Báo cáo quyết toán hải quan là gì? Thời hạn nộp báo cáo quyết toán hải quan hàng năm là khi nào? Cách lập báo cáo hải quan như thế nào? Tất cả những câu hỏi này sẽ được MISA AMIS chia sẻ với bạn đọc trong bài viết dưới đây.
1. Báo cáo quyết toán hải quan là gì?
Báo cáo quyết toán hải quan là báo cáo về tình hình sử dụng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu mà các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, gia công và chế xuất bắt buộc phải thực hiện và nộp cho cơ quan hải quan.
2. Đối tượng, thủ tục quy định liên quan đến BCQT Hải quan
2.1 Đối tượng phải làm báo cáo quyết toán hải quan
Đối tượng phải làm báo cáo quyết toán hải quan cuối năm bao gồm các tổ chức cá nhân sau:
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu
+ Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động gia công với thương nhân nước ngoài
+ Doanh nghiệp chế xuất (DNCX)
(theo quy định tại Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC).
2.2 Thủ tục quy định liên quan đến BCQT Hải quan
Các nội dung cần lưu ý khi thực hiện báo cáo tài chính hải quan gồm:
2.2.1. Thời hạn nộp báo cáo quyết toán hải quan
– Định kỳ hàng năm, chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính, người khai hải quan nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hoá xuất khẩu trong năm tài chính cho cơ quan hải quan.
– Trường hợp có sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán thì:
Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán nhưng trước thời điểm cơ quan hải quan ban hành quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, tổ chức, cá nhân phát hiện sai sót trong việc lập báo cáo quyết toán thì được sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán và nộp lại cho cơ quan hải quan.
Hết thời hạn 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán hoặc sau khi cơ quan hải quan quyết định kiểm tra báo cáo quyết toán, kiểm tra sau thông quan, thanh tra mà tổ chức, cá nhân mới phát hiện sai sót trong việc lập báo cáo quyết toán thì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung báo cáo quyết toán với cơ quan hải quan và bị xử lý theo quy định pháp luật về thuế, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. (căn cứ theo điểm b mục 2 Khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).
– Trường hợp doanh nghiệp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển nơi làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư: Tổ chức, cá nhân nộp báo cáo quyết toán chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc trước khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, chuyển nơi làm thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, vật tư cho Chi cục Hải quan nơi đã thông báo cơ sở sản xuất theo quy định thông qua Hệ thống. (căn cứ theo Điều 56 Thông tư 39/2018/TT-BTC)
Đọc thêm: Lưu ý về thời hạn nộp các loại thuế năm 2023 để tránh bị phạt
2.2.2. Địa điểm nộp báo cáo quyết toán hải quan
Tại Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu hoặc Chi cục Hải quan quản lý doanh nghiệp chế xuất. (căn cứ theo quy định tại Điều 58, Thông tư 39/2018/TT-BTC)
2.2.3 Mức xử phạt chậm nộp báo cáo quyết toán hải quan
Doanh nghiệp, tổ chức bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi không nộp báo cáo quyết toán, báo cáo tình hình sử dụng hàng hóa miễn thuế đúng thời hạn quy định (căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 128/2020/NĐ-CP).
Lưu ý: Mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này.
Có thể bạn quan tâm: Tổng hợp các quy định và mức phạt vi phạm hành chính về kê khai và nộp thuế
2.2.4 Biểu mẫu báo cáo quyết toán hải quan
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng biểu mẫu báo cáo quyết toán hải quan số 15/BCQT-NVL/GSQL để kê khai báo cáo quyết toán hải quan.
Tải biểu mẫu 15/BCQT-NVL/GSQL tại đây
3. Cách lập báo cáo quyết toán hải quan chuẩn
Dựa theo quy định về báo cáo quyết toán hải quan có liên quan và kinh nghiệm thực tế của nhóm tác giả khái quát lại thành quy trình khai báo quyết toán hải quan như sau:
Hướng dẫn chi tiết cách lập báo cáo quyết toán hải quan:
Lập biểu mẫu quyết toán hải quan có nhiều loại mỗi loại lại có cách lập khác nhau nhưng chúng ta có thể tóm tắt lại các trường hợp lập báo cáo quyết toán hải quan chính như sau:
Các bạn hãy cùng đi tìm hiểu chi tiết từng loại hình quyết toán hải quan dưới đây để hiểu rõ hơn.
3.1. Báo cáo quyết toán sản xuất xuất khẩu
Để báo cáo quyết toán sản xuất xuất khẩu hải quan các bạn sử dụng mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL trong Thông tư 39/2018/TT-BTC, chi tiết cách lập các chỉ tiêu trên báo cáo này như sau:
Hướng dẫn cách lập mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL:
– Thông tin nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư
Thông tin nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư được lập trên cơ sở quản lý theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên hệ thống sổ sách kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính và theo nguồn nhập kho.
– Hướng dẫn chỉ tiêu lập báo cáo quyết toán:
STT cột | Nội dung | Lưu ý |
(2) | Mã của nguyên liệu, vật tư do doanh nghiệp tự xây dựng để quản lý nhập – xuất – tồn kho, quản lý sản xuất | Lưu ý sử dụng mã theo quản trị của doanh nghiệp khi khai báo trên tờ khai hải quan. Trường hợp tổ chức, cá nhân có sử dụng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm khác với mã đã khai báo trên tờ khai hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, xuất khẩu sản phẩm thì phải xây dựng, lưu giữ bảng quy đổi tương đương giữa các mã. |
(4) | Đơn vị tính của nguyên liệu, vật tư | Lưu ý đơn vị tính này được sử dụng trong quản lý sản xuất, giao dịch mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài và được khai trên tờ khai hải quan. |
(5) | Lượng nguyên liệu, vật tư cuối kỳ trước | Là lượng nguyên liệu, vật tư cuối kỳ trước được chuyển sang kỳ báo cáo hiện tại |
(6) | Lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công nhập kho trong kỳ | Gồm lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu (bao gồm bán thành phẩm, thành phẩm để gắn với sản phẩm xuất khẩu thành sản phẩm đồng bộ) để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhập kho trong kỳ báo cáo; lượng nguyên liệu, vật tư nhận từ hợp đồng gia công khác chuyển sang; hàng nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan, đang đi trên đường chưa nhập kho tại cuối kỳ báo cáo; nhập lại kho khi dư thừa trên dây chuyền sản xuất; nhập kho sau khi thuê gia công lại; lượng nguyên liệu, vật tư của DNCX không làm thủ tục hải quan. |
(7) | Lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công nhưng phải xuất trả đối tác ở nước ngoài hoặc nước thứ 3. | Là lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng phải xuất trả đối tác ở nước ngoài, xuất sang nước thứ 3 hoặc xuất vào khu phi thuế quan, DNCX hoặc chuyển nguyên liệu, vật tư từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công cùng hoặc khác đối tác nhận gia công. |
(8) | Lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công nhưng không được sử dụng vào sản xuất hàng xuất khẩu mà tiêu thụ nội địa | Là lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng không được sử dụng vào sản xuất hàng xuất khẩu mà được chuyển mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa, tiêu hủy (trường hợp tiêu hủy giải thích rõ tại cột số 12 và cung cấp hồ sơ kèm theo nếu có). |
(9) | Lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đưa vào để gia công | Là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế đưa vào để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu, bao gồm cả phần nguyên liệu, vật tư đưa đi gia công lại |
(10) | Lượng nguyên liệu, vật tư thực tế cấp bù do phần nguyên liệu, vật tư tiêu hao, hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm | Là lượng nguyên liệu, vật tư thực tế cấp bù do phần nguyên liệu, vật tư tiêu hao, hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm trong quá trình sản xuất; xuất chuyển tiếp từ hợp đồng gia công này sang hợp đồng gia công khác hoặc lượng nguyên liệu, vật tư xuất kho mà chưa được chi tiết tại các cột (7), (8), (9) bao gồm nguyên liệu, vật tư thiếu hụt, hư hỏng mất mát do thiên tai, hỏa hoạn,…. |
(11) | Lượng nguyên liệu tồn kho tại cuối kỳ | Là lượng nguyên liệu tồn kho tại cuối kỳ báo cáo. |
(12) | Số và ngày quyết định miễn thuế | Điền số/ngày quyết định miễn thuế đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư bị hỏng hóc, mất mát do thiên tai, hỏa hoạn… Và các thông tin khác (nếu có). |
(13) và (14) | Thông tin khi gặp sự cố | Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố, không tiếp nhận được báo cáo quyết toán thì phải điền đầy đủ thông tin tại ô này. |
Đọc thêm: Hướng dẫn 7 bước lập báo cáo tài chính cơ bản chi tiết
3.2. Báo cáo quyết toán hải quan loại hình gia công
Để báo cáo quyết toán hải quan loại hình gia công các bạn sử dụng mẫu số 15a/BCQT-SP/GSQL trong Thông tư 39/2018/TT-BTC, chi tiết cách lập các chỉ tiêu trên báo cáo này như sau:
Hướng dẫn cách lập Mẫu số 15a/BCQT-SP/GSQL:
– Thông tin nhập – xuất – tồn sản phẩm
Thông tin nhập – xuất – tồn sản phẩm được lập trên cơ sở quản lý theo dõi sản phẩm để xuất khẩu trên hệ thống sổ sách kế toán theo quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính và theo nguồn.
– Hướng dẫn chỉ tiêu lập báo cáo quyết toán:
STT cột | Nội dung | Lưu ý |
(2) | Mã của sản phẩm | Là mã của sản phẩm do doanh nghiệp tự xây dựng để quản lý nhập – xuất – tồn kho. Lưu ý sử dụng mã sản phẩm theo quản trị doanh nghiệp để khai báo trên tờ khai xuất khẩu. |
(4) | Đơn vị tính | Là đơn vị tính của sản phẩm được sử dụng trong quản lý sản xuất, giao dịch mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài và được khai trên tờ khai hải quan. |
(5) | Lượng sản phẩm tồn cuối kỳ trước | Là lượng sản phẩm tồn cuối kỳ trước được chuyển sang kỳ báo cáo hiện tại. |
(6) | Lượng sản phẩm nhập kho trong kỳ | Là lượng sản phẩm nhập kho trong kỳ báo cáo gồm sản phẩm do tổ chức, cá nhân sản xuất trong kỳ nhập kho thành phẩm; sản phẩm gia công lại; sản phẩm đã xuất khẩu nhưng bị khách hàng trả lại;… |
(7) | Lượng sản phẩm có sử dụng nguyên liệu, vật tư từ nguồn nhập khẩu để gia công xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà được chuyển mục đích | Là lượng sản phẩm có sử dụng nguyên liệu, vật tư từ nguồn nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà được chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, tiêu hủy (trường hợp tiêu hủy giải thích rõ tại cột số 11 và cung cấp hồ sơ kèm theo nếu có). |
(8) | Lượng sản phẩm có sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công | Cột (8): Là lượng sản phẩm có sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu thực tế đã xuất kho để xuất khẩu. |
(9) | Ghi bổ sung nếu chưa ghi chi tiết chỉ tiêu 7 và 8 | Trong trường hợp xuất kho chưa được chi tiết tại các cột (7), (8) bao gồm bao sản phẩm xuất kho để xuất khẩu nhưng chưa đăng ký tờ khai; xuất cho nghiên cứu sản phẩm, hư hỏng mất mát do thiên tai, hỏa hoạn… |
(10) | Lượng sản phẩm tồn tại kho cuối kỳ | Là lượng sản phẩm tồn tại kho cuối kỳ báo cáo. |
(11) | Điền số/ngày quyết định miễn thuế | Điền số/ngày quyết định miễn thuế đối với trường hợp nguyên liệu, vật tư bị hỏng hóc, mất mát do thiên tai, hỏa hoạn… và các thông tin khác (nếu có) |
(12) và (13) | Thông tin khi gặp sự cố | Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố, không tiếp nhận được báo cáo quyết toán thì phải điền đầy đủ thông tin tại ô này. |
Ghi chú khác: Hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa xuất kho thì ghi rõ số tờ khai hàng hóa xuất khẩu số…
Ví dụ: Hàng hóa xuất khẩu thuộc tờ khai số… chưa xuất kho.
MISA AMIS KẾ TOÁN – CÔNG CỤ LẬP BÁO CÁO QUYẾT TOÁN THUẾ HẢI QUAN CHUẨN NHẤT
3.3 Báo cáo quyết toán loại hình đặt gia công ở nước ngoài, DNCX
Để báo cáo quyết toán hải quan loại hình loại hình đặt gia công ở nước ngoài, DNCX các bạn sử dụng mẫu số 15b/BCQT-NLVTNN/GSQL trong Thông tư 39/2018/TT-BTC, chi tiết cách lập các chỉ tiêu trên báo cáo này như sau:
Hướng dẫn cách lập Mẫu số 15b/BCQT-NLVTNN/GSQL:
– Thông tin nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư
Thông tin nhập – xuất – tồn kho nguyên liệu, vật tư được lập trên cơ sở quản lý theo dõi nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu trên hệ thống sổ sách kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính và theo nguồn nhập kho.
– Số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán là số liệu theo dõi, quản lý tại kho của tổ chức, cá nhân đặt gia công.
– Hướng dẫn chỉ tiêu lập báo cáo quyết toán:
STT cột | Nội dung | Lưu ý |
(2) | Mã của nguyên liệu, vật tư | Là mã của nguyên liệu, vật tư do doanh nghiệp tự xây dựng để quản lý nhập – xuất – tồn kho, quản lý sản xuất. Lưu ý, sử dụng mã theo quản trị của doanh nghiệp khi khai báo trên tờ khai hải quan; |
(4) | Đơn vị tính | Là đơn vị tính của nguyên liệu, vật tư được sử dụng trong quản lý sản xuất, giao dịch mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài và được khai trên tờ khai hải quan; |
(5) | Lượng nguyên liệu, vật tư cuối kỳ trước | Là lượng nguyên liệu, vật tư cuối kỳ trước được chuyển sang kỳ báo cáo hiện tại. |
(6) | Lượng nguyên liệu, vật tư tái nhập | Là lượng nguyên liệu, vật tư tái nhập sau khi đã xuất khẩu để thuê gia công. |
(7) | Lượng nguyên liệu, vật tư mua tại nội địa, nước ngoài | Là lượng nguyên liệu, vật tư mua tại nội địa, nước ngoài, DNCX để làm nguyên liệu, vật tư cho hoạt động đặt gia công. |
(8) | Lượng nguyên liệu, vật tư xuất kho | Là lượng nguyên liệu, vật tư xuất kho để xuất khẩu dùng cho sản xuất sản phẩm. |
(9) | Lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất khẩu nhưng được bán, biếu, tặng, tiêu hủy | Là lượng nguyên liệu, vật tư đã xuất khẩu nhưng được bán, biếu, tặng, tiêu hủy, thiên tai, hỏa hoạn tại nước ngoài, DNCX, khu phi thuế quan |
(10) | Lượng nguyên liệu tồn tại kho cuối kỳ | Là lượng nguyên liệu tồn tại kho cuối kỳ báo cáo. |
(12) và (13) | Thông tin khi gặp sự cố | Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố, không tiếp nhận được báo cáo quyết toán thì phải điền đầy đủ thông tin tại ô này. |
Ghi chú khác:
+ Hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa xuất kho thì ghi rõ số tờ khai hàng hóa xuất khẩu số…
+ Các ghi chú khác (nếu có)
3.4 Báo cáo quyết toán tình hình nhập khẩu sản phẩm gia công tại nước ngoài hoặc tại DNCX
Để báo cáo quyết toán hải quan về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư xuất khẩu để sản xuất hàng hóa gia công tại nước ngoài hoặc tại DNCX các bạn sử dụng mẫu số 15c/BCQT-SPNN/GSQL trong Thông tư 39/2018/TT-BTC, chi tiết cách lập các chỉ tiêu trên báo cáo này như sau:
Hướng dẫn cách lập mẫu số 15c/BCQT-SPNN/GSQL:
– Thông tin nhập – xuất – tồn kho sản phẩm
Thông tin nhập – xuất – tồn kho sản phẩm được lập trên cơ sở quản lý theo dõi sản phẩm nhập khẩu của hàng hóa đặt gia công nước ngoài trên hệ thống sổ sách kế toán theo các quy định về chế độ kế toán của Bộ Tài chính và theo nguồn nhập kho.
– Số liệu thể hiện trên báo cáo quyết toán là số liệu theo dõi, quản lý tại kho của tổ chức, cá nhân đặt gia công.
– Hướng dẫn chỉ tiêu lập báo cáo quyết toán:
STT cột | Nội dung | Lưu ý |
(2) | Mã của sản phẩm | Là mã của sản phẩm do doanh nghiệp tự xây dựng để quản lý nhập – xuất – tồn kho.
Lưu ý, sử dụng mã theo quản trị của doanh nghiệp khi khai báo trên tờ khai hải quan; |
(4) | Là đơn vị tính | Là đơn vị tính của sản phẩm được sử dụng trong quản lý sản xuất, giao dịch mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài và được khai trên tờ khai hải quan; |
(5) | Lượng sản phẩm cuối kỳ | Là lượng sản phẩm cuối kỳ trước được chuyển sang kỳ báo cáo hiện tại; |
(6) | Lượng sản phẩm gia công nhập khẩu | Là lượng sản phẩm gia công nhập khẩu từ nước ngoài, DNCX, khu phi thuế quan |
(7) | Lượng sản phẩm gia công xuất kho | Là lượng sản phẩm gia công xuất kho trong kỳ. |
(8) | Lượng sản phẩm tồn tại kho cuối kỳ | Là lượng sản phẩm tồn tại kho cuối kỳ báo cáo. |
(9) | Lượng sản phẩm chuyển mục đích sử dụng | Khai lượng sản phẩm chuyển mục đích sử dụng, bán, biếu, tặng, tiêu hủy tại nước ngoài, DNCX, khu phi thuế quan và các ghi chú có liên quan khác (nếu có). |
(10) và (11) | Thông tin khi gặp sự cố | Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố, không tiếp nhận được báo cáo quyết toán thì phải điền đầy đủ thông tin tại ô này. |
3.5 Lưu ý lập định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu
Để có thể báo cáo quyết toán hải quan được đầy đủ thì ngoài những báo cáo trên nếu doanh nghiệp của bạn sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì cần lập thêm định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu.
Hướng dẫn cách lập Mẫu số 16/DMTT-GSQL:
STT cột | Nội dung |
Lưu ý |
(2) | Mã sản phẩm xuất khẩu | Mã sản phẩm xuất khẩu tại cột này phải thống nhất với mã sản phẩm đã khai trên tờ khai hải quan |
(3) | Tên sản phẩm xuất khẩu | Tên sản phẩm xuất khẩu tại cột này phải thống nhất với tên sản phẩm xuất khẩu đã khai trên tờ khai hải quan |
(4) | Đơn vị tính của sản phẩm xuất khẩu | Đơn vị tính của sản phẩm xuất khẩu: sử dụng thống nhất với mã đơn vị tính doanh nghiệp quản lý tại nhà xưởng sản xuất, với đơn vị tính đã khai báo trên tờ khai hải quan. |
(5) | Mã của nguyên liệu, vật tư | Mã của nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả nhập khẩu, mua trong nước) để sản xuất ra 01 đơn vị sản phẩm. Trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì phải thống nhất với mã nguyên liệu, vật tư đã khai trên tờ khai hải quan |
(6) | Tên của nguyên liệu, vật tư | Tên của nguyên liệu, vật tư (bao gồm cả nhập khẩu, mua trong nước) để sản xuất ra 01 đơn vị sản phẩm. |
(7) | Đơn vị tính của nguyên liệu, vật tư | Đơn vị tính của nguyên liệu, vật tư: sử dụng thống nhất với mã đơn vị tính doanh nghiệp quản lý tại nhà xưởng sản xuất, với đơn vị tính đã khai báo trên tờ khai hải quan |
(8) | Lượng nguyên liệu, vật tư thực tế sử dụng | Lượng nguyên liệu, vật tư thực tế sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu bao gồm lượng nguyên liệu, vật tư cấu thành sản phẩm và lượng nguyên liệu, vật tư tiêu hao, tạo thành phế liệu, phế phẩm.
Định mức thực tế của một đơn vị sản phẩm theo từng nguyên liệu, vật tư = Tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã dùng để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu chia cho tổng số lượng sản phẩm thu được Trong đó: – Tổng lượng nguyên liệu, vật tư đã dùng để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu bằng tổng lượng nguyên liệu, vật tư đưa vào để sản xuất sản phẩm trừ lượng nguyên liệu vật tư thu hồi và lượng nguyên liệu, vật tư đang dở dang trên dây chuyền tính tới thời điểm xác định định mức để gia công, sản xuất sản phẩm xuất khẩu. – Tổng số lượng sản phẩm thu được: là tổng số lượng thu được cho tới thời điểm xác định định mức. |
(9) | Lựa chọn trường hợp nguyên liệu mua trong nước hoặc nhập khẩu | Trường hợp nguyên liệu mua trong nước điền “X”; trường hợp nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để trống; trường hợp vật tư không xây dựng được định mức điền “KXDĐM”. |
(10) và (11) | Thông tin khi gặp sự cố | Trường hợp hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan gặp sự cố, không tiếp nhận được báo cáo quyết toán thì phải điền đầy đủ thông tin tại ô này. |
Quyết toán thuế hải quan dễ dàng với MISA AMIS Kế toán
Bên cạnh tổng hợp các kiến thức hữu ích về kế toán để giúp kế toán doanh nghiệp dễ dàng tìm hiểu trong quá trình công tác, MISA đồng thời phát triển phần mềm kế toán mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác.
Anh/Chị kế toán doanh nghiệp hãy đăng ký phần mềm kế toán online MISA AMIS để thực tế trải nghiệm một giải pháp với nhiều tính năng, tiện ích như:
- Hệ sinh thái kết nối:
- Hoá đơn điện tử – cho phép xuất hoá đơn ngay trên phần mềm
- Ngân hàng điện tử – cho phép lấy sổ phụ, đối chiếu và chuyển tiền ngay trên phần mềm
- Cơ quan Thuế – cổng mTax cho phép nộp tờ khai, nộp thuế ngay trên phần mềm
- Hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự…
- Đầy đủ các nghiệp vụ kế toán: Đầy đủ 20 nghiệp vụ kế toán theo TT133 & TT200, từ Quỹ, Ngân hàng, Mua hàng, Bán hàng, Kho, Hóa đơn, Thuế, Giá thành,…
- Tự động nhập liệu: Tự động nhập liệu từ hóa đơn điện tử, nhập khẩu dữ liệu từ Excel giúp rút ngắn thời gian nhập chứng từ, tránh sai sót.
- Tự động tổng hợp số liệu và kết xuất báo cáo tài chính với hàng trăm biểu mẫu có sẵn giúp kế toán đáp ứng kịp thời yêu cầu của lãnh đạo
4. Kết luận
Trên đây là toàn bộ nội dung hướng dẫn cách lập báo cáo quyết toán hải quan chuẩn mới nhất năm 2023. MISA AMIS hy vọng các bạn và quý doanh nghiệp có thể nhanh chóng thuận lợi thực hiện báo cáo quyết toán hải quan cho của doanh nghiệp mình được đầy đủ, chính xác và kịp thời nộp đúng thời hạn, tránh bị xử phạt.