ lại có những mặt hàng đem lại doanh thu vượt xa so với đối thủ. Bằng việc phân tích từng dòng sản phẩm, ma trận BCG giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan nhằm đánh giá mức độ tiềm năng của sản phẩm. Qua đó, các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn khi đầu tư vào sản phẩm nào đó, cũng như loại bỏ món hàng không còn tiềm năng.

Ma trận BCG được chia thành 4 phần dựa trên phân tích về tăng trưởng thị trường và thị phần. Trong đó:

  • Ngôi sao: Để được xếp vào hạng mục này, các sản phẩm phải là những mặt hàng có thị phần tương đối lớn ở những ngành đang có sự tăng trưởng cao. Vì vậy, chúng có nhiều cơ hội để tăng trưởng trong dài hạn.
  • Dấu chấm hỏi: Mặc dù những sản phẩm trong nhóm này đều thuộc những ngành tăng trưởng cao và có triển vọng về lợi nhuận cực lớn. Tuy nhiên thị phần của chúng lại tương đối thấp.
  • Ma trận con bò sữa: Đây là những ngành tăng trưởng thấp nhưng có thị phần cao. Vậy nên, các sản phẩm nhóm này về lâu về dài lại không có đất diễn.
  • Con chó: Với thị phần thấp và mức độ tăng trưởng ngành chậm, đây là những sản phẩm gần như không mang lại lợi nhuận cao về cho doanh nghiệp.

Ưu điểm và hạn chế của ma trận BCG

ma trận BCG
Ma trận BCG Boston Consulting Group

Ưu điểm của ma trận BCG Boston Consulting Group

1. Ma trận Boston dễ hiểu

Ưu điểm lớn nhất của ma trận BCG là nó rất dễ hiểu và chúng không yêu cầu người sử dụng phải có bằng cấp hay trình độ học thức cao siêu để hiểu khái niệm này. Do đó, bất cứ ai khi nhìn vào ma trận này đều có thể dễ dàng suy luận rằng nhóm bò sữa và ngôi sao là hai nhóm lý tưởng cho công ty. Ngược lại, dấu chấm hỏi và con chó là hai nhóm mà doanh nghiệp cần để ý nhằm tránh tối đa rủi ro mà các sản phẩm trong hạng mục này đem lại.

2. Xác định cơ hội tiềm năng

Một ưu điểm khác của ma trận này là nó giúp công ty xác định các cơ hội tiềm năng, bởi một khi đã xác định được nhóm dấu chấm hỏi và con chó, sau đó loại bỏ chúng. Lúc này doanh nghiệp sẽ chỉ còn những sản phẩm ở nhóm bò sữa và ngôi sao, và tuỳ theo nguồn lực tài chính cũng như mức độ ưa thích rủi ro mà các nhà quản trị có thể chọn theo 2 hướng.

Hướng thứ nhất là các sản phẩm có phạm vi tăng trưởng cao nhưng đồng thời yêu cầu đầu tư đáng kể từ phía công ty. Hoặc nếu không, doanh nghiệp có thể chọn nhóm sản phẩm bò sữa, thu về dòng tiền tốt với mức đầu tư tối thiểu, tuy nhiên, mức tăng trưởng của chúng không tiềm năng như nhóm ngôi sao.

3. Giúp doanh nghiệp loại bỏ lĩnh vực kinh doanh yếu kém

Sử dụng ma trận BCG sẽ rất hữu ích trong việc loại bỏ các lĩnh vực kinh doanh yếu kém bởi khi công ty đã xác định được các nhóm sản phẩm không tiềm năng thì có thể tiết kiệm rất nguồn lực bằng cách không đầu tư thêm tiền vào các lĩnh vực đó. Thay vào đó, tận dụng hiệu quả vốn đầu tư nhằm mở rộng kinh doanh vào những sản phẩm có lãi.

Hạn chế của ma trận Boston

1. Dễ bỏ qua các yếu tố kinh doanh khác

Vấn đề lớn nhất của cách tiếp cận này là nó chỉ tính đến thị phần và dòng tiền mà bỏ qua các yếu tố kinh doanh khác cũng quan trọng không kém để thành công. Do đó, dù công ty đã lựa chọn nhóm sản phẩm mang lại doanh thu tiềm năng nhưng nếu lãnh đạo cấp cao không tốt hoặc nhân viên không tận tâm hay những yếu tố ngoại cảnh không mong muốn xảy ra thì công ty vẫn sẽ làm ăn thua lỗ. Vì thế, việc lựa chọn danh mục sản phẩm trong nhóm ngôi sao và con bò sữa không đảm bảo rằng công ty luôn luôn tạo ra lợi nhuận.

2. Mô hình Boston không phù hợp trong môi trường kinh doanh phức tạp

Với cách tiếp cận vấn đề cực kỳ đơn giản, ma trận BCG trở nên kém hiệu quả trong nhiều tình huống phức tạp. Lý do là bởi mô hình này chỉ tập trung vào 3 yếu tố là dòng tiền, tốc độ tăng trưởng và thị phần, đồng thời không thể đưa ra giải pháp lý tưởng cho mọi tình huống.

Làm thế nào để khởi tạo ma trận BCG?

ma trận BCG Boston
Ma trận BCG Boston

Sau khi tìm hiểu ma trận BCG là gì và một số ưu và nhược điểm của nó, hãy cùng xem cách mà các nhà tiếp thị thiết lập ma trận BCG. Để phân tích ma trận BCG, chúng ta sẽ cần thu thập dữ liệu về tỷ lệ tăng trưởng và thị phần tương đối của sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Khi xem xét sự tăng trưởng của thị trường, các nhà tiếp thị cần phải phân tích một cách khách quan về lợi thế cạnh tranh của mình và suy nghĩ về sự tăng trưởng trong ba năm tới. (5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter là một trong những mô hình hữu ích cho việc phân tích). Tuy nhiên, nếu như thị trường quá phân mảnh, họ hoàn toàn có thể sử dụng thị phần tuyệt đối để thay thế. Tiếp theo, hãy vẽ ma trận BCG dựa trên những thông tin phân tích được.

Thông thường, trong ma trận BCG, thị phần được hiển thị trên đường nằm ngang (thấp bên trái, cao bên phải), và tốc độ tăng trưởng được vẽ theo đường dọc (trên cao, dưới thấp).

Cùng với đó là 4 thành tố quan trọng:

  1. Mô hình ngôi sao (phía trên bên trái)
  2. Dấu chấm hỏi (phía trên bên phải)
  3. Ma trận con bò sữa (phía dưới bên trái)
  4. Chó (phía dưới bên phải)

Đặt từng sản phẩm vào ô thích hợp dựa trên vị trí mà chúng xếp hạng về thị phần và tốc độ tăng trưởng.

Nhóm ngôi sao trong ma trận BCG

Các lĩnh vực kinh doanh hoặc sản phẩm có thị phần cao nhất và tạo ra nhiều tiền mặt nhất được coi là Ngôi sao. Các công ty độc quyền và các sản phẩm đầu tiên đưa ra thị trường cũng thường được gọi là Ngôi sao. Tuy nhiên, vì tốc độ tăng trưởng cao, các Ngôi sao tiêu tốn một lượng lớn vốn đầu tư.

Điều này thường dẫn đến lợi nhuận nhận được cũng sẽ nhanh chóng tiêu tán để tái đầu tư sản phẩm. Các Ngôi sao cũng có thể trở thành Bò sữa nếu như các sản phẩm trong danh mục này vẫn mang lại lợi nhuận tốt ngay cả khi thị trường bắt đầu chững lại. Theo nguyên lý của ma trận BCG, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nhóm Ngôi sao.

Nhóm bò sữa trong ma trận BCG

Nhóm bò sữa là những công ty dẫn đầu thị trường, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn mức tiêu thụ. Để được xếp vào nhóm này, doanh nghiệp cần có lĩnh vực kinh doanh hoặc sản phẩm có thị phần cao nhưng triển vọng tăng trưởng thấp.

Nhóm Bò sữa trong ma trận BCG cung cấp lượng vốn cần thiết để biến ô Dấu chấm hỏi thành công ty dẫn đầu thị trường, trang trải chi phí quản lý của công ty, quỹ nghiên cứu và phát triển, thanh toán các khoản nợ của công ty và trả cổ tức cho các cổ đông. Các công ty nên đầu tư vào nhóm này để duy trì mức năng suất hiện tại hoặc để “vắt sữa” nhằm thu được lợi nhuận một cách thụ động.

>> Xem thêm: Cách đo lường thị phần chính xác nhất

Nhóm con chó trong ma trận BCG

Nhóm này thường là những lĩnh vực kinh doanh hay sản phẩm có thị phần thấp và tốc độ tăng trưởng thấp. Các sản phẩm “Con chó” thường xuyên hòa vốn, không kiếm được cũng không tiêu nhiều tiền.

Ma trận con chó thường được coi là bẫy vốn bởi vì các doanh nghiệp có tiền bị buộc chặt trong người, mặc dù chúng hầu như không mang lại gì. Các lĩnh vực kinh doanh này thường là những ứng cử viên hàng đầu cho việc thoái vốn.

Nhóm dấu chấm hỏi trong mô hình Boston

Với nhóm này, các sản phẩm có triển vọng tăng trưởng cao nhưng thị phần thấp. Mặc dù số tiền đầu tư bỏ ra không nhỏ nhưng lợi nhuận đem lại không tương xứng. Tuy nhiên, vì các lĩnh vực kinh doanh này đang phát triển nhanh chóng, nên chúng có tiềm năng trở thành Ngôi sao trong thị trường tăng trưởng cao. Các công ty nên đầu tư vào Dấu chấm hỏi nếu sản phẩm có tiềm năng phát triển hoặc ngừng nếu không.

Ví dụ về ma trận BCG của Coca-cola

Coca-Cola (tiếng Anh: The Coca-Cola Company) là một doanh nghiệp về đồ uống và là nhà sản xuất, bán lẻ, quảng bá các đồ uống và siro không cồn đa quốc gia của Hoa Kỳ. Coca-Cola có trụ sở tại Atlanta, Georgia, được thành lập tại Wilmington, Delaware.

Coca-Cola (thường được nói tắt là Coca) cũng là một thương hiệu nước ngọt có ga chứa nước carbon dioxide bão hòa được sản xuất bởi Công ty Coca-Cola. Coca-Cola được điều chế bởi dược sĩ John Pemberton vào cuối thế kỷ XIX với mục đích ban đầu là trở thành một loại biệt dược.

Tuy nhiên, doanh nhân người Mỹ Asa Griggs Candler sau đó đã mua lại công thức loại thuốc uống này, và bằng những chiến thuật tiếp thị thông minh, ông đã đưa Coca-Cola trở thành một trong những sản phẩm dẫn đầu thị trường nước ngọt có ga trong thế kỷ XX.

phân tích ma trận BCG của Coca Cola
Phân tích ma trận BCG của Coca Cola

Công ty Coca-Cola đã giới thiệu nhiều loại sản phẩm dưới thương hiệu Coke. Một trong những sản phẩm nổi tiếng trong số này là Diet Coke Ngoài ra còn có thể kể tới Caffeine-Free Coca-Cola, Caffeine-Free Diet Coke, Coca-Cola Cherry, Coca-Cola Zero, Coca-Cola Vanilla, và các phiên bản đặc biệt có vị chanh tây, chanh và cà phê.

Vào năm 2013, các sản phẩm Coke đã được phân phối tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới. Dựa trên nghiên cứu về “thương hiệu toàn cầu tốt nhất” năm 2015 của Interbrand, Coca-Cola xếp thứ ba về mức độ giá trị thương hiệu và thương mại.

Coca-Cola chiếm 3.1% tổng lượng sản phẩm thức uống trên toàn thế giới. Trong 33 nhãn hiệu nước giải khát không cồn nổi tiếng trên thế giới, Coca-Cola sở hữu tới 15 nhãn hiệu. Mỗi ngày Coca-Cola bán được hơn 1 tỷ loại nước uống, mỗi giây lại có hơn 10.000 người dùng sản phẩm của Coca-Cola. Trung bình một người Mỹ uống sản phẩm của công ty Coca-Cola 4 ngày 1 lần. Coca-Cola hiện đã có mặt tại tất cả các châu lục trên thế giới và có thể được nhận ra bởi phần lớn dân số thế giới.

Coca-Cola lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1960 và chính thức xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1964 khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại.

Coca-Cola Việt Nam hiện có các nhà máy đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội, tạo ra khoảng 4.000 công việc trực tiếp cũng như gián tiếp tạo số lượng việc làm gấp 6 đến 10 lần từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng của mình.

Với định hướng trở thành công ty nước giải khát toàn diện, hướng đến người tiêu dùng, công ty không ngừng cải tiến và cung cấp nhiều loại nước giải khát đa dạng, chất lượng, bao gồm các dòng sản phẩm ít đường và không đường, đồng thời đa dạng mẫu mã và mở rộng mức độ phủ sóng kinh doanh.

Điều làm nên thành công của Coca-cola, không thể không kể tới việc phân loại sản phẩm trong ma trận BCG một cách đúng đắn nhằm đưa ra chiến lược hiệu quả. Trong danh mục sản phẩm của Coca-cola, Diet Coke và Minute Maid là 2 sản phẩm thuộc nhóm Dấu chấm hỏi, vì những sản phẩm này chỉ thu hút một lượng khách hàng nhỏ, nhưng vẫn có tiềm năng phát triển.

Các thương hiệu nước đóng chai là Kinley và Dasani của Coca là những Ngôi sao vì chúng đang phổ biến và thống trị thị trường tại Châu Âu và Hoa Kỳ, đồng thời không có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Còn sản phẩm làm nên thương hiệu của hãng đồ uống này – Coca là sản phẩm Bò sữa vì nó có tốc độ tăng trưởng thấp và thị phần cao.

Tuy nhiên, Coca-Cola cũng là sản phẩm trong nhóm Con chó vì một số đạo luật ngăn chặn tiêu thụ nước giải khát – chưa kể đến việc công chúng quay lưng lại với dòng sản phẩm này – đã làm giảm doanh số đáng kể. Qua case study của Coca-cola, có thể thấy rằng đôi khi một sản phẩm cũng có thể nằm trong 2 nhóm của ma trận BCG.

>> Xem thêm: Phân tích ma trận BCG của Coca Cola

Tổng kết

Ma trận BCG là một mô hình được sử dụng để phân tích các sản phẩm của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các nhà tiếp thị lập kế hoạch chiến lược dài hạn.

Trong bài viết này, chúng tôi đã cung cấp tới các bạn những thông tin chi tiết như:

  1. Ma trận BCG là gì?
  2. Ưu điểm và hạn chế của ma trận BCG
  3. Làm thế nào để khởi tạo mô hình Boston?
  4. Case study về ma trận BCG của Coca-Cola

Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích về hoạt động quan trọng này, từ đó giúp triển khai hiệu quả ma trận BCG cho doanh nghiệp mình. MISA AMIS chúc các bạn thành công!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả