Công ty chấm dứt hợp đồng trước thời hạn cần lưu ý gì?

25/07/2022
1387

Công ty chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là vấn đề mà rất nhiều người lao động quan tâm. Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay lấy lý do là làm ăn thua lỗ nên cắt giảm lao động, cho nhân viên nghỉ trước khi hợp đồng hết hạn. Việc này khiến người lao động lâm vào cảnh thất nghiệp. Hãy cùng amis.misa.vn tham khảo các quy định liên quan trong bài viết sau đây.

công ty chấm dứt hợp đồng trước thời hạn

Thưa luật sư, thắc mắc của tôi là: Từ ngày 10/12/2014, tôi có ký kết hợp đồng lao động tại một cơ quan nhà nước cấp huyện. Đến ngày 01/08/2015 (sau khi đã ký 8 lần hợp đồng 1 tháng) thì tội được cơ quan ký hợp đồng 1 năm.

Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2016 thì cơ quan chấm dứt hợp đồng lao động với tôi trước thời hạn. Vậy cơ quan có phải bồi thường cho tôi không? Và mức bồi thường bao nhiêu?

Trả lời:

Chào bạn, dựa theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin lần lượt giải đáp như sau:

I. Các trường hợp công ty có quyền chấm dứt hợp đồng với người lao động trước thời hạn

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau:

– Người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ của công việc được giao trong hợp đồng lao động. Điều này được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Đồng thời, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi áp dụng quy chế này.

– Người lao động phải điều trị liên tục do bị ốm đau hoặc xảy ra tai nạn: điều trị 12 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; điều trị 06 tháng liên tục đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.

– Bên cạnh đó, khi người lao động đã hồi phục sức khỏe thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động.

– Người sử dụng lao động phải cắt giảm lao động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do dịch bệnh, thiên tai hoặc tuân theo chỉ thị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dù cho đã tìm mọi phương án khắc phục.

– Người lao động vắng mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này.

– Người lao động đến tuổi về hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác;

– Người lao động tự ý không làm việc từ 05 ngày liên tục trở lên;

– Người lao động cung cấp thông tin không thành thật theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này.

II. Thời gian người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động biết khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Thời gian người sử dụng lao động phải thông báo trước cho người lao động biết khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Khi tiến hành chấm dứt hợp đồng với người lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước một khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điểm d và điểm e khoản 1 Điều này thì người sử dụng lao động không phải báo trước cho người lao động.

Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì các ngành, nghề, công việc đặc thù bao gồm:

– Là thành viên của tổ lái tàu bay; nhân viên bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa hàng không; nhân viên điều độ, khai thác đường bay;

– Là quản lý của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp;

– Là thành viên thuộc thuyền bộ trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê để làm việc trên tàu biển nước ngoài;

– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, khi người lao động làm ngành, nghề, công việc đặc thù nêu trên thì thời hạn được người sử dụng lao động báo trước khi chấm dứt hợp đồng ít nhất là:

– 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động từ 12 tháng trở lên;

– Bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

III. Trường hợp người sử dụng lao động không được quyền chấm dứt hợp đồng lao động

Nếu gặp phải một trong các trường hợp được quy định tại Điều 37 của Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động:

Điều 37. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.

3. Người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

IV. Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật như sau:

Điều 39. Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 35, 36 và 37 của Bộ luật này.

Cụ thể hơn thì các trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật là:

– Điều 36 quy định về các trường hợp người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Ngoài các trường hợp này thì người sử dụng lao động không được tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

– Điều 37 quy định về các trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp tại Điều 37 thì sẽ là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

V. Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ gì?

Theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật Lao động 2019, các nghĩa vụ mà người sử dụng lao động phải thực hiện khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái với quy định là:

1. Nhận người lao động quay lại làm việc theo hợp đồng; trả tiền lương, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền tối thiểu bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận trước đó.

Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động không tuân theo quy định về thời hạn báo trước tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

2. Trường hợp người lao động không muốn quay lại làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc chấm dứt hợp đồng lao động.

3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động quay lại làm việc và người lao động đồng ý việc này thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46, người lao động còn được nhận thêm khoản bồi thường bằng ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng.

Đồng thời, người sử dụng lao động còn phải tuân theo quy định tại Điều 46 về chi trả trợ cấp thôi việc:

1. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên nếu hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật Lao động 2009. Mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

3. Tiền trợ cấp thôi việc được xác định dựa trên tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Như vậy, tùy từng trường hợp mà bạn đối chiếu các quy định trên để biết mức bồi thường và trợ cấp nghỉ việc bạn có thể nhận được. Hy vọng bạn hài lòng với phần tư vấn của chúng tôi.

Trên đây là tất cả những quy định về việc công ty chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần áp dụng đúng những quy định này để không để mất quyền lợi của mình.

Xem thêm các bài viết trước đó

Xem thêm các bài viết tiếp theo

2. Mẫu thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định mới nhất

Xem thêm các bài viết khác

1. Mẫu hợp đồng lao động được cập nhật mới nhất theo quy định pháp luật

Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Mr. Trịnh Văn Biển
Tác giả
GĐ Chuyển Đổi Số MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả