Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa & Các quy định liên quan

25/03/2022
3684

Đặt cọc là một chế định đã xuất hiện từ rất sớm trong pháp luật dân sự Việt Nam nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Trong thương mại, hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa giúp cho quá trình thực hiện giao dịch được diễn ra theo đúng thỏa thuận.

Vậy hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa là gì? Mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa gồm có các điều khoản nào?

I. Khái quát về hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

1. Đặt cọc là gì?

Khái niệm đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Theo đó, đặt cọc được xem là một biện pháp nhằm đảm bảo giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Thỏa thuận đặt cọc được các bên giao kết theo nhiều phương thức có thể bằng văn bản thể hiện dưới dạng hợp đồng, giấy nhận cọc, thỏa thuận đặt cọc hoặc giao kết qua các phương thức điện tử, giao kết miệng.

2. Thế nào là hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa?

Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó một bên đưa cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí, đá quý, vật có giá trị trong một thời gian nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Cũng bởi thế hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa được sử dụng rất nhiều trong giao dịch dân sự, do những đặc điểm tiện lợi của hợp đồng đặt cọc như:

– Không nhất thiết phải công chứng, chứng thực.

– Nội dung hợp đồng cơ bản, đơn giản.

– Nhằm mục đích bảo đảm việc giao kết hợp đồng hoặc có thể chỉ nhằm mục đích bảo đảm việc thực hiện hợp đồng.

3. Mục đích ký hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Khi cần mua bán một số lượng hàng hóa lớn nhằm mục đích kinh doanh, để đảm bảo tính an toàn cho giao dịch thường các bên sẽ tiến hành giao kết hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa, nhằm đảm bảo sau này sẽ thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

Việc đặt cọc có thể giao kết riêng thành một hợp đồng đặt cọc độc lập, hoặc các bên có quyền thỏa thuận ghi nhận điều khoản đặt cọc vào hợp đồng đã ký kết và cả giấy đặt cọc được 2 bên xác nhận thông tin và ký rõ ràng.

Việc lập hợp đồng đặt cọc giúp các bên có điều kiện thỏa thuận chi tiết hơn, rõ ràng hơn về đặt cọc và các nghĩa vụ phát sinh xoay quanh khoản tiền đặt cọc.

Dù xác lập dưới hình thức nào thì giá trị pháp lý của thỏa thuận đặt cọc mua bán hàng hóa đều tương đương nhau. Điều này đồng nghĩa với việc những văn bản đặt cọc được soạn thảo và được 2 bên ký xác nhận về nội dung bên trong đều có giá trị pháp lý.

4. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa có hiệu lực khi đảm bảo 3 điều kiện sau:

– Chủ thể hợp đồng đặt cọc có đủ năng lực hành vi dân sự.

– Nội dung thỏa thuận đặt cọc không trái luật, đạo đức xã hội.

– Các bên tự nguyện, không nhầm lẫn khi giao kết hợp đồng đặt cọc.

Đối với thỏa thuận đặt cọc được ghi nhận luôn trong hợp đồng chính, hiệu lực của nó cũng không thay đổi giá trị. Tức là các bên được quyền ghi nhận thỏa thuận đặt cọc thành một hợp đồng đặt cọc tách biệt hoặc gộp chung thành một biên bản hợp đồng chính nhưng vẫn không làm thay đổi giá trị của điều khoản đặt cọc.

II. Mức phạt cọc khi vi phạm hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015:

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, sau khi giao kết hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa, có 3 tình huống có thể xảy ra:

– Hai bên thực hiện hợp đồng: Tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ;

– Nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện tiếp hợp đồng: Tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc;

– Nếu bên nhận đặt cọc từ chối thực hiện tiếp hợp đồng: Bên nhận đặt cọc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đã đặt cọc và một khoản tiền tương ứng với giá trị của tài sản đặt cọc này. Tức là bên từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng phải trả bằng 02 lần tài sản đặt cọc cho bên bị vi phạm.

Ví dụ: Doanh nghiệp A ký hợp đồng đặt cọc cam kết bán vật liệu xây dựng cho Doanh nghiệp B với số tiền 100 triệu đồng. Nếu A và B không có thỏa thuận và A không bán hàng cho B nữa, A phải trả lại cho B 100 triệu và bị phạt cọc thêm 100 triệu đồng. Nếu B không mua hàng thì sẽ bị mất 100 triệu đồng đã cọc.

Cụm từ “thỏa thuận khác” trong Khoản 2 Điều 328 chính là quy định mở để các bên có quyền tự do thỏa thuận mức phạt cọc đối với hành vi vi phạm.

III. Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa có cần công chứng không?

hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Bộ Luật Dân sự 2015 hay Luật Công chứng 2014 và văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay đều không có điều khoản quy định hợp đồng đặt cọc bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng này, việc công chứng, chứng thực là cần thiết để tránh xảy ra tranh chấp sau này. Bởi trong quá trình Tòa án giải quyết tranh chấp, hợp đồng công chứng có giá trị chứng cứ. Những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng này không phải chứng minh, trừ trường hợp hợp đồng vô hiệu.

IV. Hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa vô hiệu khi nào?

hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Theo Điều 117 và Điều 407 Bộ Luật Dân sự 2015, ta có thể hiểu hợp đồng đặt cọc vô hiệu trong các trường hợp sau:

Thứ nhất: Hợp đồng đặt cọc vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Nếu hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Thứ hai: Hợp đồng đặt cọc vô hiệu do giả tạo (nhằm che giấu một hợp đồng khác).

Thứ ba: Hợp đồng đặt cọc vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.

Thứ tư: Hợp đồng đặt cọc vô hiệu do bị nhầm lẫn.

Trường hợp hợp đồng được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp mục đích của hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.

Thứ năm: Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.

Thứ sáu: Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập hợp đồng vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dân sự đó là vô hiệu.

Thứ bảy: Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.

Theo quy định của Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP thì hợp đồng phải được lập thành văn bản. Nếu hợp đồng đặt cọc vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu.

Thứ tám: Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Theo đó, trong trường hợp ngay từ khi giao kết hợp đồng đặt cọc, đối tượng trong hợp đồng này không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu.

>>> Bài viết liên quan: Hợp đồng vô hiệu là gì? Pháp luật quy định thế nào về hợp đồng vô hiệu?

V. Mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa mới nhất 2022

1. Nội dung cần có trong hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa

Về bản chất, đây là hợp đồng dân sự nên bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc có quyền thỏa thuận các nội dung của hợp đồng với điều kiện nội dung đó không trái luật và đạo đức xã hội. Thông thường hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa gồm các nội dung như sau:

– Đối tượng của hợp đồng;

– Thời hạn đặt cọc;

– Giá bán (mặc dù chưa ký hợp đồng mua bán nhưng các bên thường thỏa thuận giá bán để tránh biến động);

– Mức đặt cọc;

– Quyền, nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc và bên đặt cọc;

– Phương thức giải quyết khi các bên có tranh chấp;

– Cam kết của các bên (cam kết về tình trạng hàng hóa, hạn sử dụng,…);

– Điều khoản thi hành.

>>> Xem thêm: Pháp luật quy định như thế nào về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa?

2. Mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa thông dụng

Dưới đây, AMIS MISA xin giới thiệu một trong các mẫu hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa thông dụng hiện nay, doanh nghiệp có thể tham khảo và nhấn vào chữ bên cạnh để: TẢI VỀ.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–

HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC MUA BÁN HÀNG HÓA (Mẫu)
(Đặt cọc mua bán…..)

Tại địa chỉ số … phường………….., quận…………..thành phố………………,chúng tôi gồm có các bên dưới đây:

BÊN ĐẶT CỌC: (Bên A)

Ông (Bà)/Tổ chức: ………………………………………………………………………
Sinh ngày: ………………………………………………………………………………..
Chứng minh nhân dân/ ĐKKD số:……………….do cơ quan ……………….. cấp ngày…………
Hộ khẩu thường trú/trụ sở:………………………………………………………………

BÊN NHẬN ĐẶT CỌC: (Bên B)

Ông (Bà)/Tổ chức: ……………………………………………………………………….
Sinh ngày: …………………………………………………………………………………..
Chứng minh nhân dân/ ĐKKD số:……………..do cơ quan …………………. cấp ngày…………
Hộ khẩu thường trú/trụ sở:………………………………………………………………….
Hai bên đồng ý thực hiện ký kết Hợp đồng đặt cọc với các thỏa thuận sau đây:

ĐIỀU 1: Tài sản đặt cọc

(Mô tả cụ thể các chi tiết về tài sản đặt cọc: nếu là tiền số tiền là bao nhiêu, mệnh giá như thế nào, nếu là vàng bạc hoặc kim khí quý khác thì nêu rõ số lượng, cân nặng, hình dáng……)

ĐIỀU 2: Thời hạn đặt cọc

Thời hạn đặt cọc là: …………….., kể từ ngày ……………………..

ĐIỀU 3: Mục đích đặt cọc

Ghi rõ mục đích đặt cọc, nội dung thỏa thuận (cam kết) của các bên về việc bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa.

ĐIỀU 4: Quyền và nghĩa vụ của bên A

Bên A có các nghĩa vụ sau đây:
a) Giao tài sản đặt cọc cho Bên B theo đúng thỏa thuận;
b) Giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự đã thỏa thuận tại Điều 3 nêu trên. Nếu Bên A từ chối giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được) thì Bên A bị mất tài sản đặt cọc;
c) Các thỏa thuận khác …
Bên A có các quyền sau đây:
a) Nhận lại tài sản đặt cọc từ Bên B hoặc được trả khi thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho Bên B trong trường hợp 2 Bên giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc đạt được);
b) Nhận lại và sở hữu tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) trong trường hợp Bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được);
c) Các thỏa thuận khác …

ĐIỀU 5: Quyền và nghĩa vụ của bên B

Bên B có các nghĩa vụ sau đây:
a) Trả lại tài sản đặt cọc cho Bên A hoặc trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền trong trường hợp 2 Bên giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc đạt được);
b) Trả lại tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc cho Bên A (trừ trường hợp có thỏa thuận khác) trong trường hợp Bên B từ chối việc giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được);
c) Các thỏa thuận khác …
Bên B có các quyền sau đây:
a) Sở hữu tài sản đặt cọc nếu Bên A từ chối giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự (mục đích đặt cọc không đạt được).
b) Các thỏa thuận khác …

ĐIỀU 6: Việc nộp lệ phí công chứng

Lệ phí công chứng hợp đồng này do Bên …… chịu trách nhiệm nộp.

ĐIỀU 7: Phương thức giải quyết tranh chấp

Trong quá trình thực hiện Hợp đồng mà phát sinh tranh chấp, các bên cùng nhau thương lượng giải quyết trên nguyên tắc tôn trọng quyền lợi của nhau; trong trường hợp không giải quyết được, thì một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

ĐIỀU 8: Cam đoan của các bên

Bên A và bên B chịu trách nhiệm trước pháp luật về những lời cam đoan sau đây:
Việc giao kết Hợp đồng này hoàn toàn tự nguyện, không bị lừa dối hoặc ép buộc;
Thực hiện đúng và đầy đủ tất cả các thỏa thuận đã ghi trong Hợp đồng này;
Các cam đoan khác…

ĐIỀU 9: Điều khoản cuối cùng

Hai bên công nhận đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc giao kết Hợp đồng này;
Hai bên đã tự đọc Hợp đồng, đã hiểu và đồng ý tất cả các điều khoản ghi trong Hợp đồng và ký vào Hợp đồng này trước sự có mặt của Công chứng viên hoặc người làm chứng;
Hợp đồng có hiệu lực từ ngày…/…/…/; Hợp đồng được lập thành … bản, mỗi bên giữ… bản.

BÊN A BÊN B
(ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên) (ký, điểm chỉ và ghi rõ họ tên)

 

Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số như hiện nay, phần mềm hỗ trợ ký hợp đồng đặt cọc mua bán hàng hóa đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thay thế cho hợp đồng giấy truyền thống bởi một số lợi ích đáng kể như:

  • Tiết kiệm được tới 90% thời gian ký kết
  • Tiết kiệm 85% chi phí
  • Đảm bảo giá trị pháp lý theo pháp luật quy định
  • Đảm bảo tiến độ ký kết ngay trong đại dịch Covid 19

AMIS WeSign 1

MISA tự hào là đơn vị cung cấp nền tảng hợp đồng điện tử AMIS WeSign tiên phong và uy tín nhất, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về giải pháp hỗ trợ ký kết hợp đồng điện tử ưu việt này, doanh nghiệp hãy click ngay vào nút dưới đây để đến với bài viết.

Tìm hiểu thêm về phần mềm AMIS WeSign

Ngoài ra, bạn cũng có thể để lại thông tin trong biểu mẫu bên dưới để được tư vấn trực tiếp. Bộ phận tư vấn của MISA sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất.


 

 

Luật sư Nguyễn Xuân Nhất

Các thông tin trong bài viết được tham khảo từ Luật sư Nguyễn Xuân Nhất.

Tôi là luật sư Nguyễn Xuân Nhất. Tôi tốt nghiệp chuyên ngành luật tổng hợp và có hơn 5 năm kinh nghiệm tư vấn cho các doanh nghiệp về lĩnh vực luật dân sự, luật lao động, luật kinh tế.

 

Xem thêm các nội dung liên quan

>>> Mẫu thanh lý hợp đồng mua bán hàng hóa – Cập nhật mới nhất

>>> Mẫu hợp đồng mua bán hàng hóa tiếng Anh được cập nhật

>>> Mẫu biên bản hủy hợp đồng mua bán hàng hóa & Các quy định cần biết

>>> [Cập nhật] Mẫu hợp đồng cung cấp hàng hóa mới nhất hiện nay

>>> Mẫu phụ lục hợp đồng mua bán hàng hóa – Những lưu ý cần biết

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả