Bảo mật thông tin là vấn đề sống còn của các doanh nghiệp. Vì thế, trong các loại hợp đồng thường có thêm các điều khoản bảo mật thông tin. Vậy điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng là gì? Pháp luật quy định như thế nào về việc này? Mời các Doanh nghiệp tìm hiểu thông tin liên quan trong bài viết sau đây.
I. Cơ sở pháp lý quy định bảo mật thông tin trong hợp đồng
Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng được quy định bởi các cơ sở pháp lý sau:
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Bộ luật Lao động năm 2019
- Luật Thương mại 2005
- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2019)
II. Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng là gì?
Đối với một doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại, phát triển và đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, cần phải có đủ năng lực tự tạo ra hay tiếp nhận các thông tin hữu ích để đáp ứng nhu cầu và mong muốn ngày càng gia tăng của khách hàng. Những thông tin hữu ích như vậy chính là “bí mật kinh doanh” (hay còn được gọi là “bí mật thương mại”).
Bên cạnh đó, khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.
Bí mật kinh doanh thường liên quan đến các loại thông tin khác nhau như:
- Bí quyết kỹ thuật và khoa học: công thức sản xuất sản phẩm, cấu tạo kỹ thuật của sản phẩm, bản thiết kế…
- Thông tin thương mại: danh sách khách hàng, hệ thống nhà phân phối, kế hoạch kinh doanh, chiến lược quảng cáo…
- Thông tin về tài chính: cơ cấu giá…
Theo đó, Điều khoản bảo mật (confidentiality clause), đôi khi còn gọi là điều khoản không tiết lộ (non-disclosure clause), là điều khoản mà theo đó một bên khi có được một số thông tin nhất định của bên còn lại thông qua quan hệ hợp đồng thì sẽ có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó.
>>> Bài viết liên quan: Tổng quan về hợp đồng và những loại hợp đồng phổ biến hiện nay
III. Tại sao phải có điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng?
Mục đích chính của việc đặt ra những quy định, điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng nhằm:
- Tạo ra ràng buộc để bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý độc lập của các bên tham gia.
- Duy trì và khuyến khích những chuẩn mực đạo đức và sự công bằng trong thương mại.
- Tạo ra động lực cho các Doanh nghiệp sáng tạo để mang lại những lợi thế cạnh tranh cả về mặt kỹ thuật và thương mại.
- Trong quá trình đàm phán khi nhận được thông tin bí mật của bên kia, bên nhận thông tin có nghĩa vụ bảo mật các thông tin đó và không được phép sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc giao kết hợp đồng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
IV. Điều khoản bảo mật trong hợp đồng thường có những nội dung gì?
Thông thường, điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng hoặc thỏa thuận bảo mật thông tin đều bao gồm những nội dung cơ bản sau:
Nội dung các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng | |
✅Đối tượng, các thông tin cần bảo mật | Tùy theo ngành nghề kinh doanh, nhu cầu của doanh nghiệp, đối tượng, thông tin cần bảo mật có thể khác nhau, chủ yếu bao gồm: bí mật kinh doanh, kết quả kinh doanh; các hợp đồng, thỏa thuận; danh sách, thông tin khách hàng của doanh nghiệp; các mẫu mã, thiết kế, sản phẩm thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp; và các thông tin khác trong quá trình kinh doanh. |
✅Quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc bảo mật thông tin | Doanh nghiệp cần quy định rõ về phạm vi tiếp cận, sử dụng, định đoạt các thông tin mà khách hàng, đối tác biết được trong quá trình thực hiện hợp đồng, thỏa thuận với doanh nghiệp. |
✅Trách nhiệm của bên vi bảo mật thông tin | Việc quy định trách nhiệm của bên vi phạm ví dụ như bồi thường thiệt hại khi tiết lộ thông tin cho bất kỳ bên thứ ba nào là cần thiết để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và nâng cao ý thức bảo mật thông tin của khách hàng, đối tác. |
✅Loại trừ trách nhiệm bảo mật thông tin | Trong đa số trường hợp, bên tiếp nhận thông tin phải chịu trách nhiệm bảo mật thông tin của doanh nghiệp sở hữu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp do luật quy định hoặc theo thỏa thuận, bên tiếp nhận thông tin sẽ được loại trừ trách nhiệm và không phải bồi thường thiệt hại nếu thông tin bị tiết lộ cho bên thứ ba. |
V. Quy định bảo mật thông tin công ty trong hợp đồng
1. Quy định bảo mật thông tin công ty trong giai đoạn tiền hợp đồng
Giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn diễn ra trước khi hợp đồng được ký kết, thường được bắt đầu từ khi một bên thể hiện ý muốn xác lập hợp đồng và kết thúc khi hợp đồng được giao kết. Đây là một giai đoạn khá đặc biệt, có vai trò tiên quyết đối với việc hợp đồng có được giao kết hay không.
Vốn dĩ việc cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng rất quan trọng, tạo nên sự thống nhất ý chí giữa các bên, cho nên việc quy định bảo mật thông tin công ty trong giai đoạn này là hết sức cần thiết.
Khoản 2 Điều 387 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật.
Theo quy định này, nghĩa vụ bảo mật thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng là một loại nghĩa vụ pháp lý độc lập mà các bên phải tuân thủ.
Song song đó, Khoản 3 Điều 387 cũng quy định rõ trách nhiệm của bên vi phạm như sau:
Bên vi phạm quy định Khoản 1, Khoản 2 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, khi nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình đàm phán, bên nhận thông tin có nghĩa vụ bảo mật các thông tin đó và không được phép sử dụng cho các mục đích khác ngoài việc giao kết hợp đồng, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Điều khoản bảo mật thông tin công ty trong hợp đồng
Hiện nay, điều khoản quy định bảo mật thông tin công ty trong hợp đồng tương đối phổ biến, được áp dụng với nhiều loại hợp đồng thuộc các lĩnh vực khác nhau như: hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng gia công hàng hóa, hợp đồng nhượng quyền, hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng hợp tác kinh doanh,…
Để giúp các Doanh nghiệp hình dung cụ thể hơn, trong phạm vi bài viết này, MISA xin dẫn chứng các điều khoản quy định bảo mật thông tin công ty của 02 loại hợp đồng phổ biến sau:
2.1. Điều khoản bảo mật thông tin công ty trong Hợp đồng thương mại
Trong các hợp đồng thương mại, bên cạnh các điều khoản cơ bản như: chủ thể hợp đồng, đối tượng hợp đồng… thì điều khoản quy định bảo mật thông tin cũng được xem là một trong những nội dung rất quan trọng, đặc biệt đối với một số lĩnh vực như: pháp lý, ngân hàng, quảng cáo,…
Theo đó, Khoản 4 Điều 289 Luật Thương mại 2005 quy định:
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, thương nhân nhận quyền có các nghĩa vụ sau đây: Giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt.
Như vậy, quy định bảo mật thông tin công ty trong hợp đồng nhượng quyền được đặt ra trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và kể cả sau khi hợp đồng chấm dứt.
Nếu bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin sẽ phải chịu trách nhiệm (cụ thể, theo Điểm c Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24 Nghị định 35/2006/NĐ-CP nếu bên nhượng quyền vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin (bao gồm cả trong giai đoạn tiền hợp đồng) thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường).
Bên cạnh Luật Thương mại thì tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định:
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó.
Ngoài ra, Luật Cạnh tranh 2018 kế thừa Luật Cạnh tranh 2004 cũng tiếp tục ghi nhận nghĩa vụ bảo mật thông tin. Cụ thể, Điểm b Khoản 1 Điều 45 quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm:
Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.
Khoản 1 Điều 110 cũng quy định về xử lý các hành vi vi phạm:
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trong hoạt động nhượng quyền thương mại, hành vi vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin được coi là căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm dừng hành vi xâm phạm và khắc phục các hậu quả. Trường hợp cần thiết có thể đồng thời tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc hình sự.
Do đó, trong quá trình đàm phán, soạn thảo hợp đồng nhượng quyền các bên cũng cần quy định rõ về chế tài vi phạm điều khoản bảo mật nhằm răn đe, tránh trường hợp các bên tiết lộ các bí mật thông tin của nhau.
2.2. Điều khoản bảo mật thông tin công ty trong Hợp đồng lao động
Điều khoản quy định bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động là loại điều khoản thỏa thuận giữa các bên, cụ thể là: người lao động đưa ra cam kết tuân thủ về việc tìm việc mới trong giới hạn thời gian, không gian, lĩnh vực để bảo vệ bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động và dự kiến hậu quả pháp lý trong trường vi phạm cam kết này.
Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và bồi thường trong trường hợp vi phạm.
Quy định bảo mật thông tin công ty của Bộ Luật Lao động 2019 cho người sử dụng lao động quyền thực hiện thỏa thuận cam kết bảo mật bằng văn bản, tuy nhiên quy định này vẫn chưa được quy định rõ ràng, cụ thể như: Thông tin bảo mật là gì; phạm vi và thời gian cam kết bảo mật của người lao động; hậu quả xảy ra nếu vi phạm.
Do đó, để điều khoản bảo mật được áp dụng vào thực tiễn, cụ thể là trong hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thì cần phải bổ sung thêm các nội dung sau:
- Người sử dụng lao động cần liệt kê những thông tin, tài liệu được xem là “bí mật kinh doanh”, “bí mật công nghệ” trong điều khoản bảo mật. Trường hợp người sử dụng lao động không thể liệt kê hết được phạm vi thông tin cần bảo mật thì có thể đưa ra những tiêu chí để xác định thông tin cần bảo mật.
- Quy định cụ thể về thời gian và phạm vi địa lý có hiệu lực của điều khoản bảo mật tùy vào mỗi vụ việc, mỗi ngành nghề kinh doanh, vị trí chức vụ của nhân viên.
- Quy định về trường hợp điều khoản bảo mật bị vô hiệu nếu người sử dụng lao động không đền bù một khoản tài chính cho người lao động. Việc người lao động ký kết điều khoản bảo mật đồng nghĩa với việc họ chịu hạn chế trong việc tìm kiếm việc mới, khoản đền bù tài chính cũng là để dự trù trường hợp người lao động nếu không tìm được việc làm trong khoảng thời gian thi hành điều khoản bảo mật.
- Quy định chế tài vi phạm và cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến điều khoản bảo mật trong hợp đồng lao động.
2.3. Điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng ký bằng phương thức điện tử
Khi doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng (đối với các loại hợp đồng trong nhiều lĩnh vực) được áp dụng như sau:
- Về nội dung: các điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng điện tử sẽ được thể hiện giống với nội dung của hợp đồng truyền thống (đã được nêu trên).
- Về hình thức: các điều khoản thỏa thuận bảo mật trong hợp đồng có thể là một điều khoản trong hợp đồng điện tử hoặc cam kết bảo mật thông tin độc lập… hoặc cam kết đính kèm theo được gửi lên hệ thống.
Nhìn chung, các nội dung, điều khoản và giá trị pháp lý của điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng điện tử sẽ tương tự với hợp đồng truyền thống. Tuy nhiên, việc sử dụng hợp đồng điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích tối ưu hơn rất nhiều.
VI. Các doanh nghiệp cần chú ý gì khi ký kết hợp đồng có điều khoản bảo mật thông tin?
Khi ký kết Hợp đồng có điều khoản bảo mật thông tin hoặc Thỏa thuận bảo mật thông tin, các doanh nghiệp cần chú ý một số vấn đề sau trước khi ký:
- Giải thích rõ về đối tượng, thông tin cần bảo mật: Doanh nghiệp nên định nghĩa, giải thích rõ bí mật kinh doanh hoặc kết quả kinh doanh thuộc phạm vi được bảo mật trong Hợp đồng bao gồm những gì (ví dụ: báo cáo tài chính của công ty, báo cáo thu chi và phân bổ tài sản, lợi nhuận của công ty,…)
- Xác định mức bồi thường thiệt hại khi thông tin bị tiết lộ: Các bên thường quy định mức bồi thường thiệt hại theo thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại thực tế đối với các thông tin là rất khó. Vì vậy, các bên nên thỏa thuận một mức bồi thường thiệt hại cụ thể sau khi cân nhắc rủi ro của hợp đồng.
- Trong trường hợp doanh nghiệp là bên tiếp nhận thông tin, doanh nghiệp có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình bằng cách quy định mức bồi thường thiệt hại tối đa không vượt quá giá trị của Hợp đồng hoặc một mức bồi thường khác.
Trên đây là các thông tin quan trọng mà Doanh nghiệp cần biết về điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế số như hiện nay, phần mềm ký hợp đồng điện tử đang dần trở thành phương thức được nhiều doanh nghiệp lựa chọn thay thế cho hợp đồng giấy truyền thống bởi một số lợi ích đáng kể như:
MISA tự hào là đơn vị cung cấp nền tảng hợp đồng điện tử Misa tiên phong và uy tín nhất, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nghiệp. Nếu muốn tìm hiểu rõ hơn về giải pháp hỗ trợ ký kết hợp đồng điện tử ưu việt này, doanh nghiệp hãy click ngay vào nút dưới đây để đến với bài viết. Ngoài ra, bạn cũng có thể để lại thông tin trong biểu mẫu bên dưới để được tư vấn trực tiếp. Bộ phận tư vấn của MISA sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất. |
Xem thêm các nội dung liên quan
>>> Bồi thường thiệt hại hợp đồng là gì? Bồi thường thiệt hại hợp đồng thương mại
>>> Điều khoản bảo hành trong hợp đồng là gì? Quy định về thời hạn bảo hành
>>> Phạt vi phạm hợp đồng là gì? Mức phạt vi phạm hợp đồng mới nhất cho từng trường hợp
Lưu ý: Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và không thể thay thế được ý kiến chuyên gia. Bạn đọc vẫn cần tham khảo chuyên gia để có được ý kiến tư vấn chính xác nhất khi đưa ra quyết định.