Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp

11/04/2023
5625

Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động là hoạt động bắt buộc trong các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất hoặc buôn bán, kinh doanh. Đây là các ngành nghề bị đánh giá là có nguy cơ dễ mắc phải bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động.

Vậy hoạt động đánh giá rủi ro này có ý nghĩa như thế nào, quy trình thực hiện ra sao, khi nào cần đánh giá rủi ro?…Hãy cùng tìm hiểu, phân tích và làm rõ qua bài viết của MISA AMIS hôm nay bạn nhé.

1. Đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động là gì?

Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 77 Luật an toàn, vệ sinh lao động ban hành ngày 25/06/2015 số 84/2015/QH13:

Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động là việc phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động.

Đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động là gì?
Đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động là gì?

2. Tại sao cần đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động?

Việc đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp đem lại rất nhiều lợi ích. Trong đó 3 lợi ích chính được liệt kê dưới đây:

  • Hoạt động đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động giúp người sử dụng lao động nhận ra những nguy cơ, yếu tố có hại mà người lao động, cán bộ công nhân viên có thể gặp phải khi làm việc.
  • Kịp thời tìm kiếm, đưa ra những giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguy cơ, rủi ro trong quá trình làm việc hiện tại.
  • Đưa ra đề xuất, giải pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động trong tương lai.
Tại sao cần đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động?
Tại sao cần đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động?

Hầu hết các doanh nghiệp đều cần đánh giá nguy cơ rủi ro, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, có nhiều ngành nghề mà người lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp với tỷ lệ cao hoặc thường xuyên không đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Với những ngành nghề này, việc đánh giá cần thực hiện một cách thường xuyên, liên tục hơn cả.

Dưới đây là danh mục 11 các ngành nghề cần thực hiện đánh giá theo quy định của Điều 8 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH:

  • Vệ sinh và bảo vệ môi trường.
  • Khai khoáng, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất than cốc.
  • Sản xuất kim loại, các sản phẩm chế tác từ kim loại.
  • Sản xuất các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu khoáng phi kim.
  • Thi công công trình xây dựng.
  • Đóng và sửa chữa tàu thuyền.
  • Sản xuất, phân phối và truyền tải điện.
  • Bảo quản, chế biến hải sản và các sản phẩm khác từ thủy hải sản.
  • Sản xuất sản phẩm may, dệt, da, giày.
  • Tái chế phế liệu.
  • Sản xuất sản phẩm từ plastic, cao su, sản xuất từ hóa chất

3. Khi nào cần đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động?

Doanh nghiệp cần thực hiện đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động trong các trường hợp sau:

  • Doanh nghiệp, cơ sở chuẩn bị có hoạt động sản xuất, thi công xây dựng, kinh doanh, …
  • Doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất thay đổi công nghệ, nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc, tổ chức sản xuất
  • Đã xảy ra tai nạn lao động hoặc sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và gây hậu quả nghiêm trọng.
  • Pháp luật có cập nhật thay đổi quy định đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động thì sẽ đánh giá rủi ro theo quy định mới.
  • Định kỳ đánh giá với tần suất ít nhất một lần/ năm trong suốt quá trình kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động
Doanh nghiệp cần đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

4. Quy trình thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

Quy trình thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động gồm 5 bước cụ thể như dưới đây:

  • Bước 1: Tìm hiểu về  lĩnh vực, khu vực được đánh giá từ đó xác định được các yếu tố cần thiết như: phạm vi, đối tượng, mục tiêu và thời gian thực hiện việc đánh giá rủi ro.
  • Bước 2 : Liệt kê, dự đoán những mối nguy có thể ảnh hưởng tới người lao động và mức độ ảnh hưởng cụ thể.
  • Bước 3: Dựa trên danh sách các mối nguy hiểm đã liệt kê tiến hành giá mức độ rủi ro và đưa ra các biện pháp kiểm soát, khắc phục phù hợp.
  • Bước 4: Ghi chép, lưu trữ và theo dõi danh sách mối nguy, rủi ro đã phát hiện tại doanh nghiệp.
  • Bước 5: Phân loại, sắp xếp mức độ nghiêm trọng của từng nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động. Thường xuyên cập nhật thông tin và đề xuất các biện pháp giúp chủ động phòng ngừa rủi ro, tai nạn lao động trong tương lai. Đảm bảo điều kiện làm việc an toàn và hạn chế các bệnh nghề nghiệp mà người lao động có thể mắc phải.
Quy trình thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động
Quy trình thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

5. Mẫu đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

Theo quy định của Pháp luật, việc đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động là nội dung bắt buộc thực hiện tại mỗi doanh nghiệp. Hoạt động này có thể do đơn vị quan trắc môi trường thực hiện hoặc do doanh nghiệp tự triển khai. 

Kết thúc việc đánh giá, doanh nghiệp cần thu thập, tổng hợp lại kết quả theo mẫu riêng. Dưới đây là những mẫu đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động do MISA AMIS HRM thu thập được, mời bạn đọc cùng tham khảo và áp dụng cho doanh nghiệp của mình.

Trong mẫu đánh giá rủi ro an toàn lao động thường có 4 nội dung chính dưới đây:

  • Phần A: Thông tin khu vực đánh giá
  • Phần B: Thông tin nhóm đánh giá
  • Phần C: Danh sách đánh giá
  • Phần D: Phê duyệt của quản lý

Doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý ghi chép rõ những nguy cơ hiện hữu hoặc rủi ro tiềm ẩn có thể tác động, ảnh hưởng tới quá trình thao tác, làm việc. Cần xác định được tác động đó có mức độ nghiêm trọng như thế nào, ảnh hưởng tới đối tượng nào, tần suất lặp lại và rủi ro thường thấy.

Mẫu đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động
Mẫu đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

Doanh nghiệp cần điền đầy đủ các thông tin liên quan đến khu vực/ vị trí làm việc tồn tại các mối nguy và rủi ro về an toàn, lao động. Cụ thể như sau:

  • Phần A: Thông tin khu vực đánh giá

Mô tả cụ thể khu vực tồn tại mối nguy và rủi ro về an toàn, lao động tại vị trí nào, có hoạt động sản xuất chính là gì, sơ đồ mặt bằng hoặc kết quả đo kiểm môi trường (nếu có).

  • Phần B: Thông tin nhóm đánh giá

Thông tin chi tiết của người thực hiện đánh giá, chức danh, vị trí công tác và đã được tham gia đào tạo, huấn luyện về nhận diện mối nguy – đánh giá rủi ro hay chưa.

  • Phần C: Danh sách đánh giá

Trong phần này, chúng ta cần liệu kê chi tiết các thông tin liên quan đến địa điểm, khu vực đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động, các mối nguy nhận diện được, tiêu chuẩn Luật pháp liên quan, tai nạn (nếu có), biện pháp kiểm soát đang thực hiện, đánh giá rủi ro lần 1, lần 2,….

Mẫu đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động
Mẫu đánh giá rủi ro an toàn, vệ sinh lao động

Đặc biệt trong nội dung đánh giá rủi ro (lần 1, lần 2) chúng ta cần làm rõ những điểm dưới đây:

C1. Khả năng xảy ra rủi ro

Dựa trên đặc điểm của rủi ro, chúng ta cần đánh giá xem liệu doanh nghiệp có thường xuyên gặp loại rủi ro này hay không?

Số Ý nghĩa
0 Không xảy ra hoặc rất ít khi xảy ra
1 Thỉnh thoảng có xảy ra
2 Thường xuyên xảy ra

C2. Mức độ nghiêm trọng của rủi ro

Mức độ nghiêm trọng của rủi ro có thể đánh giá dựa trên nhiều khía cạnh như hậu quả có thể gặp phải, khả năng lặp lại rủi ro,…Dưới đây là một vài gợi ý thường được sử dụng:

  • Đánh giá dựa trên cấp độ rủi ro
Cấp độ Mô tả Diễn giải
A Thảm khốc Tử vong
B Cao Thương tật nghiêm trọng vĩnh viễn
C Trung bình Cần điều trị y tế
D Nhẹ Điều trị y tế (có thể quay lại làm việc)
E Không đáng kể Điều trị sơ cứu
  •  Đánh giá dựa trên hậu quả có thể gặp phải 
Mức độ rủi ro Hậu quả có thể gặp phải
0 – Nhẹ Không thương tật, bệnh tật, không vi phạm luật đinh. Ốm đau chỉ cần sơ cứu.
1 – Bình thường Thương tật nhẹ, bệnh nhẹ, không vi phạm luật định. Chấn thương cần có điều trị y tế hoặc ốm đau dẫn đến tàn tật, ốm yếu.
2 – Nặng Nghỉ việc do gặp phải chấn thương nhưng không bị mất khả năng lao động, có khả năng vi phạm vào luật định
3 – Rất nặng Chết người hoặc mất khả năng lao động, bị vi phạm luật định. Bệnh nghề nghiệp có thể làm chết người như đa nhiễm độc cấp tính, chấn thương, ung thư,…
  • Đánh giá dựa trên hậu quả và khả năng có thể xảy ra rủi ro:
Mức độ rủi ro Các yêu cầu kiểm soát
0 – Bình thường Rủi ro không đáng kể, liên quan đến những hoạt động đã có thủ tục kiểm soát
1 – Có thể chấp nhận được Rủi ro được giảm đến mức độ có thể chấp nhận được.
2 – Vừa phải, có mức độ Yêu cầu phải có biện pháp cải tiến và kiểm soát thêm, có thể yêu cầu thực hiện giám sát định kỳ.
3 – Thật sự đáng kể Không chấp nhận được nhưng hoạt động vẫn có thể cho phép được thực hiện dưới sự giám sát, quản lý đặc biệt.
4 – Không chấp nhận được Không chấp nhận được bắt buộc phải dừng hoạt động
6 – Quá đáng Rủi ro đe dọa đến sự sinh tồn của đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng.

C3. Chỉ số HRN

Chỉ số HRN (Hazard Rating Number) là sự kết hợp giữa mức độ nghiêm trọng và khả năng xảy ra rủi ro, trong đó:

  • HRN1: Là chỉ số rủi ro được xác định có sự xem xét và xác định tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát đang được thực hiện.
  • HRN2: Là chỉ số rủi ro được xác định sau khi thực hiện và hoàn thành các biện pháp kiểm soát bổ sung.

Dưới đây là bảng ma trận chỉ số rủi ro HRN.

Cấp độ E D C B A
Gần như chắc chắn (1) 15 10 6 3 1 Rủi ro cực cao
Có khả năng xảy ra (2) 19 14 9 5 2 Rủi ro cao
Có thể xảy ra (3) 22 18 13 8 4 Rủi ro trung bình
Ít khi xảy ra (4) 24 21 17 12 7 Rủi ro thấp
Hiếm khi xảy ra 25 23 20 16 11

Phần D: Phê duyệt

Phần cuối cùng là phê duyệt. Nhà quản trị nhân sự cần lấy ý kiến của giám đốc nhà máy hoặc quản lý, chữ ký và ngày phê duyệt.

Dưới đây là trọn bộ tài liệu liên quan đến nội dung đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động mà MISA AMIS sưu tầm được, độc giả có thể tham khảo để áp dụng thành công cho doanh nghiệp mình.

TẢI TRỌN BỘ TÀI LIỆU ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ RỦI RO TẠI ĐÂY 

6. Kết luận

Đánh giá nguy cơ rủi ro an toàn, vệ sinh lao động trong doanh nghiệp là hoạt động phân tích, nhận diện các nguy cơ tiềm ẩn tại nơi làm việc để, từ đó có thể chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Đây là hoạt động cần thiết và nên thực hiện thường xuyên tại doanh nghiệp nhằm đem tới môi trường làm việc an toàn, an tâm, gắn bó cho mỗi nhân viên.

Bài viết được tổng hợp và biên soạn bởi Viện Đổi mới doanh nghiệp MISA (MIBI), để cập nhật các thông tin hữu ích mời bạn đọc truy cập kho tài nguyên miễn phí về Khóa học/Video/Ebook tại Viện đổi mới doanh nghiệp MISA

Loading

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 3 Trung bình: 5]
Ngọc Ánh
Tác giả
Chuyên gia phát triển nguồn nhân lực
Chủ đề liên quan
Bài viết liên quan
Xem tất cả