Tài chính - kế toán Kế toán Hộ kinh doanh Thủ tục giải thể hộ kinh doanh cá thể chi tiết

Có nhiều lý do khiến hộ kinh doanh đưa ra quyết định giải thể hay chấm dứt hoạt động như khó khăn trong quá trình kinh doanh hay chuyển đổi mô hình hoạt động. Trong bài viết này, MISA sẽ chia sẻ với bạn về thủ tục giải thể hộ kinh doanh chi tiết và những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện.

1. Hình thức thực hiện

Hộ kinh doanh có thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh theo 2 hình thức:

Trường hợp đăng ký trực tiếp

– Khi chấm dứt hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh cần phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký

– Hộ kinh doanh cần có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác. 

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiến hành xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh

Trường hợp đăng ký qua mạng điện tử sử dụng chữ ký số

– Người nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tiến hành kê khai thông tin, tải văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. 

– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trả giấy biên nhận hồ sơ và kết quả giải quyết thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cho người nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử theo đúng quy trình trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh. 

Cách thức thực hiện

Hộ kinh doanh tiến hành nộp hồ sơ cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký kinh doanh theo các phương thức:

– Đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh

– Đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử

2. Hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

–  Thành phần hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh bao gồm:

+ Thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh

+ Thông báo về việc chấm dứt hiệu lực mã số thuế của Cơ quan thuế

+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia định đăng ký hộ kinh doanh

+ Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

–  Thời hạn giải quyết chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

– Cơ quan thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện

– Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh

– Kết quả thực hiện thủ tục hành chính chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện ghi nhận việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

– Lệ phí chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Không có

– Mẫu đơn, mẫu tờ khai chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh: Thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh (Phụ lục iii-5, Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)

Xem thêm: Cách tra cứu mã số thuế Hộ kinh doanh

3. Điều kiện và yêu cầu thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh

– Đầy đủ hồ sơ hợp lệ

– Hộ kinh doanh có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản nợ, bao gồm cả nợ thuế và nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh và chủ nợ có thỏa thuận khác

– Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu:

+ Đầy đủ giấy tờ nội dung giấy tờ được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử cần phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy

Chủ hộ và các thành viên hộ gia đình hoặc cá nhân khác thực hiện ký tên trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét văn bản theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều 5g (bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT)

– Thông tin đăng ký hộ kinh doanh được kê khai trên hệ thống thông tin về đăng ký hộ kinh doanh cần phải được nhập đầy đủ và chính xác theo các thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bằng bản giấy, trong đó thông tin về số điện thoại, thu điện tử của người nộp hồ sơ

– Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải được xác thực bằng chữ ký số của chủ hộ kinh doanh hoặc người được chủ hộ ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh. 

Trong trường hợp ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh qua mạng thông tin điện tử phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 84 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.

4. Mức phạt đối với hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động không thông báo

Hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động nhưng không thông báo có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP với mức phạt như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

+ Không báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện

+ Thay đổi chủ hộ nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký

+ Tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký

+ Chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo

+ Chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

+ Thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo

+ Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.

Trong trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

– Ngoài việc xử phạt tiền, hộ kinh doanh chấm dứt hoạt động nhưng không thông báo còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và buộc thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện đối với hành vi vi phạm. 

Trên đây là những điều cần lưu ý về thủ tục giải thể (chấm dứt) hoạt động hộ kinh doanh mà MISA muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng rằng những chia sẻ trên có thể giúp hộ kinh doanh hiểu rõ và thực hiện đúng, đủ quy trình cần thiết. 

Xem thêm:

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]