Scent Marketing là gì? Cách xây dựng chiến lược tiếp thị mùi hương

13/05/2024
187

Ngày này, mùi hương đã trở thành công cụ hiệu quả để kích thích cảm xúc và hành vi mua sắm của khách hàng mục tiêu. Vậy thuật ngữ Scent Marketing là gì? Làm sao để áp dụng chiến lược tiếp thị mùi hương để tăng tỷ lệ chuyển đổi cho doanh nghiệp? Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Scent Marketing là gì?

Scent Marketing hay tiếp thị qua mùi hương, là phương thức sử dụng hương thơm để làm nổi bật đặc điểm và định vị hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Trong bối cảnh kinh doanh hiện nay, việc xây dựng mối liên kết cảm xúc với khách hàng được xem là chìa khóa cho sự thành công, việc sử dụng mùi hương phù hợp trong không gian kinh doanh giúp thương hiệu tăng cường trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Các nghiên cứu đều cho thấy rằng mùi hương có khả năng gợi nhớ mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và hành vi mua hàng của người tiêu dùng một cách vô thức.

Scent Marketing là phương thức sử dụng hương thơm để làm nổi bật đặc điểm và định vị hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng

Cách mùi hương tác động đến hành vi người tiêu dùng

Mùi hương có khả năng tác động sâu sắc đến hành vi của người tiêu dùng vì chúng gắn liền với cảm xúc và ký ức. Khi người tiêu dùng ngửi thấy một mùi hương nhất định, nó có thể gợi nhớ đến trải nghiệm hoặc ký ức cụ thể, tạo ra cảm giác thoải mái và quen thuộc. Ví dụ, mùi bánh mới nướng có thể làm cho khách hàng cảm thấy ấm áp và thân thiện, khiến họ muốn ở lại cửa hàng lâu hơn và có thể tăng khả năng họ sẽ mua sắm.

Ngoài ra, mùi hương cũng có thể tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về một thương hiệu. Một mùi hương đặc trưng có thể trở thành phần của bản sắc thương hiệu, khiến khách hàng liên tưởng ngay lập tức đến sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu đó mỗi khi họ ngửi thấy mùi hương ấy. Điều này giúp vô tình giúp doanh nghiệp xây dựng lòng trung thành của khách hàng, đồng thời thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng lặp lại nhiều lần.

Cuối cùng, mùi hương còn có thể điều chỉnh tâm trạng và hành vi mua sắm. Một mùi hương nhẹ nhàng và thư giãn có thể khiến khách hàng cảm thấy thoải mái, dành nhiều thời gian hơn trong cửa hàng và có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Ngược lại, một mùi hương không phù hợp với khách hàng tác động tiêu cực đến hành vi tiêu dùng, khiến khách hàng muốn rời khỏi không gian đó nhanh chóng. Do đó, việc lựa chọn và sử dụng mùi hương trong tiếp thị phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để phù hợp với mục tiêu và khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

Lợi ích của Scent Marketing đối với doanh nghiệp

Scent Marketing không giúp doanh nghiệp tạo dựng và duy trì mối quan hệ sâu sắc với khách hàng, mà còn củng cố vị thế của thương hiệu trong thị trường cạnh tranh ngày nay. Dưới đây là một số lợi ích của tiếp thị qua mùi hương phổ biến:

Lợi ích của Scent Marketing đối với doanh nghiệp

Tăng cường nhận thức và ghi nhớ thương hiệu

Scent Marketing có tác dụng mạnh mẽ trong việc tăng cường nhận thức và ghi nhớ thương hiệu. Mùi hương được lựa chọn cẩn thận và đặc trưng cho một thương hiệu có thể tạo ra một liên kết nhận thức vững chắc trong tâm trí khách hàng. Khi mùi hương này được nhất quán gắn liền với các trải nghiệm tích cực, nó không chỉ tăng cường khả năng nhận diện thương hiệu mà còn giúp thương hiệu trở nên nổi bật so với các đối thủ. Điều này rất quan trọng trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, nơi mà việc duy trì sự hiện diện trong tâm trí khách hàng có thể ảnh hưởng lớn đến sự thành công của thương hiệu. Nghiên cứu của thương hiệu giày Nike cho thấy mùi hương ảnh hưởng đến độ mong muốn mua giày ở 84% đối tượng mục tiêu và các khách hàng này sẵn sàng trả thêm 10-20% trong không gian có mùi hương cuốn hút.

Tạo ấn tượng tốt đẹp và cảm xúc tích cực cho khách hàng

Sử dụng mùi hương trong tiếp thị giúp tạo ra ấn tượng tốt đầu tiên và cảm xúc tích cực, những yếu tố then chốt trong việc hình thành trải nghiệm khách hàng. Một mùi hương dễ chịu có thể kích thích các cảm giác thoải mái và hạnh phúc, làm cho khách hàng cảm thấy chào đón và giá trị khi họ bước vào một cửa hàng hoặc doanh nghiệp. Ví dụ, mùi của vani và lavender được biết đến với khả năng làm dịu và thư giãn, trong khi mùi của bạc hà và cam có thể làm tăng cảm giác tỉnh táo và năng lượng. Những cảm xúc này có thể dẫn đến những đánh giá tích cực về thương hiệu và khuyến khích khách hàng quay trở lại.

Một khảo sát từ viện nghiên cứu về ‘khứu giác” đã chỉ ra rằng khả năng nhớ hình ảnh chỉ còn khoảng 50% sau ba tháng, con người có thể nhớ mùi hương với độ chính xác lên tới 65% sau một năm. Tương tự, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Rockefeller cho thấy trong ngắn hạn, chúng ta chỉ nhớ được 1% những gì chúng ta chạm, 2% những gì chúng ta nghe, 5% những gì chúng ta nhìn thấy, 15% những gì chúng ta nếm và nhưng tận 35% những gì chúng ta từng ngửi.  (Nguồn: Mood Media)

Kích thích hành vi mua sắm của khách hàng

Scent Marketing cũng có thể kích thích hành vi mua sắm một cách trực tiếp. Mùi hương có thể tạo ra một môi trường mua sắm hấp dẫn, khuyến khích khách hàng lưu lại lâu hơn và tăng khả năng chi tiêu. Mùi hương như bánh quy mới nướng hoặc cà phê tươi có thể gợi lên cảm giác thèm ăn và khiến khách hàng muốn mua sản phẩm liên quan.

Theo một nghiên cứu năm 2003 do Lindstrom và Kotler thực hiện, 84% khách hàng có khả năng mua một đôi giày (hoặc ít nhất là thích chúng hơn) khi chúng được trưng bày trong một phòng có mùi thơm. Cùng một nghiên cứu này cũng cho thấy nhiều người tham gia thừa nhận họ sẵn sàng trả thêm 10-15% cho một sản phẩm có mùi hương. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng việc giới thiệu mùi hương cam ngọt trong môi trường bán lẻ đã gần như nhân đôi tổng số tiền mua hàng trung bình của khách hàng từ 55 đô-la lên 90 đô-la mỗi người. (Nguồn: AirScent International)

Tăng cường sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu

Mùi hương không chỉ thu hút khách hàng mà còn tăng tỷ lệ giữ chân với thương hiệu. Khi thương hiệu liên tục sử dụng một mùi hương nhất quán, khách hàng sẽ dần hình thành một mối liên kết cảm xúc mạnh mẽ với thương hiệu đó. Điều này giúp tăng cường sự trung thành của khách hàng, vì họ thường quay lại tìm kiếm trải nghiệm tích cực tương tự. Việc nhận diện và nhớ lại thương hiệu thông qua mùi hương làm tăng cảm giác thân thuộc và tin tưởng, hai yếu tố then chốt trong việc tạo dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Theo một nghiên cứu được tiến hành vài năm trước ở Mỹ, các cửa hàng áp dụng tiếp thị mùi hương đã thấy số lượng khách hàng quay lại mua hàng tăng trung bình 20%, đồng thời doanh số bán hàng của một số sản phẩm cụ thể cũng tăng lên đến 300% so với cùng kỳ. Mike Gatti, giám đốc điều hành tiếp thị tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia nói: “Phương pháp này rất phổ biến. Nhiều công ty bán lẻ sử dụng tiếp thị mùi hương với mục đích chính là giữ cho khách hàng ở lại cửa hàng lâu hơn.  (Nguồn: AirScent International)

Tạo bầu không khí độc đáo và ấn tượng

Cuối cùng, Scent Marketing tạo ra một bầu không khí độc đáo và ấn tượng cho không gian kinh doanh của doanh nghiệp. Một mùi hương đặc trưng có thể biến một không gian bình thường thành một môi trường đặc biệt và nhớ đến, giúp thương hiệu đứng bật lên trong mắt khách hàng. Việc sử dụng mùi hương đáng nhớ trong các cửa hàng, khách sạn, hoặc sự kiện có thể tăng cường trải nghiệm tổng thể và tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong tâm trí khách hàng. Điều này không chỉ cải thiện hình ảnh thương hiệu mà còn góp phần vào việc xây dựng cảm giác độc quyền và cao cấp, làm cho khách hàng cảm thấy rằng họ đang trải nghiệm điều gì đó đặc biệt và riêng biệt.

Chiến lược áp dụng Marketing mùi hương vào hoạt động kinh doanh

Áp dụng Marketing mùi hương vào kinh doanh không chỉ là việc chọn một mùi hương dễ chịu và phát tán nó trong không gian bán hàng. Đây là một chiến lược toàn diện, yêu cầu sự cân nhắc kỹ lưỡng về bản sắc thương hiệu, đối tượng khách hàng mục tiêu và sự phối hợp ăn ý với các chiến lược Marketing khác. Sau đây là ba bước chính để sử dụng hiệu quả mùi hương vào các hoạt động kinh doanh.

Chiến lược áp dụng Marketing mùi hương vào hoạt động kinh doanh

Lựa chọn mùi hương phù hợp với thương hiệu

Mỗi thương hiệu mang một thông điệp và cá tính riêng, do đó việc lựa chọn mùi hương cần phải phản ánh được những yếu tố này. Ví dụ, một thương hiệu thời trang cao cấp có thể chọn mùi hương vani hoặc da thuộc để tạo cảm giác sang trọng và tinh tế. Trong khi đó, một cửa hàng sách có thể muốn mùi hương gỗ hoặc giấy cũ để gợi lên sự ấm cúng, quen thuộc. Việc lựa chọn mùi hương phù hợp không chỉ giúp tăng cường trải nghiệm của khách hàng mà còn củng cố hình ảnh và vị thế của thương hiệu trong tâm trí họ.

Cân nhắc mùi hương phù hợp với đối tượng mục tiêu

Hiểu biết về đối tượng khách hàng mục tiêu là yếu tố quan trọng để chọn mùi hương hiệu quả. Các nhóm khách hàng khác nhau có thể có phản ứng tích cực với các loại mùi hương khác nhau. Ví dụ, mùi hương hoa có thể hấp dẫn phụ nữ trong khi mùi gỗ sồi hoặc hương thảo mộc có thể thu hút nam giới. Ngoài ra, mùi hương trái cây nhẹ nhàng có thể được ưa chuộng bởi khách hàng trẻ hơn. Việc nghiên cứu và thử nghiệm là cần thiết để xác định mùi hương phù hợp nhất với đối tượng mục tiêu của bạn, từ đó tối ưu hóa hiệu quả của chiến lược Marketing mùi hương.

Kết hợp mùi hương với các chiến lược Marketing khác

Để tăng cường hiệu quả, Marketing mùi hương không nên đứng một mình mà cần được tích hợp chặt chẽ với các chiến lược Marketing khác như quảng cáo trực quan, âm thanh và sự kiện trải nghiệm. Việc này tạo ra một chiến dịch tiếp thị đa giác quan, góp phần tăng cường nhận thức và trải nghiệm thương hiệu một cách toàn diện. Ví dụ, một cửa hàng có thể phát tán mùi hương bánh quy mới nướng trong khi hiển thị quảng cáo về một cuộc thi nấu ăn sắp tới hoặc một buổi trải nghiệm sản phẩm mới, từ đó tạo điều kiện cho khách hàng liên kết mùi hương với hoạt động thương mại. Sự kết hợp này không chỉ tăng cường ảnh hưởng tích cực của mùi hương đến hành vi mua sắm mà còn làm cho thông điệp tiếp thị của thương hiệu trở nên nhất quán và đáng nhớ hơn.

Một chiến lược phối hợp có thể bao gồm việc đồng bộ hóa mùi hương với các yếu tố nhận diện thương hiệu khác như màu sắc và logo, cũng như các chiến dịch truyền thông xã hội hoặc quảng cáo trực tuyến. Ví dụ, trong một chiến dịch quảng cáo cho một dòng sản phẩm mới, việc sử dụng một mùi hương đặc biệt trong cửa hàng và tại các sự kiện khuyến mãi có thể giúp khách hàng gắn kết mùi hương này với sản phẩm cụ thể đó, từ đó khuyến khích họ mua hàng.

Case study về Scent Marketing đình đám

Apple

Apple sử dụng Scent Marketing

Vào năm 2018, Apple đã bắt đầu sử dụng marketing mùi hương tại các cửa hàng bán lẻ của mình. Họ sử dụng một hương thơm đặc trưng và độc đáo là “táo xanh và bạc hà” được phát tán qua hệ thống HVAC để tạo nên một không khí trong cửa hàng đặc biệt và đáng nhớ. Mùi hương này được thiết kế tinh tế, kết hợp các yếu tố như hương táo giòn với một chút gỗ, mang lại cảm giác đổi mới, tươi mới và sự tối giản đặc trưng của thương hiệu. Chiến lược thương hiệu mùi hương này nhằm nâng cao trải nghiệm mua sắm tổng thể, khuyến khích khách hàng lưu lại lâu hơn, khám phá sản phẩm và liên kết hương thơm dễ chịu với thương hiệu.

Samsung

Samsung sử dụng Scent Marketing

Ai ngờ được một ông lớn công nghệ như Samsung lại sử dụng marketing mùi hương? Cụ thể, thương hiệu này đã sử dụng “Intimate Blue” làm mùi hương đặc trưng, các chuyên gia mô tả mùi hương này “trong lành, sắc sảo và gợi cảm.” Mùi hương này nhằm nhấn mạnh các đặc điểm nổi bật và độc đáo của thương hiệu,  “Intimate Blue” được sử dụng một cách có chủ ý để không phân biệt giới tính, đảm bảo sức hấp dẫn rộng rãi đối với đa dạng khách hàng.

Marketing mùi hương không chỉ giúp tăng trưởng doanh số mà còn củng cố mối quan hệ giữa khách hàng và thương hiệu, tạo dựng lòng trung thành và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trên đây là toàn bộ thông tin hữu ích về Scent Marketing. Anh/ chị đừng quên theo dõi MISA AMIS để cập nhập thông tin, tài liệu marketing – sales mỗi ngày.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả