Point of Purchase là gì? Cách triển khai Point of Purchase hiệu quả?

20/09/2024
116

Chắc hẳn khi bước vào một siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay một showroom, bạn đã từng bị thu hút bởi những tấm biển quảng cáo hay các quầy hàng trưng bày đẹp mắt. Đó chính là thời điểm mà Point of Purchase (POP), hay điểm bán hàng, thực hiện vai trò quan trọng của mình. POP không chỉ là nơi trưng bày và quảng bá sản phẩm, mà nó còn là công cụ marketing giúp thúc đẩy hành vi mua hàng của người tiêu dùng hiệu quả.

Vậy POP cụ thể là gì? Làm thế nào để doanh nghiệp có thể để tối ưu nó trong chiến lược kinh doanh? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

Point of Purchase (POP) là gì?

Point of Purchase hay viết tắt là POP, trong tiếng Việt có thể tạm dịch là “điểm mua hàng”, là nơi mà các doanh nghiệp đặt các sản phẩm, dịch vụ của mình trước mặt khách hàng tiềm năng để thúc đẩy họ nhanh chóng đưa ra quyết định mua sắm. Điểm mua hàng có thể là một địa điểm cụ thể, như quầy thanh toán hay thậm chí là ở khu vực lối ra vào cửa hàng tại cửa hàng truyền thống, hoặc là cửa hàng online, như giỏ hàng trên các trang thương mại điện tử.

Đối với một số ngành hàng như bán lẻ, POP thường gắn liền với các gian hàng trưng bày sản phẩm và đi kèm các hoạt động quảng cáo, chương trình khuyến mãi, giúp tạo thêm sự thu hút cho người mua hàng. Một lợi ích đặc thù của POP là thúc đẩy các quyết định mua hàng tự phát – các đơn hàng mà khách hàng không hề dự định mua từ trước. Do đó, trong những năm gần đây, điểm mua hàng đã trở thành một lĩnh vực được các nhà tiếp thị bán lẻ chú ý nhiều hơn, với nhiều chiến lược khuyến mãi khác nhau được áp dụng, như bán kèm, mã giảm giá hay khuyến mại, nhằm thúc đẩy khách hàng mua nhiều hơn.

Những thương hiệu lớn rất chú trọng việc xây dựng điểm POP sáng tạo, thu hút khách hàng mạnh mẽ.
Những thương hiệu lớn rất chú trọng việc xây dựng điểm POP sáng tạo, thu hút khách hàng mạnh mẽ.

Ví dụ điển hình là tại các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, ngay khu vực quầy tính tiền thường bố trí các kệ trưng bày kẹo, nước giải khát, pin hoặc những món đồ nhỏ dễ mua. Đó chính là POP – nơi mà doanh nghiệp muốn tận dụng tối đa khoảng thời gian ngắn ngủi của khách hàng để kích thích hành vi mua hàng bộc phát.

Tìm hiểu thêm về: Planogram – Nghệ thuật thị giác trong bán lẻ 

Các hình thức Point of Purchase phổ biến

Point of Purchase (POP) có thể được chia theo mục đích thời gian sử dụng như sau:

  1. POP tạm thời: Thường có giá trị sử dụng trong khoảng thời gian ngắn, trung bình là trong khoảng vài tháng, và chi phí thấp. Ví dụ cho loại POP này là các chương trình khuyến mãi, giảm giá hoặc các sản phẩm theo mùa.
  2. POP bán cố định: Có giá trị sử dụng dài hơn so với POP tạm thời, có thể sử dụng trong khoảng từ ba tháng tới một năm. Do đó loại hình POP này cũng được đầu tư nhiều hơn và có chi phí cao hơn.
  3. POP cố định: Có giá trị sử dụng tương đối lâu dài và chi phí duy trì tương đối cao, vậy nên cũng là loại POP tương đối kém phổ biến và ít được áp dụng bởi các doanh nghiệp. Loại POP này chủ yếu được ưu ái bởi các nhãn hàng lớn, cho các thương hiệu lớn, nổi tiếng.

Các hình thức trưng bày điểm bán (POP) được ưa chuộng nhất:

  • Display (Trưng bày sản phẩm): Các kệ hoặc giá trưng bày sản phẩm thu hút sự chú ý của người mua tại các khu vực trong cửa hàng. Ví dụ như các quầy trưng bày nhỏ gần quầy thanh toán với sản phẩm khuyến mãi.
  • Shelf Talker (Bảng giới thiệu trên kệ): Là các bảng nhỏ hoặc biển hiệu đặt trên hoặc gần sản phẩm trên kệ hàng nhằm cung cấp thông tin về chương trình khuyến mãi, lợi ích của sản phẩm hoặc các đặc điểm nổi bật.
  • Endcap (Trưng bày đầu kệ): Được đặt ở đầu các dãy kệ trong siêu thị hoặc cửa hàng, endcap thường thu hút sự chú ý vì vị trí nổi bật và dễ thấy.
  • Sampling Station (Khu vực dùng thử sản phẩm): Cung cấp cơ hội cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tiếp ngay tại cửa hàng, như dùng thử đồ ăn, nước uống, hoặc mỹ phẩm.
  • Poster & Banner (Áp phích & Bảng quảng cáo): Các áp phích hoặc bảng quảng cáo lớn được đặt trong cửa hàng để nhấn mạnh một sản phẩm cụ thể, thường đi kèm với hình ảnh hấp dẫn và lời kêu gọi hành động (Call to Action).
  • Digital Displays (Trưng bày kỹ thuật số): Các màn hình kỹ thuật số trình chiếu video hoặc thông tin về sản phẩm trong thời gian thực. Đây là xu hướng mới và ngày càng phổ biến trong các cửa hàng bán lẻ.
  • Counter Display (Trưng bày tại quầy thu ngân): Thường là các sản phẩm nhỏ như kẹo, kẹo cao su, hoặc phụ kiện được đặt ngay tại quầy thanh toán để khách hàng có thể mua thêm trong quá trình chờ thanh toán.

Màn hình quảng cáo kỹ thuật số và posters là hai loại POP phổ biến nhất, giúp thương hiệu quảng cáo giá trị sản phẩm tới người dùng. Trong khi đó, các loại biển quảng cáo, mã giảm giá trưng bày ở lối đi, kệ hàng hay trên bao bì sản phẩm lại đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra chuyển đổi, thúc đẩy khách hàng thực hiện quyết định mua hàng trong thời gian nhanh chóng.

Point of Purchase và Point of Sale có gì khác nhau

Khi nói về POP, nhiều người thường nhầm lẫn với thuật ngữ Point of Sale (POS), tức là “điểm bán hàng”. Mặc dù cả hai đều liên quan đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng, nhưng chúng có những đặc điểm riêng biệt.

POS chủ yếu là nơi thực hiện các giao dịch. Đây là điểm mà khách hàng trả tiền cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ đã chọn mua, chẳng hạn như quầy thanh toán hoặc thiết bị bán hàng tự động. Tại các cửa hàng truyền thống, POS thường là khu vực quầy thu ngân, nơi khách hàng thực hiện thanh toán.

Ngược lại, POP lại nhấn mạnh vào yếu tố tiếp thị và trải nghiệm tại điểm bán. Nó không chỉ là nơi diễn ra các giao dịch mua bán mà còn là điểm giao tiếp trực tiếp giữa thương hiệu và khách hàng. Tại POP, doanh nghiệp thường sử dụng các yếu tố quảng cáo trực quan như banner, tấm biển, sản phẩm mẫu, các chương trình khuyến mãi… để thúc đẩy hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Vì vậy, có thể hiểu rằng POP là một phần mở rộng của POS. Nếu POS là điểm kết thúc của quá trình mua sắm, thì POP là nơi kích thích hành vi mua hàng, giúp gia tăng số lượng sản phẩm mà khách hàng quyết định mua.

Lợi ích của Point of Purchase (POP)

Khi thực hiện chiến dịch truyền thông, doanh nghiệp luôn mong muốn tạo được nhiều điểm chạm đối với khách hàng trong hành trình mua hàng của họ. Khi đã gia tăng được độ nhận diện của sản phẩm và thúc đẩy sự cân nhắc của khách hàng, thương hiệu cần thực hiện những phương thức để có thể thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định mua hàng trong thời gian sớm nhất. Và đây cũng là khâu mà POP đóng vai trò quan trọng. Dưới đây là 4 lợi ích mà POP mang lại:

4 lợi ích quan trọng của Point of Purchase (POP)
4 lợi ích quan trọng của Point of Purchase (POP)
  • Thu hút sự chú ý của khách hàng: Với nhiều hình thức, kích cỡ, và kiểu dáng khác nhau, từ những quầy hàng tương tác cho đến các quảng cáo bắt mắt, POP giúp thương hiệu dễ dàng tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Đặc biệt, những vị trí chiến lược như đầu kệ trưng bày (endcap) tại cửa hàng có thể thu hút đến 44% sự chú ý của khách hàng.
  • Thúc đẩy quyết định mua sắm nhanh chóng: POP thay thế cho nhân viên bán hàng quảng bá lợi ích và giá trị của sản phẩm tới khách hàng, giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định mà không cần phải suy nghĩ quá lâu. Theo một nghiên cứu, 82% quyết định mua hàng được thực hiện ngay tại cửa hàng, và POP chính là công cụ đắc lực giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng hơn.
  • Hiệu quả cao với chi phí thấp: POP giúp tăng doanh số với chi phí thấp hơn nhiều so với các hình thức quảng cáo truyền thống như truyền hình. Theo Harvard Business Review, chi phí cho một POP với thời gian sử dụng một năm chỉ từ 3 đến 37 cent để tiếp cận 1.000 người lớn, trong khi quảng cáo truyền hình có thể lên đến 4,04 đến 7,75 USD cho mỗi 30 giây.
  • Trải nghiệm mua sắm độc đáo và cá nhân hóa: Quảng bá sản phẩm với sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ và các yếu tố tương tác. Điều này không chỉ thu hút khách hàng mà còn kích thích họ mua sắm nhiều hơn.

Yếu tố thị giác tác động đến tâm lí khách hàng: Màu sắc và sự bắt mắt trong các thiết kế và cách trưng bày của Point of Purchase (POP) có thể tác động đến tâm lý của khách hàng, tạo cảm giác vui vẻ, giàu có hoặc thư giãn, từ đó ảnh hưởng đến quyết định mua hàng.

Tuy vậy, nhà bán hàng cũng nên lưu ý đến những điểm hạn chế này để có kế hoạch triển khai POP tối ưu nhất:

  • Không hiệu quả nếu trưng bày không hấp dẫn: Nếu cách bố trí không sáng tạo hoặc không phù hợp với hành vi của khách hàng, POP có thể bị bỏ qua. Hoặc nếu bố trí thiếu gọn gàng, nó có thể khiến không gian trở nên lộn xộn, tạo cảm giác khó chịu cho khách hàng khi họ di chuyển trong cửa hàng.
  • Tốn diện tích trưng bày: Các loại POP như kệ trưng bày lớn hoặc quầy dùng thử sản phẩm có thể chiếm diện tích quan trọng trong cửa hàng, khiến không gian bán hàng bị hạn chế, đặc biệt là ở các cửa hàng có diện tích nhỏ.
  • Thời gian tiếp cận ngắn: Khách hàng thường chỉ dừng lại ở một POP trong khoảng thời gian ngắn, vì vậy doanh nghiệp phải làm sao để tạo ấn tượng ngay lập tức.

Các bước triển khai Point of Purchase (POP) hiệu quả

Để triển khai POP thành công, doanh nghiệp nên thực hiện lần lượt các bước như sau:

  • Xác định mục tiêu và đối tượng khách hàng: Trước khi triển khai POP, doanh nghiệp cần xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình là ai, mục tiêu muốn đạt được qua hoạt động POP là gì, nhờ đó định hướng các yếu tố như thiết kế, vị trí trưng bày, sản phẩm, thông điệp quảng cáo, thời gian kéo dài.
  • Chọn vị trí phù hợp: Vị trí của POP mang một vai trò vô cùng quan trọng. Lí tưởng là nằm ở những khu vực có lưu lượng khách hàng cao, dễ thu hút sự chú ý, chẳng hạn như gần quầy thanh toán hoặc ở lối vào cửa hàng.
  • Tận dụng các chương trình khuyến mãi: Các chương trình như mua 1 tặng 1, giảm giá hay quà tặng kèm theo luôn có sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy khách hàng ra quyết định mua sắm nhanh chóng sau khi bị thu hút bởi POP.
  • Thiết kế bắt mắt: Một POP với thiết kế hấp dẫn, màu sắc nổi bật và thông điệp rõ ràng chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của khách hàng. Đôi khi, khách hàng quyết định mua chỉ vì yếu tố cảm xúc như thấy ưng mắt, thấy thú vị. Do đó, việc đầu tư vào thiết kế và sáng tạo là vô cùng cần thiết.
  • Đào tạo nhân viên: Nếu chiến dịch POP được triển khai đi kèm với sự xuất hiện của nhân viên bán hàng, việc đào tạo họ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhân viên cần hiểu rõ về sản phẩm và có kỹ năng bán hàng tốt để có thể tư vấn, thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua hàng.

Cách tối ưu Point of Purchase (POP) 

Có rất nhiều cách thương hiệu và các cửa hàng bán lẻ có thể ứng dụng để tối ưu hóa điểm bán hàng – POP. Dưới đây là một số kinh nghiệm thực tế giúp tối ưu hóa hiệu quả của POP phổ biến nhất:

  • Màn hình quảng cáo hoặc biển trình chiếu: Các thiết bị này không chỉ bắt mắt mà còn cho phép bạn dễ dàng thay đổi nội dung hiển thị, có thể luân phiên giới thiệu nhiều sản phẩm khác nhau, giúp tiết kiệm không gian và tạo sự mới mẻ.
  • Ánh sáng: Việc điều chỉnh sáng phù hợp có thể làm nổi bật sản phẩm hoặc khu vực trưng bày, dẫn dắt hành trình mua sắm của khách hàng và tạo ra không gian ấm cúng, khuyến khích họ nán lại lâu hơn, từ đó tăng khả năng mua sắm và tỉ lệ chuyển đổi.
  • Mã QR: Là công cụ hữu ích để người mua quét và tìm hiểu thêm thông tin sản phẩm hoặc nhận ưu đãi. Điều này không chỉ tiện lợi mà còn giúp cửa hàng quản lý tồn kho, cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến nếu sản phẩm không có sẵn tại cửa hàng.
  • Yếu tố tương tác trong gian hàng: Sử dụng màn hình cảm ứng để khách hàng tự khám phá thông tin về sản phẩm hoặc nhận phiếu giảm giá sẽ tạo ra trải nghiệm mua sắm chủ động và thú vị, có thể giúp khách hàng nhớ lâu hơn về thương hiệu.
  • Sản phẩm thử: Cho phép khách hàng trực tiếp cảm nhận sản phẩm, giúp khách hàng tin tưởng vào giá trị sử dụng của sản phẩm và kích thích quyết định mua sắm
  • Bao bì và túi xách thương hiệu: Thúc đẩy sự lan tỏa hình ảnh doanh nghiệp. Một chiếc túi in logo hoặc sticker thương hiệu không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn thu hút sự chú ý của những khách hàng tiềm năng khác.
  • Thực hiện đo lường hiệu quả: Với mỗi lần triển khai POP, doanh nghiệp nên có sự theo dõi và đo lường hiệu quả để có động thái điều chỉnh kịp thời và đúc kết ra kinh nghiệm tối ưu.

Để nắm bắt được đầy đủ thông tin về các chỉ số bán hàng, hiệu quả doanh số theo từng mặt hàng, điểm bán, tiến triển hoạt động POP,.. doanh nghiệp nên dùng phần mềm thông minh để có thể tối ưu khâu vận hành. Một trong những giải pháp nổi trội hiện nay là phần mềm quản lý bán hàng MISA AMIS CRM.

Dùng thử miễn phí đầy đủ tính năng

Sử dụng phần mềm MISA AMIS CRM, đội ngũ có thể truy cập toàn bộ dữ liệu về hoạt động bán hàng trên app-mobile bất cứ lúc nào. Tính năng liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán giúp doanh nghiệp quản lý toàn bộ data bán hàng tập trung và bảo mật. Với những báo cáo đa dạng và chi tiết trong AMIS CRM, các nhà quản lý sẽ dễ dàng theo dõi, đánh giá hiệu quả các hoạt động bán hàng và có sự điều chỉnh kịp thời.

Nhận tư vấn 1-1 với chuyên gia TẠI ĐÂY

Case Study triển khai Point of Purchase thành công từ Coca-Cola

Một trong những ví dụ tiêu biểu về việc triển khai POP thành công chính là chiến dịch của Coca-Cola. Vào mùa lễ hội Giáng sinh, Coca-Cola đã triển khai những quầy trưng bày sản phẩm đặc biệt tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ, với thiết kế chủ đề Giáng sinh nổi bật, kết hợp với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Chiến lược của Coca Cola gắn liền với những dịp sum vầy gắn kết, do đó hãng luôn "chơi lớn" mỗi khi triển khai POP cho Christmas.
Chiến lược của Coca Cola gắn liền với những dịp sum vầy gắn kết, do đó hãng luôn “chơi lớn” mỗi khi triển khai POP cho Christmas.

Các quầy hàng POP của Coca-Cola được trang trí đẹp mắt với màu đỏ chủ đạo chủ đạo của dịp lễ Giáng sinh. Tại những trung tâm thương mại hoặc siêu thị lớn, Coca-Cola thường đặt khu trưng bày sản phẩm đẹp lung linh đầy ấn tượng, thu hút ánh mắt của mọi người ngay khi bước tới gần. Bên cạnh đó, Coca-Cola còn kết hợp các yếu tố công nghệ như mã QR để khách hàng có thể tham gia các trò chơi trúng thưởng hoặc nhận quà tặng khi mua sản phẩm. Kết quả là doanh thu của Coca-Cola trong mùa Giáng sinh luôn tăng trưởng mạnh mẽ và hình ảnh thương hiệu càng gắn chặt với yếu tố văn hoá, trở thành biểu tượng của không khí lễ hội, gia đình và niềm vui sum vầy.

Kết luận

Point of Purchase (POP) không chỉ là một công cụ mạnh mẽ trong việc thúc đẩy doanh số bán hàng, mà còn là cách hiệu quả để xây dựng sự nhận diện thương hiệu và tạo trải nghiệm mua sắm hấp dẫn cho khách hàng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng của POP, doanh nghiệp cần có chiến lược hợp lý trong thiết kế, vị trí đặt POP và lựa chọn hình thức phù hợp với đối tượng khách hàng. Bằng cách kết hợp thông minh các loại POP, từ trưng bày đầu kệ đến quầy thanh toán, doanh nghiệp có thể gia tăng khả năng chốt đơn và tối ưu hóa không gian bán hàng, đồng thời mang lại giá trị lâu dài cho thương hiệu.

 

 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả