VinFast – thương hiệu xe không còn xa lạ đối với thị trường Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ dừng lại ở việc chiếm lĩnh thị trường ô tô nội địa, hiện VinFast đã có những bước tiến đầu tiên trong việc gia nhập ngành công nghiệp ô tô thế giới khi công bố kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ.
Với chủ trương thân thiện với môi trường, những chiếc ô tô điện này kỳ vọng sẽ đạt được dấu ấn mạnh mẽ. Vậy, khi xây dựng nhà máy điện tại Mỹ, Vinfast cần thích ứng với văn hóa Mỹ như thế nào? Hãy cùng Misa tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Vinfast sẽ xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Mỹ
Kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại Bang Bắc Carolina – Mỹ
Vào ngày 29 tháng 3 năm 2022, VinFast công bố giai đoạn đầu của kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện tại Triangle Innovation Point ở Chatham County, thuộc vùng Bắc Carolina – Mỹ. Nhà máy này có diện tích trải dài 2000 mẫu Anh (tương đương hơn 800 héc-ta) và được chia thành 03 phân khu chính: phân khu sản xuất và lắp ráp, phân khu sản xuất pin và phân khu công nghiệp phụ trợ. Với mức ngân sách cho giai đoạn đầu khoảng 2 tỷ USD, nhà máy ô tô điện VinFast được kỳ vọng rằng sẽ hoàn tất vào cuối năm 2022 và đạt được công suất sản xuất xe ban đầu là 150.000 chiếc mỗi năm.
Đúng với tên gọi nhà máy xe điện (EV factory), đối tượng xe mà nhà máy hướng đến là dòng xe sử dụng năng lượng điện tái tạo. Các phương tiện sẽ được sản xuất tại địa điểm này bao gồm VinFast VF 9 – chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) 7 chỗ và VinFast V8 – chiếc SUV cỡ trung 5 chỗ.
Cả hai mẫu xe đều có những tính năng vượt trội, dự kiến sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ trên thị trường ô tô Mỹ. Mẫu VF8 cỡ trung sẽ cung cấp 402 mã lực và mô-men xoắn 472 lb-ft, đủ mạnh để tăng tốc từ 0 đến 60 dặm/giờ trong 5,5 giây. Còn mẫu VF9 có thể tạo ra công suất và mô-men xoắn tương tự như VF 8 và có bộ pin sạc lớn hơn, nhưng sẽ mất thêm một giây để tăng tốc lên 60 dặm/giờ. Ngoài ra, cả hai dòng xe đều được trang bị màn hình tivi 15,6 inch, màn hình hiển thị head-up màu, ghế bọc da tổng hợp có sưởi và ghế làm mát tùy chọn. VinFast còn cho biết, những chiếc xe này sẽ được trang bị hệ thống hỗ trợ người lái.
Quyết định đầu tư này của VinFast không chỉ là bước nhảy lớn trong tiến trình phủ sóng thương hiệu ô tô Việt Nam ra thế giới, đây còn được xác định là dự án xây dựng nhà máy lớn nhất trong lịch sử của Bắc Carolina. Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2022 và những chiếc xe đầu tiên dự kiến hoàn tất vào năm 2024.
Hoạt động của VinFast trên thị trường quốc tế
Việc xây dựng nhà máy xe điện tại Mỹ không phải là hoạt động quảng bá ô tô Việt Nam đầu tiên của VinFast trên thị trường nước ngoài. Vào năm 2021, VinFast đã thành lập trụ sở chính tại Los Angeles, Mỹ. Cũng trong năm 2021, công ty đã công bố hai mẫu xe điện VF8 và VF9 (trước đó được giới thiệu là VF e35 và VF e36) tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021.
Công ty cũng đã giới thiệu ba mẫu xe điện mới (VF5, V 6 và VF7) tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) vào năm 2022 và kết hợp với các mẫu trước đó để cho ra những mẫu mã đa dạng, phục vụ cả năm phân khúc xe chính. Gần đây, VinFast đã công bố kế hoạch mở 30 phòng trưng bày mới tại California và họ đã mở 6 phòng trưng bày trong số đó trong một tuần sau đó.
2. Vinfast hội nhập với văn hóa tại Mỹ như thế nào?
Tuy không thể phủ nhận việc Mỹ là quốc gia tự do, đa văn hóa, đa sắc tộc cùng với lối ứng xử hiện đại, phóng khoáng, nhưng đồng thời trong nội tại đất nước này cũng bao gồm nhiều chuẩn mực văn hóa, và đôi khi chuẩn mực ấy lại đối lập với thói quen, lối ứng xử của người Việt Nam.
Vì vậy, khi “đem chuông đi đánh xứ người”, VinFast cần lưu ý thêm về vấn đề hội nhập văn hóa để tránh những mâu thuẫn, rủi ro không đáng có.
2.1 Trong giao tiếp thông thường
Xuất phát từ nhiều nguyên nhân kinh tế – chính trị – xã hội, nền văn hóa của mỗi quốc gia đều có những điểm đặc trưng riêng, nhưng những điểm đặc trưng này lại vô tình tạo nên khoảng cách lớn giữa các quốc gia. Có những lối ứng xử mà người Việt Nam cho là bình thường, là hiển nhiên, nhưng người Mỹ lại có cái nhìn không mấy tích cực về điều này.
- 03 điều không nên hỏi khi giao tiếp với người Mỹ
Tuổi tác, thu nhập và tình trạng hôn nhân là ba điều không nên hỏi khi giao tiếp với người Mỹ. Đối với người Việt Nam, đây lại là những câu hỏi rất thông thường, thể hiện sự quan tâm và tôn trọng người đối diện. Còn người Mỹ rất xem trọng quyền riêng tư cá nhân, họ sẽ trở nên nhạy cảm khi phải đề cập đến đời tư của họ.
Đơn cử như việc hỏi về tuổi tác, đây là điều hiển nhiên trong văn hóa ứng xử của người Việt, vì việc biết tuổi tác của đối phương là điều thiết để đặt ra cách xưng hô chuẩn mực nhất. Tuy nhiên, cách xưng hô của người Mỹ lại không phụ thuộc vào tuổi tác hay giới tính, nên việc hỏi tuổi của đối phương là không cần thiết. Họ cho rằng thật thiếu tế nhị khi bị hỏi về tuổi của mình.
- Những lưu ý khi tiếp xúc với trẻ nhỏ
Ở Việt Nam, việc chủ động lại gần trò chuyện, “nựng” trẻ nhỏ là hành động thể hiện sự vui vẻ, thân thiện đối với các bậc phụ huynh. Còn ở Mỹ, nếu một người tự ý đụng chạm đến trẻ nhỏ khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ đứa trẻ đó, người này có thể đối mặt với các cáo buộc về tội xâm phạm trẻ em. Thực tế đã có nhiều vụ việc hy hữu liên quan đến vấn đề này: Người Việt Nam thường không rõ về văn hóa Mỹ, họ chỉ vô tình chơi đùa với trẻ em nhưng hậu quả là tiền án về lạm dụng trẻ em tòa đã xử và đã bị ghi nhận trên lý lịch công dân của họ.
- Tôn trọng không gian cá nhân
Khi tiếp xúc với người Mỹ, chúng ta không nên đứng quá gần và không nên nhìn chằm chằm vào họ. Nếu không giữ khoảng cách nhất định, họ sẽ cảm thấy không được tôn trọng và bị xâm phạm không gian riêng tư.
Đối với một bộ phận người Việt (không phải toàn bộ), một vài người có thói quen sử dụng đồ của người khác mà không hỏi ý kiến vì họ nghĩ bản thân họ và đối phương rất thân thiết, việc dùng chung đồ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu việc tương tự xảy ra với một người Mỹ, họ sẽ đánh giá người này có ứng xử kém văn minh, thậm chí họ cảm thấy bị xúc phạm khi không được hỏi ý kiến về việc sử dụng đồ đạc cá nhân của họ.
- Không bàn chuyện người khác
Một số ít người cho rằng việc kể chuyện của người khác sẽ giúp họ thân thiết với người được nghe kể chuyện hơn. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm khôn ngoan nếu người được nghe kể chuyện là người Mỹ. Vì họ không chỉ quan tâm đến không gian riêng tư của bản thân mình mà họ còn rất tôn trọng sự riêng tư của những người xung quanh. Do vậy, nếu người Việt thực hiện hành động trên, họ sẽ bị mất thiện cảm và bị đánh giá là thiếu chuyên nghiệp.
Như vậy, đứng trước sự khác biệt văn hóa trên, những nhân viên Việt Nam của VinFast cần có sự chuẩn bị trước để tránh hỏi hoặc thực hiện những hành động mà người Mỹ cảm thấy phản cảm. Trong trường hợp đã phát sinh hiểu lầm, nhân viên VinFast cần giải thích một cách từ tốn cho các đồng nghiệp Mỹ, giúp họ hiểu thêm về sự khác biệt giữa văn hóa của hai quốc gia. Thái độ cởi mở, ôn hòa khi làm trong môi trường đa văn hóa là yếu tố hai bên cần có.
2.2 Trong môi trường công sở
Chuẩn mực trong giao tiếp thông thường là vậy. Đối với môi trường công sở, chuẩn mực này còn được nâng cao hơn, thể hiện sự chuyên nghiệp trong văn hóa ứng xử hơn.
- Tôn trọng mọi sắc tộc và giới tính
Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, Việt Nam cũng là đất nước đa dân tộc. Người Việt thân thiện, có thái độ ôn hòa đối với những dân tộc anh em nên đối với việc phân biệt sắc tộc, khả năng nhân viên Việt Nam phân biệt đối xử với các nhân viên nước ngoài là rất ít. Tuy nhiên, dưới góc độ doanh nghiệp, VinFast cần có sự cẩn thận và chuyên nghiệp khi ban hành những quy chế, quyết định có liên quan đến quyền lợi của người lao động để tránh tạo nên sự phân biệt đối xử giữa các sắc tộc.
Ngoài ra, Mỹ là quốc gia một trong những quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Hiện vấn đề giới tính thứ ba đang được người Việt đón nhận nhất là giới trẻ đã có những suy nghĩ cởi mở hơn và ủng hộ. Song, vì đây là một vấn đề riêng tư cá nhân, nên cần có sự khéo léo, tinh tế trong giao tiếp để tránh gây tổn thương cho những người thuộc giới tính khác.
Thực tế, Mỹ cũng có những đạo luật hạn chế những vấn đề này. Kinh điển nhất là đạo luật về cấm phân biệt đối xử trong doanh nghiệp. Đạo luật này điều chỉnh đến mọi khía cạnh trong quan hệ lao động, như tuyển dụng, sa thải, thăng chức hay bất kỳ điều khoản liên quan đến lao động.
- Tiêu chuẩn trong cách làm việc
Không chỉ các nước châu Âu, nước Mỹ cũng được biết đến là một trong các quốc gia sản xuất những mặt hàng có tiêu chuẩn chất lượng cao. Người Mỹ họ rất xem trọng chuẩn mực và chất lượng của sản phẩm mà họ làm ra. Chẳng hạn, khi có một sản phẩm bị lỗi nhỏ, họ sẽ loại bỏ sản phẩm ấy đi và cho kiểm tra lại toàn bộ lô hàng ấy.
Đây là cách họ tôn trọng khách hàng và cũng là tôn trọng sức lao động của chính mình. Còn với văn hóa các doanh nghiệp khác, trong trường hợp phát hiện sản phẩm bị lỗi nhỏ và khó phát hiện thì họ có thể vì lợi nhuận mà cho phép sản phẩm ấy được bày bán trên thị trường.
Ngoài ra, phong cách làm việc của người Mỹ thiên về “tinh gọn”, không phải “rút gọn” (làm tắt). Tinh gọn nghĩa là bỏ đi những quy trình không cần thiết nhưng vẫn không làm giảm chất lượng sản phẩm đầu ra, còn rút gọn là cắt xén quy trình để đạt được lợi nhuận tối đa mà xem nhẹ đến chất lượng sản phẩm.
Người Mỹ rất coi trọng giờ giấc làm việc, nhất là đối với công việc mang tính sản xuất dây chuyền như sản xuất ô tô. Việc trễ nải của một/ một số bộ phận trong dây chuyền có thể gây hiệu ứng xấu đến toàn bộ hệ thống. Do vậy, khi làm việc với người Mỹ, chúng ta cần lưu ý đến yếu tố thời gian và thắt chặt việc tuân thủ đó, để tránh tạo những tác động xấu đến toàn bộ quá trình sản xuất chung.
Chính vì tiêu chuẩn trong công việc khác nhau, nhân viên Việt Nam và nhân viên Mỹ có thể xảy ra mâu thuẫn. Để khắc phục vấn đề này, trước khi nhà máy đi vào hoạt động, VinFast cần thống nhất trước về tiêu chuẩn trong công việc cho toàn bộ công ty để nhân viên làm theo. Bên cạnh đó, cần thiết lập thêm hệ thống kiểm định chất lượng làm việc để đồng bộ hóa năng suất lao động của các nhân viên trong nhà máy.
- Mối liên hệ với công đoàn
Nếu công đoàn ở Việt Nam có bản chất là “cánh tay nối dài” của người sử dụng lao động thì công đoàn ở Mỹ cũng có tính chất tương tự, tổ chức công đoàn được thành lập để đấu tranh, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Thực tế, với môi trường dân chủ “kiểu Mỹ”, rất nhiều công ty của Mỹ đang không ngừng thương thuyết với nhân viên để họ không thành lập ra tổ chức công đoàn. Công đoàn trong những công ty ở Mỹ là tổ chức có thực quyền, những quyết định, quy chế có liên quan đến lợi ích của người lao động cần được công đoàn xem xét và thông qua.
Bên cạnh đó, việc sở hữu một tổ chức công đoàn trong công ty sẽ tiêu tốn thêm chi phí của công ty. Vì vậy, khi xây dựng nhà máy xe điện tại Mỹ, VinFast cần cân nhắc đến lợi ích của doanh nghiệp nếu người lao động yêu cầu thành lập công đoàn.
- Ý thức an toàn lao động
Người Mỹ rất có ý thức về an toàn lao động. Pháp luật Mỹ cũng quy định chế tài nghiêm khắc nếu phát hiện doanh nghiệp không thực hiện những quy định về an toàn lao động đó. Vì vậy, nhà máy ô tô điện của VinFast cần được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảo hộ lao động, lối thoát hiểm,… Nhân viên làm việc trong nhà máy cũng cần có trang bị bảo hộ riêng (găng tay, mũ, áo,…).
Trong trường hợp phía doanh nghiệp không đầu tư trang thiết bị bảo hộ theo quy định, và môi trường làm việc không tuân thủ đúng quy định, nhân viên hoàn toàn có quyền báo cáo với cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý doanh nghiệp đó, hoặc họ có thể thành lập công đoàn để tự đòi quyền lợi cho chính mình.
2.3 Trong môi trường xã hội
Ngoài những vấn đề cần lưu ý trong giao tiếp thường ngày và trong nội bộ doanh nghiệp, người Việt Nam khi đến Mỹ làm việc cần lưu ý thêm về môi trường xã hội ở đất nước này.
- Nếp sống và tư duy
Không khó để bắt gặp hình ảnh những CEO, ông chủ lớn của nhiều tập đoàn Mỹ có phong cách thời trang giản dị, không khoa trương. Người Mỹ thường không quá câu nệ những vật hào nhoáng bên ngoài, thay vào đó, họ chú trọng đến những lợi ích thiết thực hơn.
- Các vấn đề liên quan đến tôn giáo, chính trị
Theo thống kê, hơn 76% dân số Mỹ theo tín ngưỡng Kitô giáo, trong khi phần đông người Việt theo đạo Phật hoặc thờ cúng tổ tiên. Vì tôn giáo thường kèm theo những giá trị đạo đức và quan niệm về những hành vi nên làm và không nên làm, nên những người theo tôn giáo khác nhau có thể xảy ra bất đồng quan điểm. Vậy, để tránh xảy ra mâu thuẫn, nhân viên VinFast khi làm việc tại Mỹ cần chuẩn bị kiến thức về điểm khác biệt giữa các tôn giáo và thể hiện sự cảm thông trước những khác biệt ấy.
Bên cạnh yếu tố tôn giáo, yếu tố chính trị cũng là một trong những vấn đề cần lưu ý khi người Việt Nam sang Mỹ làm việc. Sau chiến tranh, một bộ phận người Việt Nam đã qua Mỹ định cư, thể chế chính trị mà họ cố gắng xây dựng khác so với thể chế chính trị Việt Nam hiện hành. Nhiều năm trôi qua, quan điểm chính trị của nhóm người này vẫn luôn có xung đột với Việt Nam, điều này dẫn đến người Việt Nam khi sang Mỹ làm việc sẽ khó cùng chung tiếng nói với họ khi gặp phải vấn đề về chính trị – xã hội.
Vì vậy, nhân viên Việt Nam sang Mỹ cần nắm được thông tin về quan điểm chính trị – xã hội của người Việt Nam định cư lâu năm tại Mỹ, từ đó tránh đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, tham gia vào tranh cãi không đáng có.
- Thương hiệu quốc gia
Thương hiệu quốc gia là những ấn tượng, cảm nhận của bạn bè quốc tế khi tiếp xúc, làm việc với người Việt Nam tại công ty Việt Nam và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam.
Theo thống kê về thương hiệu quốc gia tại các diễn đàn kinh tế thế giới, Top 5 thương hiệu quốc gia là Đức, Nhật, Canada, Ý, Anh. Mỹ đứng thứ 8, Trung Quốc xếp thứ 31, Thái Lan thứ 34 và Việt Nam đứng thứ 47.
Tại Mỹ, khi nhắc đến Việt Nam, mọi người chỉ nghĩ đến chiến tranh và ẩm thực. Đối với đại bộ phận người dân ở Mỹ, Việt Nam chưa có thương hiệu mạnh về sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Do đó nếu dự án xe điện của Vinfast thành công với sản phẩm chất lượng thì Vin đã đóng góp một phần rất lớn cho thương hiệu quốc gia trong mảng công nghệ tại thị trường quốc tế.
Trong một môi trường làm việc đa quốc gia, khi đánh giá về một cá nhân hay một nhóm người, chúng ta không gọi là anh ta hay cô ấy mà sẽ theo thói quen thông thường mọi người sẽ nói là “người Việt Nam làm như thế này, thế kia..”. Vì vậy mỗi nhân viên của Vin làm việc tại Mỹ sẽ mang trong mình một trọng trách lớn là đại sứ thương hiệu không chỉ của Vin mà còn là đại diện đất nước Việt Nam.
3. Kết luận
Tóm lại, việc VinFast xây dựng nhà máy xe điện tại “vùng đất hứa” – Mỹ là một tín hiệu đáng mừng cho thương hiệu xe Việt Nam. Tuy vẫn còn tồn tại không ít thử thách trong việc hội nhập văn hóa Việt Nam – Hoa Kỳ, nhưng bằng thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp nhận quan điểm của nhân viên nước ngoài, tin chắc rằng VinFast sẽ vượt qua những rào cản này và đạt được thành tựu mới ở nước Mỹ.
Ban lãnh đạo của tập đoàn VIN, đặc biệt phòng ban nhân sự cần chú trọng đầu tư chỉn chu, bài bản ngay từ đầu trong việc đào tạo nhân viên hội nhập văn hóa tại Mỹ. Khi người lao động được chuẩn bị những kiến thức và các cách thức ứng xử, tôn trọng sự khác biệt trong văn hóa hai nước sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những rắc rối liên quan đến con người và pháp lý. Đồng thời đây cũng là tiền đề gây dựng được sự khởi đầu suôn sẻ khi chúng ta “đem chuông đi đánh xứ người”.
Qua đó, có thể thấy tuyển dụng và quản lý nhân sự là hai giai đoạn quan trọng trong quá trình đào tạo hội nhập và xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh. Thấu hiểu được điều này, MISA đã phát triển bộ giải pháp MISA AMIS HRM. Bộ giải pháp này bao gồm phần mềm tuyển dụng và quản lý nhân sự, các doanh nghiệp có thể tham khảo để có giải pháp quản trị nhân lực hợp lý hơn.
- AMIS Tuyển dụng: Phần mềm hỗ trợ đăng tin tuyển dụng, tạo thương hiệu tuyển dụng để thu hút thêm nhiều nhân tài và tổng hợp kho ứng viên tiềm năng. Với phần mềm, công ty có thể dễ dàng tìm kiếm ứng viên phù hợp với doanh nghiệp, giảm nhiều thời gian, công sức của nhân sự mà vẫn đạt hiệu quả.
- AMIS Thông tin nhân sự: Phần mềm đồng bộ các dữ liệu mà trước giờ doanh nghiệp phải sử dụng thủ công. Ngoài ra, phần mềm cũng cập nhật kết quả làm việc, các thông tin khen thưởng nhân sự, và nhắc nhở nhân sự các công việc cần phải hoàn thiện. Ngoài ra, lãnh đạo cũng nắm bắt kịp thời và có cái nhìn tổng quan nhất về nhân viên trong công ty.
Ngoài hai tính năng trên, các doanh nghiệp có thể tham khảo thêm nhiều tính năng khác của phần mềm quản lý nhân sự MISA AMIS HRM:
- AMIS Chấm công: Mỗi doanh nghiệp đều có một hình thức chấm công riêng như chấm công vân tay, chấm công khuôn mặt hay qua mã QR,…. Phần mềm hỗ trợ chấm công bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp cho cả những công ty kết hợp làm việc online và offline. Ngoài ra, sản phẩm cũng giúp thiết lập ca làm việc dễ dàng, nhân viên tự động xin nghỉ phép, đi muộn,… tự động xem xét công, thời gian làm việc và phản hồi ngay trên phần mềm.
- AMIS Tiền lương: Với AMIS Tiền lương, nhân viên dễ dàng xem bảng lương và xác nhận lương của mình. HR không còn mất thời gian, công sức khi tính lương cho nhân viên. Ngoài ra, AMIS Tiền lương hỗ trợ tự động trích những khoản phải khấu trừ theo quy định của pháp luật như BHXH, Thuế TNCN….
Để hiểu rõ hơn về phần mềm, bạn có thể đăng ký dùng thử miễn phí 15 ngày TẠI ĐÂY.