Mô tả công việc kế toán trưởng và chia sẻ kinh nghiệm thực tế

16/09/2021
3347

Kế toán trưởng (Chief Accountant) không chỉ là người giữ vai trò cốt lõi trong bộ máy tài chính mà còn là người quyết định sự minh bạch và hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp. Với tầm ảnh hưởng sâu rộng, vị trí này đòi hỏi kiến thức vững chắc, khả năng quản lý xuất sắc và tư duy chiến lược.

Bài viết sẽ giúp bạn khám phá chi tiết công việc của một kế toán trưởng, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm thực tế giá trị để không chỉ làm tốt vai trò này mà còn trở thành nhân sự sáng giá mà mọi doanh nghiệp đều mong muốn.

Hình 1: Mô tả chi tiết công việc và chia sẻ kinh nghiệm thực tế

1. Kế toán trưởng là gì?

Căn cứ điều 53 Luật kế toán 2015 quy định về chức danh kế toán trưởng như sau :

“Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán của đơn vị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác kế toán trong đơn vị kế toán.”

Theo đó,  kế toán trưởng là người đứng đầu bộ máy kế toán trong một đơn vị, có nhiệm vụ tổ chức và thực hiện công tác kế toán trong đơn vị đó. Kế toán trưởng chịu sự lãnh đạo trực tiếp của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Nếu có đơn vị kế toán cấp trên, kế toán trưởng còn phải chịu sự chỉ đạo và kiểm tra của kế toán trưởng cấp trên về chuyên môn, nghiệp vụ.

2. Quy định của pháp luật VN về kế toán trưởng

2.1. Quy định chung

Căn cứ tại Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, quy định chung về việc bố trí kế toán trưởng và phụ trách kế toán như sau:

  • Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng, trừ một số trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP. Nếu đơn vị chưa thể bổ nhiệm kế toán trưởng ngay có thể bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng. Sau thời gian này, đơn vị phải hoàn thành việc bổ nhiệm kế toán trưởng.
  • Phụ trách kế toán: Đối với các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước, như đơn vị chỉ có một người làm kế toán hoặc kế toán kiêm nhiệm, các đơn vị ngân sách, tài chính xã, phường, thị trấn không cần bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ cần bổ nhiệm người phụ trách kế toán. Đồng thời, các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể bố trí phụ trách kế toán thay vì kế toán trưởng.

2.2. Quy định về thời hạn bổ nhiệm và thay đổi kế toán trưởng

Căn cứ vào Khoản 3 và Khoản 4 Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, quy định về thời hạn bổ nhiệm và việc bàn giao công việc giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán như sau:

  • Thời hạn bổ nhiệm: Thời hạn bổ nhiệm kế toán trưởng đối với các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán nhà nước và thời hạn bổ nhiệm phụ trách kế toán đối với các đơn vị quy định tại điểm a khoản 2 là 5 năm. Sau thời gian này, đơn vị cần thực hiện các quy trình bổ nhiệm lại kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán.
  • Bàn giao công việc: Khi có sự thay đổi kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán, người đại diện pháp luật hoặc người quản lý, điều hành đơn vị kế toán phải tổ chức bàn giao công việc và tài liệu kế toán giữa kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ và mới.
    • Phải thông báo cho các bộ phận liên quan trong đơn vị và các cơ quan có liên quan về việc thay đổi người phụ trách, cung cấp thông tin về tên và mẫu chữ ký của kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán mới.
    • Kể từ ngày nhận bàn giao, kế toán trưởng, phụ trách kế toán mới chịu trách nhiệm về công việc kế toán, trong khi kế toán trưởng, phụ trách kế toán cũ vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc kế toán trong thời gian mình đảm nhận.

2.3 Điều kiện để trở thành kế toán trưởng

Để trở thành kế toán trưởng và đứng đầu đơn vị kế toán trong doanh nghiệp, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 52 Luật Kế toán 2015 và Điều 19 Nghị định 174/2016/NĐ-CP, bao gồm:

  • Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
  • Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trung cấp trở lên;
  • Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
  • Kế toán trưởng trình độ trung cấp, cao đẳng: phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm; Kế toán trưởng tốt nghiệp đại học thì cần có ít nhất 02 năm kinh nghiệm.
  • Không phải là đối tượng bị pháp luật cấm đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng tại doanh nghiệp

2.4 Đối tượng không được phép làm kế toán trưởng

Theo Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 52 của Luật Kế toán số 88/2015/QH13, các đối tượng không được trở thành kế toán trưởng bao gồm:

  • Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
  •  Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
  • Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
  • Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.

2.5 Quy định về trách nhiệm và quyền hạn của kế toán trưởng

Kế toán trưởng có trách nhiệm sau đây:

  • Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
  • Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;
  • Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.

Quyền hạn của kế toán trưởng trong doanh nghiệp được quy định như sau:

  •  Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
  • Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán còn có các quyền sau đây:
  • Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ;
  • Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng;
  • Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định;
  • Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.

3. Vai trò của kế toán trưởng trong doanh nghiệp

Kế toán trưởng đóng vai trò quan trọng trong tổ chức, đảm nhận nhiều trách nhiệm liên quan đến công tác kế toán và quản lý tài chính. Dưới đây là một số vai trò chính của kế toán trưởng:

  • Kế toán trưởng là người đứng đầu bộ phận kế toán, chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra toàn bộ công việc kế toán trong tổ chức, đảm bảo tính chính xác và kịp thời của các báo cáo tài chính.
  • Đảm bảo công tác kế toán của tổ chức tuân thủ các quy định của pháp luật về kế toán, thuế và các chuẩn mực tài chính. Họ cũng là người chịu trách nhiệm đối với các báo cáo tài chính của tổ chức, bao gồm việc nộp báo cáo cho cơ quan thuế và các cơ quan chức năng.
  • Cung cấp các thông tin tài chính quan trọng để hỗ trợ ban lãnh đạo ra quyết định chiến lược, từ việc lên kế hoạch tài chính, dự báo dòng tiền đến việc đánh giá các dự án đầu tư.
  • Xây dựng ngân sách cho tổ chức, theo dõi và kiểm soát việc chi tiêu, đảm bảo rằng các khoản chi trong tổ chức không vượt quá mức đã định và đạt được hiệu quả cao nhất.
  • Bảo đảm rằng tất cả các thông tin tài chính được lưu trữ một cách an toàn và chính xác. Đồng thời, họ cần bảo vệ các tài liệu kế toán, tránh rủi ro về gian lận hay lộ lọt thông tin tài chính.
  • Có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn nhân viên kế toán mới, phát triển đội ngũ kế toán, đồng thời kiểm tra chất lượng công việc của họ để đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn và quy định đề ra.

4. Mô tả công việc của kế toán trưởng

Quản lý phòng kế toán

  • Xác định được mục tiêu, hiểu doanh nghiệp, vận hành phòng kế toán phù hợp với mô hình kinh doanh. 
  • Đảm bảo chứng từ lưu trữ theo quy định, khoa học, dễ tìm kiếm.
  • Tuyển dụng, đào tạo và giữ lại những nhân sự tốt nhất thực hiện công việc trong phòng kế toán.
  • Đảm bảo luôn có đầy đủ thông tin chính xác kịp thời phục vụ cho nhu cầu ra quyết định của ban lãnh đạo.

>>> Xem thêm: Tổ chức bộ máy kế toán – Mô hình nào phù hợp với doanh nghiệp của bạn?

Kiểm soát báo cáo tài chính

Kế toán trưởng phải có đủ trình độ chuyên môn để giám sát hoạt động kế toán tại doanh nghiệp, kiểm tra tính bất hợp lý trong Báo cáo tài chính và điều chỉnh kịp thời.

Kế toán trưởng phải nắm được chuyên môn nghiệp vụ và số liệu do kế toán tổng hợp báo cáo, là người chịu trách nhiệm với ban quản trị doanh nghiệp về các chứng từ và sổ sách kế toán của doanh nghiệp. Vì thế, kế toán trưởng cần đảm bảo được tính chính xác, kịp thời, hợp pháp trong các chứng từ, sổ sách kế toán, các thông tin được công bố cho hoạt động đầu tư.

>>> Xem thêm: Các bút toán kết chuyển cuối kỳ kế toán cần ghi nhớ

Báo cáo và tham mưu cho ban giám đốc

Báo cáo trực tiếp cho ban giám đốc là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để cấp quản lý theo dõi kịp thời tình hình kế toán tài chính của doanh nghiệp. Tùy theo quy mô và yêu cầu các báo cáo được lập và gửi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng hoặc theo yêu cầu làm hồ sơ năng lực, hồ sơ thầu, hồ sơ vay vốn …Kế toán trưởng phải nắm được các kỹ năng phân tích, các tỷ số tài chính để tham mưu cho ban giám đốc công ty :

  • Phân tích dòng tiền: quản lý chặt chẽ việc thu nợ, đảm bảo nguồn vốn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp đến là các kênh huy động vốn, lãi suất và kế hoạch tiếp cận trong trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung nguồn vốn kinh doanh.
  • Phân tích biến động hàng tồn kho: sức tiêu thụ của các mặt hàng, lượng hàng tồn kho, giá thị trường ảnh hưởng tăng/giảm như thế nào đến lượng hàng hóa và kế hoạch giải phóng hàng tồn đọng.
  • Phân tích giá thành sản phẩm: Việc quản lý nguyên liệu và dịch vụ đầu vào tốt, có được chính sách linh hoạt về chiết khấu, phân bổ nhân công sản xuất,… có ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành cạnh tranh của sản phẩm. 
  • Phân tích chi phí: phân loại các chi phí theo hoạt động, giúp doanh nghiệp kiểm soát và đánh giá việc sử dụng chi phí đúng mục đích. Căn cứ trên các báo cáo đánh giá về chi phí, ban giám đốc có những chính sách cắt giảm chi phí tránh lãng phí, xây dựng lại định mức chi phí phù hợp cho từng phòng ban. 

Ngoài ra, kế toán trưởng còn có trách nhiệm và nghĩa vụ lập và nộp các báo cáo theo quy định của cơ quan thuế. 

5. Kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần có

Kinh nghiệm, kiến thức: 

  • Kiến thức chuyên môn vững: Am hiểu về kế toán, tài chính, luật kế toán, các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và các quy định liên quan đến ngành nghề của doanh nghiệp.
  • Hiểu biết về chiến lược tài chính: Biết cách phân tích và lập kế hoạch tài chính dài hạn, đồng thời đưa ra các giải pháp quản lý chi phí và tối ưu hóa nguồn lực tài chính.
  • Quản lý tài chính doanh nghiệp: Có kinh nghiệm theo dõi và đánh giá tình hình tài chính, phân tích báo cáo tài chính và kiểm soát dòng tiền hiệu quả.
  • Quản lý hệ thống kế toán: Có kinh nghiệm thiết lập và quản lý hệ thống kế toán, kiểm soát và báo cáo tài chính cho các đơn vị trong tổ chức.
  • Kinh nghiệm lãnh đạo: Có khả năng lãnh đạo và quản lý nhóm kế toán, tạo môi trường làm việc hiệu quả và thúc đẩy sự phát triển chuyên môn của các thành viên trong đội ngũ.

Những kỹ năng kế toán trưởng cần có:

  • Kỹ năng phân tích tài chính: Khả năng phân tích và đánh giá các báo cáo tài chính, chỉ số tài chính để đưa ra các quyết định chiến lược đúng đắn.
  • Kỹ năng lập báo cáo tài chính: Thành thạo trong việc lập các báo cáo tài chính (bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ) chính xác và đúng hạn.
  • Kỹ năng quản lý dòng tiền: Đảm bảo việc quản lý và tối ưu hóa dòng tiền để duy trì hoạt động tài chính ổn định.
  • Kỹ năng giao tiếp và tư vấn: Khả năng giao tiếp hiệu quả với các bộ phận khác trong doanh nghiệp, cung cấp các tư vấn tài chính cho ban lãnh đạo và các đối tác bên ngoài.
  • Kỹ năng sử dụng phần mềm kế toán: Thành thạo các phần mềm kế toán chuyên dụng, đặc biệt là các phần mềm kế toán online, giúp nâng cao hiệu quả công việc và tính chính xác trong công tác kế toán.

6. Lộ trình trở thành kế toán trưởng giỏi

Kế toán trưởng là một nghề và cũng là một vị trí công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao; kỹ năng quản lý, giám sát; sự đam mê, kiên nhẫn và yêu thích làm việc với những con số. Nhiều bạn sinh viên đam mê với nghề kế toán xác định mục tiêu nghề nghiệp và phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường để thành công trên con đường trở thành kế toán trưởng đã lựa chọn. Dưới đây là một lộ trình để trở thành kế toán trưởng mà bạn có thể tham khảo: 

Bước 1: Xây dựng nền tảng học vấn vững chắc

  • Bắt đầu với các chương trình đào tạo về kế toán, tài chính, hoặc quản trị kinh doanh từ bậc đại học.
  • Học và nắm vững các kiến thức về các chuẩn mực kế toán quốc gia và quốc tế, luật tài chính, báo cáo tài chính, phân tích tài chính.

Bước 2: Tích lũy kinh nghiệm thực tế

  • Làm việc tại các vị trí kế toán cấp thấp như trợ lý kế toán, kế toán viên, để hiểu rõ công việc hàng ngày và các quy trình tài chính.
  • Đảm nhận các công việc liên quan đến lập báo cáo tài chính, phân tích ngân sách và kiểm soát dòng tiền.
  • Tích lũy ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kế toán và tài chính (tuỳ theo trình độ học vấn).

Bước 3: Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn

  • Tham gia các khóa học bồi dưỡng về kế toán trưởng, tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính.
  • Cập nhật kiến thức về các chuẩn mực kế toán, quy định pháp luật mới, công nghệ mới trong lĩnh vực kế toán (ví dụ: phần mềm kế toán, quản lý tài chính).

 Bước 4: Phát triển kỹ năng lãnh đạo

  • Rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý nhóm kế toán và hướng dẫn, đào tạo nhân viên cấp dưới.
  • Học cách giao tiếp hiệu quả với ban lãnh đạo và các phòng ban khác trong doanh nghiệp để có thể tham mưu về các vấn đề tài chính.

Bước 5: Nâng cao năng lực tư duy chiến lược

  • Tập trung vào việc phát triển tư duy chiến lược và khả năng phân tích tài chính để đưa ra các quyết định quan trọng cho doanh nghiệp.
  • Tham gia vào các cuộc họp cấp cao để hiểu rõ hơn về chiến lược kinh doanh và vai trò của kế toán trưởng trong việc hỗ trợ quyết định chiến lược.

Bước 6: Đạt chứng chỉ chuyên môn

  • Hoàn thiện các chứng chỉ nghề nghiệp cần thiết, ví dụ như chứng chỉ Kế toán trưởng, CFA (Chartered Financial Analyst), hoặc các chứng chỉ kế toán quốc tế.

Bước 7: Tiến tới vị trí kế toán trưởng

  • Sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm và chứng chỉ, tiến lên vị trí kế toán trưởng.
  • Quản lý và kiểm soát toàn bộ hoạt động tài chính của doanh nghiệp, tham gia vào việc hoạch định chiến lược tài chính dài hạn và cung cấp các báo cáo tài chính quan trọng.

Bước 8: Duy trì và phát triển sự nghiệp

  • Không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức mới để nâng cao hiệu quả công việc.
  • Tích cực tham gia các hội thảo, khóa học nâng cao về tài chính, kế toán để giữ vững và phát triển vai trò kế toán trưởng trong tổ chức.

>> Tham khảo ngay phần mềm quản lý công việc của kế toán để giúp bạn vận hành, và điều phối công việc của cấp dưới dễ dàng hơn

7. Sự khác nhau giữa kế toán trưởng và trưởng phòng kế toán

Mặc dù cả trưởng phòng kế toánkế toán trưởng đều tham gia vào các công việc liên quan đến hoạt động kế toán của doanh nghiệp, nhưng vai trò và phạm vi trách nhiệm của hai vị trí này lại có sự khác biệt rõ rệt. Cụ thể:

Tiêu chí Kế toán trưởng Trưởng phòng kế toán
Chức danh và phạm vi công việc Người đứng đầu bộ phận kế toán, chịu trách nhiệm toàn diện về báo cáo tài chính và công tác kế toán. Quản lý phòng kế toán, giám sát hoạt động hàng ngày của nhân viên kế toán.
Trách nhiệm và quyền hạn Chịu trách nhiệm pháp lý về báo cáo tài chính và tuân thủ quy định kế toán; báo cáo cho ban giám đốc. Quản lý công việc kế toán hàng ngày, phân công nhiệm vụ cho nhân viên, không chịu trách nhiệm toàn diện về báo cáo tài chính.
Kinh nghiệm và yêu cầu chuyên môn Cần có chứng chỉ kế toán trưởng, yêu cầu trình độ đại học trở lên và ít nhất 2-3 năm kinh nghiệm ở vị trí cao cấp trong kế toán. Có thể không yêu cầu chứng chỉ kế toán trưởng, nhưng cần có kinh nghiệm làm việc trong phòng kế toán, ít nhất 1-2 năm.
Mối quan hệ báo cáo Báo cáo trực tiếp cho ban giám đốc hoặc giám đốc tài chính, tham mưu về chiến lược tài chính. Báo cáo cho kế toán trưởng hoặc giám đốc tài chính, không tham gia vào chiến lược tài chính của công ty.
Quyền quyết định Quyết định về các vấn đề tài chính quan trọng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan chức năng. Thực hiện các quyết định về quản lý công việc kế toán trong phòng, nhưng không chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính lớn.

8. Một số câu hỏi thường gặp

Rủi ro khi làm kế toán trưởng là gì?

Kế toán trưởng thường đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình làm việc, bao gồm cả rủi ro pháp lý, tài chính và đạo đức nghề nghiệp. Một trong những rủi ro lớn nhất là các vấn đề pháp lý, như việc ký sai báo cáo tài chính, kê khai thuế không chính xác hoặc không tuân thủ các quy định kế toán và thuế. Những sai sót này có thể dẫn đến các hình phạt hành chính hoặc thậm chí là trách nhiệm hình sự. 

Ngoài ra, rủi ro tài chính cũng là một thách thức, đặc biệt khi thiếu kiểm soát nội bộ hoặc có sai sót trong việc quản lý dòng tiền và tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, kế toán trưởng còn phải đối mặt với áp lực đạo đức nghề nghiệp, chẳng hạn như bị ép buộc tham gia hoặc che giấu các hành vi gian lận trong doanh nghiệp.

Trách nhiệm của kế toán trưởng trước pháp luật?

Trách nhiệm của kế toán trưởng là đảm bảo rằng các hoạt động kế toán và tài chính của doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật. Điều này bao gồm việc lập báo cáo tài chính và sổ sách kế toán một cách trung thực, chính xác, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp theo đúng thời hạn. 

Ngoài ra, kế toán trưởng còn có trách nhiệm tư vấn cho ban lãnh đạo về các quy định pháp luật liên quan đến tài chính và kế toán, giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý. Nếu vi phạm, kế toán trưởng có thể phải chịu các hình phạt từ hành chính đến hình sự, tùy thuộc vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm.

Cần có chứng chỉ gì để được làm kế toán trưởng?

Để được bổ nhiệm làm kế toán trưởng, bạn cần đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Bằng cấp: Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính hoặc các lĩnh vực liên quan.
  • Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng: Đây là yêu cầu bắt buộc, được cấp sau khi hoàn thành khóa học kế toán trưởng tại các đơn vị được Bộ Tài chính công nhận.
  • Kinh nghiệm thực tiễn: Có ít nhất 2-5 năm kinh nghiệm làm kế toán, tùy thuộc vào quy định của từng doanh nghiệp hoặc lĩnh vực.

Lời kết

MISA AMIS hi vọng qua bài viết, các bạn định hình được rõ hơn nhiệm vụ, công việc và các điều kiện, yêu cầu của một người làm kế toán trưởng và có lộ trình, định hướng rõ ràng cho riêng bản thân mình. Chúc các bạn thành công! 

AMIS Kế Toán cung cấp hàng loạt công cụ giúp tiết kiệm thời gian kế toán cần để tập trung phát triển nghề nghiệp:

  • Làm việc mọi lúc, mọi nơi qua Internet: Giám đốc, Kế toán có thể truy cập làm việc từ mọi thiết bị thông minh không bị gián đoạn công việc, kịp thời ra quyết định điều hành.
  • Kết nối ngân hàng điện tử, hệ thống bán hàng, quản trị, nhân sự và hơn 100 đối tác.
    • Kết nối với ngân hàng để chuyển tiền, đối chiếu sổ phụ, nắm bắt số dư theo thời gian thực giúp tiết kiệm thời gian, công sức.
    • Kế toán dễ dàng kê khai đầy đủ các loại thuế theo quy định và nộp thuế thuế điện tử ngay trên phần mềm kế toán.
    • Kế thừa thông tin: Báo giá, Đơn hàng, Đề nghị xuất hóa đơn… từ bộ phận bán hàng; Tiền lương, Bảo hiểm, Thuế TNCN… từ bộ phận nhân sự giúp tiết kiệm thời gian nhập liệu.
    • Kết nối với các phần mềm: Hóa đơn điện tử, Chữ ký số điện tử, Bán hàng… giảm thiểu nhập liệu chồng chéo, sai lệch dữ liệu.
  • Tự động nhập liệu chứng từ từ: Hóa đơn, Bill bán hàng, Bảng kê ngân hàng… giúp rút ngắn thời gian nhập liệu, tránh sai sót.
  • Đầy đủ báo cáo quản trị: Hàng trăm báo cáo quản trị theo mẫu hoặc tự thiết kế chỉnh sửa, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề.
  • Tự động hóa việc lập báo cáo:Tự động tổng hợp số liệu lên báo cáo thuế, báo cáo tài chính và các sổ sách giúp doanh nghiệp nộp báo cáo kịp thời, chính xác.
  • Cảnh báo thông minh: Nhắc nhở hạn kê khai, nộp thuế; Tồn kho vật tư, hàng hóa; Thu hồi nợ, thanh toán hóa đơn; Tình trạng hoạt động của KH/NCC…

Hãy đăng ký sử dụng miễn phí bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS ngay hôm nay để trải nghiệm công cụ tài chính hỗ trợ hàng đầu!

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả