Nghiệp vụ Lập, soát xét báo cáo tài chính Chuyển đổi báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang VND –...

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có công ty con ở nước ngoài và các doanh nghiệp FDI, việc chuyển đổi báo cáo từ đồng ngoại tệ sang VND luôn là một thách thức khó khăn đối với kế toán mỗi khi đến kỳ lập Báo cáo tài chính (BCTC). Mời bạn đọc theo dõi Bài viết dưới đây về toàn bộ kiến thức cốt lõi cần nắm, quy định về việc chuyển đổi báo cáo từ đồng ngoại tệ sang VND, ghi nhận giao dịch ngoại tệ, tỷ giá theo VAS 10. VAS 10 – Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 quy định về ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái, áp dụng cho việc kế toán các giao dịch ngoại tệ và chuyển đổi các BCTC của hoạt động ở nước ngoài khi hợp nhất các báo cáo này vào Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bằng phương pháp hợp nhất hoặc phương pháp vốn chủ sở hữu.

Hình 1 Chuyển đổi ngoại tệ sang VND

1. Nhu cầu chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang VND

Theo xu thế hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam ngày càng mở rộng nhiều chi nhánh, công ty con, công ty liên kết, hợp tác kinh doanh… mà hoạt động của các đơn vị này được thực hiện ở nước ngoài. Đồng thời các doanh nghiệp này cũng phát sinh ngày càng nhiều các giao dịch kinh tế liên quan đến ngoại tệ.

Mặt khác, chủ trương mở cửa đón dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng được khuyến khích. Trong đó, một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp FDI sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong ghi chép kế toán và lập BCTC.

Do đó, để đáp ứng với sự thay đổi của môi trường hoạt động, nâng cao năng lực chuyên môn, kế toán viên cần nắm chắc các nội dung kiến thức về cách thức ghi nhận các giao dịch ngoại tệ và chuyển đổi BCTC từ đồng ngoại tệ sang VND để lên BCTC hợp nhất phù hợp với quy định tại VAS 10.

2. Kiến thức cơ bản về giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ

Đơn vị tiền tệ kế toán là gì? Ngoại tệ là gì?

  • Đơn vị tiền tệ kế toán: là đơn vị tiền tệ được sử dụng chính thức trong việc ghi sổ kế toán và lập BCTC
  • Ngoại tệ: là đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ kế toán của một doanh nghiệp

Giao dịch bằng ngoại tệ là gì?

  • Là giao dịch được xác định bằng ngoại tệ hoặc yêu cầu thanh toán bằng ngoại tệ
  • Phải được ghi nhận ban đầu theo đơn vị tiền tệ kế toán bằng việc áp dụng tỷ giá hối đoái giữa đơn vị tiền tệ kế toán và ngoại tệ tại ngày giao dịch.

Ví dụ 1: Công ty A là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, sử dụng đồng USD làm đơn vị tiền tệ kế toán để hạch toán và báo cáo. A phát sinh các nghiệp vụ kinh tế bằng đồng GBP (đồng bảng Anh). Công ty A sẽ áp dụng quy định về tỷ giá hối đoái tại Điều 69 Thông tư số 200/2014/TT-BTC để quy đổi đồng GBP sang đồng USD để ghi sổ kế toán.

Tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái

  • Tỷ giá hối đoái: Là tỷ giá trao đổi giữa 2 đơn vị tiền tệ
  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Là chênh lệch từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi của cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo các tỷ giá hối đoái khác nhau.
Hình 2: Biến động, chênh lệch tỷ giá hối đoái – Nguồn: internet

Khoản mục tiền tệ, phi tiền tệ

  • Khoản mục tiền tệ: là tiền và các khoản tương đương tiền hiện có, các khoản phải thu, các khoản phải trả bằng một lượng tiền cố định và có thể xác định được.

Bao gồm:

  • Tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ;
  • Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ;
  • Các khoản đi vay, cho vay được quyền thu hồi và có nghĩa vụ hoàn trả bằng ngoại tệ;
  • Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ;
  • Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải hoàn trả bằng ngoại tệ.

Ngoại trừ:

  • Các khoản trả trước cho người bán, các khoản người mua trả tiền trước (nếu tại thời điểm lập BCTC có bằng chứng chắc chắn doanh nghiệp nhận lại các khoản trả trước hoặc phải hoàn trả các khoản nhận trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là khoản mục tiền tệ) do các khoản trả trước là khách hàng ứng trước bằng tiền nhưng lúc nhận thì nhận lại bằng hàng hóa hoặc dịch vụ;
  • Chi phí trả trước;
  • Doanh thu nhận trước.
  • Khoản mục phi tiền tệ: là các khoản mục không phải khoản mục tiền tệ.

Ví dụ 2: Xác định khoản mục tiền tệ và phi tiền tệ

a) Công ty X trả trước tiền thuê văn phòng trong 3 năm bằng ngoại tệ.

b) Công ty Y bán hàng hóa chưa thu tiền cho công ty Z, giao dịch bằng ngoại tệ.

Đáp án:

a) Công ty X trả trước tiền thuê văn phòng trong 3 năm được coi là khoản mục phi tiền tệ vì công ty X trả trước bằng tiền tệ nhưng nhận lại là dịch vụ được cung cấp (văn phòng thuê).

b) Công ty Y bán hàng hóa chưa thu tiền cho công ty Z, giao dịch bằng ngoại tệ là khoản mục tiền tệ vì công ty Y thu của công ty Z bằng tiền tệ.

>> Xem thêm: Ngoại tệ là gì? Kế toán các giao dịch ngoại tệ và một số vấn đề liên quan

Các tình huống phát sinh chênh lệch tỷ giá (CLTG) bao gồm:

  • Tình huống 1:

CLTG sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ trong kỳ, gọi là CLTG hối đoái phát sinh trong kỳ.

  • Tình huống 2:

CLTG phát sinh từ việc đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập BCTC, gọi là CLTG hối đoái do đánh giá lại cuối kỳ.

Trong đó:

  • Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: đánh giá theo tỷ giá hối đoái cuối kỳ
  • Các khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ: đánh giá theo tỷ giá hối đoái tại ngày giao dịch.
  • Các khoản mục phi tiền tệ được xác định theo giá trị hợp lý bằng ngoại tệ: đánh giá theo tỷ giá hối đoái tại ngày xác định giá trị hợp lý
  • Tình huống 3:

CLTG phát sinh từ việc chuyển đổi BCTC được lập bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam.

Ví dụ 3: Ví dụ cho tình huống 1, 2 trong các tình huống phát sinh CLTG

Công ty A có các nghiệp vụ phát sinh như sau:

  1. Ngày 1/10, công ty A nhập 1 lô hàng giá trị 10,000 USD, tỷ giá giao dịch thực tế là 22.000 VND/USD, chưa thanh toán.
  2. Ngày 20/10: công ty A thanh toán một nửa giá trị lô hàng ngày 1/10, tỷ giá giao dịch thực tế là 23.000 VNĐ/USD.
  3. Đánh giá lại số dư cuối kỳ trên các khoản mục tiền tệ, cho biết tỷ giá cuối kỳ là 23.500 VND/USD.

Định khoản các nghiệp vụ phát sinh như sau

Ngày 01/10:

Nợ TK 156 – Hàng hóa: 220.000.000 (=10.000 USD x 22.000VND/USD)

Có TK 331 – Phải trả cho người bán: 220.000.000

Ngày 20/10

Nợ TK 331 – Phải trả cho người bán: 110.000.000 (*)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính: 5.000.000 (**)

Có TK 112 – Tiền gửi ngân hàng: 115.000.000 (***)

(*) 110.000.000 = 5.000 USD x 22.000VND/USD

(**) 5.000.000 = 5.000 USD x (23.000VND/USD – 22.000VND/USD)

(***) 115.000.000 = 5.000 USD x 23.000VND/USD

Ngày 1/10 hàng hóa được nhập mua với tỷ giá hối đoái là 22.000 VND/USD, công ty phải ghi nhận khoản nợ theo tỷ giá 22.000 VND/USD tại ngày mua. Tại ngày công ty chi tiền thanh toán 20/10, tỷ giá hối đoái là 23.000 VND/USD – tỷ giá tăng so với tỷ giá ghi nhận công nợ. Do đó công ty phải ghi nhận một khoản lỗ CLTG. Phần CLTG phát sinh khi thanh toán khoản nợ từ việc mua hàng hóa tại nghiệp vụ trên được gọi là CLTG phát sinh trong kỳ.

Khi đánh giá lại tại thời điểm cuối kỳ

Nợ TK 4131: 7.500.000 (5.000 USD x (23.500VND/USD – 22.000VND/USD))

Có TK 331: 7.500.000

Do 1/10 công ty mua 10.000 USD hàng hóa và trong kỳ đã chi trả 5.000 USD tiền hàng, cuối kỳ chỉ còn khoản phải trả 5.000 USD cần đánh giá lại.

Hàng năm, trước khi lập BCTC, công ty cần đánh giá lại các khoản mục tiền tệ bằng ngoại tệ. Tỷ giá cuối kỳ 23.500 VND/USD đã tăng so với tỷ giá ghi nhận khoản nợ phải trả 22.000USD/VND, như vậy, phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại khoản mục tiền tệ cuối kỳ.

> Xem chi tiết chênh lệch tỷ giá phát sinh trong kỳ tại bài viết: Hướng dẫn hạch toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ

3. Phương pháp chuyển đổi báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang VND

Hình 3: Phương pháp chuyển đổi báo cáo – Nguồn: internet

3.1. Các khái niệm cơ bản 

Hoạt động ở nước ngoài

Là các chi nhánh, công ty con, công ty liên kết, công ty liên doanh, hợp tác kinh doanh, hoạt động liên kết kinh doanh của doanh nghiệp lập báo cáo mà hoạt động của các đơn vị này được thực hiện ở một nước khác ngoài Việt Nam.

Cơ sở ở nước ngoài

Là một hoạt động ở nước ngoài, mà các hoạt động của nó là một phần độc lập đối với doanh nghiệp lập báo cáo.

Một số đặc điểm nhận biết cơ sở ở nước ngoài như sau:

  • Hoạt động ở nước ngoài: độc lập cao với doanh nghiệp báo cáo
  • Giao dịch với doanh nghiệp báo cáo trong các hoạt động ở nước ngoài: chiếm tỷ trọng không lớn
  • Nguồn tài trợ vốn: chủ yếu tự tài trợ hoặc từ các khoản vay tại nước ngoài
  • Đồng tiền thanh toán, chi trả chi phí lao động, nguyên vật liệu, chi phí cấu thành khác của sản phẩm/dịch vụ của hoạt động ở nước ngoài: chủ yếu bằng đồng tiền nước sở tại
  • Đơn vị tiền tệ của doanh thu hoạt động ở nước ngoài: chủ yếu bằng đơn vị tiền tệ khác với đơn vị tiền tệ doanh nghiệp báo cáo
  • Lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp báo cáo: biệt lập, không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hoạt động hàng ngày của hoạt động ở nước ngoài

3.2. Phương pháp chuyển đổi báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang VND

Với những sự khác biệt về bản chất hoạt động và mức độ phụ thuộc về tài chính với doanh nghiệp báo cáo, phương pháp chuyển đổi báo cáo có sự khác biệt giữa hai loại hoạt động nước ngoài: cơ sở ở nước ngoài và hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo.

Nội dung Cơ sở ở nước ngoài Hoạt động ở nước ngoài không thể tách rời với hoạt động của doanh nghiệp báo cáo
Đặc điểm  Hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân ở nước ngoài, sử dụng đồng tiền của nước sở tại làm đơn vị tiền tệ kế toán. Hoạt động không thể tách rời với doanh nghiệp báo cáo, như một bộ phận của doanh nghiệp báo cáo.
Vị thế với doanh nghiệp báo cáo – Độc lập về hoạt động

– Độc lập về tài chính: không phụ thuộc vào vốn

– Phụ thuộc về hoạt động

– Phụ thuộc về tài chính

Phương pháp chuyển đổi – Tài sản, nợ phải trả: Ghi nhận theo tỷ giá cuối kỳ

– Vốn cổ phần: Ghi nhận theo tỷ giá ghi nhận ban đầu (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn)

– Doanh thu, chi phí: Ghi nhận theo tỷ giá ngày giao dịch hoặc tỷ giá trung bình (nếu tỷ giá trung bình xấp xỉ tỷ giá thực tế)

– Chênh lệch tỷ giá hối đoái khi chuyển đổi BCTC để tổng hợp lên BCTC của doanh nghiệp báo cáo: phân loại như vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp báo cáo cho đến khi thanh lý khoản đầu tư thuần đó

– Khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: theo tỷ giá cuối kỳ

– Khoản mục phi tiền tệ có gốc ngoại tệ: theo tỷ giá ghi nhận ban đầu ngày giao dịch

–  Doanh thu, chi phí: Ghi nhận theo tỷ giá ngày giao dịch hoặc tỷ giá trung bình (nếu tỷ giá trung bình xấp xỉ tỷ giá thực tế)

Ghi nhận chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi – Ghi nhận vào vốn chủ sở hữu

–  Cách tính:

+ Cách 1: Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả (sau quy đổi tỷ giá)

+ Cách 2: Tính lợi nhuận chưa phân phối = Lợi nhuận chưa phân phối đầu kỳ + Lợi nhuận đã quy đổi từ BC KQKD trong năm – Cổ tức đã chia trong năm

– Ghi nhận vào Báo cáo kết quả kinh doanh của kỳ phát sinh
Ảnh hưởng của việc chuyển đổi báo cáo đến doanh nghiệp báo cáo Ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của cơ sở nước ngoài

=> Ảnh hưởng đến khoản đầu tư ròng của doanh nghiệp báo cáo

Ảnh hưởng đến khoản mục tiền tệ của hoạt động ở nước ngoài

>> Có thể bạn quan tâm: Các bước chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS

4. Thực hành trên ví dụ minh họa

Tại 31.12.N2, công ty A tại Việt Nam (đơn vị tiền tệ kế toán là VND) có công ty liên kết tại Mỹ là công ty A1 (đơn vị tiền tệ kế toán là USD). Công ty A1 hình thành từ nguồn vốn tự có, hoạt động độc lập với công ty A, các giao dịch với công ty A chiếm tỷ trọng thấp.

Công ty A1 có BCTC tại 31.12.N2 và các thông tin về tỷ giá như sau: (Đơn vị tính: USD)

Báo cáo kết quả kinh doanh Bảng cân đối kế toán
Doanh thu: 525.000

Giá vốn hàng bán: 400.000

Chi phí bán hàng: 31.000

Chi phí quản lý doanh nghiệp: 33.000

Chi phí thuế: 19.000

Lợi nhuận sau thuế: 42.000

Tiền và tương đương tiền: 10.000

Các khoản phải thu: 50.000

Hàng tồn kho: 95.000

Tài sản cố định: 275.000

Khấu hao lũy kế: (22.000)

Tổng tài sản: 408.000

Phải trả người bán: 34.000

Vay dài hạn: 132.000

Vốn góp chủ sở hữu: 200.000

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối: 42.000

Tổng nguồn vốn: 408.000

Thông tin về tỷ giá và một số thông tin khác như sau:

  • Tỷ giá tại 31.12.N1: 23.000VND/USD
  • Tỷ giá tại 31.12.N2: 22.000VND/USD
  • Tỷ giá trung bình năm N2: 22.700VND/USD
  • Tài sản cố định được mua tại ngày 31.12.N1
  • Hàng tồn kho được mua và bán trong suốt năm N2

Yêu cầu: Chuyển đổi báo cáo của công ty A1 về VND để hợp nhất với BCTC công ty A tại 31.12.N2

Đáp án:

Dựa vào các thông tin “Công ty A1 hình thành từ nguồn vốn tự có, hoạt động độc lập với công ty A, các giao dịch với công ty A chiếm tỷ trọng thấp”, có thể thấy công ty A1 là một cơ sở ở nước ngoài của công ty A.

Do đó, việc chuyển đổi báo cáo và tỷ giá áp dụng cụ thể như sau:

Khoản mục Quy định chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang VND
Tài sản, nợ phải trả Chuyển đổi theo tỷ giá cuối kỳ tại 31.12.N2 là 22.000 VND/USD
Vốn cổ phần Chuyển đổi theo tỷ giá ghi nhận ban đầu

(tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn) là 23.000VND/USD

Doanh thu, chi phí Chuyển đổi theo tỷ giá ngày giao dịch hoặc tỷ giá trung bình (trường hợp tỷ giá trung bình xấp xỉ tỷ giá thực tế): 22.700VND/USD
Chênh lệch tỷ giá hối đoái Ghi nhận vào vốn chủ sở hữu, tính theo cách 1:

Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả (sau quy đổi tỷ giá)

Như vậy, chuyển đổi BCTC của công ty A1 để hợp nhất với công ty A được thực hiện như sau:

Báo cáo/Chỉ tiêu trên báo cáo Nguyên tệ (USD) Tỷ giá chuyển đổi Chuyển đổi sang VND
Báo cáo kết quả kinh doanh
Doanh thu 525.000 22.700 11.917.500.000
Giá vốn hàng bán 400.000 22.700 9.080.000.000
Chi phí bán hàng 31.000 22.700 703.700.000
Chi phí quản lý doanh nghiệp 33.000 22.700 749.100.000
Chi phí thuế TNDN 19.000 22.700 431.300.000
Lợi nhuận sau thuế 42.000 22.700 953.400.000
Bảng cân đối kế toán
Tiền và các khoản tương đương tiền 10.000 22.000 220.000.000
Các khoản phải thu 50.000 22.000 1.100.000.000
Hàng tồn kho 95.000 22.000 2.090.000.000
Tài sản cố định 275.000 22.000 6.050.000.000
Khấu hao lũy kế (22.000) 22.000 (484.000.000)
Tổng tài sản 408.000 22.000 8.976.000.000
Phải trả người bán 34.000 22.000 748.000.000
Vay dài hạn 132.000 22.000 2.904.000.000
Vốn cổ phần 200.000 23.000 4.600.000.000
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 42.000 22.700 953.400.000
Chênh lệch tỷ giá hối đoái (229.400.000)
Tổng nguồn vốn 408.000 8.976.000.000

Việc ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh về tỷ giá, ngoại tệ, chuyển đổi BCTC luôn là một trong những nghiệp vụ khó đối với kế toán viên. Do đó, kế toán viên nói riêng và những người làm việc trong ngành kế toán tài chính nói chung luôn cần trang bị, cập nhật những kiến thức chuyên sâu để có thể đáp ứng với những sự thay đổi từ các quy định pháp lý và môi trường hoạt động. MISA AMIS hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho các bạn những hiểu biết cơ bản về việc chuyển đổi BCTC từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam theo VAS 10.

Ngoài ra, đối với vấn đề chênh lệch tỷ giá, phần mềm kế toán online MISA AMIS tự động sinh ra chứng từ xử lý chênh lệch tỷ giá khi kế toán thực hiện chức năng đối trừ chứng từ nhiều đối tượng với loại tiền là ngoại tệ. Bên cạnh đó, phần mềm kế toán online MISA AMIS mang đến giải pháp quản trị tài chính kế toán tổng thể vừa đơn giản, thông minh vừa an toàn chính xác. Phần mềm cho phép kế toán viên:

  • Làm việc mọi lúc mọi nơi qua internet: giúp kế toán viên nói riêng và ban lãnh đạo doanh nghiệp nói chung có thể kịp thời đưa ra quyết định về vấn đề tài chính của doanh nghiệp.
  • Kết nối ngân hàng điện tử: các quy định hiện nay khiến việc doanh nghiệp phải giao dịch qua ngân hàng ngày càng phổ biến hơn, đồng thời, ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của doanh nghiệp vì vậy phần mềm online MISA AMIS cho phép kết nối ngân hàng điện tử mang đến lợi ích về thời gian, công sức và tiền của cho doanh nghiệp và cho kế toán.
  • Kết nối với Cơ quan Thuế: Việc kê khai và nộp thuế điện tử hiện nay đang là xu thế và phần mềm online MISA AMIS với tiện ích mTax cho phép kế toán có thể kê khai và nộp thuế ngay trên phần mềm.
  • Kết nối với hệ thống quản trị bán hàng, nhân sự: Phần mềm online MISA AMIS nằm trong một hệ sinh thái gồm nhiều phần mềm quản lý mang đến giải pháp tổng thể cho quản trị doanh nghiệp.….

Đăng ký trải nghiệm 15 ngày dùng thử miễn phí phần mềm kế toán online MISA AMIS tại đây.


Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]