5 giai đoạn trong quy trình ra quyết định mua hàng của khách hàng

26/06/2024
8008

Quy trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng có thể khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm, dịch vụ, và khách hàng cụ thể. Tuy nhiên, việc hiểu rõ và nắm bắt các giai đoạn này giúp doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chiến lược tiếp thị, cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao doanh số. Cùng MISA AMIS nghiên cứu các giai đoạn của quy trình ra quyết định mua hàng.

I. Quy trình ra quyết định mua hàng của khách hàng là gì?

Quy trình ra quyết định mua hàng (còn được gọi là quá trình ra quyết định của người tiêu dùng) là chuỗi các bước mà người tiêu dùng trải qua từ khi nhận thức được nhu cầu đến khi thực hiện hành động mua hàng và đánh giá sau mua. Các bước là nhận biết nhu cầu, tìm kiếm thông tin, đánh giá các lựa chọn thay thế, quyết định mua hàng và hành vi sau mua hàng.

Khái niệm
Khái niệm tiến trình ra quyết định mua hàng của khách hàng

Các dạng hành vi mua hàng của người tiêu dùng

Mỗi khách hàng lại có một hành vi mua khác nhau, từ đó việc ra quyết định mua hàng là khác nhau. Có thể thấy rõ ngay cả khi cùng một người nhưng mua các hàng hóa khác nhau thì hành vi mua của chính họ cũng khác nhau. Việc mua một chai nước suối có hành vi mua khác so với một chiếc điện thoại hay một căn hộ chung cư. Hàng hóa càng tinh vi, phức tạp, công nghệ cao, rủi ro lớn, giá trị cao… càng đòi hỏi khách hàng cân nhắc kỹ trước khi quyết định “mở hầu bao”.

Có 4 kiểu hành vi mua phổ biến: Hành vi mua có lựa chọn kỹ, hành vi mua phải lựa chọn nhưng được đơn giản hóa, hành vi mua nhằm tìm kiếm sự khác biệt và hành vi mua theo thói quen.

Hành vi mua có sự lựa chọn kỹ

Khách hàng thực hiện hành vi mua có lựa chọn kỹ khi họ buộc phải tham gia sâu vào quá trình mua để nhận diện rõ về sự khác biệt đáng kể giữa các thương hiệu. Như vậy, khách hàng buộc phải lựa chọn kỹ càng khi mua các hàng hóa đắt tiền, nhiều rủi ro, công nghệ phức tạp, những hàng hóa để thể hiện bản thân, thậm chí những mặt hàng không mua thường xuyên. Đối với những sản phẩm này, người tiêu dùng phải trải qua một quá trình học hỏi, điều tra, tìm hiểu các giá trị của sản phẩm để xây dựng niềm tin, sau đó mới hình thành thái độ, cuối cùng mới quyết định.

Hành vi mua phải lựa chọn kỹ nhưng được rút gọn

Hành vi này xuất hiện khi khách hàng mua các sản phẩm đắt tiền, không quen thuộc, sản phẩm có độ rủi ro cao. Đối với những sản phẩm này, về nguyên tắc, cũng buộc khách hàng phải tham gia sâu, mạnh vào quá trình mua, nhưng họ lại không cảm nhận được nhiều sự khác biệt giữa các thương hiệu.

Trong trường hợp đó, khách hàng thường xem xét, lựa chọn giữa một số thương hiệu khác nhau ở mức giá tương tự. Do cảm nhận về sự khác biệt giữa các thương hiệu không lớn, nên khách hàng thường chỉ quan tâm xem sản phẩm nào có sẵn và đi tới quyết định mua rất nhanh. Họ có thể phản ứng tức thì trước các mức giá tốt hoặc mức độ thuận tiện của việc mua.

Hành vi mua theo thói quen

Hành vi mua theo thói quen xuất hiện khi khách hàng ít tham gia sâu vào quá trình mua đối với những hàng hóa có sự khác biệt không lớn. Việc mua của khách hàng rất đơn giản, họ chỉ cần đến cửa hàng hoặc mua sắm online, tìm kiếm một nhãn hiệu bất kỳ, cũng có thể là nhãn hiệu lần trước họ đã từng mua.

Ngay cả trong tình huống thứ hai thì việc mua như vậy cũng hoàn toàn theo thói quen chứ không phải vì họ trung thành với nhãn hiệu và sản phẩm đó. Nhóm sản phẩm thuộc loại này thường là sản phẩm giá rẻ và khách hàng phải mua thường xuyên.

Hành vi mua tìm kiếm sự đa dạng

Thói quen mua hàng này xuất hiện trong trường hợp họ ít tham gia sâu vào việc mua, nhưng vẫn cảm nhận thấy có nhiều khác biệt giữa các sản phẩm cùng loại. Mỗi khi xuất hiện nhu cầu mua sắm họ lại muốn chuyển sang nhãn hiệu khác. Việc chuyển nhãn hiệu đơn giản chỉ vì họ đã “chán” dùng nhãn hiệu cũ mà không phải vì không hài lòng đối với chúng, hoặc muốn thử dùng nhãn hiệu mới để được trải nghiệm nhiều nhãn hiệu.

các dạng hành vi mua hàng
Các dạng hành vi mua hàng

> Đọc thêm: Phân tích hành vi mua của khách hàng trong môi trường số

Ví dụ về quy trình ra quyết định của người tiêu dùng

Một ví dụ về quá trình ra quyết định của người mua sẽ giúp bạn hiểu khái niệm này chi tiết hơn. Chúng ta hãy cùng nhìn lại hành trình của một khách hàng – Samuel – người đang có ý định mua một chiếc laptop.

  1. Giai đoạn 1: Nhận biết vấn đề: Samuel nhận ra sự cần thiết của một chiếc máy tính xách tay mới khi anh nhận thấy pin chiếc máy tính xách tay hiện tại của mình yếu và khiến anh bất tiện.
  2. Giai đoạn 2: Tìm kiếm thông tin: Samuel thu thập thông tin về nhiều thương hiệu máy tính xách tay khác nhau bằng cách đọc thông số kỹ thuật, đánh giá và nói chuyện với bạn bè và đồng nghiệp.
  3. Giai đoạn 3: Đánh giá các lựa chọn thay thế: Samuel liệt kê một số lựa chọn thay thế và đánh giá ưu và nhược điểm của chúng để đưa ra quyết định hợp lý nhất khi xem xét các lợi ích khác và ngân sách của anh ấy.
  4. Giai đoạn 4: Quyết định mua hàng: Samuel có thể bị ảnh hưởng bởi thái độ của mọi người và các yếu tố tình huống bất ngờ trong khi đưa ra quyết định mua hàng cuối cùng.
  5. Giai đoạn 5: Đánh giá sau khi mua: Samuel tương tác với thương hiệu dựa trên trải nghiệm của anh ấy với sản phẩm. Nếu sản phẩm đáp ứng được nhu cầu hoặc vượt quá sự mong đợi của anh ta thì anh ta sẽ hài lòng, nhưng nếu nó không đáp ứng được nhu cầu thì anh ta sẽ thất vọng.

II. Tại sao cần phân tích quy trình ra quyết định mua hàng?

Việc phân tích quy trình ra quyết định mua hàng rất quan trọng, đây là một cách tiếp cận chiến lược nhằm hiểu rõ hơn về sự kỳ vọng của khách hàng, từ đó tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng.

Theo như một nghiên cứu gần đây từ Salesforce:

  • 80% khách hàng hiện nay coi trải nghiệm của họ với một công ty cũng quan trọng như sản phẩm của công ty đó. 
  • 69% người tiêu dùng muốn nói chuyện với một công ty trong thời gian thực.
  • 60% khách hàng ở Vương quốc Anh mong muốn trải nghiệm của khách hàng được kết nối với công ty.

Vậy quy trình ra quyết định mua hàng đóng vai trò như thế nào trong việc xây dựng chiến lược Marketing phù hợp? Dưới đây là bốn lợi ích:

  • Đo lường mức độ tương tác của khách hàng thông qua các kênh tiếp thị và các nền tảng:

Giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về các kênh tương tác tốt với đối tượng mục tiêu, đồng thời đánh giá hiệu quả trên các nền tảng khác nhau, từ đó doanh nghiệp có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời hay tìm ra giải pháp tiếp cận khách hàng hiệu quả, cải thiện và thay thế kênh có lượt tương tác thấp.

  • Hỗ trợ cải thiện các bước trong quá trình khách hàng quyết định mua hàng:

Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã và đang ở vị trí là một khách hàng, trải qua việc tìm hiểu, xem xét sản phẩm, tìm đến sự giúp đỡ từ nhân viên tư vấn, hay thậm chí là đã thêm sản phẩm vào giỏ hàng tuy nhiên lại không mua hàng. Việc hiểu rõ tiến trình ra quyết định mua hàng của khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp phát hiện được nơi mà người tiêu dùng dừng lại trên hành trình mua, từ đó cải thiện các bước trong quá trình khách hàng ra quyết định mua hàng. 

  • Phát hiện những thiếu sót trong chiến lược Marketing:

Dựa vào phân tích quy trình ra quyết định mua hàng của khách hàng, những thiếu sót gây ảnh hưởng đến tình hình bán hàng sẽ dễ dàng được các nhà quản lý phát hiện. Qua đó giúp họ cân nhắc, đưa ra chiến lược Marketing mới hiệu quả đồng thời mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao hơn, phù hợp cho từng kênh truyền thông. 

  • Đưa ra chiến lược Marketing đúng đắn và tiết kiệm chi phí:

Các nhà quản lý xác định được những chiến dịch Marketing cũng như các kênh truyền thông không hiệu quả nhờ việc hiểu được quy trình mua hàng của khách hàng. Từ đó cắt giảm các kế hoạch không mang lại hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tải Ebook: Thấu hiểu khách hàng trên từng điểm chạm

Bộ Ebook bao gồm Slide hướng dẫn chi tiết các bước xây dựng hành trình khách hàng + Bộ biểu mẫu bản đồ hành trình khách hàng của 5 ngành nghề tiêu biểu (B2B, Sass, bán lẻ, dịch vụ, phần mềm). BẤM VÀO ẢNH để tải.

III. 5 giai đoạn trong quy trình ra quyết định mua hàng

Để đưa ra bất cứ một quyết định mua hàng nào, mỗi khách hàng đều phải trải qua 5 giai đoạn sau:

1. Nhận biết nhu cầu

Nhận thức là giai đoạn đầu tiên trong hành trình mua hàng của khách hàng, đây cũng là giai đoạn mà người tiêu dùng gặp phải khó khăn, cần tìm đến giải pháp giúp họ giải quyết vấn đề của mình. Hiểu đơn giản, trong giai đoạn này nhu cầu của người tiêu dùng đã bắt đầu nảy sinh và gia tăng, chính vì vậy các doanh nghiệp cần phải trả lời câu hỏi nhu cầu người tiêu dùng là gì? 

Nhu cầu mua thường xuất hiện từ chính nhận thức của người tiêu dùng, khi họ cảm thấy có sự khác biệt giữa trạng thái thực tế và trạng thái ước muốn. Nhu cầu có thể được nhận biết nhanh chóng bởi các nhân tố tác động bên trong và bên ngoài. Trong trường hợp nhân tố bên trong của cá nhân người tiêu dùng tác động thì đối với những nhu cầu bình thường sẽ nhanh chóng trở thành một sự thôi thúc phải đáp ứng. Nhu cầu cũng có thể phát sinh từ một nhân tố tác động bên ngoài, như tác động của hoàn cảnh, quảng cáo, …

các bước ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng
Các bước ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng

2. Tìm kiếm thông tin

Sau khi nhận ra vấn đề mua, người tiêu dùng bắt đầu phải tìm kiếm thông tin. Việc tìm kiếm thông tin phụ thuộc vào loại vấn đề và hoàn cảnh mua mà có mức độ cần thiết khác nhau. Nếu nhu cầu cấp bách, sản phẩm được người mua vừa ý, họ sẽ mua ngay. Ngược lại, nếu vấn đề mua quan trọng nhưng chưa có sản phẩm thích hợp, người tiêu dùng sẽ rất tích cực tìm kiếm thêm các thông tin.

Việc tìm kiếm thông tin bao gồm hai hoạt động chính: tìm kiếm thông tin bên trong và bên ngoài. 

Trước hết, người tiêu dùng sẽ nhớ lại những trải nghiệm với các sản phẩm và thương hiệu trước đây. Hành động này được gọi là tìm kiếm bên trong. Ví dụ đối với những sản phẩm mua thường xuyên như kem đánh răng, bánh kẹo, dầu gội,… tìm kiếm bên trong đủ để họ ra quyết định mua. 

Trong trường hợp thông tin trong nhận thức không đủ, người tiêu dùng sẽ tìm kiếm các thông tin bên ngoài. Điều này, đặc biệt cần thiết khi người mua chưa có kinh nghiệm và kiến thức, rủi ro trong quyết định mua cao và chi phí để thu thập thông tin thấp. Các nguồn thông tin bên ngoài bao gồm: từ các cá nhân như gia đình hoặc bạn bè; từ sách báo,thông tin trên TV và nguồn do các nhà làm thị trường cung cấp, như thông tin từ những người bán, quảng cáo, trưng bày hàng hóa trong cửa hàng v.v…

Kết quả của việc tìm kiếm thông tin là giúp người tiêu dùng hiểu biết thêm về các thương hiệu, sản phẩm hiện có cũng như các tính năng của chúng. Qua đó, họ sẽ đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn mua. Từ vô số các thương hiệu sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng sẽ hướng sự chú ý của họ vào những sản phẩm họ biết và những sản phẩm họ dự định lựa chọn.

Vì vậy, ở giai đoạn này, người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đưa ra bất kỳ quyết định mua hàng nào mà chỉ đơn giản là tham khảo nhiều sự lựa chọn khác nhau.

Ví dụ, anh X muốn tặng cho vợ mình một món quà ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm ngày cưới. Tuy nhiên, anh lại không biết nên mua gì, vì vậy anh bắt đầu tìm kiếm thông tin về quà tặng trên Website với từ khóa liên quan. Có thể thấy, anh X chỉ mới tìm kiếm các gợi ý có sẵn trên Website mà chưa quyết định chọn mua món hàng nào. Vì vậy, nhiệm vụ của doanh nghiệp trong giai đoạn này là làm cho khách hàng biết đến các sản phẩm của mình hiện có sẵn, chứ không phải để bán hàng.

Bạn gặp khó khăn trong việc phân tích hành trình khách hàng?Tải Ebook: Thấu hiểu hành trình khách hàng trên từng điểm chạm

3. Đánh giá các lựa chọn

Sau khi đã có các thông tin, vấn đề đặt ra là người tiêu dùng tiến hành đánh giá để lựa chọn sản phẩm họ sẽ mua như thế nào? Doanh nghiệp cần biết việc người tiêu dùng xử lý thông tin ra sao để đi đến những lựa chọn. Điều phức tạp là các khách hàng khác nhau hoặc ngay cả cùng một khách hàng thì trong nhiều tình huống mua khác nhau thường thực hiện tiến trình đánh giá khác nhau. Như vậy, có rất nhiều tiến trình đánh giá để đi đến quyết định mua.

  • Trước hết, có thể nhận thấy rằng mỗi người mua đều xem mỗi sản phẩm như là một tập hợp những yếu tố, trong đó có những yếu tố mà người mua rất quan tâm và cho là quan trọng. Cùng với việc chú ý đến những yếu tố thông thường, người tiêu dùng cũng thường thay đổi các yếu tố nếu họ thấy thích đáng. Trong đó, các yếu tố có liên quan đến nhu cầu của họ thường dễ thu hút sự chú ý nhất. 
  • Thứ hai, người tiêu dùng sẽ đánh giá tầm quan trọng của từng yếu tố của sản phẩm hay thương hiệu. Ở đây cần phân biệt tầm quan trọng của một yếu tố với nét nổi bật của các yếu tố ấy. Các yếu tố nổi bật là những yếu tố người tiêu dùng dễ ghi nhớ, nhưng không nhất thiết đó là các yếu tố quan trọng. Một số yếu tố không nổi bật nhưng khi người tiêu dùng nhận ra thì nó lại rất quan trọng.
  • Thứ ba, người tiêu dùng dường như đã có sẵn sự tin tưởng về sản phẩm hay thương hiệu có những yếu tố được đánh giá cao. Đó chính là hình ảnh về những thương hiệu sản phẩm đó trong tâm trí của họ. Lòng tin đối với một thương hiệu của người tiêu dùng có thể thay đổi do sự trải nghiệm hoặc sự phát triển nhận thức.
  • Thứ tư, người tiêu dùng thường đánh giá tầm quan trọng của mỗi yếu tố của sản phẩm hay thương hiệu là khác nhau. Chỉ số tầm quan trọng mô tả việc người tiêu dùng mong muốn về từng yếu tố sản phẩm với mức độ khác nhau.
  • Thứ năm, người tiêu dùng đánh giá các thương hiệu sản phẩm thông qua một số quy trình đánh giá khác nhau. Người tiêu dùng cũng tìm cách vận dụng những quy trình đánh giá khác nhau để lựa chọn giữa các sản phẩm đa thuộc tính.

Nhiệm vụ của doanh nghiệp trong giai đoạn này cần lôi kéo khách hàng đồng thời đảm bảo giải pháp của mình sẽ nằm trong danh sách cân nhắc của người mua hàng. Các nội dung quảng bá cần tập trung thuyết phục khách hàng xem xét sản phẩm một cách từ tốn, nhẹ nhàng, tránh giọng văn theo lối chào bán hàng rõ rệt gây khó chịu cho người đọc. Những nội dung giúp tăng tương tác hiệu quả trong giai đoạn này có thể kể đến như biểu đồ so sánh, minh họa, case study (câu chuyện thực tế) hay hướng dẫn sử dụng sản phẩm…

4. Quyết định mua

Sau khi đã đánh giá tất cả các khả năng thay thế và đã sắp xếp chúng theo một thứ bậc, người tiêu dùng sẽ hình thành ý định mua. Bình thường, người tiêu dùng mua sản phẩm tốt nhất theo đánh giá của họ, nhưng có hai yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng, đó là:

Thứ nhất là thái độ của những người khác

Thái độ của người thân và bạn bè sẽ làm thay đổi ý định mua tuỳ thuộc hai điều kiện: 

  1. Cường độ của thái độ phản đối.
  2. Mức độ ảnh hưởng của người đó đối với người tiêu dùng.

Cường độ phản đối càng mạnh, và người phản đối càng có ảnh hưởng lớn, càng làm cho người tiêu dùng dễ dàng thay đổi ý định mua.

Thứ hai là ý định mua chịu ảnh hưởng của những yếu tố bất ngờ không lường trước

Dựa trên những yếu tố như ngân sách dành cho mua sắm, mức giá cả, và lợi ích của sản phẩm, người tiêu dùng sẽ hình thành nên ý định mua sắm của mình. Ngoài ra, các yếu tố bất ngờ cũng góp phần làm cho họ thay đổi ý định mua. 

Việc người tiêu dùng thay đổi, trì hoãn hoặc bãi bỏ một quyết định mua chịu ảnh hưởng rất lớn từ những rủi ro mà họ nhận thức được. Việc mua sắm nếu có khả năng rủi ro mà người tiêu dùng không thể đoán chắc kết quả sẽ gây nên sự lo lắng của họ.

Mức độ nhận thức về rủi ro thay đổi theo số lượng tiền bỏ ra mua, sự không chắc chắn trong đánh giá và mức độ tự tin của người tiêu dùng. Người tiêu dùng thường tìm cách giảm bớt rủi ro, như tránh quyết định, kiểm tra qua thông tin từ bạn bè hoặc chỉ mua từ những cửa hàng lớn và có bảo hành. 

Doanh nghiệp phải hiểu được những yếu tố gây cảm giác lo lắng đó và cung cấp thông tin cùng những biện pháp Marketing làm giảm đi lo lắng của họ.

Tải Ebook: Thấu hiểu hành trình khách hàng trên từng điểm chạm TẠI ĐÂY

5. Hành vi sau mua

Việc cuối cùng sau khi mua sản phẩm, người tiêu dùng thường sẽ so sánh giá trị sản phẩm khi sử dụng với những kỳ vọng ban đầu của họ, họ sẽ cảm thấy hài lòng hoặc thất vọng. Doanh nghiệp cần biết được những hành vi sau khi mua của khách hàng để có giải pháp phù hợp, kịp thời.

Hành vi sau mua
Hành vi sau mua

Người mua hài lòng hay không đối với sản phẩm đã mua phụ thuộc chủ yếu vào những kỳ vọng của họ so với công dụng thực tế của sản phẩm. Nếu sản phẩm thỏa mãn các mong đợi, người tiêu dùng thấy hài lòng và ngược lại.

Kỳ vọng của người tiêu dùng hình thành từ những chiến dịch quảng cáo, những trải nghiệm thực tế trong các giao dịch lịch sử từ cá nhân khách hàng hay từ lời giới thiệu của mọi người xung quanh. Vì vậy, nếu để khách hàng hy vọng quá lớn mà không được đáp ứng thì họ sẽ càng thất vọng. 

Điển hình là trong các thông điệp truyền thông và quảng cáo của thương hiệu, nhằm tăng thêm tính hấp dẫn, những mô tả hay đặc tính của sản phẩm dịch vụ sẽ được nhấn mạnh với những thể hiện vượt trội. Điều này không chỉ khiến khách hàng quan tâm tới sản phẩm nhiều hơn mà còn nuôi lớn sự kỳ vọng của họ đối với sản phẩm. Thực chất, tạo ra một thông điệp hay và hình ảnh đẹp mắt trong chiến lược quảng cáo về cơ bản là lý do chính đáng của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, nếu lạm dụng cách này để gây ấn tượng đối với khách hàng thì đây sẽ là con dao hai lưỡi, và sẽ gây phản ứng ngược. Khi mà khách hàng nhận về sản phẩm không đúng theo những gì họ mong đợi sẽ tạo ra cảm giác thất vọng về sản phẩm và thương hiệu.

Rõ ràng người bán nên đưa ra các đánh giá trung thực về sản phẩm hơn là phóng đại lợi ích của nó để khi sử dụng người mua có được sự hài lòng thật sự. Một người tiêu dùng đã hài lòng rất có thể sẽ mua sản phẩm đó trong lần tới và sẽ nói tốt về sản phẩm với những người khác. Tuy nhiên, nếu không hài lòng, họ có thể phản ứng bằng cách từ bỏ hoặc chê bai sản phẩm với bạn bè và với người khác.

Doanh nghiệp nên biết những tình huống đó để xử lý các bất mãn, có thể thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu mức độ không hài lòng sau khi mua của người tiêu dùng và giúp khách hàng thỏa mãn với sản phẩm đã mua.

IV. Thấu hiểu quy trình ra quyết định mua hàng & tối ưu các điểm chạm với MISA AMIS aiMarketing

MISA AMIS aiMarketing – Phần mềm Marketing hợp nhất trên một nền tảng, lưu trữ data khách hàng tập trung giúp doanh nghiệp thấu hiểu khách hàng từ những tương tác tại từng điểm chạm trên hành trình mua, từ đó thiết kế các chiến dịch Marketing phù hợp, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng và gia tăng chuyển đổi.

1. Thấu hiểu khách hàng với tính năng Customer Profile 

Thông tin chi tiết của khách hàng được thể hiện qua tính năng Customer Profile
Thông tin chi tiết của khách hàng được thể hiện qua tính năng Customer Profile

Tính năng Customer Profile của AMIS aiMarketing cho phép Marketers nắm bắt được các thông tin chi tiết về khách hàng bao gồm:

  • Thông tin liên hệ (họ tên, email, SĐT, …)
  • Lịch sử truy cập Website/ Landing page
  • Lịch sử điền Form
  • Lịch sử nhận, đọc, click Email
  • Lịch sử mua hàng, chăm sóc

Khi có đầy đủ thông tin về khách hàng, Marketers sẽ thấu hiểu khách hàng nhiều hơn, từ đó đưa ra các chiến lược Marketing & Chăm sóc khách hàng phù hợp với từng nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng để tăng tỷ lệ chuyển đổi bán hàng.

2. Bộ công cụ giúp xây dựng và tối ưu các điểm chạm khách hàng

Công cụ thiết kế Email Marketing và gửi email hàng loạt nhanh chóng, hiệu quả

Công cụ Thiết kế Landing page chuyên nghiệp, thao tác dễ dàng

ĐĂNG KÝ NHẬN TÀI KHOẢN TRẢI NGHIỆM MISA AMIS AIMARKETING MIỄN PHÍ:

Workflow – Thiết kế kịch bản Marketing Automation tự động dễ dàng

Hệ thống đo lường, báo cáo đa chiều, chính xác và nhanh chóng

ĐĂNG KÝ NHẬN TÀI KHOẢN TRẢI NGHIỆM MISA AMIS AIMARKETING MIỄN PHÍ:


V. Tổng kết

Như vậy, trong bài viết trên MISA AMIS đã cung cấp tới bạn những thông tin chi tiết về quy trình ra quyết định mua hàng. Hy vọng bạn đã học hỏi được những kiến thức hữu ích về hoạt động quan trọng trong Marketing và bán hàng này, từ đó giúp triển khai hiệu quả các chiến lược phân tích quy trình ra quyết định mua hàng của khách hàng cho doanh nghiệp mình. Chúc các bạn thành công! 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 2 Trung bình: 5]
Tuyến Phạm
Tác giả
Giám đốc Kinh doanh tại MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả