Tài chính - kế toán Kế toán Hộ kinh doanh Quy định về giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh khi bắt đầu hoạt động kinh doanh bắt buộc phải có giấy chứng nhận hộ kinh doanh theo đúng quy định. Dưới đây là những quy định về giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh kinh doanh hay giấy phép hộ kinh doanh mà MISA AMIS muốn chia sẻ với bạn.

1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Căn cứ Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh sẽ được cấp khi hộ kinh doanh đáp ứng được các điều kiện:

  • Ngành nghề đăng ký kinh doanh không phải là ngành nghề bị cấm
  • Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định 01/2021/NĐ-CP

” 1. Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Cụm từ “Hộ kinh doanh”;

b) Tên riêng của hộ kinh doanh.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.

2. Không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc để đặt tên riêng cho hộ kinh doanh.

3. Hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” để đặt tên hộ kinh doanh.

4. Tên riêng hộ kinh doanh không được trùng với tên riêng của hộ kinh doanh đã đăng ký trong phạm vi cấp huyện.

  • Đầy đủ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ
  • Đảm bảo nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định”

Xem thêm: Quy định về ngành nghề kinh doanh hộ cá thể

2. Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Mẫu 1: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Theo Phụ lục VI-1 ban hành kèm theo Thông tưsố 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 4 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021

Mẫu 1: Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: Tải tại đây

Mẫu 2: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh dùng trong trường hợp cấp lại do mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác

Theo Phụ lục VI-4 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18 tháng 4 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 3 năm 2021

Mẫu 2: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh dùng trong trường hợp cấp lại do mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác: Tải tại đây

3. Thẩm quyền cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Căn cứ Điều 14, 16 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền cấp, cấp lại và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.

Hộ kinh doanh có thể nhận Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện hoặc đăng ký, trả phí nếu nhận qua đường bưu điện.

Hộ kinh doanh có quyền yêu cầu Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và nộp phí theo quy định.

4. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận trong các trường hợp:

  • Nội dung được kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh là giả mạo
  • Ngừng hoạt động kinh doanh quá 6 tháng liên tục mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đăng ký và Cơ quan thuế
  • Kinh doanh các ngành, nghề bị cấm
  • Hộ kinh doanh được thành lập bởi những người không được quyền thành lập hộ kinh doanh:

“a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

c) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.”

  • Hộ kinh doanh không gửi báo cáo theo quy định tại khoản 6 Điều 16 NĐ 01/2021/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu văn bản
  • Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật

5. Các trường hợp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Hộ kinh doanh được đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp: mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới các hình thức khác

Hộ kinh doanh khi đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cần thực hiện theo các bước:

  • Bước 1: Hộ kinh doanh gửi văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở kinh doanh

  • Bước 2: Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện xem xét cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận văn bản đề nghị

6. Lệ phí đăng ký hộ kinh doanh

Theo Thông tư 85/2019/TT/BTC, lệ phí đăng ký kinh doanh thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Lệ phí đăng ký kinh doanh là khoản thu khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, chứng nhận đăng ký liên hiệp hợp tác xã.

Do đó, mức thu lệ phí đăng ký hộ kinh doanh sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nên mỗi tỉnh sẽ có quy định riêng về lệ phí đăng ký hộ kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với việc, mức lệ phí đăng ký hộ kinh doanh ở các tỉnh khác nhau có thể sẽ khác nhau.

7. Kiểm tra Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

Sau khi đăng ký thành công, chủ kinh doanh cần kiểm tra thông tin trên giấy chứng nhận. Trong trường hợp phát hiện sai lệch so với hồ sơ đăng ký thì có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh không được tự ý sửa, cạo hay viết thêm,… làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Trong trường hợp thông tin đăng ký đã chính xác và đầy đủ, hộ kinh doanh có thể yêu cầu Cơ quan đăng ký cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và tiến hành nộp phí theo quy định.

8. Hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh hộ cá thể

Hồ sơ đăng ký giấy phép kinh doanh hộ cá thể bao gồm:

  • Giấy phép đăng ký kinh doanh hộ cá thể
  • Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ
  • Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh (không cần công chứng)

Trong trường hợp các thành viên hộ gia đình cùng góp vốn đăng ký hộ kinh doanh thì trong thủ tục đăng ký giấy phép hộ kinh doanh cần bổ sung các giấy tờ:

  • Bản sao CMND/CCCD/ hộ chiếu của thành viên hộ gia đình
  • Bảo sao hợp lệ biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh
  • Bản sao hợp lệ văn bản ủy quyền của các thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ
  • Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có)
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề (nếu có)

Sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ, bạn có thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh để đăng ký hồ sơ hoặc nộp hồ sơ online tại trang dịch vụ công của Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/ thành phố

Hồ sơ sẽ được chuyển tiếp về Phòng Tài chính – Kế hoạch/ Phòng kinh tế của UBND quận, huyện liên quan để xét duyệt hồ sơ.

Nếu hồ sơ của bạn cần chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan cấp giấy phép sẽ thông báo bằng văn bản đến hộ kinh doanh để chỉnh sửa. Mặt khác, nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký giấy phép kinh doanh sẽ gửi thông báo hẹn ngày lấy giấy phép.

Đối với hồ sơ không được xét duyệt, cơ quan cấp giấy sẽ thông báo lý do và lệ phí giải quyết hồ sơ là 100.000đ/ lần.

Trên đây là những yếu tố quan trọng về Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh mà MISA AMIS muốn chia sẻ đến bạn. Chúng tôi hy vọng rằng, những chia sẻ trên có thể giúp bạn hiểu rõ và nắm vững quy trình nộp hồ sơ đăng ký chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đúng và đủ nhất.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]