Neuromarketing là gì? Ứng dụng Neuromarketing vào tiếp thị như nào?

03/07/2024
286

Neuromarketing là thuật ngữ đang ngày trở nên quen thuộc trong lĩnh vực marketing hiện nay. Nếu bạn chưa biết đến thuật ngữ này chắc hẳn sẽ thắc mắc tại sao “neuro” của lĩnh vực khoa học thần kinh lại liên quan đến “marketing”. Vậy hãy cùng MISA tìm hiểu Neuromarketing là gì? và Tại sao Neuromarketing lại trở nên càng ngày càng quan trọng đến vậy.

I. Neuromarketing là gì?

Neuromarketing hay Tiếp thị thần kinh là bất kỳ hoạt động tiếp thị hoặc nghiên cứu thị trường nào sử dụng các phương pháp và kỹ thuật liên quan đến khoa học thần kinh.

Các công ty sử dụng Neuromarketing nhằm nghiên cứu về cách mà bộ não của con người phản hồi lại trước những quảng cáo hay bất kỳ thông điệp nào đến từ thương hiệu thông qua đánh giá các hoạt động sóng não, phản ứng sinh hóa, sinh lý. Neuromarketing theo dõi chuyển động trong ánh mắt của khách hàng xem điều gì thu hút sự chú ý của họ, sử dụng EEG để đo lường cảm xúc hay fMRI để phân tích xem quảng cáo nào, hình ảnh hay yếu tố nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm trí khách hàng.

Khái niệm neuromarketing
Khái niệm neuromarketing

Vậy tại sao Neuromarketing lại quan trọng?

Neuromarketing đang ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược marketing của từng doanh nghiệp. Điều này chính là nhờ những lợi ích quan trọng mà Neuromarketing mang lại.

Phương pháp này giúp các doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc hơn về hành vi của người tiêu dùng. Doanh nghiệp biết được điều gì xảy ra trong não bộ của khách hàng khi họ tiếp xúc với các tác nhân marketing như quảng cáo, thiết kế, bao bì, … của doanh nghiệp thông qua những phản ứng vô thức của họ. Từ đó, Neuromarketing giúp hiểu hơn về nhu cầu, sở thích của khách hàng và tìm cách đáp ứng chúng. Doanh nghiệp có thể đưa ra các chiến lược toàn diện hơn, độc đáo hơn và đánh thẳng vào tiềm thức của khách hàng.

Neuromarketing cung cấp những phản hồi chân thực hơn các phương pháp truyền thống. Đôi khi những câu hỏi khô khan trong khảo sát như: “Bạn có thấy ấn tượng không?”, “Điều gì thu hút bạn?”,… có thể khiến cảm xúc của khách hàng bị thay đổi. Vậy nên Neuromarketing cung cấp những đánh giá đầu tiên, vô thức và ngắn gọn mà khách hàng thường không nhớ.

II. Các công cụ và phương pháp Neuromarketing

Các công cụ chủ yếu được sử dụng trong Neuromarketing bao gồm:

phương pháp nghiên cứu neuromarketing
Phương pháp nghiên cứu neuromarketing
  • Máy fMRI giúp theo dõi chức năng hoạt động của não thông qua những thay đổi liên tục của lưu lượng máu. Đây là một công cụ chính xác giúp theo dõi hoạt động sâu trong các vùng dưới vỏ não.
  • Điện não đồ (EEG) ứng dụng phương pháp cảm biến để theo dõi những thay đổi trong hoạt động của não thông qua những thiết bị đặt trên da đầu của con người. Mặc dù EEG kém chính xác hơn fMRI nhưng nó ít tốt kém hơn và là một phương pháp rất hữu ích để theo dõi một cách nhanh chóng các hoạt động của não.
  • Sự kích thích được đo bằng các chỉ số sinh lý cụ thể và dữ liệu sinh trắc học , bao gồm nhịp tim, nhịp hô hấp, độ dẫn điện của da và độ giãn nở của đồng tử.
  • Mã hóa khuôn mặt liên quan đến việc đọc các chuyển động cơ tinh tế trên nét mặt của một người để đánh giá phản ứng cảm xúc của họ với điều gì đó và thực hiện phân tích tình cảm.
  • Bản ghi theo dõi bằng mắt (Eyes tracking): những theo dõi này cho thấy sự quan tâm và chú ý của một người khi họ cố định cái nhìn của mình vào một điểm nào đó trong thời gian dài.

III. Cách ứng dụng Neuromarketing vào các chiến lược tiếp thị

Cửa hàng vật lý

Nếu đã từng đến cửa hàng của IKEA thì có lẽ bạn đã nhận ra rằng không thể rời đi mà không mua ít nhất một món đồ. Đó là bởi vì cửa hàng được thiết kế để khách tham quan có thể xem qua tất cả các danh mục sản phẩm trước khi họ đến biển báo “Lối ra”. Họ tạo các danh mục sản phẩm đẹp mắt với nhãn rõ ràng và trình bày chúng theo cách tối giản nhưng lạ mắt. Khách hàng được trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, gắn với những câu chuyện khác nhau nhằm khơi dậy cảm xúc của khách hàng. Tất cả được sắp xếp dựa trên sự theo dõi về hành vi khách hàng từ neuromarketing.

ứng dụng Neuromarketing tạ cửa hàng vật lý
Ứng dụng Neuromarketing tạ cửa hàng vật lý IKEA

Marketing trực tuyến

Người tiêu dùng mua sắm trực tuyến không cần phải đợi đến tận cửa hàng để mua những món hàng họ muốn. Nghiên cứu tiếp thị thần kinh khám phá động lực trong việc ra quyết định của người tiêu dùng và cách các nhà tiếp thị có thể truyền tải thông điệp của họ kịp thời để tạo ra sự khác biệt giúp khách hàng có thể mua sắm sản phẩm mình cần một cách tiện lợi hơn.

Lấy ví dụ với một thương hiệu nổi tiếng như Apple, Apple sử dụng các công cụ theo dõi và phân tích hành vi người dùng trên website của họ (Apple.com) để hiểu rõ hơn về cách người dùng tương tác với các sản phẩm, tính năng và nội dung.

Họ theo dõi các thao tác như việc di chuyển con chuột, thời gian dừng chân trên các mục sản phẩm, hoặc các bước trong quá trình thanh toán để tối ưu hóa trải nghiệm cho khách hàng. Từ đó, họ luôn cải tiến giao diện người dùng (UI) và trải nghiệm người dùng (UX) trên các thiết bị và trang web của họ để đảm bảo tính tương tác và dễ sử dụng cao nhất.

Neuromarketing cửa hàng trực tuyến
Neuromarketing cửa hàng trực tuyến

Quảng cáo

Một ví dụ khác về Neuromarketing đó là việc quảng cáo các sản phẩm cho trẻ em. Các marketer từ lâu đã cố gắng tăng doanh số bán các sản phẩm này bằng cách sử dụng những bức ảnh cận cảnh khuôn mặt các em bé đáng yêu. Tuy vậy, dưới sự trợ giúp của công nghệ theo dõi mắt, họ nhận ra rằng khách hàng đang chỉ tập trung nhìn vào khuôn mặt em bé thay vì đọc toàn bộ nội dung quảng cáo và điều này thực sự không hiệu quả.

Chính vậy nên, Neuromarketing cho biết quảng cáo nào sẽ hoạt động tốt hơn. Nghiên cứu về khoa học thần kinh chứng minh rằng quảng cáo sẽ hiệu quả hơn khi chúng ta không chú ý đến chúng.

ứng dụng neuromarketing vào quảng cáo
Neuromarketing trong quảng cáo

Màu sắc thu hút và hiệu quả

Các dữ liệu từ Neuromarketing có thể giúp cải thiện thiết kế sản phẩm, bao bì và các yếu tố khác để tạo ra sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

Màu sắc là một trong những công cụ tiếp thị hiệu quả nhất nếu bạn có thể áp dụng nó một cách hoàn hảo. Sử dụng Neuromarketing giúp doanh nghiệp tạo ra bao bì sản phẩm thu hút và tạo cảm giác tích cực cho người tiêu dùng.

Ví dụ, màu sắc, hình dáng và chất liệu bao bì có thể được tối ưu hóa dựa trên phản ứng của não bộ. Hay sự kết hợp màu sắc phù hợp có thể tác động mạnh mẽ khách hàng và giúp họ hình dung ra thiết kế để đạt được kết quả tốt hơn.

Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là việc Coca Cola sử dụng phổ biến màu đỏ cho thương hiệu của mình và cũng có rất nhiều công ty khác đã sử dụng màu này với mong muốn tạo ra hiệu ứng tuyệt vời.

Các chuyên gia về màu sắc và quảng cáo đã chia màu sắc thành các nhóm nhỏ để hướng dẫn cách sử dụng chúng một cách hiệu quả. Ví dụ, màu xanh lam mát mẻ là màu sắc phù hợp nếu bạn muốn thu hút các chuyên gia. Bài học rút ra là đảm bảo bạn đã làm quen với cách sử dụng màu sắc để tác động đến hành vi mua hàng.

màu sắc trong neuromarketing
Màu sắc trong neuromarketing

Xây dựng thương hiệu và lòng trung thành thương hiệu

Một thương hiệu mạnh là thương hiệu luôn ở vị trí “đầu tiên” khi người tiêu dùng nghĩ về một sản phẩm nhất định. Neuromarketing giải thích sự kết nối mạnh mẽ trong trí nhớ dài hạn khiến một số thương hiệu khó cưỡng lại như thế nào. Tiếp thị thần kinh cũng đo lường tác động của việc xây dựng thương hiệu mà người tiêu dùng thậm chí không nhận thức được.

xây dựng lòng trung thành
Xây dựng lòng trung thành

IV. Một vài thông tin thú vị khác về Neuromarketing

Lịch sử và sự phát triển của Neuromarketing như nào?

Ngay từ năm 1913, Hug Munsterberg – cha đẻ của tâm lý học tổ chức được biết đến như một trong những người đầu tiên thể hiện sự quan tâm lớn đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, phải đến những năm 90, chúng ta mới bắt đầu thấy y sinh công nghệ hình ảnh cuối cùng đã phát triển đến mức chúng ta có thể thu được cái nhìn sâu sắc thực sự về hoạt động thần kinh của não người.

Trong khi thuật ngữ ‘tiếp thị thần kinh’ được cho là do giáo sư tiếp thị người Hà Lan Ale Smidts đưa ra vào năm 2002, thì chỉ khoảng 17 năm trước, nghiên cứu và thử nghiệm chăm chỉ trong lĩnh vực này đã được hình thành vào những năm 1990. Giáo sư Tiếp thị Hoa Kỳ, Giáo sư Gerald Zaltman là hai trong số những người tiên phong trong lĩnh vực này, đã nộp bằng sáng chế bốn năm trước khi thuật ngữ ‘tiếp thị thần kinh’ thậm chí còn được đặt ra.

Ưu điểm của Neuromarketing

  • Neuromarketing cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách người tiêu dùng thực sự cảm nhận và phản ứng với các sản phẩm và quảng cáo. Điều này giúp các nhà tiếp thị hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của khách hàng hơn các phương pháp truyền thống.
  • Neuromarketing giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa trải nghiệm người dùng trên website, ứng dụng di động và các điểm tiếp xúc khác, từ đó tăng cường sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
  • Bằng cách thử nghiệm và phân tích trước khi ra mắt, Neuromarketing giúp giảm thiểu rủi ro thất bại của các chiến dịch quảng cáo và sản phẩm mới.

Nhược điểm của Neuromarketing

  • Neuromarketing vẫn còn là một lĩnh vực mới và chưa được phổ biến rộng rãi. Nhiều doanh nghiệp và nhà tiếp thị chưa hiểu rõ về cách sử dụng và lợi ích của neuromarketing.
  • Các công nghệ như fMRI, EEG và theo dõi ánh mắt rất đắt đỏ, làm tăng chi phí nghiên cứu và tiếp thị. Điều này có thể làm cho Neuromarketing không khả thi đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  • Việc sử dụng Neuromarketing gây ra rất nhiều tranh cãi về các vấn đề đạo đức, như việc xâm phạm quyền riêng tư của người tiêu dùng hoặc lạm dụng thông tin cá nhân để thao túng hành vi mua sắm. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải thận trọng và cân nhắc hơn khi sử dụng.

Xu hướng tương lai của Neuromarketing

Mặc dù Neuromarketing đã trở nên ngày càng phổ biến nhưng chúng vẫn được coi là một lĩnh vực mới. Một phần lý do là vì công nghệ này đắt tiền và vẫn đang được phát triển. Tuy vậy trong tương lai, khi Neuromarketing phát triển và trở nên dễ tiếp cận hơn, sẽ có nhiều công ty áp dụng các phương pháp này hơn và hiệu quả hoạt động tiếp thị sẽ được nâng cao.

Kết luận

Trên đây là một cái nhìn tổng quan về Neuromarketing và cách mà phương pháp này giúp thay đổi cách chúng ta tiếp cận khách hàng. Neuromarketing không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn là một công cụ quan trọng giúp các nhà tiếp thị hiểu sâu hơn về tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo ra những trải nghiệm tiêu dùng tốt hơn.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả