Các bước chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS

26/05/2023
5664

Ngày 16/03/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực Báo cáo tài chính tại Việt Nam. Một trong hai mục tiêu của đề án là xây dựng phương án, lộ trình áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) cho một số nhóm đối tượng doanh nghiệp. Việc chuyển đổi Báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, quá trình này cũng khá phức tạp và dễ dàng xảy ra sai sót. MISA AMIS Kế toán hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp có một cái nhìn tổng quan về các bước chuyển đổi Báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS.

1. Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam theo Quyết định 345/QĐ-BTC

Theo Quyết định 345/QĐ-BTC (sau đây gọi tắt là QĐ 345), việc áp dụng IFRS sẽ trải qua 2 giai đoạn:

Hình 1: Lộ trình áp dụng IFRS

Giai đoạn 1: Áp dụng tự nguyện từ năm 2022 đến 2025

Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp có thể thông báo với Bộ Tài chính để có thể tự nguyện áp dụng IFRS cho Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất hoặc BCTC riêng. 

Đối với BCTC hợp nhất, các doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng gồm 4 nhóm doanh nghiệp sau:

1. Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế Nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế

2. Công ty mẹ là công ty niêm yết

3. Công ty mẹ là công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết 

4. Các công ty mẹ khác

Đối với BCTC riêng, các doanh nghiệp được tự nguyện áp dụng là các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực để áp dụng và cần phải thông báo cho Bộ Tài chính. Đồng thời, các doanh nghiệp này phải đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình rõ ràng với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Giai đoạn 2: Áp dụng bắt buộc sau năm 2025

Đối với BCTC hợp nhất, các doanh nghiệp bắt buộc áp dụng IFRS là các công ty mẹ thuộc 4 nhóm doanh nghiệp được phép tự nguyện áp dụng ở giai đoạn 1 nói trên. Các doanh nghiệp khác nếu đủ khả năng và nguồn lực vẫn có thể thông báo cho Bộ Tài chính để được áp dụng tự nguyện.

Đối với BCTC riêng, QĐ 345 chưa quy định cụ thể đối tượng doanh nghiệp phải áp dụng bắt buộc mà mới chỉ đề cập là sẽ dựa trên việc đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn 1 và khả năng, nhu cầu của doanh nghiệp để có các quy định cụ thể sau này.

2. Đặc điểm của việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

2.1 Lợi ích, cơ hội

Việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS mang lại không ít lợi ích cho các doanh nghiệp, cụ thể: 

Hình 2: Những lợi ích, cơ hội trong việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã công bố ý định tiến hành IPO trên các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài như Vinfast, Bamboo Airways, Vietjet… 

Để có thể niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch này, yêu cầu tối thiểu là doanh nghiệp phải có các bộ BCTC được lập và trình bày theo các tiêu chuẩn BCTC quốc tế được chấp nhận rộng rãi như IFRS. Nếu niêm yết cổ phiếu thành công trên các sở giao dịch chứng khoán quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thu hút được dòng vốn đầu tư khổng lồ từ nước ngoài.

Thứ hai, doanh nghiệp sẽ nâng cao được tính minh bạch và trung thực của BCTC, góp phần tạo lòng tin, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, các bên cho vay và qua đó làm giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp

Thứ ba, để có thể lập BCTC theo IFRS, doanh nghiệp cần hoàn thiện, cải tiến các quy trình thu thập thông tin về phòng kế toán từ tất cả các phòng ban khác như phòng bán hàng, phòng pháp chế, kho bãi… Điều này giúp nâng cao khả năng quản trị nội bộ của doanh nghiệp.

Thứ tư, hiện nay, có không ít các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam phải lập hai báo cáo song song: BCTC theo VAS để nộp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam và BCTC theo IFRS để nộp về cho công ty mẹ ở nước ngoài. Việc chuyển đổi BCTC và áp dụng hoàn toàn theo IFRS sẽ tiết kiệm chi phí về thời gian và nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp này.

Đọc thêm: Các bước chuyển đổi báo cáo tài chính từ VAS sang IFRS

2.2 Khó khăn, thách thức

Chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên kèm theo đó là các khó khăn, thách thức không hề nhỏ.

Hình 3: Những khó khăn, thách thức lớn trong việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

Đầu tiên là thách thức về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực được đề cập ở đây không chỉ là các nhân viên của phòng kế toán mà còn bao gồm Ban lãnh đạo của doanh nghiệp. 

Việc hiểu và áp dụng IFRS không phải là điều đơn giản vì tính chất phức tạp của nó, điều này xảy ra ngay cả ở các nước đã phát triển, do đó, ngoài yêu cầu cần có trình độ nhất định về tiếng Anh, các kế toán viên cũng cần có hiểu biết sâu sắc về IFRS. 

Hơn nữa, IFRS là bộ tiêu chuẩn BCTC dựa trên nguyên tắc, coi trọng bản chất hơn hình thức, việc hạch toán các giao dịch yêu cầu người làm kế toán phải có các xét đoán riêng của bản thân. Điều này khác hẳn với VAS khi việc hạch toán các giao dịch đã có quy định và hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Ví dụ, theo VAS các tài sản hữu hình chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn có giá trị trên 30 triệu đồng và thời gian sử dụng hữu ích trên 1 năm sẽ tự động được phân loại là tài sản cố định (TSCĐ). Các tài sản khác có giá trị thấp hơn mức 30 triệu đồng sẽ được phân loại là công cụ dụng cụ. IFRS không quy định giá trị tối thiểu của TSCĐ mà kế toán viên cần xem xét liệu tài sản đó có đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp và được sử dụng trong hơn một kỳ kinh doanh hay không. Do đó, theo IFRS, một tài sản dù có giá trị cao nhưng không đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai thì cũng không được ghi nhận là TSCĐ và ngược lại.

Thứ hai là thách thức về hệ thống công nghệ thông tin. Để có thể lập các BCTC theo IFRS, doanh nghiệp cần trang bị các hệ thống phần mềm có thể thu thập thông tin và sổ sách kế toán theo IFRS. Điều này đòi hỏi cần lựa chọn được phần mềm phù hợp. Như vậy, doanh nghiệp cũng cần bỏ ra chi phí đầu tư và đi kèm là các chi phí tư vấn tương đối lớn, nhất là nếu mua các phần mềm ERP từ các nhà cung cấp nước ngoài. Hiện nay, phần mềm kế toán online MISA AMIS đang chuẩn bị kế hoạch cung cấp tính năng chuyển đổi sang IFRS trên phần mềm để đáp ứng nhu cầu trong lộ áp dụng IFRS tại Việt Nam.

Thứ ba, trong năm đầu tiên lập BCTC theo IFRS, có thể có một số ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ tiêu của BCTC do có sự khác biệt lớn giữa VAS và IFRS. Ví dụ: 

– Theo chuẩn mực IAS 36 – Tổn thất tài sản, doanh nghiệp phải ghi nhận ngay lập tức các khoản giảm giá trị của tài sản vào báo cáo trong kỳ. Trong khi đó, VAS không yêu cầu ghi nhận các khoản tổn thất này. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo thu nhập toàn diện hay số dư Lợi nhuận chưa phân phối trên Báo cáo tình hình tài chính theo IFRS sẽ có chênh lệch lớn so với các báo cáo theo VAS.

– Theo IFRS 16 – Thuê tài sản, Chuẩn mực này không còn phân biệt thuê hoạt động và thuê tài chính. Trong trường hợp thuê hoạt động, doanh nghiệp cần ghi nhận quyền sử dụng tài sản và nợ thuê tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính. Điều này sẽ gây bất lợi đến các chỉ số tài chính của doanh nghiệp như chỉ số về đòn bẩy tài chính hay tỷ lệ thanh toán lãi vay và ảnh hưởng đến điều kiện giao ước cho vay.

3. Các bước chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

Hình 4: Quy trình chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS

3.1 Xác định năm chuyển đổi đầu tiên

Bước quan trọng đầu tiên trong quá trình chuyển đổi BCTC là doanh nghiệp cần xác định năm bắt đầu chuyển đổi. IFRS 1 – Lần đầu áp dụng IFRS yêu cầu trình bày thông tin so sánh cho BCTC chuyển đổi lần đầu tiên. 

Ví dụ, năm bắt đầu chuyển đổi của doanh nghiệp là 2026, BCTC được lập lần đầu theo IFRS là BCTC năm 2026. Ngày chuyển đổi sang áp dụng IFRS của doanh nghiệp là 01/01/2025. Như vậy, doanh nghiệp phải chuẩn bị dữ liệu trước ít nhất một năm kể từ năm bắt đầu trình bày BCTC theo IFRS. BCTC được lập lần đầu theo IFRS của doanh nghiệp phải bao gồm:

  • 3 Báo cáo tình hình tài chính (tại thời điểm 01/01/2025, 31/12/2025 và 31/12/2026)
  • 2 Báo cáo thu nhập toàn diện (năm 2025 và 2026)
  • 2 Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (năm 2025 và 2026)
  • 2 Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu (năm 2025 và 2026)
  • Các thuyết minh liên quan bao gồm thông tin so sánh cho tất cả các báo cáo

3.2 Xác định các khoản mục BCTC có sự khác biệt

Đây có lẽ là bước phức tạp nhất trong quá trình chuyển đổi. Kế toán viên cần có một nền tảng kiến thức vững chắc cả về VAS và IFRS để có thể xác định được các giao dịch có sự khác biệt khi ghi nhận theo hai hệ thống chuẩn mực này. 

Phương pháp tiếp cận tốt nhất có lẽ là doanh nghiệp sẽ rà soát từng khoản mục trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả kinh doanh lập theo VAS. Hoặc một cách chi tiết hơn là kiểm tra từng khoản mục trên Bảng cân đối thử. Các khác biệt lớn thường liên quan đến các khoản mục như tài sản cố định (TSCĐ) hữu hình và vô hình, thuê tài sản và doanh thu.

Doanh nghiệp nên tham khảo IFRS 1 – Lần đầu áp dụng IFRS để có thêm thông tin về các quy tắc và yêu cầu cơ bản đối với việc ghi nhận tài sản và nợ phải trả, việc phân loại lại, cách đo lường cũng như các ngoại lệ và miễn trừ khi tiến hành chuyển đổi BCTC.

Đọc thêm: IFRS là gì? Tầm quan trọng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam

3.3 Chuẩn bị thông tin cho các điều chỉnh IFRS liên quan đến mỗi sự khác biệt

Sau khi xác định được tất cả các khoản mục có sự khác biệt, doanh nghiệp sẽ thu thập số liệu để điều chỉnh qua 2 bước nhỏ sau:

Bước 1: Thu thập tất cả các bút toán đã ghi nhận theo VAS liên quan đến khoản mục có sự khác biệt với IFRS từ thời điểm ban đầu đến ngày báo cáo. Kế toán viên không cần thiết phải thu thập tất cả các bút toán đơn lẻ vì việc này có thể không khả thi và mất nhiều thời gian nhưng ít nhất cần tính được tổng giá trị đã được ghi nhận theo các khoản mục tại ngày báo cáo.

Bước 2: Xác định các giao dịch này sẽ được ghi nhận như thế nào nếu hạch toán theo IFRS và tính tổng giá trị các giao dịch phải điều chỉnh cho từng khoản mục trên BCTC lập theo IFRS.

3.4 Chuẩn bị bảng tổng hợp các điều chỉnh

Chuẩn bị một file excel tổng hợp tất cả các bút toán điều chỉnh bao gồm: các bút toán đảo ngược các bút toán đã ghi nhận theo VAS và các bút toán mới ghi nhận lại các giao dịch theo IFRS. 

Có 2 điều cần lưu ý: 

1. Các bút toán đảo ngược các bút toán đã ghi nhận theo VAS nghĩa là các bút toán ghi ngược lại các bút toán gốc. Ví dụ, đối với thuê hoạt động, bút toán gốc theo VAS là Nợ Chi phí thuê hoạt động/ Có Phải trả người bán thì bút toán đảo ngược sẽ là Nợ Phải trả người bán/ Có Chi phí thuê hoạt động.

2. Các bút toán ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của các kỳ trước đã được kết chuyển vào số dư Lợi nhuận chưa phân phối của kỳ hiện tại. Chúng ta không thể ghi nhận và đảo ngược các bút toán này vào Báo cáo thu nhập toàn diện của kỳ hiện tại. Do đó, các bút toán điều chỉnh liên quan đến Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh các kỳ trước sẽ được điều chỉnh vào Lợi nhuận chưa phân phối của kỳ chuyển đổi.

Theo ví dụ trên thì bút toán đảo ngược sẽ là Nợ Phải trả người bán/Có Lợi nhuận chưa phân phối.

Sau khi ghi nhận tất cả các bút toán điều chỉnh vào bảng tổng hợp, kế toán viên sẽ tính số dư theo IFRS bằng cách cộng số dư theo VAS và tổng tất cả các khoản điều chỉnh nói trên. Như vậy, chúng ta đã có Bảng cân đối thử theo IFRS và đã có thể lập các BCTC theo IFRS.

Hình 5: Ví dụ về thuyết minh chuyển đổi của BCKQHĐKD Nguồn: Chuyển đổi Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế – Deloitte

3.5 Lập BCTC theo IFRS

Sau khi có Bảng cân đối thử theo IFRS, kế toán viên đã có thể lập được bộ BCTC theo IFRS với các lưu ý như sau:

– Báo cáo tình hình tài chính: yêu cầu trình bày tách biệt các khoản ngắn hạn và dài hạn, sắp xếp theo tính thanh khoản tăng dần. Doanh nghiệp có thể phải phân loại lại hoặc tách/ gộp một số tài khoản đang ghi nhận dưới khoản mục này theo VAS nhưng lại được trình bày dưới khoản mục khác theo IFRS. Ví dụ, theo IFRS, Tài sản sinh học được trình bày thành một khoản mục riêng nhưng theo VAS khoản mục này đang được ghi nhận trong TSCĐ hoặc Hàng tồn kho. 

– Báo cáo thu nhập toàn diện: IAS 1 – Trình bày BCTC yêu cầu trình bày tách biệt hai phần Báo cáo lãi hoặc lỗ từ hoạt động kinh doanh và Báo cáo thu nhập toàn diện khác. Trong đó, các khoản trình bày trong Báo cáo thu nhập toàn diện khác gồm các khoản như thặng dư từ việc đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi BCTC. Doanh thu trình bày là doanh thu thuần đã bao gồm các khoản giảm trừ. 

– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: trình bày thấu chi ngân hàng như một phần của Tiền và các khoản tương đương tiền. Dòng tiền từ các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi được phân loại là dòng tiền từ hoạt động đầu tư. Ngoài ra, việc thay đổi nợ phải trả từ các hoạt động tài chính cần được trình bày tách biệt với các tài sản và nợ phải trả khác.

– Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu: được lập thành một báo cáo riêng.

– Thuyết minh BCTC: cần cung cấp các thông tin để người sử dụng BCTC có thể đánh giá được mục tiêu, chính sách và quy trình quản lý vốn.

LẬP BÁO CÁO TÀI CHÍNH DỄ DÀNG HƠN VỚI PHẦN MỀM KẾ TOÁN MISA AMIS

Nhận tư vấn ngay

4. Một số lưu ý về việc chuyển đổi các khoản mục quan trọng trên BCTC

Hình 6: Một số lưu ý về việc chuyển đổi các khoản mục quan trọng trên BCTC

4.1 Tài sản cố định hữu hình

  •  IAS 16 không quy định về giá trị tối thiểu của TSCĐ như VAS 03 là 30 triệu đồng. Vì vậy khi chuyển đổi sang IFRS, BCTC sẽ ghi nhận một khoản tăng lên số dư TSCĐ được phân loại lại từ công cụ, dụng cụ theo VAS.
  • Đối với các doanh nghiệp phải hoàn trả mặt bằng về trạng thái ban đầu sau khi tiến hành hoạt động kinh doanh, cần ước tính các chi phí hoàn nguyên để ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ.
  • Theo VAS 04, đất hay quyền sử dụng đất đang được ghi nhận là TSCĐ vô hình. Tuy nhiên, theo IAS 16, chúng được ghi nhận là TSCĐ hữu hình. Vì vậy, doanh nghiệp cần phân loại lại tài sản này khi chuyển đổi.
  • Doanh nghiệp có thể lựa chọn giữa Mô hình giá gốc và Mô hình đánh giá lại để đo lường sau ghi nhận ban đầu. Đối với các TSCĐ ghi nhận theo giá trị hợp lý (Fair value), cần có phương án để đo lường như sử dụng dịch vụ của các công ty định giá. Doanh nghiệp có thể lường trước được việc sẽ phải ghi nhận các khoản giảm giá trị đối với tài sản bị tổn thất.

Đọc thêm: Tài sản cố định hữu hình là gì? Tổng hợp các quy định về tài sản cố định hữu hình

4.2 Tài sản cố định vô hình

  • IAS 38 không quy định về giá trị tối thiểu của TSCĐ như VAS 04 là 30 triệu đồng. Vì vậy khi chuyển đổi sang IFRS, BCTC sẽ ghi nhận một khoản tăng lên giá trị đáng kể số dư TSCĐ vô hình đang được ghi nhận là công cụ dụng cụ theo VAS.
  • Như đã đề cập ở phần trên, doanh nghiệp cần phân loại lại đất hay quyền sử dụng đất từ TSCĐ vô hình sang TSCĐ hữu hình. 
  • Tương tự như TSCĐ hữu hình, IAS 38 cho phép sử dụng Mô hình giá gốc và Mô hình đánh giá lại để đo lường sau khi nhận ban đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cần phải kiểm tra việc giảm giá trị của các TSCĐ vô hình có thời gian sử dụng vô hạn, lợi thế thương mại và các TSCĐ vô hình không sẵn sàng để sử dụng.

4.3 Tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính

  • IFRS 9 – Công cụ tài chính quy định về việc ghi nhận ban đầu, sau ghi nhận ban đầu, đo lường, phân loại và dừng ghi nhận đối với Tài sản tài chính và Nợ phải trả tài chính (gọi chung là Công cụ tài chính). Công cụ tài chính được ghi nhận ban đầu theo giá trị hợp lý. Sau đó chúng được phân loại thành 2 nhóm: nhóm được ghi nhận theo giá trị phân bổ và nhóm được ghi nhận theo giá trị hợp lý. Việc phân loại dựa trên đặc điểm về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và bản chất của dòng tiền.
  • IFRS 1 cho phép doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng hoặc không áp dụng hồi tố IFRS 9 cho giai đoạn so sánh. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng hồi tố, doanh nghiệp cần đánh giá phương pháp ghi nhận hiện tại đối với các Công cụ tài chính và thay đổi để phù hợp với IFRS 9.

4.4 Thuê tài sản

  • IFRS 16 – Thuê tài sản loại bỏ việc phân loại thuê hoạt động và thuê tài chính đối với bên đi thuê. Chuẩn mực yêu cầu ghi nhận Quyền sử dụng tài sản và Nợ thuê tài sản trên Báo cáo tình hình tài chính cùng với khấu hao tài sản và chi phí lãi suất tài chính đối với các khoản nợ thuê. Nghĩa vụ Nợ thuê tài sản được tính toán bằng cách chiết khấu về giá trị hiện tại các khoản thanh toán trong tương lai.
  • IFRS 16 cho phép doanh nghiệp miễn áp dụng nếu: hợp đồng cho thuê dưới 12 tháng và không có quyền chọn mua, hoặc tài sản thuê là tài sản có giá trị thấp.
  • IFRS 01 cho phép doanh nghiệp được lựa chọn áp dụng IFRS 16 hồi tố hoặc không hồi tố cho giai đoạn so sánh khi lập BCTC lần đầu theo IFRS. Trong trường hợp lựa chọn áp dụng hồi tố, doanh nghiệp cần rà soát lại các hợp đồng thuê tài sản, đàm phán lại các điều khoản hợp đồng để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực lên các chỉ số tài chính có thể tác động đến các điều kiện của hợp đồng vay.

4.5 Doanh thu

  • IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng giới thiệu các quy tắc mới về việc ghi nhận doanh thu, trong đó có mô hình 5 bước. Doanh nghiệp cần xác định giá giao dịch riêng cho từng nghĩa vụ thực hiện trong hợp đồng và chỉ ghi nhận doanh thu khi nghĩa vụ đã được thực hiện. 
  • Phòng kế toán cần kết hợp với phòng pháp chế, phòng kinh doanh để xem lại các điều khoản của các hợp đồng kinh tế và đảm bảo việc ghi nhận doanh thu tuân thủ theo các yêu cầu của IFRS 15.

5. Các yếu tố để chuyển đổi BCTC thành công

Hình 7: Các yếu tố để chuyển đổi BCTC thành công

5.1 Lộ trình chuyển đổi rõ ràng và bắt đầu sớm

  • Để có thể chuyển đổi BCTC thành công, doanh nghiệp nên có một lộ trình chuyển đổi rõ ràng, bao gồm các giai đoạn: xác định phạm vi công việc, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết, triển khai kế hoạch và giám sát quá trình. Để đảm bảo sự thành công, doanh nghiệp nên lập một đội dự án phụ trách xuyên suốt quá trình chuyển đổi từ giai đoạn đầu tiên đến khi có thể lập BCTC theo IFRS. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian.
  • Doanh nghiệp nên bắt đầu kế hoạch chuyển sớm vì thời điểm đang đến gần. Đối với những doanh nghiệp bắt buộc phải áp dụng IFRS sau năm 2025, ngày chuyển đổi BCTC là 01/01/2025 (tức là phải bắt đầu được thực hiện trong năm bắt đầu từ ngày 01/01/2024), đối với các doanh nghiệp tự nguyện áp dụng IFRS, hạn cuối thậm chí còn đến sớm hơn. Theo ấn phẩm Chuyển đổi Chuẩn mực Kế toán Việt Nam sang Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế tháng 01/2021 của Deloitte, trong quá khứ, nhiều doanh nghiệp ở châu Âu đã mắc phải sai lầm khi chuyển sang IFRS đó là họ không bắt đầu đủ sớm khiến cho nhiều doanh nghiệp không xác định được phạm vi công việc rõ ràng và không thể hoàn thành quá trình chuyển đổi theo thời gian dự kiến.

5.2 Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực

  • Doanh nghiệp nên có kế hoạch đào tạo bài bản, liên tục và lâu dài cho bộ phận kế toán và các bộ phận khác có liên quan như bộ phận kinh doanh, pháp chế, hoạch định chiến lược. Đối với các công ty mẹ có nhiều công ty con, đội ngũ kế toán của các công ty con này cũng cần được đào tạo kiến thức cơ bản về IFRS để phục vụ cho mục đích cung cấp thông tin cho BCTC hợp nhất của tập đoàn. Ngoài ra, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần được trang bị các kiến thức, hiểu biết cơ bản về tài chính kế toán và IFRS. 
  • Doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ tư vấn, đào tạo của các công ty kiểm toán và nên tham gia các buổi hội thảo cập nhật kiến thức của Bộ Tài chính, Hội Kế toán, Kiểm toán Việt Nam và các hội nghề nghiệp như quốc tế ACCA, CPA Úc, ICAEW.

5.3 Tổ chức bộ máy kế toán và xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ phận

  • Doanh nghiệp nên tổ chức bộ máy kế toán với các nhân sự chuyên trách về IFRS từ công ty mẹ đến các công ty con. Đồng thời xây dựng quy trình phối hợp cung cấp thông tin giữa các phòng ban.

5.4 Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu

  • Hệ thống công nghệ thông tin nên hướng đến việc xây dựng một phần mềm ERP quản trị xuyên suốt các nguồn lực của doanh nghiệp, giúp đảm bảo việc cung cấp thông tin giữa bộ phận kế toán và các bộ phận khác, giữa công ty mẹ và các công ty con. Phần mềm này nên là phần mềm tự động hóa tối đa và có thể cung cấp số liệu thực tại bất kỳ thời điểm nào. 

Trong giai đoạn đầu (ví dụ từ năm 2024 đến năm 2025), doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục lập song song 2 bộ BCTC: một bộ BCTC theo VAS để nộp cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, một bộ BCTC theo IFRS để phục vụ cho mục đích so sánh thông tin. Như vậy, hệ thống phần mềm này cần đáp ứng được yêu cầu hạch toán kế toán song song theo cả VAS và IFRS. Nếu không, doanh nghiệp sẽ phải tiến hành lập các bút toán chuyển đổi một cách thủ công BCTC từ VAS sang IFRS.

  • Doanh nghiệp cần chuẩn bị các cơ sở dữ liệu chưa có khi áp dụng VAS như giá trị hợp lý, lãi suất hiệu quả, lãi suất cố định, lãi suất thả nổi. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị các thông tin phi tài chính như thị phần, tỷ lệ sản phẩm bảo hành để có thể lập các thuyết minh về BCTC theo IFRS.

5.5 Xây dựng quy trình chuyển đổi BCTC

Nên xây dựng một quy trình chuyển đổi BCTC phù hợp với đặc thù doanh nghiệp bao gồm trình tự các bước và hướng dẫn cụ thể. Quy trình này phải được phổ biến cho nhân sự phòng kế toán cũng như các bộ phận có liên quan, trong đó có quy định trách nhiệm của mỗi cá nhân phụ trách. Điều này sẽ giúp việc chuyển đổi BCTC của doanh nghiệp trở nên dễ kiểm soát hơn. 

Kết luận

Việc chuyển đổi BCTC từ VAS sang IFRS là một quá trình khá phức tạp và tốn nhiều thời gian, nguồn lực. Tuy nhiên, lợi ích mà nó có thể đem lại cho các doanh nghiệp là không hề nhỏ. Doanh nghiệp cần có một kế hoạch định hướng rõ ràng và sự quan tâm đúng mức của Ban lãnh đạo để có một quá trình chuyển đổi thuận lợi, thành công.  MISA AMIS Kế toán hy vọng bài viết đã đem đến cho Quý doanh nghiệp, Quý nhà quản trị và các bạn kế toán cái nhìn tổng quát về lợi ích cũng như quy trình và các lưu ý quan trọng khi thực hiện chuyển đổi BCTC sang áp dụng Chuẩn mực IFRS.

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 5 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả