Công việc viết lách thường được gắn liền với danh từ “sự sáng tạo”. Thế nhưng sự sáng tạo lại luôn bắt nguồn từ những công thức viết content định sẵn trong thế giới content marketing hay copywriter. Đó là chiếc xương sống của tác phẩm, giúp cho chúng đi đúng hướng và hoàn thành đúng mục tiêu mà người viết đề ra.
Thay vì phải trầy trật để viết, 6 công thức viết content mà MISA giới thiệu sẽ giúp việc sáng tạo nội dung trở nên dễ dàng hơn.
Công thức viết content AIDA
Công thức viết content đầu tiên là công thức áp dụng theo công thức viết content AIDA. AIDA được viết tắt bởi 4 từ tiếng Anh là Attention, Interest, Desire và Action. Bốn thuật ngữ này tương ứng với bốn giai đoạn mà người tiêu dùng trải qua để đưa ra quyết định mua hàng.
Công thức viết content này được hình thành dựa vào 3 nguyên tắc của nhà quảng cáo nổi tiếng – Elias St. Elmo Lewis trong thế kỷ 19. Theo đó, một quảng cáo tốt là khi mà nó thu hút được người đọc, khiến họ quan tâm và bị thuyết phục.
Bằng cách sáng tạo nội dung dựa trên công thức viết content AIDA, bạn có thể tác động nhiều hơn tới tâm lý và hành vi của khách hàng mục tiêu trong quá trình mua hàng; qua đó kích thích sự tò mò, thúc đẩy ham muốn sở hữu đối với sản phẩm hoặc dịch vụ.
Theo đó, công thức viết content AIDA được triển khai trên 4 yếu tố cụ thể như sau:
Thu hút sự chú ý (Attention)
Trong thời đại số, một bài viết chỉ có 1 tới 3 giây để gây ấn tượng với người đọc. Chính vì vậy, mục tiêu đầu tiên của một bài quảng cáo là thu hút sự chú ý một cách sâu sắc từ người đọc.
Khách hàng bị thu hút vào quảng cáo sẽ khiến họ phải dừng lại theo dõi, tò mò về thương hiệu và sẵn sàng đọc tiếp những gì copywriter muốn truyền tải. Nhiệm vụ này thường được gói ghém trong câu tiêu đề/headline của một bài viết.
Tạo ra sự quan tâm (Interest)
Sau khi đã thu hút được độc giả, bài viết cần khuyến khích họ quan tâm tới thương hiệu và sản phẩm. Ở phần này những luận điểm hay về lợi ích, một tính năng độc đáo của sản phẩm hay một câu chuyện hấp dẫn về thương hiệu sẽ khơi gợi được hứng thú của khách hàng.
Kích thích ham muốn (Desire)
Không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm tới khách hàng hay khiến họ quan tâm tới thương hiệu; nhiệm vụ của người viết còn là giúp người đọc nhận ra lý do vì sao họ thực sự cần mua sản phẩm/dịch vụ.
Để khách hàng chuyển đổi từ yêu thích sang muốn sử dụng sản phẩm/dịch vụ, trước hết chúng ta có thể nêu bật những lợi ích nổi trội của sản phẩm; nếu mua sản phẩm này những vấn đề gì của họ sẽ được giải quyết.
Tiếp theo đó, những minh chứng thực tế về chất lượng như review trải nghiệm thực tế của khách hàng đã sử dụng, đánh giá từ chuyên gia trong ngành, giấy chứng nhận,… cần được người viết cung cấp đầy đủ. Những dẫn chứng kể trên không chỉ củng cố niềm tin vào lợi ích của sản phẩm; mà còn giúp loại bỏ những cản trở tâm lý khi đưa ra quyết định mua hàng.
Kêu gọi hành động (Action)
Khi đã có đủ mong muốn với sản phẩm hoặc dịch vụ của nhãn hàng, thì nhiệm vụ cuối cùng của bài viết là thúc đẩy để khách hàng tiềm năng hành động ngay lập tức. Đó có thể là liên hệ với hotline để được tư vấn, click vào landing page để đăng ký trải nghiệm dịch vụ, đăng ký email hay mua sản phẩm.
Xem thêm: Mô hình AIDA là gì & 4 bước áp dụng mô hình AIDA trong Marketing
Lưu ý:
Bởi tính kinh điển của mình mà công thức viết content AIDA được nhiều nhà sáng tạo nội dung áp dụng trong hầu hết mọi hình thức quảng cáo, cho dù là online hay offline. Tuy nhiên hạn chế của công thức AIDA nằm ở chỗ chỉ khai thác tâm lý mua hàng ở mức độ đơn giản.
Bởi vậy, những bài quảng cáo dựa trên công thức này sẽ có hiệu quả nhất với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Còn với những sản phẩm có giá trị cao, khách hàng cần nhiều thời gian để cân nhắc, nghiên cứu, so sánh trước khi ra quyết định, thì một vài bài quảng cáo không thôi là chưa đủ.
Hiểu rõ và áp dụng nhuần nhuyễn bốn giai đoạn theo công thức viết content AIDA trong chiến lược Content Marketing là một trong những phương pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp có thể thu hút, thuyết phục và thúc đẩy hành động tích cực từ đối tượng khách hàng mục tiêu.
Công thức viết content FAB
Công thức viết content FAB sẽ là công thức lý tưởng nếu bạn đang cần viết những nội dung quảng cáo ngắn gọn nhằm khai thác tính năng, ưu điểm, lợi ích của một sản phẩm để thuyết phục người đọc mua nó.
Cấu trúc sáng tạo theo công thức viết content này gồm có 3 phần:
Tính năng (Features)
Ở phần này, các tính năng hoặc những gì sản phẩm hoặc dịch vụ có thể đem lại cho khách hàng cần được miêu tả thật chi tiết. Tốt nhất là gắn những tính năng đó với các thông số kỹ thuật mà nhà sản xuất đã công bố.
Ưu điểm (Advantages)
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, rất hiếm ngành hàng nào lại không có đối thủ cạnh tranh. Nhằm tạo tiền đề giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng, người viết cần nhấn mạnh những ưu điểm vượt trội của sản phẩm/dịch vụ cần quảng cáo so với các nhãn hàng đối thủ.
Ví dụ: Một tính năng nổi bật của chiếc Macbook Air M2 2022 là chứa con chip mới nhất do Apple sản xuất – Chip M2. Ưu điểm của con chip này là giúp máy tính xử lý dữ liệu nhanh hơn con chip tiền nhiệm M1 18%, và mạnh hơn con chip Intel Core i7 được sử dụng bởi các đối thủ cạnh tranh.
Những dẫn chứng với số liệu cụ thể này sẽ giúp người đọc dễ dàng nhận viết ưu điểm của sản phẩm dịch vụ, đồng thời là tiền đề để khẳng định lợi ích sản phẩm mang lại cho họ ở phần thứ 3.
Lợi ích (Benefits)
Nếu như 2 phần nội dung tính năng và ưu điểm được dùng để nhấn mạnh sản phẩm và thường mang lý tính; thì lợi ích thường mang tính chủ quan và được xác định dựa trên cảm xúc của khách hàng tiềm năng.
Để giải thích được chính xác lợi ích mà sản phẩm mang lại, người viết cần phải hiểu rõ mong muốn và vấn đề mà người đọc đang gặp phải. Chính vì vậy, đây là phần trọng tâm mà người viết cần khai thác kỹ để thành công thuyết phục khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ.
Về góc độ tâm lý, khi bức tranh lợi ích của sản phẩm được vẽ nên càng phù hợp với mong đợi của người tiêu dùng bao nhiêu thì nội dung quảng cáo đó càng thuyết phục bấy nhiêu. Tiếp nối ví dụ ở trên: Những ưu điểm vượt trội của con chip M2 khiến dòng Macbook Air M2 2022 đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng dù là khó tính nhất từ giải trí tới công việc.
Có thể thấy công thức FAB gắn liền với sản phẩm. Để thành công với công thức viết content này, hãy đảm bảo chắc chắn bạn nắm rõ sản phẩm/dịch vụ mà mình viết; đồng thời hiểu rõ những nhu cầu mong đợi từ khách hàng để tìm ra lợi ích khiến họ thực sự bị thuyết phục.
Công thức viết content PAS
Một trong những phương pháp sáng tạo content đơn giản và nhanh gọn khác phải kể tới là công thức viết content giải quyết vấn đề hay còn được biết tới với cái tên PAS. Công thức viết bài này được nhiều copywriter ưu ái vì nó dễ áp dụng cho nhiều loại hình tiếp thị khác nhau, từ Landing page cho tới tờ rơi quảng cáo.
Mục đích của công thức viết content PAS là khiến độc giả đồng cảm với người viết, nhờ đó dễ dàng bị thuyết phục và tin tưởng giải pháp được đưa ra vào phần cuối bài. Theo công thức PAS, người viết có thể triển khai luận điểm một cách trực tiếp và mạnh mẽ, cụ thể thông qua 3 phần là:
Vấn đề (Problem)
Một bài quảng cáo tốt là bài viết nêu được những vấn đề mà người đọc đang gặp phải. Đầu tiên, người viết cần trình bày một vấn đề như nỗi đau, sự khó khăn mà đối tượng mục tiêu có thể đang gặp phải.
Nỗi đau, sự khó khăn càng được khắc họa sinh động bao nhiêu, thì bài biết càng có được sự đồng cảm từ khách hàng bấy nhiêu. Sự thấu hiểu sâu sắc này của người viết sẽ khiến người đọc bị gây ấn tượng ngay từ những dòng đầu tiên.
Kích động (Agitation)
Sau khi đã xác định được vấn đề, nhu cầu của khách hàng tiềm năng, bước tiếp theo trong công thức PAS chính là nhấn mạnh nỗi đau hơn nữa. Hãy để ngôn từ tác động tới cảm xúc của người đọc, thuyết phục họ rằng vấn đề họ đang gặp phải cần phải được giải quyết ngay lập tức. Tuy nhiên hãy khéo léo để cách diễn đạt không nên gây ra cảm xúc quá tiêu cực.
Giải pháp (Solution)
Với tiền đề là những vấn đề được nêu ra và được nhấn mạnh, phần kết sẽ là lúc giải pháp được tiết lộ. Người viết có thể mô tả tính năng của sản phẩm/dịch vụ như một giải pháp hoàn hảo để giải quyết vấn đề của người đọc.
Một biến tấu của công thức viết content này là PASO, trong đó O (Added Outcome) là viết tắt cho “Giải thích kết quả kèm dẫn chứng”. Việc bổ sung phần nội dung này không chỉ giúp người đọc hiểu hơn về giải pháp; mà kèm với những dẫn chứng cụ thể lời thuyết phục của bạn sẽ càng thêm sức nặng.
Xem thêm: 8 chỉ số KPI chất lượng giúp đo lường hiệu quả content marketing
MISA tặng bạn ebook content checklist giúp bạn kiểm tra, đảm bảo bài viết đáp ứng các tiêu chí cần thiết để tạo ra những nội dung chất lượng.
Công thức viết content ACCA
Khi mà người tiêu dùng ngày một có ý thức và quan tâm nhiều hơn đến sự ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu dùng tới xã hội như bất công trong lao động, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Thì người làm Marketing cũng phải có chiến lược tiếp cận sao cho phù hợp.
Công thức ACCA xuất hiện như một phương pháp sáng tạo kết hợp giữa hai mục đích quảng cáo và tuyên truyền. Vì đặc tính đó, mà công thức viết content ACCA thường được các nhãn hàng sử dụng để quảng bá những chiến dịch và sự kiện với mục đích xã hội cộng đồng. Người viết theo đó sẽ trình bày luận điểm để thuyết phục người đọc với 4 phần nội dung dưới đây.
Nhận thức (Awareness)
Mở đầu, người viết có thể nâng cao nhận thức của người đọc bằng cách mô tả thực trạng hoặc vấn đề chung nào đó. Hậu quả của chúng hiện diện trên diện rộng, mà ngay cả người đọc có thể cũng chưa biết tới. Mục đích của phần mở bài này là thu hút sự chú ý của người đọc.
Hiểu (Comprehension)
Tiếp theo người viết cần tiếp tục phân tích vấn đề ở nhiều mức độ nghiêm trọng và khía cạnh khác nhau. Đây là tiền đề để người đọc hình dung cụ thể hơn và khơi gợi sự quan tâm tới vấn đề.
Phán quyết (Conviction)
Dựa trên sự hiểu biết và quan tâm được xây dựng từ đầu tới giờ, ở bước tiếp theo người viết cần khơi gợi được mong muốn đóng góp, hoặc làm một điều gì đó để giải quyết vấn đề từ người đọc. Cao hơn nữa là khiến họ cảm thấy mình cũng có trách nhiệm và phải hành động để khắc phục thực trạng được nêu ở đầu bài.
Hành động (Action)
Tương tự như nhiều công thức khác, bước cuối cùng sẽ là lời kêu gọi hành động. Đó có thể là hướng dẫn người đọc click vào liên kết để tìm hiểu thêm về chương trình, sự kiện hay cung cấp số Hotline để khuyến khích khách hàng liên hệ.
Để hiểu rõ hơn công thức ACCA, hãy cũng phân tích một ví dụ: Bài viết “Chỉ xách Balo lên mà đi thôi. Ít ai ngờ rằng chính mình cũng đang góp phần hồi sinh nền du lịch” của 2 tác giả Diệp Nguyễn và Ngọc Ánh.
Đây là bài viết mở bàn cho chuỗi nội dung giới thiệu nhiều địa điểm khám phá du lịch nội địa trên chuyên trang eMagazine của Kenh14. Mở đầu bài viết, tác giả đã khắc họa thực trạng khó khăn của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh Covid-19.
Đi kèm với đó “nỗi buồn ngành du lịch” được lồng ghép khéo léo với “nỗi buồn” phải ở nhà giãn cách của toàn xã hội. Với những chia sẻ của nhiều bạn trẻ đam mê khám phá các miền đất mới hay những Travel Blogger, vấn đề được khắc họa chân thật và thêm phần gần gũi với đối tượng độc giả trẻ.
Để rồi sau đó, bài viết mở ra tia sáng của sự hồi phục sau một giấc ngủ dài của ngành dịch vụ du lịch với sự giúp sức mạnh mẽ từ chính người đọc. Khi cuộc sống bình thường trở lại “ Hãy dành trọn vẹn những phiêu lưu đó cho Việt Nam, bởi cả một ngành du lịch đang chờ sự giúp đỡ của bạn” là câu kết kêu gọi hành động một cách trực tiếp mà người viết muốn gửi tới các bạn trẻ.
Có thể thấy ACCA không chỉ dừng lại là một công thức dành riêng cho dân quảng cáo tiếp thị. Với trọng tâm là nâng cao sự hiểu biết cung cấp thông tin rõ ràng cho người đọc, phương pháp sáng tạo content này còn có thể được áp dụng rộng rãi cả trong văn bản báo chí, bình luận xã hội.
Công thức viết content 4P
Công thức viết content 4P được biết tới như công thức sáng tạo nội dung với góc nhìn khai thác vấn đề độc đáo. Thay vì đề cập đến vấn đề của khách hàng, với 4P người viết sẽ tập trung vào việc thuyết phục người đọc tin vào kết quả đáng mơ ước mà sản phẩm/dịch vụ có thể đem lại.
Kết hợp với các yếu tố cam kết, bằng chứng mà nhãn hàng cung cấp, bài viết có cơ sở thể thúc đẩy người đọc có hành động tương ứng với mục đích người viết mong muốn.
Công thức viết content 4P lần lượt được triển khai như sau:
Hình ảnh (Picture)
Bài viết sẽ mở đầu bằng một bức tranh sinh động trong tương lai, nơi mà người đọc có thể đạt được mục tiêu, thực hiện những mong muốn và tìm thấy hạnh phúc. Đó cũng có thể là những hình ảnh sản phẩm/dịch vụ bắt mắt thu hút sự chú ý của người đọc.
Cam kết (Promise)
Đây là lúc người viết khéo léo giới thiệu sản phẩm/dịch vụ. Đồng thời đưa ra lời cam kết của thương hiệu có thể giúp khách hàng biến nhưng mong muốn ở phần đầu thành hiện thực.
Bằng chứng (Proof)
Để củng cố độ chắc chắn của lời hứa, người viết cần đưa ra bằng chứng thực tế, lời chứng thực của khách hàng cũ hay các văn bản khác đảm bảo về chất lượng. Ngoài ra, minh chứng cũng có thể là những lợi ích hữu hình của sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng có thể nhận thấy ngay khi mua hoặc trải nghiệm.
Thúc đẩy (Push)
Cuối cùng là kêu gọi khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ, thông qua việc cung cấp link mua hàng hoặc phương thức liên hệ để nhận tư vấn.
Với đặc điểm là gây ấn tượng với người đọc từ cái nhìn đầu tiên, ngắn gọn xúc tích, phương pháp sáng tạo nội dung này thường được sử dụng rất đa dạng từ các bài viết trên nền tảng mạng xã hội, email quảng cáo cho tới kịch bản TVC.
Công thức viết content BAB
BAB là công thức viết content bao gồm 3 phần:
- Trình bày vấn đề (Before)
- Giải pháp (After)
- Cầu nối (Bridge)
Tính hiệu quả của công thức viết content BAB được dựa trên sự thấu hiểu cảm xúc của khách hàng. Theo nhà tâm lý học hành vi Adam Ferrier, động lực thúc đẩy hành động của con người gồm 2 yếu tố, đó là niềm vui và nỗi đau.
Dựa vào công thức BAB, người viết có thể đánh trúng tâm lý bằng cách nhắc tới “nỗi đau” của khách hàng trong phần Before và minh chứng thực tế với kết quả khả quan ở phần After. Chính vì vậy, công thức BAB được áp dụng nhiều nhất trong ngành hàng có tính trực quan cao như mỹ phẩm, dược phẩm,…
Công thức viết content BAB theo đó lần lượt được triển khai như sau:
Tình trạng trước khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ (Before)
Mở bài bạn hãy miêu tả thật chi tiết về một vấn đề/một “điểm đau” mà khách hàng mục tiêu của bạn đang gặp phải. Câu chữ cần khơi dậy cảm xúc của độc giả như lo lắng hồi hộp; để khiến họ cảm thấy rằng vấn đề được nhắc tới đang xảy ra với họ ngay tại thời điểm này.
Tình trạng sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ (After)
Lúc này hãy giới thiệu với khách hàng hình ảnh mơ ước trong tương lai, khi mà vấn đề đã được khắc phục. Chìa khóa của phần nội dung này nằm ở chỗ, tác giả phải chọn lựa và nêu bật được lợi ích mà người đọc sẽ quan tâm.
Chính mong muốn xóa bỏ vấn đề hay “điểm đau”, sẽ góp phần tạo nên sự tò mò của người đọc ”Giải pháp nào có thể giúp họ đạt được kết quả như mong đợi”.
Sản phẩm/dịch vụ cầu nối (Bridge)
Cầu nối của Before-After chính là sản phẩm/dịch vụ được quảng cáo. Khi người đọc đã nhận ra vấn đề họ gặp phải, biết cách khắc phục vấn đề thì đây là lúc sản phẩm/dịch vụ được giới thiệu như một giải pháp tối ưu.
Bằng cách nêu bật lên lợi ích mà sản phẩm dịch vụ mang tới cho khách hàng, người viết có thể thúc đẩy khách hàng tiến tới hành động như đặt hàng hoặc đăng ký dùng thử sản phẩm.
BAB được coi là một trong số những công thức viết content mang lại tính hiệu quả cao và được nhiều Marketer ưu ái sử dụng. Phương pháp này có sự khác biệt là tập trung ít hơn vào tính năng kỹ thuật của sản phẩm.
Thay vào đó lợi ích thực sự của sản phẩm đối với cuộc sống của khách hàng lại được đề cao. Nếu bạn mong muốn sáng tạo bài viết tác động mạnh mẽ tới cảm xúc của người đọc thì đừng bỏ qua công thức nổi tiếng này.
>> Xem thêm: 10 phương pháp tối ưu nội dung để tăng lưu lượng truy cập
Tổng kết
6 công thức viết content kể trên chắc chắn sẽ giúp bạn rèn luyện được tư duy rành mạch, thể hiện được đúng ý đồ cũng như cải thiện được tốc độ viết. Dù vậy, những công thức chỉ như chiếc xương sống của bài viết.
Thứ làm lay chuyển tâm ý người đọc lại vẫn luôn nằm ở những ý tưởng được trình bày độc đáo, ở nút thắt cảm xúc ẩn hiện qua văn phong và con chữ. Đại văn hào Ernest Hemingway đã từng nói: “The only kind of writing is rewriting – Chỉ có một kiểu viết duy nhất là viết đi viết lại mà thôi”.
Vì vậy hãy tham khảo các công thức viết content và luyện tập viết thật nghiêm túc để tự tìm cho mình chất riêng và tạo ra sự khác biệt trong ngành sáng tạo các bạn nhé.
Tác giả: Lê Minh Hồng