Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật

12/07/2022
1481

Tùy thuộc vào tính chất công việc và điều kiện thực tế của mỗi bên mà người sử dụng lao động và người lao động sẽ lựa chọn loại hình hợp đồng để giao kết. Vậy pháp luật có những quy định nào liên quan đến nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động? Mời doanh nghiệp tham khảo thông tin trong bài viết sau đây của MISA AMIS.

Bởi vì việc giao kết hợp đồng lao động trải qua nhiều giai đoạn khác nhau cho nên nếu các bên tuân thủ đúng các nguyên tắc giao kết thì sẽ không chỉ duy trì được trật tự giao kết mà còn đảm bảo cho việc giao kết diễn ra thành công và đạt được kết quả như hai bên mong muốn.

Trước hết, hợp đồng lao động là một loại hợp đồng cho nên nó cũng bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc chung của hợp đồng, song song đó nó còn phải tuân thủ thêm các nguyên tắc giao kết riêng cho phù hợp với đặc trưng của quan hệ lao động.

Theo Điều 15 của Bộ luật Lao động năm 2019, việc giao kết hợp đồng lao động tuân thủ theo các nguyên tắc cụ thể sau đây:

I. Giao kết hợp đồng lao động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, trung thực, thiện chỉ, hợp tác

nguyên tắc tự nguyện giao kết hợp đồng

Không chỉ riêng hợp đồng lao động mà hầu như tất cả các loại hợp đồng đều có bản chất là được các bên thỏa thuận trên sự nguyện, do đó

Hợp đồng nói chung và hợp đồng lao động nói riêng về bản chất là sự thỏa thuận của các bên nên sự tự nguyện của các bên trong giao kết hợp đồng là điều tất yếu.

Sự tự nguyện ở đây được hiểu là các bên hoàn toàn tự nguyện tham gia vào quan hệ lao động, không bên nào hoặc chủ thể nào được quyền ép buộc, đe dọa hay cưỡng ép bên kia hoặc các bên tham gia quan hệ lao động.

Người lao động và người sử dụng lao động hoàn toàn tự nguyện trong việc:

– Đề xuất việc giao kết hợp đồng;

– Thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng;

– Giao kết hợp đồng để xác lập quan hệ lao động.

Dựa trên cơ sở quy định của pháp luật và khả năng, điều kiện thực tế của người lao động và người sử dụng lao động, hợp đồng lao động là kết quả của sự tự do, tự nguyện, tự thoả thuận của các bên. Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần lưu ý là, quan hệ lao động là một quan hệ có tính đặc thù. Trong một số trường hợp, chủ thể tham gia quan hệ lao động có thể là người còn nhỏ tuổi. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhỏ tuổi cũng như đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng lao động, cần có người làm đại diện hợp pháp cho người lao động để đứng ra làm chủ thể giao kết hợp đồng, đồng thời vẫn phải được người lao động đồng ý.

Song song với yếu tố tự nguyện, việc giao kết hợp đồng lao động còn phải đảm bảo yếu tố bình đẳng. Hai yếu tố này thường không thể tách rời nhau bởi chỉ khi các bên thực sự bình đẳng với nhau thì mới đảm bảo cho việc tự nguyện giữa các bên khi tham gia giao kết hợp đồng và hợp đồng mới thực sự là kết quả của sự thương lượng, thỏa thuận giữa các bên.

Sự bình đẳng ở đây được thể hiện qua việc các bên được bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý và tư cách chủ thể khi giao kết hợp đồng lao động. Không bên nào được lợi dụng thế mạnh và quyền lực của mình để gây sức ép với phía bên kia. Các bên bình đẳng với nhau trong việc đưa ra ý kiến, mong muốn cũng như trong việc trao đổi và thống nhất các vấn đề trong hợp đồng lao động.

Ngoài sự tự nguyện và bình đẳng, việc giao kết hợp đồng còn phải đảm bảo yếu tố thiện chí, hợp tác, trung thực. Các bên cần phải có sự thiện chí, hợp tác và trung thực trong việc thương lượng, thỏa thuận với nhau để đi đến kết quả giao kết hợp đồng thành công như mong muốn. Bởi khi các bên thiện chí và hợp tác với nhau, các bên sẽ dễ thông cảm cho nhau và dễ đi đến sự thống nhất trong việc thương lượng.

Ngay cả khi trong quá trình thương lượng, nếu các bên xảy ra xung đột về lợi ích hay căng thẳng thì miễn có các bên có tinh thần thiện chí hợp tác thì những xung đột đó cũng sẽ được giải quyết dễ dàng. Sự trung thực cũng là một yếu tố cần thiết khi giao kết hợp đồng. Các bên có trung thực với nhau thì mới có sự thiện chí và hợp tác. Hơn nữa, sự trung thực khi giao kết hợp đồng sẽ giúp đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng, quan hệ lao động tồn tại lâu dài và bền vững. Đồng thời, quan hệ lao động sẽ đi đến kết cục chấm dứt nhanh chóng nếu các bên không trung thực, lừa dối nhau khi giao kết hợp đồng.

II. Giao kết hợp đồng lao động theo nguyên tắc tự do nhưng không được trái pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thế và đạo đức xã hội

nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng lao động

Hợp đồng lao động có bản chất là sự thỏa thuận giữa các bên về các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động. Người lao động và người sử dụng lao động được tự do bày tỏ ý chí trong việc xác lập các điều khoản và nội dung của hợp đồng. Tuy nhiên, sự tự do ý chí đó phải nằm trong khuôn khổ cho phép của pháp luật.

Ngoài việc chú ý đến quyền lợi cá nhân của mình, các bên tham gia còn phải hướng tới việc đảm bảo quyền lợi của tập thể lao động trong doanh nghiệp và lợi ích của toàn xã hội. Pháp luật lao động là hệ thống các quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động theo định hướng của Nhà nước. Còn thoả ước lao động tập thể là sự thoả thuận giữa người sử dụng lao động với tập thể lao động về điều kiện lao động, điều kiện sử dụng lao động cũng như các vấn đề khác trong quan hệ lao động.

Do đó, nếu nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật lao động và xung đột với thoả ước lao động tập thể thì sẽ dễ dẫn đến việc phát sinh tranh chấp. Chính vì vậy, mặc dù các bên có quyền tự do giao kết nội dung hợp đồng nhưng những nội dung đó không được trái với pháp luật lao động và trái với thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp (nếu có).

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trái pháp luật lao động và thỏa ước lao động ở đây là trái theo hướng bất lợi cho người lao động. Nếu những nội dung được thỏa thuận trong hợp đồng lao động dù không đúng với quy định của pháp luật lao động và thỏa ước lao động tập thể nhưng lại có lợi hơn cho người lao động thì luôn được ưu tiên và khuyến khích áp dụng.

Nguyên tắc này được quy định tại Điều 15 Bộ luật Lao động 2012 trong pháp luật của Việt Nam và của nhiều nước khác như: Điều 96, 97 Luật Tiêu chuẩn lao động của Hàn Quốc; Điều 12, Khoản 1 Điều 92 Luật Hợp đồng lao động của Nhật Bản,… Ở Đức, khi áp dụng nguyên tắc ưu tiên có lợi này, thỏa ước lao động tập thể được xem như tiêu chuẩn cơ bản tối thiểu để xây dựng hợp đồng lao động.

Các thỏa ước lao động tập thể thường được lấy làm căn cứ để xây dựng các điều khoản trong hợp đồng lao động tốt hơn. Tuy nhiên, ở một số nước như Hoa Kỳ thì thỏa ước lao động tập thể lại rất được coi trọng và không áp dụng nguyên tắc có lợi này cho người lao động, bởi vì họ cho rằng thỏa ước lao động tập thể sẽ không có sức ảnh hưởng nữa nếu áp dụng nguyên tắc ưu tiên này. Ở những nước này, thỏa ước lao động tập thể cũng như công đoàn có vai trò hết sức quan trọng.

Trên đây là các thông tin liên quan đến nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động. Hy vọng rằng doanh nghiệp có thể áp dụng thành công các nguyên tắc này trong việc giao kết hợp đồng với người lao động.

Xem thêm các bài viết trước đó

Xem thêm các bài viết tiếp theo

1. Quy định về thực hiện hợp đồng lao động theo pháp luật
2. Tạm hoãn hợp đồng lao động và các quy định liên quan

Xem thêm các bài viết khác

1. Mẫu hợp đồng lao động được cập nhật mới nhất theo quy định pháp luật

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả