McKinsey PEI là gì? Tìm hiểu về Personal Experience Interview

19/12/2024
58

McKinsey PEI (Personal Experience Interview) gắn liền với quy trình tuyển dụng của McKinsey & Company – công ty tư vấn quản trị nổi tiếng toàn cầu. PEI cũng được các doanh nghiệp khác thuộc nhiều lĩnh vực học hỏi và áp dụng nhằm lựa chọn được những ứng viên xuất sắc. Hãy cùng tìm hiểu thêm về hình thức phỏng vấn này.

1. McKinsey PEI là gì?

McKinsey PEI (Personal Experience Interview) là một phần trong quy trình tuyển dụng của McKinsey & Company, nghĩa là “phỏng vấn trải nghiệm cá nhân”, tập trung vào việc đánh giá các kỹ năng và phẩm chất cá nhân của ứng viên thông qua kinh nghiệm thực tế. 

mckinsey pei là gì
McKinsey PEI (Personal Experience Interview)

Cuộc phỏng vấn tại McKinsey được cho là kéo dài trong khoảng 50 phút và phần Personal Experience Interview chiếm 15-20 phút. Thông thường là 1 câu hỏi về trải nghiệm của ứng viên và 10-15 câu hỏi tiếp theo xoáy sâu vào trải nghiệm đó.

Không chỉ là phần phỏng vấn thông thường, PEI là một cuộc trò chuyện chuyên sâu nhằm tìm hiểu cách ứng viên xử lý các tình huống cụ thể trong quá khứ. Người phỏng vấn sẽ yêu cầu ứng viên cung cấp các ví dụ từ thực tế công việc của chính họ để minh họa các kỹ năng hoặc phẩm chất nhất định. Những phẩm chất này có thể bao gồm khả năng lãnh đạo, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, giao tiếp và các yếu tố quan trọng khác.

2. Mục tiêu của Personal Experience Interview 

mckinsey pei là gì
Các yếu tố quan trọng trong McKinsey Personal Experience Interview

Mục đích của PEI là đánh giá khả năng của ứng viên trong việc xử lý các tình huống thực tế và xem xét ứng viên có phù hợp với văn hóa và yêu cầu công việc hay không. PEI tìm kiếm các phẩm chất cốt lõi đó là:

Khả năng lãnh đạo: Cách ứng viên dẫn dắt đội nhóm hoặc đạt được kết quả trong các hoàn cảnh thách thức. Khả năng xây dựng mối quan hệ tích cực với cấp dưới, đồng nghiệp, khách hàng.

Ảnh hưởng cá nhân: Khả năng thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng đến người khác trong tình huống áp lực để mang lại kết quả tích cực trong công việc, những thành công nổi bật trong sự nghiệp hoặc cuộc sống.

Động lực vượt qua thách thức: Khả năng vượt qua những trở ngại và đạt được mục tiêu kinh doanh bằng tư duy sáng tạo, sự cởi mở với những phương pháp đa dạng. Tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi và thử nghiệm điều mới.

Thay đổi táo bạo: Khả năng đón nhận thay đổi với tinh thần can đảm và tích cực, thích nghi trong những tình huống bất ngờ, dám đương đầu để tiến bộ hơn trong phát triển bản thân và sự nghiệp.

Bên cạnh 4 chủ đề trên, McKinsey cũng liệt kê thêm yếu tố Xử lý vấn đề trên trang tuyển dụng của họ. Đây là khả năng hỗ trợ khách hàng giải quyết các vấn đề khó khăn bằng năng lực vượt trội, tư duy thực tế, sự thận trọng, dựa trên cơ sở cân nhắc hiệu quả của các phương án. Tuy nhiên yếu tố này được tập trung hơn vào giai đoạn phỏng vấn tình huống (case interview) sau PEI.

Đánh giá hiệu quả chuyển đổi và quản lý ứng viên tốt hơnThử ngay phần mềm AMIS Tuyển Dụng

3. Tầm quan trọng của McKinsey PEI

PEI là cách để ứng viên bộc lộ được “thực tài”: kinh nghiệm, thái độ và kỹ năng giao tiếp thay vì chỉ dựa trên những gì được viết trong CV. Đó là lý do mà nhiều doanh nghiệp khác học hỏi cách thức phỏng vấn này của McKinsey.

Vai trò của McKinsey PEI
Vai trò của McKinsey PEI

Cung cấp góc nhìn tổng quan và chi tiết về đặc điểm của ứng viên

Thông qua phỏng vấn về các tình huống thực tế mà ứng viên từng trải qua, nhà tuyển dụng sẽ thấy được các phẩm chất như khả năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, khả năng giao tiếp, khả năng thích nghi, khả năng chịu áp lực… Đây đều là những kỹ năng mềm cần thiết trong công việc.

Đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với các giá trị và văn hóa doanh nghiệp
Mỗi tổ chức đều có những nét đặc trưng về môi trường, cách thức làm việc. Những trải nghiệm của ứng viên trước đây và hành vi của họ sẽ cho thấy họ đã thích ứng với tổ chức như thế nào. Từ những dữ liệu đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá liệu ứng viên có tiếp tục phát huy những giá trị tích cực của mình và có thể thành công trong môi trường mới hay không.

Làm rõ khả năng thực tế của ứng viên trước các thử thách

PEI rất chú trọng các bằng chứng thực tế về khả năng xử lý tình huống của ứng viên, cụ thể là cách xử lý mâu thuẫn, cách xử lý những yêu cầu khó và làm hài lòng khách hàng, cách làm việc với đội nhóm… Bằng cách kể lại các trải nghiệm trước đây và cách mà bản thân đã vượt qua thử thách, ứng viên sẽ cho thấy mức độ đáp ứng yêu cầu công việc mới.

Đánh giá mức độ phù hợp với vai trò tư vấn viên

McKinsey là một công ty chuyên về tư vấn, bởi vậy PEI có vai trò đánh giá toàn diện mức độ phù hợp của ứng viên đối với vị trí tư vấn. PEI giúp ứng viên bộc lộ kỹ năng giao tiếp, tư duy coi khách hàng là trung tâm, trí tuệ cảm xúc, Qua đó người phỏng vấn sẽ thấy được toàn bộ năng lực liên quan giải quyết vấn đề, tư vấn cho khách hàng trong thực tế, từ đó có cơ sở đánh giá ứng viên toàn diện hơn, đưa ra quyết định chính xác hơn.

banner amis tuyển dụng

4. Những câu hỏi Personal Experience Interview thường gặp

Câu hỏi về khả năng lãnh đạo

  • Cho tôi một ví dụ về tình huống mà bạn đã thể hiện khả năng lãnh đạo.
  • Kể cho tôi về một tình huống mà bạn đã làm việc thành công với những người có nền tảng khác nhau.
  • Bạn đã gặp tình huống trong nhóm xảy ra xung đột khiến việc thực hiện mục tiêu bị cản trở chưa? Bạn giải quyết tình huống đó như thế nào?
  • Hãy kể về cách bạn tạo động lực cho những người trong nhóm làm việc của mình.

Câu hỏi về tầm ảnh hưởng cá nhân

  • Mô tả một trải nghiệm mà kỹ năng giao tiếp đã giúp bạn vượt qua khó khăn
  • Đã bao giờ bạn thuyết phục được người khác không thuộc quyền hạn của mình? Hãy kể về tình huống đó.
  • Theo bạn, mọi người từng làm việc với bạn sẽ nhớ đến bạn vì điều gì?

Câu hỏi về vượt qua trở ngại

  • Kể về một sai lầm đáng nhớ trong công việc của bạn
  • Đã bao giờ bạn không đạt mục tiêu được giao? Bạn xử lý tình huống đó thế nào?
  • Hãy kể về một tình huống phức tạp và cách mà bạn vượt qua nó
  • Thành tựu nào khiến bạn tự hào nhất?

Câu hỏi về can đảm thay đổi

  • Bạn có thể mô tả một tình huống mà bạn gặp phải sự thay đổi đột ngột không? Bạn phản ứng như thế nào trước thay đổi đó?
  • Kể về tình huống khiến bạn phải bước khỏi “vùng an toàn” và đối mặt với thay đổi lớn.

5. Cách chuẩn bị cho McKinsey PEI

McKinsey PEI là gì
Làm thể nào để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn tốt nhất?

Với một số câu hỏi trên, ứng viên có thể hình dung được những gì mình sẽ trải qua trong buổi phỏng vấn PEI. Nếu bạn là một ứng viên, để chuẩn bị một cách tốt nhất cho buổi trao đổi, hãy làm theo các bước sau:

Bước 1: Xác định những câu chuyện nổi bật từ trải nghiệm cá nhân và các công việc trước đây. Hãy chọn ra khoảng 6-8 câu chuyên mà bạn có ấn tượng nhất hoặc tác động đến bản thân nhiều nhất. Nên có nhiều câu chuyện để trả lời cho nhiều câu hỏi, để thể hiện bản thân một cách đa dạng theo 4 khía cạnh mà PEI hướng đến và có chiều sâu hơn, thay vì chỉ lặp đi lặp lại một câu chuyện.

Bước 2: Ghi lại chi tiết những tình huống, câu chuyện, càng cụ thể càng tốt. Lưu ý những chi tiết như ai tham gia cùng bạn, điểm mấu chốt hoặc bước ngoặt là gì, cách mọi người và bạn phản ứng khi tình huống đó diễn ra.

Bước 3: Tự kể lại câu chuyện bằng lời trước gương hoặc trước một người hỗ trợ. Cần chú ý giọng điệu và sự tự nhiên. Câu chuyện chỉ nên gói gọn trong 1-2 phút, tập trung vào ý chính, tránh lan man. Bởi người phỏng vấn sẽ hỏi bạn những vấn đề họ quan tâm bất cứ lúc nào.

Bước 4: Khi được hỏi một câu trong PEI, hãy cố gắng lướt qua những câu chuyện đã chuẩn bị trong đầu và chọn ra một phương án phù hợp nhất. Bạn hãy điều chỉnh câu chuyện một chút nếu cần thiết để làm nổi bật phẩm chất mà người phỏng vấn đang mong chờ bạn thể hiện.

6. Bí quyết trả lời câu hỏi McKinsey PEI

Để trả lời những câu hỏi PEI hiệu quả, có một công thức để các ứng viên áp dụng đó là SPAR.

 mckinsey pei là gì
Trả lời câu hỏi theo SPAR

S – Summary (Tóm tắt): Tóm gọn câu chuyện hoặc tình huống trong 1 câu để thu hút sự chú ý.

Ví dụ: Tôi sẽ chia sẻ về dự án kinh doanh mà tôi phụ trách giúp tăng 150% doanh số trong 1 tháng nhờ thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng.

P – Problem (Vấn đề): Mô tả vấn đề, nên liệt kê rõ ràng tất cả các vấn đề.

Ví dụ: Doanh số đang giảm 3 tháng liên tiếp, khách hàng cũ không gia hạn, số lượng khách hàng mới không tăng.

A – Action (Hành động): Tập trung làm nổi bật những hành động của cá nhân bạn nhằm thay đổi vấn đề. Cần kể nhanh cách thức bạn đã thực hiện thế nào và vì sao bạn lại làm thế. Lưu ý rằng hãy tập trung vào cá nhân bạn thay vì đội nhóm hay tổ chức.

Ví dụ: Nhận thấy khách hàng chưa được chăm sóc kỹ và tiếp cận đúng cách, tôi đã đề xuất với đội kinh doanh về việc thay đổi cách tiếp cận khách hàng, từ 1 tháng 1 lần sang hàng tuần, đẩy mạnh các tương tác online.

R – Result (Kết quả): Nhấn mạnh kết quả đã đạt mục tiêu chưa, so sánh với trước đó, kể về những tác động của kết quả đó đối với đội nhóm hoặc tổ chức. Đừng quên rút ra những kinh nghiệm quan trọng từ câu chuyện vừa rồi và sự thay đổi của bản thân.

Ví dụ: Doanh số của nhóm tăng gấp rưỡi so với tháng trước, trong đó doanh số từ khách hàng gia hạn chiếm 30%. Cách thức của tôi được nhân rộng sang các nhóm kinh doanh khác. Tôi học được cách khai thác cơ hội theo nhiều góc nhìn khác nhau, thuyết phục toàn bộ đội nhóm đồng lòng thực hiện triển khai phương án nhanh chóng.

Mặc dù các nhà tuyển dụng thực hiện PEI nhằm tìm ra những cá nhân xuất sắc với thành tích nổi bật, tuy nhiên ứng viên cũng không nên quá khoe khoang hay phóng đại kết quả. Hãy tập trung vào những điều thực tế đã xảy ra, kể lại câu chuyện với giọng điệu khách quan, trung thực. 

7. Những sai lầm thường gặp khi trả lời PEI

Khi trả lời câu hỏi PEI, nhiều ứng viên mắc phải những sai lầm khiến họ không thể hiện được bản thân một cách tốt nhất trước nhà tuyển dụng. Dưới đây là những lỗi phổ biến mà bạn cần tránh để tăng cơ hội thành công.

Phóng đại quá mức hoặc bịa đặt: Một số ứng viên có xu hướng phóng đại thành tích hoặc bịa đặt chi tiết để làm câu chuyện hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia phỏng vấn rất giỏi trong việc nhận ra những điểm không thực tế. Điều này có thể khiến bạn mất điểm nghiêm trọng.

Câu trả lời thiếu chi tiết: Việc cung cấp thông tin chung chung mà không có ví dụ cụ thể sẽ khiến câu chuyện của bạn kém thuyết phục. Nhà tuyển dụng cần thấy rõ vai trò, hành động và kết quả mà bạn đạt được trong từng tình huống.

Câu trả lời thiếu tính hệ thống: Một câu trả lời lộn xộn, không mạch lạc, không có cấu trúc cụ thể sẽ khiến người phỏng vấn khó theo dõi và hiểu được thông điệp chính. 

Không thể hiện được yếu tố cốt lõi: Mỗi câu hỏi PEI đều nhắm đến một kỹ năng hoặc giá trị cụ thể. Nếu câu trả lời không làm nổi bật yếu tố này, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội chứng minh năng lực quan trọng của mình.

Sử dụng thời gian chưa hợp lý: Dành quá nhiều thời gian cho phần mô tả bối cảnh hoặc các chi tiết không liên quan có thể làm mất trọng tâm. Hãy tập trung vào hành động và kết quả để tối ưu hóa thời gian trả lời.

Không có sự chuẩn bị đủ kỹ lưỡng: Nhiều ứng viên không dành đủ thời gian để luyện tập với câu chuyện của mình. Điều này dẫn đến thiếu tự tin và khó khăn trong việc trả lời các câu hỏi bất ngờ.

8. Kết luận

Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ McKinsey PEI là gì. Đây chính là cơ hội để các ứng viên chứng minh năng lực và sự phù hợp của mình với văn hóa làm việc tại McKinsey. Bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng và xây dựng những câu chuyện ấn tượng, bạn có thể tạo dấu ấn mạnh mẽ với nhà tuyển dụng. Hãy xem đây là bước quan trọng giúp bạn đến gần hơn với cơ hội làm việc tại một trong những công ty tư vấn hàng đầu thế giới.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả