Mặc dù là cái tên đến sau, nhưng với chiến lược marketing của Xiaomi khác biệt “giá thành thấp – chất lượng cao” nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, Xiaomi đang dần chiếm lĩnh “ngôi vương”. Với tham vọng trở thành hãng sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, Xiaomi đang khiến những “gã khổng lồ” công nghệ phải dè chừng.
Mời các bạn cùng tham khảo bài viết phân tích chi tiết dưới đây, để thấy được vì sao Xiaomi thành công như hiện nay. Phạm vi bài viết phân tích đối với sản phẩm smartphone – dòng sản phẩm cốt lõi của Xiaomi.
I. Sự trở mình từ cái tên “Apple Trung Quốc”
Tính đến nay, đã hơn 12 năm Xiaomi chinh chiến trên thị trường công nghệ. Từ cái tên “Apple Trung Quốc” bị người dùng dè bỉu cho đến sự vươn mình trở thành một trong những nhà sản xuất smartphone đứng đầu thế giới.
Có thể nói, chiến lược marketing thông minh và đúng thời điểm của Xiaomi đã giúp cái tên này ghi điểm tại Việt Nam và trên thế giới.
Vào thời điểm 2010, Apple đã cho ra mắt iPhone 4 và khiến toàn thế giới “điên đảo” về những trải nghiệm sử dụng đột phá và làm cho những “ông hoàng” công nghệ thời đó như Nokia, BlackBerry, … với thiết kế điện thoại bàn phím bấm phải dè chừng.
Tuy nhiên, mức giá Apple đưa ra cho một chiếc iPhone 4 khá cao, khoảng 500 USD. Cùng thời điểm đó, nhiều hãng Android như Samsung, Sony, HTC,… đã nỗ lực “thế chỗ” Apple bằng những chiếc điện thoại với trải nghiệm tương đương nhưng mức giá rẻ. Tuy nhiên lại khiến người dùng vô cùng thất vọng vì chất lượng quá tệ.
Ngay lúc này, Xiaomi bắt tay với nhà phát triển con chip điện thoại Qualcomm và Temasek Holdings và cho ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên, dòng sản phẩm tầm trung nhưng có cầu hình đầu bảng với tên gọi Mi 1.
Và chính Mi 1 đã tạo nên một cú giáng mạnh vào sự phân cấp của thị trường smartphone lúc bấy giờ, và trở thành tiền đề giúp Xiaomi thành công với định vị “Bán smartphone cao cấp với giá bình dân”.
Đến năm 2014, Xiaomi chính thức “lấn sân” sang thị trường Quốc tế. Chỉ trong vòng 1 năm, Xiaomi đã tạo nên kỳ tích với 18.7 triệu sản phẩm được bán ra thị trường, đánh dấu cho bước chuyển mình mạnh mẽ cho đến nay.
Ông KM Leong – Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Xiaomi đã chia sẻ rằng: “Từ năm 2020 cho đến nay, Xiaomi sở hữu hơn 1.000 cửa hàng trên quốc tế và con số này đang tăng lên theo cấp số nhân. Quá trình này đã thúc đẩy doanh thu của Xiaomi tăng trưởng 67% trong năm 2021”.
II. Xiaomi đã từng làm “trỗi dậy” truyền thông thế giới với sự ra mắt logo 7 tỷ
Hẳn chúng ta ai cũng biết đến màn thay đổi logo đầy “chấn động” cộng đồng mạng của Xiaomi. Và đây có phải là một chiến lược Marketing của Xiaomi thành công vang dội trên toàn cầu.
Vào năm 2021, Xiaomi từng làm “trỗi dậy” truyền thông với diện mạo logo mới với giá trị lên tới 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ VNĐ) mà hãng đã công bố. Nhiều người khi nhìn vào đều phải đặt dấu hỏi lớn rằng: “Chiếc logo mới này có điều gì đặc biệt mà Xiaomi phải chi số tiền lớn đến như vậy?”
Sự khác biệt duy nhất giữa hai phiên bản này đó là chuyển từ bo góc vuông sang góc bo tròn, còn lại từ màu sắc đến phông chữ vẫn hoàn toàn được giữ nguyên.
Mặc dù, nhà thiết kế của Xiaomi đã đứng lên giải thích rằng: “Sự thay thay thế logo từ vuông thành tròn nhằm thể hiện bước ngoặt thay đổi về tinh thần nội bộ cũng như tư duy của thương hiệu.
Xiaomi mong muốn rằng, sẽ đưa công nghệ hòa hợp và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người”. Ngoài ra, ông còn giải thích thêm về sự cân bằng trong tỉ lệ của logo mới.
Nhưng khi logo mới của Xiaomi được “trình làng” vẫn làm bùng nổ cuộc tranh luận trên toàn cầu với nhiều ý kiến trái chiều. Cộng đồng mạng tại Việt Nam cũng không ngừng thảo luận rằng đây chính là một chiến lược marketing quá “ghê gớm” của Xiaomi.
Không chỉ dừng lại ở đó, vào lần sinh nhật thứ 11 gần đây, Xiaomi lại tiếp tục công bố chiếc logo đơn sắc sau hơn 10 tháng ấp ủ để hoàn thành.
Nhưng, dù cho thế nào đi chăng nữa thì thông qua diện mạo logo mới của mình, Xiaomi đã thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Ngay cả những người từ trước đến nay không bận tâm về công nghệ cũng phải tham gia vào cuộc tranh luận về cái tên Xiaomi. Cùng từ đó, Xiaomi ngày càng rút ngắn khoảng cách và xuất hiện trong tâm trí người dùng.
III. Chiến thuật giá rẻ – vũ khí trong chiến lược marketing của Xiaomi
Ngay từ điểm bắt đầu, Xiaomi đã xác định hướng đi của mình sẽ triển khai theo mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa thị trường phân khúc giá rẻ với phân khúc cao cấp. Vì vậy, có thể thấy rằng trong tất cả những dòng sản phẩm của Xiaomi đều có một điểm chung đó là sở hữu cấu hình cao nhưng mức giá đưa ra lại vô cùng mềm mại.
Ví dụ: Vào năm 2011, khi các “ông lớn” như LG, Samsung tung ra thị trường những dòng smartphone sở hữu RAM 1GB (cao nhất vào năm đó), 2 camera trước sau cùng con chip Snapdragon S3 thì mức giá bán thường giao động khoảng 10 triệu trở lên.
Nhưng với dòng máy lần đầu ra mắt của Xiaomi Mi 1 đã được trang bị cấu hình tương tự nhưng mức giá đưa ra chỉ 7 triệu đồng.
Với tôn chỉ “Tạo ra những sản phẩm chất lượng cao cùng giá thành mềm mại”, trong những năm đầu hoạt động của mình, Xiaomi đã tạo nên cơn sốt tại thị trường nội địa và thu được nhiều thắng lợi lớn tại thị trường quốc tế tính đến thời điểm hiện nay.
Đặc biệt, tại Việt Nam hay những thị trường khác ở các nước đang phát triển, nơi có tệp khách hàng tầm trung lớn mạnh chính là mảnh đất màu mỡ cho chiến lược marketing giá rẻ của Xiaomi có thể phát huy và đạt được thành công trong khoảng thời gian ngắn.
>> Xem thêm: Chính sách giá trong Marketing là gì? Vai trò & 7 chính sách giá hàng đầu
IV. Phân tích chiến lược marketing của Xiaomi tại Việt Nam
Trong buổi phỏng vấn cùng Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Xiaomi – Ông KM Leong chia sẻ: “Thị trường Việt Nam luôn luôn là cái tên nằm trong danh sách ưu tiên và trọng điểm của Xiaomi. Xiaomi luôn sẵn sàng hỗ trợ cho Việt Nam, đặc biệt là đối các nhà bán lẻ trong quá trình chuyển đổi số”.
Vì vậy cho đến ngày hôm nay, nhờ vào chiến lược marketing mix sắc bén của mình, Xiaomi đã trở thành một trong những cái tên thân thuộc đối với người tiêu dùng tại Việt Nam.
1. Chiến lược Mix Marketing
1.1 Chiến lược sản phẩm
Trước thời điểm mà Xiaomi xuất hiện, những dòng máy “giá thành thấp – chất lượng cao” là điều chưa bao giờ từng xuất hiện trên thị trường. Khi đó, những “gã khổng lồ” công nghệ đang thống trị như là Nokia, HTC, Sony hay tân binh mới là Apple nếu như sản xuất smartphone chất lượng cao thì cũng sẽ đồng nghĩa với giá thành không hề rẻ.
Cho đến khi Xiaomi xuất hiện, người dùng dường như được “tháo gỡ” nút thắt đang hiện hữu bấy lâu. Bởi nếu đặt smartphone tầm trung của Xiaomi và Samsung được đặt lên bàn cân thì Xiaomi giành được nhiều thế mạnh hơn bởi sự nổi trội về phần cứng và hiệu năng.
Ví dụ: Không chỉ riêng điện thoại mà đối với những phụ kiện đi kèm thì Xiaomi cũng tâm trung chú trọng như củ sạc dự phòng với mức giá khoảng 250.000 đồng được trang bị vỏ nhôm nguyên khối và cell pin từ các nhà sản xuất lớn như Panasonic, Sanyo, LG,…
Đặc biệt, Xiaomi còn xây dựng hệ điều hành riêng với tên gọi là MIUI dựa trên cơ sở OS Android và khiến cho những đàn anh là iPhone và Samsung phải “e ngại” về tiềm lực và khả năng lớn mạnh, bùng nổ của Xiaomi.
1.2 Chiến lược về giá
Có thể nhận định rằng, để đạt đến đỉnh vinh quang như ngày hôm nay thì một trong những công thức thành công mà Xiaomi áp dụng đó chính là chiến lược giá bán khi đưa sản phẩm ra ngoài thị trường.
Tất cả những sản phẩm đều được Xiaomi đưa ra với mức giá tầm trung nhưng sở hữu tính năng mạnh mẽ, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn như Apple, Samsung.
Đây chính là chiến lược marketing nòng cốt của Xiaomi tại Việt Nam và nhiều nước châu Á để phục vụ phân khúc khách hàng tầm trung ở nhiều vùng miền, từ nông thôn tới thành thị.
Nhiều người đặt ra câu hỏi rằng: “Tại sao cùng hiệu năng sử dụng như nhau nhưng giá thành của Xiaomi lại thấp nhiều hơn như vậy?”. Lý do là bởi vì, từ trước đến này Xiaomi chỉ tập trung vào kinh doanh trực tuyến trên các sàn TMĐT.
Do đó, đã giúp hãng này giảm thiểu được phần lớn chi phí về vận hành, kho bãi và phân phối. Bên cạnh đó, Xiaomi không đặt nặng lợi nhuận vào phần cứng, hay nói rõ hơn là phần cứng giá rẻ.
Một ví dụ điển hình như: Chiếc Redmi Note 3 Pro được Xiaomi tạo nên với chất liệu vỏ kim loại, cấu hình khủng, màn hình rộng 5.5 inch, viên pin lên đến 4100mAh và được tích hợp cảm biến vân tay chỉ có giá 3.5 triệu đồng, trong khi dòng máy Samsung cùng cấu hình lại lên đến 5-6 triệu đồng.
Tất cả những yếu tố trên đã lý giải vì sao Xiaomi lại mang đến cho người dùng mức giá mềm mại đến như vậy. CEO Lei Jun của Xiaomi đã từng công bố rằng, hãng này chỉ thu về lợi nhuận 5% trên mỗi chiếc smartphone bán ra.
Với chiến lược marketing về giá bán này của Xiaomi, hãng smartphone nhanh chóng “ghi điểm” trong tâm trí khách hàng và định vị rõ nét phân khúc của mình tại thị trường Việt Nam nói riêng.
1.3 Chiến lược phân phối và điểm bán
Tại Việt Nam, kinh doanh trực tuyến được xem là kênh phân phối được Xiaomi đánh mạnh từ giai đoạn đầu cho đến nay. Xiaomi đã “bao phủ” tất cả các kênh bán hàng online như: Website, Facebook, Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok,… với hình ảnh được xây dựng bài bản, các chương trình ưu đãi hấp dẫn cùng giao diện thân thiện, bắt mắt với người dùng.
Ngoài kinh doanh trực tuyến thì Xiaomi hiện đang đẩy mạnh phủ sóng chuỗi cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Tại Việt Nam, để xây dựng nên chuỗi bán lẻ lớn mạnh, Xiaomi đã hợp tác cùng với 2 nhà phân phối lớn có kinh nghiệm lâu năm đó là Digiworld và Synnex FPT.
Đặc biệt, Xiaomi không chỉ triển khai chiến lược marketing phân phối sản phẩm qua những đơn vị trung gian mà còn xây dựng chuỗi cửa hàng bán lẻ được ủy quyền trên toàn quốc với tên gọi là Dstore – Xiaomi Store tại Việt Nam.
Theo kế hoạch phát triển trong năm, Xiaomi dự định xây dựng 1.000 cửa hàng chính hãng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được xem là một thị trường tiềm năng.
>> Xem thêm: Chiến lược phân phối là gì? Hướng dẫn xây dựng từ A-Z
1.4 Chiến lược truyền thông
Nếu như Samsung liên tục chi “mạnh tay” trong các chiến lược marketing rầm rộ thì Xiaomi hoàn toàn đối lập. Xiaomi đã khéo léo sử dụng sức mạnh trong chiến lược marketing của mình vào truyền miệng và mạng xã hội, tại Việt Nam cũng vậy.
Trước mỗi lần ra mắt sản phẩm, Xiaomi luôn truyền ra những tin đồn “có dụng ý” nhằm tạo nên các cuộc tranh luận và thu hút sự chú ý của người dùng. Cũng chính nhờ quá trình này mà cái tên Xiaomi vô hình trung để lại ấn tượng trong tâm trí người dùng một cách hoàn toàn tự nhiên, giúp cho mỗi sản phẩm sau khi ra mắt nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dùng.
Ví dụ: Trước thời điểm Redmi Note 10 5G ra mắt, Xiaomi đã từng làm “sôi sục” truyền thông không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới về một sản phẩm smartphone sở hữu mạng 5G nhưng có mức giá không tưởng chỉ 199 USD .
Vào thời điểm đó 5G là một cái tên rất mới, những ông lớn công nghệ trên toàn thế giới đang “gồng mình” chạy đua để giành thị phần. IDC đã dự đoán rằng, phải đến đến 2025 thì smartphone sở hữu 5G mới có thể hạ mức giá xuống khoảng 404 USD.
Khi đó, đúng vào thời điểm người dùng đang ngóng chờ sự xuất hiện của 5G thì thông tin mà Xiaomi rò rỉ đã khiến người dùng không thể không bị thu hút.
Từ thời điểm Xiaomi xâm nhập vào thị trường Việt Nam cho đến ngày hôm nay, người dùng hiếm khi nhìn thấy Xiaomi quảng cáo “rộn ràng” trên các nền tảng truyền thông như các đối thủ khác.
Ví dụ như Samsung, Oppo vẫn, hay chi tiền mạnh tay cho các sự kiện, tài trợ các chương trình truyền hình, chi tiền cho các Kols để review sản phẩm, xuất hiện trên các biển quảng cáo ngoài trời,…
Dù vậy tại Việt Nam, Xiaomi vẫn là cái tên “trụ vững” trong bao nhiêu năm qua và được đông đảo người dùng biết đến nhờ chiến lược marketing tối ưu của mình. Hãng điện thoại Trung Quốc vươn lên trở thành hãng smartphone đứng thứ 2 về doanh số, chỉ xếp sau Samsung theo công bố từ Canalys – Trong quý I/2022.
2. Chiến lược marketing “phủ sóng” hệ sinh thái của Xiaomi
Trong vài năm trở lại đây, Xiaomi đã chính thức “chen chân” vào cuộc đua xây dựng hệ sinh thái. Cho đến nay, hệ sinh thái của Xiaomi đã “bỏ xa” Apple một khoảng cách rất dài.
Nếu như hệ sinh thái của Apple chỉ xoay quanh các thiết bị công nghệ như điện thoại, laptop, tai nghe, đồng hồ, …. thì Xiaomi còn lấn sân sang lĩnh vực ngoài smarthome như:
- Đồ gia dụng: máy lọc nước, máy lọc không khí, robot hút bụi, máy chiếu,…
- Thiết bị y tế: Cân điện tử, nhiệt kế cảm biến hồng ngoại,..
Đây cũng chính là một nhánh rẽ trong chiến lược marketing nhằm phủ sóng một cách toàn diện nhất của Xiaomi.
Nhằm làm tăng tính đa dạng cho hệ sinh thái của mình, Xiaomi đã thiết lập nên các hãng lớn nhỏ như Yeelight, Viomi, Mijia, Huami…và triển khai phân phối tại mọi điểm bán.
Cho đến thời điểm hiện nay, nhờ vào sự lớn mạnh trong hệ sinh thái của minh, Xiaomi trong tâm trí người dùng không chỉ đơn thuần là hãng smartphone nữa mà thay vào đó là một hãng công nghệ đa ngành nghề.
Tại Việt Nam, để “phủ sóng” hệ sinh thái của mình, Xiaomi đã phân phối chính hãng cho hàng loạt các cửa hàng bán lẻ tại các tỉnh và thành phố lớn như: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa,…
Đặc biệt, những cửa hàng này trưng bày tất cả các sản phẩm công nghệ mà hãng sản xuất chữ không chỉ đơn thuần là điện thoại.
V. Tổng kết
Từ cái tên “Apple Trung Quốc” nay Xiaomi đã có được cho mình những sản phẩm có màu sắc riêng, “vươn mình” thống lĩnh ngôi vương trong lĩnh vực sản xuất smartphone. Với mỗi bước đi vững chắc thông minh, trong tương lai gần sắp tới, Xiaomi hứa hẹn sẽ trở thành một trong những thương hiệu smartphone phủ sóng top đầu tại Việt Nam và thế giới.
Có thể thấy rằng, với chiến lược marketing thông minh của Xiaomi tại Việt Nam và trên thế giới, hãng smart phone đã đạt được thành tựu đáng ngưỡng mộ sau hơn 11 năm nỗ lực phát triển.
Tác giả: Lê Thị Hoài Linh
Tin bài liên quan:
- Phân tích chiến lược Marketing đáng để học hỏi của Shopee
- Phân tích 3 chiến lược Marketing thành công của thegioididong
- Phân tích chi tiết chiến lược Marketing của Starbucks