Tổng hợp 15 ý tưởng tổ chức trò chơi team building trong nhà 

10/09/2024
7158

Sau những khoảng thời gian làm việc vất vả, căng thẳng các chủ doanh nghiệp thường sẽ tổ chức một vài buổi gắn kết cho nhân viên. Các buổi gắn kết sẽ có tổ chức những trò chơi team building trong nhà, nhằm gia tăng tinh thần đội nhóm của các thành viên trong công ty. MISA AMIS có vài gợi ý về các trò chơi để doanh nghiệp có thể tổ chức được hiệu quả nhất.

1. Trò chơi team building trong nhà là gì?

Trò chơi team building trong nhà là hoạt động diễn ra trong một không gian hẹp và trong một khoảng thời gian ngắn. Trò chơi này có thể diễn ra vào giờ giải giai lao, nhưng thường thì hoạt động này sẽ được kết hợp với các khóa đào tạo, hội thảo hoặc hội nghị, để phát triển hoàn thiện kỹ năng làm việc và nâng cao tinh thần đồng đội giữa các thành viên. Mục đích là tạo sự thư giãn và giải trí cho các thành viên tham dự.

trò chơi team building trong nhà

2. Ưu nhược điểm của tổ chức trò chơi team building trong nhà 

2.1 Ưu điểm 

Tổ chức các trò chơi đồng đội trong nhà có rất nhiều những ưu điểm sau:

  • Tiết kiệm thời gian di chuyển: Các trò chơi này tận dụng được khoảng không gian trống của văn phòng công ty, phòng họp, phòng hội thảo…rút ngắn thời gian di chuyển đến các địa điểm khác.
  • Giảm được chi phí tổ chức: Các trò chơi được tổ chức trực tiếp tại văn phòng có thể giảm chi phí đi lại, chi phí thuê hội trường, chi phí ăn ở,… Trong quá trình diễn ra hoạt động chỉ cần 1 – 2 người quản trò là đủ.
  • Chương trình không quá phức tạp, đơn giản mà vẫn vui: Những trò chơi team building tuy đơn giản, nhưng góp phần làm không khí trở nên sôi động, vui vẻ giữa các thành viên tham gia với nhau.
  • Không bị tác động ngoại cảnh: Tổ chức trong không gian có mái che, nên mọi hoạt động diễn ra không lo mưa gió. Mọi người hoàn toàn yên tâm có một chương trình được tổ chức diễn ra không bị ảnh hưởng bởi ngoại cảnh.
  • Dễ kiểm soát chương trình: Tổ chức trong nhà với không gian hạn chế, người dẫn chương trình hoặc quản trò có thể dễ dàng quan sát và kiểm soát các hoạt động đang diễn ra, đồng thời có thể nhanh chóng giải quyết những rắc rối không đáng có trong lúc diễn ra trò chơi.

2.2 Nhược điểm 

Bên cạnh đó, những trò chơi này cũng có một vài những nhược điểm như:

  • Bị giới hạn về không gian: Được tổ chức trong một không gian hạn chế, ít người tham gia. Nên có thể gây ra sự nhàm chán, ngột ngạt hơn so với các hoạt động diễn ra ngoài trời.
  • Có thể giảm bớt hứng thú của người tham gia: Vì văn phòng vốn đã quen thuộc với nhân viên rồi, nên địa điểm này kém mới lạ.
  • Kịch bản không phù hợp: Những trò chơi đưa vào chương trình không phù hợp sẽ gây ra nhàm chán cho người chơi.

3. 15 ý tưởng tổ chức trò chơi team building trong nhà 

Một vài trò chơi team building trong nhà đơn giản được thích hợp để tổ chức trong nhà được giới thiệu cho các doanh nghiệp như:

3.1 Trò chơi đoán tên món ăn 

Trò chơi đoán tên món ăn này là trò chơi về thử tài trí nhớ vị giác của các nhân viên. Ưu điểm lớn nhất của trò chơi là thể hiện sự ăn ý, hiểu nhau giữa các nhân viên trong cùng đội nhóm. Chi phí tổ chức trò chơi thì khá là thấp, thường là không cần bỏ ra, chủ yếu là sử dụng những đồ ăn có sẵn trong công ty mà mọi người có.

Nhưng trò chơi này không có sự tham gia số đông được, nếu tổ chức toàn công ty lớn. Trò chơi này chỉ có thể tham gia được với đội nhóm từ 5 – 10 người. Một vấn đề nữa khá hạn chế của trò chơi là chỉ phù hợp với nhân viên trẻ, đối với những nhân viên có tuổi sẽ thấy nhàm chán và không muốn tham gia.

  • Đạo cụ: những món ăn, trái cây, bánh ngọt,…
  • Số lượng thành viên: 5 – 10 ngươi/đội.
  • Nhiệm vụ: Tất cả các thành viên chia ra thành từ 2 đội trở lên, mỗi đội sẽ cử một thành viên lên nếm thử qua tất cả các món ăn đã chuẩn bị trên bàn. Sau đó, người chơi sẽ dùng những từ chỉ vị giác để miêu tả các món ăn đã nếm qua. 

Các thành viên còn lại không được nếm thử các món ăn, phải dựa vào gợi ý của đồng đội, để đoán tên món ăn đó. Lần lượt như thế, đội nào đoán được tên các món ăn nhanh nhất là đội giành chiến thắng.

Nếu bạn đang tìm kiếm phần mềm quản lý nhân sự, bạn vui lòng để lại thông tin dưới đây, đội ngũ nhân viên MISA sẽ hỗ trợ và tư vấn cho bạn:


3.2 Trò chơi họa sĩ tài ba 

Đây cũng là một trò chơi có thể tổ chức trong nhà cho các đội nhóm. Trò chơi này mang tính giải trí tốt vì nó thể hiện được sự sáng tạo của đội chơi, thông qua hình vẽ đội chơi phác họa. Trò chơi hết sức đơn giản, dễ tổ chức, dễ chơi và không tốn bất kỳ chi phí nào do tận dụng giấy bút trong công ty.

Tuy nhiên, trò chơi này không hề phù hợp với công ty lớn, đông nhân viên, nếu có thể thì sẽ chỉ tổ chức trong một bộ phận nhỏ. Bởi lẽ, trò chơi này chỉ cần có sự tham gia của 5 – 7 người, nếu đông quá những người chơi khác không thể cùng tham gia. Một điều khó khăn nữa là nó cũng không thích hợp với công ty có nhiều nhân viên nhiều tuổi.

  • Dụng cụ: Khung ảnh (nếu có), giấy trắng, bút lông,..
  • Số lượng người chơi: Khoảng từ 5-7 người/đội.
  • Thể lệ trò chơi: Ban tổ chức đưa ra chủ đề, các thành viên trong đội suy nghĩ và thực hiện các bức ảnh theo các tiêu chí: đúng đề, sáng tạo, thẩm mỹ và đúng giờ.

3.3 Trò chơi nối chữ 

Trò chơi nối chữ là trò chơi phổ biến nhất dùng để chơi trong nhà, những không gian hẹp. Một điều đặc biệt của trò chơi thể hiện sự nhanh nhạy của người chơi, giúp giải trí, thư giãn đầu óc khá hiệu quả. Trò chơi có ưu điểm là không cần có hoạt động vận động nào, nên không cần có không gian lớn. Người quản trò cũng dễ tổ chức, hầu hết những thành viên trong công ty đều có thể tham gia dù nhiều tuổi hay ít tuổi.

Trò chơi teambuilding trong nhà - Trò chơi nối chữ
Trò chơi teambuilding trong nhà – Trò chơi nối chữ

Trò chơi nối chữ cũng có một đặc điểm yếu điểm là không thể tổ chức lâu dài được. Thời gian càng lâu, trò chơi càng loãng. Người quản trò không thể giữ được bầu không khí sôi nổi ban đầu, trò chơi sẽ chán dần.

  • Số lượng: Từ 4 người trở lên.
  • Cách chơi: Người chơi đầu tiên sẽ nói một từ có hai tiếng, người thứ hai phải nói được một từ bắt đầu bằng từ kết thúc của người đầu tiên. Tiếp tục nói theo vòng tròn, ai không nói được hoặc nói từ không có nghĩa sẽ bị loại.

3.4 Trò chơi hòa nhập – hòa tan

Trò chơi hòa nhập – hòa tan là trò chơi mang tính tập thể cao, giúp tất cả các thành viên trong công ty có được những phút giây thư giãn. Trò chơi mang lại cho tập thể là gắn kết mọi người với nhau, xóa tan khoảng cách, tạo nên một môi trường hòa đồng. Trò chơi này có thể tổ chức số lượng đông toàn thể nhân viên trong công ty không phân biệt ai.

Trò chơi này cũng có một nhược điểm nhỏ là về không gian trò chơi. Trò chơi cần không gian, hội trường lớn không vướng bàn ghế.

  • Số lượng người chơi: Khoảng 20 người trở lên. 
  • Dụng cụ: loa.
  • Luật chơi: Các thành viên nắm tay nhau thành vòng tròn, khi có lệnh của quản trò các thành viên sẽ di chuyển theo vòng tròn. Sau đó, quản trò sẽ đọc bất kỳ một số từ 1 đến 8, các thành viên sẽ xếp thành vòng tròn, theo số lượng vừa đọc. Ai không tạo thành nhóm sẽ bị loại, tiếp tục cho đến khi hết thành viên và tìm được người chiến thắng.

3.5 Trò chơi bịt mắt ăn sữa chua 

Đây là một trong những trò chơi mang tính giải trí cao, thường được lựa chọn để giải tỏa căng thẳng. Vì khi chơi, người chơi sẽ có những khuôn mặt buồn cười sau khi chơi xong. Trò chơi này rất dễ để chơi và tổ chức trong công ty. Dụng cụ cũng rất dễ mua và các thành viên trong công ty đều cùng nhau tham gia.

Mặc dù, trò chơi có ưu điểm về giải trí cao nhưng khá hạn chế về không gian tổ chức. Vì trò chơi đông thành viên tham gia nên cần một không gian không vướng đồ đạc như bàn, ghế, tủ,…

  • Số lượng: Nhiều nhóm, mỗi nhóm 5 – 7 người.
  • Đạo cụ: Sữa chua hộp.
  • Cách chơi: Người dẫn dắt sẽ chia đội chơi với số lượng thành viên phù hợp. Người bị bón sẽ bị bịt mắt và đứng phía sau đồng đội. Khi nghe thấy khẩu lệnh “bắt đầu”, các thành viên sẽ bón sữa chua lần lượt cho các thành viên đội của mình. Đội nào bón cho các thành viên càng nhanh thì càng tốt, nếu bón hết hộp báo quản trò thành công.

3.6 Trò chơi lắng nghe đồng đội 

Trò chơi này là một trong những trò chơi tập thể phổ biến nhất hay được lựa chọn. Trò chơi giúp những thành viên trong công ty hiểu ý nhau hơn, tạo nên không khí vui tươi, đoàn kết tốt. 

Tuy nhiên, trò chơi này còn khá nhiều hạn chế như đạo cụ chơi không nhiều. Vì đạo cụ chơi trò này khá tốn kém, nếu tận dụng đồ người chơi thì không đủ. Hơn nữa, tổ chức nhiều thành viên chơi thì sẽ gây loãng, mất không khí sôi động.

  • Đạo cụ: Tai nghe và máy phát nhạc
  • Số lượng thành viên: 2 – 3 đội. Mỗi đội 5 – 7 người chơi.
  • Cách chơi: Người dẫn dắt chia đội sao cho hợp lý, đảm bảo có trên 5 thành viên/đội. Cách thành viên đứng xếp hàng tạo thành một hàng dọc và ngược lưng nhau. Mỗi người đeo tai nghe và bật nhạc với mức to nhất. Người đứng đầu hàng sẽ nghe một câu nói từ trọng tài, rồi có 10 giây để truyền câu nói đó cho người phía sau. Người cuối là người đưa ra đáp án, nếu trùng khớp với câu nói của quản trò, đội đó sẽ giành chiến thắng.

3.7 Trò chơi kẹp bóng 

Trò chơi kẹp bóng là trò chơi mang tính đồng đội khá tốt. Đây là trò chơi giúp các thành viên nâng cao khả năng khéo léo, làm việc nhóm tốt hơn. Trò chơi này rất dễ chơi và mang lại hiệu ứng giải trí cao, bất kỳ thành viên nào cũng có thể tham gia.

Một điều lưu ý khi tổ chức trò chơi người quản trò cần một không gian rộng, để vừa tránh bị thương các thành viên, vừa để trò chơi diễn ra thoải mái, sôi động.

  • Đạo cụ: Bong bóng
  • Cách chơi: Các đội xếp thành một hàng dài, khi có hiệu lệnh, các thành viên sẽ di chuyển từ vạch xuất phát và kẹp quả bóng bay giữa hai chân, tiếp tục đưa bóng về đích. Khi hết thời gian đội nào có nhiều bóng hơn đội đó là đội chiến thắng.

3.8 Trò chơi vẽ tiếp sức 

Trò chơi vẽ tiếp sức là trò chơi luôn được sử dụng để giúp làm tăng khả năng đoàn kết, hiểu ý nhau trong đội nhóm. Trò chơi này luôn được các thành viên trong công ty hưởng ứng tham gia. Vì trò chơi không đòi hỏi nhiều hoạt động, hay phân loại người chơi. Tính giải trí trò chơi nằm ở trí tưởng tượng phong phú và tài năng hội họa tiềm tàng của người chơi. Trò chơi sẽ có rất nhiều bức tranh hài hước, những câu trả lời lệch từ khóa từ người chơi tạo lên tiếng cười.

Đây là trò chơi có tính khả thi cao nhưng nhược điểm cũng có, nhược điểm của nó phải kể đến không gian chơi. Nếu số lượng người tham gia chơi đông cần không gian lớn như phòng hội nghị chứ không thể chơi tại văn phòng được.

  • Đạo cụ: Các thành viên trong một đội sẽ nhận được cây bút và một bảng trắng.
  • Cách chơi: Các thành viên cùng đội sẽ xếp thành hàng và quay lại cùng một hướng. Người đầu tiên của hàng sẽ nhận từ khóa gợi ý, sau đó vẽ gợi ý cho các thành viên tiếp theo, lần lượt như thế đến người cuối cùng sẽ nói lên thông điệp mà người đầu tiên truyền tải đến, theo từ khóa đáp án của chương trình. Trong thời gian quy định, đội nào đưa ra nhiều đáp án chính xác nhất đội đó là đội giành chiến thắng.

3.9 Trò chơi thần giao cách cảm

Một trong những trò chơi đơn giản được tổ chức chơi trong nhà phải kể đến trò chơi thần giao cách cảm. Một trò chơi giúp người tham gia có trí tưởng tượng phong phú kích thích hoạt động EQ của não bộ. Trò chơi này có thể được tổ chức đơn giản, dễ tham gia với toàn bộ thành viên trong công ty.

Nhưng trò chơi này có một giới hạn nhỏ về giới hạn người chơi, tuy có thể lập nhiều đội nhưng tối đa nên chỉ có thể 5 đội, mỗi đội 5 – 8 người, như thế lại cần môi trường không gian rộng lớn.

  • Số lượng: Từ 4 đến 8 người mỗi đội. 
  • Đạo cụ: Hình ảnh. 
  • Cách chơi: Chia thành các đội, mỗi đội 4 – 8 người. Mỗi đội chọn một cặp để lần lượt chơi. Một người sẽ mô tả bức tranh nhìn thấy cho người khác thông qua hành động. Người kia sẽ đoán nội dung bức tranh. Đặc biệt người diễn tả không được nói. Đội nào đoán đúng được nhiều nhất là đội chiến thắng.

3.10 Trò chơi truy tìm kho báu 

Trò chơi truy tìm kho báu là một trò chơi mới lạ. Đây là một trong những trò chơi đội nhóm hấp dẫn nhất. Nó gợi cho người chơi sự tò mò, thúc đẩy hoạt động não bộ, nâng cao tinh thần đồng đội. Những thành viên tham gia rất hứng thú khi được giải đố và cảm thấy tự hào khi thu được chiến lợi phẩm bằng công sức đã bỏ ra.

Tuy nhiên, trò chơi này đòi hỏi người quản trò có kịch bản trò chơi rõ ràng. Những từ khóa cần được giải đố không được quá khó, hay quá dễ để phù hợp với đông người chơi. Trò chơi cũng cần liên kết với các phòng ban khác nhau, tránh việc một phòng ban chơi, nhưng ảnh hưởng hoạt động công việc phòng ban khác.

  • Số lượng người chơi: 8 người trở lên.
  • Công cụ: Các đồ vật liên quan đến từ khóa.
  • Luật chơi: Các đồ vật sẽ được đặt ngẫu nhiên trong các phòng. Các thành viên có nhiệm vụ tìm kiếm đồ vật và giải mã từ khóa. Ai giải được nhiều từ khóa, sẽ có dự đoán đi vào kho báu. Ai tìm được kho báu sẽ nhận được phần thưởng.

3.11 Trò chơi nhanh tay nhanh mắt 

Trò chơi nhanh tay, nhanh mắt cũng là một gợi ý không tồi cho việc tổ chức team building trong nhà. Trò chơi đòi hỏi sự nhạy bén từ những người tham gia, nó xây dựng được tính cạnh tranh giữa những người chơi. Để tổ chức được trò chơi cũng khá đơn giản. 

Mặc dù vậy nhưng trò chơi này khá nhàm chán đối với những nhân viên có tuổi, hoặc hướng nội. Nó không tạo được sự hứng thú nhiều, do đó thời gian tổ chức trò chơi khá ngăn. Ngoài ra, nó cũng cần một không gian đủ rộng lớn để tổ chức.

  • Số lượng: 6 người trở lên. 
  • Trang bị: Một vài đồ vật nhỏ như giày, chai nước… 
  • Cách chơi: Chia làm hai đội, mỗi đội từ 6 đến 10 người. Các thành viên của hai đội đối mặt với nhau. Giữa các cặp đối lập là chai nước hoặc giày. Quản trò sẽ hô tên các bộ phận trên cơ thể như “mắt”, “tai” hoặc “cổ”. Khi nghe lệnh, người chơi sẽ đặt tay vào bộ phận đó. Hiệu lệnh cuối cùng sẽ là đồ vật ở chính giữa. Ai nhanh chóng lấy được đồ sẽ là người chiến thắng và người thua sẽ nhận hình phạt.

3.12 Trò chơi đuổi hình bắt chữ

Trò chơi này cũng giống như trò chơi thần giao cách cảm, nó cũng được sử dụng chơi khá nhiều. Ngoài những ưu điểm như trò chơi thần giao cách cản nó còn có thêm ưu điểm về sự đa dạng trong hình thức chơi. Nó không chỉ giới hạn từ khóa ở hình ảnh mà còn có thể rộng hơn như: ca dao, tục ngữ,…

trò chơi đuổi hình bắt chữ
Trò chơi đuổi hình bắt chữ

Trò chơi này có một hạn chế nhỏ là cần có sự đổi mới trong cách chơi, vì nó được sử dụng nhiều tại mỗi dịp nên nhiều khi người chơi nhiều sẽ chán.

  • Số người chơi: Không giới hạn 
  • Công cụ: Hình ảnh, từ khóa, câu đố, ca dao, tục ngữ … 
  • Luật chơi: Chia người tham gia chơi thành nhiều đội. Một thành viên trong nhóm sẽ có nhiệm vụ gợi ý bằng cử chỉ, hành động cho các thành viên trong nhóm hiểu và đọc các từ khóa một cách chính xác. Đội nào đoán được nhiều câu trả lời nhất và tôn trọng luật chơi sẽ giành chiến thắng.

>>> Xem thêm: Top 30 trò chơi teambuilding ngoài trời thú vị, đơn giản và độc lạ nhất

3.13 Trò chơi đố vui có thưởng

Một trong những trò chơi được các nhân viên trong công ty hưởng ứng chơi nhất là đố vui có thưởng. Bởi, trò chơi có thể kích thích được người chơi cùng nhau so tài, cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau phấn đấu vì một mục đích cụ thể. Trò chơi không những vui mà còn có thể dễ dàng tổ chức không kể là không gian gì, người chơi là ai.

Hạn chế lớn nhất của trò chơi là nằm ở người quản trò. Người quản trò cần có những câu hỏi gây hứng thú trả lời, nhưng không được quá khó. Nếu câu hỏi quá khó các đội mất nhiều thời gian suy nghĩ, sẽ rất dễ làm trùng xuống bầu không khí. Hơn hết, trò chơi này cần bỏ ra một khoản chi phí nhất định làm giải thưởng mới kích thích người tham gia chơi hăng hái.

  • Số lượng người chơi: Không hạn chế số người chơi, đủ để chia ít nhất thành 2 đội. 
  • Dụng cụ: Không cần chuẩn bị. Phần thưởng.
  • Luật chơi: Các đội lần lượt đưa ra các câu đố vui, các đội tham gia phải trả lời. Đội nào trả lời được nhiều câu hỏi nhất sẽ là đội thắng cuộc.

3.14 Trò chơi bịt mắt đoán tên đồ vật

Trò chơi này khá giống với trò chơi đoán tên món ăn, nhưng đồ cần đoán là đồ vật, trong đó cũng có thể là món ăn. Những người tham gia chơi trò này sẽ thích thú hơn, vì họ không biết đồ mình cần đón là gì, kích thích sự tò mò, trí tưởng tượng rất nhiều.

trò chơi bịt mắt đoán đồ vật
Trò chơi bịt mắt đoán tên đồ vật

Trò chơi bịt mắt đoán tên đồ vật có hạn chế về người chơi. Số người chơi tham gia không thể nhiều quá 10 người, nó sẽ khiến các người chơi đợi lâu, hoặc hết đồ, không đủ đồ cho người chơi đoán.

  • Số lượng: Từ 4- 8 người/đội.
  • Đạo cụ: Đồ bịt mắt, một hộp xốp, những đồ vật đặt trong thùng,…
  • Cách chơi: Hai đội xếp thành hai hàng và lần lượt dùng tay sờ vào các đồ vật có ở trong thừng, nếu đội nào đoán đúng tên nhiều vật trong thời gian ngắn. Đội đó giành chiến thắng.

TẢI MIỄN PHÍ DASBOARD NHÂN SỰ – ĐIỀN SỐ TỰ ĐỘNG NHẢY

3.15 Trò chơi nhảy bao bố

Trò chơi nhảy bao bố là một trong những trò chơi có thể tổ chức ngoài trời và trong nhà. Trò chơi này rất sôi động, nó vừa tạo được không khí vui tươi, vừa có tính cạnh tranh, lại vừa thể hiện được tinh thần hiểu ý đồng đội. Tổ chức trò chơi này cũng không tốn chi phí gì cả nên rất tiện lợi.

trò chơi nhảy bao bố

Nhưng trò chơi này tổ chức trong không gian trong nhà sẽ bị hạn chế nhiều về số lượng người chơi, cũng như không gian. Không khí chơi trò chơi cũng không sôi động bằng nếu được tổ chức ngoài trời.

  • Số lượng: 4-8 người/đội
  • Đạo cụ: Bao bố
  • Cách chơi: Người chơi được chia thành hai hoặc nhiều đội. Sau khi nghe hiệu lệnh xuất phát, người đầu tiên của đội của mỗi đội nhảy về đích sau đó trở lại mức xuất phát để trao túi cho người thứ hai. Khi người đầu tiên nhảy về đích thì người thứ 2 tiếp theo bắt đầu nhảy. Và cứ thế cho đến lượt người cuối cùng. Đội nào đến trước sẽ thắng.   

4. Kết luận

Với mục đích khuấy động không khí, các trò chơi team building trong nhà đã không còn đơn điệu nữa mà ngày càng được sáng tạo với nhiều hình thức và luật chơi khác nhau nhằm tạo ra sự đa dạng và gây hứng thú cho người tham gia. Nếu bạn đang tìm các trò chơi team building trong nhà đơn giản thì hãy tham khảo các trò chơi bên trên, chắc chắn không khí công ty sẽ trở nên rộn ràng, vui tươi, mang lại nhiều năng lượng cho nhân viên.\

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả