Cách hạch toán truy thu thuế và phạt chậm nộp thuế TNDN, GTGT, TNCN

15/04/2023
539

Hạch toán truy thu thuế không còn là đề tài mới mẻ, nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến phương pháp hạch toán. Qua bài viết MISA AMIS hy vọng giúp bạn đọc hiểu được bản chất và phương pháp hạch toán khi phát sinh các nghiệp vụ về truy thu đối với thuế TNDN, GTGT. Để hiểu và hạch toán chính xác nghiệp vụ truy thu thuế, trước tiên chúng ta cần tiếp cận khái niệm và những lưu ý quan trọng:

1. Khái niệm truy thu thuế

Truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế về việc thu thêm tiền thuế, yêu cầu đối tượng nộp thuế nộp thêm vào ngân sách Nhà nước do chưa nộp đủ số thuế đến hạn vào một thời điểm được quy định trong quá khứ. Một số trường hợp sai sót dẫn đến tình huống phải truy thu thêm thuế TNDN, GTGT:

Hình 1: Một số sai sót bị truy thu thuế

Khi kết thúc đợt kiểm tra thuế, cơ quan thuế đưa ra kết luận xác định lại số thuế phải nộp. Nếu số kiểm tra lớn hơn số mà người nộp thuế đã kê khai và thực nộp, cơ quan thuế ban hành quyết định truy thu gửi cho doanh nghiệp. Trong đó đề nghị doanh nghiệp nộp bổ sung tiền thuế còn thiếu và các nghĩa vụ khác (số tiền chậm nộp, phạt khác hành chính).

Vì là quyết định của cơ quan thuế, nên truy thu thuế khác với trường hợp người nộp thuế tự phát hiện sai sót, chủ động gửi lại tờ khai và nộp bổ sung tiền thuế thiếu các năm trước, tiền chậm nộp vào ngân sách.

2. Thời điểm và phương pháp hạch toán truy thu thuế

2.1. Hạch toán truy thu thuế

Việc hạch toán số tiền truy thu thuế được tiến hành khi doanh nghiệp nhận được quyết định truy thu từ cơ quan thuế. Theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ khắc phục sai sót của năm trước theo quy định của Chuẩn mực kế toán mà không được quyền điều chỉnh các báo cáo đã gửi. 

Theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 29, doanh nghiệp phải thực hiện hồi tố hoặc phi hồi tố trên báo cáo tài chính.

Khoản thuế truy thu là khoản phải nộp của năm trước, nhưng năm trước đã kết chuyển lỗ/ lãi, khóa sổ và không được gửi lại báo cáo. Vì vậy, ở năm hiện tại, khoản chi phát sinh này tác động vào lợi ích sau thuế năm trước của doanh nghiệp (hay của chủ sở hữu) và giảm lượng tiền mặt do phải xuất tiền nộp thuế. Lợi nhuận sau thuế năm trước sẽ giảm đúng bằng số thuế bị truy thu. 

Có hai phương pháp để xử lý việc truy thu thuế trên báo cáo, đó là:

+ Xử lý hồi tố: Là kỹ thuật được sử dụng để điều chỉnh sai sót năm cũ: Điều chỉnh số dư đầu năm trên báo cáo tài chính của các tài khoản liên quan để đưa về số đúng; 

+ Xử lý phi hồi tố: Là việc hạch toán bổ sung bút toán tại ngày nhận được quyết định truy thu trên sổ kế toán, để dẫn tới kết quả đúng ở kỳ kế toán hiện tại.

Đọc thêm: Quyết toán thuế là gì? Hướng dẫn tự quyết toán thuế

2.2. Hạch toán tiền chậm nộp và phạt hành chính

Song song với nghĩa vụ nộp bổ sung thuế bao giờ cũng phát sinh khoản tiền chậm nộp và phạt hành chính (phạt kê khai sai dẫn đến tăng số thuế phải nộp). Tiền chậm nộp được tính từ ngày bắt đầu chậm nộp số tiền thuế của các năm trước, đến ngày ký kết Biên bản kiểm tra thuế.

Khoản chậm nộp có thể hiểu là một khoản lãi nộp chậm tương đương với mức lãi suất 10.95%/ năm (theo quy định hiện tại 0,03%/ngày). Các khoản này được hạch toán vào tài khoản Chi phí khác trong năm hiện tại. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, đây là các khoản phạt hành chính và không được trừ khi xác định thuế TNDN. 

Xem chi tiết hạch toán tiền chậm nộp thuế và tiền phạt hành chính tại bài viết: Hạch toán tiền chậm nộp thuế theo đúng quy định 

3. Cách hạch toán chi tiết nghiệp vụ truy thu thuế và các nghiệp vụ liên quan

3.1. Hạch toán truy thu thuế

Trường hợp 1: 

Căn cứ pháp lý: Thông tư 200/2014/TT-BTC, Điều 95, Mục 2, Phần b: Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 8211 – Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi: “- Thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại.”

Tại ngày nhận quyết định truy thu, căn cứ vào số tiền bị truy thu của từng loại thuế trên Quyết định truy thu, hạch toán:

+ Truy thu thuế TNDN:

Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành

Có TK 3334 – Thuế TNDN phải nộp 

+ Truy thu thuế GTGT:

Nợ TK 811 – Chi phí khác 

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp 

(Chú ý: Loại khi xác định thuế TNDN)

+ Truy thu thuế TNCN:

Nợ TK 811 – Chi phí khác (nếu không truy thu được từ Người lao động)

Nợ TK 1388, 334 – (Nếu truy thu được từ Người lao động)

Có TK 3335 – Thuế TNCN

(Chú ý: Loại khi xác định thuế TNDN)

+ Lãi chậm nộp và các khoản phạt:

Nợ TK 811 – Gồm số tiền (lãi) chậm nộp và phạt hành chính

Có TK 3339 – Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác

(Chú ý: Loại khi xác định thuế TNDN)

Trường hợp 2:  

Căn cứ pháp lý: 

+ VAS 17 – Thuế thu nhập doanh nghiệp: “Các khoản mục ghi thẳng vào vốn chủ sở hữu: […] Điều chỉnh số dư đầu kỳ của lợi nhuận giữ lại do có thay đổi về chính sách kế toán, mà việc thay đổi này được áp dụng hồi tố hoặc phải sửa do có lỗi cơ bản (xem Chuẩn mực kế toán số 29 “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”)”

+ VAS 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót

+ Thông tư 200/2014/TT-BTC, Điều 74, Mục 2: Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, ghi: “- Tài khoản 4211 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước: Phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ thuộc các năm trước. Tài khoản 4211 còn dùng để phản ánh số điều chỉnh tăng hoặc giảm số dư đầu năm của TK 4211 khi áp dụng hồi tố do thay đổi chính sách kế toán và điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của năm trước, năm nay mới phát hiện.”

Nếu số thuế bị truy thu là sai sót lớn, có tính trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến số dư TK 421 và các quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế năm trước. Kế toán phải thực hiện điều chỉnh hồi tố trên BCTC. Nghĩa là điều chỉnh số dư đầu năm của các tài khoản liên quan về số đúng. Như vậy, trong một số trường hợp, nếu quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế năm trước chưa thực hiện, doanh nghiệp có thể kịp thời sửa sai bằng cách quyết định lại dựa vào số lợi nhuận được phân phối vừa điều chỉnh hồi tố.

Kỹ thuật điều chỉnh hồi tố như sau: 

* Kế toán điều chỉnh số liệu so sánh trên BCTC nếu sai sót thuộc kỳ lấy số liệu so sánh: Điều chỉnh ghi giảm chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”(điều chỉnh giảm số dư đầu năm TK 4211 – LNST CPP năm trước). Hoặc, ghi tăng chỉ tiêu “phải thu ngắn hạn khác” thuộc phần Tài sản (điều chỉnh tăng số dư đầu năm TK 1388) nếu truy thu được thuế TNCN của Người lao động) số tiền đúng bằng số thuế truy thu. 

Điều chỉnh ghi tăng chỉ tiêu “Thuế và các khoản phải nộp nhà nước” thuộc phần Nợ phải trả, căn cứ vào số tiền phải nộp bổ sung khoản thuế GTGT, TNDN, TNCN phải nộp (TK 3331, TK 3334, TK 3335), số tiền đúng bằng số thuế truy thu. * Kế toán điều chỉnh số dư đầu kỳ của tài sản (TK 1388), nợ phải trả (TK 3333) và các khoản mục thuộc vốn chủ sở hữu (TK 4211) của kỳ lấy số liệu so sánh, nếu sai sót thuộc kỳ trước kỳ lấy số liệu so sánh. 

Lưu ý: 

– TK 4211, TK 3331, TK 3334, TK 3335 có thể có số dư bên có hay bên nợ. Kế toán cẩn thận khi tính toán, đảm bảo đúng nguyên tắc tăng/giảm của nhóm tài khoản thuộc Nguồn vốn.

Kế toán cần xác định ảnh hưởng của sai sót đến BCTC từng năm, và ảnh hưởng lũy kế từ năm xảy ra sai sót đến năm hiện tại. 

Kết luận về phương pháp hạch toán truy thu thuế:

Khi tìm hiểu trên internet, một số websites và một số văn bản của các chi cục thuế hướng dẫn những cách hạch toán truy thu thuế khác nhau. Nhiều kế toán vẫn còn lúng túng khi lựa chọn TK 821, TK 811 hay TK 421 để hạch toán.

Bài viết tóm tắt 2 trường hợp hạch toán truy thu thuế như sau:

Hình 2: Hạch toán truy thu thuế

Lưu ý: Nếu sai sót lớn về thuế năm trước hạch toán vào TK 811, TK 821 của năm hiện hành, thì có thể xảy ra hai trường hợp bất lợi cho Doanh nghiệp:

– Thứ nhất, trên mặt báo cáo KQKD năm hiện hành thể hiện tỉ trọng chi phí khác cao, lợi nhuận sau thuế thấp bất thường. Mặc dù điều này sẽ được giải thích trong Thuyết minh BCTC. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người đọc BCTC nào cũng có thể nghiên cứu sâu tất cả nội dung trong bản thuyết minh BCTC để hiểu tường tận. Như vậy, rất dễ dẫn đến một số quyết định sai, không có lợi cho Doanh nghiệp.

Ví dụ: Khi phân tích BCTC của 1 Doanh nghiệp để quyết định góp vốn, cho vay …. Nhà đầu hay Tổ chức tín dụng thường căn cứ vào các chỉ số trên BCTC. Nếu chỉ xem BC KQKD, Bảng cân đối kế toán … mà không nghiên cứu sâu Thuyết minh BCTC, Nhà đầu tư sẽ thấy tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) thấp, Doanh nghiệp có thể bị hạ bậc xếp hạng tín dụng, ảnh đến hưởng lãi vay hay không nhận được vốn đầu tư…

– Thứ hai, chi phí khác (TK 811) chỉ được kết chuyển và làm giảm lợi nhuận sau thuế vào cuối kỳ báo cáo của năm hiện hành. Như vậy, số dư TK 421 chưa được điều chỉnh ngay khi phát hiện sai sót. Sai sót này có thể kéo theo sai sót khác liên quan đến quyết định phân chia lợi nhuận sau thuế năm trước.

3.2. Hạch toán khi nộp tiền truy thu

Nợ TK 3331, 3334, 3335, 3339 

Có TK 111, 112 (theo số thuế truy thu và phạt chậm nộp trên Quyết định)

Nếu thu được số tiền thuế TNCN từ Người lao động đã khấu trừ thiếu:

Nợ TK 111, 112 – Số tiền thuế nộp bổ sung theo quyết định

Có TK 1388 – Phải thu khác

Nếu hạch toán Nợ TK 334 (mục 3.1), nghĩa là công ty khấu trừ luôn trước khi chi lương.

Lưu ý: Khi chi trả lương và các thu nhập khác cho người lao động, hoặc cho các đối tượng thuộc diện phải khấu trừ thuế TNCN, kế toán phải tính toán cẩn thận và khấu trừ đủ. Để tránh quên, định kỳ trước khi chi trả (có thể là hàng tháng) kế toán rà soát  để khấu trừ đúng, đủ đối với các khoản thu nhập ngoài tiền lương, như: khoán việc, thưởng đột xuất… Đến thời điểm cơ quan thuế kiểm tra phát hiện thiếu, doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí vì rất khó truy thu lần hai từ người lao động, do có thể họ đã nghỉ việc, không liên lạc được hay nhiều lý do khác.

Ví dụ cụ thể:

Ngày 01/02/2023, Công ty A nhận Quyết định số 9840/QĐ-CT… của Cục Thuế TP. HN, có nội dung như sau:

  • Truy thu thuế TNDN: 9.800.000 đồng
  • Truy thu thuế GTGT: 980.000 đồng
  • Phạt tiền, số tiền 2.000.000 đồng do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp
  • Tiền nộp chậm thuế, số tiền 215.000 đồng
  • Tổng số tiền thuế truy thu, phạt, chậm nộp: 12.995.000 đồng
  • Thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định.

Tại ngày 01/02/2023, kế toán áp dụng phương pháp 1 (nêu trên), hạch toán như sau: 

Nợ TK 8211: 9.800.000 

Có TK 3334: 9.800.000 

Nợ TK 811: 2.000.000 + 980.000 + 215.000 = 3.195.000 (chi phí không hợp lý)

Có TK 3331: 980.000

Có TK 3339: 2.000.000 + 215.000 (Khoản lãi chậm nộp và phạt hành chính)

Tại ngày nộp tiền (11/02/2023), hạch toán:

Nợ TK 3334: 9.800.000

Nợ TK 3331: 980.000

Nợ TK 3339: 2.215.000

Có TK 111, 112: 12.995.000

Xem Thêm: Quyết toán thuế là gì? Hướng dẫn quyết toán thuế TNCN và TNDN

4. Các câu hỏi thường gặp khi hạch toán truy thu thuế

TT Câu hỏi Gợi ý
1 Truy thu thuế là gì? Có khác với việc tự xác định và nộp bổ sung?
  • Truy thu thuế là quyết định hành chính của cơ quan thuế, yêu cầu người nộp thuế nộp bổ sung phần thuế còn thiếu của năm cũ.
  • Người nộp thuế là đối tượng bị động trong tình huống này, nghĩa là thực hiện theo mệnh lệnh. Đó là điểm khác cơ bản với tình huống người nộp thuế tự phát hiện sai sót năm cũ và chủ động nộp bổ sung phần thuế bị thiếu. Việc chủ động phát hiện và nộp thuế giúp giảm chi phí phạt chậm nộp hoặc các khoản phạt không mong muốn khác.
2 Làm gì để nộp đủ thuế GTGT?
    • Rà soát, đối chiếu kỹ chứng từ với số liệu hạch toán trước khi gửi tờ khai thuế, Báo cáo tài chính và các hồ sơ khác.
    • Kiểm tra kỹ hợp đồng bán hàng, biên bản giao hàng, nghiệm thu, thời điểm ghi nhận doanh thu trước ngày 31/12 hàng năm, tránh bỏ sót doanh thu và thuế GTGT đầu ra.
  • Kiểm tra hạch toán đủ thuế GTGT đầu vào.
3 Hạch toán truy thu thuế GTGT vào TK 421 hay 811?
  • Khoản thuế truy thu: Hạch toán vào TK 4211 bằng kỹ thuật hồi tố hoặc phi hồi tố (nêu chi tiết tại Mục 2.1 và 3.1 ở trên)
  • Chỉ hạch toán khoản phạt vào TK 811 (nêu chi tiết tại Mục 2.2 và 3.2 ở trên)
4 Phạt chậm nộp có được tính là chi phí hợp lý không?
  • Không được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN (nêu chi tiết tại Mục 2.2 ở trên)
  • Trên Báo cáo tài chính, vẫn ghi nhận chi phí khi xác định lợi nhuận kế toán. Nhưng khi xác định thuế TNDN, thì đây là chi phí không được trừ.

Xuất phát từ quy định tại Chuẩn mực kế toán, MISA AMIS tổng hợp đưa ra thông tin hướng dẫn trên và hy vọng có thể giúp ích cho các bạn kế toán khi xác định hạch toán truy thu thuế. Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây:

Dùng ngay miễn phí

Người viết: Mai Hồng

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 1 Trung bình: 5]
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả