Mô hình HPWS là gì và ứng dụng trong quản trị nguồn nhân lực

23/04/2024
219

Hiện nay, việc áp dụng mô hình HPWS (High Performance Work Systems) trong quản trị nguồn nhân lực đã và đang trở thành chìa khóa giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút nhân tài và xây dựng lợi thế cạnh tranh vững chắc trong một thế giới kinh doanh đầy biến động.

Vậy mô hình HPWS là gì? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra góc nhìn toàn diện về mô hình này, từ khái niệm, các yếu tố chính đến cách triển khai để mang lại lợi ích tốt nhất cho cả cá nhân và doanh nghiệp.

1. Mô hình HPWS là gì?

mô hình HPWS
Mô hình HPWS tập trung vào hiệu suất

Mô hình HPWS (High Performance Work System) là một mô hình chiến lược quản trị nhân sự nhằm tạo ra hiệu suất làm việc cao, thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố cốt lõi tới năng suất chung của tổ chức. Mô hình HPWS, được phát triển bởi Huselid vào năm 1995. Mô hình này là hệ thống những thông lệ tốt nhất (best practices) có thể áp dụng cho hoạt động quản trị nhân sự, bao gồm các chính sách và quy trình công việc như tuyển dụng, đào tạo, phát triển, đánh giá, khen thưởng…

Mục tiêu của HPWS là gợi ý cho doanh nghiệp những hoạt động nên làm để nâng cao kỹ năng, kiến ​​thức, động lực của nhân viên, giúp họ tối ưu năng suất làm việc, đồng thời tăng cường sự gắn kết với công ty, qua đó thúc đẩy sự phát triển chung và thành công của doanh nghiệp. Theo Huselid, mô hình HPWS phù hợp với tất cả các doanh nghiệp, bất kể chiến lược kinh doanh họ theo đuổi là gì.

2. 5 yếu tố chính của Mô hình HPWS

mô hình HPWS

Mô hình HPWS bao gồm 5 yếu tố chính:

  • Tuyển dụng kỹ lưỡng: Các công ty sử dụng mô hình HPWS sẽ chú trọng đầu tư vào công tác tuyển dụng. Việc tuyển đúng những cá nhân có kỹ năng và năng lực phù hợp được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Có thể nói, đội ngũ nhân sự chính là lời giải cho bài toán thịnh suy của một tổ chức.
  • Đào tạo và Phát triển: Mô hình HPWS đặc biệt chú trọng vào sự phát triển của nhân viên. Theo thống kê của FindStack năm 2022, 93% các doanh nghiệp trên toàn thế giới đã xây dựng kế hoạch đào tạo nội bộ như một chiến lược phát triển lâu dài. Doanh nghiệp có thể triển khai đa dạng các chương trình đào tạo, hội thảo,… tạo ra môi trường học tập liên tục để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đội ngũ của mình.
  • Quản lý hiệu suất: Các công ty sử dụng mô hình HPWS để đánh giá nhân viên một cách công bằng và liên tục. Để thúc đẩy năng suất và khích lệ nhân viên phát huy tối đa khả năng của mình, doanh nghiệp cần xây dựng các tiêu chí làm việc một cách rõ ràng minh bạch, thường xuyên đưa ra các đánh giá về kết quả công việc, cũng như ghi nhận và khen thưởng kịp thời thành tích của nhân sự.
  • Trao quyền cho nhân viên: Mô hình HPWS khuyến khích việc trao cho nhân viên quyền tự chủ, đóng góp ý kiến và ra quyết định. Quá trình này nhấn mạnh việc thiết lập môi trường làm việc tích cực, tạo cơ hội để nhân sự “có tiếng nói” trong công tác vận hành doanh nghiệp. Điều này làm tăng tính cam kết và gắn bó của họ đối với tổ chức.
  • Chính sách đãi ngộ và khen thưởng: Mô hình HPWS đề cao doanh nghiệp có cơ cấu lương thưởng minh bạch, có tính cạnh tranh, kết hợp với sự công nhận và khen thưởng dựa trên kết quả, sẽ là nền tảng giúp xây dựng một văn hóa làm việc hiệu suất cao.

3. Cách triển khai mô hình HPWS trong quản trị nguồn nhân lực

Doanh nghiệp cần sử dụng bảng hỏi sau để đánh giá hiện trạng công ty. Với kết quả đánh giá này, doanh nghiệp sẽ lên được kế hoạch và chiến lược nhân sự phù hợp với mô hình HPWS:

  1. Bao nhiêu phần trăm nhân lực được tham gia vào chương trình chia sẻ thông tin chính thức, như thư thông báo?
  2. Bao nhiêu phần trăm nhân lực có phân tích và mô tả công việc chính thức?
  3. Bao nhiêu phần trăm các công việc cơ bản (thấp nhất) được tuyển dụng trong những năm gần đây?
  4. Bao nhiêu phần trăm nhân lực được khảo sát mức độ hài lòng thường xuyên?
  5. Bao nhiêu phần trăm nhân lực tham gia vào các chương trình chất lượng cuộc sống (Quality of Work Life), nhóm chất lượng (QC) và/hoặc các nhóm quản lý lao động?
  6. Bao nhiêu phần trăm nhân lực được tiếp cận các kế hoạch thưởng khuyến khích, chia sẻ lợi nhuận, và/hoặc chia sẻ lợi ích của công ty?
  7. Công ty dành bao nhiêu giờ đào tạo cho một nhân viên bình thường trong vòng một năm qua?
  8. Bao nhiêu phần trăm nhân lực tiếp cận quy trình khiếu nại và/hoặc hệ thống giải quyết khiếu nại chính thức?
  9. Bao nhiêu phần trăm nhân lực tham gia vào kỳ thi tuyển dụng trước khi được tuyển?
  10. Bao nhiêu phần trăm nhân lực được trả lương thưởng dựa trên kết quả đánh giá thành tích?
  11. Bao nhiêu phần trăm nhân lực nhận được đánh giá thành tích chính thức?
  12. Quy tắc ra quyết định đề bạt nào dưới đây được sử dụng thường xuyên nhất?
  13. Chỉ dựa trên kết quả đánh giá thành tích
  14. Chỉ dựa trên thâm niên nếu kết quả đánh giá thành tích là như nhau
  15. So sánh thâm niên giữa các nhân viên đáp ứng thành tích tối thiểu
  16. Thâm niên
  17. Đối với năm vị trí mà công ty bạn tuyển gần đây nhất, bình quân có bao nhiêu ứng viên đáp ứng yêu cầu?

Nguồn: Huselid & Becker (1995)

mô hình HPWS
Xác định những vấn đề hiện tại qua bảng hỏi

Với kết quả khảo sát từ bảng hỏi, doanh nghiệp sẽ xác định được sức mạnh nội tại và những điểm còn thiếu sót của hệ thống quản trị nhân sự, xét trên 5 tiêu chí:

  • Tuyển dụng kỹ lưỡng
  • Đào tạo và phát triển
  • Quản lý hiệu suất
  • Trao quyền cho nhân viên
  • Chính sách đãi ngộ và khen thưởng

Khi biết được sức mạnh nội tại của mình, doanh nghiệp sẽ bắt đầu xây dựng chiến lược nhân sự phù hợp với mô hình HPWS.

Theo một nghiên cứu của Alison M. Konrad vào năm 2006, dựa trên việc phân tích 132 công ty sản xuất của Hoa Kỳ, các công ty sử dụng mô hình HPWS có năng suất lao động cao hơn đáng kể so với đối thủ cạnh tranh của họ. Khi nhân viên được trao quyền, họ sẽ cảm thấy được tin tưởng, chủ động và làm việc hiệu quả hơn.

4. Kết luận

Bằng cách áp dụng hiệu quả mô hình HPWS, các doanh nghiệp có thể giúp đội ngũ nhân sự phát huy tối đa khả năng của mình, từ đó tăng năng suất lao động, sự hài lòng và gắn kết của nhân viên với công ty. Việc áp dụng mô hình HPWS không chỉ đem lại lợi ích cho mỗi cá nhân mà còn giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và tạo ra lợi thế cạnh tranh vững chắc. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho các nhà quản lý nhân sự những kiến thức hữu ích để triển khai và xây dựng chiến lược nhân sự phù hợp với doanh nghiệp mình. 

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả