Nghiệp vụ Thuế Kiểm tra thuế và những điều doanh nghiệp cần biết khi kiểm...

Kiểm tra thuế là công việc được cơ quan quản lý thuế thực hiện thường xuyên theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các doanh nghiệp đều được thực hiện kiểm tra thuế để đảm bảo việc kê khai, nộp thuế đúng theo quy định. Trong bài viết này, MISA AMIS chia sẻ tới bạn đọc thông tin chi tiết về quy trình, thủ tục cũng như quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp khi được kiểm tra thuế.

Căn cứ pháp lý:

– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14

– Thông tư 80/2021/TT-BTC

– Quyết định số số 970/QĐ-TCT, ngày 14 tháng 7 năm 2023 về việc ban hành quy trình kiểm tra thuế.

1. Mục đích của việc kiểm tra thuế

Việc kiểm tra thuế nhằm những mục đích sau:

– Đánh giá tính đầy đủ, chính xác của các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm về thuế, chống thất thu thuế;

– Nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế trong việc thực hiện kê khai thuế, tính thuế và nộp thuế;

– Thực hiện cải cách hành chính trong việc kiểm tra thuế, từ đó tránh gây phiền nhiễu và tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Nguyên tắc kiểm tra thuế

Công tác kiểm tra thuế cần tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, căn bản dựa trên các nguyên tắc dưới đây:

– Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thuế;

– Tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế, quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định;

– Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế;

– Việc kiểm tra thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế; đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật;

– Khi kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra.

3. Các trường hợp kiểm tra thuế tại doanh nghiệp

Hình 1: Các trường hợp kiểm tra thuế tại doanh nghiệp

– Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế trong trường hợp người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo thông báo của cơ quan thuế; không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc đã giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng (còn gọi là kiểm tra từ hồ sơ khai thuế);

– Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với trường hợp qua phân tích, đánh giá việc chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật (còn gọi là kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm);

– Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế và kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định (còn gọi là kiểm tra hoàn thuế);

– Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với các trường hợp được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề do thủ trưởng cơ quan quản lý thuế cấp trên quyết định (còn gọi là kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề);

– Kiểm tra theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền (còn gọi là kiểm tra theo kiến nghị);

– Kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đối với người nộp thuế chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hóa, đóng mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền (còn gọi là kiểm tra khác).

>> Xem thêm: Kế toán cần chuẩn bị gì để giải trình khi thanh, kiểm tra thuế

4. Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế

Hình 2: Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế

4.1. Ban hành Quyết định kiểm tra thuế

Quyết định kiểm tra thuế do cơ quan thuế ban hành theo mẫu số 04/KTT tại Thông tư 80/2021/TT-BTC và phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định kiểm tra. Trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;

4.2. Công bố quyết định kiểm tra thuế

Việc kiểm tra theo Quyết định kiểm tra thuế phải được tiến hành chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành Quyết định kiểm tra trừ trường hợp phải bãi bỏ Quyết định kiểm tra thuế hoặc hoãn thời gian kiểm tra.

Khi bắt đầu kiểm tra thuế, Trưởng đoàn kiểm tra thuế có trách nhiệm công bố Quyết định kiểm tra thuế, lập Biên bản công bố và giải thích nội dung Quyết định kiểm tra để người nộp thuế hiểu và có trách nhiệm chấp hành Quyết định kiểm tra. Biên bản công bố Quyết định kiểm tra được lập theo mẫu số 07/KTT.

4.3. Thực hiện kiểm tra

Thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế.

– Trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế phải thực hiện đúng nội dung, không quá thời hạn ghi trong Quyết định kiểm tra thuế.

– Căn cứ phân công công việc của trưởng đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra phải thực hiện các công việc theo phân công của trưởng đoàn kiểm tra.

– Căn cứ phân công công việc của từng thành viên đoàn kiểm tra, thành viên đoàn kiểm tra được quyền yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra thuế không có trên hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành thuế.

– Căn cứ phân công công việc, thành viên đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung đã phân tích, đánh giá rủi ro và các nội dung thuộc phạm vi Quyết định kiểm tra với các hồ sơ tài liệu thu thập khi kiểm tra.

– Trong quá trình thực hiện kiểm tra, đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra chứng từ kế toán, sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, các tài liệu có liên quan trong phạm vi nội dung của Quyết định kiểm tra thuế.

Trường hợp người nộp thuế thực hiện kế toán trên máy vi tính bằng phần mềm kế toán thì đoàn kiểm tra yêu cầu cung cấp sổ kế toán được lưu trữ trên các dữ liệu điện tử đọc được bằng các phần mềm văn phòng thông dụng, có nội dung như bản người nộp thuế đã in ra để lưu trữ theo quy định, mà không yêu cầu in ra giấy.

Trường hợp cần phải tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế trình Thủ trưởng cơ quan thuế có Quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ tiền, đồ vật, giấy phép liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế theo quy định tại Điều 112 của Luật Quản lý thuế.- Trường hợp trong thời gian kiểm tra, người nộp thuế tự phát hiện khai sai, đã khai bổ sung hồ sơ thuế và nộp số tiền thuế khai sai hoặc gian lận vào ngân sách nhà nước thì đoàn kiểm tra ghi nhận chứng từ nộp tiền, số tiền thuế đã nộp vào biên bản để xử lý vi phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế.

– Trường hợp người nộp thuế cung cấp hồ sơ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi nhận được yêu cầu của đoàn kiểm tra hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác về thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo yêu cầu của đoàn kiểm tra trong thời gian kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thì đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ.

Việc xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thông qua biên bản vi phạm hành chính có chữ ký của người nộp thuế hoặc đại diện người nộp thuế. Trường hợp người vi phạm, đại diện đơn vị vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã, phường nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 1 người chứng kiến xác nhận. Trường hợp không có sự xác nhận của chính quyền hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.

– Trong quá trình kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, nếu nội dung phát hiện qua kiểm tra mà các nội dung này khi ban hành Quyết định xử lý hoặc Kết luận kiểm tra có thể dẫn đến khiếu nại của người nộp thuế về kết quả xử lý thì Trưởng đoàn kiểm tra phải tập hợp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung vướng mắc để báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra.

Khi nhận được văn bản, hồ sơ xin ý kiến của trưởng đoàn kiểm tra về những vướng mắc khi tiến hành kiểm tra thì Lãnh đạo bộ phận kiểm tra phải đưa ra ý kiến chỉ đạo xử lý bằng văn bản, nếu còn vướng mắc thì có văn bản xin ý kiến Người ra quyết định kiểm tra trong thời gian 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo nội dung vướng mắc của Trưởng đoàn kiểm tra.

Trường hợp phải lấy ý kiến các bộ phận khác hoặc xin ý kiến cơ quan cấp trên thì Lãnh đạo bộ phận kiểm tra báo cáo Người ra quyết định kiểm tra có văn bản lấy ý kiến. Văn bản lấy ý kiến được gửi trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Lãnh đạo bộ phận kiểm tra.

Khi nhận được ý kiến tham gia thì trong thời hạn 02 (hai) ngày làm việc đoàn kiểm tra phải tổng hợp báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra trình Người ban hành Quyết định kiểm tra để xem xét, quyết định.

– Kết thúc kiểm tra phần công việc được giao, thành viên đoàn kiểm tra phải lập biên bản xác nhận số liệu với đại diện người nộp thuế (theo mẫu số 09/QTKT ban hành kèm theo quy trình này). Thành viên đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của biên bản xác nhận số liệu kiểm tra.

>> Có thể bạn quan tâm: Các công việc kê khai, nộp thuế trong 3 tháng đầu năm 2023 kế toán cần nhớ

4.4. Lập biên bản kiểm tra thuế

Biên bản kiểm tra thuế được lập theo mẫu số 10/QTKT ban hành kèm theo quy trình này. Căn cứ để lập biên bản kiểm tra là số liệu và tình hình được phản ánh trong biên bản kiểm tra từng phần việc mà trưởng đoàn kiểm tra đã giao cho từng thành viên trong đoàn thực hiện. Kết quả kiểm tra tại biên bản kiểm tra phải được thống nhất trong đoàn kiểm tra trước khi công bố công khai với người nộp thuế. Nếu kết quả tại biên bản kiểm tra không thống nhất với số liệu và tình hình của biên bản xác nhận số liệu của thành viên đoàn kiểm tra thì Trưởng đoàn kiểm tra có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung biên bản kiểm tra. Trong trường hợp này, thành viên trong đoàn kiểm tra có quyền bảo lưu số liệu theo biên bản từng phần việc được giao.

Biên bản kiểm tra phải được lập tối thiểu là 04 bản, có giá trị pháp lý như nhau:

– 01 bản người nộp thuế giữ.

– 01 bản Trưởng đoàn kiểm tra giữ.

– 01 bản gửi cho bộ phận kê khai và kế toán thuế.

– 01 bản lưu tại bộ phận thực hiện kiểm tra thuế.

Trường hợp cơ quan thuế hoặc bộ phận thực hiện kiểm tra thuế không trực tiếp quản lý người nộp thuế thực hiện kiểm tra thì gửi 01 bản cho cơ quan thuế hoặc bộ phận trực tiếp quản lý người nộp thuế.

Biên bản kiểm tra thuế là căn cứ để ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, Kết luận kiểm tra và các Quyết định hành chính về quản lý thuế.

4.5. Xử lý kết quả kiểm tra thuế

– Chậm nhất là 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ký biên bản kiểm tra thuế, Trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế để trình Thủ trưởng cơ quan thuế về kết quả kiểm tra thuế (mẫu số 11/QTKT ban hành kèm theo quy trình này) và dự thảo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (mẫu số MQĐ02 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ) hoặc Kết luận kiểm tra thuế (mẫu số 15/KTT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế hoặc kết luận kiểm tra thuế được gửi cho các bộ phận sau:

+ 01 bản gửi cho người nộp thuế.

+ 01 bản lưu hồ sơ.

+ 01 bản trưởng đoàn kiểm tra lưu.

+ 01 bản gửi cho bộ phận kê khai và kế toán thuế.

+ 01 bản gửi cho bộ phận quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế;

+ 01 bản lưu tại bộ phận thực hiện kiểm tra thuế cùng với Quyết định kiểm tra và biên bản kiểm tra thuế.

+ 01 bản lưu tại bộ phận trực tiếp quản lý người nộp thuế.

– Trường hợp trong quá trình kiểm tra thuế hoặc khi kết thúc kiểm tra mà phát hiện hành vi trốn thuế có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, Trưởng đoàn kiểm tra có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo bộ phận kiểm tra thuế trình Thủ trưởng cơ quan thuế xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ chuyển cơ quan điều tra được thực hiện theo Quy chế chuyển tin báo, hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế có dấu hiệu tội phạm đến Cơ quan Điều tra của Tổng cục Thuế.

5. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp

5.1. Người nộp thuế có các quyền sau đây

– Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế;

– Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra thuế; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;

– Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;

– Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;

– Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.

5.2. Người nộp thuế có các nghĩa vụ sau đây

– Chấp hành quyết định kiểm tra thuế của cơ quan quản lý thuế;

– Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;

– Ký biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra;

– Chấp hành kiến nghị tại biên bản kiểm tra thuế, kết luận, quyết định xử lý kết quả kiểm tra thuế. 

6. Một số lưu ý khi doanh nghiệp tiếp đón đoàn kiểm tra thuế

– Cần chuẩn bị thật tốt để đón tiếp đoàn kiểm tra, trong đó, chú trọng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để cung cấp cho đoàn, Ví dụ cần đầy đủ sổ sách kế toán, các chứng từ kế toán như hợp đồng, biên bản nghiệm thu, thanh lý, hóa đơn, chứng từ thanh toán,… theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.

>> Xem thêm: Hướng dẫn quy trình sắp xếp, lưu trữ chứng từ kế toán khoa học, dễ tìm kiếm

– Chuẩn bị tốt các tài liệu, nhân sự để giải trình thông tin khi đoàn kiểm tra phát hiện có sự sai lệch hoặc thiếu thông tin trên sổ sách kế toán so với các quy định pháp luật.

– Trường hợp kế toán doanh nghiệp không đồng ý với kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra thì cho ý kiến vào biên bản kiểm tra thuế, đồng thời vẫn phải chấp hành nộp tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền phạt theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Sau đó, doanh nghiệp thực hiện khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Trên đây là những tổng hợp về quy trình, thủ tục kiểm tra thuế và một số chia sẻ những lưu ý khi doanh nghiệp tiếp đoàn kiểm tra thuế. Kế toán thuế cần nắm vững các quy định, chính sách pháp luật về thuế để thực hiện kê khai, nộp thuế chính xác, tránh trường hợp bị truy thu, xử phạt về thuế sau khi kiểm tra thuế.

Đối với người làm kế toán, sự hỗ trợ của phần mềm kế toán trong công việc hàng ngày là vô cùng hữu ích. Đặc biệt, phần mềm kế toán online MISA AMIS với đầy đủ các tính năng từ phân tích tài chính, quỹ, ngân hàng đến mua bán hàng, quản lý hóa đơn, hợp đồng …. và nhất là tính năng về thuế sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho kế toán viên. Tính năng về thuế tạo ra sự đơn giản, chính xác và hiệu quả trong nghiệp vụ quản lý thuế của doanh nghiệp, các tính năng như:

  • Tự động lập tờ khai theo mẫu biểu mới nhất
  • Tự động khấu trừ thuế
  • Nộp tờ khai trực tiếp cho cơ quan thuế từ phần mềm
  • Tự động quyết toán thuế TNDN hàng năm

là những tính năng cần thiết và sẽ hỗ trợ tối đa cho kế toán viên trong quá trình thực hiện nghiệp vụ kế toán về thuế. Anh/chị kế toán viên quan tâm tìm hiểu và trải nghiệm bản demo phần mềm kế toán online MISA AMIS có thể đăng ký tại đây:

Dùng ngay miễn phí

Tổng hợp: ĐTDA

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 4 Trung bình: 5]