Influencer Marketing là gì? Vai trò & 5 bước triển khai Influencer Marketing

29/09/2021
8779

Khi tận dụng Influencer Marketing hiệu quả, doanh nghiệp có thể cải thiện được độ nhận diện thương hiệu, chiếm được lòng tin của khách hàng cũng như quảng cáo sản phẩm đến một số lượng lớn khách hàng một cách dễ dàng. 

influencer marketing

Hiện nay, với sự phát triển của Internet và các trang mạng xã hội, Influencer Marketing đang trở thành một hình thức tiếp thị hiệu quả được nhiều doanh nghiệp và thương hiệu nổi tiếng tận dụng để quảng cáo sản phẩm / dịch vụ tới một số lượng lớn khách hàng tiềm năng. 

Vậy Influencer là gì và Influencer Marketing là gì? Làm thế nào để triển khai chiến dịch Influencer Marketing hiệu quả?

Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về Influencer Marketing tại bài viết dưới đây.

Tổng quan về Influencer Marketing

Influencer là gì?

Trước khi tìm hiểu về Influencer Marketing, doanh nghiệp cần hiểu rõ khái niệm Influencer là gì.

Theo như Wikipedia, Influencer – Người ảnh hưởng, là những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội và có số lượng người theo dõi lớn. Influencer có thể đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, không chỉ có nghệ sĩ, bác sĩ, doanh nhân hay người nổi tiếng nói chung mà bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành một Influencer nếu họ đáp ứng được một số tiêu chí nhất định. 

Về cơ bản, Influencer là những người sở hữu trình độ, kiến thức chuyên môn hoặc ảnh hưởng xã hội trong lĩnh vực của họ. Influencer cũng là những người có sức ảnh hưởng đến một số lượng người theo dõi đông đảo (từ vài nghìn đến vài triệu). 

Với sự tín nhiệm của công chúng cũng như của người theo dõi, người ảnh hưởng sẽ có tác động tích cực đến cái nhìn của người tiêu dùng về thương hiệu và sản phẩm, có vai trò dẫn dắt, gợi ý và ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Việc tận dụng Influencer sẽ giúp doanh nghiệp chiếm được lòng tin của khách hàng mục tiêu hơn và dễ dàng thuyết phục họ lựa chọn sản phẩm / dịch vụ của mình thay vì sản phẩm / dịch vụ của đối thủ cạnh tranh.

influencer là gì

Sự khác biệt giữa KOLs và Influencer là gì?

KOLs và Influencers đều là những người có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng. Vậy đâu là sự khác biệt giữa KOLs và Influencers?

Nhìn chung, KOLs và Influencers có một số đặc điểm khác biệt như sau.

KOLs  Influencers
Định nghĩa KOLs (Key Opinion Leaders) là những chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau như khoa học, nông nghiệp, y khoa, chính trị, công nghệ,… KOLs là người có chuyên môn cao, am hiểu, chuyên sâu về một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Influencer thường là những cá nhân có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, có lượng người theo dõi lớn. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành Influencer với điều kiện: hoạt động trên môi trường trực tuyến, được nhiều người quan tâm và theo dõi.
Lượng người theo dõi Số lượng người theo dõi KOLs sẽ cao hơn so với Influencers, rơi vào khoảng  100,000 – 1,000,000 người theo dõi Số lượng người theo dõi Influencers sẽ ít hơn, rơi vào khoảng 1,000 – 100,000 người theo dõi
Mức độ phủ sóng Mức độ phủ sóng của KOLs sẽ hạn chế hơn so với Influencers, do sự nổi tiếng và độ phủ sóng của KOLs dễ dàng bị hạn chế trong quốc gia của họ. Do chủ yếu hoạt động trên mạng xã hội nên độ phủ sóng của Influencers sẽ cao hơn KOLs, vì khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng mạng xã hội và dễ dàng tiếp cận được với nhiều Influencers khác nhau.
Thời gian sử dụng mạng xã hội KOLs thường dành phần lớn thời gian vào lĩnh vực chuyên môn của bản thân, họ chỉ dành thời gian cho mạng xã hội vào những lúc rảnh rỗi. Mặt khác, Influencers dành hầu hết thời gian hoạt động trên các mạng xã hội, họ sẽ đầu tư vào video, hình ảnh để truyền tải thông điệp đến người hâm mộ và thông qua mạng xã hội để trao đổi với người hâm mộ của mình. 

 

6 loại Influencer phổ biến hiện nay

Dựa vào số lượng người theo dõi, 6 loại Influencer phổ biến nhất hiện nay bao gồm:

  • Nano Influencer: 1000 – 5000 người theo dõi.
  • Micro Influencer: 5000 – 25.000 người theo dõi.
  • Small Influencer: 25.000 – 100.000 người theo dõi.
  • Medium Influencer: 100.000 – 500.000 người theo dõi.
  • Macro Influencer: 500.000 – 1.000.000 người theo dõi.
  • Mega Influencer: > 1.000.000 người theo dõi.

Ở Việt Nam, số lượng Nano và Micro Influencers vẫn chiếm nhiều nhất. 

Bên cạnh đó, dựa trên lĩnh vực, người có ảnh hưởng cũng có thể chia thành 6 nhóm đối tượng chính:

  • Nhóm phong cách sống (lifestyle)
  • Nhóm thời trang – làm đẹp (fashion – beauty)
  • Nhóm phụ nữ có gia đình và thành công
  • Nhóm du lịch – ẩm thực
  • Nhóm trendy (luôn tạo ra các xu hướng mới trên mạng xã hội dưới lăng kính hài hước)
  • Nhóm người nổi tiếng (gồm diễn viên, ca sĩ, người mẫu,… tạo được ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội)

phân loại influencer

Influencer Marketing là gì?

Sau khi đã tìm hiểu thông tin về Influencer, vậy Influencer Marketing là gì?

Influencer Marketing là một trong những hình thức tiếp thị thông qua mạng xã hội. Influencer Marketing tận dụng người có tầm ảnh hưởng trên các trang mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, Instagram để tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng cũng như để quảng cáo sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp. 

Influencer Marketing sẽ chú trọng vào việc nhận diện các cá nhân có sức ảnh hưởng đối với nhóm khách hàng tiềm năng và định hướng các hoạt động marketing xung quanh những người có ảnh hưởng đó. 

Thông qua các chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp sẽ gửi gắm thông điệp quảng cáo đến khách hàng và thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm / dịch vụ của mình bằng cách tận dụng sự uy tín và sức ảnh hưởng của Influencer. Qua chiến dịch, các Influencers cũng sẽ được trả một khoản hoa hồng theo thỏa thuận.

Phân loại Influencer Marketing

Các loại Influencer Marketing chính bao gồm: 

Vip/ Celebrity

Vip / Celebrity là nhóm những người nổi tiếng có số lượng người theo dõi lớn và đông đảo.

Đối tượng thuộc nhóm Influencer Marketing này thường là những ca sĩ, diễn viên nhiều người hâm mộ như: Sơn Tùng MTP, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hương Giang Idol,…

Citizen Influencer

Citizen Influencer là những người bình thường nhưng sở hữu trên 500 lượt followers và các bài post của họ luôn được hưởng ứng và thu hút được lượng tương tác lớn từ người xem. 

Professional Influencer

Professional Influencer là các chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.  Có thể lấy ví dụ một vài Influencer thuộc nhóm này như Giáo sư Lê Thẩm Dương, CEO của các doanh nghiệp lớn như Shark Hưng, Shark Bình,… hay những Influencer trong lĩnh vực sức khỏe làm đẹp như Chang Makeup, Chloe Nguyễn,…

Community fanpage

Community fanpage trong Influencer Marketing là những trang cộng đồng có số lượng người thích và theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Một số ví dụ về Community fanpage nổi tiếng có thể kể đến Anh Da Đen, Beatvn, Welax, Web trẻ thơ,… Những thương hiệu có thể chia sẻ thông điệp quảng cáo trên những trang này với nhiều hình thức và nội dung sáng tạo để tiếp cận với một lượng khách hàng lớn. 

Vai trò của Influencer Marketing trong doanh nghiệp

vai trò của influencer marketing

Tại sao doanh nghiệp nên áp dụng Influencer Marketing? Vai trò của Influencer Marketing trong doanh nghiệp là gì?

Influencer Marketing giúp doanh nghiệp cải thiện mức độ nhận diện thương hiệu 

Vai trò đầu tiên của Influencer Marketing đó là giúp doanh nghiệp cải thiện mức độ nhận diện thương hiệu.

Bằng cách tận dụng Influencers với số lượng người theo dõi đông đảo và hợp tác với họ thông qua các chiến dịch quảng cáo sản phẩm, doanh nghiệp có thể tiếp cận đến một số lượng khách hàng và cải thiện độ nhận diện thương hiệu một cách dễ dàng. 

Influencer Marketing giúp doanh nghiệp sở hữu được lòng tin của khách hàng 

Các Influencer là những người có tầm ảnh hưởng lớn và được nhiều người yêu thích, ngưỡng mộ. Vì vậy, người theo dõi sẽ có xu hướng tin tưởng lời nói của Influencer hơn và tạo được sự uy tín nhất định.

Hơn nữa các Influencer hiểu rất rõ về người hâm mộ của mình. Vì thế họ biết cách lồng ghép thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp một cách tinh tế, từ đó giúp doanh nghiệp sở hữu được lòng tin của khách hàng.

Influencer Marketing giúp doanh nghiệp cải thiện chỉ số ROI

ROI là viết tắt của Return On Investment. ROI là chỉ số đo lường tỷ lệ phần trăm doanh thu trên tổng chi phí đầu tư. Nói cách khác, ROI là kết quả đo hiệu suất lợi nhuận do đầu tư mang lại.

ROI thường được doanh nghiệp sử dụng để đo lường hiệu quả của các hoạt động đầu tư. Chỉ số ROI càng cao thì chứng tỏ doanh nghiệp càng đầu tư một cách hiệu quả. 

Nếu chỉ số ROI dương, doanh nghiệp đang đạt được lợi nhuận từ một khoản vốn đầu tư nhất định bởi tổng doanh thu bán hàng lúc này sẽ lớn hơn tổng chi phí đầu tư. 

Mặt khác, nếu chỉ số ROI của doanh nghiệp âm, doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng lỗ vốn vì trong trường hợp này, tổng doanh thu bán hàng đang thấp hơn tổng chi phí đầu tư mà doanh nghiệp bỏ ra. 

Khi đầu tư vào các chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp có thể cải thiện chỉ số ROI bằng cách tận dụng sự uy tín của Influencers và thu hút đúng đối tượng khách hàng tiềm năng để tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu bán hàng.

Đọc thêm về chỉ số ROI tại bài viết: Chỉ số ROI là gì? 2 công thức tính ROI chuẩn nhất trong Marketing

Xu hướng Influencer Marketing mới nhất là gì?

xu hướng influencer marketing

Influencer Marketing đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp, thương hiệu áp dụng và triển khai hơn bao giờ hết với sự phát triển của mạng xã hội. Vậy xu hướng Influencer Marketing mới nhất là gì?

Nội dung định dạng video đang được ưa chuộng 

Video với hình ảnh, âm thanh sinh động, lôi cuốn luôn có sức hấp dẫn đối với công chúng. Thay vì việc đọc những dòng chữ dài và khô khan thì công chúng dường như có xu hướng thích những nội dung định dạng video hơn.

Các video có nội dung mới mẻ, sáng tạo, có tính lan truyền cao nhanh chóng được nhiều người theo dõi và tương tác. Đặc biệt những video được xây dựng với nội dung chân thật mang đến cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn.

Influencer với nội dung truyền cảm hứng 

Khi Influencer có nhiều người hâm mộ – những người có mong muốn được trở nên giống như người có sức ảnh hưởng thì việc triển khai nội dung truyền cảm hứng đang là xu thế mới. 

Bằng cách xây dựng nội dung truyền cảm hứng tới người hâm mộ, đi kèm với việc lồng ghép khéo léo thương hiệu / sản phẩm mà mình quảng cáo sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc đăng tải những bài đăng bán hàng một cách lộ liễu và không có sự đầu tư. 

Nano và Micro Influencer trở nên phổ biến và được nhiều doanh nghiệp lựa chọn 

Tuy Nano và Micro Influencer không quá nổi bật và sở hữu số lượng người theo dõi không quá lớn, đây là 2 loại Influencer phổ biến và được các doanh nghiệp săn đón nhiều nhất.

Lý do chính mà Nano và Micro Influencer trở nên phổ biến đó là việc họ có là mối quan hệ thân thiết với những người hâm mộ và có sự tương tác 2 chiều thường xuyên. 

Vì thế Nano và Micro Influencer sẽ có thể quảng bá thương hiệu rất tốt. Việc hợp tác với những Influencer này cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí. 

TikTok sẽ là nền tảng mạng xã hội được khai thác nhiều 

Với sự nổi tiếng của TikTok, việc triển khai nội dung trên nền tảng này là xu hướng trong Influencer Marketing.

Các Influencer cũng tiếp cận nhanh chóng với nền tảng xã hội này với các video thu hút người hâm mộ. Vì thế các doanh nghiệp có thể kết hợp với Influencer thực hiện chiến dịch Influencer marketing trên TikTok.

5 bước triển khai chiến dịch Influencer Marketing hiệu quả 

Khi triển khai Influencer Marketing, doanh nghiệp cần làm những bước nào?

Nhìn chung, để triển khai Influencer Marketing, doanh nghiệp có thể áp dụng quy trình 5 bước dưới đây.

Bước 1: Xây dựng kế hoạch cho chiến dịch Influencer Marketing 

xây dựng kế hoạch

Mọi chiến dịch đều cần có một mục tiêu và kế hoạch cụ thể. 

Để có thể xây dựng kế hoạch cho chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp cần trả lời những câu hỏi sau:

  • Sản phẩm / dịch vụ mà doanh nghiệp sẽ quảng cáo trong chiến dịch là gì?
  • Bối cảnh của chiến dịch là gì?
  • Mục tiêu của chiến dịch là gì?
  • Khách hàng mục tiêu mà doanh nghiệp hướng đến là ai?
  • Thông điệp truyền thông chính mà doanh nghiệp cần truyền tải trong chiến dịch là gì?

Đối với một bản kế hoạch cho chiến dịch Influencer Marketing, doanh nghiệp cần bao gồm 3 nội dung chính:

  • What: Influencer cần làm gì trong chiến dịch Influencer Marketing?
  • How: Influencer sẽ triển khai chiến dịch như thế nào (nội dung là gì và thông điệp chính cần truyền tải,…)
  • KPI: Những chỉ tiêu mà Influencer cần phải đạt được. Doanh nghiệp cần làm rõ những KPI với Influencer để họ có thể tạo ra nội dung tương thích với mục tiêu của chiến dịch để đạt kết quả tốt nhất. 

Bước 2: Lựa chọn Influencer phù hợp dựa trên những tiêu chí cụ thể

lựa chọn influencer

Sau khi đã xây dựng kế hoạch cho chiến dịch, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm là lựa chọn Influencer phù hợp với mình dựa trên những tiêu chí cụ thể.

Một số tiêu chí để lựa chọn Influencer phù hợp bao gồm:

  • Mức độ tương tác (Reach): Mức độ tương tác thường được đo bằng số lượng followers của Influencers trên mạng xã hội cũng như số lượng người thích, chia sẻ và bình luận trên các bài đăng của Influencers. 
  • Sự liên quan đến thương hiệu (Relevance): Mô tả mức độ liên kết và sự tương đồng giữa hình tượng của Influencer và hình ảnh của thương hiệu. Bên cạnh đó, yếu tố nhân khẩu học của đối tượng khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp và nhóm người theo dõi Influencer cũng cần có sự thích hợp nhất định.
  • Khả năng sáng tạo nội dung: Influencers phải có khả năng tạo những nội dung mới, những xu hướng mới có ý nghĩa và hấp dẫn người theo dõi. 

Bên cạnh đó, trong quá trình lựa chọn Influencer, doanh nghiệp cũng cần chú ý đến ngân sách của mình có thể chi trả cho Influencer.  Doanh nghiệp cần cân bằng số lượng, vai trò giữa các Influencer sao cho vừa tối ưu được ngân sách vừa đảm bảo đạt được hiệu quả truyền thông.

Bước 3: Đồng sáng tạo nội dung với Influencer

đồng sáng tạo nội dung

Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần hợp tác với Influencer để sáng tạo nội dung sao cho chân thật và truyền tải chính xác thông điệp đến với khách hàng. Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp có thể điều chỉnh thông điệp của thương hiệu trở thành câu chuyện của Influencers dựa theo phong cách và đặc điểm họ.

Một số lưu ý mà doanh nghiệp cần chú trọng khi đồng sáng tạo nội dung với Influencer bao gồm:

  • Định dạng nội dung (Content format): Influencer sẽ chia sẻ nội dung gì trên trang cá nhân của họ? Những loại nội dung có thể là hình ảnh, video, livestream hoặc có thể là audio và podcast. 
  • Thông điệp: Thông điệp nội dung chính cần truyền tải là gì? Từ thông điệp mà doanh nghiệp muốn truyền tải, Influencer sẽ điều chỉnh nội dung thành thông điệp của riêng họ sao cho đúng chuyên môn, phong cách của mình và phù hợp với nhóm followers
  • Trách nhiệm của Influencer: Influencer cần làm những gì? Cần chia sẻ bao nhiêu bài viết / video hay cần xuất hiện trên quảng cáo, bao bì sản phẩm,…?

Ở bước này, việc xây dựng kế hoạch nội dung cũng rất quan trọng. Một bản kế hoạch nội dung trong chiến dịch Influencer Marketing cần những ý chính sau:

  • Chủ đề hay thông điệp chủ đạo định hướng cho từng Influencer
  • Loại nội dung mà Influencer sẽ xây dựng 
  • Văn phong của Influencer
  • Thời gian cụ thể trong việc gửi nội dung, chỉnh sửa và triển khai

Bước 4: Phân phối nội dung trên các kênh phù hợp

phân phối nội dung

Sau khi sáng tạo nội dung thì bước tiếp theo trong quá trình triển khai Influencer Marketing là phân phối nội dung trên các kênh phù hợp.

Có 2 kênh phân phối nội dung chính:

  • Kênh Online: các kênh social chính thức của Influencer (Facebook, Instagram, YouTube,…) hoặc các báo điện tử, diễn đàn.
  • Kênh Offline: tham dự event/ talk show, chụp hình sản phẩm, giao lưu với cộng đồng,…

Khi phân phối trên bất cứ kênh nào, từ Online đến Offline thì việc tương tác và phản hồi lại với người hâm mộ / khán giả là điều quan trọng. Việc tương tác 2 chiều sẽ khiến khách hàng tin tưởng và có thiện cảm hơn với Influencers cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.

Bước 5: Đo lường và đánh giá hiệu quả chiến dịch

đo lường hiệu quả chiến dịch

Bước cuối cùng là đo lường và đánh giá hiệu quả chiến dịch.

Doanh nghiệp cần đo lường 3 chỉ số chính:

  • Output: là số lượng nội dung mà Influencers đồng sáng tạo hay đăng tải. So sánh số lượng nội dung này với số lượng nội dung mục tiêu
  • Outcome: là những đánh giá đánh giá sơ bộ hiệu quả nội dung Influencer đã đăng tải, dựa vào những mục tiêu đặt ra ban đầu như: nhận biết, tương tác, hành động,… 
  • KPI: Influencers có đạt được KPI đã đề ra không? KPI đạt bao nhiêu % trong toàn bộ chiến dịch?

Ngoài ra, một số công cụ để đo lường hiệu quả chiến dịch có thể được kể đến như:

  • Affiliate links: Công cụ này giúp doanh nghiệp thống kê được các đơn hàng đến từ trang mạng xã hội của Influencer.
  • Google Analytics: Google Analytics giúp doanh nghiệp thống kê được có bao nhiêu khách hàng truy cập vào cửa hàng trực tuyến hoặc landing page của doanh nghiệp nhờ Influencer 
  • Mã khuyến mãi: Doanh nghiệp có thể tạo ra mã khuyến mãi riêng dành cho người theo dõi Influencer. 

4 điều cần lưu ý để làm Influencer Marketing thành công 

Để làm Influencer Marketing thành công, doanh nghiệp cần lưu ý đến những điều gì?

Xác định chính xác khách hàng mục tiêu 

Khách hàng mục tiêu là một nhóm đối tượng khách hàng trong phân khúc thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng tới. Nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu này là nhóm khách hàng thật sự có nhu cầu và có khả năng chi trả cho sản phẩm / dịch vụ của doanh nghiệp.

Khách hàng mục tiêu cũng là nhóm khách hàng mà doanh nghiệp muốn tiếp cận thông qua các hoạt động và chiến dịch marketing của mình.

Đây là nhóm khách hàng có khả năng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hơn là với những nhóm khách hàng khác. Đối với nhóm khách hàng mục tiêu, họ có chung những đặc điểm như: nhân khẩu học, trình độ học vấn, thu nhập, tâm lý và hành vi,…

Khi xác định chính xác khách hàng mục tiêu mà mình hướng đến, doanh nghiệp có thể lựa chọn Influencers phù hợp bằng cách nghiên cứu các đặc điểm của Influencers cũng như người hâm mộ / người theo dõi của các Influencers đó. Nếu không biết khách hàng mục tiêu của mình là ai thì doanh nghiệp cũng không thể tìm được Influencers phù hợp để quảng cáo sản phẩm. 

Đọc thêm: [Hướng dẫn] 5 cách xác định khách hàng mục tiêu chuẩn nhất cho doanh nghiệp

Tập trung vào chất lượng, không phải số lượng 

Khi lựa chọn Influencer, doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng của Influencer, cụ thể là sự phù hợp của Influencer đối với thương hiệu của doanh nghiệp thay vì tập trung vào hợp tác với càng nhiều Influencer càng tốt.

Để lựa chọn được Influencer phù hợp, việc nghiên cứu kỹ lưỡng những Influencer có sức ảnh hưởng ở lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động là điều cần thiết. Hãy tìm hiểu kỹ họ đang sử dụng những kênh mạng xã hội nào, mức độ phủ sóng cũng như sự phù hợp giữa hình tượng của Influencer và hình ảnh thương hiệu.

Tận dụng các nền tảng Influencer Marketing để tìm kiếm Influencers

Để tìm kiếm và tiếp cận được Influencer, doanh nghiệp có thể tận dụng các nền tảng Influencer Marketing nổi tiếng như:

  • 7Saturday: Đây là nền tảng kết nối thương hiệu và influencer tại thị trường Việt Nam với hơn 10.000 influencer là người nổi tiếng, chuyên gia,..
  • Revu: Nền tảng này giúp thực hiện chiến dịch Influencer với quy mô 10 – 1000 người cùng lúc theo quy trình  5 bước hoàn toàn mới: Đăng tuyển – Ứng tuyển – Chọn lựa – Trải nghiệm – Đăng bài.
  • Hiip: Cũng tương tự như 7Saturday, Hiip là một trong những nền tảng influencer marketing hàng đầu Đông Nam Á, đã từng hợp tác với nhiều nhãn hàng lớn như CGV, Lazada, The Coffee House…

Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Influencer

Khi xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với Influencer, họ có thể sẽ đầu tư hơn cho việc quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp và tin tưởng doanh nghiệp để giới thiệu thương hiệu đến người hâm mộ của mình.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Influencer cũng sẽ khiến Influencer muốn hợp tác với doanh nghiệp trong tương lai sau khi kết thúc chiến dịch.

Hãy để Influencers tham gia vào các cuộc họp, thảo luận về chiến dịch, cho họ đóng góp ý kiến và tự quyết định cách quảng bá phù hợp nhất, vì họ hiểu rõ người hâm mộ của mình.

Tổng kết

Influencer Marketing là một hình thức tiếp thị phổ biến hiện nay được nhiều doanh nghiệp tận dụng để quảng cáo sản phẩm / dịch vụ của mình đến số lượng lớn khách hàng.

Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu đến anh/chị những thông tin về Influencer Marketing như:

  • Tổng quan về Influencer Marketing
  • 5 bước triển khai Influencer Marketing
  • Những điều cần lưu ý để triển khai chiến dịch Influencer Marketing

Chúc anh/chị thành công! 

Tham khảo thêm một số bài viết hay khác:

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Hà Nguyễn
Tác giả
Trưởng phòng Inbound Marketing viện MIBI MISA
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả