Chuyển đổi số Hợp đồng số Thời hiệu khởi kiện hợp đồng bảo hiểm – 3 điều cần...

Trong thời gian tham gia bảo hiểm, khi phát sinh tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm mà các bên không thể thỏa thuận thì một trong hai bên có quyền khởi kiện đến cơ quan có thẩm quyền để nhờ giải quyết. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ được thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của mình. Thấu hiểu được điều này, MISA mang đến cho quý khách hàng những thông tin hữu ích về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm qua bài viết dưới đây:

1. Thông tin chung về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm

Việc khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm xảy ra khi các bên tham gia bảo hiểm phát sinh tranh chấp mà không thể tự thương lượng, giải quyết về việc thanh toán chi trả tiền bảo hiểm hay hợp đồng bảo hiểm vô hiệu,… Tranh chấp bảo hiểm thường dẫn đến khởi kiện thường xoay quanh ba trường hợp:

  • Trường hợp 1: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm con người (sức khỏe, tai nạn);
  • Trường hợp 2: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm tài sản;
  • Trường hợp 3: Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Khoản 3, điều 150, Bộ Luật dân sự 2015 quy định về thời hiệu khởi kiện như sau:

“Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.

2. Quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm

2.1. Luật Dân sự 2015

Theo điều 429, điều 588, Bộ Luật dân sự 2015 thì 03 năm kể từ ngày người yêu cầu khởi kiện biết hoặc phải biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng hoặc giải quyết việc yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 155, Bộ Luật dân sự 2015 cũng chỉ rõ các trường hợp không bị áp dụng thời hiệu khởi kiện:

  • Trường hợp 1: Yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
  • Trường hợp 2: Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (trừ trường hợp có quy định của các luật, bộ luật khác có liên quan). 
  • Trường hợp 3: Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

2.2. Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022

Trước đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi 2010) có quy định cho thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm là 03 năm kể từ thời điểm các bên tham gia bảo hiểm phát sinh tranh chấp mà không thể tự thương lượng, hòa giải.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 hiện hành đã loại bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo thống nhất với các quy định khác tại Bộ luật Dân sự 2015.

2.3. Bộ luật Hàng hải Việt Nam

Điều 336, Bộ Luật hàng hải Việt Nam quy định về thời hiệu khởi kiện hợp đồng bảo hiểm như sau:

“Thời hiệu khởi kiện liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hải là 02 năm kể từ ngày phát sinh tranh chấp.”

Các luật chuyên ngành khác cũng có quy định về thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết trong các trường hợp đặc thù khác nhau. Trên đây là 03 trích dẫn luật, bộ luật mà MISA gửi đến quý khách hàng  là căn cứ pháp lý thường được áp dụng khi xử lý các trường hợp tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, với mỗi trường hợp, Tòa án sẽ căn cứ quy định của luật chuyên ngành cụ thể mà không áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự khi xác định thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu với các trường hợp liên quan.

3. Một số lưu ý khi khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm 

3.1. Quy trình xử lý khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm 

Căn cứ Bộ Luật Tố tụng Dân sự và Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, MISA xin gửi tới quý khách hàng quy trình xử lý khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:

Trước khi gửi hồ sơ khởi kiện đến cơ quan chức năng có thẩm quyền, quý khách hàng cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ để tránh việc hồ sơ không đầy đủ. Hồ sơ khởi kiện bao gồm:

  • Đơn khởi kiện;
  • Hợp đồng hoặc tài liệu giao dịch có giá trị tương đương hợp đồng và các Biên bản bổ sung, phụ lục, phụ kiện hợp đồng (nếu có);
  • Các tài liệu giao dịch khác;
  • Bản kê khai các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số bản chính, bản sao).

Đối với khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bên khởi kiện cần bổ sung những thông tin sau:

  • Thông báo về sự kiện bảo hiểm và yêu cầu bồi thường;
  • Tài liệu chứng minh thiệt hại tài sản, con người;
  • Các giấy tờ, tài liệu khác (nếu có).

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:

Bên khởi kiện có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú nếu các bên đã có thỏa thuận từ trước trong hợp đồng bảo hiểm.

Bước 3: Thụ lý và mở phiên họp: 

Sau khi xác nhận hồ sơ khởi kiện, Chánh án sẽ phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời gian 03 ngày.

  • Thẩm phán phải xem xét, kết luận có thụ lý vụ án hay không khi nhận hồ sơ khởi kiện, thời gian tối đa là 05 ngày kể từ ngày được phân công.
  • Với các hồ sơ được thụ lý, Chánh án sẽ phân công Thẩm phán khác giải quyết vụ án trong thời hạn là 03 ngày.
  • Trong khoảng thời gian chuẩn bị xét xử, Thẩm phán thực hiện lập hồ sơ, kiểm tra, xác minh chứng cứ và tiến hành mở phiên họp để kiểm tra việc giao – nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đến vụ án. Đôi bên vẫn có thể hòa giải hoặc tự hòa giải trước khi tòa án ra quyết định xét xử.

Bước 4: Tòa án ra quyết định:

  • Với các trường hợp nguyên đơn và bị đơn hòa giải theo quy định của pháp luật, Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận của các đương sự và đưa ra kết luận tạm đình chỉ/đình chỉ giải quyết vụ án.
  • Còn với các trường hợp đôi bên không thể hòa giải, Tòa án sẽ ghi nhận trong quá trình làm việc và đưa vụ án ra xét xử, giải quyết. Thời hạn để mở phiên tòa giải quyết khởi kiện hợp đồng là từ 01 – 02 tháng kể từ ngày có quyết định.:

Với các vụ án có người khởi kiện là cá nhân, tổ chức hay đại diện cơ quan, trong trường hợp các bên không chấp nhận với quyết định của bản án thì trong 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự có thể kháng cáo lên Tòa án cấp phúc thẩm để tiếp tục giải quyết.

3.2. Thẩm quyền xử lý về khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm

Mỗi cá nhân, tổ chức hay cơ quan có quyền đại diện hoặc thông qua người đại diện hợp pháp của mình để khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia bảo hiểm.

Đối với khởi kiện về hợp đồng bảo hiểm, bên thưa kiện có thể làm hồ sơ xét xử gửi đến Tòa án nhân dân huyện/thành phố nơi mình đang cư trú để được xem xét, điều tra làm rõ để đòi lại quyền lợi bảo hiểm hợp pháp.

Trong trường hợp không đồng tình với bản án xét xử sơ thẩm của Tòa án cấp huyện/thành phố, quý khách hàng có thể kháng nghị lên Tòa án cấp tỉnh để xin xét xử lại vụ án. 

Trên đây là những thông tin cần thiết về khởi kiện hợp đồng bảo hiểm khi phát sinh tranh chấp không thể tự hòa giải. Quý khách hàng cần lưu ý những thông tin đặc biệt quan trọng như thời hiệu khởi kiện, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền xử lý,… Chắc chắn rằng những thông tin mà MISA mang đến sẽ giải đáp được những vướng mắc của quý khách. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm đến bài viết.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]