Kiến thức Trademark là gì? Vì sao doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ...

Thương hiệu mạnh được coi là tài sản quý giá đối với mọi doanh nghiệp, chính vì vậy hiện rất nhiều nhà quản lý vẫn đang ngày đêm tìm kiếm cách để bảo vệ nhãn hiệu của mình trước sự dòm ngó của đối thủ cạnh tranh. Một trong các cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn hành vi này là sử dụng Trademark. Vậy Trademark là gì? Và vì sao doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.

Trademark là gì
Trademark là gì, bảo hộ nhãn hiệu là gì

Trademark là gì?

Nhãn hiệu hay còn được biết đến với tên Trademark là một dấu hiệu, cụm từ hay một biểu tượng dễ nhận biết, chúng biểu thị cho một sản phẩm cụ thể và được pháp luật bảo hộ. Do đó, nhờ trademark mà người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt với các sản phẩm tương đồng. Bên cạnh đó, trademark cũng giúp xác định quyền sở hữu sản phẩm thuộc về thương hiệu nào.

Tương tự như trademark, nhãn hiệu dịch vụ (service mark) xác định và phân biệt nguồn gốc của dịch vụ chứ không phải là sản phẩm và thuật ngữ trademark thường được sử dụng để chỉ cả nhãn hiệu và nhãn hiệu dịch vụ.

Việc sử dụng trademark sẽ ngăn cản người khác sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty hoặc cá nhân mà không có sự cho phép của họ. Chúng cũng cấm bất kỳ nhãn hiệu nào có khả năng gây nhầm lẫn với thương hiệu của mình.

Điều này có nghĩa là một doanh nghiệp không thể sử dụng biểu tượng hoặc tên thương hiệu nếu chúng trông hoặc nghe có vẻ tương tự, hay có ý nghĩa giống với một biểu tượng hoặc tên đã được đăng ký – đặc biệt là các sản phẩm hoặc dịch vụ có liên quan. Ví dụ, một công ty sản xuất nước ngọt không thể sử dụng logo giống như logo của Coca-Cola, hay đăng ký tên thương hiệu là Coke một cách hợp pháp.

Tại Hoa Kỳ, trademark được đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), cùng với biểu tượng ®. Tuy nhiên nhãn hiệu không nhất thiết phải đăng ký để sở hữu quyền bảo hộ. Đối với các nhãn hiệu chưa được đăng ký có thể được nhận dạng bằng ký hiệu. Bằng việc sử dụng biểu tượng này, chủ sở hữu nhãn hiệu cho biết họ đang sử dụng hệ thống Thông luật (common law) để bảo vệ quyền lợi của mình.

Không giống như các bằng sáng chế, được cấp trong thời gian 20 năm, các nhãn hiệu không bao giờ hết hiệu lực. Điều này có nghĩa là chủ sở hữu có quyền sử dụng nhãn hiệu trong suốt thời gian tồn tại của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ nhất định. Người dùng được yêu cầu sử dụng liên tục, hợp pháp nhãn hiệu để được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, công ty phải thường xuyên sản xuất, tiếp thị và bán sản phẩm với một nhãn hiệu cụ thể để luật nhãn hiệu có hiệu lực.

trademark nhãn hiệu bảo hiệu thương hiệu
Trademark nhãn hiệu bảo hiệu thương hiệu

Lưu ý đặc biệt:

Trademark có thể được mua và rao bán trên thị trường. Để hiểu hơn về trường hợp này hãy cùng xem xét ví dụ dưới đây.

Nike là một trong những thương hiệu thể thao nổi tiếng trên toàn thế giới. Nike ban đầu có tên gọi là Blue Ribbon Sport (BRS), được thành lập vào ngày 25/1/1964 bởi Phil Knight và huấn luận viên của ông là Bill Bowerman.

Vào đầu những năm 1960, Knight viết một trang giải thích về việc các công nhân Nhật Bản sản xuất giày chạy bộ giá rẻ như thế nào. Sau chuyến đi đó, ông nhận thấy công ty Tiger của Nhật Bản chuyên sản xuất giày chạy bộ chất lượng cao và quyết định trả 500$ để nhập khẩu giày về Mỹ. Đến năm 1972, công ty bắt đầu thực hiện thiết kế những đôi giày mang thương hiệu Nike và ký hợp đồng gia công với các nhà máy ở châu Á. Năm 1972, Nike có tổng doanh thu 3 triệu đô và đến năm 1986 con số ấy đã tăng lên đến 1 tỷ đô la Mỹ.

Năm 2018, mức lợi nhuận của Nike đạt 36,39 tỷ USD với 73.100 nhân viên trên toàn thế giới. Thương hiệu Nike cũng được định giá 29,6 tỷ USD năm 2017 và trở thành một trong những thương hiệu giá trị nhất ngành kinh doanh hàng thể thao.

Trademark
Trademark là biểu tượng dễ nhận biết, biểu trưng cho 1 sản phẩm cụ thể

Để trở thành thương hiệu toàn cầu, cũng như được người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, thành công này một phần đến từ logo đặc trưng của Nike. Tuy nhiên ít ai biết rằng logo Swoosh signature này đã được Nike mua lại từ một sinh viên đồ họa với mức giá chỉ 35 USD vào năm 1971.

Các nhãn hiệu cũng có thể được cấp phép cho các công ty khác trong khoảng thời gian đã thoả thuận hoặc theo một số điều kiện nhất định, và điều này có thể tạo ra các nhãn hiệu chéo. Ví dụ: LEGO thường xuyên hợp tác với những hãng phim nổi tiếng, và được cấp phép sử dụng nhãn hiệu từ các bộ phim này. Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những sản phẩm của LEGO mang chủ đề của Star Wars hay DC Comics.

Ngoài ra, trademark cũng là phương thức hiệu quả để quảng bá tên thương hiệu. Một số thương hiệu, như Kleenex, có bộ nhận diện thương hiệu thành công đến nỗi họ đã gần như thay thế danh từ vốn là từ gốc của mặt hàng hoặc dịch vụ, như thay vì nói khăn giấy, người tiêu dùng sẽ sử dụng luôn từ Kleenex.

>> Đọc thêm: Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và những điều cần biết

phần mềm quản lý sale

Phân biệt Trademark, Patent và Copyrights

So với Patent và Copyrights, Trademark có điểm khác biệt rõ rệt. Bằng sáng chế (Patent) cấp quyền thiết kế, quy trình và phát minh đối với một phần tài sản cho nhà sáng chế hoặc chủ sở hữu sáng chế ra nó. Để đăng ký, nhà sáng chế phải công khai toàn bộ thông tin về phát minh như thiết kế và quy trình, thông qua USPTO. Qua đó, sáng chế của nhà phát minh có được sự bảo hộ từ pháp luật trong khoảng thời gian nhất định – thường là 20 năm. Và sau khi bằng sáng chế hết hạn, bất kỳ ai cũng có thể sản xuất, tiếp thị và thu lợi nhuận từ phát minh. Điều này khá phổ biến trong lĩnh vực dược phẩm. Khi đăng ký bằng sáng chế, một công ty dược phẩm có khả năng độc quyền loại thuốc mà họ phát minh, tuy nhiên sau khi hết hiệu lực, các công ty khác hoàn toàn có thể phân phối được loại thuốc đó.

trademark là gì
Phân biệt Trademark, Patent và Copyrights

Mặt khác, quyền tác giả cung cấp sự bảo hộ cho chủ sở hữu trí tuệ để sao chép tác phẩm một cách hợp pháp. Chủ sở hữu bản quyền và những người có thẩm quyền có thể độc quyền sao chép tác phẩm với mục đích thu lại lợi nhuận trong một khoảng thời gian cụ thể — thường là cho đến 70 năm sau khi họ qua đời.

Phần mềm, nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc và thiết kế là một số ví dụ về công việc được bảo vệ bởi bản quyền. Tuy vậy, tên thương hiệu, khẩu hiệu và logo lại không được bảo hộ. Để có được bản quyền và ngăn chặn hành vi vi phạm bản quyền, tác giả phải làm đơn đăng ký với Cục Bản quyền Hoa Kỳ.

Vì sao doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu?

Khuyến khích đầu tư và chuyển giao công nghệ nước ngoài vào trong nước: Các nhà đầu tư luôn lưu ý đến vấn đề bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo hộ thương hiệu hàng hoá – “Tài sản vô hình” quan trọng của họ, nhất là đối với công ty đa quốc gia.

Nếu một nước kêu gọi đầu tư có một hệ thống pháp lí chặt chẽ, đầy đủ, minh bạch trong việc bảo hộ thương hiệu, sẽ góp phần tạo môi trường đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện đầu tư hay chuyển giao công nghệ cho một quốc gia.

Bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho chủ sở hữu thương hiệu: Để chiếm được lòng tin tưởng của người tiêu dùng, đổi lại doanh nghiệp cần tốn không ít thời gian, chất xám và cả nguồn lực của mình để nghiên cứu sản phẩm. Không những thế, họ còn phải thường xuyên nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng cáo, quảng bá thương hiệu.

Vì vậy, thương hiệu mạnh chính là tài sản vô hình của doanh nghiệp, việc đăng kí bảo hộ thương hiệu sẽ góp phần bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp.

Bảo hộ lợi ích quốc gia: Đối với hàng hoá xuất khẩu, nếu mặt hàng này chưa được đăng kí bảo hộ thương hiệu hàng hoá tại nước sở tại, sẽ không thể chống lại nạn làm hàng giả, hàng nhái, khiến ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà xuất khẩu, hoặc có thể mất uy tín do hàng bị làm giả.

Trong những năm qua, nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài được ưa chuộng nhưng do chủ sở hữu thương hiệu hàng hoá chưa hiểu biết luật pháp nên đã không đăng kí bảo hộ thương hiệu.

Hậu quả là thương hiệu đã bị các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu lợi dụng, bắt chước chế tạo, dẫn đến việc mất thị trường xuất khẩu

Thúc đẩy sáng tạo, đổi mới kĩ thuật sản xuất, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh: Thông qua đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy và phát huy tính sáng tạo. Cùng với đó nghiên cứu các kĩ thuật sản xuất mới, độc lạ giúp tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, thay bằng việc lợi dụng thương hiệu của doanh nghiệp khác để thu lại lợi ích cá nhân.

Góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng: Giúp người tiêu dùng mua đúng thương hiệu đáng tin cậy, chống lại tệ nạn làm hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.

phần mềm quản lý bán hàng misa amis crm

Tổng kết

Như vậy, trong bài viết trên MISA AMIS đã cung cấp tới bạn những thông tin chi tiết về Trademark. Qua đó, giúp bạn phân biệt Trademark, Patent và Copyrights, đồng thời nêu lý do vì sao doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích về thuật ngữ quan trọng này, từ đó giúp triển khai hiệu quả chiến lược Trademark cho doanh nghiệp mình. MISA AMIS chúc các bạn thành công!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]