Nợ dài hạn là gì? Các chỉ tiêu nợ dài hạn cần nắm rõ hiện nay

18/05/2023
6248

Nợ dài hạn là gì? Nợ dài hạn đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích cấu trúc nợ và áp dụng các tỷ lệ nợ. Việc nắm rõ các khoản nợ dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt khả năng thanh toán các khoản vay. Hãy cùng MISA AMIS tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về nội dung kể trên.

1. Nợ dài hạn là gì ?

Căn cứ điểm g, mục 1.4 khoản 1, điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

Nợ dài hạn là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp, bao gồm những khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ thuê tài chính dài hạn… tại thời điểm báo cáo.

Nợ dài hạn trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Long term Liabilities hoặc Long term Debt.

>> Đọc thêm: Công nợ là gì? Cách theo dõi và quản lý công nợ hiệu quả

2. Nợ dài hạn gồm những gì?

Căn cứ điểm g, mục 1.4 khoản 1, điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nợ dài hạn bao gồm các chỉ tiêu dưới đây:

  • Phải trả người bán dài hạn (Mã số 331)

Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán có thời hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 331 – Phải trả cho người bán, mở cho từng người bán.

  • Người mua trả tiền trước dài hạn (Mã số 332)

Chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước dài hạn” phản ánh:

+ Số tiền người mua ứng trước để mua sản phầm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư 

+ Đồng thời, doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (không bao gồm các khoản doanh thu nhận trước). 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số phát sinh Có chi tiết của tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” mở chi tiết cho từng khách hàng.

  • Chi phí phải trả dài hạn (Mã số 333)

Chỉ tiêu chi phí phải trả dài hạn này phản ánh:

+ Giá trị các khoản nợ còn phải trả do đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ hồ sơ, tài liệu nhưng chắc chắn sẽ phát sinh cần phải được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh. 

+ Doanh nghiệp chỉ phải thanh toán sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như lãi vay phải trả của kỳ báo cáo nhưng chi phải thanh toán khi hợp đồng vay dài hạn đáo hạn. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 335 – Chi phí phải trả

  • Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh (Mã số 334)

Dựa vào đặc điểm hoạt động và mô hình quản lý của từng doanh nghiệp thực hiện phân cấp và quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn do doanh nghiệp cấp vào chỉ tiêu này hoặc chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu” – Mã số 411.

Chỉ tiêu chỉ ghi ở Bảng cân đối kế toán đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, phản ánh các khoản đơn vị cấp dưới phải trả cho đơn vị cấp trên về vốn kinh doanh.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào chi tiết số dư Có Tài khoản 3361 “Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh”. Khi đơn vị cấp trên lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp toàn doanh nghiệp, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc” trên Bảng cân đối kế toán của đơn vị cấp trên.

>> Đọc thêm: Nợ phải trả là gì? Phân loại các khoản nợ phải trả trong doanh nghiệp

  • Phải trả nội bộ dài hạn (Mã số 335)

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh) giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản 3362, 3363, 3368. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải thu nội bộ dài hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.

  • Doanh thu chưa thực hiện dài hạn (Mã số 336)

Chỉ tiêu “Doanh thu chưa thực hiện dài hạn” phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trong sau 12 tháng hoặc sau một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện

  • Phải trả dài hạn khác (Mã số 337)

Chỉ tiêu “Phải trả dài hạn khác” phản ánh các khoản phải trả khác có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, như: 

+ Các khoản nhận ký cược

+ Ký quỹ dài hạn

+ Cho mượn dài hạn

+ Khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm

+ Trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay dài hạn… 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản: TK 338, 344.

  • Vay và nợ thuê tài chính dài hạn (Mã số 338)

Chỉ tiêu vay và nợ thuê tài chính dài hạn phản ánh các khoản doanh nghiệp vay, nợ của các ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác, có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tại thời điểm báo cáo, như:

+ Số tiền vay ngân hàng

+ Khoản phải trả về tài sản cố định thuê tài chính

+ Tiền thu phát hành trái phiếu thường

+ …

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết các tài khoản: TK 341 và kết quả tìm được của số dư Có TK 34311 trừ (-) dư Nợ TK 34312 cộng (+) dư Có TK 34313.

  • Trái phiếu chuyển đổi (Mã số 339)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp phát hành tại thời điểm báo cáo. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 3432 – “Trái phiếu chuyển đổi”.

  • Cổ phiếu ưu đãi (Mã số 340)

Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cổ phiếu ưu đãi theo mệnh giá mà bắt buộc người phát hành phải mua lại tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 41112 – Cổ phiếu ưu đãi (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả).

  • Thuế thu nhập hoãn lại phải trả (Mã số 341)

Chỉ tiêu này phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có Tài khoản 347 “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”.

Nếu các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến cùng một đối tượng nộp thuế và được quyết toán với cùng một cơ quan thuế => Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được bù trừ với tài sản thuế hoãn lại. 

Trường hợp này chỉ tiêu “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả” phản ánh số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả lớn hơn tài sản thuế hoãn lại.

  • Dự phòng phải trả dài hạn (Mã số 342)

Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như:

+ Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng

+ Dự phòng tái cơ cấu

+ Các khoản chi phí trích trước để sửa chữa TSCĐ định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước… 

Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính, chưa chắc chắn về thời gian phải trả, giá trị phải trả và doanh nghiệp chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp.

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”.

  • Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Mã số 343)

Chỉ tiêu này phản ánh số Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. 

Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 356 “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.

>> Tải ngay: Mẫu sổ chi tiết công nợ bằng Excel mới nhất

3. So sánh nợ ngắn hạn và nợ dài hạn

Căn cứ theo điểm e mục 1.4, khoản 1 điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nợ ngắn hạn như sau:

Nợ ngắn hạn là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.

Căn cứ theo điểm g mục 1.4, khoản 1 điều 112 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về nợ dài hạn như sau:

Nợ dài hạn là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ dài hạn gồm các khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên 1 chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo.

Để so sánh nợ ngắn hạn và nợ dài hạn, có thể tham khảo bảng dưới đây:

Nội dung so sánh Nợ ngắn hạn Nợ dài hạn
Thời gian thanh toán Thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường Thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên 1 chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo
Mối quan hệ với tài sản Tài sản hiện tại phải đủ để bù đắp các khoản nợ hiện tại. Tài sản dài hạn phải đủ để bù đắp các khoản nợ dài hạn.
Các chỉ tiêu phản ánh
  • Phải trả người bán ngắn hạn
  • Người mua trả tiền trước ngắn hạn
  • Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
  • Phải trả người lao động
  • Chi phí phải trả ngắn hạn
  • Phải trả nội bộ ngắn hạn
  • Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
  • Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn
  • Phải trả ngắn hạn khác
  • Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn
  • Dự phòng phải trả ngắn hạn
  • Quỹ khen thưởng, phúc lợi
  • Quỹ bình ổn giá
  • Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
  • Phải trả người bán dài hạn 
  • Người mua trả tiền trước dài hạn 
  • Chi phí phải trả dài hạn 
  • Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh 
  • Phải trả nội bộ dài hạn 
  • Doanh thu chưa thực hiện dài hạn 
  • Phải trả dài hạn khác 
  • Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 
  • Trái phiếu chuyển đổi
  • Cổ phiếu ưu đãi
  • Thuế thu nhập hoãn lại phải trả 
  • Dự phòng phải trả dài hạn 
  • Quỹ phát triển khoa học và công nghệ 

Hiện nay, để quản lý công nợ hiệu quả hơn các doanh nghiệp đã dần chuyển sang sử dụng các công cụ quản lý tự động. Các phần mềm kế toán thế hệ mới như phần mềm kế toán online MISA AMIS hỗ trợ doanh nghiệp có thể quản lý các khoản nợ một cách chặt chẽ, tự động:

  • Quản lý công nợ phải trả theo từng hóa đơn, nhà cung cấp, nhóm nhà cung cấp, từng nhân viên mua hàng, theo từng công trình, theo hợp đồng
  • Quản lý tập trung các hợp đồng tín dụng, khế ước vay theo từng đối tượng vay: Số tiền vay, thời hạn vay, lãi suất, kỳ hạn thanh toán, thời gian đáo hạn, số dư nợ gốc còn phải trả…
  • Lập kế hoạch trả nợ và tự động tính tiền lãi, nợ gốc cần thanh toán mỗi kỳ của từng khoản vay
  • Tự động nhắc lịch trả nợ trước hạn thanh toán, quản lý tuổi nợ và hạn nợ.

Tham khảo ngay phần mềm kế toán MISA AMIS để quản lý công tác tài chính – kế toán hiệu quả hơn.CTA nhận tư vấn

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Nguyễn Phương Thanh
Tác giả
Chuyên gia Tài chính - Kế Toán
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả